Wednesday, July 24, 2024

Logo ‘Di cư 1954’: ‘Nỗi lòng người đi’ vẫn như ngày nào

Gia đình ông Lâm Quang ở miền Bắc trước khi di cư. 
(Hình: Lâm Quang cung cấp)

LITTLE SAIGON, California (NV) – Cuộc di cư lịch sử của người Việt từ Bắc vào Nam sau Hiệp Định Gèneve năm 1954, đến nay đã tròn 70 năm mà với số đông, vẫn mới như vừa xảy ra.

Sau khi Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2 Tháng Chín, 1945, thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại miền Bắc, đời sống người dân vẫn không ổn định chút nào hơn so với ách thống trị của thực dân Pháp.

Bao nhiêu chính sách cải tổ, chỉnh đốn, sửa sang dồn dập đổ ập xuống đầu dân lành để dẫn đến cuộc Cải Cách Ruộng Đất năm 1953 mà người dân quen gọi là “Đấu Tố.”

Sau khi chứng kiến vô số đồng bào bị giai cấp vô sản thanh trừng, người dân miền Bắc thấy được những khẩu hiệu độc lập, tự do, hòa bình và no ấm chỉ là cái bánh vẽ, là những hứa hẹn hão huyền như cái “lá diêu bông” của thi sĩ Hoàng Cầm.

Năm 1954, Hiệp Định Gèneve là hiệp định đình chiến được ký kết tại thành phố Gèneve, Thụy Sĩ nhằm khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Hiệp định dẫn đến chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp trên bán đảo Đông Dương và chính thức chấm dứt chế độ thực dân tại Đông Dương.

Theo hiệp định, sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, tạm chia đôi Việt Nam.

Phía Bắc là vùng tập kết quân sự của quân đội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Phía Nam do quân đội khối Liên Hiệp Pháp kiểm soát.

Sự phân chia này chỉ là tạm thời và cuộc tổng tuyển cử vào năm 1956 sẽ thống nhất hai miền dưới một chính phủ.

Ông Lâm Quang, ở tuổi 88, còn nhớ vanh vách chuyến di cư 70 
năm trước. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Trong thời gian chờ đợi, người dân có quyền chọn lựa nơi sống; những người ở Bắc, nếu muốn vào Nam (hay ngược lại) sẽ được cung cấp phương tiện di chuyển qua chiến dịch Operation Passage to Freedom (Đường Đến Tự Do), thường được gọi là di cư (vào Nam) hay, ít hơn nhiều, tập kết (ra Bắc).

Số người di cư vào Nam lên đến hàng triệu trong lúc số người tập kết ra Bắc chỉ khoảng 150,000.

Kinh hoàng trước cuộc thanh trừng tập thể đẫm máu nhân danh “Cải Cách Ruộng Đất,” hàng triệu người sẵn sàng bỏ nhà bỏ cửa, bỏ ruộng vườn để di cư với hai bàn tay trắng.

Dưới đây là vài chi tiết câu chuyện của vài cá nhân về cuộc di cư lịch sử lớn lao.

Ra đi với hai bàn tay trắng

“Gia đình tôi lúc bấy giờ ở thị xã Hải Dương. Những hiểu biết mà bố con tôi thu thập được về chế độ cộng sản ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu chưa đủ mạnh để thúc đầy chúng tôi bỏ cuộc sống hiện tại để vào Nam ngay lúc đó,” Giáo Sư Nguyễn Duy Linh, cư dân Garden Grove, kể. “Gia đình tôi có 10 miệng ăn, gồm bố mẹ và tám anh em tôi.”

“Thế rồi có một việc xảy ra khiển cho bố tôi thay đổi quyết định, một việc lúc đầu tôi cho là ngẫu nhiên nhưng sau này tôi mới biết là do suy nghĩ của ông bác ruột tôi, một viên chức kỳ cựu của ngành bưu điện, vốn là một người thâm trầm sâu sắc,” ông giải thích.

Giáo Sư Nguyễn Duy Linh, chỉ muốn đóng góp một phần nhỏ 
cho đề tài di cư 1954 quá bao quát. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Người bác gửi cho bố ông Duy Linh một bức thư: “Tôi sắp vào Nam. Gia đình tôi hiện ở Hải Phòng. Chú xin nghỉ vài ngày về chơi với gia đình tôi vài hôm trước khi chia tay. Hai năm sau chắc gì đã thống nhất mà có dịp gặp lại nhau.”

Ông Linh tiếp: “Bố tôi rủ thêm mấy ông bạn cũng đang trong tâm trạng dùng dằng, cùng đi Hải Phòng vừa thăm thân nhân vừa để tìm hiểu tình hình.”

Nhà bác ông Duy Linh chỉ cách trại tiếp nhận đồng bào đi cư vào Nam chừng 200 mét.

“Bố tôi và mấy ông bạn hàng ngày chứng kiến đồng bào¸ đủ mọi thành phần, các nơi đổ về, càng lúc càng đông, kể cả những người nghèo chỉ có mấy bộ quần áo đem theo. Thế là các cụ bảo nhau về Cẩm Phả chuẩn bị vào Nam,” ông Linh hồi tưởng.

Bố ông phải ở lại để lo liệu một số việc nhưng khuyến khích cả gia đình cứ lên tàu trước.

Ông nhỏ giọng: “Ra đi lúc đó là ra đi với hai bàn tay trắng, trong khi không một ai trong gia đình tôi có công việc ổn định hoặc có một nghề chuyên môn. Chú em kế tôi vừa mới xong trung học đệ nhất cấp, cô em út mới tròn bốn tuổi. Đi như thế khác gì ‘thả mồi bắt bóng,’ lấy gì bảo đảm cho cuộc sống ở nơi đất khách quê người.”

Trên tàu, gia đình ông bị say sóng, nôn mửa thốc tháo.

“Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên và cảm phục là tinh thần phục vụ tận tuỵ kiên trì, không mệt mỏi không cáu gắt, cũng không hề tỏ ra tởm lợm của những người lính Hải Quân Mỹ làm vệ sinh, dọn dẹp trên tàu,” ông kể.

Thời đó, mỗi người dân di cư khi tới miền Nam được cấp phát 700 đồng.

Ông nói: “Gia đình tôi lúc đầu tá túc nhà ông cậu, sau đó tậu mua một mảnh vườn ở Tân Sơn Hòa với giá 500 đồng nhưng đủ rộng để dựng một ngôi nhà lá khá khang trang và có cả một cái sân phía trước và một cái giếng ở đầu hồi. Chúng tôi ghi danh tại trại định cư Khuông Việt (bên Phật Giáo) gần nhà nên thỉnh thoảng cũng nhận đươc trợ cấp thêm một số lương thực như dầu ăn, đường, sữa,…”

Cuối cùng, bố ông cũng theo cơ quan trên chuyến bay chót từ Hải Phòng vào Sài Gòn.

Ông ôn lại: “Gia đình tôi dần dần vượt qua mọi khó khăn để có cuộc sống vững vàng hơn. Việc hội nhập của gia đình tôi vào quê hương mới cũng dễ dàng nhanh chóng nhờ lòng hiếu khách của người dân miền Nam.”

Khác biệt trong sinh hoạt của hai miền tuy không lớn lao nhưng cũng khiến người di cư phải nhớ.

“Về ẩm thực thì điều hấp dẫn nhất đối với các bà nội trợ miền Bắc chính là cái bếp lẩu vừa nhẹ nhàng vừa tiện dụng so với cái bếp than thời trước cũng như cái bếp cồn sau này,” ông cố nhớ.

Gia đình ông Lâm Quang đoàn tụ một vài năm sau ngày di cư tại 
căn nhà mới mua trên đường Chi Lăng, Gia Định. 
(Hình: Lâm Quang cung cấp)

“Các món quà dân dã như các loại xôi chè ăn với nước cốt dừa ngon bổ mà cũng rất phong phú.”

“Đối với trẻ con thì cục đá nhận chế si-rô đủ màu sắc cũng như ly nước mía đầu tiên mà chúng chia nhau cũng đã là một kỷ niệm nhớ đời,” ông nhắc lại ký ức. 

Ấm áp, thân tình của người miền Nam

Ông Lâm Quang (Tony Lâm), cựu nghị viên thành phố Westminster và là nghị viên gốc Việt đầu tiên tại Mỹ, cũng là người di cư.

Ông kể: “Ấn tượng tôi không thể quên được là chứng kiến những người Công Giáo di cư vào Nam mà chỉ ôm theo vỏn vẹn tượng Đức Mẹ.”

Vừa vào Nam lúc chập tối, ông đói quá nên ghé xe hủ tíu vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi (giữa Sài Gòn và Chợ Lớn) ăn một tô.

Và ông thấy ngay sự khác nhau trong sinh hoạt giữa hai miền.

“Ăn xong, tôi biết giá là năm xu. Ngoài Bắc không có giá ‘năm xu’ mà là ‘năm hào,’” ông Quang kể. “Tôi đưa ông bán hàng tờ một hào thì ông xé toạc làm đôi. Tôi trợn mắt hỏi sao lại xé tiền của tôi thì ông người Tàu cười hềnh hệch, ‘Ở đây là vậy đó. Không sao đâu. Còn năm xu, anh muốn đưa ai cũng được, ai cũng nhận hết.’”

Sau, ông mới biết, tờ tiền xé đôi, không cần bằng nhau, không cần thắng thớm, ngay ngắn bất kể cũ mới cũng được cả. Việc này chỉ chấm dứt sau khi chính phủ miền Nam cho phát hành đồng tiền bằng kim loại.

Phải mất một thời gian ông mới làm quen với ngôn ngữ địa phương miền Nam.

“Ban đầu, tôi rất bỡ ngỡ với từ ngữ như ‘quẹo trái, quẹo phải’ thay vì ‘rẽ trái, rẽ phải,’” ông kể. “Nhưng tôi không quan tâm lắm vì cứ lo cho bố mẹ còn ở lại.”

Sau đó, ông quay ra Bắc để thuyết phục bố mẹ cùng vào Nam.

Quay ra Bắc, ông tìm bố mẹ ở Hà Nội giữa lúc hai người đang lo bị nhà nước đánh thuế đến thâm vào vốn liếng nên sẵn sàng di cư.

“Nhưng lúc đó, trái với Hiệp Định Gèneve, nhà nước đâu có để người dân di cư thoải mái đâu. Vì vậy chúng tôi phải dùng mánh lới,” ông Quang kể.

“Hẹn gia đình chờ sẵn ở ga Hàng Cỏ, tôi khiêng một cái rương dài. Khi đi ngang hai người bộ đội gác cửa, tôi đập mạnh vào vai hai người để chi phối họ trong lúc bố mẹ tôi lẻn vô sân ga.”

Bà Trương Kim Lan (thứ nhì tứ trái) còn nhớ chuyện ngôn ngữ 
Bắc Nam của 70 năm trước. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Lên xe lửa lần này, đến ga Phạm Xá, nhờ nói được chút tiếng Pháp, gia đình ông được lên máy bay của hãng Aigle Azur đưa vào Nam.

Cả gia đình ông đoàn tụ và định cư ở đường Chi Lăng, Gia Định.

An tâm rồi, ông bắt đầu tìm hiểu nếp sống người miền Nam.

Ông thấy sự khác biệt giữa hai miền không chỉ ở vài từ ngữ mà sâu xa hơn trong quan hệ gia đình.

“Tôi thấy hình như con dâu ở miền Nam tương đối ít bị săm soi, xét nét hơn và đặc biệt con rể rất được gia đình bên vợ đối xử thân tình và quý trọng,” ông nhận xét. “Miền Bắc có phần bị ảnh hưởng câu ‘dâu là con, rể là khách’ và giữa sui gia ở miền Nam cũng gần gũi thân tình hơn.” 

Và tiếng Bắc, tiếng Nam 

Sự khác biệt trong ngôn ngữ địa phương là một trong những kỷ niệm khó quên của người gốc Bắc.

Bà Trương Kim Lan, ở Anaheim, cười: “Tôi nhớ mãi là gần chỗ tôi ở có cái chợ nhỏ. Ở đó có hàng bán vali gỗ. Sáng hôm ấy tôi ra hàng hỏi mua cái hòm thì bị người chủ trợn mắt, mới sáng sớm mà ra trù ếm hàng quán người ta. Ở đây không có bán hòm quách gì hết.’”

Bà cười to hơn: “Ngoài Bắc gọi cái đó là rương hay hòm là bình thường (như vừa rồi có đại hội ‘Đức Bà là Hòm Bia Thiên Chúa’), ai mà dè trong Nam lại gọi là ‘vali.’ Bị mắng lần đó, tôi vừa sợ vừa buồn cười,” bà kể.

“Mà ngoài chữ đó, người Nam cũng không hiểu nhiều chữ khác của miền Bắc. Họ thắc mắc, ‘Sao buồn mà lại cười?’ trong lúc chúng tôi lại không hiểu, ‘Sao tức mà lại cười.’”

Bà Trương Hồng Thái, ở Torrance, góp chuyện: “Cái cây nấu canh chua thì trong Nam gọi là ‘bạc hà’ trong lúc ngoài Bắc gọi cây ‘rọc mùng’ (tùy vùng, có vùng gọi là ‘dọc mùng’ theo kiểu phát âm ‘mưa rơi rơi’ thành ‘mưa dơi dơi’ của ca sĩ Thái Thanh. Hay người Nam gọi ngô là bắp, gọi màn là mùng, gọi lợn là heo.”

Bà tiếp: “Cười đau bụng nhất là chữ ‘đồ’ ở miền Bắc để nói về chỗ kín đàn bà mà trong Nam lại có ‘đồ ăn’ và có luôn cả ‘đồ cúng.’”

Dù sao, di cư vào Nam, người miền Bắc được đồng bào miền Nam đón nhận bằng sự rộng rãi, cởi mở và trực tính nên cũng phần nào nguôi ngoai tâm tư tha phương mặc dù nhiều người từng nghe câu “Bắc Kỳ ăn cá rô cây/Ăn nhằm lựu đạn, chết cha Bắc Kỳ.”

Từ lúc rời bỏ quê hương vào Nam đến khi rời xa đất nước đi nước ngoài, trong lòng người miền Bắc không bao giờ quên được tấm thịnh tình và lòng nhân hậu, rộng rãi của người miền Nam.

Giáo Sư Linh nói: “Tôi luôn biết ơn giải đất miền Nam hiền hòa đã cưu mang hơn nửa triệu đồng bào miền Bắc đi cư với trái tim từ ái và lòng nhân hậu.”

Ông Quang cũng có nhận định như vậy: “Người miền Nam có tinh thần hiếu khách, rộng rãi, thông thoáng, và nhờ vậy mà cuộc di cư 54 mới thành công như vậy.”

Là người miền nào thì không ai là không yêu thích nhạc phẩm “Nỗi Lòng Người Đi” của nhạc sĩ Anh Bằng.

“Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám, khi vừa biết yêu/Bao nhiêu mộng đẹp, yêu thương thành khói tan theo mây chiều…” [kn]

Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com 

No comments:

Post a Comment