Tuesday, November 30, 2021

Chinh Chiến Điêu Linh (Kỳ 10) Đằng sau cuộc chiến - Kiều Mỹ Duyên

“Đoạn đường từ Quảng Trị vào Huế vẫn còn hàng ngàn, hàng ngàn người, di chuyển thành một đoàn dài cả mấy cây số, toàn là ông già, bà già, đàn bà và trẻ con, họ cố gắng bỏ xa vùng trận tuyến. Nhưng đã có hàng trăm, hàng ngàn người đã bỏ xác lại bên đường hoặc cố dìu nhau lết đi với những vết thương không được băng bó vì đạn pháo kích của Cộng quân bắn như mưa vào đám người đang cố chạy vào phương Nam…” Kiều Mỹ Duyên
 
Dưới bom đạn, còn là những nhập nhằng lịch sử. Bà Mẹ Gio Linh của Phạm Duy mà Kiều Mỹ Duyên nhắc đến là một.

Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy
Hò ơi ới
! Hò ơi ới hò!
Nhà thì nó đốt còn đây
Khuyên nhau báo thù phen này
Mẹ mừng con giết nhiều Tây
Ra công xới vun cầy cấy
Hò ơi ới hò! Hò ơi ới hò!
Con vui ra đi, sớm tối vác súng về
Mẹ già một con yêu nước có kém chi
Đêm nghe xa xa có tiếng súng lắng về
Mẹ nguyện cầu cho con sống rất say mê

Quân số của một Tiểu đoàn Lê Dương là 52% lính Việt. Ở các tiểu đoàn Nhảy dù Thuộc địa, cứ 4 đại đội tác chiến thì 2 đại đội thuần Việt CIP (Compagnie Indochinoise de Parachutistes/ Đại đội Nhảy dù Đông Dương). Trung tâm Huấn luyện Công binh CIG (Centre d’Instruction de Génie) thành lập tháng 1-1946 tại Thủ Dầu Một niêm yết cấp số của Tiểu đoàn 1 Công Binh:

Toàn tiểu đoàn có 8 sĩ quan Pháp, 47 hạ sĩ quan Pháp và 1 binh sĩ Pháp so với 28 sĩ quan Việt, 50 hạ sĩ quan Việt và 771 binh sĩ Việt. Nhìn rộng hơn, quân số của Quân đội Quốc Gia tăng đều đặn:

Tháng 1-1949 là thời điểm ngay sau khi Phạm Duy viết Bà Mẹ Gio Linh, sĩ quan và hạ sĩ quan VN đã gấp đôi Pháp. Đến tháng 7-1954 gấp 7 lần.

Đại úy Nguyễn Văn Vỹ làm Đại đội trưởng Đại đội 3 của Tiểu đoàn 3 Biệt Kích Nhảy dù Thuộc địa (3e BCCP) về sau lên Tổng tham mưu trưởng. Thiếu úy Ngô Quang Trưởng chỉ huy trung đội dưới quyền Đại úy Phạm Văn Phú, cả hai thuộc Tiểu đoàn 5 Nhảy dù (5e BPVN) của Đại úy Botella. Thiếu úy Nguyễn Khoa Nam làm trung đội trưởng ở Tiểu đoàn 3 Nhảy dù (3e BPVN) của Thiếu tá Mollo. Có thể kể thêm vô vàn các trường hợp như vậy như Trung úy Đỗ Cao Trí, Trung úy Ngô Dzu, Đại úy Nguyễn Khánh đều phục vụ trong quân đội Liên hiệp Pháp trước khi chuyển sang Quân đội Quốc gia. Vậy khi “Mẹ mừng con giết nhiều Tây”, để giết 1 sĩ quan Pháp phải giết thêm 7 sĩ quan Việt. Đã thành nội chiến.

Nhập nhằng lịch sử còn ở cá nhân Phạm Duy. Ngay sau khi viết Bà Mẹ Gio Linh, Phạm Duy trốn về thành. Để được chính các binh sĩ Việt-Pháp mà Phạm Duy vừa “Khuyên nhau báo thù phen này” đứng ra bảo vệ an nguy cho bản thân. Để rồi: 

Một ngày năm bốn, cha lùi quê hương
Lánh Bắc vô Nam, cha muốn xa bạo cường
Một ngày bảy lăm, đứng ở cuối đường
Loài quỷ dữ xua con ra đại dương

(Một Ngày 54 Một Ngày 75, Phạm Duy)

Vậy thì Mẹ Gio Linh là ai? Loài quỷ dữ và ở phía bạo cường?

Trần Vũ

(*)  Các số liệu trong Le Génie au Combat, Indochine 1945-1956, Ivan Cadeau, Service Historique de la Défense, 2013

Gio Linh là một thị trấn nhỏ nằm ở tuyến đầu của miền Nam, sát với dòng sông Bến Hải. Từ thời tiền chiến, Gio Linh đã thành một địa danh nổi tiếng qua bản nhạc ‘Bà Mẹ Gio Linh’ của nhạc sĩ Phạm Duy. Gio Linh là một thị trấn trên cát, cát trắng chạy dài. Những mái nhà tranh trên những cồn cát do gió đùn lên, nhấp nhô trong ánh nắng hoàng hôn, khiến cho nơi đây còn giữ được chút sinh khí chứ không hoang vu tĩnh mịch như miền đại mạc.

Những căn nhà, gọi là nhà nghe thật tội nghiệp, vì nó chẳng có hình dáng của một căn nhà bình thường, được dựng lên trên cát bằng tất cả những vật liệu gì kiếm được. Trên một vùng toàn cát trắng, sự trồng trọt là điều không thể thực hiện được. Ngay cả con người, sống ở miền gió cát, con người cũng cằn khô. Trên miền đất này, quanh năm chỉ có thiên tai, bom đạn và sự đói khổ. Những đứa trẻ 7, 8 tuổi, chưa biết đọc, nhưng nghe tiếng đạn nổ là biết loại súng gì rồi.

Hôm nay là ngày 7 tháng 2 năm 1972, tôi ra thăm thị trấn Gio Linh và ghé đến giáo xứ của Linh Mục Trương Công Giáo vào lúc xế trưa. Cha đã lớn tuổi nhưng vẫn còn rắn rỏi khỏe mạnh. Trên khuôn mặt của Cha, cũng như những người dân đã sinh trưởng và lớn lên ở đây, nét mặt đều khắc khổ và có vẻ chịu đựng vì quen sống với một cuộc sống quá nhiều bất trắc.

Tôi mở lời hỏi thăm Cha Giáo:

– Thưa Cha, giáo dân của Cha ở đây có chừng bao nhiêu người? Họ từ đâu đến đây? Hiện tại họ làm gì để sinh sống?

– Chúng tôi có 1,600 giáo dân. Họ đến từ Bát Phường (Nam Ðông, Nam Tây, Cồn Tiên…). Tại đây không trồng trọt được, nên đa số sống với nghề làm củi. Họ bán mạng sống mà đi lên núi lấy củi, hái măng, vì lên núi, thường bị pháo kích, đạp mìn hoặc đạn M79 thì tan xác.

– Thưa Cha, Việt Cộng có về đây quấy phá không?

– Việt Cộng vẫn về. Cách đây hai tuần, có trận đánh ở đây. Việt Cộng chết 20 người, bên mình chết 2, 3 người. Có lần Việt Cộng vào tận giáo xứ đặt chất nổ làm sập phòng khách mà chúng ta đang ngồi đây. Khi rút đi, lấy hết quần áo, một cái radio và 17 ngàn tiền quỹ của giáo xứ.

Trong khi chúng tôi ngồi nói chuyện, thì ngoài sân đã vang rộn tiếng la hét, cười nói của học trò vì đã đến giờ ra chơi. Tôi nhìn các em đang nô đùa ngoài sân, em nào nước da cũng đen vì nắng cháy và có vẻ già hơn trước tuổi. Tuổi trẻ trong chiến tranh là thế đấy!

– Thưa Cha, cha có bao nhiêu học trò và chính quyền ở đây có giúp đỡ gì cho giáo xứ của Cha không?

– Tôi có tất cả chừng 600 học trò. Ða số là con em của giáo xứ. Còn một số là từ các gia đình ở ngoài vào học. Phần chính quyền thì cũng chẳng giúp đỡ gì. Vừa rồi quận có cho hai xách áo quần cũ, nhưng hôi hám quá. Cho như vậy thật làm mất phẩm cách của con người, thà đừng cho còn hơn!

– Thưa Cha, còn vấn đề di dân?

– Có mấy ngàn gia đình vào Phước Tuy rồi cũng không có việc làm, họ lâm vào tình trạng khốn khổ. Những gia đình khác muốn đi cũng hoang mang.

Trời ngả về chiều rất nhanh. Gió và khí lạnh bắt đầu kéo đến. Gió thổi giật từng cơn rất mạnh. Tôi vừa du học ở Úc về, sống quen trong một vùng tuyết phủ suốt mùa Ðông, mà cũng không chịu được cái lạnh ở đây. Cái lạnh của rừng núi, mặc bao nhiêu áo vẫn thấy lạnh, lạnh từ trong xương lạnh ra. Trời mưa đỡ lạnh hơn, nhưng trời đã mưa thì mưa như trút nước, mưa mở mắt không ra. Như tháng Mười Hai vừa qua, Cha Giáo kể, mưa suốt cả tháng trời, chỉ tạnh đúng vào hai ngày lễ Noel. Mùa Hè, gió Hạ Lào thổi lửa qua rặng Trường Sơn, nóng nứt đất, nóng nẻ đầu! Nhưng mà đó là nơi chôn nhau cắt rốn. Tình quê hương vô hình nhưng buộc chặt.

Tôi theo chân Cha Giáo lên sân thượng của trường học để xem những dấu vết tàn phá của trận bão lụt vừa qua, nhưng vẫn chưa tu sửa được vì không có tiền. Từ trên sân thượng, dõi mắt nhìn ra một vùng rộng lớn, trời đã sắp hoàng hôn, những tia nắng quái còn tô màu trên những cồn cát. Quang cảnh của Gio Linh trong lúc này nhuốm một vẻ hoang sơ và tiêu điều trước cái nhìn của người từ xa đến. Những ngôi nhà xiêu vẹo dựng trên cát trắng. Nói là nhà, thật ra chẳng phải là nhà. Tôi không biết dùng danh từ gì để diễn tả những căn nhà của người dân ở vùng giới tuyến này. Như những căn lều, vừa thấp vừa hẹp, lại vừa xiêu vẹo. Mái nhà nào lợp bằng rơm thì đã bay theo trận bão lụt vừa rồi. Cả chục người sống trong một căn nhà chiều ngang chừng hơn 1 mét, chiều dài hơn 2 mét. Có muốn xây rộng hơn cũng không có vật liệu. Miếng ăn là điều quan trọng hàng đầu, sau đó mới là chỗ ở. Cứ thử nghĩ, một người, một ngày lên núi kiếm củi về bán được bao nhiêu tiền? Những đứa bé ở nhà cũng biết rằng cha mẹ mình ngày ngày lên núi bán mạng sống để kiếm tiền độ nhật cho cả gia đình, nên buổi chiều khi trông thấy cha mẹ trở về, chúng mới yên chí là mình chưa mồ côi.

Buổi tối tôi trở về Ðông Hà và tạm trú qua đêm trong một cô nhi viện do các nữ tu trông coi. Cô nhi viện này có 130 em, đa số là mồ côi cha mẹ, số còn lại thì cha mẹ không đủ khả năng nuôi con nên đành gửi vào đây. Thị trấn Ðông Hà trước năm 1972 là một trong những căn cứ quân sự lớn của Mỹ, nên đa số dân ở đây làm việc trong các cơ sở của Mỹ. Sau khi Mỹ rút về, họ lâm vào tình trạng thất nghiệp, cuộc sống thật bấp bênh.

Tình trạng bi thảm nhất là cô nhi viện của Cha Hoan. Cô nhi viện ngày càng đông, mà một mình Cha Hoan không thể xoay trở cho đầy đủ được. Tình hình an ninh ngày càng căng thẳng. Trường Ðắc Lộ của Cha Hoan đã bị pháo kích 4 lần trong tháng vừa qua. Một lần vào buổi sáng Chủ Nhật, dân đang dự lễ trong nhà thờ thì Việt Cộng pháo vào 60, 70 trái hỏa tiễn, làm 25 người vừa chết vừa bị thương.

Cha Hoan chỉ cho tôi 3 nấm mộ trước sân nhà thờ, một mộ lớn ở giữa và hai mộ nhỏ hai bên. Cha nói:

– Ðó là mộ của một Cha người Pháp qua giúp giáo dân Việt Nam. Cha lo về vấn đề xã hội. Cha nói tiếng Việt rất hay. Còn hai mộ nhỏ là của hai em học sinh. Một hôm cha cùng hai em học sinh vào làng để săn sóc cho các bịnh nhân nghèo, trên đường đi vào ấp thì bị Việt Cộng bắn chết. Ðể nhớ ơn Cha, tôi chôn cất Cha ở sân nhà thờ, dưới những hàng cây dương liễu.

Niềm lo âu lớn nhất của Cha Hoan là làm sao có tiền để nuôi các em cô nhi và duy trì trường Ðắc Lộ cho các em có nơi để học hành. Cha có dự án tự túc kinh tế là làm dầu tràm để tạo công ăn việc làm cho nhiều người, nhưng không thành công.

Tôi được Thiếu Tá Diệu, Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị của Tiểu Khu Quảng Ngãi hướng dẫn đi thăm các làng mới bị Việt Cộng tàn phá. Ðầu tiên chúng tôi đến thăm quận Sơn Tịnh. Những làng bị Việt Cộng đốt cháy tan hoang như Phú Hoà, Vạn Lộc và Sơn Kim. Thiếu Tá Diệu chỉ cho tôi xem một Niệm Phật Ðường nay chỉ còn là một đống tro tàn, ông nói:

– Cô xem, Việt Cộng đâu có chừa chùa hay nhà thờ. Lát nữa chúng ta đến thăm một làng Phật Giáo và một làng Công Giáo.

Chúng tôi đến thăm làng Phú Hoà. Cả làng chỉ còn trơ lại những nền nhà cháy đen với tro than mà thôi. Một ông cụ ngồi cưa cây. Bà cụ già lưng đã còng đang quét dọn. Tôi hỏi ông cụ:

– Việt Cộng về hai cụ có chạy không?

Ông cụ vừa cưa vừa đáp:

– Ai cũng phải chạy chứ. Ðàn ông, đàn bà, trẻ em chạy trước, không chạy thì chúng bắt vào trong khu. Già quá như tôi thì liều mà ở lại để năn nỉ chúng đừng đốt nhà. Nhưng cô thấy đó, chúng đốt hết. Có được mấy thúng lúa để dành ăn cũng bị đốt cháy. Vậy là năm nay phải ăn khoai, ăn sắn rồi cô ơi.

Tôi hỏi bà cụ:

– Cụ có gặp Việt Cộng không?

– Có chứ. Tụi nó nhỏ nhỏ chừng 17, 18 tuổi thôi. Mấy đứa con gái cũng mang súng.

Tôi nhớ hôm trước có dịp đi thăm một số tù binh. Có mấy cô cũng khoảng 17, 18 tuổi ở quận Mộ Ðức, Ðức Phổ và Nghĩa Thành. Khi tôi gợi chuyện hỏi thăm, các cô nói với tôi họ là y tá, chị nuôi, tức là chuyên nấu ăn cho bộ đội. Các cô bảo bị dụ mãi thì đi theo lên núi. Ðến khi đụng trận, bị thương, bị bắt và được đưa về bệnh viện điều trị mới thấy làm tù binh bên này được nằm giường nệm, ăn ngày ba bữa, còn sướng hơn mấy lâu nay đói khổ, ngày đêm gì cũng ở dưới hầm, lúc nào cũng lo sợ.

Một anh cán bộ áo đen hướng dẫn chúng tôi đi thăm từng xóm, anh nói:

– Chúng tôi muốn giúp dân nhưng đâu có gì để cho dân. Dân ở đây nghèo lắm, không có công ăn việc làm. Tôi hỏi anh cán bộ:

– Chính quyền không trợ cấp vật liệu gì cho dân dựng lại nhà sao?

– Một phần nào thôi. Việt Cộng đốt nhà hoài. Một năm đốt 3, 4 lần thì lấy vật liệu đâu mà phát cho đủ.

Biết vậy mới thông cảm cho nỗi khó khăn của chính quyền. Tôi đã nhiều lần đến thăm những thôn xóm xa xôi hẻo lánh, ngồi nghe mấy ông bà già tâm sự:

– Nhà bị đốt rồi thì gắng cất lại. Mồ mả của ông bà còn đó, chúng tôi không muốn bỏ làng, bỏ xóm mà đi. Nếu có đi, cũng chẳng biết làm gì để sinh sống.

Như quận Ba Tơ, trước đây gồm có 24 xã, nhưng sau bị Việt Cộng về đốt phá hoài, dân chúng gom về những xã tương đối an ninh hơn, nên bây giờ còn có 7 xã.

Người cán bộ áo đen chỉ một căn nhà đã cháy còn trơ lại cái nền, anh nói:

– Căn nhà này là của dì tôi. Dì đã ở trong căn nhà đó gần cả một đời rồi, bây giờ bị đốt, dì khóc đến phát bệnh.

Tôi thấy hàng tre xanh chung quanh lá cũng bị cháy sém vì lửa từ căn nhà hắt ra. Tôi hỏi:

– Còn những căn nhà có người đi theo Việt Cộng thì sao, có bị đốt không?

– Việt Cộng đi đốt từng nhà. Nhà có người đi theo chúng cũng bị đốt luôn. Chúng thù nhất là những nhà có người làm cán bộ Xây Dựng Nông Thôn. Hôm vừa rồi, có hai Nghĩa Quân bị thương rồi bị bắt, chúng trói lại ném vào lửa. Vợ của một anh Xây Dựng Nông Thôn có thai 8 tháng, bị chúng bắt được, trói lại và xô vào căn nhà lửa đang cháy bừng bừng.

Khi đã yên, dân làng trở về, nhìn thấy những đống tro tàn và xác người đàn bà sắp sanh bị cháy cong queo, họ thật thấm thía với những lời tuyên truyền của những người vẫn thường về đây xưng là chiến sĩ giải phóng.

Thành phố Quảng Ngãi về đêm có vẻ yên tĩnh và tình hình an ninh tương đối khả quan so với các thành phố lớn khác như Ðà Nẵng. Buổi sáng đi theo Trung Tướng Thi và Ðại Tá Lợi đến thăm Chi Khu Ba Tơ sau một trận đánh khốc liệt kéo dài 4 ngày đêm. Khung cảnh của bãi chiến trường và sự hy sinh của người lính chiến cùng cuộc sống điêu linh của người dân vùng quê còn ám ảnh trong tâm trí. Tôi thả bộ một mình dọc theo phố chính của Quảng Ngãi. Ðây là xứ của núi Thiên Ấn, sông Trà, của những ruộng mía mênh mông. Ban đêm tiếng súng vọng về nghe rất gần, những người lính chiến giờ này còn lặn lội hành quân trong rừng sâu núi thẳm. Và ở ngay thành phố, những quán nhạc đèn màu vẫn rực rỡ, tiếng nhạc vẫn mời gọi và người dân thành phố vẫn đến đây như đang sống trong một cuộc sống thật thanh bình. Mimosa, Diễm Xưa, Anh Ðào… với những chàng trai cô đơn ngồi trầm ngâm bên tách cà phê, với những đôi nhân tình đang vui vẻ, hạnh phúc bên nhau.

Tôi ghé vào quán Mimosa uống cà phê. Một em bé chống nạng đứng thập thò ngoài cửa, đầu cúi thấp. Bàn tay em gầy gò run run vì vui mừng mỗi khi có người khách ném vào chiếc nón rách vành vài đồng bạc.

Một chân của em bị cưa lên khỏi đầu gối, khúc chân còn lại ốm tong teo và đen đúa. Em bé đứng đó thật kiên nhẫn, chiếc nón rách vẫn chìa ra phía trước. Ða số khách thản nhiên đi qua như không nhìn thấy. Tôi bước ra dẫn em vào ngồi cùng bàn và hỏi:

– Em muốn uống gì, ăn kem không?

Tôi gọi cho em bé một ly kem. Em ngồi một cách rụt rè, đầu vẫn cúi thấp xuống. Tôi gợi chuyện, hỏi em:

– Em tên gì, bao nhiêu tuổi?

– Dạ, em tên Cương, 15 tuổi.

Tôi không nghĩ em đã 15 tuổi, vì người em nhỏ bé, trông như mới 7, 8 tuổi. Em đen gầy, chỉ có da bọc xương, khuôn mặt nhỏ, ánh mắt buồn và ẩn nhẫn.

– Em có bao nhiêu anh chị em, cha mẹ em ở đâu, chân em sao bị như vậy?

– Em có 3 đứa em, cha mẹ chết hết rồi, chết vì bị pháo kích. Chân em bị cưa cũng vì đạn pháo kích ở Bình Ðức, quận Bình Sơn. Em được đưa vào nhà thương Mỹ, bác sĩ Mỹ cưa chân em.

Em cúi đầu xuống thấp, nước mắt trào ra, tôi không dám hỏi nữa. Tôi đẩy ly kem trước mặt em, lúc em đưa tay ra đón ly kem, tôi mới thấy bàn tay em bị cong quặt lại, chỉ còn bốn ngón.

– Các em của em bây giờ ở đâu?

– Dạ ở với bà bác em. Em đi xin mỗi ngày đem tiền về cho bà bác nuôi chúng nó. Mùa Ðông vừa rồi, em đi xin dành dụm cả tháng mới đủ tiền mua cho tụi nó một cái mền cũ.

Trời Quảng Ngãi buổi tối mùa Hè mà vẫn thấy lạnh. Chiếc áo của em mặc quá mỏng manh nhưng có lẽ em đã quen như vậy rồi. Sự chịu đựng cũng như miếng ăn đều cần để mà sống.

– Bà bác em nghèo lắm cô ơi. Mỗi ngày bà lên núi kiếm củi về chợ bán đâu được bao nhiêu tiền.

– Ban ngày em đi xin như vậy, buổi tối em ở đâu?

– Tụi em ngủ ở các sạp ngoài chợ, có một chú nữa, thương phế binh mù mắt, ban ngày cũng đi xin như tụi em, tối về chợ ngủ. Nhiều buổi sáng ngủ quên, bị mấy bà chủ sạp dựng đầu dậy chửi cho một trận.

Tôi nhìn ra cửa, ba bốn em khác cũng vừa kéo đến đứng thập thò nhìn vào có vẻ ngạc nhiên khi thấy một ‘đồng nghiệp’ của mình đang chễm chệ ngồi trong tiệm ăn kem. Mimosa là quán cà phê có cà phê ngon và nhạc hay nhất ở đây, nên cuối tuần thường là nơi họp mặt của những người tai mắt trong thành phố này.

Ngay trên cùng một mảnh đất, cùng trong một giây phút, có những người đang chờ đợi, người thanh niên ngồi chờ những giọt cà phê nhỏ xuống đầy tách cho hết những giờ rảnh rỗi, người lính chiến đang ghìm mũi súng chờ dấu quân thù trong đêm đi kích, người đàn bà vừa thành góa phụ đang chờ ngày mai đi nhận xác chồng và đứa bé đang chờ một vài đồng bạc ném vào chiếc nón rách…

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment