Câu chuyện này chỉ dựa trên sự kiện lịch sử đã xảy ra vào năm 1970 tại
trường Bộ Binh Thủ Đức. Tình tiết và danh tánh các nhân vật đều hư cấu,
nếu có sự trùng hợp là ngoài ý muốn, xin lượng thứ.
1
Trời chớm sang Thu, vài cơn gió heo may nhè nhẹ lướt qua, làm xôn xao những chiếc lá vàng, trên mấy cây bã đậu trồng trước văn phòng Chi Khu.
Đặt xấp hồ sơ đang theo dõi xuống bàn, Nam đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ. Một buổi sáng như mọi buổi sáng, công việc cũng vẫn nhịp nhàng, lặng lẽ. Chào cờ đầu tuần, họp tham mưu, báo cáo tình hinh trong tuần, giao công tác cho các ban. Đều đặn và tẻ nhạt…
Thế nên, đã mấy lần anh dự tính sẽ xin thuyên chuyển ra một đơn vị tác chiến, để thỏa chí tang bồng, nhưng chưa nói hết ý định, thì mẹ anh đã nạt ngang:
“- Con đừng có mà điên rồ, nếu con làm tròn trách nhiệm, thì dù ở vị trí nào, tác chiến hay văn phòng, cũng đều tốt cả. Ai cũng ra trận hết thì lấy người đâu mà lo chuyện hậu phương! Hơn nữa chỉ số của con là Sĩ Quan An Ninh, lại còn kiêm cả Chiến Tranh Chính Trị nữa chứ có phải con đút lót, chạy chọt để ngồi cái ghế ấy đâu mà con lo ngại… Cái lo của con bây giờ là phải mau mau tìm cho mẹ một nàng dâu, để mẹ sớm có cháu nội, nối dõi tông đường kìa.”
Thế là anh đành gác ý định ấy lại, bởi anh rất thương mẹ, và có hiếu nữa.Vả lại, nếu anh đi xa, sẽ chẳng có ai chăm sóc bà mẹ già, đã gần nửa đời hy sinh cho con, kể từ khi cha anh đền nợ nước. Và ngày tháng cứ thế dần qua… Tuy vậy, mỗi khi Chi Khu có công tác nào liên quan đến ngành An Ninh, anh luôn tự nguyện đi theo các đơn vị hoạt động, bất chấp hiểm nguy, gian khổ…
2
Nam vươn vai đứng dậy, với tay cầm bao thuốc Capstan trên bàn, rút một điếu, châm lửa, nhả từng sợi khói nhỏ bềnh bồng giữa thinh không vắng lặng. Từng hơi thuốc ngọt lịm đi vào buồng phổi, khiến anh thấy tâm hồn sảng khoái hơn và dường như đầu óc cũng minh mẫn hơn.
Bước đến bên khung cửa sổ nhỏ, mở ra sân cờ, anh lơ đãng nhìn những cánh lá đang đổi màu, lung lay trong gió sớm.
Đêm qua anh uống hơi quá chén, nên sáng nay đầu óc có vẻ lãng đãng, thiếu tập trung. Mà cuối tuần thì biết làm gì, nơi cái quận lỵ ven đô nhỏ bé này, ngoài những ly rượu đế cay nồng, với những miếng tóp mỡ dai nhách, đấu láo với mấy gã lính độc thân như anh, để quên đi bao nỗi cô đơn và những hiểm nguy, đang rình rập…
Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ…
-Cứ vào!
-Trung úy! Có người muốn được gặp ông!
-Ai thế!
-Một bà già…
- Có chuyện gì vậy?
- Bả hổng nói!
- Mời bà ta vào!
Mấy phút sau, người Hạ sĩ quan trực đưa vào văn phòng Nam một người phụ nữ nhỏ thó, trạc khoảng sáu mươi, ăn mặc lam lũ, vẻ mặt phờ phạc, đượm nét âu lo, và đặt trên bàn anh tấm thẻ căn cước cũ kỹ,
- Trung úy! Bà này muốn gặp ông nè.
- Mời bà ngồi! Anh ra rót cho bà đây ly nước trà! Khép cửa lại cho tôi nha!
- Dạ!
Người hạ sĩ quan trả lời, và bước ra ngoài.
- Cám ơn ông Trung úy!
- Không có chi, tôi có thể giúp gì được cho bà đây?
- Thưa ông Trung úy… Tiếng bà cụ nói trong sụt sùi…
- Xin bà hãy bình tâm, nói xem bà cần gì?
- Tui khổ quá, ông Trung úy ơi
Và bà òa lên, khóc nức nở.
Nam thật sự bối rối, chẳng thà phải đối diện với những tên cán binh ngoan cố, lúc nào cũng lải nhải về một chủ thuyết vô luân, nhưng lại câm như hến khi khai thác tin tức tình báo từ bọn chúng, còn hơn phải ngồi nhìn một người phụ nữ khóc lóc thảm thiết như thế này.
Anh liếc qua cái căn cước để trên bàn:
Trần thị Lụa, năm sinh 1920, sinh quán Dĩ An.
Anh giật mình vì năm nay bà ta mới bước vào tuổi 50, mà sao nhìn cứ như một bà lão ngoài sáu mươi vậy!
Đợi cho bà ta vơi bớt xúc động, anh lên tiếng:
- Nào! Bà cần đến chúng tôi chuyện gì? Xin cứ trình bầy.
- Tui muốn báo cáo tin tức của lũ nằm vùng khốn nạn… mà chắc từ nãy giờ, ông Trung úy ngạc nhiên lắm, vì thấy tui già hơn so với số tuổi trong căn cước phải không? Tui tên là Lụa, thứ Tư, nên người ta gọi tui là Tư Lụa…
- Xin bà hãy đi vào chi tiết…
- Dạ, để tui kể cho Ông Trung úy nghe, câu chuyện như vầy nè:
3
…Màn đêm buông đã lâu, ánh trăng hạ tuần mới mọc, như chiếc lưỡi liềm nhỏ xíu, treo lơ lững trên cao, chiếu những tia sáng vàng vọt xuống cái thôn xóm nghèo nàn, ở ngoại ô thành phố.
Khắp nơi chìm trong lặng lẽ, thỉnh thoảng một cơn gió thổi lướt qua, gây xào xạc những tàu chuối sau vườn.
Từ những dãy nhà cuối xóm, tiếp giáp với bờ ruộng, nối dài vào khu rừng bạt ngàn, lâu lâu vẳng lại tiếng chó sủa bâng quơ, khuấy động cả không gian…
Bà Tư Lụa vẫn còn đang hì hục với công việc chuẩn bị cho buổi bán hàng sáng mai.
Chợt, bà ngưng tay khuấy nồi chè sắp chín tới, bà nhủ thầm:
“…In như có tiếng bước chân ở ngoài vườn … Ai mà đi vô vườn mình giờ này vậy cà ?...”
Người bà lạnh toát, nổi gai ốc khắp nơi! Khi nghe có tiếng gọi khe khẽ, tiếng gọi thì thào như vọng về từ một cõi địa ngục a tỳ nào rất xa…
- Má Tư! Má Tư à!
- Ai đó!
- Má Tư mở cửa cho con đi!
- Con là ai?
- Dạ con là… mặt trận giải phóng…
Bà Tư Lụa rụng rời tay chân, buông rơi cái vá múc chè xuống thềm xi măng, gây lên tiếng động chát chúa tựa tiếng chuông gọi hồn.
Bà đứng như trời trồng
“Thôi chết rồi, tụi nó biết thằng Tú vô lính nên tới kiếm chuyện đây”.
Tiếng nói bên ngoài thúc hối hơn:
- Má Tư mở cửa đi!
- Dạ dạ để tui mở!
Bà Tư xách theo cái đèn dầu phộng, run rẩy bước lại kéo then gài cửa, hai ba lần mà bà vẫn chưa mở được cánh cửa.
- Làm gì lâu vậy Má Tư?
- Dạ được rồi nè!
Hai bóng người ập vào trong nhà, tiếng kim loại của các loại vũ khí va chạm vào nhau lách cách giữa đêm thanh vắng, nghe đến rợn người.
Một tên quay lại khép nhanh cánh cửa. Tên khác kéo tay bà Tư đến bên bộ ván cũ kỹ, mốc cời, nói:
- Má Tư ngồi xuống đây, tụi con có chuyện quan trọng muốn bàn với má!
- Dạ, tui già nua tuổi tác vầy, có biết gì đâu mà mấy ông muốn bàn.
- Ậy! Má đừng nói dậy chứ! Chuyện cứu nước thì già trẻ, lớn bé chi cũng làm được hết, và có bổn phận phải làm…
Bà Tư ngồi trên bộ ván, hai tên đứng hai bên, tên bên phải đi mình không, tên bên trái thủ một khẩu AK lăm lăm trong tay, như một hung thần ác sát, khiến bà Tư nghẹn lời.
- Dạ, tui… tui…
- Má Tư à! Tụi con biết anh Tú, người con lớn của má Tư mới bị bọn Mỹ Ngụy o ép vô trường Thủ Đức, đi học nghề làm lính đánh thuê cho tụi nó. Còn cô con gái nhỏ thì má vẫn gởi lên Sè gòn học. Phải không nè?
“…Trời đất ! Làm sao tụi nó biết hết trơn vậy cà?” Bà Tư ấp úng:
- Dạ!... dạ…
- Tụi con là con cái của nhân dân, má là nhân dân, thì tụi con là con của má, đừng dạ thưa chi hết.
- Dạ… Ừa…
- Đọ, dzậy phải dễ nói chiện hôn.
Lúc này, bà Tư mới lấy lại được chút bình tĩnh liếc qua hai tên ác ôn đứng hai bên. Dưới ánh đèn dầu mù mờ, bà vẫn có thể nhìn thấy rõ, tên mé bên trái, kẻ đã lôi bà đến bộ ván này thì cao nhòng, ốm nhách mắt trắng dã chỉ khoảng chừng mười bảy, mười tám tuổi.
Tên bên phải mặt hơi rỗ, thấp người, có một cái răng vàng ngay cửa, khi mở miệng nói ánh sáng phản chiếu lập lòe, hắn cứng tuổi hơn, chắc cũng ngoài bốn mươi, và là kẻ vẫn trao đổi với bà tự lúc đầu đến giờ. Có lẽ hắn là cấp chỉ huy. Cả hai đều mặc bà ba đen, quấn khăn rằn trên cổ.
“…Mả cha nó, nó chỉ nhỏ hơn mình vài ba tuổi, mà nó kêu mình bằng má ngọt sớt…”
- Tụi con biết anh Tú chỉ vì bị ép buộc nên phải đi lính cho tụi nó, nhưng không sao, chỉ cần Má Tư chịu hợp tác, kêu gọi anh ấy trở về với nhân dân là được rồi.
- Tui biết làm sao kêu, hổng lẽ biểu nó bỏ trốn, mà trốn rồi thì đi đâu?
- Hổng phải dzậy, cứ để ảnh ở yên trong đó, học tập cho hết chương trình của bọn nó, rồi Cách Mạng sẽ giao công tác cho ảnh sau!
Bà Tư nghe rờn rợn ở sống lưng.
Má Tư biết hôn, khóa nào của tụi nó, mà bên mình không gài cả đống người vô. Đợi đến khi lên cấp cao hơn, thi hành công tác càng dễ dàng hơn.
“…Mả cha tụi bay, láo khoét vừa vừa vậy thì còn có người tin, chứ nói kiểu tụi bay đây thì lính Cộng Hòa là tay sai của bọn bay hết rồi à!”
Bà Tư chửi thầm trong bụng, nhưng ngoài mặt vẫn dạ dạ, vâng vâng…
- Dù bây giờ con của má đang được chúng đào tạo để chống lại Tổ Quốc, nhưng nhân dân hiểu mà… má đừng lo. Lại nữa, má đây cũng là một bà mẹ đáng kính, nên con chắc rằng ảnh sẽ sớm giác ngộ thôi. Bữa nay con dìa đây nói cho má biết về đường lối khoan hồng của Cách Mạng, để má yên tâm… và sau nữa…
- Sau nữa là chuyện gì vậy, mấy ông?
- Cách mạng có một công tác nhỏ, giao cho má!
- Hả! Công tác gì?
- Hổng khó khăn gì hết á! Má chỉ cần đem cái gói này đặt ở một bụi rậm gần cổng sau của trường Thủ Đức, vào sáng sớm mai là xong hà.
- Mà cái giống gì trong đó mới được chứ!
- Má biết làm chi. Chỉ cần đem để nó ngay cái bụi cây rậm nhất, mé bên trái đường, chỗ vừa qua khỏi cầu Bến Nọc, đến trưa sẽ có người ra nhận.
- Vậy là mấy ông giao máy móc gì cho người ở trỏng hả?
- Ậy! Má đừng hỏi lôi thôi nữa mà! Bí mật nhà nước đó à nhe!
- Sớm quá tui lò mò tới gần cổng sau, mấy ông lính gác bắn thấy mồ tổ.
- Má bán xôi chè buổi sáng ở đó đã lâu rồi, ai cũng quen mặt, với lại, con má đang học ở trỏng, tụi nó hổng có nghi ngờ đâu.
- Tui sợ lắm… rủi có chiện gì…
- Trời ơi! Cách Mạng chỉ giao má công tác dễ òm như dzậy mà má không chịu thực hiện thì chừng nào nước nhà mới được Độc Lập đây! Má muốn chống lại nhân dân hả?
- Tui đâu dám…
- Vậy thì thi hành đi… Cái tội chống lại nhân dân hậu quả thế nào, chắc má biết mà…
Dứt lời, hắn lôi từ trong túi dết đeo sau lưng ra một gói nhỏ, vuông vức như cái bánh chưng mà mấy bà Bắc ưa mua trong ba ngày tết, được bọc trong bao nylon cẩn thận.
- Nè má cầm lấy đi! Nhớ dấu kỹ dưói đống lá chuối không được cho ai thấy, cũng đừng để bên nồi chè, coi chừng nóng quá hư máy móc bên trong thì uổng công trình hết đó!
Bà Tư run run đưa tay ra đón nhận cái gói oan gia đó mà lòng lo âu thấp thỏm.
“…Hổng biết tụi nó giao cái máy gì đây,..
- Ủa! Sao nặng dữ thần dzậy trời…
- Đã nói máy móc bằng sắt, thì phải nặng chứ, hổng lẽ làm bằng nhựa sao mà nhẹ?
Bà Tư để cái bọc xuống bên bộ ván, bà ước chừng nó cũng nặng đến mấy trăm gram chứ hổng phải chơi à!
