Saturday, January 8, 2022

Những Mảnh Đời Rách Nát Chương 12 - Nguyễn Văn Huy & Phan Minh Hiển - Chương 12 Sống sao cho trọn kiếp người (Viết lại theo lời thuật của Võ Ngọc Chính, phế binh địa phương quân, cụt hai chân, hiện cư ngụ tại Long Hải, Vũng Tàu.)

 

Tôi sinh ra tại vùng quê đồng chua nước mặn Cần Đước, tỉnh Long An. Trong nhà có tất cả tám anh chị em. Anh Cả đi học, chị thứ ba, thứ tư mất sớm, chị Năm, anh Sáu, chị Bảy, tôi và đứa em út mới lên hai tuổi. Nhà có tám miệng ăn, cha tôi làm nghề đánh xe ngựa, mẹ tôi buôn bán tạp hóa trong nhà. Mẹ tôi là một người đàn bà đôn hậu, buôn bán thật thà, tiệm mỗi ngày một thêm đông khách hàng. Cha tôi không cờ bạc, rượu chè, chỉ lo chở khách và hàng hóa từ quê ra tỉnh. Các anh chị em tôi đều ngoan, hiền, lễ phép. Cửa hàng mẹ tôi luôn tấp nập khách, trong nhà luôn rộn tiếng cười của anh em tôi. Bà con hàng xóm ngợi khen là gia đình có phước.

Cuộc đời tưởng vậy êm xuôi, nào ngờ tai họa giáng xuống gia đình. Sau một mùa mưa, mẹ tôi mắc bệnh dịch tả, chỉ qua một đêm dằn vặt trên giường bệnh bà đã trút hơi thở cuối cùng. Tuy bà con hàng xóm có đến tận tình cứu trị nhưng bà đã không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Người mẹ thân yêu như vậy đã ra đi khi tôi vừa tròn 4 tuổi. Bà con hàng xóm ai cũng thương mến, biết bao người đã nhỏ lệ khóc tiễn mẹ tôi về lòng đất lạnh.

Gia đình tôi trải qua một khúc quanh oan nghiệt. Anh em chúng tôi cũng ít cười đùa, trong nhà mất hẳn vẻ vui tươi thường nhật. Cha tôi lúc nào cũng buồn dã dượi, ít cười ít nói hơn mọi khi. Cửa hàng tạp hóa teo hẹp dần rồi đóng cửa luôn. Bà con hàng xóm đến mua hàng là muốn được đến nói chuyện với mẹ tôi, nhiều người được bà cho mua chịu mà không cần thế chấp một vật gì cả, nay bà đã mất khách cũng mất theo. Chúng tôi còn quá nhỏ và bận đi học nên cửa hàng đóng cửa, đời sống vật chất gia đình trở nên khó khăn.

Anh Cả đành phải nghỉ học đi làm thuê, bạn ghe cho mượn xuồng đi buôn, suốt ngày sống dưới kênh rạch, nhiều khi cả tháng anh mới về thăm nhà một lần, nhưng chỉ ở lại một hôm rồi lại ra đi. Chị Năm hơn tôi 10 tuổi cũng bỏ học ở nhà thay mẹ lo việc bếp núc. Gia đình ngày càng sa sút, cha tôi buồn bã, lợi tức kiếm được do đánh xe ngựa không đủ để nuôi một gia đình đông con. Anh chị em tôi thấy cha buồn phiền cũng không dám nô đùa, những ngày này thật là ảm đạm.

Vào dịp cúng tuần giáp năm cho mẹ, bà cô ruột dắt chị Bảy và đứa em út về mãi trong đồng nuôi dưỡng, căn nhà càng thêm vắng lặng. Từ ngày đó anh Cả đột nhiên biến dạng, không thấy trở về thăm nhà sau mỗi chuyến đi buôn. Bà con hàng xóm cũng xa vắng dần, thỉnh thoảng mới có một người bác họ ở xa đến nhà thăm hỏi. Mỗi lần bác đến, nét mặt cha tôi đầy lo âu. Ông tiếp chuyện với bác ở nhà sau, chị Năm lo trà nước trong bếp còn anh em tôi ngồi nhà trước canh chừng. Bác dặn hễ thấy ai tiến vào nhà thì chạy vào báo. Bí mật hoàn toàn bí mật, tuổi thơ nào biết chuyện gì. Lớn lên tôi mới biết anh Cả đã theo Việt Minh.

Từ đó cha tôi càng lầm lì, thường ngồi trầm ngâm bên bàn nước suy tư suốt ngày. Có một đêm anh Cả về thăm nhà rồi sáng ra đi biệt dạng, tôi có nhiệm vụ canh chừng nhưng tuổi nhỏ hay mệt nên ngủ hồi nào không biết. Sự mất tích của anh Cả không giấu được hiến binh, những người theo Pháp làm lính địa phương, cha tôi bị kêu lên đồn giải thích nhiều lần. Thấy sống ở địa phương không được, ông gởi tôi và anh Sáu cho người cô họ, vốn là đại điền chủ trong huyện, còn ông âm thầm dẫn chị Năm lên Sài Gòn làm thuê cho một gia đình bán vải cũng bà con. Ngôi nhà thân thương đã âm thầm bán cho người khác. Kể từ đó gia đình trải qua một bước ngoặt mới, anh em chúng tôi mỗi người một phương, mỗi người một cách sống.

Lúc đó tôi vừa được hơn 5 tuổi. Anh Sáu và tôi ở nhà người cô. Cuộc sống mới nơi nhà người cô họ hoàn toàn xa lạ. Mỗi buổi sáng hai anh em phải thức dậy sớm rửa ly tách, lau bàn ghế, tập làm các công việc vặt vảnh. Tối đến tụng kinh niệm Phật vì bà cô họ rất sùng đạo. Đến tuổi đi học, tôi được bà cho cắp sách đến trường. Nhờ cố công học tập, năm nào tôi và anh Sáu đều được phần thưởng. Thỉnh thoảng sau mùa gặt, bà cô họ dẫn anh em tôi lên Sài Gòn thăm cha. Nghe anh em tôi được cắp sách đến trường, ngoan ngoãn và học giỏi, cha tôi rất hài lòng, ông để lộ nét hân hoan ra trên mặt, cười nói huyên thuyên. Thật hiếm thấy nụ cười trên môi cha tôi. Mấy ngày ở bên cạnh cha, được ông cho ăn, tắm rửa, tôi sung sướng vô ngần vì chưa lần nào được ông chăm sóc.

Chiến tranh Pháp – Việt đến hồi kết thúc. Giữa năm 1954, cha tôi về lại vùng quê vào đồng cất nhà, làm ruộng. Chị Năm vẫn ở Sài Gòn tiếp tục làm thuê cho người bà con chủ tiệm vải. Anh Sáu đậu vào Lycée Pétrus Ký ở Sài Gòn. Tôi được về sống cạnh cha tôi tiếp tục học hết bậc tiểu học. Giờ đây công việc nhà tôi đã khá rành, có thể tự lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa để cha lo việc đồng áng. Đến kỳ thi tiểu học, tôi được chấm đậu và trúng tuyển vào trường Pétrus Ký. Biết cha không đủ khả năng lo cho tôi lên Sài Gòn học, cũng như anh tôi, bà cô họ giới thiệu, gởi gấm ở nhà một người quen. Tại đây tôi làm đầy tớ không công để được ăn ở và đi học.

Nhưng tôi không được may mắn như anh tôi. Ngoài công việc thường nhật như sáng dậy sớm, xếp chăn màn, quét dọn, lau nhà, giặt đồ, tôi còn phải giữ em, phụ nấu ăn, dọn cơm, rửa chén, mọi việc phải làm thật nhanh để kịp giờ đi học. Có hôm đến lớp trễ, tôi phải tránh né giám thị vì đang mang dép, ở trường này học sinh bắt buộc phải mang giày có vớ. Chiều học về, lau rửa xe đạp, dọn cơm, rửa chén, dọn quét, lau nhà, ra phông ten gánh nước, dọn chỗ ngủ cho mọi người gần 9 giờ tối mới xong, sửa soạn học bài chưa được 5-10 phút thì chủ nhà tắt đèn bảo ngủ. Thắp đèn dầu hoặc đèn cầy thì chủ nhà không cho, sợ hỏa hoạn, thế là bài vở không học được. Học hành càng ngày càng bết dần, thua sút bạn bè. Cố gắng được hai năm, tôi đành bỏ học về quê sống với cha. Tôi biết cha tôi buồn lắm, nhưng ông hiểu rõ cảnh cơ cực của tôi khi ở trong gia đình này nên không nỡ rầy trách.

Từ đó tôi bắt đầu làm quen với nếp sống ruộng đồng. Nhổ cỏ mạ, câu cua, đặt vó bắt cá kèo, lươn, ếch, chuột đồng trở thành một nghề mới. Nhờ cố tâm học hỏi, cá cua bắt được dư ăn tôi đem ra chợ bán lấy tiền mua sách vở học thêm, trau dồi kiến thức. Tối đến tôi đọc truyện Tàu cho cha cùng một vài người hàng xóm nghe, mọi người đều vui vẻ. Trong thời gian này, cha tôi cố tìm ra tung tích người anh Cả qua những người kháng chiến cũ trở về nhưng bặt tăm vô tín.

Năm 17 tuổi, tôi đi làm thuê xa ở các vùng cửa biển. Thời gian này tôi tiếp xúc, học hỏi nhiều ở những người bần hàn lao động, chứng kiến bao cảnh ức hiếp, bất công của chủ nhân và bè phái đối với những người khốn khó, tha phương cầu thực như tôi. Tôi mới biết ở đời lòng người nham hiểm không lường. Ngoài việc mua bán cá biển tôi phụ làm cơm cho các anh em, thức ăn có chủ lo. Những khi làm đêm tôi lãnh tiền phụ trội do đó có dư chút tiền. Tôi tiêu xài tằn tiện, tiền làm phụ trội để dành sắm sửa quần áo và mua quà gởi về cho cha tôi và hàng xóm. Toàn bộ lương hàng tháng tôi gởi về cho cha để cha tôi khỏi phải nhọc nhằn trong cuộc sống và cũng để chứng tỏ tôi đã khôn lớn đủ sức bước vào đời một mình. Những hành động này có lẽ đã làm cha tôi an tâm và ông đi thêm một bước nữa. Bà mẹ kế đem bà chị và đứa em út về chung sống. Anh Sáu tốt nghiệp ra trường làm giáo viên, nghe đâu được bổ nhiệm ở Sài Gòn. Gia đình, anh chị em tôi đến đây tạm ổn.

Tôi bỏ nghề làm thuê mua bán cá biển và bắt đầu lênh đênh phiêu bạt. Đi đến đâu tìm việc đến đó, ở đâu tôi cũng thấy đầy rẫy bất công. Rồi chiến tranh bộc phát, tôi cũng như mọi thanh niên khác gia nhập quân đội. Tôi đầu quân vào lực lượng địa phương quân để được ở gần nhà. Rời trường huấn luyện sau vài tháng học tập, tôi được cầm súng bảo vệ quê hương. Địa phương tôi đóng quân trở nên bất ổn, quân cộng sản xâm nhập ngày càng đông, thế là bom đạn, đại pháo nã xuống các nơi tình nghi có quân địch. Hai bên đánh phá lẫn nhau liên tục, đồng bào, ông già bà cả, trẻ thơ vô tội đều bị họa lây. Trước những thảm kịch này, tôi chỉ là một người lính quèn, bất lực nhìn cảnh máu chảy thịt rơi.

Trải qua bao đơn vị, dự bao trận đánh, những anh em, bạn bè lần lượt nằm xuống. Rồi một ngày kia lại đến lượt tôi. Ngày 12-10-1965, trong trận giao tranh tôi đạp phải mìn đành bỏ lại đôi chân tại vùng đất Đức Hòa, thuộc tỉnh Long An. Suốt mấy tháng nằm giữa bốn bức tường vôi của Tổng Y Viện Cộng Hòa, tôi buồn tủi cho thân phận. Mới 25 tuổi đầu đã mang thân tàn phế.

Chứng kiến bao cảnh đời nghiệt ngã của người lính khi mang thương tật, tôi muốn chết đi cho rảnh nợ đời. Nhưng còn cha già, hơn nữa trước sự ân cần của các bác sĩ, y tá bệnh viện, thấy sự tận tụy của những y sĩ lương tâm tôi thức tỉnh trở lại. Tôi thấy cần phải sống để làm một cái gì đó giúp ích cho người, cho đời. Từ đó tôi yên tâm điều trị và sáng tác được mấy bài vọng cổ.

Chiến tranh mỗi ngày một lan rộng, chết chóc đau thương lan tràn, xóm làng, vườn tược tan nát. Không vùng quê nào còn được yên tỉnh. Những người dân quê mộc mạc dắt díu nhau chạy lên chốn thị thành lánh nạn, tìm kế sinh nhai. Cha mẹ kế dời nhà lên Sài Gòn ở Quận 8. Anh Sáu được quân đội cho biệt phái về Bộ Giáo Dục làm giáo viên. Xuất viện tôi về nhà cha mẹ kế. Bạn bè lần lượt đến thăm, nhờ đó tôi biết được tin tức của bạn bè, anh em kẻ còn người mất, tôi rất lấy làm an ủi.

Duyên đâu dung ruỗi. Cạnh nhà tôi có cô gái quê gốc Cần Giuộc cùng tỉnh Long An, theo gia đình tản cư lên Sài Gòn lập nghiệp, ngõ ý thương tôi. Cha mẹ cô cũng không chê tôi tàn phế, cho cô về làm vợ tôi để chăm sóc và an ủi tôi. Gia đình tôi ai cũng hài lòng. Cô ta chấp nhận lời giao kết của tôi: tuy chung sống nhưng phải được tự do, việc ai nấy làm, tiền bạc ai nấy sử dụng. Tôi cố tránh sự bẽ bàng có thể xảy ra mà tôi đã chứng kiến những anh em tàn tật như tôi. Hơn nữa thâm tâm tôi muốn sau này làm theo ước vọng của tôi. Đời tàn phế như vậy kể ra có nhiều may mắn, tôi thấy nhiều anh em cùng cảnh ngộ như tôi rất là long đong, đi đâu cũng bị người ta khinh dễ và coi thường.

Tết Mậu Thân 1968, khói lửa, bom đạn tràn vào Sài Gòn. Nhà cửa tôi bị thiêu rụi, chỉ còn một đống tro tàn. Nhà cửa và đồ đạc của cha mẹ kế cũng bị cháy sạch. Anh Sáu được lệnh tái ngũ và đưa ra Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Cha tôi về quê tá túc với người anh chú bác. Mẹ kế xuống Long Hải ở với chị Bảy. Còn tôi thì vào Viện Quốc Gia Phục hồi học nghề đánh máy chữ và kế toán, ăn nhờ cơm của viện chờ ngày lãnh sổ cấp dưỡng phế binh.

Vợ tôi đi làm thuê, hàng tuần đến viện thăm tôi, cho chút đỉnh tiền bạc và kho nấu thức ăn dự trữ, tôi chia sẻ những món ăn này với anh em chung phòng vì cơm tập thể lúc nào cũng khó ăn. Tôi gắng sức học nghề, số tiền vợ cho được dùng để giao tiếp với những anh em phụ trách làm sổ cấp dưỡng ở Bộ Cựu Chiến Binh. Nhờ thế, hơn 4 tháng sau ngày giải ngũ tôi được cấp sổ cấp dưỡng phế binh. Đây là một trường hợp khá đặc biệt, nhiều phế binh xuất ngũ khác có người phải chờ một vài năm mới nhận được sổ. Gia đình các tổ phụ, quả phụ càng thê thảm hơn, thậm chí có người phải chờ từ 4 đến 5 năm. Bất hạnh vẫn còn tiếp tục với người tàn phế.

Ngày cầm sổ vào ngân khố lãnh lương, tôi thấy cảnh ăn chực nằm chờ của bà con, anh em phế binh, tiếng kể lể than vãn nghe sao thật nảo lòng. Lãnh xong, tôi chia số tiền lãnh được ra làm bốn phần: một phần gởi về cho cha và người anh chú bác đã bảo bọc cha già trong suốt thời gian qua, một phần gởi cho mẹ kế và chị Bảy ở Long Hải, một phần cho vợ và mua quà cáp cho cha mẹ vợ, và phần còn lại để dành mời anh em phụ trách làm sổ cấp dưỡng tại bộ. Sau những lần mời qua mời lại, anh em phụ trách cho tôi qua phòng lựa những hồ sơ lưu trữ phế binh, tổ phụ và quả phụ lâu năm rồi chưa được giải quyết. Anh em trong phòng tận tình hướng dẫn cách thức sắp xếp, tôi tận tụy làm việc suốt ngày. Hồ sơ nào còn thiếu sót giấy tờ chi, tôi làm văn thơ nhờ trưởng phòng ký rồi gửi đến từng gia đình đương sự để bổ sung. Thỉnh thoảng tôi còn mời anh em trong phòng dùng cơm trưa.

