“…Nhìn những ruộng vườn xanh tươi, những hàng cau, hàng tre thấp thoáng, nếu không có tiếng súng… Cái nhìn sẽ thoải mái hơn biết bao nhiêu trước cảnh đẹp thiên nhiên của quê hương, nhưng làm sao thoát cho khỏi thực tế của chiến tranh…”
Kiều Mỹ Duyên
Mỹ Chánh là con sông nhỏ chảy vắt ngang Quốc Lộ 1, làm thành một ranh giới thiên nhiên của hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị. Khoảng giữa tháng 5 của mùa Hè năm 1972, phòng tuyến Mỹ Chánh đã thật sự vững chắc trên hai phương diện: về mặt bày binh, bố trận của quân lực miền Nam và cả về mặt tinh thần quyết chiến của toàn quân, toàn dân sau khi thành phố Quảng Trị lọt vào tay Cộng quân.
Những ngày đầu của tháng 5, các lực lượng Dù và Thủy Quân Lục Chiến bắt đầu tung ra những đợt phản công bất ngờ, thật sấm sét, đẩy lui quân địch, chiếm lại dần dần những phần đất đã mất. Nếu lấy Quốc Lộ 1 và sông Mỹ Chánh làm hai trục tọa độ, thì những đơn vị Thủy Quân Lục Chiến có nhiệm vụ quét địch bên phần Ðông Bắc, những đơn vị Dù bên phần Tây Bắc. Cứ theo hướng Quốc Lộ 1 mà tiến quân, và nơi hẹn bắt tay nhau là thành phố Quảng Trị.
Từ phòng tuyến Mỹ Chánh tiến ra, hai đạo quân Dù và Thủy Quân Lục Chiến đụng phải những chốt của Cộng quân bám chặt như Hải Lăng, La Vang, Mai Lĩnh. Ðương đầu với một lực lượng gồm 6 sư đoàn nòng cốt của Cộng quân, trong một vùng mà địch đã chiếm đóng gần 3 tháng trời, với những công sự phòng thủ có sẵn, nay được tu bổ thêm, khiến cho hai mũi tiến quân của lực lượng Dù và Thủy Quân Lục Chiến như chạm vào một khối đá xanh. Nhưng những người chiến sĩ của miền Nam, khi vượt qua sông Mỹ Chánh, trong thâm tâm họ đã có một lời thề: không lấy lại Cổ Thành, không trở về qua con sông này.
Sự quyết tâm đã được thể hiện: một lá cờ vàng ba sọc đỏ xếp sẵn trong ba lô của một anh lính Dù để chuẩn bị treo trên Cổ Thành. Và người ta còn đồn rằng, có một chai champagne cũng nằm sẵn trong ba lô của một anh lính Dù khác, dành để mừng chiến thắng.
Cái chốt đầu tiên mà lực lượng Dù phải nhổ trên đường tiến ra Quảng Trị là Hải Lăng. Muốn vào Hải Lăng, lực lượng Dù tiến dọc theo Quốc Lộ 1 và qua một đoạn đường mà những phóng viên chiến trường mệnh danh là ‘con đường của tử thần’. Ðể mở đường cho cánh quân của Dù tiến tới, Liên Ðoàn 10 Công Binh Chiến Ðấu phải dùng xe ủi để ủi những xác xe cộ và người chết trên mặt đường. Phóng viên của Reuter đã mô tả quang cảnh đoạn đường này như sau:
‘Trên một đoạn đường ngắn của Quốc Lộ 1, cách phòng tuyến Mỹ Chánh 8 cây số về phía Bắc, có khoảng 300 chiếc vừa là xe vận tải, vừa là xe jeep nhà binh, chiến xa và cả xe hơi của tư nhân, xe Honda… bị phá huỷ nằm ngổn ngang với hàng trăm xác người đã rữa nát. Cảnh khủng khiếp này nằm dọc hai bên Quốc Lộ 1 phía Nam của Hải Lăng. Một chiếc xe cứu thương của quân đội bị trúng đạn, 10 xác thương binh còn nằm trên xe. Có những cánh tay được treo lên để chữa thương, thì nay chỉ còn trơ xương và những ngón tay vẫn còn trong tư thế chỉ lên trời. Những xương cánh tay, ống chân và đầu lâu nằm lăn lóc trên mặt đường. Một xe vận tải bị lật nghiêng trên bãi cát bên đường, xác người còn treo tòng teng. Cách mặt đường vài thước, 3 xe tăng T54 và một xe lội nước PT76 của Bắc-Việt bị phá hủy… ‘.
Gần đến Hải Lăng, người ta thấy những xe gắn máy, xe đạp nhiều hơn nằm ngổn ngang trên mặt đường và đã bắt đầu rỉ sét. Những đoạn có nhà cửa hai bên đường, nhiều bộ xương ở trong những tư thế khác nhau: nằm vắt trên xe, nằm sấp giữa mặt đường, ngồi dựa bên tường. Mùi tử khí xông lên nồng nặc.
Những toán Công Binh Chiến Ðấu dọn dẹp đoạn đường này phải dùng vải để bịt mũi và miệng lại. Một số cũng bị tan xác bởi mìn, đạn chưa nổ và cả pháo của Cộng quân. Trên đoạn đường tử thần này, máu của những người chiến sĩ Công Binh đã đổ ra khá nhiều.
Vào Hải Lăng, quân Dù đụng ngay với Tiểu Ðoàn Ðặc Công K8 của Cộng quân đang trấn đóng ở thôn Mai Ðằng. Trận đánh kéo dài cả 8 tiếng đồng hồ. Và cuối cùng, lúc 15 giờ 45 phút ngày Chủ Nhật, mồng 3 tháng 7 năm 1972, quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hoà lại tung bay phấp phới tại quận Hải Lăng sau 93 ngày lọt vào tay quân địch.
Ðường vào La Vang, chỉ qua một đoạn đường ngắn, nhưng đó là đoạn đường của tử thần. Ðoạn đường này có một cây cầu nhỏ, cầu Trường Phước. Cái tên Trường Phước có nghĩa là phước đức lâu dài, nhưng hôm nay Mai Lĩnh là quận châu thành của Quảng Trị. Vào đến Mai Lĩnh coi như đã đứng trước cửa ngõ của thành phố này. Mai Lĩnh nằm giữa hai đồi cát trắng, có những lô cốt bê tông xây sẵn từ đời nào, nay trở thành chỗ bố phòng quá tốt của Cộng quân để chờ quân ta tiến vào.
Gõ cửa Mai Lĩnh là hai trung đội Trinh Sát Dù và Biệt Kích Dù 81. Hai trung đội này phải di chuyển một cách thận trọng, có đoạn phải trườn mình theo những rãnh cát, để vượt qua một vùng trống trải dài hơn cây số mà không có một chỗ nào để ẩn nấp dưới những trận pháo chặn đường của Cộng quân.
Ðến trước Chi Khu Mai Lĩnh, lực lượng này bị Cộng quân từ các lô cốt bắn B40 và AK làm thành một màn lưới lửa chận ngay tại đây. Những chiến sĩ Trinh Sát và Biệt Kích Dù phải đợi đến tối mới đánh đặc công và chiếm lại Mai Lĩnh vào đêm ngày 5 tháng 7. Tiểu Ðoàn 7 và Tiểu Ðoàn 9 Dù cũng vừa kéo đến. Như vậy lực lượng của Dù chỉ còn cách thị xã Quảng Trị có 800 thước nữa thôi. Cùng lúc đó, một toán 30 Biệt Kích Dù được trực thăng đổ xuống ngay giữa thành phố Quảng Trị để thăm dò tình hình địch và đồng thời lập một đầu cầu cho đại quân của Dù tiến vào.
Lữ Ðoàn 2 Dù dưới quyền chỉ huy của Ðại Tá Trần Quốc Lịch, đang trên đường tiến vào cửa ngõ của thành phố Quảng Trị. Lực lượng này gồm có Tiểu Ðoàn 5, Tiểu Ðoàn 6, Tiểu Ðoàn 7, Tiểu Ðoàn 9, Tiểu Ðoàn 11 Dù và một Ðại Ðội Trinh Sát Nhảy Dù. Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn được tăng phái thêm Liên Ðoàn 81 Biệt Kích Dù.
Tiến vào vùng ranh giới của thành phố Quảng Trị, những người hiện diện không khỏi bàng hoàng, đau đớn trước cảnh hoang tàn, đổ nát đến độ như thế. Một sự vắng lặng bao trùm cả một vùng rộng lớn, mà trước đây là một nhịp sống yên vui, náo nhiệt, khiến cho người ta có cảm giác sự chết chóc từ những cái bẫy sập đâu đó sẽ bất thần chụp xuống. Và biết bao giờ người dân Quảng Trị mới xây dựng lại được thành phố này như xưa.
Một phóng viên của AFP, Jean Jacques Cazaux, có mặt tại đó đã diễn tả như sau: “Cái cảm tưởng đầu tiên của những người bước chân vào Quảng Trị là họ đang đứng trước một nghĩa trang rộng lớn. Hai bên Quốc Lộ 1, chỗ nào cũng là cảnh tượng hoang tàn. Cầu cống bị phá hủy, hàng đoàn xe cháy đen, đạn dược vung vãi trên mặt đường, cùng với những xác người đang rữa nát. Một trận mưa dữ dội hôm thứ Bảy, khiến khung cảnh khủng khiếp này trở thành nhầy nhụa trong một đám bùn đỏ”.
Cuộc tiến quân vào phía Tây của thành phố Quảng Trị do lực lượng Dù đảm trách. Những trung đội Trinh Sát của Tiểu Ðoàn 7 Dù được tung vào thôn Ðại Ngã nằm sát nách thị xã Quảng Trị. Các chiến sĩ Dù đã vượt qua ngã ba Long Hưng, đường Lê Huấn, tiến vào Bến Xe Mới, nhà ga và khu phố Thạch Hãn. Họ phải cận chiến với địch quân để chiếm từng căn nhà, dành từng công sự, từng cao ốc, diệt từng ổ kháng cự và tiến vào kiểm soát sân vận động của thành phố để lập một đầu cầu. Khoảng 2 giờ chiều ngày 11 tháng 7, Tiểu Ðoàn 7 Dù được yểm trợ bởi Thiết Ðoàn 17 đã tiến vào theo hướng này và chỉ còn cách trung tâm thành phố chừng vài trăm thước nữa.
Cùng lúc đó về hướng Ðông của Quảng Trị, một cánh quân của Thủy Quân Lục Chiến với sự yểm trợ của Thiết Ðoàn 15 đã tiến qua thôn Giao Ðằng và đang trên đường vào thành phố Quảng Trị. Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến đã dàn quân tạo thành một hành lang dọc bờ biển, canh chừng nhất là Cửa Việt, ngăn chặn đường tiếp tế lương thực và vũ khí từ miền Bắc vào cho các lực lượng của Cộng quân đang chiếm đóng ở vùng này.
Vào khoảng giữa tháng 7, hai đạo quân Dù và Thủy Quân Lục Chiến đã bao vây ba mặt thành phố Quảng Trị, chỉ bỏ ngỏ một mặt tiếp giáp với sông Thạch Hãn. Lực lượng của địch quân đang tử thủ trong các công sự kiên cố trong thành phố Quảng Trị ước lượng chừng 2,000 người thuộc Sư Ðoàn 320 thường được gọi là Sư Ðoàn Thép.
Ðể ngăn chặn những mũi tiến quân của Dù và Thủy Quân Lục Chiến, Cộng quân đã dùng trọng pháo và dàn cả xe tăng để nghinh chiến. Vào đêm ngày 2 tháng 7, Cộng quân tung một lực lượng chiến xa hùng hậu tấn công vào một cánh quân của Thủy Quân Lục Chiến và Thiết Ðoàn 18. Trận đánh kéo dài qua ngày hôm sau, có 5 chiếc T54 và 2 chiếc PT85 bị hạ. Một chiếc T54 khác bị Thủy Quân Lục Chiến bắt sống.
Cổ Thành Quảng Trị
Hồi 10 giờ sáng ngày 3 tháng 7, trong khi trận chiến vẫn còn tiếp diễn, Trung Tá Lộc, Thiết Ðoàn Trưởng Thiết Ðoàn 18 trả lời cuộc phỏng vấn của các phóng viên chiến trường cho biết bên ta chỉ tổn thất nhẹ. Ông cũng nhận xét rằng, chiến xa của địch thiếu kinh nghiệm chiến đấu, tiến quân không có đội hình, cứ xếp hàng dọc mà tiến tới, vì vậy, không đến 30 phút, địch đã bị hạ ngay 5 chiếc T54.
Thành phố Quảng Trị chỉ còn là những đống tro tàn và gạch vụn, hôm nay lại một lần nữa rung chuyển vì những tiếng súng nổ không ngừng khi quân Dù tiến vào hai mặt Bắc và Nam của thành phố. Họ tiến vào từng bước một, nhích lên từng tấc đất, thận trọng đẩy từng cánh cửa của những căn nhà không chủ, bám vào từng gốc cây bên đường phố.
Người ta ước lượng còn khoảng chừng 1,000 thường dân bị kẹt lại trong thị xã này kể từ ngày Cộng quân chiếm đóng. Từ dưới những hầm trú ẩn, một số liều lĩnh chui lên tại các đường phố mà quân Dù đã kiểm soát được. Người nào mặt mày cũng hốc hác và gầy ốm vì chỉ ăn uống cầm hơi trong mấy tháng qua.
Những trận giao tranh kịch liệt diễn ra trong thành phố. Ðịch quân được lệnh tử thủ. Có nhiều bằng chứng cho thấy viện binh của chúng đang được điều động từ Lào đến. Quân ta nhất quyết chiếm lại thành phố bằng bất cứ giá nào. Và buổi trưa ngày 16 tháng 7, Tiểu Ðoàn 6 và Tiểu Ðoàn 11 Dù đã hiên ngang tiến vào trên đại lộ Lê Hành như đi diễn hành. Một chiến sĩ Dù dẫn đầu với lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ, có hai chiếc M48 gầm gừ hộ tống đằng sau. Ðến 13 giờ 30 phút, anh lính Dù mang cờ trèo lên một cao ốc còn đứng vững giữa trung tâm thị xã, đó là trụ sở của đảng Cách Mạng Ðại Việt trước đây, để treo lá quốc kỳ. Lá cờ đã tung bay trên bầu trời Quảng Trị sau 2 tháng 17 ngày vắng bóng vì địch chiếm.
Những chiến sĩ Dù đã đổ nhiều máu và hy sinh nhiều mạng sống để tái chiếm thành phố Quảng Trị, thành phố ở vùng địa đầu giới tuyến, nhưng thực sự vẫn còn một phần đất ngay trong thành phố này nằm trong tay Cộng quân: đó là Cổ Thành.
Một vài sử liệu cho rằng, Cổ Thành được xây lên từ thời vua Gia Long, thành xây bằng đất, chung quanh có hào sâu. Qua triều vua Minh Mạng, năm 1838, thành được phá đi và xây lại bằng gạch cao 5 mét, dày 5 mét.
Người ta ước lượng có chừng một trung đoàn Cộng quân với lương thực và vũ khí, đạn dược đầy đủ đang ẩn sâu dưới những hầm hố, công sự rất kiên cố trong Cổ Thành. Và chung quanh tường thành, một lực lượng khác đang mai phục để ngăn chặn bất cứ một sự xâm nhập nào của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Tái chiếm thành phố Quảng Trị, nhưng chưa chiếm được Cổ Thành thì chưa kể là một sự chiến thắng hoàn toàn, vì ngoài mặt tâm lý còn là một sự thử thách. Cộng quân đã huênh hoang qua máy truyền tin cho rằng Cổ Thành ở trong tay chúng là nơi bất khả xâm phạm. Các chiến sĩ Dù đang háo hức nhìn về Cổ Thành chờ lệnh.
Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu
Theo phóng viên Chad Huntley của UPI, các vị Tư Lệnh của chiến trường Trị Thiên đang cứu xét 3 kế hoạch khác nhau để tái chiếm Cổ Thành. Kế hoạch thứ nhất là các lực lượng Dù và Thủy Quân Lục Chiến sẽ tấn công và tràn ngập Cổ Thành. Kế hoạch thứ hai là để cho Không Quân san bằng Cổ Thành ra bình địa. Kế hoạch thứ ba là các lực lượng Dù và Thủy Quân Lục Chiến sẽ bao vây Cổ Thành cho đến khi địch quân chết đói ở trong đó.
Cuối cùng, kế hoạch thứ nhất được chọn. Ðôi bên sẽ mặt đối mặt phân tài cao thấp và thử gan anh hùng. Dưới con mắt của hàng chục phóng viên tại chiến trường từ khắp nơi trên thế giới đang có mặt tại đây sẽ cho hàng triệu người khác nhìn thấy trận thử lửa đá vàng này, để một lần nữa đánh giá rõ rệt khả năng và tinh thần chiến đấu giữa những người lính Quốc Gia và Cộng Sản.
Tiểu Ðoàn 5 Dù là đơn vị được vinh dự nhận trách nhiệm công phá cổ thành Ðinh Công Tráng. Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 5 Dù, xuất thân khóa 14 Võ Bị Ðà Lạt, một trong những sĩ quan xuất sắc và giàu kinh nghiệm chiến trường của binh chủng Dù. Ông đã trải qua bao nhiêu trận mạc, từ Mậu Thân phản công diệt địch, đến vượt biên nhảy vào Cao Miên truy lùng Cục R, rồi Hạ Lào với Lam Sơn 719. Bây giờ trên chiến trường Trị Thiên, ông và Tiểu Ðoàn 5 Dù đang trên đường tiến tới Cổ Thành.
Một trung đoàn Cộng quân đã mai phục sẵn để chào đón những người mới đến. Trung Tá Hiếu sử dụng tất cả những lực lượng pháo binh nào có thể yểm trợ được, nhưng đánh vào là dội ra. Tiểu đoàn 5 bị địch cắt ra làm ba, mỗi đại đội phải chiến đấu riêng rẽ.
Ðể đảo ngược tình thế, Trung Tá Hiếu chấp nhận một phương cách rất mạo hiểm, thiên địa đồng ư quy tận: địch và ta cùng chết một lần. Ông ra lệnh cho binh sĩ vừa chiến đấu vừa đào hầm trú ẩn, loại hầm chữ A, rồi gọi Pháo Binh pháo ngay trên đầu mình vì địch và ta, hai bên đang ở trong thế cài răng lược. Pháo Binh không dám bắn. Trung Tá Hiếu gọi máy trình bày với Ðại Tá Lịch. Ðại Tá Lịch đồng ý và cho lệnh Pháo Binh bắn. Cộng quân không ngờ, tổn thất khá nặng, đành phải bỏ ngỏ cho Tiểu Ðoàn 5 Dù tiến tới Cổ Thành.
Bây giờ Tiểu Ðoàn 5 Dù đã đối diện Cổ Thành. Trung Tá Hiếu lặng lẽ đứng nhìn mục tiêu của mình và nói đùa với các sĩ quan của ông:
– Mình công thành như thời La Mã, nhưng với những khí giới của thế kỷ 20.
Và cái thành đã làm cho ông mất ăn mất ngủ là một ngôi thành cổ hình vuông, mỗi bề dài 500 thước, chung quanh có hào sâu rộng chừng 10 thước. Cổ Thành nguyên là doanh trại của Tiểu Khu Quảng Trị, tháng 4 vừa qua, Bộ Tư Lệnh của Sư Ðoàn 3 từ căn cứ Ái Tử dời về đây, Tướng Vũ Văn Giai đã cho tu bổ và xây dựng thêm nhiều hệ thống phòng thủ kiên cố mới. Bởi vậy, khi Cổ Thành lọt vào tay địch quân, nơi đây đã trở thành một khối thép được bao bọc bởi màn lửa đạn sơn pháo 130 ly, hỏa tiễn 122 ly từ bên kia sông Thạch Hãn và từ những họng đại bác 57 ly, 75 ly, B40 và thượng liên đặt trên bờ thành mà những xạ thủ đã bị xích chân vào đế súng.
Những chiến sĩ Dù lấy máu đổi từng tấc đất. Có những ngày tiến lên được mấy chục thước, đến chiều lại phải lui về vị trí cũ. Khi những chiến sĩ Dù tiến lên thì bị pháo của địch như mưa trút xuống mà không có chỗ để ẩn nấp. Còn địch quân ở trong thành, khi máy bay của ta đến ném bom, chúng chui xuống những công sự kiên cố, máy bay rời vùng, chúng lại bò lên một cách an toàn. Và hai tuần trôi qua, Lực lượng Dù chỉ tiến lên được 500 thước, hỏa lực của địch quân đã cầm chân họ ở đây.
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment