Thursday, November 20, 2014

Bức Tường Bá Linh sau 25 năm


BERLIN - Quá Khứ và Tương Lai
Tôn Thất Hùng
Hôm nay tôi đã đến thành phố Berlin, thủ đô của nước Đức hiện nay sau một ngày đi đường mệt mỏi. Trên đường đến khách sạn, cảnh tượng hai bên đường mà tôi quan sát được là các kiến trúc kiểu mới rất nhiều, xen lẫn vài công trình cổ theo trường phái Phục Hưng. Có lẽ thành phố nơi đây đã từng tan nát, tiêu điều vì bom đạn sau Đệ Nhị Thế Chiến... Cũng như vài quốc gia ở vị thế quan trọng trên bàn cờ chính trị quốc tế như Việt Nam, Đại Hàn…nước Đức cũng bị các thế lực chính trị quốc tế đưa lên bàn cân với những bàn thảo và đổi chác. Quốc gia này cũng bị chia đôi, hai nước Đông Đức và Tây Đức đã ra đời từ những lá phiếu quyết định của các cường quốc khác…Và phải đến 44 năm sau, trong khí thế của những đợt sóng dân chủ lan tỏa khắp Đông Âu trong thập niên 80, nước Đức đã hoàn toàn thống nhất. Bức tường ô nhục, chia cắt đất nước Trung Âu này đã đổ sập vào năm 1989.
Khoa học kỹ thuật hiện đại
Từ lâu, nước Đức vẫn nổi tiếng với khoa học kỹ thuật tân tiến, luôn đi đầu trên thế giới. Các quốc gia có nhu cầu lắp đặt hệ thống xe lửa cao tốc đều nhờ đến những công ty của Đức kể cả Nhật, Nga, các quốc gia Trung Đông, liên hiệp các nước Châu Âu…và cả Việt Nam. Những sản phẩm gia dụng điện tử, điện máy của Đức vẫn luôn được tiếng tốt và rất bền lâu. Nếu nói đến chất lượng thì có lẽ những sản phẩm của nhiều quốc gia tiên tiến ngày nay cũng có thể không thua kém, nhưng trong khi các quốc gia khác cố ý chế tạo sản phẩm của họ chỉ có tuổi thọ vài năm, nhằm khiến người tiêu dùng mua tiếp tục sản phẩm, thì máy móc do người Đức chế tạo vẫn có thể hoạt động tốt từ mười đến hai mươi năm. Người tiêu dùng nhắm đến các sản phẩm “Made in Germany” bởi vì lý do này. Tuy nhiên, ở Canada, để tìm mua được các máy móc chế tạo từ Đức không phải dễ kiếm.
Tôi “check-in” vào khách sạn, mặc dù chỉ là khách sạn ba sao rưỡi theo tiêu chuẩn của Đức, nhưng nhìn không thua khách sạn năm sao của các nước lân cận trong khu vực Đông Âu và Tây Âu. Các loại đèn tiếc kiệm năng lượng và hệ thống cảm ứng được lắp đặt rất nhiều, giúp cho khách trú một cảm giác đang sống trong một xã hội ở tương lai. Trong hành lang, khi đi đến đâu, ánh sáng sẽ từ từ tỏ sang cùng tiếng nhạc êm dịu trỗi lên. Thảm hành lang đỏ rực dưới chân cũng được ánh sáng kết hợp cứ hiển hiện ra theo kiểu cuốn chiếu thật vui mắt như chào đón người khách lạ vừa đến. Trong phòng ngủ cũng rất tối tân mà nếu ở Bắc Mỹ, chúng ta chỉ có thể thấy ở một vài khách sạn sang trọng với giá tiền trên trời mà thôi. Đây là một “first impression” khiến tôi chú ý; tuy nhiên cũng là chú ý trong dè chừng và cũng không mấy hồ hở đón nhận. Bởi vì khi tôi đến Châu Âu, mục đích của tôi không phải cần tìm đến tiện nghi và tương lai, mà tôi đi tìm về quá khứ với lịch sử hàng ngàn năm ở đây…
Cũ và mới lẫn lộn
Như đã nói ở trên, dọc theo các con đường từ những khu vực bên ngoài vào đến trung tâm thủ đô, kiến trúc kiểu mới và cũ xen lẫn vào nhau không theo thứ tự. Kiến trúc kiểu mới của thập niên 50’s, 60’s, 70’s hiện diện rất nhiều. Lý do có tình trạng này là sau Đệ Nhị Thế Chiến, rất nhiều thành phố ở Châu Âu bị hư hại vì bom đạn, những công trình mới được xây dựng thế vào những tòa nhà đã bị đổ nát. Nếu như tại Warsaw của Ba Lan hay Rothenberg (một đô thị cổ của Đức), chính quyền cho phục dựng lại toàn bộ thành phố theo kiến trúc cũ, thì ở Berlin, người ta đã cho xây lại theo kiến trúc mới. Dân chúng ở Berlin đã kể cho tôi nghe rằng: ngay khi bức tường Bá Linh vừa sụp đổ, ranh giới hai miền rất dễ dàng nhận ra vì hai bờ khác nhau một trời, một vực. Bên bờ đông nghèo nàn, cũ kỹ, thiếu đèn đường, bên bờ tây là các cao ốc sang trọng, đèn hoa rực rỡ. Tuy nhiên hiện nay tình hình đã khác hẳn. Tôi cứ bám theo những người dân địa phương hỏi thăm xem vị trí nơi tôi đang đứng từng thuộc về bên nào, đa số họ đã lúng túng vì không còn phân biệt dễ dàng được nữa. Mọi thứ đã được hài hòa, san sẻ từ Tây sang Đông. Berlin ngày nay rất tự tại bên dòng sông Danube, địa danh đã trở nên hiền hòa và văn minh, bỏ lại sau lưng một quá khứ nặng nề của chiến tranh. Ngày xưa, không khí luôn căng thẳng tựa như thế chiến và vũ khí hạt nhân có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Nay thì những trung tâm thương mại, những tòa cao ốc hiện đại, những nhà ga xe điện ngầm thật tối tân hiện hữu ở mọi nơi. Berlin ngày nay cũng là một nơi cho du khách đến để mua sắm rất nhộn nhịp với những lễ hội, những liên hoan phim ảnh, các buổi trình diễn thời trang, văn hóa, kịch nghệ...liên tục được diễn ra quanh năm. Tuy nhiên để tìm hiểu thành phố này đúng nghĩa, chúng ta không thể bỏ qua các địa điểm mãi mãi đi cùng với lịch sử của Berlin, gắn liền với chính trị của nước Đức và thế giới.
Bức tường ô nhục
Nơi đầu tiên tôi tìm đến là bức tường và căn nhà lưu trữ các thông tin về lịch sử của nơi này. Bức tường đã từng chia cắt nước Đức, được dựng lên vào năm 1961. Theo thỏa thuận của Hội Nghị Potsdam (còn được gọi là Hội Nghị Berlin), người dân Đức khi ấy được phép di cư về nơi thích hợp. Từ năm 1949 cho đến 1961, hơn 1/6 dân chúng từ Đông Đức (3.5 triệu người) đã bỏ chạy lánh nạn sang Tây Đức dưới sự kiểm soát của hai bên và qua những quy định khắc khe về di trú. Trong khi đó, không một báo cáo nào cho thấy có người từ bên bờ Tây muốn chạy sang bờ Đông cả.
Vì thấy mật độ dân số ngày một suy giảm thật trầm trọng, chính quyền bên Đông Đức và Liên Xô đã quyết định ngăn không cho các đợt di dân sang Tây Đức nữa, và đã dựng lên những hàng rào kẽm gai dọc theo biên giới. Bức tường sau đó được xây lên vào tháng Tám năm 1961. Đầu tiên, bức tường chỉ cao 2 metres (6.6 feet), bên trên có hàng rào kẽm gai. Tuy nhiên người dân từ Đông Đức vẫn tiếp tục vượt biên bằng cách leo tường, chui rào. Do đó, phía Đông Đức đã cho xây kiên cố hơn, nâng cao lên thành 3.5 metres (12 feet) với hệ thống báo động điện tử, nhiều nơi có thêm một lớp tường thứ hai cản trở, nhiều hầm hố được đào sâu ngăn cản các xe vượt biên giới. Cứ mỗi 250 metres lại có một tháp canh để kiểm soát. Theo các thống kê của chính quyền Tây Đức, từ 1961-1988, có khoảng 29,670 người đã vượt thoát được từ Đông Đức. Cũng từ đầu thập niên 1960, hai phe tư bản và cộng sản quốc tế đã có những cuộc chiến tranh leo thang ở các chiến trường khác như ở Việt Nam và Đại Hàn, …do đó “Chiến Tranh Lạnh” cũng lạnh hơn ở Đức. Cả hai phía, Hoa Kỳ và Liên Xô, đều hăm he đang sở hữu bom nguyên tử và tên lửa. Từ Cuba, Liên Xô cho gắn các đầu tên lửa chĩa vào Hoa Kỳ chỉ cách 145 km (90 miles), phía Hoa Kỳ đã phản ứng rất mạnh, những tưởng có thể đưa đến chiến tranh nguyên tử bất cứ lúc nào…Đây là những năm vô cùng căng thẳng của cuộc “chiến tranh lạnh” trên toàn thế giới, mà trung tâm của nó là Berlin.
Trước khi bức tường sụp đổ năm 1989, chiều dài của nó được ghi nhận là 140 km (87 milles). Sau những ngọn sóng đấu tranh của phong trào dân chủ tràn đến từ Liên Xô và Đông Âu, bức tường đã được chính người dân hai miền đập bỏ. Đông nhất, vui mừng hơn cả vẫn là dân chúng từ phía Đông Đức đã tràn sang bờ Tây trong hân hoan, mừng tủi và đoàn tụ. Hiện nay chỉ còn vài đoạn ngắn của bức tường ô nhục được giữ lại để làm nơi di tích tưởng niệm, đánh dấu 44 năm chiến tranh lạnh giữa hai thế lực Tư Bản và Cộng Sản. Chỉ vài bước chân từ khu vực trung tâm là du khách có thể gặp một khu đất nhỏ cắm các cây thánh giá trắng, tượng trưng cho những nạn nhân từng cố gắng vượt biên và họ đã bị bộ đội biên phòng Đông Đức bắn chết. Tình trạng người dân bất chấp nguy hiểm vượt biên như vậy kéo dài trong suốt 44 năm đen tối ấy.
Khu vực Quốc Hội (Chancellery): rộng 1200m2 (129, 166 ft2), nơi đây chính thức trở thành khu vực quốc hội của nước Đức thống nhất vào năm 1999. Kiến trúc ở đây theo trường phái mới cuối thế kỳ XX, do hai kiến trúc sư là Charlotte Frank và Axel Schultes vẽ kiểu.
Điện Reichstag: đây là một trong vài công trình kiến trúc cổ hiếm hoi còn sót lại sau chiến tranh. Tòa nhà được xây vào cuối thế kỷ XIX theo trường phái Phục Hưng kiểu Ý. Hiện nay tòa nhà dùng làm nơi làm việc của chính phủ và quốc hội Đức. Du khách có thể vào tham quan bên trong theo thời gian ấn định.
Đài tưởng niệm các nạn nhân gốc Do Thái bị thảm sát: các nạn nhân người Do Thái tại Châu Âu đã bị Phát Xít Đức giết hại trong suốt những năm Phát Xít nắm trong tay quyền lực. Đài tưởng niệm mở cửa quanh năm từ sáng đến tối, giờ giấc có thay đổi vào mùa đông và đóng cửa vào các ngày lễ. Sau khi tham quan nơi này, du khách có thể đến thăm Jewish Museum, một viện bảo tàng lưu lại sự có mặt của cộng đồng Do Thái và những giai đoạn hưng thịnh, đen tối của họ theo thời gian của lịch sử. Viện bảo tàng ở đây mở cửa bảy ngày trong tuần.
Căn hầm Fuhrer Bunker: đây là căn hầm sâu 12 metres rất kiến cố, tường dày 4 metres, nơi mà Adolf Hitler đã trú ẩn những giây phút cuối và đã tự sát cùng với người vợ tên Eva Braun. Lối vào hầm hiện nay đã được chính quyền lấp lại và không còn thấy dấu vết gì nữa. Đến đây, du khách chỉ thấy một bãi đậu xe giản dị, có một tấm bảng ghi rõ câu chuyện lịch sử. Có lẽ chính quyền không muốn những cá nhân còn tôn thờ chủ nghĩa Phát Xít dùng nơi này như một “thánh địa” để tưởng niệm kẻ tội đồ của lịch sử. Rất nhiều giai thoại về giờ phút cuối cùng của tên bạo chúa. Những câu chuyện về Hitler đã được dựng thành phim, viết thành tiểu thuyết rất nhiều. Con người hậu thế nào yêu thích môn học lịch sử và chính trị thì nên đến tận nơi. Chẳng còn gì để tham quan, nhưng chỉ cần ngồi cho lòng lắng đọng, để suy gẫm về nhân gian, thế sự, cũng như chiêm nghiệm về thuyết luật nhân quả trong quan niệm Đông Phương chúng ta, rằng kẻ ác phải đền tội.
Đài tưởng niệm lính Liên Xô: đài tưởng niệm và nghĩa trang này được Liên Xô dựng lên ngay trong năm 1945 với mục đích tưởng niệm những người lính Hồng Quân Liên Xô đã chết trong trận đánh lớn với quân lính của Phát Xít Đức. Đã có hơn 80,000 lính Liên Xô chết trong trận chiến lớn này. Tuy nhiên, nghĩa trang ở đây chỉ chôn cất được 5000 người lính trong số những người lính tử trận ấy. Nhìn ngắm nghĩa trang và đài tưởng niệm này, tôi đã có nhiều chú ý, thắc mắc và quan tâm, bởi vì khu vực nghĩa trang, sau khi chia đôi nước Đức, đã nằm lọt vào lãnh thổ của Tây Đức cũ… Khi đi xuyên qua các nước thuộc khu vực Đông Âu và Nga, tôi cũng nhận thấy các chính quyền dân chủ thời hậu cộng sản không có khuynh hướng phá bỏ những đài tưởng niệm do khối Cộng Sản từng dựng nên, ngoại trừ ở những vị trí quá quan trọng và “nhạy cảm”. Ở hầu hết mọi nơi, đã không có cảnh “đào mồ, cuốc mả người chết”. Từ trong sâu thẳm của con tim, tôi đã xúc động khi nghe họ lý luận. Rằng hãy nhìn rộng ra trong dòng lịch sử, cái ác hay thiện gì cũng là chứng tích lịch sử cần lưu lại cho hậu thế. Dấu vết của các chế độ cộng sản cũ hiện tại có thể gây khó chịu, thậm chí nổi giận cho những nạn nhân đau khổ, nhưng với thời gian vài thế hệ sau, những nơi này sẽ là chứng tích lịch sử cho thấy đã có một chủ nghĩa lạ từng xuất hiện và rồi biến mất thật trơ trẽn vì đã không đắc nhân tâm. Các nhà nước Cộng Sản trên toàn thế giới từng tàn phá những gì thuộc về thời phong kiến, quân chủ, cho nên thế giới yêu chuộng Tự Do lại càng phải tránh không thể đi vào vết xe đổ ấy. Theo tôi, đây là một quan điểm rất nhân bản và tôn trọng lịch sử, nhưng cũng không dễ dàng vượt qua ở rất nhiều người, nhất là các nạn nhân và những gia đình có người thân bị sát hại… Rất nhiều những nhà báo sau này từ Việt Nam đi qua thăm nước Nga và các quốc gia thuộc khu vực Đông Âu, họ hay “mừng rỡ” vì thấy các chứng tích của thời cộng sản vẫn còn. Họ viết nhiều bài báo, quay nhiều đoạn phim tài liệu với lời bạt cho rằng thành trì của chủ nghĩa cộng sản vẫn chưa đổ hẳn (!). Đây là những nhận định hoàn toàn sai lầm. Họ không biết rằng con người của thời đại mới đã cao thượng hơn con người của thời “cách mạng vô sản” một quãng rất dài. Đây là một thái độ rất “kẻ sĩ”, rất Đông Phương mà không mấy những thể chế ở Phương Đông còn có thể hành xử được như vậy.
Checkpoint Charlie: đây là nơi rất nổi tiếng tại Berlin mà không một du khách nào chịu bỏ qua. Trong thời Chiến Tranh Lạnh, nơi đây từng là vị trí quan trọng do quân đội Mỹ kiểm soát bên mé Tây và lính Liên Xô kiểm soát bên mé Đông. Xe tăng, thiết giáp và súng ống luôn sẵn sàng lên nòng. Những tưởng, nếu có một sự cố dù nhỏ xảy ra ở đây cũng sẽ là ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh nguyên tử bùng lên trên toàn thế giới. Bên trong căn phòng nhỏ tại đây có ghi một câu nói nổi tiếng nhắc nhở công dân Hoa Kỳ và cả thế giới của Tổng thống Hoa Kỳ Kennedy, khi ông đến đây khảo sát vào ngày 26 tháng Sáu năm 1963: “We are defending the freedom of Paris, London and New York when standing up for liberty in Berlin – Chúng ta bảo vệ tự do cho Paris, cho London và New York bằng cách đấu tranh cho chủ nghĩa tự do tại Berlin”. Ngày nay, vị trí này vẫn luôn được các du khách ghé lại tham quan, chụp hình. Vị trí này là một trong những biểu tượng, tuy nhỏ nhưng rất quan trọng bậc nhất của Berlin. Ai đến Berlin mà thiếu địa điểm này thì cũng giống như đến Huế mà thiếu Thành Nội, đến Hà Nội thiếu Chùa Một Cột, đến Sài Gòn thiếu Chợ Bến Thành vậy.
Brandengurg Gate:
Đây là một cổng chào cao với những chú ngựa phi như kiểu Khải Hoàn Môn tại Paris, được hoàn tất năm 1791. Trong thời gian Chiến Tranh Lạnh, công trình kiến trúc này cũng là biên giới, hai bên có thể nhìn thấy nhau, nhưng không ai có thể qua lại, xem như là một vùng đất cấm. Bất cứ ai lảng vảng đến đây đều có thể bị lính Đông Đức bắn chết.

Hoàng Cung Sanssouci Palace:
Tôi nhảy lên xe của một tour đi đến khu vực hoàng cung rộng lớn cách xa trung tâm thành phố khoảng một giờ lái xe và nằm hoàn toàn trong khu vực Đông Đức cũ. Hoàng cung được xây dựng vào thế kỷ XIX, là nơi ở của hoàng gia dưới triều đại nhà vua Henri Christophe. Khu vực này có 15 cung điện, 20 khu vườn thượng uyển, nhiều đồn lũy và nhà nghỉ mát. Kiến trúc và sự quy hoạch giữa các cung điện, vườn thượng uyển, đài phun nước đều theo khuôn mẫu của các hoàng cung tại Châu Âu. Tuy nhiên vì một thời gian dài không được nhà nước Cộng Sản Đông Đức bảo trì nên các cung điện bị hư hại, cũ kỹ đi rất nhiều, so với những cung điện ở Áo, ở Anh hoặc Pháp mà tôi đi qua. Trong thời điểm này, chính phủ đang từng bước phục hồi lại cung điện vương giả này vì đã được Unessco công nhận là di tích của nhân loại. Tuy nhiên người Châu Âu luôn tôn trọng nguyên bản, nên khi làm các công việc phục hồi di tích, họ rất cẩn thận và làm rất chậm,. Có lẽ phải một thời gian khá dài nữa thì hoàng cung Sanssouci mới có thể trở lại dáng vẻ diễm lệ, kiêu kỳ của xa xưa.

Cecilienhof (nơi tổ chức Hội Nghị Potsdam, chia đôi nước Đức)
Hội Nghị Potsdam (hay còn gọi là Hội Nghị Berlin) có mục đích giải quyết tình hình của nước Đức trên bàn cờ chính trị thế giới. Ba thế lực chính trị lớn của thế giới thời đó đã quyết định vận mệnh nước Đức mà không có một đảng phái nào đại diện cho dân tộc Đức có mặt cả. Tổng thống Harry Truman đại diện cho Hoa Kỳ, Joseph Stalin đại diện cho Liên Xô, thủ tướng Winston Churchill và thủ tướng kế nhiệm Clement Attlee đại diện cho Anh. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, cả nước Đức và Châu Âu bị chiến tranh tàn phá, hư hại rất nhiều. Tại Berlin đã không còn những địa điểm nào nguyên vẹn ngoài dinh Cecillienhof, nơi từng là chỗ ở của nhà vua Wilhelm, do đó nơi đây đã được chọn để tổ chức hội nghị quan trọng này. Ngày nay dinh Cecilienhof được giữ như một viện bảo tàng cho các du khách và học sinh khắp nơi đến tham quan về một sự kiện quan trọng kéo dài 16 ngày. Các hướng dẫn viên du lịch vẫn hay kể về các chi tiết có thật xảy ra trong các ngày hội nghị, ví dụ như tổng thống Hoa Kỳ Truman đã mắng Stalin là “thằng chó đẻ - Son of the bitch”, hoặc khi gần kết thúc hội nghị thì tin buồn bay đến với Winston Churchill là đảng của ông bị thất cử tại nước Anh, ông mất chức thủ tướng. Vị thủ tướng mới của Anh lúc ấy là Clement Attlee đã bay sang để đại diện nước Anh ký vào các hiệp định.

Rời Berlin trong tâm trạng chưa thỏa mãn
Những ngày qua tiếp xúc với rất nhiều người Đức, tôi cảm thấy khá thoải mái vì họ rất vui tính, cởi mở, hòa đồng. Trong các nước ở khu vực Châu Âu, có lẽ dân Đức là nhóm người nói tiếng Anh giỏi nhất. À, mà phải nói là họ nói tiếng Mỹ giỏi nhất, vì cách dùng từ ngữ, cách phát âm tiếng Anh của dân Đức là theo kiểu Mỹ chứ không phải kiểu Anh. Không biết những người khác có cùng nhận xét như tôi vậy hay không?

Lịch tham quan của tôi tại Berlin có khá nhiều nơi theo sự chỉ dẫn của cuốn sách Lonely Planet, cũng như các tài liệu hướng dẫn của bộ du lịch tại Berlin. Mãi cho đến đêm cuối cùng ở khách sạn, tôi mới biết ở Berlin còn có một khu chợ Việt Nam nổi tiếng, đa số do các đồng bào từng sống và làm việc ở Đông Đức lập nên, gọi là Chợ Đồng Xuân. Khi tôi biết được thì đã không còn thời gian để kịp xoay sở nữa, thôi đành ấm ức mà rời Berlin khi chưa được thăm Chợ Đồng Xuân. Tôi tự an ủi mình rằng theo kinh nghiệm cá nhân, nơi nào mà mình còn ấm ức, lưu luyến, chưa trọn vẹn thì sẽ có một dịp nào đó, cuộc đời sẽ dun dủi cho ta quay lại, đôi khi mình không định trước… Lại quảy túi lên vai và đi tiếp…. trái đất tròn, tôi sẽ trở lại đây vào một ngày không xa, tạm biệt Berlin !!!
Tôn Thất Hùng

 Bức tường xưa bây giờ chỉ còn một khúc ngắn giữ lại lại 
chứng tích lịch sử

 Brandengurg Gate

 Cecilienhof - Nơi tổ chức hội nghị Berlin

 Sanssouci Palace - Hoàng Cung

 Mồ mả của lính liên xô tử trận trong trận đánh với Đức Quốc Xã. 
Sau ngày chia đôi đất nước, nghĩa trang này lọt thỏm trong lãnh thổ Tây Đức, nhưng vẫn được tôn trọng. 
Đã không có tình trạng "đào mồ cuốc mả" người chết

 Checkpoint Charlie

 Mồ mả của lính liên xô tử trận trong trận đánh với Đức Quốc Xã. Sau ngày chia đôi đất nước, nghĩa trang này lọt thỏm trong lãnh thổ Tây Đức, nhưng vẫn được tôn trọng. Đã không có tình trạng "đào mồ cuốc mả" người chết

 Ba lãnh tụ của ba cường quốc: Anh - Mỹ - Liên Xô

 Các thánh giá tưởng niệm những nạn nhân vượt biên 
bị lính Đông Đức bắn chết

 Tháp truyền hình

No comments:

Post a Comment