Mới đầu anh em thấy tôi làm việc tận tụy không công mà còn chịu chi tiền, anh em nghi ngờ tôi làm như vậy để ăn tiền những hồ sơ chờ giải quyết, hoặc giúp những người thân. Họ có biết đâu nguyên tắc làm việc của tôi rất giản dị, khi hồ sơ nào hoàn tất, tôi nhờ ban văn thư của bộ gởi cuốn sổ thẳng về các ty cựu chiến binh nơi đương sự cư ngụ chứ không mời đương sự đến bộ lãnh sổ. Không phải chỉ riêng một tỉnh mà trái lại tôi gởi những cuốn sổ cấp dưỡng đi nhiều tỉnh khác nhau và cũng không riêng gì một binh chủng mà trái lại tôi giải quyết hồ sơ thương phế binh ở nhiều binh chủng khác nhau, cả chủ lực quân lẫn địa phương quân và nghĩa quân. Anh em thắc mắc hỏi, tôi trả lời:

– “Thấy cảnh thương tâm của những người mang thương tật, tôi hiểu và chia sẻ với họ nỗi đau nên không muốn họ chờ đợi mãi một quyền lợi mà đáng lý ra họ phải được hưởng sớm nhất. Trong khi tôi ở đây ăn không ngồi rồi cần làm công việc gì đó cho ngày tháng. Sở dĩ tôi mời anh em ăn uống là vì quý mến anh em chứ không gì khác. Gia đình tôi tuy không dư giả gì nhiều nhưng cũng không đến nỗi thiếu ăn, số tiền tôi lãnh được sau khi đã chia cho người thân phần còn lại để tiêu xài. Ở đây tôi chẳng sắm sửa gì nên thỉnh thoảng mời anh em cùng nhau ăn uống, nói chuyện cho vui. Thế thôi!”.

Mặc dù vậy, việc làm của tôi vẫn có nhiều người gièm xỉa, nói xấu nhưng tôi vẫn kiên tâm, nhã nhặn với từng người. Tôi tự nhủ lòng: “Mặc kệ những lời khen chê, mình cố gắng làm phận sự của mình, giúp được người nào hay người đó, miễn sao lương tâm mình không hổ thẹn là được rồi”. Nhìn các đống hồ sơ trong các tủ vơi dần, cảnh ăn chực nằm chờ ở bộ cũng giảm, lòng tôi vô cùng thanh thản. Anh em, cô bác những anh em thương phế binh, những người đã chịu nhiều mất mát, đau thương trong cuộc chiến sớm có được niềm vui hay niềm an ủi rằng mình không phải là một gánh nặng thêm cho gia đình. Từ đó tôi bình thản tiếp tục công việc sắp xếp hồ sơ, gởi thư về các địa phương kêu gọi những đương sự bổ túc các giấy tờ thiếu sót để họ mau chóng nhận sổ ấp dưỡng.

Qua những chồng hồ sơ này, tôi mới biết trong thân tộc hai bên nội ngoại và bên vợ đều có nhiều thanh niên trong lứa tuổi của tôi bị tàn phế hay bị tử trận. Tôi cũng gởi thư về gia đình các đương sự yêu cầu bổ túc các giấy tờ thiếu sót nhờ đó mà các sổ cấp dưỡng đã được đến tay những người đó trong những điều kiện sớm nhất. Vòng đai thân tộc bên phía cha, phía mẹ ruột, phía mẹ kế và cả bên phía cha mẹ vợ, mọi người đều dành cho tôi nhiều cảm tình đặc biệt, hai bên nội ngoại đều rất hài lòng.

Ở vùng quê cha tôi không được khỏe. Mặc dù vợ và em út thường về thăm viếng, cung cấp thuốc men và tiền bạc cho cha nhưng tôi vẫn không an tâm. Đường sá về nơi cha tôi ở càng ngày càng mất an ninh, tôi cũng không dám đi về một mình lỡ có chuyện gì thì ân hận suốt đời. Hơn nữa, vợ tôi có mang đứa con đầu lòng sắp tới ngày sinh, cần bớt đi lại trong thời kỳ sinh nở. Trong lúc này lòng tôi rối bời. Cũng may là nhờ cha vợ và đứa em gái phụ giúp tiền bạc, tôi cất lại căn nhà cũ trên nền nhà bị cháy ở quận 8 hồi Tết Mậu Thân. Ngôi nhà nhỏ được anh em, bạn bè ở Viện và Bộ Cựu Chiến Binh phụ giúp xây lên nên hoàn thành khá nhanh. Lòng tôi vô cùng cảm động và sung sướng. Cuộc đời phế binh như vậy là may mắn lắm rồi.

Khi nhà vừa làm xong, việc đầu tiên là ra chợ mua liền một tủ kiếng để trưng hình mẹ tôi lên thờ. Ngày ăn tân gia, trên bàn thờ mẹ khói hương nghi ngút, tôi cố ý chọn đúng ngày giỗ lần thứ 22 của bà để tổ chức. Hôm ấy trong căn nhà đơn sơ nhỏ nhắn mọi người đều đến đông đủ,các anh chị em cùng những anh em, bạn bè đều cùng có mặt. Đứng trước bàn thờ của mẹ, cha tôi đốt nhang lâm râm khấn niệm, không khí trang nghiêm, lặng lẽ, anh chị em tôi đều sụt sùi nhỏ lệ làm mọi người xúc động theo. Cúng lễ xong, mọi người ngồi vào bàn tiệc, tuy đơn sơ, đạm bạc nhưng ai nấy đều thật lòng nên buổi tiệc thêm phần vui vẻ. Nhà không đủ chỗ ngồi, thanh niên trai trẻ ngồi xuống nền xi măng ăn uống, còn bàn ghế thì dành cho các bậc trưởng thượng.

Anh em trong Viện và Bộ Cựu Chiến Binh tình nguyện phụ giúp tôi treo lên tường những bức tranh, kỷ vật thân tặng để tỏ chút tình quí mến.´Ăn uống đến khuya, anh em bạn bè lần lượt ra về, những người thân trong gia đình chia nhau tìm chỗ nằm nghỉ. Niềm vui thật là trọn vẹn. Ngày hôm sau, mọi người ai về nhà nấy, riêng cha tôi thì ở lại với chúng tôi. Vợ tôi tiếp tục đi làm, sáng đi chiều về, làm bổn phận vợ hiền, dâu thảo.

Thỉnh thoảng tôi đến Viện, đến Bộ thăm anh em. Lúc này hồ sơ cũng ít tồn đọng nên anh em làm việc rất nhàn hạ, chỉ khi nào có bà con, bạn bè trực tiếp nhờ tôi mới vào can thiệp. Sau ngày ăn tân gia không lâu, vợ tôi về lại nhà cha mẹ ở kế bên để được chăm sóc. Đến ngày sinh nở, vợ tôi cho ra đời đứa con trai đầu lòng. Sau hơn ba tháng được bà ngoại tận tình nuôi dưỡng, hai mẹ con về lại nhà. Vợ tôi phải đi làm việc liền sau đó, cháu bé được ông nội chăm sóc, nuông chiều.

Anh Sáu, một lần nữa, được biệt phái về Bộ Giáo Dục, làm giáo viên trường Âu Dương Lân, quận 8 gần nhà, sau mấy năm cầm súng chiến đấu tại vùng U Minh, miền tận cùng đất nước và đã tham dự biết bao trận chiến kinh hoàng, khốc liệt. Tạ ơn trời đất đã cho anh trở về bình an, lành lặn. Anh đưa vợ và con từ dưới quê vợ lên Sài Gòn, cất nhà phía sau để ở. Các anh chị em tôi, dần dà ai cũng lập gia đình, có công ăn việc làm ổn định. Cha tôi rất mừng khi thấy gia đình các anh chị em sống trong hòa thuận và đùm bọc. Tuy vậy, ông vẫn còn nỗi buồn da diết là không có tin tức của người anh Cả, nghe đâu thiên hạ đồn anh đã chết.

Chương trình phát triển đô thị được thi hành. Căn nhà anh Sáu nằm trong khu vực bị giải tỏa vì người ta dự phóng xây dựng một con lộ. Tôi cùng vợ con xuống Vũng Tàu thuê nhà ở, nhường nhà lại cho anh chị Sáu phụng dưỡng cha già vì gia đình anh đông con, lương ít.

* * *

Vũng Tàu thuở ấy là nơi tập trung thương phế binh, quả phụ và cô nhi tử sĩ, có Bệnh Viện Tê Liệt, Quân Y Viện Nguyễn Văn Nhứt, An Dưỡng Đường và hai làng phế binh. Anh em phế binh ở đây đều khá giả nhờ vợ con đi làm sở Úc, sở Mỹ. Thấy tôi xuống, anh em mừng lắm, chỉ trong hai tuần là thuê được nhà. Chủ nhà cũng là phế binh nên sẵn sàng cho chúng tôi mượn bộ giường ván, bàn ghế. Anh em, bạn bè cũng tìm giùm một chỗ buôn bán ngoài chợ Bến Đình. Nhà cửa được ổn định, ngày ngày vợ tôi nấu cơm tấm mang ra chợ bán, đi từ rạng đông đến khi tan chợ, chiều về nghỉ ngơi và chuẩn bị thức ăn cho ngày hôm sau. Công việc tuy mệt nhọc nhưng có đồng ra đồng vào, đời sống không đến nỗi tệ. Thỉnh thoảng có dư chút đỉnh, chúng tôi gởi tiền và quà về Long Hải cho mẹ kế và chị Bảy vì gia đình chị rất nghèo. Mỗi tam cá nguyệt tôi lại về Sài Gòn lãnh tiền trợ cấp và cũng không quên ghé thăm và chu cấp cho cha và anh Sáu cùng cha mẹ vợ một ít tiền bạc.

Với thời gian, chúng tôi có thêm hai cháu gái, gia đình bắt đầu sống trong chật vật. Vì lòng tự trọng, tôi không muốn anh em, bạn bè nhìn thấy cảnh khó khăn của gia đình, tôi giảm giao tiếp với mọi người. Cuộc sống nơi chốn thị thành có nhiều cám dỗ, tôi thấy nhiều người đã bị sa ngã. Thêm vào đó con cái chúng tôi bắt đầu khôn lớn, không muốn chúng bị ảnh hưởng bởi môi trường sống chung quanh, nhất là khi đời sống vật chất của gia đình thua kém mọi người, và có lẽ cũng sợ một ngày nào chúng sa ngã theo, chúng tôi có ý định dọn đi nơi khác. Nhân dịp gia đình một anh phế binh thân thiết vừa tạo được một ngôi nhà và miếng vườn nhở ở cầu Nước Trong, quận Long Thành, ngỏ ý nhờ tôi lên đó ở và trông nom giùm, tôi liền bằng lòng. Thật là “buồn ngủ gặp chiếu manh”.

Sau khi trả lại nhà cửa, đồ đạc cho chủ nhà, tôi từ giã bạn bè thân thiết rồi cùng vợ con dọn về Long Thành. Căn nhà thật là lý tưởng, nền lát gạch hoa, cạnh nhà có giếng nước và máy bơm tưới cây. Các nhà chung quanh cách xa nhau bởi hai mảnh vườn. Vợ tôi bắt đầu tập làm vườn, nhờ cố gắng học hỏi, cỏ rác trong vườn sạch sẽ, giữa hàng cây ăn trái còn có những liếp khoai lang sum suê, đàn gia súc chăn nuôi phát triển trông thấy, kể cả của tôi và của bạn. Vợ chồng bạn lên xem rất hài lòng, tình bạn càng thêm thắm thiết, hàng tháng hoặc hàng tuần anh ta gởi đồ ăn lên cho.

Mặc dù cụt mất hai chân, tôi vẫn thường chống nạng đi đây đi đó thăm hỏi bà con lối xóm. Tại đây tôi giao tiếp mật thiết với tất cả mọi người, đa số là thành phần dân quê mộc mạc. Gia đình tôi tuy ăn uống kham khổ nhưng không tốn kém bao nhiêu nhờ có cây nhà lá vườn, mỗi tuần chỉ đi chợ một lần. Thằng con lớn khá thông minh, tôi kèm qua quýt như vậy mà mới 5 tuổi đã biết đánh vần đọc được báo trong khi con em ở đó trọng tuổi hơn, học trường công một vài năm mà vẫn chưa đánh vần đọc được chữ. Thấy vậy một vài người hàng xóm đưa con đến nhờ tôi dạy kèm. Nhà không có bàn, tôi chỉ đóng được một tấm bảng đen máng trên vách và một băng ghế dài. Các em nhỏ đến học ngồi bẹp dưới đất và tập viết trên băng ghế. Các em thưa thầy xưng con rất mực cung kính, thật là cảm động. Nơi khỉ ho cò gáy này mà các em nhỏ vẫn còn giữ lễ phép là một niềm an ủi lớn. Từ đó tình thầy trò càng thêm thắm thiết. Thầy tận tâm, trò cố gắng, trình độ học tập tiến bộ nhanh.

Tiếng tốt đồn xa, bà con trong ấp lần lượt đến gởi con nhờ tôi dạy kèm, trình độ từ lớp mẫu giáo đến các lớp Một, Hai, Ba, Bốn, Năm, kể cả các lớp luyện thi tiểu học. Tôi nhận tất cả vì nghĩ rằng nếu trình độ học sinh ở đây cao lên, đó là niềm hãnh diện chung cho cả ấp. Thì giờ có hạn, tôi chia ca ra dạy. Nhà không có lúc nào thiếu vắng học sinh đến học, thế là nghiễm nhiên tôi trở thành ông giáo làng. Vợ tôi rất lấy làm hãnh diện, tôi có cảm tưởng mình vẫn còn có ích cho đời. Nơi đây đời sống nghèo khó, những bậc phụ huynh ít khi trả học phí cho con học thêm bằng tiền bạc, họ thường mang cho những loại cây trái trong vườn như sầu riêng, chôm chôm, xoài, ổi, mít tố nữ, mãng cầu gai… Tôi thực sự tìm thấy niềm vui ở nơi thôn dã này. Mỗi lần về Sài Gòn lãnh lương, tôi không quên mua sắm một ít quà cáp mang về biếu lại. “Bánh sáp có đi, bánh quy trở lại”, đó là lẽ thường tình.

Từ đó chúng tôi trở thành một gia đình có uy tín ở địa phương. Không buổi tiệc cưới, tang ma, giỗ chạp nào mà tôi không được mời dự. Mỗi lần như vậy tôi không đến tay không, không mang rượu thì cũng bia hay bánh mứt. Suốt năm đều có giỗ chạp, hôm nay tiên thường, ngày mai chánh giỗ…, mỗi đám giỗ thường kéo dài tư một đến hai ngày. Khoảng 4 giờ chiều khách khứa đến, chủ nhà cúng cơm xong mời khách chuyện trò ăn uống đến khuya. Có nhà vật heo, có nơi vật bò, lấy đồ lòng nấu cháo đãi khách đến 5 giờ sáng. Ăn xong, ai bận công việc thì cứ ra về nhưng đến 11 giờ trưa hôm sau phải trở lại dự tiếp, nếu không sẽ bị chủ nhà phiền lòng. Riêng tôi thì chủ nhà thường giữ lại suốt đêm tiếp đãi tận tình, nhiều lúc uống nhiều quá tôi say túy lúy.

Nhiều gia đình khá giã, mỗi khi có đám giỗ thường có làng lính đến quanh co hạch sách, chủ nhà nhờ tôi ra ngồi bàn tiếp lính vì trước kia tôi cũng là lính như họ, do đó khi làng lính ăn uống no say thì ra về vui vẻ, không làm khó dễ gì. Sau này tôi mới biết được trong đám lính ấy có cán bộ cộng sản trà trộn vào, giả bộ dò hỏi xem xét gia đình tổ chức đám giỗ thuộc thành phần nào để sau đó cho cán bộ kinh tài chặn đường đóng thuế. Ngoài chuyện đó ra, đời sống ở thôn quê vô cùng thoải mái, tôi không còn mặc cảm nhiều về thương tật của mình.

Trong khi đó, tại những nơi khác chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, tan tóc phủ trùm. Tin tức nghe được qua báo chí và đài phát thanh làm tôi lo sợ. Nhiều tỉnh thành lần lượt lọt vào tay quân cộng sản, rồi chiến tranh đột ngột kết thúc. Toàn miền Nam bị đặt dưới quyền thống trị của phe cộng sản sau ngày 30-4-1975. Theo thói thường tình sau mỗi cuộc chiến, kẻ thắng trận thì lên ngôi vua, kẻ thua trận xuống hàng chó ngựa. Tôi hiểu rõ hơn ai hết thân phận của mình, tôi đã từng cầm súng chống lại những người cộng sản trong chiến cuộc đã qua. Mặc dù chỉ là một con tốt vô danh trong cuộc chiến và nay bị tàn phế, trước sau gì tôi cũng sẽ bị trả thù, đày đọa như bao người khác.

“Củi đậu nấu đậu, đậu trong nồi khóc kêu sao không biết xót thương”, đó là một câu trong bài vọng cổ mà tôi thích nhất. Tôi thích câu này không phải vì nhịp điệu lên xuống của bài ca mà ở ý nghĩa của nó. Câu này nhắc nhở mọi người Việt hãy thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Hay gì cảnh người Việt hành hạ, giết chóc người Việt. Địa phương nơi tôi ở, 90% dân chúng là thành phần “cách mạng”, thấy tôi bị tàn tật họ không nói gì nhưng những gia đình khá giã có con em đi lính hay làm công chức cho chế độ cũ, nhất là những gia đình có con em là sĩ quan hay công chức cao cấp trong guồng máy cầm quyền cũ thì đời sống rất là khốn nạn. Nhà cửa bị tịch thu, vườn tược bị chiếm đoạt và cả gia đình phải rời đi nơi khác nều may mắn người chủ gia đình không bị bắt đi học tập cải tạo.

Đề tài trong lúc trà dư tửu hậu của những người này là chiến công của phe cộng sản và tội ác của bọn Mỹ Ngụy. Trước cảnh thay trắng đổi đen như vậy, với tâm trạng là phế binh ngụy thì lòng tôi càng ray rức. Tôi bàn với vợ tôi phải dọn đi nơi khác vì trước đây có nhiều lần tôi hăng máu đả kích những hành vi tàn ác của phe cộng sản trong những buổi tiệc. Hay tin này bà con cô bác thương mến gia đình chúng tôi cố đến khuyên giải không nên đi, ở đây họ sẽ hết lòng che chở và cò hứa hẹn chu toàn cho gia đình tôi. Trước tấm thịnh tình này, tôi chân thành cảm tạ nhưng lòng tôi đã quyết nên vẫn chuẩn bị rời khỏi nơi đây. Hơn nữa đây cũng không phải là nhà của tôi, nhân có người về Vũng Tàu tôi nhắn bạn tôi lên nhận lại nhà. Đàn gia súc gầy dựng trong suốt thời gian qua được đem ra chợ Long Thành bán, nhờ đó cũng có chút tiền để đi nơi khác. Khi bạn tôi lên nhận nhà, cảnh chia tay thật là cảm động. Hai gia đình đều khóc tiễn nhau.

Tôi về Long Hải tá túc với gia đình chị Bảy. Gia đình chị Bảy vốn đã nghèo khó, nay có thêm gia đình tôi về đời sống càng khó hơn. Vợ tôi phải đi gánh nước thuê, tối về chăm sóc cho ba đứa trẻ. Nhìn vợ làm lụng cực khổ, chạy ăn từng bữa, tôi thấy xót xa trong dạ. Tôi đánh liều mở lớp dạy kèm cho các em nhỏ ở gần nhà. Nhà cửa chật hẹp, không có đủ chỗ ngủ lấy đâu lấy chỗ dạy kèm, tôi liền ra chợ mua cây gỗ và mấy tấm tranh về lợp mái hiên và đóng vài cái bàn nhỏ làm lớp học. Công việc không phải dễ dàng, chính quyền địa phương gọi tôi lên ủy ban nhân dân chất vấn nhiều lần, công an đến kiểm tra hộ khẩu nói tôi vi phạm luật pháp vì không có giấy phép hành nghề. Tôi nói gia đình tôi nghèo khó quá, thân tôi tật nguyền nên mở đại lớp học để dạy những em nhỏ kiếm tiền. Nghe vậy họ để tôi yên một thời gian để quan sát, thấy tôi chỉ đơn thuần dạy cho các em tập đọc, tập viết nên họ làm lơ.

Ông hàng xóm tốt bụng thấy tôi chịu khó, cho tôi một vuông đất nhỏ sát hàng rào nhà ông để dựng một túp lều tranh, vừa làm chỗ ở vừa làm chỗ đạy học. Từ đó gia đình tôi được cấp hộ khẩu và định cư luôn tại vùng này. Tuy nghề dạy học thu nhập chẳng là bao nhiêu nhưng có được miếng ăn qua ngày, vợ tôi cũng kiếm được một chỗ ngồi mua bán ngoài chợ Long Hải nên có thể phụ giúp gia đình chị Bảy. Mẹ kế, cha ruột và cha mẹ vợ lần lượt qua đời vì tuổi già sức yếu. Điều mà tôi mãn nguyện là các đấng sinh thành về cõi vĩnh hằng có đầy đủ mặt con cháu và được đưa về quê cha, đất tổ, yên mồ, yên mả. Những lúc được nghỉ ngơi, tôi xót thương cho những anh em phế binh không được may mắn như tôi. Đời sống của tôi tuy có khó khăn nhưng cũng chưa đến nỗi bị chà đạp nhân phẩm. Tôi biết có nhiều trường hợp anh em bị vợ con khinh rẻ, phải lang thang cầu thực nơi đầu đường, xó chợ. Nào đã được yên, chính quyền còn lùng bắt họ đưa đi các trại tập trung lao động vì bị xếp vào thành phần tệ đoan xã hội. Bị tật nguyền và không có người giúp đỡ trong chế độ này là một tội lỗi phải bị trừng phạt.

Vợ tôi cho ra đời thêm một đứa nữa, cuộc sống ngày thêm khó khăn. Gia đình đông con trong thời buổi này là một bất hạnh. Trước kia người ta thường chúc nhau con cháu đầy đàng, ngày nay không còn hợp thời nữa. Con cái tôi được cấp sách đến trường một vài năm rồi phải nghỉ học ở nhà làm mướn. Tôi cũng già theo tuổi thời gian, các lớp học tư ngày càng vắng vẻ vì cha mẹ các em cũng không có tiền cho con học tư, phần lớn đã bỏ như các con tôi đi tìm việc làm ở các nơi khác. Dòng đời lặng lẽ trôi đi, quanh tôi chỉ toàn màu đen ảm đạm, con cái tôi lớn lên trong khó khăn, tiếng cười đùa cũng thưa thớt dần. Rồi có đứa tới tuổi trưởng thành, lập gia đình sinh con đẻ cái như mọi người khác.

Có lẽ sống mãi trong kiếp bần hàn, may mắn cũng chán nản đội nón ra đi. Con cái chúng tôi không khá gì hơn cha mẹ chúng mặc dù đang là tuổi trẻ, nghĩa là bồng bềnh, bấp bênh. Chồng của đứa con gái thứ ba chết trong một tai nạn ở rừng. Đứa con rễ theo đoàn xe be vào rừng đốn cây, trong một ngày mưa gió đường sá trơn trợt, nó đang lúi húi dưới gầm xe chêm bánh xe cho khỏi bị trượt lùi chẳng may những sợi dây cật các thân trên xe bị đứt, nó bị hai thân cây lăn xuống đè bẹp nát đầu và nát chân. Nó chết đi để lại đứa con thơ mới lên 5 tuổi, vợ chồng tôi đành phải mang con và cháu về nhà nuôi dưỡng. Có sống trong cảnh này mới biết thế nào là đau thương, đen tối.

Đối với con cái, cha mẹ nào cũng vậy chỉ mong cho chúng trở thành những người hữu ích cho xã hội. Tâm nguyện của tôi là hy vọng trong cuộc sống các con tôi có những đức tính tốt của loài người là lòng vị tha thương, bao dung và độ lượng. Chúng tôi thường dạy các con thương người như thể thương thân, sẵn sàng cứu giúp khi ai xảy bước chân và độ lượng tha thứ những kẻ đã hãm hại mình. Dù nghèo hay giàu phải luôn luôn tự vấn lương tâm mình, trong đời có thể làm bất cứ điều gì miễn sao không ngượng với chính lương tâm của mình là được, mặc cho tiếng đời khen chê. Giữ được như thế thì lương tâm sẽ luôn thanh thản.

Mặc dù có những lúc bi quan, tôi vẫn tin tưởng vì sao chiếu mạng. Ông Trời luôn luôn có mắt, những gian truân mà tôi đã trải qua chỉ là những thử thách của cuộc đời. Trồng cây nào ăn trái đó, quả đúng như vậy. Cuối năm Giáp Tuất 1994, tôi được một vị đại ân nhân ở Pháp tặng cho tôi một chiếc xe lắc tay, người đó là bác sĩ Phan Minh Hiển. Với chiếc xe này, nhân phẩm tôi đã được tìm lại, tôi dùng phương tiện thân thương này với những hàng chữ: Hội Médecins du Vietnam (Pháp) bảo trợ, đi khắp nơi để nói với mọi người rằng những người khốn khổ ở Việt Nam không bị bỏ quên. Hai mươi năm trời xa cách không làm cộng đồng người Việt hải ngoại dứt tình với quê hương. Mà quê hương dân tộc là gì nếu không phải những người nghèo khó, bị thua thiệt như chúng tôi. Tập thể anh em thương phế binh chúng tôi đã được hồi sinh.

Tiếp theo là các ông Nguyễn Trần Vũ và John gởi quà tặng thêm quà tiền cho gia đình chúng tôi. Từ đó tôi có phương tiện đi lại và tiền bạc để thăm viếng các anh em cùng cảnh ngộ trong vùng và hướng dẫn giúp đỡ. Nghe tôi ca ngợi công đức của ông bác sĩ cùng các ân nhân độ lượng Việt kiều ở hải ngoại, nhiều anh em phế binh viết thư xin giúp đỡ. Lời thỉnh cầu của tập thể anh em phế binh đã được nghe, mọi người trong vùng lần lượt nhận được quà tặng như xe lắc tay, xe lăn, nạng chống, tiền bạc, thuốc men do Hội Médecins du Vietnam, các hội đoàn thiện nguyện khác và các ân nhân hảo tâm Việt kiều từ khắp nơi gởi tặng.

Những món quà thân thương đầy tình nghĩa của các ân nhân không những có giá trị cao về vật chất mà còn thể hiện tinh thần đùm bọc cao quý. Tập thể anh em phế binh chúng tôi có được niềm tin trong cuộc sống, thấy lại những nụ cười từ lâu héo hắt trên môi trẻ thơ và nhất là tìm lại một phần nhân phẩm từ lâu bị chà đạp của những người cùng khổ. Lòng tôi dâng lên niềm xúc cảm sung sướng vô ngần, mặc dù quanh tôi luôn đầy rẫy những khó khăn. Chúng tôi sẵn sàng chịu đựng những phong ba, bão táp và nanh vuốt của bất cứ ai không muốn chúng tôi có cuộc sống khá hơn. Chúng tôi bất chấp tất cả, hơn hai mươi năm rồi, sức chịu đựng đã tới mức giới hạn, ép quá sẽ bùng lên thôi, chúng tôi không còn gì để mất nữa. Chúng tôi chỉ muốn được mọi người nhìn nhận nhân phẩm mà thôi.

Chúng tôi cầu mong, với những điều kiện sẵn có, quý vị ân nhân trong giới văn nghệ sĩ, quý vị lãnh đạo tôn giáo trong cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới, hãy gióng lên những hồi chuông đánh thức lương tâm nhân loại, kêu gọi những người có trách nhiệm nơi đây trả lại chúng tôi cuộc sống bình thường. Công đức cao đẹp này sẽ muôn đời bất diệt.

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment