Tôi
quen biết chàng khi anh ấy đã là lính. Cái lon Chuẩn úy chẳng là cái
thá gì với tôi, một người con gái đầy nam tính. Tiếng nói miền Trung lơ
lớ khó nghe, mặt chẳng đẹp trai và nhìn qua là biết chẳng phải con nhà
giàu. Mấy cái đó và cả con người đó đáng lý ra chẳng dính dáng gì với
tôi. Thế nhưng, trời bất dung gian cái tên Chuẩn uý người Huế đó không
biết bằng cách nào lại có thể xin vào dạy giờ ở cái trường Trung học tư
tôi đang dạy. Tôi thì phớt tỉnh Ăng lê, tới giờ dạy, hết giờ về không
chuyện trò tào lao với người khác phái. Cái nhược của tôi bây
giờ tôi mới biết là ở chỗ này. Thế là cứ tới giờ tôi đang dạy thì hắn
lại sai học trò sang mượn khăn lau bảng, mà dạy toán thì
lau bảng thường xuyên. Lại qua mượn phấn, hết phấn thường xuyên. Hết
giờ lại tới chào và xin lỗi. Ngày khác lỗi vẫn hoàn lỗi, lại mượn phấn,
mượn khăn.
Từ
đó tôi ghét hắn. Mấy đứa học trò cũng biết tôi không thích hắn. Thế là
tôi bảo học trò để sẳn một mớ phấn trong cái hộp và một cái khăn lau
bảng. Học trò hắn qua mượn, tôi đưa luôn hộp và nói hãy giử lấy tôi tặng
luôn, khỏi trả. Hắn tìm tôi xin lỗi và xin chở tôi về sau giờ dạy. Tôi
từ chối, mặt lạnh như tiền đi thẳng. Buổi chiều, hắn tìm tới nhà để xin
lỗi. Hôm sau không giờ dạy, hắn lại tới nhà mượn sách và ngồi lì nói
chuyện không đâu ra đâu. Cứ hể có dịp là hắn tới nhà tôi ngồi đồng, hắn
nói đủ thứ chuyện bằng âm hưởng miền Trung nặng trình trịch. Một thời
gian sau, tôi nghe miết rồi quen cái giọng khó nghe. Không tới trả sách
thì lại thấy thiếu vắng một cái
gì không phải là sách. Cái chiến thuật “mưa lâu thấm đất”, “Nói hay
không bằng ngồi dai” đã khiến tôi phải lên xe hoa về nhà hắn và làm vợ
hắn cho tới bây giờ.
Ông xã tôi
là con trai một trong một gia đình hiếm hoi con trai. Cha chồng tôi là
con trai một và đã mất sớm khi mẹ chồng tôi mới hơn 30 tuổi. Một nách 3
đứa con côi và cha mẹ chồng già yếu, mẹ chồng tôi đã ở vậy một nắng hai
sương làm tròn nhiệm vụ làm dâu và làm mẹ. Do đó cái ao ước và hoài bảo
của bà là có người thừa tự. Tôi cô gái miền Nam tánh tình bộc trực, lại
là một nữ hướng đạo hội họp, đi cắm trại liên miên, không nằm trong danh
sách những người bà lựa chọn. Thế nhưng khi cậu con trai đã quyết thì
bà phải bằng lòng. Vì trong thời buổi chiến tranh, người lính không thể
biết trước ngày nào bỏ thây ngoài trận chiến. Và thế mẹ chồng tôi đã bỏ
cái làng quê chôn nhau cắt rốn vào
miền Nam để cưới vợ cho con, hầu mong tìm một mống cháu nội sau này.
Thế nhưng
sau 3 năm cưới nhau tôi vẫn trơ trơ cho mẹ chồng tôi ngày đêm không yên
giấc. Tôi biết trong tận cùng bà buồn lắm. Đôi khi bà nhìn tôi với đôi
mắt thiếu tin tưởng. Câu “Cây độc không trái, gái độc không con” mà một
lần tôi tình cờ nghe từ miệng bà khiến tôi buồn không ít. Thế nhưng là
lính, vợ chồng không gần gũi nhau, làm sao có con được. Thế là bà bỏ
Biên Hoà theo con trai ra Đà Nẵng và tuyên bố sắp đặt chỗ ở để tôi phải
thuyên chuyển theo chồng. Kỳ nghỉ tết năm 73, sau buổi họp cuối cùng,
tôi đón xe đi Sài Gòn và lên chuyến bay đi Đà Nẵng thăm chồng. Đến đón
tôi không phải mẹ chồng mà là người lính tùy tùng của anh. Thế là chiều
hôm đó tôi có mặt ở nơi đóng quân của
anh. Một ngọn đồi cao của vùng núi Quế Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam. Đây là
lần đầu tiên tôi chính thức sống đời vợ lính nơi tiền đồn.
Chúng tôi
trú ngụ trong căn hầm chỉ huy đầy súng đạn và trang bị truyền tin. Tôi
đang đan dang dở một tấm khăn trải bàn. Thế là tôi phải hoàn tất gấp tấm
khăn đó để làm chiếc màn cách ly. Cuộc sống vợ chồng trong đồn lính thì
có nhiều chuyện không thể cười mà cũng không thể khóc của một cô giáo
kín đáo, nghiêm túc với cuộc sống xô bồ lính tráng ở đây. Tôi chỉ biết
những ngày ở đó tôi thương lính hơn, tôi thông cảm nỗi cô đơn của chồng
hơn và nhất là thật sự biết lo sợ cho chồng trong cuộc sống mà nơi đâu
cũng có tai mắt của kẻ thù rình rập. Hết ngày lễ, chồng tôi giao đồn cho
Đại đội phó đưa tôi về Đà Nẳng thăm mẹ chồng và ngay chiều đó tôi lên
máy bay về lại Sài gòn vì
ngày mai đã bắt đầu niên học mới.
Thế
là tôi có mang đứa bé đầu lòng và tôi phải làm đơn xin thuyên chuyển để
thật sự bắt đầu một cuộc đời mới. Mùa hè năm đó miền Trung đã thật
không yên. Nhà tôi ở gần Phi Trường nên hàng đêm pháo dội về từng chập.
Mẹ chồng tôi về lại Biên Hoà để lo cho con gái sinh nở. Tôi mang cái
bụng bầu chui hầm thường xuyên. Mỗi lần có tin từ tiền đồn là tôi lo
lắng hồi hộp. Những cuộc đụng độ xảy ra liên tiếp. Đại đội phó, Hạ sĩ
Quan, rồi lính bị thương liên tục. Cuối cùng người Đại đội phó mới đổi
về cũng bị thương. Tôi như ngồi trên lửa nóng. Nỗi cô đơn, lo sợ, hồi
hộp, mất ngủ khiến tôi xuýt bị sẩy thai. Thế rồi mẹ chồng tôi cũng về
kịp trước ngày tôi sinh nở. Con
tôi mở mắt chào đời ở một nhà hộ sinh tư . Tôi mệt nhoài sau cơn vượt
cạn, mẹ chồng tôi đón con bé với nụ cười gượng gạo. Bà chỉ mong là trai
để nối dõi tông đường. Còn anh, được tin tôi đã sinh con, anh về cùng
người lính tùy tùng. Vào nhà thương, xoa đầu tôi, bồng con hôn vài cái
là xe hậu cứ đã chờ để đưa anh lên lại đơn vị. Ngày đầy tháng con bé, họ
hàng, bà con đầy nhà. Anh bươn bả bước vào, chào mọi người rồi tới bên
tôi cười cười. Bồng con bé lên hỏi tôi “Sao mặt nó như dài ra” hôn con,
ăn vội vã vài miếng. Xe hậu cứ trờ tới và anh lại lên đường. Tôi ứa nước
mắt, không thể giận anh, mà cũng không thể không trách anh. Chẳng nói
gì được với tôi một câu ngọt ngào khi tôi vật lộn trong cơn đau đẻ, lại
chịu sự
chăm sóc cực kỳ quái đản của mẹ chồng tôi trong những ngày nằm cữ. Tôi
nhắm mắt lại, thương con và thương mình quá đỗi.
Thế là cuộc
chiến càng ngày càng khốc liệt. Anh được đổi về làm ở Trung tâm Hành
quân. Tôi nghe thôi chứ cũng không biết ở đâu? Chỉ biết ít nguy hiểm
tính mạng hơn ở Đại đội. Chồng tôi là một người sống chân thành và tốt
với bạn bè, đồng đội. Tôi nhớ có một lần anh dẫn về nhà một người lính
và một người phụ nữ. Anh nói với tôi đây là lính trong đơn vị, vợ nó tới
thăm. Anh cho nó nghỉ phép và nói nhỏ với tôi lo ăn uống cho tươm tất.
Đến tối, anh bảo tôi ôm con xuống nhà sau ngủ, nhường giường chúng tôi
cho hai vợ chồng kia. Anh nói:
- Tội nghiệp tụi nó, gặp nhau như vầy nó mừng lắm. Hãy để nó trọn vui. Đời lính không biết sống nay, chết mai.
Và
như vậy, sáng hôm sau anh lên đơn vị, người lính cùng vợ có 3 ngày phép
đoàn tụ tuyệt vời. Một lần thấy anh không còn bộ đồ civil nào cho ra
hồn, tôi bảo anh đi may một bộ đồ mới. Anh vốn là người khó tính và kén
chọn. Mãi sau mới chọn được màu vải vừa ý mà may. Lấy đồ về chỉ một lần
mặc thử cho tôi ngắm rồi mãi bận hành quân không có dịp mặc. Đại đội phó
của anh gia đình ở tận miền Tây, anh ta lại phải lòng cô gái Đà Nẵng.
Thế là một hôm anh về bảo tôi mở tủ lấy bộ đồ mới may, tặng cho anh
chàng Đại đội phó của mình. Anh nói với tôi :
- Nó cũng
trạc với anh. Nó mặc vừa đó em. Thôi tặng cho nó đi hỏi vợ. Hỏi vợ chỉ
một lần chứ may đồ thì mình còn nhiều lần khác. Tội nghiệp gia đình nó ở
xa, không có bộ đồ civil nào mặc cho ra hồn để coi cho được trong ngày
quan trọng.
Tôi vừa
tiếc vừa phục tấm lòng tốt của chồng. Không còn lời nào để nói tôi đành
gói lại đàng hoàng, bỏ trong túi xách và bảo đem cho chú ấy. Ngày Đà
Nẵng sắp mất, người người bỏ chạy ra ngoài bến tàu để thoát vào Sài gòn.
Chồng tôi ở Trung tâm hành quân, biết sự sụp đổ đã đến, không liên lạc
được với đại đội cũ của mình. Anh cấp tốc lên tận nơi trú đóng và kéo
lính về trong làn sóng di tản khổng lồ của Đà Nẵng. Chúng tôi, mẹ già,
con dại chờ đợi anh mỏi mòn. Trông thấy anh về với đoàn quân tan tác mà
muốn xỉu.
Chồng tôi
ruột để ngoài da. Lúc nào anh cũng lo cho bạn bè, đồng đội, anh em, ít
khi nào lo lắng chuyện nhà. Mọi thứ mẹ chồng tôi cáng đáng điều khiển và
tôi là người tuân lệnh thi hành. Có lẽ nói ra không ai tin, nhưng đối
với tôi, tôi chưa hề cầm trong tay một đồng lương lính. Ngày chưa theo
anh, tôi đi dạy, có lương, có nghề nghiệp, tiền ai nấy xài. Mà tiền lính
thì tính liền anh cũng chẳng có gì dư dã. Theo chồng ra Đà Nẵng tiền
lương anh có đưa cho mẹ chồng tôi không thì tôi không biết, còn tôi
chẳng hề nghe nói đến tiền bạc. Ngày Đà Nẵng mất lẽ dĩ nhiên anh không
có lương và anh đi cải tạo suốt 8 năm trời chấm dứt một thời kỳ lính
tráng.
Như vậy thì
làm vợ lính vui hay buồn, sướng hay khổ? Thưa các anh, người vợ lính
chịu mọi thiệt thòi. Có chồng mà cũng như không trong suốt thời kỳ chinh
chiến cũng như hoà bình. Những ngày tù tội đã đành không thể trách ai.
Các anh trong bốn bức vách lao tù, số phận ai cũng như ai. Nhưng người
vợ lính ở nhà cái vòng đai rộng hơn, bẫy rập nhiều hơn, con người tàn ác
quỷ quyệt hơn đe doạ thân phận đàn bà. Tôi có những người bạn vì thương
chồng, lo lắng chạy chọt để lo cho chồng về, để rồi sụp bẫy. Cả cuộc
đời danh tiết, hạnh phúc bị mất tất cả. Có người lạc bước khi bươn chải
kiếm đồng tiền lo cho con, lo cho chồng cải tạo. Thương tâm lắm, đau đớn
lắm cho những cánh hoa trong biển
lửa tàn ác của chiến tranh ý thức hệ.
Xin
lỗi các anh cho tôi nói thật. Khi ở tù về, các anh thật sự quên đi tất
cả, đem hết sức mình cùng sát vai vợ mà lo cho gia đình không? Đàn bà
chúng tôi, ăn trắng mặc trơn, học hành trí thức, nhưng đến lúc phải lo
miếng ăn cho con, cho chồng thì bất chấp sự cực khổ. Bán chợ trời, chạy
hàng xuôi ngược Bắc Nam, Bán hàng rong, cày thuê, cuốc bẫm, bán thuốc
tây, thuốc hút, làm công nhân… Bất cứ nghề nghiệp nào lương thiện để
kiếm ra tiền thì không quản ngại khó khăn. Các anh nhận những món quà
đơn sơ, nhưng biết đâu rằng trong hoàn cảnh cả nước cùng đói, chúng tôi
phải tính toán muốn bạc tóc mới đem được đến tay các anh một ít quà,
nhưng là một biển yêu thương, một trời thương nhớ. Khi các
anh được về nhà sau những tháng ngày bán đời mình cho đói khát, bệnh
tật. Các anh không biết là đã mang theo trong mình một nỗi chán chường,
một tâm hồn đầy bất mãn và nghi kỵ mọi thứ. Các anh lính hào hoa, yêu
đời, coi thường sinh mạng đã mất. Các anh bây giờ đã bỏ lại trên núi đồi
Việt Bắc phân nửa cuộc đời hùng tráng của mình. Chồng tôi cũng vậy, anh
chán đời, bất mãn và tự ái với vợ, với con và chính bản thân mình. Tôi
đã khóc nhiều đêm, nhiều ngày mà không biết làm sao kéo anh ra khỏi cái
ám ảnh tàn khốc đó. Tôi công nhận CS thật quỷ quyệt, những bài học nhồi
nhét cho các anh, nó như con ma kéo trì những chí hướng phấn đấu của
chồng tôi. Người lính của tôi đã thật sự thất trận thảm thương.
Khi
được sang Mỹ đinh cư, mẹ chồng tôi mang nhiều bệnh tật. Chồng tôi vui
buồn, khoẻ mạnh hay suy nhược theo căn bệnh của mẹ chồng tôi. Anh có cảm
giác mình phải làm cái gì trả hiếu cho mẹ mà bất lực. Ngày mẹ chồng tôi
mất, chồng tôi như thân cây không còn mầm sống gục xuống đau đớn. Anh
bị trụy tim, bị strock và đầu óc càng ngày càng suy nhược theo căn bệnh
Parkinson.
Bây
giờ sau 38 năm chồng tôi không còn làm người lính, nhưng tôi vẫn làm
người vợ lính hằng ngày theo từng sinh hoạt của chồng. Anh đang sống
trong hồi ức những ngày bên anh em, bạn bè, đồng đội. Có món gì ngon là
anh bảo kêu mấy đứa tới ăn. Đừng tưởng anh kêu bầy cháu tôi. Không đâu,
bạn bè lính tráng của anh đó. Khi thì kêu tôi chuẩn bị đồ nhậu, mấy
thằng em tới chơi. Khi thì bảo thay đồ cho anh để anh đi họp Tiểu đoàn.
Khi thì vui cười kể chuyện huyên thuyên như có người trước mặt.
Và
như vậy tôi mãi mãi là người vợ lính, vui buồn chung với những suy tư
và cảm giác của chồng. Những người chỉ huy, đồng đội của chồng dù không ở
trước mặt, nhưng là những người bạn vô hình đem lại niềm vui cuối đời
cho chồng tôi. Mỗi buổi sáng lạy Phật tôi đều nguyện cầu bình an cho
chồng, cho con cho tất cả mọi người xung quanh tôi. Cầu nguyện cho những
anh hùng chiến sĩ đã nằm xuống được nhẹ nhàng siêu thoát.
Tôi
rất ái mộ những chị cầm cờ theo chồng trong những cuộc biểu tình, hay
sát cánh bên anh trong những lần sinh hoạt đơn vị. Màu áo các chị tung
bay xinh xắn, gương mặt các chị rạng ngời hạnh phúc, đôi mắt các chị rực
lửa đấu tranh. Những người vợ lính ấy đã làm đẹp cuộc đời cho chồng,
cho xã hội. Tôi không được may mắn ấy, chồng tôi bây giờ là một thương
binh thật sự. Anh không thể sát cánh cùng đồng đội sinh hoạt, nhưng trái
tim anh và đầu óc anh đầy ắp tình đồng đội và quê hương. Và tôi dù gì
và cho thế nào đi chăng nữa tôi vẫn mãi mãi là người vợ lính không bao
giờ thay đổi.
Nguyễn thị Thêm
No comments:
Post a Comment