- Má phải nhớ cho kỹ nè! Chỉ mình má là được Cách Mạng tin tưởng, giao phó công tác trong lúc này thôi đó. Ở đây biết bao nhiêu gia đình, mà có ai được vinh dự như má đâu. Má ráng hoàn thành tốt công tác, sẽ được khen thưởng đó nhe!
Bà Tư buồn nẫu ruột, nhưng vẫn phải làm ra vẻ hăng hái:
- Dạ tui sẽ cố gắng hết sức mình, mấy ông yên tâm đi!
- Má nói dậy nghe được đó, thôi mình rút đi đồng chí bảo vệ.
- Dạ! Mình đi anh Năm!
Bọn chúng lặng lẽ kéo nhau ra, bà Tư nghe những tiếng sột soạt ngoài vườn, khi bước chân người đạp lên lá khô, bà đoán chúng không chỉ có hai người, mà đông hơn thế nữa.
Bà khép cửa, rồi quay lại bộ ván, khêu nhỏ cái đèn dầu phộng xuống, ngồi thừ người suy nghĩ.
“…Trời ơi! Mình biết phải làm sao đây, không làm theo lệnh thì chắc chắn chúng chẳng để yên, bằng ngược lại, lỡ có chuyện gì thì thật tội nghiệp cho thằng Tú. Nó hăm hở đi lính mà còn nói là sẽ đi lính đồ bông nữa chứ! Mà nếu thực hiện theo yêu cầu của chúng, lỡ bị phát giác, làm sao mình tránh khỏi vòng tù tội rồi ăn làm sao, nói làm sao với vong linh ba thằng Tú nơi suối vàng đây trời.…”
Bà cảm thấy thật sự cô đơn, và bất lực. Bà như chơi vơi giữa giòng xoáy của một con nước lũ, chẳng biết sẽ đưa đẩy bà về đâu!
Xong, bà lại tự trấn an:
“-…Mình cũng chỉ đưa giùm tụi nó cái máy thôi mà, có gì quan trọng đâu… Nhưng lần sau, nhất định mình sẽ từ chối, rồi tới đâu thì tới…”
Sự kiện này bà tuyệt nhiên không dám thố lộ cùng ai. Ngay cả những người thân cận trong thôn xóm. Dù đã biết nhau mấy chục năm trời.
Đây là khu xóm ngoại ô, gần ruộng đồng hơn thành thị, nên đời sống rất thanh bạch và giản dị. Nhà nào cũng có một mảnh vườn, vài sào ruộng, chăm nuôi con heo, con gà làm kinh tế phụ cho gia đình.
Trước kia, khu vực chung quanh đây rất thanh bình, êm ả. Nhưng từ sau trận Mậu Thân, làm như tụi vẹm lộng hành hơn, đã có một vài nhân viên chánh quyền xã ấp, nửa đêm đang ngủ trong nhà bị bọn chúng lôi ra ruộng thủ tiêu với những bản án nghiêm khắc gài trước ngực.
Đời sống trở nên bấp bênh hơn, nhiều âu lo hơn…
Bà Tư thiếp đi trong giấc ngủ mệt mỏi trên bộ ván gõ với đầy ắp những âu lo, trăn trở.
4
Tiếng gà eo éc từ xa văng vẳng lại, rồi lan dần đến các bầy gà trong xóm, chúng cùng nhau gáy rân trời, đã lôi bà Tư ra khỏi nhưng cơn ác mộng kinh hoàng.
Bà lặng lẽ đứng dậy, xếp đặt nồi chè thúng xôi vào quang gánh. Đôi quang gánh này đã nuôi sống bà và hai đứa con dại từ dạo chồng bà đền nợ nước đến nay.
Bà đặt cái của nợ ấy bên dưới thúng xôi, dùng lá chuối phủ xung quanh, và tin chắc là không ai có thể thấy được.
Trời chưa hừng sáng, bà Tư đã quảy gánh ra đi, vì từ nhà bà đến khu vực có các bãi tập, phải băng qua hai ba cánh đồng.
Trên các con đường còn đọng hơi sương, bà gặp những toán Sinh Viên Sĩ Quan đi kích về, đang cười đùa vui vẻ, chọc ghẹo nhau tíu tít. Nhìn họ vô tư lự như những cánh chim non đang háo hức đón chào ánh bình minh rạng rỡ, thấy mà thương hết sức.
- Đi bán sớm vậy dì Tư?
- Để con gánh phụ cho… m… á… á…
Chẳng biết họ truyền khẩu với nhau ra sao, mà khóa nào vào nhập trường một thời gian ngắn cũng đều biết bà Tư có cô con gái đang học ở Sàigon. Thế là gặp bà đâu, các anh cũng rôm rả tranh nhau gọi bằng má!
Chính vì thế, nên bà đã hoàn thành công việc do hai tên nằm vùng giao phó một cách không khó khăn.
Bà giả bộ đi theo bán cho các Sinh Viên đang kéo nhau vào trường. Khi đến gần cầu Bến Nọc, nơi có một lùm cây rậm rạp bên trái đường, bà hạ quang gánh xuống, ngồi nghỉ.
Sau khi các toán quân đã đi khuất hết vào trong hàng rào phòng thủ, qua cổng số 9, bà giả vờ đi tiểu, và đem cái của nợ ấy nhét vào trong bụi rậm, rồi lấy cỏ khô, đất cát phủ lên để ngụy trang.
Mọi việc đã hoàn tất, mà bà Tư vẫn chưa hết run.
Bà quày quả đứng dậy, xốc đôi quang gánh lên vai, bước đi vội vã ngược trở lại hướng các bãi tập.
5
Tới đây, bà ta lại òa lên khóc nức nở:
- Ông Trung úy ơi! Tụi khốn nạn nó lừa gạt tui, nó đưa tui trái mìn, chứ hổng phải máy móc chi hết. Và buổi sáng oan nghiệt hôm đó. Trời ơi! Có cả con tôi trong số những nạn nhân bị hại bởi trái mìn do chính tay tui gài. Con tui chết, là trời đã trả báo tui rồi, nhưng còn biết bao nhiêu thanh niên khác nữa… Họ như những cánh chim non vô tội… Vậy mà…
Bà ta càng nói càng khóc to hơn
- Bà bình tĩnh lại đi bà Tư…
- Tui thiệt đáng tội chết… Tui có thể thoát khỏi tòa án của luật pháp, nhưng không làm sao tránh được tòa án lương tâm, ông Trung úy ơi!
- Rồi bây giờ bà đến đây đầu thú?
- Dạ! Mặc dù an ninh không bắt tui, bởi vì mỗi buổi sáng ở chỗ đó biết bao nhiêu người buôn bán mà kể. Nhưng tui nhất định sẽ ra đầu thú sau khi trả được thù cho con tui kìa!
- Vậy bà đã trả được thù chưa?
- Sắp được rồi, ông Trung úy à!
- Bà có tin tức gì về tụi nó?
- Phải, tui mới thấy dạng thằng Năm răng vàng lởn vởn trong thôn tui chiều hôm qua. Bọn nó nói về để thưởng Bằng Khen cho tui nữa chứ! Mồ tổ cha tụi nó, bằng khen đó có làm con trai tui và bao nhiêu người khác sống lại không?
- Được rồi! Bà về đi, tốt nhất là ngay sau khi rời khỏi đây bà phải tỏ ra sinh hoạt bình thường để tránh sự nghi ngờ của bọn chúng. Chi khu sẽ có kế hoạch đối phó với bọn này. Xin cám ơn bà đã đến đây cho tin tức…
6
Đêm đã khuya lắm rồi, mảnh trăng treo chênh chếch mờ ảo, tỏa ánh sáng nhờ nhờ xuống những lùm tre đang kẽo kẹt đong đưa trong gió.
Cũng vẫn vầng trăng hạ tuần hiu hắt.
Sương khuya rơi ướt đẫm lưng áo những người lính trận, đang nằm phơi mình cho muỗi đốt chung quanh khu vườn rộng mênh mông đầy cây trái của bà Tư Lụa.
Mẫn, người Trung Đội Trưởng Địa Phương Quân thủ thỉ vào tai Nam:
- Hay tụi nó biết bị động rồi, nên chém vè hả Trung úy!
Nam vạch tay áo hí hí, nhìn vào cái đồng hồ dạ quang, rồi trả lời:
- Tôi không nghĩ vậy, bởi kế hoạch của chúng ta bí mật lắm mà, hơn nữa bây giờ mới gần một giờ sáng, chúng nó chưa dám mò về đâu …
- …Suỵt… suỵt… Ông nghe thấy gì không ?
- Hình như tiếng chó sủa ngoài bìa rừng…
- Đúng rồi, chắc là bọn nó đó…
Hai người im lặng nghe ngóng…
Bao nhiêu đôi mắt cùng căng ra, những nhịp tim đập dồn dập hơn.
Tiếng chó sủa càng lúc càng rộ lên, lớn dần về hướng nhà bà Tư Lụa. Cũng là chỗ hơn hai mươi mũi súng đang hờm sẵn chờ đợi chúng.
Tiếng bước chân đã nghe khá rõ, nhưng tất cả vẫn nằm im lặng.
Rồi những bóng người xuất hiện trước ngõ nhà bà Tư Lụa.
Một tên… hai tên… ba… bốn tên tổng cộng…
Hai tên tỏa ra hai bên hông nhà, một tên cao lòng khòng, một tên thấp người hơn, bước đến gõ cửa nhà bà Tư.
Nam nói thầm với Mẫn:
- Làm gì thì làm, cố gắng tránh tổn thương cho Bà Tư. Bọn chó đẻ này chuyện gì cũng không từ nan đâu.
- Mình giải quyết bằng tay chân đi ông thày.
- Được đó, lâu lắm rồi, tôi chưa có dịp động thủ… Anh có thằng em nào kha khá không?
- Thằng Ý, hồi xưa đi Nhảy Dù đánh đấm khá lắm, sau nó có thằng em hy sinh, nên trở thành con một, được cứu xét thuyên chuyển về phục vụ gần nguyên quán. Nó đánh cận chiến hết xảy luôn.
- Tốt lắm! Còn ai nữa không?
- Thằng Đức, ngày xưa là Biệt Động sát, cũng tình trạng như Ý vậy đó.
- Tụi nó có “nghề ngỗng” gì không?
- Có chứ! In như Ý có Đai Đen Thái Cực Đạo, còn Đức là dân Vovinam thứ thiệt mà!
- Vậy thì được rồi. Tôi khỏi ra tay. Giao nhiệm vụ cho Ý và Đức thanh toán hai thằng gác…
- Còn hai tên trong nhà, tính sao?
- Chúng ta đợi nó ra cửa, và bà Tư đã bước vào nhà rồi, mới ra tay. Như thế, giảm bớt được sự nguy hiểm cho bà.
- Ông thày tính vậy cũng ổn, chứ để cho bả bị chuyện gì, mình hổng có yên tâm đâu.
- Đúng thế, bất cứ giá nào thì cũng đặt sự an toàn của bà Tư lên hàng đầu. Nếu không, người dân sẽ mất niềm niềm tin ở chúng ta…
- Ông thày nói phải đó, và lần sau hổng có ai dám đến báo cáo với mình chuyện gì hết …
- Ừ! Thôi, anh cho Đức và Ý biết nhiệm vụ đi. Nhớ dặn họ, cứ bò đến sát bên thằng gác, nhưng phải đợi khi có ánh đèn trong nhà hắt ra, và tắt đi thì mới hành động.
- Nhận rõ, thẩm quyền.
Ánh trăng đã khuất sau những đám mây mùa Thu lãng đãng.Từng cơn gió lướt nhẹ, khua những cành ổi, cành mận nghe xào xạc.
Cũng nhờ thế nên Mẫn bò đi mà không sợ bị phát giác.
Chỉ một lát sau, Mẫn đã bò trở lại, thì thào:
- Xong rồi, ông thày! Tụi nó đang đến gần mục tiêu …
- …Suỵt … suỵt… tụi nó ra kìa.
Cánh cửa nhà bà Tư chợt hé mở, ánh đèn dầu phộng hắt hiu rọi một vệt dài trên thềm.
Phần lớn ánh sáng đã bị che khuất bởi hai thân người vừa bước ra.
Lúc ấy toán kích đã áp sát mục tiêu, chỉ khoảng bốn năm thước.
Trong khoảng cách này và với hơn một chục khẩu carbine cùng nhả đạn, thì hai tấm bia sống kia có lẽ sẽ trở thành những miếng giẻ rách.
Nhưng tất cả đã nhận lệnh, chờ đến khi bà Tư khép cửa, bước hẳn vào trong nhà mới được hành động.
Mọi người hồi hộp chờ đợi. Những đầu óc căng ra, những mạch máu như muốn vỡ tung, những ngón tay luôn hờm sẵn trên cò súng…
Ánh đèn dầu phộng bị che khuất bởi cánh cửa, khi bà Tư khép lại…
Theo lời căn dặn của Nam, vừa quay vào nhà, bà Tư vội vàng chui ngay xuống hầm trú ẩn.
Bên ngoài, không gian như chùng xuống.
Một sự im lặng đến rợn người
Trong cái lặng lẽ đến ngột ngạt ấy, Nam nghe rõ tiếng thây người đổ vật xuống, ở hai đầu chái nhà. Anh biết Đức và Ý đã hoàn thành nhiệm vụ, bèn hô to:
- Năm Răng Vàng, các anh đã bị bao vây, hãy mau buông súng đầu hàng đi!
…Pằng… pằng… pằng…
Tiếng hô vừa dứt thì môt loạt đạn AK từ họng súng của tên cao nhòng nổ chát chúa về hướng Nam, cái lu nước nơi anh ẩn nấp trúng đạn vỡ tan, nước tràn ra tung toé.
Nam nghe nhói đau ở vai trái.
Những tia lửa lóe sáng từ nòng khẩu AK trở thành mục tiêu cho mười mấy cây Carbine cùng nhả đạn.
Chỉ trong vòng vài phút đồng hồ, tiếng súng của đối phương im bặt. Chiến trường đưọc thanh toán gọn nhẹ.
Bà Tư hoàn toàn bình yên. Bên ta cũng hoàn toàn vô sự, chỉ trừ Nam, bị một viên đạn sớt qua bả vai trái, may là vết thương cũng nhẹ.
Chiến lợi phẩm là hai tù binh bị bắt sống và hai xác chết không toàn thây, hai khẩu AK 47, một CKC và một K54.
Một chiến công thật trọn vẹn, nếu như …
Xe cứu thương hụ còi inh ỏi, mang theo toán quân y đến nơi chiến trường còn vương mùi thuốc súng. Thương binh duy nhất là Trung úy Nam, anh được tải thương ngay về Bệnh Viện của quận
7
Nam giật mình tỉnh giấc, bởi những tiếng lục đục bên cạnh giường.
Mùi thơm thoang thoảng rất lạ, phảng phất vào mũi anh,
- Trung úy tỉnh rồi hả?
Một giọng nói nhẹ nhàng vang lên bên tai, khiến anh mở bừng mắt ra:
- Cô là y tá?
- Dạ không…
- Vậy cô là ai?
- Em là Cúc…
- Cúc nào vậy cà?
- Cúc, con gái của bà Tư Lụa,
- À! Ra thế, hình như cô đang học ở Sàigòn mà.
- Dạ! Em mới về chiều hôm qua. Mà sao ông Trung úy biết em học ở Sègòng?
- Má cô nói, ờ mà Bà Tư có sao không vậy cô?
- Dạ má em không sao cả, chỉ có mình ông Trung úy bị thương thôi! Cám ơn ông đã đặt sự an toàn của má em lên hàng đầu.
- Lo cho sự yên bình của người dân là trách nhiệm của mọi quân nhân mà. Ủa! mà ai nói với cô về chuyện này vậy?
- Em đã được anh Mẫn, Trung đội trưởng nghĩa quân cho biết như vậy đó… Và chính vì thế Trung úy mới bị thương… Xin thành thật cám ơn Trung úy…
- Cô đừng quá bận tâm! Lính tráng trận mạc, bị thương cũng là chuyện thường tình thôi. À! Mời cô ngồi đi, chứ đứng vậy hoài, bộ không mỏi chân sao?
- Cám ơn Trung úy!
Cô gái kéo nhẹ cái ghế dành cho khách thăm viếng và thân nhân, đến gần đầu giường anh, vén tà áo dài trắng sang một bên, cô nhẹ nhàng ngồi xuống.
Bây giờ Nam mới có dịp quan sát kỹ cô gái. Một khuôn mặt không đẹp sắc sảo, nhưng có duyên, sóng mũi thẳng, với ánh mắt thân thiện và nụ cười luôn nở trên môi, cô dễ gây được cảm tình với người đối diện ngay lần đầu tiên tiếp xúc.
Một điều làm anh băn khoăn là ở cô hình như có cái gì đó rất quen thuộc, trong nhất thời anh chưa xác định được. Nhưng anh tin tưởng rằng trực giác của mình là đúng.
Dáng người thon thả, trong chiếc áo dài học trò, may thật khéo, với mái tóc thề xỏa ngang lưng, mang đến cho cô vẻ thanh thoát, trong trắng như thiên thần.
Và giọng nói của cô. Ôi! Giọng nói như tiếng chim hót, mới ngọt ngào, êm ái làm sao…
- Trung úy dậy xúc miệng đi rồi ăn chút gì điểm tâm nhé!
- Cám ơn cô! Tôi là Nam, Phạm Quốc Nam, cô cứ gọi bằng tên cho nó tự nhiên một chút.
- Em không dám…
- Sao lại không dám?
- Trung úy chưa cho phép…
- Trời ơi! Phép tắc gì không biết cơ chứ! Hơn nữa, cô đâu phải là lính của tôi, mà tôi có quyền cho phép hay không!
- Trung úy nói thế, chứ cấp bậc là do Quân Đội gắn, mà Quân đội là chỗ dựa vững chãi của toàn dân, nên tất cả mọi người dân, ai ai cũng phải tôn trọng cái cấp bậc ấy…
- Ái chà! Cô cũng rành rọt về chuyện lính tráng quá há!
- Anh trai của em là một người lính, tuy chưa ra trường, nhưng dẫu gì thì anh cũng đã khoác chiến y, và đã hy sinh. Ba em ngày xưa cũng là lính. Nên hình ảnh người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, luôn ngời sáng trong tim em. Em cũng hay theo dõi các tờ báo quân đội, nên có đôi chút hiểu biết về đời lính thôi anh ạ!
Tự nhiên Nam thấy rất cảm mến cô gái, không phải vì cô bày tỏ quan điểm và những suy nghĩ của cô về người lính. Mà cách nói chuyện của cô khiến người đối diện thật thoải mái.
Chẳng bù cho những bậc vương tôn công tử, con ông cháu cha, suốt ngày ăn chơi vung vít, lạng lách xe một cách vô tội vạ trên đường phố, đùa cợt với tử thần, nhưng khi nói đến chuyện đi lính là họ co đầu, rụt cổ lại. Họ thường có ánh mắt thiếu thiện cảm với những người lính trận về từ vùng nước mặn đồng chua, hay rừng sâu núi thẳm.
Họ có biết đâu rằng, những bộ đồ trận ấy bạc màu vì đã dầm sương dãi nắng, đã trải bao hiểm nguy gian khổ để bảo vệ cho họ có cuộc sống an bình, tiếp tục những cuộc chơi suốt sáng, trận cười thâu đêm.
Hình như có một sự đồng điệu giữa hai tâm hồn, nên họ trao đổi với nhau tự nhiên như đã quen biết từ thuở nào.
- Có mấy người suy nghĩ được như cô đâu!
- Dạ! Em chả dám…
- Thế bây giờ tôi cho phép cô gọi tôi bằng tên, cô có dám không?
- Dạ! Dám chứ Trung úy… Ý quên… a… n… h… N… a… a … am
Cả hai bật cười xòa, không khí trở nên thân mật hơn.
- Bây giờ đến phiên tôi xin phép cô đây…
- Em làm sao dám cho phép anh… N… a… a… m…
- Nếu cô không cho thì thôi vậy…
Nam nói ra chiều thất vọng, khiến cô băn khoăn.
- Anh Nam muốn Cúc… cho… phép…c huyện gì vậy ?
- Thôi bỏ qua đi! Đừng bận tâm…
- Nhưng anh Nam phải cho Cúc biết, Cúc mới dám nói có hay không, vì sợ cái sự cho phép ấy nó không thuộc thẩm quyền của mình thì làm sao dám cho…
- Chắc chắn rằng cô là người duy nhất có cái quyền ấy…
Cúc bậm môi suy nghĩ, đôi môi nhỏ nhắn như hai nhụy hoa chụm lại với nhau, tuy không đánh son nhưng vẫn hồng hồng một màu hồng thật đáng yêu, khiến Nam ngây ngất tâm hồn.
Cô chợt reo lên, như vừa khám phá ra một điều gì thích thú, cô cười hồn nhiên như trẻ thơ:
- Ồ! Thôi em biết rồi!
- Cô biết thật à? Và cô bằng lòng chứ.
- Em biết thật mà, và em bằng lòng đó! Chứ không dám cho phép…
- Cô… cô… thông minh quá…
- Em đã bằng lòng rồi, sao vẫn gọi bằng cô?
Cả hai lại bật cười vui vẻ. Tiếng cười khuấy động cả căn phòng vốn im ắng, dành cho một thương binh.
- Cúc vừa thông minh vừa có sự nhận xét hết sức nhậy bén…
- Cám ơn anh Nam. Nhưng bây giờ anh đi xúc miệng và chuẩn bị ăn điểm tâm, xem thử các món ăn em nấu có ngon không!
Lúc đó, Nam như chợt quay về với thực tại, thì ra từ nãy đến giờ anh như lạc trong mơ, một giấc mơ tuyệt vời.
Qua khung cửa sổ bằng kính trong vắt, anh thấy bầu trời bên ngoài hanh nắng thứ ánh nắng của mùa thu không gay gắt, mà dìu dịu mơ màng rất nên thơ.
Những cành cây nhè nhẹ đong đưa trong gió, lúc lắc những tấm lá đang ngã sang màu vàng nhạt vì thiếu diệp lục tố.
Mùa thu mới đẹp làm sao.
Anh nghe những kỷ niệm của một thời hoa mộng chợt bừng sống dậy, lôi kéo theo biết bao nhung nhớ vơi đầy…
- Anh Nam đang mơ tưởng đến cô nào đó?
Tiếng thỏ thẻ của Cúc lại một lần nữa nhắc nhở Nam. Anh trả lời lấp liếm:
- Có ai đâu mà mơ tưởng.
- Anh Nam nói vậy, nhưng chắc hổng phải dậy đâu hé!
- Thật mà..
- Thế anh đang nghĩ gì mà thừ người ra vậy?
- Nhìn bầu trời mùa Thu ngoài kia đẹp quá, nên tôi nghĩ đến những vần thơ tuổi mộng mơ vậy mà.
- Ồ anh Nam cũng làm thơ nữa hả! Đọc cho em nghe đi!
- Thơ tôi làm có hay ho gì đâu mà đọc…
-Thơ là nỗi lòng của thi nhân, có thể không hay với người này, đôi lúc lại là tuyệt phẩm với người khác, nếu rơi đúng vào tâm trạng của họ!
- Cúc cũng am tường về thơ văn ghê nhỉ!
- Em học ban C mà anh.
- Thế thì làm sao tôi dám múa rìu qua mắt thợ.
- Em học Văn Chương chứ em đã có làm được bài thơ, hay viết một câu văn nào đâu! Bây giờ hãy đọc cho Cúc nghe đi.
- Nếu Cúc muốn thì tôi xin chiều.
Anh hắng giọng, đọc nho nhỏ:
-Vàng Thu, mái tóc em bay,
Cho hồn ta chợt ngất ngây hương nồng,
Sợi thương, sợi nhớ bềnh bồng,
Tình em trải rộng mênh mông đất trời …*
- Trời ơi! Thơ lãng mạn vậy mà còn la không hay…
- Cám ơn Cúc đã quá khen.
- Em khen thơ hay nhưng em không tin bối cảnh của bài thơ..
- Thế là sao?
- Em không nghĩ đó là mấy câu thơ anh làm từ thời còn đi học.
- Điều gì khiến Cúc nghĩ như thế
- Linh cảm anh ạ! Mà linh cảm của người phụ nữ thường rất đáng tin cậy. Hơn nữa tứ thơ ấy không phải xuất phát từ tuổi học trò. Rất lãng mạn và già dặn nữa.
- Cúc nghĩ tôi có tài xuất khẩu thành thơ hay sao?
- Em đâu biết được…
-Cô giàu óc tửởng tượng thật đó nhe! Dân ban C có khác.Vậy chứ Cúc nghĩ tôi làm nó từ hồi nào? Và đối tượng là ai?
-Anh tự biết lấy mà …
8
Có tiếng mở cửa. Bà Hoa mẹ của Nam, tay xách khệ nệ một cái giỏ đệm căng cứng bước vào. Nam nằm hướng tầm nhìn về phía cửa chính, nên anh nhận ra bà ngay, anh reo lên:
- Mẹ! Mẹ mới xuống hả!
Bà Hoa bước đến bên giường anh, đặt cái giỏ xuống, hỏi han rối rít:
- Nam! Con có sao không? Bị thương chỗ nào?
- Con chỉ bị một viên đạn sớt qua vai trái thôi mẹ à! Đây mẹ nhìn xem, có gì nghiêm trọng đâu! Bây giờ con khỏe như voi rồi! Mẹ đừng lo.
- Chi Khu thiệt tệ, con vào bịnh viện từ sáng hôm qua, mà đến khuya này họ mới cho người báo tin.
- May là con đóng ở ngoại ô Sàigòn, mới có người đến báo cho mẹ ngay. Chứ nếu ở miền Trung thì phải chờ bưu điện hàng chục ngày sau mới biết tin đó mẹ à!
- Ờ nhỉ! Ủa mà cô này là ai vậy?
- Dạ! Cô đây là con của Bà Tư, người đã báo tin cho Chi Khu về tụi Việt Cộng đó mẹ!
- Dạ, cháu xin chào bác!
- Chào cháu! Hai người quen nhau lâu chưa vậy?
- Dạ! Cháu thay má cháu vô thăm anh Nam, mới được biết ảnh đây thôi! Chứ có quen biết trước kia đâu bác.
Cô vừa nói vừa đứng dậy, bước ra khép cửa phòng lại, rồi kéo cái ghế thứ hai đến bên bà:
- Mời bác ngồi ạ!
Bây giờ bà Hoa mới có dịp quan sát kỹ người con gái đối diện.
Sự lịch thiệp và cách trả lời lễ phép của cô, khiến bà quan tâm.
- Cháu còn đi học hả? Lớp mấy rồi?
- Dạ! Cháu đang học lớp Đệ Nhất Trường Hưng Đạo ạ!
- Thảo nào!
- Sao cơ bác?
- Thảo nào cháu nói chuyện lễ phép và lịch sự lắm!
- Dạ. Cám ơn bác ạ!
- Cháu vừa đẹp người, vừa đẹp nết, lại có học nữa, chắc khối người theo đuổi nhỉ!
- Dạ! Nhà cháu nghèo, má cháu phải buôn gánh bán bưng, lo cho anh em cháu ăn học. Anh cháu lại mới mất, nên cháu mong sau khi xong phần hai, sẽ đi tìm việc làm, phụ giúp má cháu lúc tuổi già. Sau này, nếu có điều kiện thì học thêm. Còn chuyện tình cảm. Hiện giờ cháu chưa dám nghĩ đến!
- Cháu có hiếu quá! Ba má cháu thật có phúc. Mà anh cháu mất vì nguyên do gì thế?
- Dạ! Anh Cháu là Sinh Viên Sĩ Quan khóa 6/69, bị thiệt mạng trong vụ nổ mìn ở cổng sau trường Bộ Binh Thủ Đức, cách nay không lâu đó bác!
- Ôi! Thật là tội nghiệp! Bác thành thật chia buồn với cháu và gia đình nhé!
- Dạ, cháu xin cám ơn bác ạ!
Lại có tiếng mở cửa! Cả hai cùng ngoái cổ nhìn ra, trong khi Nam tỏ dấu vui mừng:
- Dì Tư đến kìa!
Cúc vội vã đứng dậy, đỡ cái giỏ xách cho mẹ! Và nhường ghế cho bà ngồi!
Bà Hoa đứng dậy tiếp khách:
- Chào chị.
- Dạ, chào bà chị… ơ… bà… bà đây là bà Hoa, vợ Đại úy Việt phải không ạ?
Bà Hoa vô cùng ngạc nhiên, vì trước mặt bà là một người phụ nữ hoàn toàn xa lạ, có dáng khắc khổ, nhưng tiếng nói thì nghe quen quen và làm sao lại biết tên bà, còn biết cả tên người chồng quá cố của bà nữa?
- Phải! Tôi là Hoa, nhưng bà đây là ai, mà lại biết tôi, còn biết cả nhà tôi nữa.
- Trời ơi! Chị Hoa không nhận ra em thiệt sao? Em là vợ Thượng sĩ Kha nè!
- …Ơ… ơ… thượng sĩ Kha… À! Tôi nhớ ra rồi… Thím Tư Lụa đây mà…
- Dạ chính là em… Tư Lụa nè…
Hai người phụ nữ ôm chầm lấy nhau trong nỗi xúc động nghẹn ngào, mặc hai người bạn trẻ đang nhìn họ với ánh mắt ngỡ ngàng.
- Mười mấy năm rồi còn gì nữa Thím Tư nhỉ!
- Phải! Thấm thoát thế mà đã mười mấy năm rồi, kể từ khi nhà em hy sinh và rồi ông Đại úy thuyên chuyển đi, chị em mình đâu có dịp gặp nhau.
Cúc chen vào:
- Má! Bà bác đây quen biết với nhà mình, hả má?
- Đúng vậy đó con! Chồng bác Hoa đây là cấp chỉ huy của ba con ngày xưa. Có một thời gian dài, hai gia đình chúng ta sống rất gần gũi nhau trong trại gia binh của đơn vị…
- Tôi nhớ không lầm thì đây là cháu Cúc phải không thím Tư?
- Dạ thưa chị đúng vậy. Đó là cháu Cúc…
- Cúc mà ngày xưa hay thắt cái nơ nhỏ trên đầu, đòi làm cô dâu và thằng Nam nhà tôi thì cứ nhất định phải là chú rể …
- Mẹ! Mẹ nói chuyện gì kỳ vậy …
- Chị Hoa! Vậy Ông Trung úy đây là cháu Nam đó, hả chị?
- Nó đó chứ còn ai nữa!
- Trời ơi! Vậy mà tui đâu có nhận ra. Ờ! Mà nhìn kỹ, cũng giống ông Đại úy thiệt đó nha!
- Hơn một chục năm, vật đổi sao dời, thím bây giờ sao khắc khổ quá vậy?
- Em mới mất thằng cháu đầu lòng, chị ạ…
- Cháu Tú làm sao vậy?
Nam chen vào đỡ lời:
- Mẹ! Anh Tú bị thiệt mạng do mìn của Việt Cộng gài ở cổng sau Trường Bộ Binh Thủ Đức, mà Cúc mới nói cho mẹ nghe đó
- Mẹ nhớ ra rồi. Một lần nữa. Xin chia buồn cùng thím Tư và cháu Cúc đây!
9
Bà Hoa dìu thím Tư ngồi xuống cái ghế Cúc vừa kéo tới, chậm rãi nói:
- Khi mới di cư vào Nam, gia đình chúng ta theo đơn vị của ba về đóng đồn ở một quận lỵ trong tỉnh Biên Hòa này. Má may mắn được quen biết với thím Tư đây là người địa phương, mà chú Kha, chồng thím Tư, lại ở cùng đơn vị với ba con. Chú thím đã tận tình giúp đỡ gia đình mình, trong những ngày đầu tiên đến một vùng đất mới, nên má và thím đây coi nhau như chị em ruột, và hai nhà như một… Lúc nào má cũng mang ơn Chú thím Tư về cái ân tình ấy…
- Chị Hoa đừng nói dậy, làm em mắc cỡ chết được, tụi em có giúp đỡ gì nhiều cho anh chị đâu, chỉ là những sự quan tâm đến nhau trong cùng một hoàn cảnh mà thôi!
- Sau khi chú Kha hy sinh, tôi theo ông Việt thuyên chuyển về miền Tây, cũng có mấy lần biên thư cho thím, nhưng chẳng nhận được hồi âm gì hết, nên đành mất liên lạc, đến nay đã hơn một chục năm rồi, còn gì!
- Dạ đã mười hai năm rồi. Khi ấy cháu Nam! À quên! Xin lỗi Ông Trung úy đây mới hơn mười tuổi, thằng Tú tám tuổi và cháu Cúc nhà em cũng chỉ mới có sáu tuổi… Sau khi nhà em mất, em không còn lý do gì để ở lại trại gia binh, nên đưa hai cháu về quê ngoại, chăm sóc mảnh vườn ruộng lúa, do cha mẹ em để lại và lo lắng cho chúng ăn học nên người như ước vọng của ba nó lúc còn sanh tiền.
- Thím cứ gọi nó là thằng Nam như ngày xưa cho thân mật! Thím thật can đảm và đáng kính phục… Ôi những người phụ nữ Việt Nam đáng thương trong thời binh lửa… Ba thằng Nam cũng hy sinh không lâu sau đó! Tôi một mình lủi thủi nuôi con, giữa phong ba bão táp và bao cám dỗ của cuộc đời. Nhưng chúng ta đã đứng vững, và đã không làm hổ thẹn những người chồng anh dũng của chúng ta…
Nam chen vào ngắt ngang luồng tư tưởng của bà Hoa:
- Mẹ! Bây giờ con phần nào nhớ ra được những kỷ niệm cũ rồi, con đã nhớ ra Thím Tư, dù thím thay đổi thật nhiều, con cũng đã nhớ ra cả Tú và Cúc nữa …
- Anh nhớ gì về em…
- Em ấy à? Hồi ấy chúa là nhõng nhẽo…
- Em cũng nhớ ra rồi… anh hay ăn hiếp em lắm đó!
Cả hai cùng bật cười, khiến không khí trở nên nhẹ nhàng hơn.
Bây giờ thì Nam đã hiểu nét quen thuộc của Cúc nằm sâu trong ký ức anh từ những ngày tháng ấu thơ đầy hoa mộng, nên khi vừa nhìn thấy cô, nó đã hiện lên một cách rõ ràng hơn.
Hai bà mẹ cũng cảm thấy vơi bớt những trăn trở trong lòng.
Nam chợt lên tiếng, phá tan cái không khí trầm lắng cảm động của buổi hội ngộ thật tình cờ:
- Mẹ ơi! Hiện nay con có một mối băn khoăn rất lớn… mà chỉ mẹ mới có thể giúp con được thôi …
- Băn khoăn thế nào con cứ nói đi, bất cứ điều gì có thể làm đuợc cho con, mẹ không hề từ nan.
- Cám ơn mẹ! Cái băn khoăn trong lòng con là lo cho sự an toàn của Thím Tư. Hai hôm nay thím đã phải ở trong Chi Khu…
- Sao lạ thế? Trong Chi Khu toàn lính tráng không làm sao mà ở được?
- Thì vậy mới đáng nói! Từ hôm Thím Tư đến báo cáo, rồi tụi con đi phục kích, tiêu diệt được đám cơ sở hạ tầng của Năm Răng Vàng. Con đã yêu cầu Chi Khu phải đưa Thím vào trong trại để tránh sự trả thù của bọn chúng …
- Nhưng đó đâu phải là biện pháp tốt nhất, không lẽ cả đời ở trong đồn lính, bất tiện lắm…
- Thế nên con mới băn khoăn. Trong giai đoạn này, không thể để Thím Tư trở về sống ở khu vực đó được nữa… mà phải đi một nơi khác, nhưng thím đâu có quen biết ai… ngoài cái thôn ấp bé nhỏ ấy…
- Hay đưa thím về Sàigòn ở với mẹ?
- Ý hổng được đâu chị Hoa! Em chưa hề đặt chưn tới Sègòn lần nào cả, làm sao em có thể sống ở đó chớ…
- Mẹ! Con cám ơn mẹ đã hiểu được ý con.Thím Tư nè! Bây giờ mà thím về sống ở đó, không chóng thì chầy, chúng nó cũng thủ tiêu thím để trả thù. Tạm thời Thím hãy lên Sàigòn ở chung với mẹ cháu, khi nào bình định yên ổn khu vực ấy thím sẽ trở về cũng đâu có muộn.
- Dìa Sègòn tui đâu có biết buôn bán chi, rồi lấy gì mà sống đây cậu Nam?
- Thì cứ tạm dưa mắm với mẹ cháu, cho qua ngày. Mà cháu nghĩ đã là người buôn bán, ở đâu cũng có thể là môi trường cho thím cả.Thím đừng lo.
- Tui ngại quá hà!
Bà Hoa vồn vã:
- Thím đừng ngại chi hết á! Tôi đã mong mỏi có dịp để đền đáp một phần ơn nghĩa mà chú thím đã dành cho gia đình chúng tôi trước kia, nhưng đến nay mới có cơ hội… Gần cuối đời, chị em mình mới gặp lại được nhau, thím lại nỡ phụ lòng tôi hay sao?
- Má à! Con thấy tấm lòng của bác Hoa và anh Nam đây dành cho má thật đáng quý, má đừng nên từ chối. Má mà quay lại nhà mình thì con cũng về ở với má, để hiểm nguy cùng chia sẻ …
- Ý hổng có được, con sắp thi rồi, bộ tính bỏ học luôn hay sao mà đòi về quê ở?
- Chứ má ở một nơi nguy hiểm như thế, làm sao con yên tâm học hành….
- Rồi còn chuyện tui khai với cháu Nam hôm ở Chi Khu…
- Thím cứ yên tâm đi, chuyện ấy cháu đã giải quyết ổn thỏa rồi.Thím có công chứ không có tội đâu mà lo.
- Vậy thì cám ơn chị Hoa và cháu đây vô cùng…
- Gia đình cháu đã từng mang ơn chú thím, thì nay một việc nhỏ nhặt này có đáng chi, mà thím ngại. À, mà nhà cháu ở trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Cư Trinh, nên cũng rất tiện cho Cúc đến trường
- Bộ anh muốn em đến nhà anh ở nữa hay sao?
- Chứ má em về đó rồi, sao em còn phải mướn nhà bên ngoài cho thêm tốn kém.
- Dị òm… Khi không lại đến ở… nhà… người dưng…
- Người dưng mà còn khác họ… nữa… phải hôn…? Cúc học Văn Chương mà không nhớ bài ca dao dân gian về đề tài này sao?
- Bài nào anh đọc nghe thử coi.
Nam đằng hắng lấy giọng hát khe khẽ:
- …Quạ kêu cái mà quạ kêu…
Quạ kêu nam đáo… tắc giáo nữ phòng …
Người dưng khác họ, chẳng nọ thời kia,
Nay dìa thì mai ở, ban ngày thời mắc cở,
Tối ở ý a quên dìa…
Rằng a ý a quên dìa, lòng thương nhớ thương…
Rằng a ý a quên dìa, lòng thương nhớ thương…
Cả hai bà già cùng bật cười vui vẻ trước sự pha trò ý nhị của Nam, trong khi mặt Cúc đỏ bừng như vừa nốc một cốc rượu mạnh.
- Anh Nam này kỳ cục hết sức đó nhe!
- Thằng Nam nói phải đó cháu Cúc ạ! Nhà bác cũng rộng rãi lắm. Cháu cứ yên tâm dọn đến ở chung với mẹ cháu và bác cho ấm cúng. Mấy năm nay, từ khi Nam vào quân đội, bác ra vô thui thủi một mình, bây giờ có hai mẹ con cháu về ở chung, bác sẽ rất vui…
- Bác Hoa và anh Nam đã có lòng tốt như vậy, mình không nên từ chối nữa con à! Hơn nữa, từ nhỏ các con đã là bạn bè thân thiết, chẳng rời nhau một phút…
- Trời ơi! Cái ngày mà chúng tôi dọn nhà về miền tây, Thím còn nhớ không?
- Dạ nhớ chứ chị! Xe chạy một khúc rồi, mà em còn nghe tiếng thằng Nam réo gọi:
- …Cúc ơi… Cúc ơi…
- Tôi cũng thấy cháu Cúc mắt mũi kèm nhèm, mếu máo, đứng nhìn theo:
…Anh Nam… Anh Nam…
- Thiệt cái cảnh chia ly của hai đứa nhỏ, làm người lớn não lòng…
Nam và Cúc cùng nhận ra tia mắt của người đối diện đang tìm mình và đôi bạn cùng chợt đỏ bừng hai má.
Những hành vy ấy, không qua được sự quan sát của hai bà mẹ già. Bà Hoa liếc về phía thím Tư, như nhận được sự đồng thuận của thím, bà lên tiếng:
- Nam này!
- Dạ, thưa mẹ!
- Mẹ cũng muốn cho con biết một việc hệ trọng, mà từ lâu mẹ chưa có dịp nói.
- Chuyện gì mà có vẻ bí mật vậy mẹ?
-Số là trước đây, mẹ đã từng hứa hẹn với một người bạn, sẽ kết thành thông gia, khi con và con gái của người ấy đến tuổi trưởng thành…
- Mẹ! Sao có chuyện quan trọng vậy mà con không được biết?
- Thì bây giờ biết cũng đâu có muộn!
- Đúng thế, cháu Nam à! Biết trước hay sau, chẳng thành vấn đề, điều quan trọng là hai người có duyên số với nhau và có chấp nhận mối nhân duyên ấy hay không mà thôi!
- Má! Sao má lại xen vào chuyện riêng của gia đình bác Hoa…
- Không phải là chuyện riêng của gia đình bác đâu Cúc ạ! Mà cũng là chuyện của gia đình cháu nữa đó!
Bây giờ thì Nam và Cúc đã hiểu được ý tưỏng của các bà mẹ!
Cả hai lại một lần nữa tràn ngập trong niềm vui, hai gò má của đôi bạn trẻ lại cùng ửng hồng.
Rượu tình chưa uống đã say.*
Lời tình chưa ngỏ đã ngây ngất lòng
Những kỷ niệm thời thơ ấu lại bừng bừng sống dậy, đưa hai tâm hồn trở về với khung trời hoa mộng tuyệt vời.
Qua tiềm thức của Cúc Nam là một điểm tựa là mái nhà, luôn chở che bảo vệ cho Cúc và lúc nào cũng chiều chuộng thương yêu nhường nhịn trước những nhõng nhẽo vô lối của nàng dâu nhỏ tuổi.
Với Nam, hình ảnh Cúc hiển hiện như một thiên thần, dịu dàng, bé bỏng và cũng thật đáng yêu.
Những hồi ức ấy là môt sợi dây vô hình thắt chặt hai tâm hồn với nhau. Để vượt qua một cách dễ dàng những ngập ngừng, ngượng nghịu ban đầu.
Ánh mắt họ đã nói lên tất cả những yêu thương nồng nàn, trìu mến mà họ muốn trao về nhau.
Ánh mắt hai bà mẹ già cũng long lanh ngấn lệ.
Những giọt lệ nói lên niềm hạnh phúc đã hoàn thành trách nhiệm thay chồng nuôi con, trong những tháng ngày gian lao, khốn khổ trên mảnh đất bị đạn bom dầy xéo ngày đêm.
Ngoài trời, ánh nắng thu dìu dịu, từng cánh lá thu bay bay, chao liệng như những thông điệp về một đóa hoa tình yêu vừa hé nhụy.
*Thơ tác giả
THỦY GIA TRANG.
Chớm Thu 2009
Dương Thượng Trúc
No comments:
Post a Comment