ARLINGTON, Virginia (NV) – 70 năm sau, khi những nhân chứng kể lại, dù khiêm tốn cho là “chút ký ức còn sót lại với đời” về cuộc di cư 1954 lịch sử, nhưng tất cả đều là những câu chuyện còn nguyên vẹn không gian, thời gian, diễn biến, và cả cảm xúc.
Những tiếng gào khóc ở bến tàu
Người phụ nữ ngồi trước mặt tôi không xa lạ với cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt là vùng Washington DC.
Bà là nhà văn Trương Anh Thụy, một trong những sáng lập viên của hội từ thiện Vietnam Refugee Fund Inc (1975) và Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (Boat People SOS, Inc.,) cũng như thành lập nhà xuất bản Cành Nam. Sau này, bà là đồng sáng lập của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ.
Ở độ tuổi 81, sự uyên thâm, trí nhớ và hài hước vẫn hiển hiện ở người phụ nữ này, đủ để bà bắt đầu chuỗi ký ức của gần 70 năm trước bằng câu hát: “Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu.”
Nhưng rồi bà cười và nói: “Tuổi tôi khi ấy đúng 18 đó, nhưng có ở trong tình trạng biết yêu đâu. Thời đó không có internet, báo chí cũng nghèo nàn không có nhiều tin tức, nên đối với người dân miền Bắc, chuyện miền Nam cũng là xa xôi lắm chứ đừng nói đến chuyện thế giới. Chỉ biết rằng trong Nam trù phú lắm. Bảo rằng chia đôi đất nước, đi vào Nam thì cảm giác cũng đau lòng vì tự nhiên bị tách rời ra khỏi Hà Nội. Nhưng vì tuổi trẻ thì cũng háo hức đi xem một miền mới, đất mới ra làm sao.”
“Khi có chuyện di tản xảy ra, xung quanh tôi ai cũng hoảng sợ,” bà kể tiếp. “Lạ một điều cứ tưởng người dân Hà Nội là người sợ nhất và bỏ chạy sớm nhất, nhưng ngược lại, dân ở miền quê và dân ở Bùi Chu, Phát Diệm, 80% người Công Giáo là người chạy trước nhất. Vì họ đã sống với cộng sản, họ biết cộng sản là vô thần. Làm sao họ sống được.”
Một lý do nữa, theo bà Trương Anh Thuỵ kể, “họ là người Công Giáo, họ tin vào Chúa, vào linh mục của họ. Linh mục bảo đi, thì họ đi.”
Lúc bấy giờ, bà kể, cả hai bên Nam và Bắc đều ra sức tuyên truyền. Bên cộng sản thì “ở lại (miền Bắc) là thiên đường. Đừng đi theo ngoại bang. Miền Bắc đã độc lập tự do hạnh phúc rồi. Bên phía miền Nam thì tuyên truyền “Chúa đã vào miền Nam rồi.”
“Với cách kêu gọi ‘đừng đi theo ngoại bang’ của cộng sản miền Bắc, những người trẻ tuổi có lý tưởng lại cảm thấy tội lỗi, vì sao không ở lại với nước của mình mà lại vào Nam đi theo Pháp. Do đó có nhiều người trẻ kẹt lại vào năm đó,” bà nói.
Bà kể một hình ảnh tiêu biểu ở Hà Nội vào thời điểm đầu sau khi ký kết Hiệp Định Genève:
“Gia đình Việt Nam đã bị chia cắt từ trước năm 54 rất lâu rồi, khi Hà Nội kháng chiến, dân Hà Nội chạy về quê, vào tận Bùi Chu, Phát Diệm. Gia đình tôi cũng thế. Cho đến năm 54, bao nhiêu người bỏ chạy, họ bán nhà rẻ đến mức gần như lạy mình để bán, bán để có ít tiền đi vào Nam. Mà nhà ở Hà Nội toàn những biệt thự lớn của Pháp xây. Người ở lại mua để làm gì? Mua để đón cha mẹ anh em ngoài bưng về.”
Vì gia đình có người làm cho chính phủ nên bà được ghi danh di tản vào Nam bằng phi cơ quân sự. “Ghế ngồi rất đau, nhưng vẫn là may mắn,” bà nhớ lại.
Chính trong thời gian chờ đợi của thủ tục ghi danh, bà đã là nhân chứng của nhiều chuyến di tản lịch sử. Thời điểm đó hoàn toàn không có bất cứ thông tin gì về những chuyến đi, chỉ là những lời đồn truyền nhau “có tàu chờ ở Hải Phòng.” Do đó, cứ nghe tin, là đi. Không có, hoặc hết chỗ, thì quay về.
Bà kể: “Những gia đình khác phải đi bằng cách đi xuống Hải Phòng. Có ba cách để đi: Một là từ Hà Nội cho những công chức, hai là từ Hải Dương, và nhiều nhất là từ Hải Phòng. Hải Phòng được đến 300 ngày để di tản. Khi đó tôi 18 tuổi. Tôi giúp gia đình, họ hàng bằng cách đưa từng gia đình xuống Hải Phòng để chắc chắn họ đã được lên tàu.”
Những lần xuôi ngược đó, bà đã chứng kiến những “vở kịch nước mắt” vô tiền khoáng hậu.
Với giọng từ tốn, bà kể: “Khi một gia đình đi, phải cải trang làm người buôn bán, vì nếu mang vali quần áo, túi xách hay đồ đạc gì khác thì rõ ràng mình là người di cư. Cán bộ cộng sản sẽ đến ôm chặt lấy mình rồi bảo ‘ôi cô ơi hay chị ơi, mẹ ơi, bây giờ nước độc lập rồi, ở lại chứ sao lại đi vào miền Nam làm gì?’ Họ khóc, ôm chặt lấy mình, không cho đi, như thể mình là cha mẹ anh chị của họ thật. Dĩ nhiên họ không có quyền giữ mình, nhưng cứ ôm chặt lấy mình. Họ lăn ra khóc, rồi dựng chuyện là mẹ ở nhà đang ốm. Họ khóc giỏi thật.”
Do đó, mỗi gia đình đi đều phải cải trang như đi buôn rồi quay về. Gia đình nào có con nhỏ thì càng khó khăn và gặp phải nhiều “trận khóc” từ những người xa lạ hơn.
Những người di tản đó sẽ lên con “tàu há mồm LST,” biểu tượng đã đi vào lịch sử di cư của Việt Nam, để ra tàu lớn đang chờ ngoài khơi.
Những ngọn đèn dầu lạc
Đêm Tháng Tám năm 1954, trời tối bưng. Ngôi nhà nào ở Diêm Điền, tỉnh Thái Bình, cũng cửa đóng then cài, nhưng bên trong vẫn có ánh sáng le lói từ ngọn đèn dầu lạc.
Đó là chính là những gia đình di tản. Họ vẫn để đèn để những cán bộ cộng sản tưởng rằng trong nhà có người.
Trong những người ra đi năm ấy, có ông Phạm Văn Quang, chỉ vừa bốn tuổi. Gần 70 năm sau, từ tiểu bang Arkansas, ông kể lại: “Tôi nhớ rõ ngày đó là 15 Tháng Tám, vì hôm ấy là Lễ Đức Mẹ Lên Trời.”
“Gia đình tôi đi thành nhiều đợt. Ông bà cụ nhà tôi và nhiều người khác chia thành nhiều đợt để đi. Tôi đi với mợ. Cha mẹ tôi đi sau. Đi vào ban đêm. Chúng tôi đi đường ruộng để họ không biết. Người nào cũng gồng gánh, cảnh tượng hỗn loạn. Ai cũng mang một cái gì trên người, mang được gì thì mang. Khi đi bộ xa quá thì bỏ lại dọc đường từ từ.”
Theo lời ông Quang, gia đình ông từ Diêm Điền đi bộ ra Hải Phòng và được đi máy bay vào Nam.
Cuộc di cư 1954-1955 là của toàn thể người dân miền Bắc, đủ thành phần xã hội và tôn giáo. Nếu gia đình bà Trương Anh Thụy là tầng lớp trí thức ra đi, gia đình ông Phạm Văn Quang là tầng lớp nông thương, thì gia đình ca sĩ Lê Uyên (Phương) lại thuộc hạng thương gia giàu có.
Bà nhớ lại: “Năm 1954, một số người trong gia đình tôi có mặt trên chuyến bay đầu tiên của dòng người di cư từ Bắc vào Nam. Năm đó, tôi 3 tuổi. Tôi chia tay với nhiều người trong gia đình của mình và vĩnh viễn không gặp lại họ. Trong đó có một người anh và một u già. Anh của tôi quyết định về Hong Kong với dì. Còn u, người chăm sóc tôi từ nhỏ thì không thể đi theo vì còn người con trai ở quê.”
Miền Nam trù phú và sự khác biệt văn hóa
Khi ra đi, người di tản là thành phần nào, thì đến Miền Nam, vô hình trung họ sẽ gắn liền với thân phận ấy, ít nhất là trong vài năm đầu, như trường hợp gia đình ông Phạm Văn Quang.
Ông kể: “Khi mới vào Nam, chúng tôi sống trong khu rừng ở Biên Hòa. Một bên là sông Đồng Nai, một bên là rừng. Mỗi lần đi đâu phải đón xe đò, rất cực khổ. Tôi nhớ mình cảm thấy bơ vơ lạc lõng lắm. Vì đi với mợ, cả tháng sau bố mẹ tôi mới vào. Chúng tôi ở khu rừng đó mãi đến năm 1966 mới vào Sài Gòn.”
May mắn hơn rất nhiều, khi vào Nam, bố mẹ của nữ ca sĩ Lê Uyên nhanh chóng có căn nhà ở số 14 Trần Thanh Cần, gần nhà thờ Cha Tam. Cha mẹ của bà lập nghiệp lại, vẫn là công việc từng làm ở Hà Nội.
“Ông bà mở hãng vận tải ở Chợ Lớn, đặt tên là Vinh Du Phong, chở hàng từ Sài Gòn ra Quy Nhơn. Tôi được đi học lại ở trường Pháp, trở thành nữ sinh của trường tiểu học Sans Famille,” nữ ca sĩ kể.
Ký ức của bà về những người miền Bắc mới di cư vào Nam khi ấy là: “Tinh thần của họ rất phấn khởi. Họ cảm thấy thoải mái và tự do.”
Đó cũng chính là cảm giác mà ông Phạm Văn Quang có được khi vào đến miền Nam. Theo lời ông nói, “cho dù ban đầu cũng có sự kỳ thị vùng miền, “vùng nào chơi với vùng đó,” dù chưa có thức ăn nhiều, nhưng mọi người cảm thấy phấn khởi, vui sướng.”
Sự kỳ thị vùng miền qua ký ức của nhà văn Trương Anh Thụy lại có phần nhẹ nhàng và dễ thương hơn. Đối với bà, chính xác gọi là “sự khác biệt văn hóa.” Khi vào Nam, bà trở thành nữ sinh trường Trưng Vương. Cha của bà đi dạy học trường Trung Học Sư Phạm.
“Phi cơ di tản từ Hà Nội thường chở gia đình công chức hoặc sinh viên. Sinh viên được cưng lắm. Bên nào cũng muốn giữ người trí thức cho mình,” bà nói.
“Vào Nam, trong đó đã sẵn sàng mọi thứ. Công chức thì được bổ nhiệm vào công chức làm việc cũ. Sinh viên được đi học trở lại. Lớp nào vào lớp đó. Trường tư mở ra như nấm. Ai cũng được đi học. Nông dân thì cho họ về quê. Đất miền Nam mênh mông trù phú. Nông dân được một thửa ruộng lớn, dụng cụ để làm nhà, được tiền để mua dụng cụ làm vườn, cho trâu, bò để cày cấy. Người công giáo được cho vào làng công giáo, được xây nhà thờ.”
Do đó, sự khác biệt văn hóa là điều bà đối diện nhiều nhất trong thời gian mới di tản. Bà ngạc nhiên vì sao người miền Nam có thể sống thảnh thơi, không lo âu về ngày mai.
Bà kể: “Khi tôi ra phố, tôi thấy một người ngồi trong quán nghỉ bên cạnh chiếc xích lô. Tôi hỏi xích lô có đi không. Ông ấy bảo ‘Không, giờ này giờ nghỉ.’ Tôi trợn tròn mắt, nghĩ trời ơi, ở miền Bắc nếu có sắp chết mà có người gọi đi cũng đứng dậy mà đi. Phải lo tối nay có gì ăn hay ngày mai có gì ăn nên ai gọi phải đi.”
Tuy nhiên, có lẽ như ban đầu bà đã nói, tuổi trẻ háo hức khám phá miền đất mới, thêm nữa là cuộc đời nữ sinh Trưng Vương chia lớp học với nữ sinh Gia Long đã cho bà nhiều kỷ niệm đẹp, nhẹ nhàng. Bà nói: “Người Nam trong cái nhìn người Bắc rất tuyệt vời ở chỗ là họ nói thẳng, thật tình. Còn người Bắc thì có tính hay trêu chọc. Ví dụ người Nam nói ‘đi họp’ thì có người sẽ chọc là ‘cái hộp à’”
Dù là vậy, “tuổi trẻ chúng tôi hội nhập rất nhanh. Tôi mau chóng có nhiều tình thân với các bạn miền Nam cùng lớp hoặc khác lớp.”
Sau này, bà đã viết lạ những kỷ niệm học trò đó trong tập truyện ngắn “Ánh Mắt.”
“70 năm di cư” (1954-2024) của dân tộc Việt Nam trôi qua như một chớp mắt. Một trong những cuộc di cư vĩ đại nhất đã để lại dấu tích khó phai nhòa trong mỗi mảnh đời của những ai từng là nhân chứng, dù khi ấy là một thanh thiếu niên, hay chỉ là một đứa trẻ lên ba, lên bốn.
Liên lạc tác giả: ngo.kalynh@nguoi-viet.com
Kalynh Ngô/Người Việt
No comments:
Post a Comment