Hoàng đế dùng ấn tín (bảo tỷ) đóng trên các sắc thư, chỉ dụ để tỏ mệnh lệnh và xác định quyền lực tối thượng của mình. Vua nhà Nguyễn dùng hai loại ấn tín: ấn bằng vàng gồm 14 chiếc, ấn bằng ngọc gồm 6 chiếc, lại thêm 4 chiếc thuộc loại "Tôn tàn bảo tỷ" thì không rõ làm bằng chất liệu gì. Mời các bạn cùng tham khảo bài viết "Bảo tỷ bằng vàng ngọc" trích trong quyển Nội Các của bộ sách Khâm-định Đại-Nam Hội-điển Sự-lệ.
"Minh Mạng năm thứ 9 (1828) dụ rằng: ấn báu của nhà nước để làm việc tuyên bố mệnh lệnh, chỉ bảo rõ ràng những việc phải làm, về khí cụ thì cực kỳ quan trọng, về điển lệ thì cực kỳ to lớn. Khi xưa triều ta mới bình định thiên hạ, đức Hoàng khảo Thế tổ Cao Hoàng đế (Gia Long) ta định chế độ lập pháp luật, trăm việc đều mới, nhiều lần ban sắc lấy vàng đúc ra các quả ấn tín, như là: ấn "Chế cáo chi bảo", ấn "Quốc gia tín bảo", ấn "Sắc chính", "Vạn dân chi bảo", ấn "Thảo tội an dân chi bảo", ấn "Ngự tiền chi bảo", và ấn "Mệnh đức chi bảo".
Từ trước đến nay đã kính thi hành, song là lúc mới làm chưa được mười phần chu đáo. Ta vâng nối ngôi báu, may gặp thái bình, những mong làm cho qui mô trước thêm rực rỡ, để tỏ rõ cho đời sau, cũng dùng vàng tốt đúc thêm ấn "Hoàng đế chi bảo", "Sắc mệnh chi bảo: và "Tự mệnh linh thời chi bảo". Chữ "thời" là trọng nhưng phải viết chữ nhật sang bên phải, chữ tự sang bên trái, hiện đã lần lượt xong.
Vậy về sau có gặp việc tôn thân huy hiệu, thì đóng ấn "Hoàng đế tôn thân chi bảo", gặp có khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ, cùng là các cáo dụ các thân huân, đi tuần thú để xem xét các địa phương, mọi điển lệ long trọng ấy, và ban sắc thư cho ngoại quốc, thì dùng ấn "Hoàng đế chi bảo". Các chỉ dụ chương sớ, sổ sách, tất cả mọi việc thường làm, thì dùng ấn "Ngự tiền chi bảo". Ban chính sóc (lịch) thì dùng ấn "Tự lệnh minh thời chi bảo".
Khen thưởng người có công lao to lớn, về thành tích chính sự xuất sắc, người nổi tiếng trung lương thì dùng ấn "Mệnh đức chi bảo". Hết thảy các việc ban cấp sắc mệnh cho quan văn, quan võ, và tặng cho bách thần, cho người thì dùng ấn "Sắc mệnh chi bảo". Sai phái các quan lớn nhỏ, ban cấp chiếu lệnh, cùng chiếu thăng cấp, giáng cấp, cùng mọi việc dạy dỗ răn bảo thì dùng ấn "Thế cáo chi bảo". Các chức hàm quyền thự, tuy chưa được cấp cho cáo sắc, song cũng có khác với việc sai phái tầm thường, vậy những chiếu văn thăng thự cũng cho dùng ấn "Sắc mệnh chi bảo".
Bắt lính ra quân, triệu tập tướng súy, thì dùng ấn "Quốc gia tín bảo". Dạy bảo muôn dân, răn bảo bốn phương, và nêu khen người tiết nghĩa hiếu hạnh, thì dùng ấn "Sắc chính vạn dân chi bảo". Sai tướng ra quân, đánh trừ giặc giã, đánh dẹp mọi rợ, thì dùng ấn "Thảo tội an dân chi bảo". Vậy cho chiếu theo các điều khoản kính định nói trên mà dùng, để tỏ sự thủ tín mà truyền lại lâu dài.
Lại có định lệ: hàng năm ngày lễ tiết Vạn Thọ. Các điều khoản gia ơn, cho dùng ấn "Vạn thọ vô cương". Năm thứ 19 (1838) dụ rằng: từ trước đến nay, trong cung gặp khi có thưởng phạt, ban hành mọi dụ chỉ, thì mượn ấn "Minh Mạng thần hàm" để dùng. Xét ra trị nước trước phải sửa nhà, người xưa bày ra 8 điều mục. Vậy sai quan hữu tư đúc ngay 1 quả ấn vàng, viết 4 chữ "Tề gia chi bảo" chân phương khắc vào để tiện dùng ở trong cung. Lại đúc 2 quả ấn "Minh Mạng đồ thư" bằng vàng."
Đắc Xuyên Gia Khang FB
No comments:
Post a Comment