Khi Việt cộng rầm rộ kéo quân tiến chiếm làng Bình Giả, Phước Tuy, lực lượng võ trang làng đã được Cha Xứ cho lệnh rút lui, ẩn vào các hầm bí mật. Suốt mấy ngày bị chiếm đóng, máy liên lạc vô tuyến từ hầm bí mật của Cha Xứ vẫn liên lạc cung cấp tin tức cho Bộ Chỉ huy Chi khu cách đấy chừng 1O cây số.
Làng Bình Giả là một Ấp Chiến Lược điển hình dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Làng gồm 2 ngàn dân Công giáo di cư từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, tọa lạc hai bên trục lộ trải đá trên một địa hình cao với rào tre và bãi lựu đạn gài bao quanh.
Trước đây, Việt cộng không dám héo lánh tới làng. Lần này, chúng kéo cả Trung đoàn tân lập vào để uy hiếp tinh thần dân làng. Tin về quân số Việt cộng được chuyển báo chính xác về Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ở Biên Hòa, cùng với mọi diễn biến qua hệ thống vô tuyến của Cha Xứ làng Bình Giả. Nhưng chả ai tin: “Làm gì có chuyện đó. Mấy Cha chỉ nói thêm để dễ dàng xin tiếp viện”. Trong khi Đại tá Đặc khu trưởng Đặc khu Long-Lễ nhất quyết:
- Làm gì có Trung đoàn Việt cộng ở chỗ này. Giỏi lắm tụi nó chỉ tập trung được vài Đại đội biệt lập.
Mặt trận Bình Giả đã bùng nổ cả hai tuần lễ nay. Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến đã được Bộ Tổng Tham mưu điều động về Dĩ An nằm ứng chiến cho Quân đoàn 3. Ngày ngày cả đơn vị mang vũ khí, hành trang ra nằm ở bãi trực thăng vận, bên góc phi trường Biên Hòa phơi nắng.
Tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng. Tuần trước, cả Tiểu đoàn 4 được trực thăng chuyển quân của Hoa Kỳ bốc thả vào mật khu Bời Lời sau tin cả Chi đoàn Thiết Vận Xa của Việt Nam Cộng Hòa bị bọn Việt cộng phúc kích ở Bình Ba, trên trục lộ Phước Tuy - Hàm Tân. Đường bay dài nên mãi đến xế chiều toàn bộ Tiểu đoàn, gồm hơn 7OO tay súng mới được gom đủ lại. Đơn vị được lệnh tức tốc kéo đến nơi đơn vị Thiết Giáp bị phục kích.
Lúc đi ngang qua làng Bình Giả, dân chúng đốt đuốc kéo ra đón hai bên vệ đường, cho nước uống, kẹo bánh, thuốc lá... Chúng tôi thầm nghĩ giá ở miền Nam, làng nào cũng như Bình Giả thì chẳng còn một tên Việt cộng nào. Khi đến tận nơi, trận địa chỉ còn lại xác người và xác xe bọc sắt M.113 bị mìn nổ trong rừng cao su bỏ hoang. Bọn Việt cộng đã tháo gỡ, thu nhặt hết vũ khí, luôn cả quân trang trên người đã chết, chúng cũng không từ.
Tiểu đoàn 4 được lệnh truy kích địch suốt dọc quốc lộ 15 từ Phước Tuy, Bà Rịa đến tận Long Thành. Bọn Việt cộng đã tránh né sau cuộc phục kích thành công vừa qua như con thú vừa no thịt người. Trở lại căn cứ Dĩ An, Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến là đơn vị trừ bị cuối cùng của Quân đoàn 3.
Hai hôm trước ngày 31/12/64, tình hình Bình Giả biến động trở lại. Tin tình báo cho biết Cục R của Cộng sản Bắc Việt ở miền Nam đã dùng lực lượng chính quy xâm nhập với vũ khí từ miền Bắc vào, cùng với bọn Mặt trận Giải phóng miền Nam lập các Trung đoàn địa phương mang ám số Q.275 và Q.276 đầu tiên tại chiến trường miền Nam.
Sau khi được tin Việt cộng chiếm đóng làng Bình Giả, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã cho Tiểu đoàn 30 Biệt Động Quân nhảy trực thăng vào giải vây. Không ngờ Việt cộng đã bố trí trận địa chống trực thăng vận ở các bãi trống quanh làng, phục kích Tiểu đoàn 30 Biệt Động Quân ngay khi vừa chạm chân xuống đất. Tiểu đoàn này đã anh dũng chống trả mãnh liệt. Nhờ sự che chở của dân làng, hơn một trăm chiến binh sống sót đã kéo vào tử thủ ở ngôi nhà thờ chính trong làng.
Ngày hôm sau, để đối phó, Quân đoàn 3 lại cho trực thăng vận Tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân vào Bình Giả tiếp cứu quân bạn. Tiểu đoàn 38 đánh nhau với Việt cộng cả ngày mà không làm sao bắt tay được với Tiểu đoàn bạn. Trong khi đó, nhờ sự che chở tích cực của dân làng, hơn một trăm tay súng Biệt Động Quân vẫn giữ được vị trí, dù tất cả đều mang thương tích trên người.
Rạng ngày 30/ 12/64 Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến được lệnh rời căn cứ Dĩ An để tiến về Bình Giả...
No comments:
Post a Comment