Lúc
đó vào khoảng giữa năm 1973, sau khi tốt nghiệp từ Trường Bộ Binh Thủ
Đức, phần lớn chúng tôi được đưa về các đơn vị hành quân và chúng tôi đã
trải qua những ngày tháng cực kỳ gian khổ, bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn
kinh sợ vô cùng. Đồng thời đám lính tác chiến như chúng tôi coi như đã
đặt một chân vào cửa tử, lúc nào trong đầu cũng ám ảnh một câu thần
chú:”…trước sau gì cũng đến phiên mình…”
Vậy đó cho nên chúng tôi
thường dặn lòng, xin dừng dính dáng gì đến chuyện lứa đôi làm chi cho
nó khổ, cho dù vào cái thời mới lớn, ai ai cũng ao ước “chuyện chúng
mình”. Thôi thì đời lính khổ quá, sống nay chết mai, chúng tôi không
muốn như câu thơ “anh trở về dang dở đời em…” Cho đến nổi, đôi khi chúng
tôi cũng nhận được tín hiệu “đèn xanh” nhấp nháy từ phía “bên kia” mà
cũng đành giả lơ ngó đi chổ khác.
Sau khi tôi trình diện một đơn
vị Trinh sát của một Trung đoàn Bộ Binh, tôi làm Sĩ quan “cà nhỏng” một
thời gian khá lâu (đây là một từ khôi hài, ý nói chức vụ ngồi chơi xơi
nước). Cho nên mỗi khi đơn vị nhận được lịnh cấp trên, đề cử các sĩ quan
đi học các Khóa Huấn luyện Bổ túc, thì tôi được ưu tiên lựa chọn.
Vào
đầu năm 1974, tôi được cử đi học Khóa Lãnh đạo Chỉ huy, kéo dài một
tháng tại Trung Tâm Huấn Luyện Sư Đoàn 9 ở Cái Vồn- Vĩnh Long. Khóa học
tập trung khoảng 50 Sĩ quan, được đưa về từ các Trung đoàn. Khóa học này
chỉ học chơi chơi, không có gì quan trọng.
Hôm đầu tiên đến giờ
nghỉ trưa, chúng tôi kéo ra ngoài Trung tâm kiếm chổ ăn cơm cho thoải
mái. Tôi chưa biết ăn cơm ở đâu, đi lang thang một hồi, tôi ghé vào một
quán cà phê nằm trong một con hẻm nhỏ. Quán không có tên, chỉ là một
ngôi nhà cũ kỹ, phía trước có kê mấy bộ bàn ghế thô sơ để bán cà phê
nước ngọt. Lùi về phía sau một chút, sát cửa vào nhà trong có kê một cái
bàn nhỏ, có cô bé ngồi chào khách và thu tiền.
Tôi ngồi uống cà phê
rồi ngó bâng quơ, bỗng tôi chợt thấy có mấy tên cùng khóa học đang quây
quần ngồi ăn cơm với nhau ở phòng khách phía trong nhà.
Tôi bèn
bưng ly cà phê tới bàn cô bé cashier hỏi chuyện. Cô bé nhìn bảng tên
trên ngực áo tôi, rồi rất tự nhiên và dạn dĩ, cô ấy bảo tôi:” Quán em có
nấu cơm tháng cho mấy anh về đây học, nếu anh Châu cũng muốn ăn cơm ở
đây thì đóng tiền cho Má em đi chợ nấu cơm cho anh ăn luôn thể” Tôi nghe
thấy vui vui nên bằng lòng.
Ngồi chuyện vãn với cô bé một hồi,
tôi được biết, quán này có 3 chị em cùng bán hàng, nên đám khách bèn đặt
cho một cái tên là Quán Ba Cô, cho nó tiện. Ba chị em tuổi từ 17 đến
20, cô nào cũng xinh theo kiểu “hương đồng cỏ nội”, xinh nhất là cô út
tên Xuân Hương đang học lớp 11. Sau khi cô đi học về thì ra ngồi quán
với các chị, vừa học bài vừa thu tiền.
Thế là trưa chiều hai
buổi, tôi có mặt tại quán. Lúc đó tôi thấy đám Sĩ quan về học như tôi,
kéo đến quán đông nghịt, bu lấy ba cô, họ tán tỉnh rập rờn, trông bắt
ớn. Bản thân tôi cũng không tốt lành gì, nhưng mà…. thôi đành lấy mắt
ngó vậy.
Trong đám Sĩ quan kéo đến quán, chỉ toàn là lính Bộ
binh, độc nhất chỉ có mình tôi là lính Trinh sát. Không biết có phải vì
cái vẻ bên ngoài đặc biệt của tôi hay không? mà cả ba cô đều dành cho
tôi cảm tình vượt trội hơn những người khác.
Mỗi khi tôi đến
quán, các cô đều lộ ra vẻ vui mừng, không để tôi ngồi bên ngoài mà lôi
tuột vào bên trong, để cùng tôi cười đùa rôm rả. Mỗi khi tôi nói chuyện
khôi hài, các cô túm tụm vào nhau cười ngặt nghẽo. Bà Má già của các cô,
trông tướng mạo quê mùa nhưng rất hiền lành chơn chất. Thấy tôi nói
chuyện vui, bà thích lắm nên cũng bắt ghế ngồi nghe chuyện. Rồi bà hối
các cô dọn cơm cho tôi ăn, pha nước cho tôi uống. Để tôi nhớ lại xem,
tôi có buông lời tán tỉnh cô nào không ta? hình như là không, chắc vậy…
tôi đã nói rồi mà.
Cuộc vui kéo dài cho đến một ngày kia, lúc đó
vào dịp Tết. Trung tâm cho đám chúng tôi nghỉ tại chổ. Mỗi khi Tết đến,
đám lính xa nhà như chúng tôi trong lòng buồn nôn ruột, nhớ nhà cồn cào
nghe mà thắt ruột nát gan, buồn vô phương ! Những tên nhà gần thì dọt về
gần hết. Những đứa ở xa tận Sài gòn như tôi thì kẹt cứng, vì con đường
từ Vĩnh long về Sài gòn có rất nhiều Trạm Kiểm soát Quân sự, mang đồ
lính thì không sao qua lọt.
Tôi tà tà đi ra quán với cái mặt buồn
hiu, thấy vậy Bà Má và các cô xúm lại hỏi han. Tôi kể lể rồi nói nhờ các
cô chạy mượn cho tôi bộ đồ dân sự để tôi mặc chuồn về nhà ăn Tết. Bà Má
kêu lên:” Sao mà tội nghiệp thằng nhỏ này quá vậy trời!”, bà hối mấy cô
chạy vào xóm mượn cho tôi bộ đồ.
Các cô đi một hồi rồi trở về
nhà mặt mày bí xị, không ai dám cho tôi mượn hết. Không biết sao, các cô
chụm đầu lại rù rì một hồi. Rồi một cô bảo tôi:” Anh Châu có dám mặc đồ
của tụi em không vậy?” Tôi liều mạng ừ đại. Thế là, cô lớn cao ráo nhất
cho tôi mượn cái quần, cô giữa cho tôi mượn cái áo, cô út lăng xăng
kiếm cho tôi đôi dép.
Sau khi tôi thay đồ xong, các cô giương mắt
nhìn tôi một hồi, cô này xù xì vào tai cô kia, rồi cả ba cô cười phá
lên. Tôi không hiểu chuyện gì, cô giữa bảo tôi:” Thấy anh Châu mặc đồ
tụi em…. trông thật là đẹp gái….” Tôi mắc cở bỏ đi một nước. Khi về tới
nhà, má tôi thấy tôi bước vô với bộ dạng kỳ dị, bà muốn té ngửa. Thiệt
hết biết!
Sau một tháng học tại Trung tâm, rồi cũng đến ngày chia
tay. Trong buổi cơm cuối cùng tại Quán Ba Cô, Bà má già bắt cái ghế đẩu
ngồi chăm chú ngó chúng tôi ăn cơm. Bỗng dưng tôi thấy bà chảy nước mắt
ràn rụa, bà kéo cái khăn sọc rằn lên lau nước mắt, tôi thấy thương bà
làm sao. Tôi nghĩ có lẽ bà má có quá nhiều tình cảm nên đã xúc động khi
giã từ đám lính chúng tôi chăng?
Tôi trở về đơn vị được một
tháng, bỗng một hôm tôi nhận được lá thư của cô út Xuân Hương của quán
Ba Cô. Tôi hồi hộp mở thơ ra xem, sau khi đọc xong tôi kinh hãi đến rụng
rời, té ra là thế!. Giống như một lá thơ tuyệt mạng, không phải dành
cho ai khác mà là dành cho tôi.
Cho mãi đến tận bây giờ, sau hơn
40 năm dài đằng đẵng, tôi vẫn còn nhớ rành rành lời cô viết:” Anh Châu
thân mến, anh còn nhớ bửa ăn cuối cùng các anh đã ăn ở nhà em không?
Chắc anh còn nhớ má em đã chảy nước mắt, anh có biết sao má em khóc
không? Má em khóc vì quá thương anh Châu đó. Má em nói, có biết bao sĩ
quan về đây học, sau một thời gian các anh trở lại đơn vị, má kêu tụi em
chạy đi hỏi thăm tin tức mấy anh, thì được biết toàn bộ các anh lớp
chết lớp bị thương hết ráo, ít có ai lành lặn mà trở về nhà. Má em còn
nói tiếp, mấy anh đó chỉ là lính tiểu đoàn, lính bộ binh, chứ chưa có ai
là lính Trinh sát như anh Châu, và má em cũng biết lính Trinh sát còn
hung hiểm hơn lính bộ binh gấp bội phần. Má em thương anh quá, má nói
không biết có còn cơ hội gặp lại anh nữa không? Cho nên má em khóc là vì
lẽ đó. Má em dặn, khi nào đơn vị của anh Châu đóng quân chổ nào lâu
lâu, thì anh biên thư gửi về quán báo cho em biết, để em dẫn má em đi
thăm anh….”
Tôi đọc xong lá thơ mà trong người bần thần đến mấy
ngày, một nỗi xúc động tràn ngập trong lòng tôi. Tôi đã nhận được từ bà
má già quê Cái Vồn, một tấm lòng nhân hậu lớn lao không sao tưởng tượng
nổi.
Từ đó tôi trôi đi biền biệt, hết mặt trận này đến mặt trận
khác, mà chưa có lần nào trở lại Cái Vồn. Nhưng tôi biết chắc một điều,
bà má già và cái quán Ba Cô ngộ nghĩnh đó sẽ mãi mãi nằm trong một trang
ký ức đẹp đẽ nhất của đời tôi.
Rồi ngày tháng dần trôi. Sau khi
các huynh trưởng của tôi rơi rụng lần lần, tôi cũng ngoi dần lên chức
Trung đội trưởng Trinh sát, sau khi làm phó hay cà nhõng một thời gian
khá dài. Có lẽ con đường hoạn lộ của tôi trong tử vi không được sáng sủa
cho lắm.
Tới một ngày kia, tôi không nhớ lúc nào. Bộ Chỉ Huy Mặt
trận Mộc Hóa thuộc Tỉnh Kiến Tường, tung Trung đội Trinh Sát do tôi chỉ
huy, luồn rừng tràm đi thăm dò lực lượng địch quân. Đây là chiêu thức
“trói dê bắt cọp” hay là “chốt thí qua sông” cũng được, để nhằm đến một
mục tiêu chiến thuật nào đó, mà một sĩ quan cò ke lục chốt như tôi không
cần biết. Tội nghiệp, trong chiến tranh mạng người lính như chúng tôi
chỉ là cỏ rác.
Nhiệm vụ Trung đội tôi rất hiểm nghèo, cho nên Bộ
Chỉ Huy ưu tiên hỏa lực pháo binh cho tôi. Khi tôi di chuyển đến đâu thì
báo cáo điểm đứng về cho Trung Tâm Hành Quân, nơi đó các khẩu đội luôn
hướng nòng về phía chúng tôi, để nếu xảy ra chạm địch, chỉ trong vòng
vài phút, pháo binh phải can thiệp ngay lập tức. Nếu không, Trung đội
tôi khoảng trên 20 người lính sẽ bị tàn sát trong nháy mắt.
Khi
chiều tối xụp xuống, chúng tôi đụng trận. Phía bên kia xông lên chạy
băng qua một cánh đồng khô cạn, họ vừa bắn xối xả vừa gào thét:” hàng
sống, chống chết” Lúc đó mà tôi tin lời họ là không còn mạng để bây giờ
kể lại câu chuyện này.
Chúng tôi bị dồn vào đường cùng, phía sau
lưng là con sông, đạn lại nổ rền vang tứ phía. Nếu muốn bỏ chạy cũng
không biết chạy đi hướng nào. Tôi vừa bắn vừa trầm giọng gầm lên:” Anh
em ơi! trước sau gì cũng chết. Không sợ! Chúng ta chơi cho tới cùng.”
Lính tôi phấn khởi ồ lên hưởng ứng ” Sông Mã gầm lên khúc độc hành” khi
người lính không còn sợ chết nữa, họ sẽ chiến đấu vô cùng dũng mãnh.
Cũng
may, ông Trời còn ngó xuống thương tình, không biết sao tại vị trí
phòng thủ của chúng tôi, có một bờ đất dầy khoảng 2 thước, và cao ngang
tầm ngực, đã che chắn cho chúng tôi. Có lẽ trước kia đây là bờ thành của
một cái đồn nay đã bỏ hoang.
Tựa vào bờ đất, chúng tôi bắn trả quyết
liệt, bởi vì biết chắc một điều, hoặc là bắn lại họ, hoặc là bị họ bắn
chết hết. Tôi vừa “tả xung hữu đột”, vừa gọi máy truyền tin về Trung tâm
Hành quân. Nhờ các tọa độ tác xạ tiên liệu tôi đã báo trước. Cho nên
chỉ sau vài phút, đạn đại bác chạm nổ rền trời. Trong khi đại liên phòng
không 12 ly8 của phía bên kia, từ một hướng khác, nhả đạn liên tục về
phía chúng tôi, nghe rất kinh hồn táng đởm, đạn nổ trắng trời như đèn nê
on.
Lạy Trời ! Sau một hồi tấn công, nhắm không nuốt nổi bọn
tôi. Phía bên kia ngừng lại và rút quân. Tôi thở hắt ra rồi ngồi bệt
xuống đất, mệt muốn té xỉu, trong người tôi không còn một chút hơi sức
nào, hồn vía tưởng chừng thảng thốt bay lên cao. Tôi quá sức kinh sợ.
Người
lính đệ tử đưa cho tôi một bao gạo sấy còn nguyên chưa nấu gì cả, anh
ta bảo tôi nhai cho đở đói. Tôi vốc một nắm cho vào miệng, nhai rào rạo
như nhai sỏi đá. Mấy người lính của tôi, kẻ chết người bị thương nằm la
liệt. Tôi nhìn họ, lòng buồn muốn khóc.
Bỗng tôi một tiếng rên
yếu ớt từ đâu đó vọng đến chỗ tôi ngồi. Tôi lấy làm lạ, hỏi mấy người
lính chung quanh có nghe thấy không? Họ nói có nghe rõ lắm, như vậy là
có người lính phía bên kia đã bị thương và đồng bọn đã bỏ anh ta lại, và
bây giờ đang nằm chờ chết trước mặt chúng tôi không xa lắm.
Tôi
nghĩ, lúc hai bên bắn nhau chí tử, thằng nào xui tận mạng bị trúng đạn
ngã ra chết, thì thôi! ráng chịu, chứ chẳng có oán thù gì nhau (đó là do
tôi nghĩ vậy, còn phía bên kia nghĩ sao, tôi không biết). Nay người
lính bên kia bị thương đau đớn, nằm ngoài kia kêu rên thảm thiết, mình
mà không cứu thì cảm thấy “kỳ kỳ” ở trong lòng.
Tôi bảo hai người
lính của tôi bò ra, kéo người lính bên kia vào cứu chữa. Họ bò đi một
lát thì tôi nghe có tiếng lựu đạn nổ. Tôi điếng người không biết chuyện
gì đã xảy ra. Hai người lính quay vào và nói với tôi:”… tụi em bò tới
gần thằng đó, nó bèn rút lựu đạn quăng về phía tụi em, cũng may nó quăng
trật, nếu không thì tụi em chết banh xác rồi…” Thấy vậy mấy người lính
bèn bàn với tôi:”… tụi mình có lòng cứu nó, mà nó đối xử với mình như
vậy, thôi cứ bỏ mặc cho nó chết đi Thiếu úy…”
Ừ! thì thôi vậy, bỏ
mặc cho nó chết. Nhưng đâu phải bỏ dễ dàng như thế. Tiếng rên la lần
này lại như ma tru quỉ hờn, nghe còn thê lương hơn trước nữa. Tôi chịu
không nổi, nếu cứ để mặc cho hắn chết, chuyện dễ thôi, nhưng tôi biết nó
“ám” trong lòng tôi đến vô cùng.
Lần này, chính tôi cùng hai đệ
tử thân tín bò ra cứu hắn. Khi bò ra tới bên ngoài, tôi la lên:” Nè, nè !
cái ông Việt Cộng kia ơi, tụi tôi bò ra cứu ông đây, nếu ông còn quăng
lựu đạn một lần nữa, thì tụi tôi sẽ bỏ mặc cho ông nằm chết, chứ đâu còn
ai dám cứu ông nữa.”
Người lính bên kia nghe xiêu lòng, hắn đã
nằm im cho thầy trò chúng tôi hì hục kéo hắn vào bên trong tuyến phòng
thủ. Hắn bị thương khắp người, nặng nhất là ở cẳng chân nên không chạy
theo đồng đội của hắn được, nên đành nằm lại chờ chết. Chúng tôi xúm lại
băng bó vết thương cầm máu cho anh ta. Tôi bảo đệ tử chui xuống hố cá
nhân nấu một ca nước sôi pha sữa cho anh ta uống. Uống xong ca sữa anh
ta gục xuống ngủ thiếp đi, trông cũng tội nghiệp.
Sáng hôm sau,
cấp trên cho xe Thiết giáp vào đón những người bị thương và tử trận về
căn cứ, đồng thời chở cả anh ta theo nữa. Trước khi đi anh ta nhìn tôi
chằm chằm nhưng im lặng không nói một lời nào. Có lẽ anh ta cảm thấy rất
lạ lùng, không sao hiểu nổi.
Thời gian sau, Quân đội Miền Nam
bại trận, đám Sĩ quan chúng tôi nhục nhã ê chề kéo nhau vào Trại Tù có
tên là Trại Cải Tạo. Có một hôm, sau một ngày làm việc cực nhọc, chúng
tôi kéo nhau về Trại. Sau khi tắm rửa cơm nước xong, chúng tôi ngồi quây
quần bên gô nước chùm bao để nói chuyện đời. Tôi đã kể lại câu chuyện
trên cho đám bạn nghe. Nghe xong có người hỏi:”Nếu bây giờ cho ông sống
trở lại những ngày tháng cũ, ông có làm như vậy nữa không ?”. Tôi đã trả
lời ngay lập tức:”Tôi không thể nào làm khác đi được, tôi vẫn hành xử y
như cũ, bởi vì tôi là người Miền Nam…”
Ngô Đình Châu
No comments:
Post a Comment