Mặt Trận Kontum
Bài viết này riêng tưởng nhớ tới Cố Thiếu Tá Đặng Đình Vinh, cựu Phi đoàn phó Phi đoàn 215 Thần Tượng. Một Niên trưởng đáng kính, một người Anh thân thương.
Mở đầu: Ngày 24 tháng 4 hai căn cứ hỏa lực Tân Cảnh và Dakto II, nút chặn chiến lược về phía Bắc Kontum đã mất vào tay Cộng Sản. Đại tá Lê Đức Đạt vị Chỉ huy trưởng đã bị hy sinh tại mặt trận, Sư Đoàn 22/BB hầu như tan rã, một số chết, một số bị bắt làm tù binh và một số thất lạc. Hai căn cứ Diên Bình và Zulu lần lượt rơi vào tay địch, trung tâm hành quân Dù tại Võ Định phải triệt thoái dần về hướng Nam, thị xã Kontum là mục tiêu kế tiếp của Bắc quân đang trên đà chiến thắng. Theo như sự ước đoán của Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn 2, thì chỉ một tuần sau khi chiếm được Tân Cảnh, địch sẽ tấn công thị xã Kontum. Nhưng vì Sư Đoàn 320 và Sư Đoàn 2 của Cộng quân đã bị tổn thất khá nặng trong các cuộc chạm súng trước đây với Lữ Đoàn Nhảy Dù và Sư Đoàn 22 BB, Tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, cần thời gian để củng cố lại đơn vị cho đến hai tuần lễ sau mới mở cuộc tấn công vào Kontum. Nhờ vậy, Quân Đoàn 2 đã có đủ thời giờ để thiết lập vòng đai phòng thủ vững chắc bảo vệ Kontum.
Sư Đoàn 23/BB dưới sự chỉ huy của Đại tá Lý Tòng Bá, đang trú đóng tại vùng Ban Mê Thuột và các tỉnh kế cận, được lệnh tăng cường cấp tốc thay thế SĐ 22 lập phòng tuyến bảo vệ Kontum. Vòng đai hình cánh cung ba mặt Tây, Đông, Bắc bao quanh chu vi thị xã Kontum được bảo vệ bởi ba trung đoàn tinh nhuệ nhất 44, 45, 53 của Sư Đoàn 23 bộ binh. Mặt phía Nam của thị xã được giao cho lực lượng địa phương quân đảm nhiệm vì có sông Dakpla là một chiến hào phòng thủ thiên nhiên sẽ làm khó khăn hơn khi địch quân xâm nhập. Ngày 14 tháng 5, mặt trận Kontum bắt đầu. Thị xã Kontum đang đi vào một giai đoạn hỗn loạn. Những trận đánh ngay vùng phụ cận ngoại ô đang tiến dần vào thành phố, đôi co giành dựt từng tấc đất, ngôi nhà, từng con đường. Những chiếc pháo đài bay B-52 liên tục trải những thảm bom sát ngay phòng tuyến bạn ngoài hàng rào phòng thủ, thành phố rung chuyển như những trận động đất kinh hoàng.
Trong khoảng thượng tuần tháng 5/72 thị xã Kontum ở trong cao độ nhất của cuộc chiến 100 ngày. Quốc Lộ huyết mạch 14 nối liền hai thành phố Pleiku và Kontum đã hoàn toàn bị địch cắt đứt khi Cộng quân chiếm và đóng chốt ngọn núi Chu Pao nằm án ngữ cạnh con lộ. Kontum hoàn toàn cô lập, hơn ba mươi ngàn người dân, cả Kinh lẫn Thượng trong thành phố và vùng phụ cận đang sống yên lành bất thần đối diện với cuộc chiến lan tràn… Kontum ngụt ngàn bốc lửa… Thành phố yên bình miền Tây Nguyên, với những đồn điền cà phê, những vườn chè xanh mướt trên những ngọn đồi thoai thoải, nhưng mảnh ruộng canh tác quanh ngoại ô, những buôn Thượng hiền hòa bỗng chốc trở thành bãi chiến trường đẩm máu. Bầu không khí trong lành nay nóng bỏng đượm mùi khói súng cùng tử khí của những xác người thiêu cháy trong lửa đạn…
Chánh quyền bắt đầu mở cầu không vận giữa Kontum và Pleiku do Không Quân Việt Nam và Đồng minh Hoa Kỳ đảm trách. Cảnh thảm sát hàng ngàn người dân vô tội của bọn Cộng Sản khát máu trong dịp Tết Mậu Thân trước đây vẫn còn in sâu trong lòng người dân, họ thất thần, cuống cuồng hốt hoảng chạy tìm phương tiện để thoát khỏi vòng vây của Cộng quân càng ngày càng siết chặt. Tại sân vận động giữa thành phố, trong bụi mù và tiếng nổ đạn đại pháo, hàng ngàn người chen lấn xô đẩy nhau như nước tràn qua bờ đê vỡ, bất chấp những hàng rào Quân Cảnh đang cố giữ gìn trật tự, cố tìm đến gần những chiếc trực thăng đang bay lượm nườm nượp lên xuống. Tất cả hình ảnh của cuộc chiến Cao Nguyên đã được phơi bày ra như một cuốn phim địa ngục trần gian.
o0o
-Trung úy! Trung úy! Mua xe Honda tôi bán rẻ…
Đang đứng bên lề đường trước cổng trại Lôi Hổ B-15 với Thiếu úy Thạch, nguời hoa tiêu phụ, một người đàn ông cỡ trạc bốn mươi, ngừng sát bên tôi, trên chiếc xe Honda chở ba đứa bé
-Trung úy mua dùm tôi chiếc xe này…xe còn mới lắm…
Ngạc nhiên tôi trố mắt nhìn…Người đàn ông nhỏ thó đầu đội nón vải dù, khuôn mặt sạm nắng gầy guộc trong chiếc quần lính, và chiếc áo đã bạc màu...
-Anh nói sao? Tôi không hiểu,..anh muốn bán xe hả?
-Dạ, mua dùm đi Trung úy, tôi để rẻ.
Ầm…Ầm…Ầm…tiếng vọng của mấy trái đạn pháo kích nổ từ xa vang rền. Từ chỗ đang đứng tôi có thể nhìn thấy những cột khói đen vươn lên cao trên đầu thị xã Kontum. Người đàn ông quay đầu lại nhìn, nét mặt lo âu:
-Trung úy giúp giùm…giá trăm ngàn, tôi để rẻ sáu chục…Ngần ngừ một lúc anh nói tiếp:
-Còn nếu Trung úy chở giùm cho tôi và ba đứa con về Pleiku thì Trung úy cho bao nhiêu cũng được…Không để người đàn ông chờ đợi lâu tôi trả lời dứt khoát:
-Không mua đâu anh à,.. tiền đâu mà mua…mà tôi còn phải đi bay hành quân tới chiều mới về Pleiku lận, đâu có chở anh được. Nói xong tôi tò mò hỏi:
-Bà xã anh đâu rồi, không đi với anh à ?
Người đàn ông ngần ngừ một lúc rồi cúi mặt xuống đất:
-Vợ tôi chết rồi..,nó bị trúng mảnh đạn pháo kích chết tuần trước.
Giọng anh ta run run đầy xúc cảm. Tôi ái ngại nhìn anh ta. Trên chiếc xe Honda đứa bé trai chừng ba bốn tuổi ngồi phía trước, đôi mắt đen tròn xoe ngơ ngác, tay ôm túi xách để trên bình xăng, hai đứa bé gái gầy ốm, xanh xao, khoảng sáu bảy tuổi, trong bộ đồ bà ba bông, ngồi ép sát vào nhau ôm cứng lấy bụng bố.
Ình…Ình…Mấy khẩu đại bác 105 ly từ trong căn cứ B-15 sau lưng tôi nổ vang…Trước mặt tôi, con đường nhựa chạy dọc ngoại ô thành phố, vắng người, thỉnh thoảnh vài chiếc xe nhà bình phóng vù nhanh trước mặt. Không muốn đi sâu vào hoàn cảnh thương tâm của anh ta tôi đổi đề tài:
-Anh nên chạy ra sân vận động đi…trực thăng Mỹ đang chở người về Pleiku đó…
Anh ta không trả lời, ngoái đầu lại nhìn hướng về phía đường cái rồi rú ga, chiếc xe Honda rồ máy vọt nhanh. Hình bóng bốn cha con đèo bồng nhau trên chiếc xe biến dần dưới làn hơi nóng lung linh trên mặt đường nhựa đen.
-Tội nghiệp…Thạch lên tiếng, nếu mà đúng lúc buổi chiều đổ xăng về, thì mình chắc chở giúp anh ta về Pleiku được đó…Rồi Thạch nói tiếp:
-Tôi có nghe tin đồn có một số anh em lợi dụng cơ hội này, mua xe rẻ bây giờ mới thấy tận mắt…
Nhớ tới đôi mắt khẩn thiết của người đàn ông và thái độ gần như năn nỉ van nài để bán chiếc xe cho tôi trong giây phút hỗn loạn, “bỏ của chạy lấy người” đã làm tôi phân vân tự hỏi, hành động mua xe của những người nào đó trong hoàn cảnh này có phải là một hành động “lợi dụng” hay cứu giúp người dân đang hoạn nạn ? Thình lình một chiếc trực thăng cất cánh bay vù sát trên đầu chúng tôi, mang phù hiệu Con Voi Thần Tượng, tiếng động cơ nổ ầm ĩ.
Oành…Oành…Oành…ba bốn tiếng pháo kích rớt gần trên đường cái. Tôi và Thạch co giò phóng xuyên qua những căn nhà trong trại lính, chạy đến bãi đậu trực thăng phía sau. Chiếc trực thăng võ trang số hai đã quay máy, bụi mù bay tung, trên ghế bay, Trung úy Phạm Chí Thành, đưa ngón tay cái ra dấu OK…Người mê vô đứng sẵn cạnh cửa tàu tôi đưa phụ chiếc áo giáp nặng chịch, tôi tròng vội vào người rồi phóng lên ghế bay. Thiếu úy Thạch đã cho tàu nổ máy. Con tàu trang bị hai bó “rocket” loại lớn với mười hai ngàn viên đạn đại liên, ì ạch nặng nề là đà sát mặt đất, chạy một khoảng dài tàu mới vừa đủ sức lướt mình trên đầu hàng kẽm gai phòng thủ. Chiếc “gun” số hai đang nối gót theo sau…
-Charlie!..đây Mãnh Hổ...
-Hổ,..quân bạn đang đụng trận tại đỉnh núi Chu Pao, cần sự yễm trợ của trực thăng võ trang, hai bạn theo tôi…sẽ có chỉ thị…Trên tần số tiếng nói của Thiếu tá Đặng Đình Vinh.
Hai chiếc trực thăng lên cao độ, tôi quay đầu nhìn về hướng Bắc, thành phố Kontum đang un khói trong ánh nắng trưa gay gắt của một mùa hè đỏ lửa. Những cụm khói đen bốc cao đây đó. Phía dưới chân, con sông Dakpla ngoằng ngoèo uốn khúc như con rồng nằm ngữa ôm ấp thành phố nhỏ miền cực Bắc Cao Nguyên.
Trong những ngày gần đây, lực lượng Cộng quân nổ lực tấn công vòng đai phòng thủ ngoại ô, nhiều phòng tuyến đơn vị bạn đã bị chọc thủng. Một số đặc công đã len lỏi trà trộn vào nội thành mặc trên người quân phục đã lấy được từ những binh sĩ Sư Đoàn 22 thất thủ tại Tân Cảnh với ám hiệu như tay áo cuốn khỏi cùi chỏ, miếng vải trắng cột ngang tay. Sự kiện đó đã gây hoang mang và khó khăn không ít cho Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 vì thành phố đang có rất nhiều binh sĩ của Sư Đoàn 22 chạy thoát từ mặt trận Tân Cảnh về thành phố chưa kịp trình diện Quân Đoàn.
Giai đoạn thượng tuần tháng 5, cường độ pháo kích của địch quân càng gia tăng, đặc biệt nhắm vào phi trường Kontum, cố vô hiệu hóa nguồn tiếp tế độc nhất vào thành phố bằng đường không vận, sau khi con đường huyết mạch QL-14 đã bị cắt đứt tại ngọn núi Chu Pao. Đáp đổ xăng tại phi trường Kontum là những giây phút hiểm nghèo và “rứt tim” nhất cho phi hành đoàn hơn cả những giây phút bay cao trên vùng hỏa tuyến.
Vào ngày 20 tháng 5, một phi cơ C-123 của Không Quân Việt Nam đang đậu trên phi đạo đã bị trúng miễng pháo kích, cháy tiêu rụi, may mắn phi hành đoàn đã thoát ra được an toàn. Cảm giác ngồi trên con tàu tại bãi đậu chờ đổ xăng trong khi trái đạn hỏa tiễn rót xuống bất cứ lúc nào đã làm cho thần kinh căn thẳng, nhứt nhối.
Một buổi trưa hè điễn hình, phi hành đoàn năm chiếc của Thần Tượng sau một phi vụ bốc quân cho Trung Đoàn 44, về đáp phi trường Kontum đổ xăng. Những chiếc trực thăng sắp hàng ngang tại bãi P.O.L ( Petrol-Oil-Lubrication ) cánh quạt được duy trì với tốc cao sẵn sàng để cất cánh.
Từ trong phòng lái tôi có thể nhìn thấy hai chiếc trực thăng võ trang Cobra của Mỹ bị đại pháo 122 ly làm hư hại nằm gần đấy.
Đang ngồi thủ cần lái trên ghế bay để cho anh co-pilot đứng chân trên chân dưới trên càng tàu “xả nước”, trong khi anh mê vô cũng đứng trên càng tàu, một tay vịn cánh cửa một tay cầm vòi đổ xăng, bất chợt âm thanh của những tiếng rít kinh hoàng xé nát không gian.
Oành…Oành…Oành…ba bốn trái pháo rơi tới tấp gần đó, bụi bay ngập trời. Năm chiếc trực thăng vội vã cất cánh bay tứ tán như đàn ong vỡ tổ. Anh hoa tiêu phụ tôi nhảy thót lên ghế bay chưa kịp kéo “fermeture” quần. Ở cuối phi đạo một chiếc C-130 phơi xác cháy xém, một bên cánh gãy lìa. Mấy hôm trước đây, chiếc C-130 của Không lực Hoa kỳ đang “un-loaded” những kiện hàng trên đầu phi đạo thì bị hai trái hỏa tiễn 122 ly nổ sát bên. Người hoa tiêu Mỹ hốt hoảng tống ga cất cánh khi tấm bửng sau đuôi tàu ( cargo bay door ) còn đang mở rộng. Con tàu bị triệt nâng (?) không đủ sức rời mặt đất chạy lố ra khỏi phi đạo, một bên cánh bay chém vào một tòa nhà bốc cháy, chỉ có hai nhân viên phi hành đoàn sống sót.
Bay được hơn mười phút, hai chiếc trực thăng võ trang đã đến vùng hành quân. Ngọn núi Chu Pao sừng sững phía Đông nhìn xuống con Quốc Lộ-14. Tôi nghiêng tàu nhìn qua khung cửa phòng lái. Vài chiếc xe hàng bị trúng đạn B-40 nằm cháy bên đường, những xác người rải rác kế bên. Từ trên cao hơn bốn ngàn bộ tôi có thể trông xuống con đường nhựa đen ôm sát chân núi Chu Pao, chạy dài lên hướng Bắc, giữa những cánh rừng xen kẻ những đám rẫy đủ màu, không một bóng dáng của một sinh vật, con đường huyết mạch này đã trở thành một tử lộ.
Cuối tháng Tư, một lực lượng cấp trung đoàn địch bất ngờ tấn công và đánh bật đơn vị Biệt Động Quân đang phòng thủ trên đỉnh Chu Pao. Chúng đào hầm hố, bám trụ, đóng chốt rải dài trên những triền núi chạy vài cây số dọc theo con lộ, với đủ các loại vũ khí phòng không, đại bác 75 ly không giật, súng cối cũng như B-40, mục đích tử thủ vị trí chiến lược này với bất cứ giá nào.
Được sự yễm trợ tối đa của không quân và pháo binh, bộ binh và thiết giáp đã tấn công dữ dội các chốt kiên cố của địch trên đỉnh núi. Sau hơn tuần lễ giao tranh các đơn vị của địch vẫn cố thủ bám trụ. Bổ Chỉ Huy Quân Đoàn 2 bắt đầu mất kiên nhẩn. Đại tá Lý Tòng Bá Tư lệnh SĐ/23 đã ra lệnh phải lấy lại quyền kiểm soát con lộ với mọi giá. Đại tá Tường, Tham Mưu Trưởng QĐ 2, đã treo giải thưởng một phần ba tiền lương của mình cho người lính nào trong đơn vị phá vỡ được ổ phòng không 51 ly của địch đặt trên đỉnh núi đã thường xuyên bắn vào những chiếc phi cơ bay gần đó.
Cho tới ngày hôm ngay, cuộc hành quân tái chiếm ngọn Chu Pao để khai thông Quốc Lộ vẫn dừng chân tại chỗ. Đoàn xe tiếp viện bổ xung cho lực lượng phe ta vừa tới dưới chân núi thì bị hàng loạt đại bác, súng cối và các loại súng của địch từ trên đỉnh Chu Pao tác xạ tới tấp. Mấy chiếc xe chạy đầu trúng đạn bốc cháy.
Ở cao độ nhìn xuống tôi có thể thấy QL-14 được công binh khai quang sạch sẽ rộng ra cả trăm thước dọc theo hai bên đường để gia tăng an ninh, làm khó khăn hơn cho địch trong những cuộc phục kích những đoàn xe chạy. Trên con lộ này một tai nạn máy bay vô nghĩa đã giết chết một cố vấn cao cấp nhất Hoa Kỳ của Quân Đoàn 2, ông John Paul Vann, vị sĩ quan trung tá bộ binh đã giải ngũ. Ông John Paul Vann là một huyền thoại trong cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa, một người có quyết định cho tất cả mọi không yễm của Không Quân Hoa Kỳ, và đặc biệt nhất là những phi vụ của pháo đài bay B-52 từ căn cứ ở Thái Lan.
Nghe nói rằng ông John Paul Vann có một người bạn gái Việt Nam mà ông rất yêu thương. Ông đã có lần tâm sự với những người thân cận rằng, sau cuộc chiến Cao Nguyên này ông sẽ làm đám cưới với nàng và ở lại Việt Nam cho hết cuộc đời còn lại. Bởi vậy sự hăng say và nhiệt thành của ông trong công việc đã làm cho mọi người cảm tưởng rằng ông đang say mê phục vụ cho quê hương Việt Nam của chính ông chứ không phải phục vụ cho quốc gia bạn dưới chức vụ cố vấn.
Nhiều người đã nói về sự gan dạ của ông trong những chuyến bay một mình với người co-pilot trên chiếc máy riêng, OH-58 Bell Ranger. Ông đã dùng phương tiện riêng này để bay những phi vụ mà dưới mắt những người thân cận coi như là “crazy” hoặc quá liều lĩnh và mạo hiểm (daredevil) cho một người đang giữ một chức vụ quan trọng như ông. Ông Vann đã từng bay vào vùng lửa đạn trong chiếc trực thăng nhỏ bé đó để điều khiển không yễm, thả đồ tiếp tế trên những căn cứ hỏa lực (FBS) bị vây hãm.
Đặc biệt trong một phi vụ chính tay ông đã đáp bốc vị cố vấn Hoa Kỳ, Ðại Tá Philip Kaplan của Sư Đoàn 22 BB khi căn cứ Tân Cảnh bị tràn ngập trong đêm khuya. Ngay sau đó ông đã bị bắn rơi tại Dakto II và được giải cứu bởi một trực thăng của KQ Hoa Kỳ.
Định mệnh khắc nghiệt đã cướp đi cuộc đời một vị cố vấn quan trọng của Quân Đoàn 2 xãy ra vào ngày 9 tháng 6 năm 72, trong một đêm tối mù sương…Sau khi tham dự buổi tiệc tiễn đưa Tướng John Hill trở về Mỹ, khoảng 9 giờ tối, ông Vann cất cánh từ BCH Quân Đoàn 2 hướng về Kontum trên chiếc OH-58 với hoa tiêu phụ và một đại úy bộ binh. Sau mười lăm phút bay, Bộ chỉ huy Sư Đoàn 23 nghe tiếng của ông Vann gọi về báo cáo thời tiết rất xấu ông phải bay cao độ thấp dọc theo QL-14. Đó là lần cuối cùng mọi người nghe tiếng ông trên tần số. Sáng hôm sau xác chiếc trực thăng OH-58 tìm thấy cháy giữa một đám cây cao gần sát bên đường nơi mà người địa phương đã lập một cái miễu thờ từ trước. Theo sự suy luận của giới thẩm quyền thì có lẽ ông Vann vì sương mù cũng như trần mây quá thấp, ông đã bay theo dọc con đường và đâm tàu vào đám cây sát bên đường có dựng một cái miễu thờ. Éo le thay, khi công binh khai quang hai bên đường thì đám cây có cái miễu thờ đó được ông Vann đồng ý cho để lại để tỏ ra sự kính nể truyền thống và tập tục của người địa phương và chính đám cây đó đã giết chết ông và hai người nữa trên tàu.
o 0 o-Charlie…Hổ đang ở cao độ phía Tây tọa độ mục tiêu… Xin chỉ thị…
- Hổ bay vòng chờ phía Tây đi…Mấy phi tuần khu trục đang oanh kích yễm trợ quân bạn xong…Hổ sẽ vào…
Bay chiếc tàu chỉ huy hôm nay là Thiếu tá Đặng Đình Vinh, biệt đội trưởng 215 tại Pleiku. Thiếu tá Vinh có thể nói là một trong những vị niên trưởng mà tôi gần gũi nhất trong phi đoàn Thần Tượng. Anh là một người phi công tôi rất ngưỡng mộ và kính phục, không những là về khả năng chuyên môn mà về cả tính tình của anh: can đảm, ngang tàng, phóng khoáng và hào hoa phong nhã. Nha Trang là quê hương của anh Vinh và tôi.
Ngoài những giây phút hiểm nghèo, sống chết trên mặt trận, chúng tôi đã chung chia với nhau rất nhiều kỷ niệm sau những giờ phút bay bổng ở những nơi có ánh đèn màu nhấp nháy, tiếng nhạc chập chùng. Chén anh chén tôi bên cạnh những người em gái vui vẻ dễ thương, để quên đi những gian khổ đã qua và những hiểm nguy sẽ tới. Trong thời gian biệt phái mùa hè đỏ lửa này, lúc những canh bài xập xám giải trí tại biệt đội đã lột tôi không còn một đồng xu dính túi, anh đã “cưu mang” chia sẻ với tôi những điếu thuốc lá, những ly cà phê tại câu lạc bộ không đoàn hay những bữa cơm ngoài “phố núi mù sương, đi dăm phút đã về chốn cũ”…
Tôi còn nhớ rõ một sự kiện đáng tiếc đã xãy ra trong thời gian biệt phái đã nói lên tình đồng đội của anh Đặng Đình Vinh đối với anh em. Sau một ngày hành quân ròng rã, tôi, anh Vinh và Thiếu úy Thạch “nhí”, một hoa tiêu trẻ và rất “hippy” cùng nhau đến club Phượng Hoàng để giải trí. Trong lúc vui chơi, có một nhóm quân nhân đã hơi quá chén có những thái độ sỗ sàng với một người bạn gái của chúng tôi. Dĩ hòa vi quý tôi cố làm ngơ, nhưng những hành động ngứa mắt đó vẫn tiếp tục. Máu huyết tôi sôi sục. Đọc được tâm trạng tôi, anh Vinh ghé tai tôi nói nhỏ: “Mày kêu tụi nó ra ngoài nói chuyện, tao sẽ theo mày, đừng để tụi nó làm quá như vậy”. Tôi liền đứng dậy đến bàn nhóm người đang ồn ào say sưa, vỗ vai một anh to mồm nhất đám, bảo anh ra ngoài có chuyện muốn nói. Ba người ngồi trong bàn đó đồng loạt đứng dậy. Tôi bước đi trước, Thiếu tá Vinh và Thạch “nhi’ ” đứng dậy đi sau cùng.
Không biết tôi sẽ xử trí như thế nào lúc ra tới ngoài trong khi túi áo bay tôi đang mang khẩu súng P-38 đầy đạn. Nhưng may mắn thay, mấy anh lính ngang ngược đó đã đổi thái độ khi ra tới cửa. Sau một đôi lời phân trần của họ, chúng tôi bắt tay nhau và trở lại bàn ngồi trong tình “huynh đệ chi binh”. Câu chuyện đáng tiếc nhỏ nhặt này đã nói lên tình nghĩa của một vị đàn anh, và càng làm tôi gần gũi anh hơn.
- Hổ 1 Charlie gọi,.. mục tiêu của “gunship” hôm nay là yễm trợ và tiêu diệt chốt đóng trụ của địch. Quân bạn cần nhổ cái chốt này với bất cứ giá nào…hiện tại đang dậm chân tại chỗ ngang lưng chừng núi. Khu trục không thể đánh chính xác được vì địch quá gần quân bạn…Hai Hổ quay lại vùng đi…
Đang bay vòng chờ trên cao, nghe tiếng Thiếu tá Vinh trên tần số, tôi sửa lại chiếc áo giáp đè nặng lên đùi, kiểm soát tất cả đồng hồ phi cụ một lần cuối rồi hướng vào vùng oanh kích.
- Charlie!.. Hổ sẵn sàng.
-Sẽ có một trái khói đỏ ngay lưng chừng đỉnh núi đánh dấu vị trí quân bạn. Trên cao khoảng năm chục mét là vị trí đóng chốt của địch. Bạn sẽ đánh cách trái khói năm chục mét lên tới đỉnh… nghe rõ…
Một cụm khói đỏ bắt đầu vươn lên ở lưng chừng sườn núi rồi lan rộng trên những tàng cây rậm rạp. Trên triền núi dốc cao xen kẻ những khoảng đất đá cháy đen vì bom hay đạn pháo binh. Chốt đóng trụ của địch nằm lẫn lộn giữa những tảng đá lớn, trong những hang hốc đào sâu trong núi.
Ở cao độ ngang với đỉnh núi tôi cắm mũi con tàu, những trái “rocket” nối đuôi nhau lao vào mục tiêu. Tiếng nổ ầm vang từ triền núi, những bụi mù và khói xám bốc lên. Tôi kéo ngược con tàu quay lại 180 độ. Chiếc Hổ 2 theo gót cắm đầu lao xuống, những trái hỏa tiễn nổ lốm đốm. Âm thanh của những khẩu súng bắn trả của địch nổ rang, đồng thời với những điểm sáng nhấp nháy từ những khẩu cao xạ đặt giữa những mõm đá ngang lưng đồi.
- Hổ… .quân bạn báo cáo địch đang nhắm bắn hai tàu trực thăng võ trang, coi chừng đừng vào gần quá… Thiếu tá Vinh nhắc nhở…
Sau vài vòng tác xạ, tôi ghi nhận khả năng của những trái hỏa tiễn của hai chiếc võ trang này sẽ không đủ sức tiêu diệt sức kháng cự của địch quân trong những công sự đào sâu vào núi đá kiên cố mà chúng đã cố thủ trong nhiều ngày qua. Để tránh những mũi súng phòng không đang lăm le chực sẵn hai con tàu chậm chạp này, tôi đổi chiến thuật. Hai chiếc “gun” sẽ tấn công địch từ chân đồi trên đầu quân bạn đánh lên, tránh những khẩu cao xạ cỡ lớn đặt trên sườn núi không chĩa mũi súng bắn xuống dưới được. Dưới chân núi những “con cua” sắt M-41 cùng những thiết vận xa M-113 đang sắp hàng ngang dọc theo bìa rừng, chĩa súng hướng về phía sườn núi, án binh bất động. Trên con đường nhựa, vài chiếc xe quân xa bị bắn cháy đen, vài xác chết nằm rải rác.
Bay từ phía Tây, băng qua con Quốc Lộ, tôi ngước đầu nhìn mục tiêu trên sườn núi rồi kéo đầu con tàu lên bắt đầu bắn những trái hoả tiễn cuối cùng còn lại trong dàn phóng. Hàng trăm tiếng nổ đủ loại từ những họng súng của địch bắn trả vang rền. Thình lình tôi nghe hai tiếng “bụp,.. bụp” khô khan, như một vật cứng chạm vào thân tàu. Tôi quay qua hỏi người hoa tiêu phụ:
- Có nghe gì không Thạch ? Hình như tàu mình bị trúng đạn đó!
Thạch ngồi im bất động bên ghế trái im lặng không trả lời, đang chăm chú dán mắt vào những chiếc đồng hồ trên “cockpit” trước mặt. Tất cả những chiếc kim màu trắng trên mặt đồng hồ phi cụ vẫn đang ở trong vạch màu xanh, tiếng động cơ vẫn nổ đều đặn.
- Charlie đây Hổ gọi… Hổ 1 có thể bị trúng đạn “ground fires”… Sẽ báo cáo tình trạng sau khi đổ xăng và “re-load” “rocket”…
-Nghe năm… Charlie “hold” chờ trên vùng… Lúc nào Hổ trở lại thông báo.
Hai con tàu quay hướng trở về Pleiku. Giao cần lái cho Thạch, tôi lui cui móc điếu thuốc ra hút. Bổng thoang thoảng đâu đây tôi ngửi thấy một mùi khen khét phản phất trong không khí. Tôi liên tưởng tới viên đạn và tiếng động chạm vào tàu khi đang xạ kích.
-Trong tàu ai hửi thấy mùi gì cháy không?
Tôi vừa hỏi vừa đưa mắt nhìn tất cả mọi người, hai anh mê vô và xạ thủ nhìn nhau không trả lời. Mùi khét càng rõ rệt hơn. Tim tôi đập mạnh. Cảm giác con tàu bị bắt lửa cháy trên không trung có lẽ là một cảm giác kinh hoàng nhất của những người đã từng cầm cần lái. Bỗng dưng Thiếu úy Thạch quay qua chỉ vào lưng tôi. Áo giáp sau lưng tôi đang ngún cháy. Một làn khói trắng đang bốc lên, lưng tôi có cảm giác nóng như ai dí bàn ủi nóng vào da. Tôi vội vã giật phăng “seatbelt”, tháo chiếc áo giáp liệng vội ra sau sàn tàu. Anh mê-vô lanh trí, mở bi Đông nước trà chế lên lưng áo dập tắt ngọn lửa. Một tàn lửa từ đuôi của chiếc hỏa tiễn phóng đi đã chui lọt vào sau lưng chiếc áo giáp tôi lúc nào không hay, ngun ngún cháy lớp bông độn bên trong. Giây phút xao động đã qua, tôi đã lấy lại được quân bình, nhìn lại thấy hai mê vô xạ thủ đang nhe răng cười.
Phi trường Cù Hanh xa xa trước mặt, căn cứ Pleiku đang nằm im lìm sưởi nắng hạ miền cao. Gió lộng vào khung cửa nhỏ. Tôi dựa vào lưng nghế nghỉ sau thời gian căng thẳng mệt mỏi, điếu thuốc trên tay, làn khói trắng quyện bay tan loãng vào khoảng không gian nhỏ hẹp của căn phòng lái quen thuộc này như đã dính liền vào đời tôi. Bao nhiêu hiểm nghèo gian khổ đã trải qua nhiều nhưng tôi cũng đã được đền bù xứng đáng với những cảm giác cao độ, những hạnh phúc chất ngất trên vòm trời cao, thỏa chí tang bồng hồ thỉ. Tôi phải làm và đã làm những gì cần làm của một người trai thời loạn, như bao nhiêu người trai hùng khác cùng thế hệ. Cuộc đời của người hoa tiêu, mạng sống như chỉ mành treo chuông, những cái sống cái chết đến bất chợt, không báo trước, tương lai chỉ là hiện tại, thi hành những gì đã được giao phó, phần còn lại là số mệnh. Tôi sống nhưng không suy tư, tận hưởng những gì có thể có trong ngày hôm nay. Với quan niệm đó đôi lần đã đưa tôi vào những hành động liều lĩnh, quá đáng, đôi khi có thể nói vượt ra ngoài cương kỷ của một hoa tiêu.
Rít mạnh hơi thuốc lá vào lồng ngực, vị đắng của hơi thuốc thấm vào cơ thể, ngây ngất , tôi mơ màng đưa mắt nhìn vùng núi rừng phơi bày trước mắt. Những giây phút được xoãi cánh bay cao như cánh chim trên bầu trời xanh để được ngắm nhìn giang sơn cẩm tú của quê hương này thật là vô cùng quý giá.
Bên dưới mặt Biển Hồ êm ả nằm cạnh con QL-14, một danh lam thắng cảnh cũng là một hạt ngọc quý của vùng Cao Nguyên đất đỏ. Biển Hồ trước đây là một miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây hàng triệu năm, là một huyền thoại của một buôn thượng tên Tơ-Nưng xưa kia thơ mộng và trù phú. Có một hôm bị núi lửa đổ ập vào vùi lấp, tất cả những người còn sống sót đã thương tiếc và khóc mãi không nguôi. Nước mắt tiếc thương đó đã chảy xuống ngập thành hồ, từ đó hồ được gọi là Biển Hồ Tơ Nưng để nhớ đến ngôi làng xưa đó.
Con tàu hạ dần cao độ, bãi nhiên liệu và đạn dược nằm sau lưng Quân Đoàn 2.
Đậu con tàu gần những “conex” để lấy thêm “rocket”. Nơi đây có đủ loại, đầu nổ thường (high explosive warhead), đầu nổ chống chiến xa (anti-tank warhead), đầu nổ lân tinh (white phosphorous warhead), đầu nổ đinh (fletchette warhead) chất đầy tận nóc. Tôi chỉ thị cho hai người mê vô xạ thủ “load” loại đầu đạn “fletchettes.” Đây là loại hỏa tiễn đáng sợ nhất đối với Cộng quân, chuyên dùng để chống biển người. Mỗi đầu đạn có gần ba ngàn chiếc đinh thép, hình giống như những mũi phi tiêu nhỏ, dài cỡ hai “inches”. Sau khi hỏa tiễn được phóng ra khỏi bó “rocket” với vận tốc gần như siêu thanh trong hai giây đầu tiên, đầu nổ thứ hai sẽ kích hỏa cách mặt đất chừng vài trăm bộ phóng mấy ngàn cây đinh nhọn xuống đầu địch với tốc độ nhanh gấp đôi, đồng thời tỏa ra một cụm bụi đỏ đánh dấu vị trí khởi điểm của những mũi tên thép.
Sau chừng nửa tiếng hai chiếc tàu võ trang của Thần Tượng đã trở lại chân núi Chu Pao. Mặt trời đã chếch bóng phương Tây, những tia nắng trưa hè vẫn còn gay gắt chiếu rọi thẳng xuống mặt sườn núi.
-Charlie, Hổ đã đến vùng!
Chiếc Charlie đang bay vòng cao tít trên trời xanh.
- Hổ vào đi…Quân bạn vẫn còn tại vị trí cũ…
- Báo với Charlie Hổ trang bị “rocket” đinh, chống biển người.
- Đầu đạn fletchettes? Giọng nói của Thiếu tá Vinh có vẻ ngạc nhiên, không được đâu, coi chừng tụi mày sẽ giết luôn quân bạn đang bám sát đó.
- Không sao!..Charlie yên chí,.. tôi chỉ xin yêu cầu quân bạn rút phòng tuyến xuống dưới chân núi chừng năm chục mét là được rồi nghe không trả lời ?
- Chờ đi…để tao liên lạc với bộ binh đã!
Tôi kéo con tàu về xa hướng Tây bay vòng chờ. Tất cả những chiến thuật cũng như tiềm năng hạn hẹp của chiếc trực thăng võ trang này đã được tận dụng. Bảy mươi sáu trái “rocket” đinh của hai chiếc Mãnh Hổ này là nguồn hy vọng cuối cùng của tôi.
- Hổ…Charlie,..quân bạn đồng ý,..lúc nào thấy trái khói đỏ đánh dấu là Hổ có thể đánh được rồi.
Kiểm soát lại tất cả phi cụ một lần cuối, bên cạnh Thạch đang ngồi im lặng nét mặt khẩn trương, phía sau Hổ 2 đang theo trong vị thế tác chiến. Tôi nhìn mặt trời và điểm đóng chốt của địch trên lưng chừng núi, con đường vô hình chênh chếch tôi ước lượng khoảng sáu mươi độ, đó sẽ là trục đánh của hai chiếc trực thăng. Mặt trời sẽ ở trên cao, sau lưng con tàu, chói xuống mắt địch thật vô cùng thuận lợi cho chúng tôi.
- Hổ vào đi, trái khói thả rồi!
Ngọn núi Chu Pao sừng sững dưới bầu trời trong, hứng trọn ánh mặt trời gay gắt từ phương Tây. Cụm khói màu đỏ của quân bạn đang tỏa rộng trên đầu tàng cây xanh. Trên cao nhìn xuống tất cả như án binh bất động, im lặng,.. cái im lặng của sự rình rập, đợi chờ, căng thẳng mưu toan của địch quân. Hai chiếc trực thăng võ trang bắt đầu lao xuống mục tiêu. Tay nắm chặt cần lái, mồ hôi từ chân tóc trên nón bay rịn chảy xuống trán. Mõm núi đá lởm chởm hiện lên trên hồng tâm của máy nhắm, mười mấy trái “rocket” hối hả thi nhau rời dàn phóng… xoẹt… xoẹt… xoẹt…Trước khi chạm đất, những trái “rocket” kích hỏa lần thứ hai tạo nên những tiếng nổ phụ “bụp…bụp…bụp…” tống đi hàng chục ngàn mũi tên thép nhỏ xuống mục tiêu. Những cụm bụi đỏ hồng nở bung thành những đám mây nho nhỏ lơ lững treo trên đầu địch. Những tiếng nổ bắn trả của địch liên hồi nổ rền vang khắp triền đồi.
Chiếc Hổ 2 theo sau, cắm đầu… xoẹt… xoẹt…mười mấy trái hoả tiễn chống biển người lao vào mục tiêu. Hàng chục ngàn mũi tên thép lại tiếp tục mưa xuống công sự phòng thủ, xuống những mõm đá, hóc núi, xuyên qua những cành cây, qua những tấm thép, qua nón sắt, qua những thân người ẩn núp đâu đó…Tiếng súng bắn trả của địch quân ngưng bặt, còn lại một vài tiếng nổ nhỏ rời rạc.
- Hổ…đây Charlie,.. quá đẹp!.. Quân bạn đang theo dõi tụi mày đó…Ngay “target”!..Hổ làm một chuyến nữa đi.
Không trả lời tôi vòng lại. Hình như địch đã thấm đòn, tôi không còn nghe tiếng bắn trả nữa. Tất cả “rocket” và đạn dược đã được xử dụng. bộ binh bắt đầu xung phong tấn công lên những chốt đóng trụ của địch.
-Hai Hổ có thể trở về lấy thêm đạn dược trở lại vùng “stand-by”, nghe rõ… trả lời?.. Thiếu tá Vinh ra chỉ thị.
Hai chiếc “gun” kéo nhau về hạ cao độ xuống đáp bãi nhiên liệu sau lưng Quân Đoàn 2. Bãi nhiên liệu được vây bọc bởi những hàng dây điện cao thế treo ngang trên những cột cây gỗ ngâm dầu đen là một trở ngại cho những chiếc tàu võ trang nặng nề của chúng tôi . Ở vùng Cao Nguyên không khí loãng lại thêm cái nóng mùa hè, những chiếc “gunship” đã nặng nề lại càng chậm chạp hơn nữa. Một lần đổ xăng, con tàu trang bị hai bó “rocket” lớn và đạn dược đầy nhóc, trong lúc cất cánh, hai cái càng chiếc máy bay của tôi suýt móc vào hàng dây điện cao thế này. Còn anh bạn Hổ 2 của tôi, Thành “râu” đã táo bạo cất cánh chui dưới hàng dây điện này, chong chóng đuôi đã chặt đứt sợi dây điện to bằng ngón tay rơi xuống bãi cỏ khô, xẹt lửa cháy lan vào gần bãi nhiên liệu. Báo hại bữa đó nhân viên quản trị kho vũ khí bị một phen hú vía. Riêng anh bạn Hổ 2 của tôi được phi đoàn trưởng “ưu ái” ký tặng cho bảy ngày tù (hình phạt chỉ ghi trong hồ sơ, chứ không thực sự thi hành. Kể ra cũng dễ hiểu:. nhốt tù pilots rồi thì ai bay giết mấy tên Việt Cộng? )
- Hổ… Charlie!
- Nghe năm!
Đang đổ xăng tôi vội trả lời.
-Hổ khỏi lên vùng lại. Về biệt đội đáp, tắt máy nghỉ luôn, xong ngày hôm nay… Hổ…bộ binh đã nhổ được chốt của tụi nó rồi. Đếm gần hai mươi xác chết ghim đầy đinh sắt. Bộ chỉ huy có lời khen. Hổ,..mấy thằng xạ thủ phòng không đứa nào cũng bị siềng chân vào khẩu súng, không chạy đi đâu được. Chiều về tao sẽ kể thêm cho nghe. Tôi im lặng, trong lòng hứng khởi. Một ngày nữa trôi qua không biến cố.
o 0 o
Gần mười giờ sáng, phi trường Cù Hanh có vẻ bận rộn , nhiều xe cộ chạy qua lại hơn bình thường. Trên những con đường nhựa trong căn cứ thấy xuất hiện nhiều xe quân xa của bộ binh, những đơn vị bạn được gửi đến tăng cường làm việc cho căn cứ.
Hôm nay tôi được nghỉ, chỉ tình nguyện bay một phi vụ nhẹ nhàng buổi trưa là bới cơm lên vùng cho anh em đang hành quân. Tôi và Thiếu úy Thạch rủ nhau lên câu lạc bộ không đoàn ăn sáng. Trong phòng ăn, nhộn nhịp những người, từ những phi công trong bộ đồ tác chiến của đủ các phi đoàn khác nhau, đến những nhân viên làm việc trong phi trường hay những quân nhân đủ mọi binh chủng. Kéo ghế ngồi xuống bàn, sau khi gọi thức ăn sáng, Thạch mở lời:
-Anh có nhớ hôm kia mình tàu mình bị hai viên AK-47 tại núi Chu Pao không? Nhìn ở ngoài không thấy gì cả vậy mà mình suýt chết đó!
- Tại sao vậy?.. sau lúc đó mình bay cả tiếng đồng hồ có sao đâu ? Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Thì đúng rồi… vì viên đạn nó chui ngang bụng tàu, xuyên qua cái “rod control” nối với “cyclic” ( ống nối tay lái với cánh quạt ) đứt gần hai phần ba, còn dính lại một chút à. Kỹ thuật báo cho tui nghe đó. Nếu nó đứt luôn thì tàu hết lái được…May quá !..
-Số cả bạn ơi!..Trời kêu ai nấy dạ,..lo chi. À,..nghe nói hôm nay hợp đoàn của mình biệt phái làm việc cho Trung Đoàn 45 phải không? Tôi đổi đề tài.
-Hình như vậy…Lúc xưa tụi mình đã làm việc với Trung Đoàn này hoài à… Anh nhớ lúc họ còn đóng tại Nhơn Cơ, Gia Nghĩa không? Thạch trả lời.
-
Từ trái qua phải: Trung tá Khưu Văn Phát, Vĩnh "gấu",Tô Bửu Đoàn phi đội phó Mãnh Hổ, Tiêu Hạnh, Huỳnh "râu", Đảnh "chích" và Vĩnh Hiếu trong chuyến đi hải đảo |
Một buổi sáng đẹp, trời trong mây trắng, tàu chỉ huy của Đại úy Tích đã bay trước đó vài phút, tôi bay chiếc Hổ 1, theo sau chiếc Hổ 2 Trung úy Sơn, tự Sơn “mực”. Người hoa tiêu phụ cho tôi là Trung úy Tiêu Hạnh, một sĩ quan văn thư của phi đoàn có khuôn mặt bầu bỉnh, hai đôi má phính đỏ ửng mụn trứng cá. Thường thường anh Hạnh chỉ ở nhà lui cui lo ba việc sổ sách của phi đoàn mà bữa nay lại xin bay “gun”, chuyện thật lạ lùng.
Con tàu đang ở trên rừng già Gia Nghĩa, tôi thì ngồi trên ghế bay nhìn trời nhìn đất bỗng kế bên vũng nước thấy một con nai chà đang đứng im không động đậy
Một tư tưởng thoáng qua trong đầu: hay là mình bắn con nai chà này tặng Trung tá Quang cho anh em binh sĩ ăn?” Nghĩ đến Đại úy Tích đang bay chiếc chỉ huy, tôi lưởng lự giây lát. Anh ta là một người hoa tiêu khuôn khổ, kỷ luật, ít khi ra ngoài cương kỷ. Trong giây phút này tôi phải có quyết định gấp, con nai không thể “kiên nhẩn đứng chờ” tôi mãi. Tôi dọ ý anh hoa tiêu phụ:
-Nè,.. bạn thấy con nai chà đang đứng dưới trảng không? Bự quá trời,.. mình đem biếu Trung tá Quang cho lính ăn thì hay biết mấy! -Ông muốn làm thì cứ tự nhiên làm đi,..phe ta cả mà!
Nghe Hạnh nói tôi như mở cờ trong bụng. Lái về hướng con mồi, khẩu “mini-gun” rống một tràng ngắn gọn, con nai to lộn nhào ngã quỵ. Tôi tức thì nhào xuống đáp sát bên con nai đang nằm gục kế bên vũng nước. Nhanh như cắt hai anh xạ thủ nhảy xuống đất cùng với Trung úy Hạnh phụ bưng con nai lên tàu. Thủ tục hoàn tất không quá hai phút đồng hồ. Nằm trên sàn tàu, mùi hôi của con thú rừng cùng với mùi máu tươi quyện trong không khí xông lên mũi nồng nặc. Những con ve chó đen thui cỡ ngón tay cái đeo đầy háng trông ghê rợn.
Khoảng mười phút bay sau, trước mũi tàu hiện ra một giải đất đỏ của một phi trường dã chiến, kế bên là một doanh trạicủa Trung Đoàn 45. Tôi chỉ thị cho hai người phụ tá phía sau tàu thả con vật xuống đầu phi đạo. Hai anh ì ạch đẩy con nai rơi xuống đất, đánh ình, suýt đè sập căn lều cá nhân của hai ba người lính đang lui cui nấu nướng. Mấy anh lính giật mình vội vã nhảy qua một bên né tránh rồi trố mắt nhìn con tàu bay lướt qua, sát trên đầu.
Chiếc tàu của Charlie đã đậu và tắt máy ngay cổng trung đoàn. Đại úy Tích và người hoa tiêu phụ đã vào lều bộ chỉ huy. Tôi vào sau gặp Trung Tá Quang đang đứng gần đấy, liền rỉ tai:
-“Có con nai bắn được tặng Trung tá để anh em ăn tẩm bổ…Tôi thả đầu phi đạo,.. đừng cho Đại úy Tích biết nghe Trung Tá!”
Không quá mười phút sau, tôi đang ngồi với Đại úy Tích trong lều bộ chỉ huy thì thấy mấy anh lính gánh một con nai chà “diễn hành” qua ngay trước cửa lều. Đại úy Tích trố mắt nhìn rồi buộc miệng:
-“Trời!..nai chà…bắn đâu vậy Trung tá?”
Trung Tá Quang đứng gần đấy, không đợi lâu, chêm liền vô:
-“À!..đâu có,..nó bị vướng dây mìn ngoài hàng rào phòng thủ sáng nay đó.” Nói xong Trung tá Quang nhìn tôi nháy mắt.
Nghe tôi kể đến đây Thạch cười như nắc nẻ:
-Sao có được Trung tá Quang “lì xì” đồng nào không ?
-Bậy nà,.. ông chỉ mời tất cả phi hành đoàn ở lại ăn uống một bữa linh đình mà thôi.
Nói chuyện tới đây thì từ ngoài cửa Câu lạc Bộ bước vào hai ba phi công khu trục của phi đoàn Thái Dương 530, kéo ghế ngồi gần chiếc bàn kế bên. Người nào cũng nai nịt súng ống, áo lưới trông oai phong lẩm liệt. Hình ảnh này chợt làm cho tôi liên tưởng đến cách đây hơn tuần lễ, ngồi ăn sáng với Trung úy Lý Hạnh, một hoa tiêu bậm trợn của phi đoàn 219 Bạch Mã, có bộ râu mép rậm rạp với khuôn mặt như tài tử Oma Sharif trong phim Doctor Zhivago. Đang ngồi nói chuyện thì từ ngoài CLB bước vào một vị Thiếu tá khu trục, dáng người cao lớn quá khổ, tóc húi cao, trông rất oai vệ trong bộ áo bay màu kaki và chiếc áo lưới mặc trên người. Thấy tôi ngoái cổ nhìn theo, Hạnh liền nói:
-Thặng Fulro phi đoàn 530 đó…mày biết không ?
-Không!..tao nghe tiếng nhưng chưa gặp.”
Tôi vừa trả lời vừa nhìn vị Thiếu tá người cao lớn, nước da ngăm đen, hai lưỡng quyền cao, đôi mắt quắc thước, người toát ra một nét uy nghi nào đó có thể làm cho người đối diện phải e dè. Anh có nét đẹp oai vệ của một chiến sĩ mọi da đỏ “Mohawk” tôi thường thấy trong những phim “cao bồi” hơn là cái tên “Fulro” của nhóm Thượng phản loạn chống chính quyền lúc xưa.
Khuôn mặt anh gợi lên một nét quen thuộc nào đó có lẽ tôi đã từng gặp trong quá khứ xa xưa. Tôi cố moi móc trong ký ức để nhớ lại. Lúc xưa còn bé, đang còn ở cắp sách ở trường tiểu học, trong những kỳ tham dự những trận tranh giải thể thao của các trường trung học tại Huế, tôi đã gặp khuôn mặt này nhiều lần. Anh đại diện trong những đội thể thao của trường Trung học “Pellerin”, sau được gọi là Bình Linh. Trong trí óc tôi, anh đã gây một ấn tượng sâu đậm trong đầu của một cậu bé vẫn còn thơ dại. Mười mấy năm sau, quả đất tròn, tôi lại gặp anh nơi đây, đang cùng nhau trên một chiến tuyến chống quân thù. Buổi sáng hôm đó là buổi sáng cuối cùng tôi đã gặp Thiếu tá Phạm Văn Thặng, một người hùng của mặt trận Tây Nguyên qua những trận oanh kích sấm sét trên đầu địch quân. Ngày 26 tháng 5, vào một buổi xế chiều, Thiếu tá Thặng đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, sau khi anh cố lết chiếc khu trục bị trúng đạn phòng không ra khỏi vùng đông dân cư trong thành phố để đáp xuống một đám ruộng ngoại ô Kontum. Chiếc khu trục cơ A-1 vấp vào bờ ruộng lật nhào và bốc cháy.
Trận chiến càng ngày càng gia tăng, những phi vụ yễm trợ quân bạn càng ngày càng nguy hiểm. Các phi đoàn Trực thăng đã bị tổn hại rất nhiều. Nhớ những buổi chiều, những ngày nghỉ bay, đứng trên lan can trước mặt “barrack” biệt đội tạm trú, chúng tôi thường nhìn lên trời đếm những chiếc trực thăng của biệt đội bay hành quân về đáp, hy vọng số tàu cất cánh ra đi buổi sáng sẽ về đầy đủ.
Một phi đoàn Trực thăng anh em là phi đoàn Lạc Long 229, đã đặc biệt tổn thất nặng về trực thăng võ trang. Trong những tuần lễ vừa qua, hai ngày liên tiếp phi đoàn Lạc Long 229 đã bị bắn cháy hai chiếc “gunship”, trưởng phi cơ là Trung úy Dương Đức Luân Đôn và Trung úy Nguyễn văn Tuấn. Một hoa tiêu khác của phi đoàn Lạc Long là Trung úy Phan hữu Nghị đã may mắn sống sót khi tàu của anh bốc cháy trong phi vụ yễm trợ. Trên khuôn mặt anh vẫn còn ghi nhiều dấu vết tàn phá của phi vụ kinh hoàng đó. Vốn bản chất can trường, sau nhiều tháng tỉnh dưỡng, Trung úy Nghị đã xin tiếp tục đi con đường anh đã chọn, anh được bổ nhiệm vào phi đội võ trang 215 của tôi sau đó.
Nói về cái chết của Trung úy Tuấn “lùn” trên chiếc trực thăng võ trang đã xãy ra trong một phi vụ tiếp cứu một phi công khu trục là Thiếu úy Nguyễn Tài Cơ, bị bắn rơi tại mặt trận gần căn cứ Diên Bình phía Bắc Võ Định năm bảy cây số. Trung úy Lê Quang Vinh, một “tay chơi” thứ thiệt của phi đoàn Lạc Long, bay chiếc gun số hai, kể lại thì ngày hôm đó ba chiếc trực thăng 229 đáp tắt máy tại căn cứ Dù Võ Định chờ phi vụ yễm trợ tiếp tế. Đại úy Phạm Công Cẩn, nguyên cựu nhân viên Phi Đoàn 215, đang họp với Bộ Chỉ Huy Dù, thì nghe hung tin, vội vã cất cánh cùng với hai chiếc “gunship” đi giải cứu. Ba chiếc tàu bay ở cao độ thấp dọc theo Quốc Lộ 14 lên hướng Bắc. Chỉ trong vòng năm bảy phút là đã đến vùng.
Cũng theo lời Vinh “râu”, ba chiếc tàu vừa vược qua Diên Bình thì một rừng phòng không cùng đủ mọi loại súng lớn nhỏ khác nhau nổ như bắp rang xung quanh ba chiếc trực thăng bay ở cao độ cỡ vài trăm feet trên mặt đường QL-14. Chiếc gun số một của Trung úy Tuấn lãnh nguyên một băng đạn đại liên, cắm đầu lao xuống mặt đất nổ tung. Chiếc số hai của Vinh “râu” quẹo gắt 180 độ về phía Đông con lộ, cố lết về đáp khẩn cấp ở Võ Định. Vừa chạm đất thì tàu liền tự động tắt máy, xăng chảy ướt sủng mặt đất, đuôi tàu lổ chổ hàng chục viên đạn như tổ ong. Riêng phi hành đoàn thì hoàn toàn vô sự.
o0o
Nhìn đồng hồ, đã đến giờ đem cơm lên cho hợp đoàn, tôi đứng dậy trả tiền xong cùng Thiếu úy Thạch ra về . Hai anh em cất cánh từ bãi cỏ sân đá banh trước “barrack” của biệt đội cư ngụ. Trên tàu có hai anh “path finder” (nhân viên liên lạc với bộ binh của phi đoàn) cùng với đồ ăn và nước uống cho hợp đoàn. Ngày hôm nay là một ngày đáng nhớ và cũng là một ngày đau buồn cho phi đoàn Thần Tượng trong một phi vụ hành quân sôi động, đầy máu lửa. Hợp đoàn hành quân gồm có Thiếu tá Phạm Bính phi đoàn trưởng và hoa tiêu phó là Đại úy Nguyễn Minh Lương bay chiếc Charlie cọng thêm năm chiếc đổ quân và hai “gunship”. Trung úy Tâm và Thiếu úy Hùng “kiềng” bay chiếc Hổ 1, Trung úy Thống và Thành “râu” bay chiếc Hổ 2.
Khoảng mười hai giờ trưa, tất cả hợp đoàn năm chiếc sau khi thi hành phi vụ tiếp tế cho Trung Đoàn 45 bị “ground fires” dữ dội, phải quay trở về đáp. Tất cả tắt máy đổ xăng và nghỉ trưa tại căn cứ B-15. Bãi đáp dã chiến được lót bằng những tấm sắt đục những lỗ tròn ( P.S.P, viết tắt của pierced steel plank ), móc lại với nhau, thường dùng cho những phi đạo tạm thời. Nơi đổ xăng là những ụ đất hình chữ U kế tiếp nhau, vây quanh những bọc cao su dày khổng lồ dã chiến màu đen, hình vuông no căng đựng đầy xăng phản lực JP-4.
Chiếc Charlie và năm chiếc chở quân đậu theo hàng dọc tắt máy, chờ cơm trưa do biệt đội tại Pleiku đem lên. Sau xa là hai chiếc võ trang của Mãnh Hổ. Một số anh em phi hành đoàn quây quần trong khoang tàu chiếc “lead” của Đại úy Hoàng văn Luận.
Đại úy Luận là một “flight lead” kỳ cựu nòng cốt của phi đoàn 215, gốc người Bắc. Nguời ăn nói nhỏ nhẹ, chưa bao giờ ai nghe Đại úy Luận lớn tiếng giận dữ. Ngồi trên thùng đạn, Đại úy Luận, im lặng nghe anh em đấu láo, cười theo nhưng ít khi đóng góp câu chuyện. Ngồi kế bên là Trung úy Nguyễn Ngọc Chung, thường được anh em gọi là Chung “ghiền”, vì khuôn mặt gầy ốm, tóc hói cao, trưởng phi cơ chiếc tiếp tế số hai, lên tiếng trong giọng nói nhừa nhựa rặc tiếng Bắc kỳ với Thành “râu” đang đứng gần đó:
-Này Thành, sao tao lúc nào cũng thấy mày ăn diện “láng coóng”, râu ria tóc tai cắt tỉa cẩn thận như đi bát phố vậy!? Mày đang đi đánh giặc chứ đi chơi à… Còn bộ râu ăn tiền của mày chắc đã làm nhiều em “phê” lắm phải không?
Đang ngồi phì phèo điếu Quân Tiếp Vụ, Thành “râu” phản đối:
- Thôi cám ơn, đừng nói chuyện em út với tao, có một con đào đã chết mẹ rồi, em với út gì…Trước khi tao đi lên đây biệt phái nó ôm tao khóc sướt mướt rồi ca cho tao nghe bài “biệt kinh kỳ”, tao chán thấy mẹ, đang lo bấn người đây… Dính một đứa với nó là hết đường chạy.
Trung úy Lê Viết Tánh biệt danh Tánh “xích lô”, tánh tình rất vui vẻ, tiếu lấm, người nhỏ thó nước da ngăm đen, đang ngồi xào bộ bài xập xám trên tay, hôm nay bay với Trung úy Đạt, tự Đạt “paker”, chen vào trong tiếng Quảng Nam:
- Thôi đi choa, có en có chịu, đừng nóa rứa… Vừa nghe Tánh “xích lô” nói xong mọi người cười rộ… .
Ngồi kế bên, Trung úy Tâm bay chiếc Hổ 1, người ngắn đòn, mập mạp, khuôn mặt ngăm đen, râu mọc xanh hàm ba ngày chưa cạo. Anh đăm chiêu xa vắng :
- Lúc này mà tụi mày còn giỡn được sao…Sáng hôm nay tiếp tế cho Trung Đoàn 45, thằng Huỳnh “râu” bị tụi nó bắn tới tấp vào không được, chạy toe…Đ.m…Việt Cộng đầy xung quanh mà bộ binh lúc nào cũng nói là bãi đáp “clear”. Chút nữa tao biết tụi mình sẽ trở lại tiếp tế chỗ đó, tao chắc như vậy!..
Từ chiếc tàu đậu kế bên, Trung úy Huỳnh “râu” bay chiếc chở hàng số bốn bước đến trong bộ đồ bay “nomex” hai mảnh, đầu đội nón vải hoa Dù, trông không khác gì một anh lính biệt kích, tay đang cầm bi đông nhựa đựng nước trà.
- Ê!.. Huỳnh,..cho tao miếng nước đi…Thành “râu” vọng ra từ khoang tàu. Vừa nói miệng Thành vừa khà ra một làn khói thuốc mù mịt. Huỳnh “Râu” tay mở nắp bi đông trà nói:
- Mày hút thuốc, uống hở miệng ra nghe đừng kê sát hôi thuốc lá lắm!.. Huỳnh nói tiếp, tụi mày biết không,..mấy tuần trước cũng tại bãi đậu này thằng Rinh nó chạy qua tàu tao xin nước. Ngay sau đó tàu “gunship” nó bị bắn nổ cháy trên trời, tao bay về đáp, cái bi đông hôi rình mùi thuốc lá từ miệng nó làm tao không uống được phải đổ đi đó…
Trung úy Tôn Thất Kim, biệt danh Kim “nhi đồng”, đứng kế bên nghe xong cười sằng sặc:
- Ha...ha...ha...bữa đó không có tao giật cần lái của thằng Huỳnh thì chết cả đám rồi. Kim hứng chí kể tiếp:
- Thấy tàu thằng Rinh nổ tung sát bên tao, xung quanh đạn phòng không nổ lốp đốp như pháo bông, “Thầy” Huỳnh “cứng” người không hề có một phản ứng, tao phải chụp cần lái quẹo lui dọt, không kịp là banh xác pháo rồi…
Nói xong Kim lại cười hô hố ra điều khoái chí.Thiếu úy Nguyển Thế Tòng bay chung với Huỳnh “râu” ngày hôm nay là một hoa tiêu cao ráo đẹp trai, nãy giờ im lặng, đưa tay xem đồng hồ xong rồi lên tiếng :
- Trời đất ơi, sao giờ này mà chưa thấy “Cơm Sky” đâu hết cả dzậy nè,.. đói bụng lắm rồi!
Theo thông lệ hằng ngày mỗi buổi trưa đều có tàu từ biệt đội Pleiku bới cơm lên vùng cho phi hành đoàn đang hành quân. Phi vụ đó được anh em gọi đùa là phi vụ “Cơm Sky”. Cũng như “Red Sky” đi đổ quân, “Blue Sky” bay liên lạc, “Yellow Sky” bay tản thương v.v… Thức ăn được ban ẩm thực phi đội quản trị. Cơm gạo sấy được nấu chín, trộn với thịt hay cá khui ra từ trong phần ăn C-Ration (khẩu phần ăn đồ hộp) hay đôi khi chan thêm nước thịt cà-ri, chế biến thành một loại cơm thập cẩm. Những gói ni lông gạo sấy được dùng lại để đựng khẩu phần cơm chiên, đầu túm cột chặt giây cao su. Mỗi gói là khẩu phần cho hai người ăn. Nước uống là những túi trà đá đựng trong thùng nhựa pinic.
Bịch cơm “dương châu” gạo sấy và túi trà đá tuy đơn sơ nhưng đã gói ghém tình thương, từ bàn tay của anh em sống chết bên nhau, lo lắng cưu mang cho nhau từng bữa ăn thức uống. Cuộc đời hiểm nghèo, gian khổ của người hoa tiêu trực thăng đã làm cho tình đồng đội càng ngày càng đượm thắm, gần gũi thương yêu nhau như ruột thịt.
Trong sự mong ngóng của tất cả phi hành đoàn, từ xa vọng về tiếng chém gió phành phạch, mọi người ngước đầu nhìn lên trời đồng loạt kêu lớn:
-Cơm xì-cai tới!
Ngồi trên chiếc “Cơm Sky”, từ trên cao thấy bảy chiếc Thần Tượng đáp theo hàng dọc, tôi cho tàu cơm đậu ngay chính giữa để anh em đến lãnh phần ăn cho gần. Mọi người vội vã bu quanh con tàu. Tôi ngồi trên phòng lái, cởi nón bay ra hút thuốc, nhìn những người bạn chiến hữu đang chia xẻ nhau bữa cơm dã chiến. Khoảng mười lăm phút sau tôi thấy anh xạ thủ của chiếc tàu Charlie ra đứng giữa bãi đưa tay ra hiệu cho hợp đoàn cất cánh. Trung úy Tánh “xích lô” ngồi trên ghế co-pilot tay cầm bọc ni lông cơm sấy đã được cắt đôi chia với Trung úy Bảy “paker”, đang nhóp nhép nhai liền la làng:
-Chèn đét ơi, en chưa xong chi cả mà đã phải bay rồu, cuộc đời bay bổng chi mà khổ rứa!..Vừa lẩm bẩm anh vừa túm túi cơm ăn dở cột sợi giây cao su xong quay người lại bỏ vào túi bay móc sau lưng ghế. Trên sàn tàu của anh, những thùng đạn dược gỗ thông vàng, những thùng đồ hộp C-Ration đã chất ngập đầy sẵn sàng để thả tiếp tế cho quân bạn.
Cánh quạt của bảy chiếc trực thăng bắt đầu quay vùn vụt, tiếng động cơ bán phản lực đồng loạt kêu o...o...vang động cả bãi đáp… Tất cả lần lượt nhấc mình rời khỏi mặt đất, để lại sau lưng đám bụi mịt mờ. Nhìn những người bạn đồng sanh đồng tử hướng vào vùng dầu sôi lửa bỏng, tôi lo ngại… rồi kéo con tàu rời bãi trở về phi trường Cù Hanh.
- Hợp đoàn cất cánh theo tôi, đến vùng chờ sẽ có chỉ thị… Tiếng Thiếu tá Phạm Bính, con Voi đầu đàn vang trên tần số.
Từ căn cứ B-15 bay lên hướng Tây Bắc năm bảy phút là hợp đoàn đã tới vùng. Đây là một tuyến phòng thủ của Trung Đoàn 45/SĐ 23 BB, trải dài mặt hướng Tây-Bắc ngoại ô Kontum vài cây số. Địch quân đã tiến sát vòng đai bảo vệ thành phố, mặt đối mặt với quân bạn. Địa thế đây rừng cây thưa rải rác, trống trải xen lẫn những mãnh ruộng khô rất bất lợi cho những con tàu mỏng manh chậm chạp này. Dưới ánh nắng chói chan, vị trí đóng quân của quân bạn được nhận rõ qua những vòng rào kẽm gai bao bọc những công sự bằng bao cát màu cứt ngựa, nửa nổi nửa chìm dưới mặt đất. Kế bên vòng rào phòng thủ là một bãi đất trống để trực thăng đáp thả đồ tiếp tế hay tản thương.
Từ phía Nam, bốn chiếc chở đồ tiếp tế đang đến.
-“Lead” đây Charlie!.. sẽ có khói màu tím báo hiệu. Nếu có “ground fires” thì sẽ cất cánh trở lại phía Nam… Không cần đáp, “hover” đạp đồ xuống nếu cần…Từng chiếc một đáp nghe rõ không hợp đoàn?!
Năm chiếc trực thăng quần trên cao độ chờ.
- Chiếc “lead” vào trước đi…Tiếng Thiếu tá Bính vừa dứt lời thì một làn khói tím vừa bốc lên ngay trong vòng rào của phòng tuyến quân bạn.
Tàu của Đại úy Luận bắt đầu xuống thấp. Khói tím cuộn bay trên vòng tròn sơn chữ H màu trắng cho trực đáp. Chiếc “lead” đã hạ càng, những thùng đồ vội vã liệng xuống đất. Tàu trống rỗng, chiếc trực thăng cắm đầu rời mặt đất. Mọi sự êm đẹp, không một tiếng súng nhỏ.
-Số hai vào đi!..Chiếc Charlie trên tần số.
Chiếc trực thăng số hai của Chung “ghiền” bắt đầu hạ cao độ. Hai chiếc trực thăng võ trang kè sát, bay hai vòng tròn “cover” hai bên của chiếc tiếp tế. Tất cả vẫn im lặng, không một tiếng súng hay một trái đạn pháo nổ.
- Hai Hổ coi chừng đừng bay quá về hướng Tây, nơi địch tập trung… nghe rõ … Charlie nhắc nhở. Chiếc tàu của Chung đáp xuống với tốc độ nhanh hơn thường lệ, những thùng đồ được hai người bộ binh trên tàu đạp xuống vung vãi trên mặt đất.
Sau khi thả hết đồ tiếp tế, tàu Chung quay đầu 180 độ chúi đầu rời bãi đáp về hướng Nam, đám khói màu tím quyện mù không gian bao phủ con tàu. Vừa lên cao độ cỡ vài trăm feet thình lình từ những cụm cây thấp, trong những khóm tre bụi chuối những tràng đạn đồng loạt nổ vang như bắp rang…Từ mặt đất dưới bụng tàu Chung “ghiền”, chấp chóa nổ như luống cải đang nở hoa hòa điệu với âm thanh của đủ loại súng, cóc… cóc...cóc… cóc… ục… ục…
- Á!.. á… Charlie… Charlie… Tàu bị… “ground fires”… tàu trúng đạn… Charlie… groundfire… Tiếng của Chung thất thanh… Trên cao hai chiếc “gun” đang lượn theo vòng tròn gần đó tức thời phóng những trái “rocket” nổ ầm bên dưới con tàu của Chung đang hối hả lấy cao đô. Mấy khẩu “mini-gun” quay vù vù phun hằng ngàn viên đạn đại liên vào những bụi rậm bên ngoài hàng rào phòng thủ…
- Hổ… Hổ… đây Charlie… có nhiều bóng đen… chạy trong những bụi rậm, … gần bụi tre… phía Nam, kế bên rẫychuối… Hổ xạ kíck vào đó… nghe không… trả lời…
Trên tàu Hổ 1, không khi căn thẳng, hỗn độn tiếng la trong “intercom” của Trung úy Tâm lẫn lộn với tiếng động cơ ầm ĩ cùng với tiếng phành phạch chém gió của cánh quạt:
-Bắn “mini-gun”… bắn… bắn… bụi tre...nghe không...thấy mấy thằng chạy không?… Ở bụi chuối… bắn… bắn… ”
Người xạ thủ chồm hẳn ra ngoài dí mũi súng sáu nòng quay vù, một bầu lửa đỏ trước nòng súng phun hàng ngàn viên đạn xuống đám ruộng, vườn cây phía dưới. Sau lưng chiếc Hổ 2 đang cắm đầu, những làn khói trắng kéo theo sau đuôi hai bên hông tàu, những trái hỏa tiễn phóng vụt xuống bãi nổ ầm. Phía dưới địch tới tấp bắn trả, thấp thoáng nhiều bóng đen di chuyển vội vã từ các bụi cây. Những trái hỏa tiễn nổ tung, những bụi chuối, bụi tre trốc gốc văng tứ phía… Trong không khí sôi động đó có tiếng la đồng loạt từ hai chiếc “gunship”.
- Hổ 1… tàu trúng đạn… Charlie… tàu bị “ground fires”… Tiếng của Trung úy Tâm đứt đoạn.
-Charlie, Charlie!.. Hổ 2, … tàu bị “hit” nhiều viên, “co-pilot” bị thương!..Tiếng nói của Trung úy Thống trưởng phi cơ dồn dập.
Từ triền đồi phía Tây, những khẩu súng lớn liên tiếp bắn vào hai con Hổ đang vẫy vùng gầm thét trong ổ phục kích của địch quân.
- Hổ 1… Hổ 1… tàu bạn có khói… Đáp về hướng Nam gấp… có đám ruộng trống… Hổ 1 nghe trả lời… Tất cả hợp đoàn còn lại về đáp B-15. Tiếng của Thiếu tá Bính chỉ thị…
Bài học của Trung úy Vân bốc cháy rơi trên triền đồi căn cứ hỏa lực Charlie vừa mới đây vì cố bay ra khỏi vùng địch khi tàu bị trúng đạn còn rõ mồn một trong trí nhớ của tất cả mọi người. Chiếc trực thăng võ trang Hổ 1 quay ngược trở lại về phía Nam bay rà theo mặt đất, cố lết ra khỏi vùng địch, theo sau kéo làn khói đen.
Bay được chừng khoảng năm bảy trăm mét, cách con QL-14 gần một cây số, con tàu chậm dần rồi chạm mặt đất, chiếc càng trái vướng vào bờ đê ruộng khựng lại, nghiêng mình về phía trái rồi lật nhào, cánh quạt đập xuống mặt đất vỡ tung tóe mịt mù. Động cơ bán phản lực của chiếc trực thăng tiếp tục nổ, rú lên âm thanh như heo bị cắt tiết, hai bó “rocket” văng lăng lông lốc gần đó. Hùng “kiềng”, người bị treo ngược trên ghế bay, đầu chúi xuống đất vùng vẫy… cố thoát ra, lấy chân đạp mạnh vào tấm kiếng bên hông cửa. Bên cạnh Trung úy Tâm chiếc nón bay đập vào máy nhắm “rocket”, tấm kiếng vỡ từng mảnh vụn, loay hoay cố mở sợi dây “seatbelts” đang siết chặt anh vào chiếc ghế bay. Trong vài giây phút sau giật bung được khóa, người anh rơi xuống như trái mít rụng, cả hai lồm cồm bò về phía sau tàu chạy thoát ra bên ngoài.
Đàng sau đuôi chừng vài chục mét, chiếc Charlie của Thiếu tá Bính đang đậu sẵn chờ từ lúc nào, cánh quạt quay vùn vụt ở tốc độ cao. Phi hành đoàn chiếc Hổ 1 cắm đầu chạy nhanh trên mặt ruộng khô lồi lõm về hướng chiếc trực thăng đang đợi, phóng lên sàn tàu cánh cửa đang mở rộng.
Ngồi trên ghế bay ghìm tay lái đang theo dõi tất cả diễn tiến, Thiếu tá Bính quay ra sau sàn tàu la lớn:
- Sao có ba người à!?.. Còn một người nữa đâu?.. Trung sĩ Linh đâu rồi ?
Ba người trong phi hành đoàn Hổ 1 vừa mới nhảy lên tàu quay mặt nhìn nhau sửng sốt. Trong khoảng khắc không ai nói ai một lời đồng loạt nhảy xuống đất chạy trở lại chiếc trực thăng võ trang đang lật ngữa trong đám bụi mịt mù chưa tan. Không xa hướng Bắc, tiếng cóc cóc của những khẩu súng AK mỗi lúc mỗi gần… Ngồi trên chiếc trực thăng chỉ huy, Thiếu tá Bính kiên nhẫn chờ, không khí cực kỳ căng thẳng. Từ chiếc tàu bị nạn bụi mù chưa tan hẳn, khói đen bốc cao từ buồng máy, thấp thoáng bóng phi hành đoàn chui ra từ khoang tàu, kéo lê thân người bất động của Trung sĩ Linh đang nằm co quắp kế bên khẩu “mini-gun”, chiếc nón bay văng ra khỏi đầu. Trung úy Tâm phía sau hai tay cầm hai cổ chân của xạ thủ Linh, Thiếu úy Hùng và Lan mê-vô chạy trước, mỗi người nắm một cánh tay, tư thế như đang khiêng một chiếc kiệu, cố chạy nhanh về chiếc tàu Charlie đang đợi. Tất cả đã lên tàu, chiếc trực thăng vội vã nhấc mình rời mặt ruộng khô, vượt qua hàng cây xanh dọc theo con suối cạn… theo sau mấy tiếng cóc cóc… của những cây AK-47 bắn vói theo…
Trên sàn tàu, Trung sĩ Linh nằm xoãi tay, mắt nhắm nghiền, không hơi thở, một lỗ lủng bằng đầu ngón tay ngay kế nách sát bìa chiếc áo giáp, máu đỏ loang ướt đẫm bộ áo bay màu xám. Định mệnh đã quá khắc khe cướp đi mạng sống của Linh chỉ một tuần lễ sau khi anh thành hôn với một người con gái mà anh hứa sẽ sống bên nhau suốt đời.
Tại bãi đáp Lôi Hổ B-15 chiếc Hổ 2 và hai chiếc tiếp tế đã đáp tắt máy. Huỳnh “râu” đang đi vòng quanh tàu đếm lổ đạn. Chung “ghiền ” chạy đến bên chiếc Hổ 2 thấy Thành “râu” đang ngồi dựa ngã đầu vào lưng ghế bay, trước bụng để chiếc nón bay, cái kiếng mát gắn trên nón bay bể nát rơi trên sàn tàu, phần trước nón một đường rảnh sâu kéo dài do viên đạn xuyên ngang. Anh vẫn còn ngơ ngác bàng hoàng chưa tỉnh hồn vì những giây phút đối đầu với lưỡi hái tử thần trong đường tơ kẽ tóc.
-Thành!..mày có sao không ?
Đang nhắm mắt, Thành ngửng đầu dậy trả lời:
- Bố khỉ, mẹ… cám ơn mày!..Mày khen bộ râu tao đẹp, bây giờ cho mày xem này...Nói xong Thành chỉ vào hàng ria mép một bên trái bị cháy xém tận da do viên đạn xẹt ngang trông rất ngộ nghĩnh. Nhìn khuôn mặt của Thành “râu”, “Chung ghiền” không nén được, cười rộ.
- May nhờ tao mang cái kiếng Rayban không thì giờ này chắc là mù mẹ rồi… Nói xong Thành đưa tay sờ những vết lủng lổ chổ như hạt gạo đọng máu đen trên má…
o0o
Ngày 25 tháng 5 Cộng quân mở nổ lực cuối cùng tấn công Kontum. Lúc nửa đêm địch pháo dữ dội vào gần phi trường và phía Nam thành phố, hai tiểu đoàn đặc công đã xâm nhập lọt vào mặt Đông Nam do địa phương quân trấn giữ. Nhiều chiến xa địch đã tiến được vào nhiều vị trí quan trọng và đã gặp sức chống cự mãnh liệt của quân bạn.
Trong ngày 30-5, các vị trí do CS chiếm đã được lấy lại. Trưa 31-5 Cộng quân rút lui để lại 3000 xác chết theo lời Đại tá Lý Tòng Bá, Sư đoàn trưởng SĐ/23 BB. Hơn mấy chục chiến xa bị bắn hạ tại chỗ.
Từ ngày 1 tháng 6, tình hình chiến sự tại Kontum bắt đầu tiến triển khả quan khi mũi dùi xâm nhập thành phố của Bắc quân từ hướng Đông Nam đã bị đẩy lui hoặc bị tiêu diệt, Sư Đoàn 23 đã hoàn toàn kiểm soát phi trường cũng như những vùng phụ cận.
Tổng thống Thiệu đã bay vào thị xã vinh danh tinh thần chiến đấu của anh em binh sĩ và thăng cấp cho Đại tá Lý Tòng Bá lên Chuẩn tướng.
Mặc dầu đã có nhiều ưu thế về quân số, vũ khí, xe tăng nhưng địch đã bị thảm bại vì lòng can đảm và sự chiến đấu dũng cảm của tất cả quân binh chủng VNCH. Gần 40.000 xác Bắc quân đã bỏ lại chiến trường Tây Nguyên. Ván bài cuối cùng của Bắc Việt trước khi lên bàn hội nghị Paris đã không mang lại một kết quả nào mà càng làm cho Bắc quân càng thêm kiệt quệ.
Lời kết: Mặt trận mùa hè 72, hay “Eastern Offensive,” là một trận chiến lớn nhất đã xãy ra trong chiến tranh tại miền Nam Việt Nam. Với tất cả nổ lực về quân sự mà Bắc Việt đã đem ra và sự tin tưởng rằng chúng sẽ đạt được một chiến thắng nào đó. Nhưng sau ba tháng ròng rã dùng tất cả mọi nổ lực tấn công những mục tiêu chúng đã chọn và cuối cùng chúng đã phải rút lui với những tổn thất nặng nề.
Là một nhân chứng của những trận đánh khủng khiếp và kinh hoàng nhất của mặt trận Cao Nguyên, tôi muốn ghi lại tất cả đây hình ảnh của trận chiến qua cái nhìn của một hoa tiêu trực thăng võ trang. Đồng thời cũng muốn nói lên cho thế giới thấy sự can trường của những người lính Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến này. Những trận đánh trên ngọn đồi lịch sử Charlie, điển hình của binh chủng Nhảy Dù, mặc dầu ở trong một hoàn cảnh khó khăn, thất lợi đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và gây tổn thương tối đa cho quân địch. Những Trung Đoàn Biệt Động Quân biên phòng cũng như các Trung Đoàn tinh nhuệ của Sư Đoàn 23 bộ binh đã chống đỡ tất cả mọi tấn công điên cuồng của địch quân vào Kontum và giữ vững thành phố này trong giây phút cuối cùng trận chiến B-3 của Bắc quân.
Nhưng chiến thắng của mặt trận này không thể có được nếu không có sự yễm trợ của Không Lực Đồng minh Hoa Kỳ, và nhất là tinh thần chiến đấu dũng cảm của tất cả các phi công Không Lực VNCH.
Những con chim đơn độc của những chiếc máy bay quan sát bay trên mặt trận nóng bỏng ngày đêm để tìm kiếm dấu vết của địch; những chiếc phi cơ vận tải bay qua những lằn đạn phòng không, chuyên chở vật liệu, đạn dược để tiếp tế những thành phố bị vây hãm dưới hằng ngàn trái đạn pháo kích; những chiếc trực thăng sát cánh, ăn ngủ kế bên những đơn vị bạn, đối đầu trực diện với quân thù trong những khoảng không gian nhỏ hẹp; những chiếc máy bay khu trục lao mình xuống mục tiêu yễm trợ quân bạn, không hề quan tâm đến sinh mạng trước rừng phòng không dày đặc.
Mặt trận Mùa Hè Đỏ Lửa đã làm cho Bắc quân hầu như bị kiệt quệ trong tất cả mọi tiềm năng chiến đấu và không còn một khả năng nào để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lấn miền Nam. Nếu chúng ta tiếp tục được sự yễm trợ của những người bạn Đồng Minh Hoa Kỳ thì cuộc diện chiến tranh có lẽ đã đổi chiều. Nhưng thực tại đã phủ phàng, trong khi Cộng Sản miền Bắc vẫn được sự yễm trợ mạnh mẽ về khí giới của những nước đàn anh Cộng Sản để tiếp tục guồng máy chiến tranh của họ, thì chúng ta lại bị nguời bạn Đồng Minh Hoa Kỳ bỏ rơi, không thương tiếc.
Thế cờ chính trị trên bình diện thế giới đã đổi thay, miền Nam Việt Nam đã trở thành một con cờ thí… Chúng ta đã thua cuộc chiến không phải là thiếu lòng can đảm, thiếu ý chí chiến đấu mà chúng ta đã thua cuộc vì quyền lợi của những nước Tư Bản.
Thắng thua là chuyện đương nhiên phải có trong một trận chiến, nhưng nguyên nhân của sự thất bại mới là điều đáng kể. Chúng ta có quyền hãnh diện đã mang trên người bộ quân phục của một người chiến sĩ đã từng phục vụ dưới lá cờ của Tổ Quốc, Màu Vàng Ba Sọc Đỏ!
Hết
Xin thành thật cám ơn những Niên trưởng cũng như các Chiến hữu đã đóng góp những chi tiết trong mặt trận MùaHè Đỏ Lửa: Trung Tá Khưu Văn Phát, Trung úy Nguyễn Ngọc Chung, Trung úy Lê Quang Vinh, Trung úy Trần Văn Đạt, Thiếu úy Nguyễn Thanh Hùng và sau cùng là Đại úy Phạm Vương Thục bào đệ của Cố Trung Tá Phạm Văn Thặng.
No comments:
Post a Comment