Saturday, December 6, 2014

Nhân ngày Quân Lực 19 tháng 6 / Thuơng Nhớ Chú Phan Trọng Sinh


Phan Tuyết Anh 
http://PhanTrongSinh.blogspot.com 

Trước năm 1975, tôi chỉ là một nữ sinh của trường trung học Trưng Vương, Saigon. Tuy trưởng thành vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt của đất nước, nhưng đời sống được bảo vệ bởi chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nên tôi vẫn được nhìn và hưởng một đời sống thật tốt đẹp tại thủ đô Saigon.

Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đó, tôi đã biết ghét những người chỉ ăn chơi, nhẩy đầm ở thành phố mà không nghĩ đến sự hy sinh của quân đội ngoài chiến trường. Tôi biết mỉa mai họ, ghét họ, chỉ trích họ. Nhưng chính bản thân tôi, cũng chưa cảm nhận sâu sắc được sự thiêng liêng, cao cả của những hy sinh, mất mát mà người lính phải đối diện. Cũng như qua hình ảnh của gia đình, tôi luôn luôn hãnh diện về ông nội tôi: Thiếu Tá Phan Trọng Vinh với bộ quân phục trang trọng, đẹp quá, oai phong quá! Ðám tang của ông thật đông người đưa tiễn, bao nhiêu sĩ quan Pháp-Việt phải ngả mũ chào trước linh cữu của ông tôi. Nhưng cũng chính tôi, chưa một lần nào hỏi rõ về cuộc đời binh nghiệp cũng như những chiến tích về ông. Cho đến gần đây, mới biết được vài chi tiết nhỏ về bố tôi và ông đã từng lưu lạc trên đất Tàu ba năm với nhiều gian khổ trong cuộc chiến chống cộng sản, và cuối cùng ông tôi đã ngã gục bởi đạn của Việt Minh trong trận chiến năm 1952 tại Bắc Việt.
Dòng máu chống cộng sản hình như “di truyền” trong gia đình tôi rất mạnh mẽ. Rõ rệt nhất là chú thứ sáu: Chú Phan Trọng Sinh; cựu trung tá, trưởng Phòng 2 Sở Liên Lạc Nha Kỹ Thuật, chủ sự Phòng Tình Báo Bộ Chỉ Huy Nha Kỹ Thuật/Bộ Tổng Tham Mưu/QLVNCH. Tinh thần, lý tưởng chống Cộng của chú có lẽ được hun đúc từ sự chiến đấu can trường của người cha và tất cả các anh trong quân đội, nên khi chú mới 16 tuổi, đã giả chữ ký của bà nội để đăng lính. Nhưng không may, người sĩ quan phụ trách tuyển nạp của Ðệ Tam Quân Khu lại là bạn thân của gia đình . Thế là chuyện giả mạo bị vỡ lở và bà nội yêu cầu bác bỏ bất cứ đơn nào của chú. Sau đó chú nộp đơn thẳng vào trường Võ Bị Liên Quân. Tháng 4 năm 1952, chú được chấp thuận cho theo học khóa 11 Võ Bị Quốc Gia. Nhưng lúc đó, tin tức về Hiệp Ðịnh Genève và những xáo trộn về chính trị đã khiến chú phải đợi đến ngày 8 tháng 6 năm 1954 mới là ngày chính thức của chú trên con đường binh nghiệp. Ngày 8 tháng 6 năm 2014, chú tôi đã vĩnh viễn ra đi với nhiều tiếc thương từ gia đình, bạn bè và đồng đội cũ.

Chú đã từng phục vụ trong binh chủng: Pháo Binh, Nhảy Dù, Biệt Kích, mang thêm ám số chuyên nghiệp chuyên viên tình báo.

Chú đã từng theo học rất nhiều khóa tu nghiệp trong và ngoài nước, thí dụ như:

- Khóa 1, Khóa 22 Tham Mưu tại trường Ðại Học Quân Sự Dalat

- Khóa Tham Mưu Tình Báo Trung Cấp và Cao Cấp tại Okinawa, Japan.

- Khóa Bộ Binh Cao Cấp tại Fort Benning, Georgia.

- Huấn luyện viên / Thông Dịch Viên chiến thuật và địa hình trường Pháo Binh Fort Sill, OK.

- Khóa Du hành quan sát BCH / 5th SF Group tại Phi Luật Tân, BTL/Thái Bình Dương.

Các TTHL Biệt Kích tại Florida và Panama, BCH/HQ Ðặc Biệt tại Pentagon, Trung Tâm Tác Chiến Ðiện Tử của Mỹ tại Thái Lan và... nhiều nhiều lắm cùng những chiến thương, chiến tích, huy chương cho suốt 21 năm trong quân đội như:

* Bảo Quốc Huân Chương đệ ngũ đẳng.
* Lục Quân Huân Chương
* Biệt Công Bội Tinh
* Anh Dũng Bội Tinh (23 lần tuyên dương công trạng các cấp)
* Tham Mưu Bội Tinh
* Chiến Thương Bội Tinh (4 lần)

.......

- Và cuối cùng, chú là 1 trong 4 sĩ quan VN còn mặc quân phục QLVNCH sau khi VNCH sụp đổ. Ngày 6 tháng 6 năm 1975, chú vẫn mặc bộ quân phục, vẫn đội mũ đỏ tiến lên lễ đài nhận bằng mãn khóa Chỉ Huy/Tham Mưu tại trường Command & General Staff College tại Fort Leavenworth, Kansas; cùng mãn khóa với 1,500 sĩ quan Hoa Kỳ và trên 200 sĩ quan đồng minh. Sau đó, chú rũ áo quân nhân, sống âm thầm với chức vụ nhân viên thuộc Kansas Bureau of Investigation suốt 26 năm. 



Lý tưởng và tâm nguyện của chú đã được nhắc lại là: được sống và phục vụ đất nước VN dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ và khi chết được mặc quân phục, nằm dưới lá cờ thân yêu ấy. Chúng tôi đã cùng hát bản Quốc Ca VNCH lần cuối cho chú nghe. Nhìn sáu người lính trong quân phục trang nghiêm mang quốc kỳ VNCH đứng chờ, chuẩn bị làm lễ phủ cờ cho chú, mà tim tôi đập mạnh, nổi da gà khắp người, nước mắt không kềm được, đã tuôn rơi vì xúc động... Không khóc sao được khi nhìn thấy lại cờ vàng thân yêu trong hoàn cảnh đau lòng này; và cũng đồng thời cảm nhận được sự trân trọng của mọi người dành cho chú?

Chú tôi đã sống rất kỷ luật, đạo đức từ đời sống quân ngũ cho đến đời sống gia đình. Tôi đã tự trách mình: chỉ vì “cơm, áo, gạo, tiền” mà không học hỏi gì về cuộc sống đáng khâm phục của chú. Cho đến bây giờ, tôi cũng chỉ lờ mờ hiểu rằng “Nha Kỹ Thuật” của chú chỉ là một danh xưng, vỏ bọc để bảo vệ những “hoạt động thật sự” đối với cộng sản cũng như đối với các đơn vị bạn khác. Sở Liên Lạc (Biệt Kích Lôi Hổ) của chú hoạt động với sự yểm trợ và cố vấn của Sở Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ để thực hiện cuộc “Chiến Tranh Không Quy Ước” chống lại miền bắc cộng sản . Họ là ai? Là những Toán Thám Sát nhảy vào lòng địch. Họ là những Biệt Kích nhẩy toán ra Bắc VN, Lào và Cam Bốt (Sở Bắc / được gọi là SB - Special Branch). Họ là những người hoạt động tình báo trong miền Nam (Sở Nam), Sở Phòng Vệ Duyên Hải, Sở Liên Lạc, Sở Không Yểm,...

Tóm lại, họ là những người hùng can trường và gan dạ, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Với phương châm “Hy sinh trong bóng tối, tất cả vì Tổ quốc.” Khi sống, với tên tuổi được thay bằng ám số, được tuyên dương cũng chỉ trong phạm vi đơn vị, âm thầm, lặng lẽ. Và nếu sa cơ, không may bị bắt “trong lòng địch” thì coi như cái chết sẽ đến rất tận cùng của đau đớn. Suốt bao năm trôi qua, tôi đã sống với nhiều hờ hững, thờ ơ, thiếu sót về sự hiểu biết can trường, hy sinh của những Chiến Sĩ Vô Danh nói chung, và chú tôi nói riêng. Bài viết này như một nén hương lòng thương tiếc, xin tạ lỗi cùng tất cả. Xin nhận những giọt nước mắt này là tấm lòng chân thật của tôi dâng lên. Dù rằng lịch sử đã sang trang, nhưng gương can đảm, hy sinh của những người đã từng “sống trong lòng địch” chắc chắn sẽ còn mãi sáng ngời trong tâm tưởng của tôi và... mãi mãi không quên.

Thương nhớ chú rất nhiều

Ghi chú: Bài này được viết, chỉ với mục đích nói lên lời thương nhớ người chú vừa ra đi, không phải như một tài liệu quân sự, nên nếu có sự sai sót, hiểu biết không chính xác, xin được rộng lòng tha thứ.

No comments:

Post a Comment