Saturday, February 26, 2022

Chút tâm sự của Người Lính Già

 

Người Lính già Tiếp Vận Phạm Bá Hoa

Thưa quí Anh Chị và quý Bạn,

Sở dĩ tôi có chút tâm sự này, vì theo lời của Bác Sĩ tim mạch nói với tôi ngày 18 Feb 2022 trước khi tôi rời bệnh viện Memorial Normann, tôi chỉ tóm tắt một câu, rằng: “Số lượng máu lưu thông trong huyết quản của tôi chỉ bằng 1/3 so với lúc bình thường, có nghĩa là tôi rất yếu, và đoạn cuối của đời tôi đang ở phía trước...”. 

Tôi chấp nhận một cách bình thản, vì sau gần 10 năm tham gia chương trình “Tiếng Chuông Tỉnh Thức” (tháng 4/1998 - tháng 1/2008) do Cư Sĩ Võ Minh Thế phụ trách, tôi rút ra được bài học rằng: 

Trong cuộc sống này tất cả đều tương đối, ngoại trừ sự chết là tuyệt đối, và đó là một quy luật. Nói rõ hơn, mọi người được sinh ra, và mọi đều phải chết. Biết như vậy thì hà tất phải sợ chết, nhưng không phải vì vậy mà mình không chăm sóc bản thân mình -cũng là chăm sóc tâm hồn mình- giúp cho cuộc sống của mình có ý nghĩa. Bởi, khi mình chào đời mình bắt đầu mang ơn xã hội, vào học đường mang ơn hệ thống giáo dục giúp trang bị hành trang kiến thức, vì vậy mà khi bước vào xã hội, mình phải phục vụ xã hội bằng kiến thức chuyên môn và gói ghém cả tâm hồn mình bên trong, và đó là cách mà mình trả ơn cho xã hội dù chẳng ai biết đến. 

Một góc cạnh khác của bài học. Tôi tin chắc rằng, không một ai trong thế giới này có thể nhìn thấy thiên đường và địa ngục, vì thiên đường với địa ngục không phải là nơi chốn, mà thiên đường với địa ngục chỉ là một trạng thái tâm hồn. Hãy thử cảm nhận. Khi mình làm điều tốt thì mình cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản với đôi mắt sáng lên, với nụ cười tươi tắn, đó là lúc tâm hồn mình lơ lững ở trạng thái thiên đường, còn khi mình làm điều gì xấu thì mình cảm thấy ray rức, ân hận, giằng xé, thậm chí là đau đớn, đó là lúc tâm hồn mình rơi vào trạng thái địa ngục”.

Và xin vào chuyện:

Ngày 16 Feb. Tôi cảm thấy như “hụt hơi khi hít thở, trong khi ho đến tắt tiếng”, con tôi đưa tôi vào bệnh viện Memorial Normann. Sau nhiều cái test trong ngày này, các Bác Sĩ nghi ngờ tim tôi không bình thường, và họ tiếp tục xét nghiệm để tìm nguyên nhân, trong khi cho tôi uống thuốc. Tôi hoàn toàn không ăn uống gì trong ngày này.

Ngày 17 Feb. Tôi vào phòng thông tim. Sau khi thông tim xong -lúc ấy là 4.30PM- tôi cảm thấy đói. Con tôi xuống cafeteria mua pizza và chai nước. Tôi ăn miếng pizza và uống nước, nó ngon và ngọt như chưa bao giờ  tôi được thưởng thức như vậy. Lúc 8PM, bệnh viện cho tôi phần ăn, và tôi ăn rất ngon. Khoảng 6PM, Bác Sĩ tim mạch cho biết là tôi bị bệnh tim như tôi viết vắn tắt trong những dòng đầu bên trên.

Bỗng dưng tôi có ý định, nếu ngày mai -18 Feb- mà Bác Sĩ đến giải thích nhiều hơn về bệnh trạng, cùng với những khuyến cáo cần thiết giúp tôi bảo vệ sức khỏe, dù lúc ấy cho tôi rời bệnh viện hay vẫn ở tại chỗ, thì tôi sẽ  xin phép cho tôi bày tỏ chút tâm sự của một bệnh nhân. Nếu được phép, tôi sẽ trình bày thế này: 

Thưa quí vị,

Tôi là người Việt Nam, nhập quốc tịch Hoa Kỳ, đang là một bệnh nhân của quí vị. Tôi hoàn toàn không hiểu gì về y khoa, chỉ có chút quan niệm sống của một con người đang vào tuổi cuối đời của mình, như sau: “Sau hai ngày được quí vị xét nghiệm và điều trị, tôi cảm thấy sức khỏe của tôi tốt hơn tôi nghĩ. Cũng từ đây, tôi tự đặt tôi vào một trong hai trường hợp:

Với sức khỏe hiện tại, nếu tôi được về nhà cho dù quí vị có cho tôi biết là tôi chỉ sống được trong hai ba tuần hay hai ba tháng, tôi sẽ rất cám ơn quí vị, và cám ơn cuộc đời. Vì trong thời gian ngắn ngủi đó, tôi vẫn cảm nhận được ý nghĩa trong cuộc sống của mình vẫn được hòa mình vào xã hội, qua những cuộc tiếp xúc với bạn bè bằng hữu trên internet, qua điện thoại, hay gặp gỡ nhau trong sinh hoạt cộng đồng. Đó là trường hợp 1, trường hợp thân xác tôi sống và tâm hồn tôi vẫn sống.

Và trường hợp hai. Quý vị vẫn giữ tôi lại để điều trị -nhất là giải phẩu lồng ngực tôi- giúp tôi kéo dài cuộc sống thêm hai ba năm nữa, vì đó cũng là trách nhiệm của vị lương y. Nhưng mà, thưa quý vị, thời gian hai ba năm tôi sống đó, vô tình quý vị đã đẩy tôi vào điều mà tôi cảm thấy cuộc sống của mình bị sĩ nhục, vì tôi sống như cái xác chết đó chẳng những làm thân xác tôi thêm đau đớn, gia đình thân nhân thân quyến tôi càng bận rộn vì tôi mà giảm bớt công ăn việc làm, cũng là làm cho xã hội bận rộn thêm vì mỗi ngày phải sản xuất thêm cho tôi vài tấm tả, vài ly sửa, vài viên thuốc... trong khi quỹ xã hội tốn thêm chút tiền trả cho người đến giúp tôi v.v... Đây là trường hợp, thân xác tôi sống mà tâm hồn tôi đã chết thì sống làm gì.  

Vậy, với hai trường hợp mà tôi hình dung nêu trên, quý vị vui lòng giúp tôi chọn trường hợp 1. Nói rõ hơn, là quí vị cho tôi về nhà.

Xin cám ơn quý vị”. 

Nhưng tôi không thực hiện được ý định của mình, vì ngày 18 Feb, chỉ có Bác Sĩ về phổi cho biết là tôi được rời bệnh viện, trong khi những khuyến cáo cần thiết thì một y tá cho biết. Và tôi về nhà chiều 18 Feb.  

Trên đây là sức khỏe của tôi, và bây giờ là “sinh hoạt cộng đồng”.

Cho đến trước khi tôi vào bệnh viện.                              

Thưa quí vị quí bạn,

Ngày 2/11/2010 là ngày tôi 80 tuổi, tôi quyết định không tham gia tổ chức nào nữa -ngoại trừ Hội đồng hương Vĩnh Long Vĩnh Bình Sa Đéc- vì tôi e rằng đến lúc nào đó bản thân tôi không kiểm soát được sự suy nghĩ cũng như lời nói của mình, sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của tổ chức. Nhưng, tôi tự hứa là vẫn sinh hoạt với tính cách cá nhân, cho đến khi không thể.

Thật ra thì tôi đã chuẩn bị cho sinh hoạt cá nhân khi lần lượt nhận lời cộng tác với: 

- Đài VAN TV 55.2 với chủ đề “Tản Mạn Lịch Sử 1954-1975” trong những năm 2009 – 2011. Hai tuần một show 30 phút.

- Đài SGN TV 51.3 trong những năm 2011 - 2014 với chủ đề "Nhìn Lại Trang Quân Sử". Hai tuần một show 30 phút.

Năm 2012, tham gia nhóm “VietNam Film Club” chuyên về phim tài liệu. Tôi viết phim bản phim “Hồn Việt Quốc Kỳ Quốc Ca Việt Nam” dài 57 phút, phát hành cuối năm 2012.

- Đài ABTV 55.4 (Năm 2020 chuyển sang channel 21.12) Từ tháng 1/2015 với chủ đề "Chuyện Ngày Tháng Cũ" (kể chuyện trong trại tập trung của Việt Cộng đày đọa Quân Nhân Viên Chức Việt Nam Cộng Hòa), tiếp nối là “Thời Sự Việt Nam”. Đến nay -tháng 2/2022- là show thứ 357. Mục đích của tôi khi tham gia chương trình này là góp phần dân chủ hóa quê hương Việt Nam. Mỗi tuần một show 30 phút.

Năm 2016, tôi và người bạn trong Vietnam Film, Club, cùng viết phim bản phim “Hồn Tử Sĩ Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa” dài 55 phút, phát hành vào cuối năm 2016.

Thêm nữa, từ tháng 11/2011, tôi bắt đầu viết thư gởi Người Lính quân đội nhân dân Việt Nam trong mục đích giúp họ nhận ra lãnh đạo của họ áp dụng chính sách giáo dục đào tạo những thế hệ thần dân để tuân phục họ, chớ không đào tạo những thế hệ công dân để xây dựng và phát triển đất nước văn minh lịch sự đúng nghĩa trong cuộc sống tự do.

Đồng thời lôi cuốn họ về phía đồng bào để giành lại Quyền Làm Người cho bản thân Người Lính; cho thân nhân Người Lính và cho toàn dân.

Mỗi tháng ít nhất là một lá thư dài 7 hoặc 8 trang, và tùy theo tình hình Việt Nam mà tháng nhiều nhất là bốn lá thư. Những lá thư thứ hai thứ ba trong tháng, kèm mẫu tự a, b, c, theo sau số thứ tự của thư. Thí dụ: Tháng 5/2014 là Thư số 31, thì thư thứ 2 thứ 3 trong tháng 5/2014 là Thư số 31a, Thư số 31b. Tháng 2/2022 là Thư số 124a, với tổng số  lượng từ tháng 11/2011 đến này là 240 Thư.

Trong cuộc chiến góp phần vào công cuộc dân chủ hóa chính trị Việt Nam từ sau ngày 30/4/1975, tôi tin là có nhiều tổ chức, nhiều nhóm, nhiều cá nhân, đã và đang hoạt động với những phương thức khác nhau tùy quan niệm của cá nhân hay nhóm lãnh đạo. Cho dù theo quan niệm nào đi nữa, tôi tin là có chung một mục đích “góp phần xây dựng một xã hội dân chủ pháp trị trên quê hương Việt Nam sau khi diệt trừ cộng sản độc tài tàn bạo”.

Tại sao tôi chọn Quân Đội Cộng Sản Việt Nam để gởi lá thư này cho họ, mà không phải là thành phần nào khác, kể cả hải ngoại? 

Thưa quý vị và quý bạn, 

Tôi dựa theo nguyên tắc bài “Nghiên Cứu Tham Mưu” mà tôi học ở Trường Đại Học Quân Sự Việt Nam Cộng Hòa tại Sài Gòn năm 1960. Theo đó, một nhiêm vụ nào đó mà mình chưa biết sẽ quyết định chọn một lực lượng hay thành phần hoặc một nhóm nào đó thực hiện, thì sử dụng bài Nghiên Cứu Tham Mưu theo các điểm sau đây để quyết định:

1. Mục đích (chọn đơn vị có khả năng thưc hiện.

2. Tình hình (ghi lại địch bạn hiện tại).

3. Thi hành (đưa vào danh sách thành phần nào mà người viết nhận thấy có khả năng thực hiện).

4. Phân tách (từng thành phần trong danh sách).

5. Kết luận (đây chính là thành phần có khả năng thực hiện).

Chính từ bài Nghiên Cứu Tham Mưu này với 7 thành phần mà tôi nghĩ rằng có khả năng thực hiên để tôi gởi lá Thư nói trên cho họ. Và sau khi phân tách những bài văn, bài thơ của chính những người cộng sản từng cầm súng vào chiến trường Việt Nam Cộng Hòa mà cái đảng cộng sản độc tài tàn bạo của họ nói là “giải phóng miền Nam”, với nội dung là họ so sánh xã hội Việt Nam Cộng Hòa mà họ gọi là “xã hội tư bản đã trở lại”, với xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc của họ, và hiện nay là trên toàn quốc.

Họ thừa nhận người Việt Nam Cộng Hòa cũ hiện nay vẫn rất chân thành, giàu tình cảm với mọi người, trong khi người xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc ngày trước cũng như bây giờ, vẫn hận thù, kỳ thị, nhất là không hề có chút văn minh lịch sự nà otrong giao tiếp nhân sự. 

Đã dẫn đến kết luận là thành phần “quân đội nhân dân Việt Nam” có khả năng triệt hạ nhóm lãnh đạo độc tài tàn bạo trên quê hương Việt Nam, để tôi gởi những lá Thư cho họ. Căn bản trong nội dung là tôi dựa theo ý tưởng chính sách Chiêu Hồi thời Việt Nam Cộng Hòa ngày trước, nhưng là cuốn họ về phía dân tộc và tự do.

Với hoàn cảnh và tuổi già của mình, tôi biết rằng mình đã và đang làm một việc nên làm, phải làm, và làm đến khi không còn làm được nữa. Còn có đạt được kết quả hay không, đó là vấn đề ngoài tầm tay, nhưng ít nhất là tâm hồn Người Lính Già đỡ bị giằng xé vì trách nhiệm chưa tròn. 

Và sau ngày tôi từ bệnh viện trở về.   

Nhưng với sức khỏe giảm sút đáng kể, trước nhất là tôi phải tạm dừng chương trình trên đài ABTV, trong khi những lá Thư có thể được tiếp tục nhưng không phải mỗi tháng 2 lá Thư như trước, mà tùy thuộc vào sức khỏe chớ không tùy thuộc vào thời gian hay sự kiện được nữa.

Riêng với Hội Ái Hữu Vĩnh Long Vĩnh Bình Sa Đéc, là điểm tựa cho tôi trong sinh hoạt cộng đồng từ năm 2005, và vẫn là điểm tựa cuối cùng của tôi.   

Chút tâm sự của tôi xin gởi đến quí vị quý bạn, và mong được thông cảm...

Houston, ngày 22 tháng 2 năm 2022.

Phạm Bá Hoa.

No comments:

Post a Comment