Tuesday, April 8, 2025

Điểm Tin Hàng Ngày

 

TT Trump: Đây là một cuộc cách mạng kinh tế và chúng ta sẽ chiến thắng

Trước làn sóng biểu tình lan rộng trên khắp nước Mỹ phản đối các chính sách thuế quan vừa được ban hành, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng trấn an người dân, kêu gọi sự kiên nhẫn và tin tưởng vào cuộc cách mạng kinh tế mà ông đang theo đuổi.

Hôm 5/4 vừa qua, trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận rằng những chính sách thuế quan mới sẽ không dễ chịu đối với người dân Mỹ. Tuy nhiên, ông khẳng định đây là bước đi cần thiết nhằm giành lại lợi thế cho nền kinh tế Mỹ.

“Chúng ta từng là những ‘trụ cột’ ngu ngốc và bất lực, nhưng không còn nữa. Chúng ta đang mang lại việc làm và doanh nghiệp như chưa từng có. Đây là một cuộc cách mạng kinh tế và chúng ta sẽ chiến thắng. Hãy kiên trì, điều này sẽ không dễ dàng, nhưng kết quả cuối cùng sẽ mang tính lịch sử”, ông Trump viết.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh làn sóng biểu tình đang lan rộng trên toàn quốc. Hàng chục nghìn người đã xuống đường phản đối gói thuế quan mới, cho rằng chính sách này có nguy cơ đẩy giá cả leo thang, gia tăng gánh nặng lên người tiêu dùng và người lao động.

Theo kế hoạch, từ tháng 4/2025, Mỹ sẽ áp mức thuế 10% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu và mức thuế cao hơn đối với một số quốc gia cụ thể. Chính quyền Trump gọi đây là “biện pháp khẩn cấp” nhằm tăng khả năng cạnh tranh, bảo vệ chủ quyền và an ninh kinh tế của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, các biện pháp thuế quan này có thể gây ra hiệu ứng domino, dẫn đến lạm phát và nguy cơ suy thoái.

Trên thị trường tài chính, phản ứng không mấy tích cực đã xuất hiện ngay sau khi thông báo được công bố. Chỉ số S&P 500 đã bốc hơi 5.000 tỷ USD giá trị vốn hóa trong vòng chưa đầy một tuần. Đồng thời, các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc và Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả tương ứng.

Trước những lo ngại ngày càng gia tăng, ông Trump nhấn mạnh rằng chính quyền của ông “sẽ không lùi bước”. Tổng thống Mỹ cho rằng việc tái định hình thương mại toàn cầu, dẫu khó khăn trong ngắn hạn, nhưng là điều cần thiết để nước Mỹ giành lại vị thế và đảm bảo công bằng trong các thỏa thuận quốc tế.

“Đây là thời khắc khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để nước Mỹ thực sự đứng lên vì quyền lợi của mình”, ông Trump nói trong một cuộc họp kín với các cố vấn kinh tế hôm 4/4.

Giữa lúc tranh cãi về chính sách còn chưa lắng xuống, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra tại nhiều bang như California, New York, Texas và Illinois. Nhiều người mang theo biểu ngữ chỉ trích chính quyền Trump “ưu tiên giới tỷ phú, bỏ quên người dân”.

Các tổ chức lao động, doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng đang gây áp lực buộc Nhà Trắng phải xem xét lại các quyết định thuế. Trong khi đó, đội ngũ cố vấn của Tổng thống vẫn bảo vệ chính sách và khẳng định rằng cần thêm thời gian để thấy hiệu quả trong tương lai.

Giới doanh nghiệp Phápbác lời kêu gọi ngưng đầu tư vào Hoa Kỳ của Tổng thống Macron

Theo Breitbart, lời kêu gọi của Tổng thống Emmanuel Macron yêu cầu các doanh nghiệp Pháp ngưng đầu tư vào Hoa Kỳ đã bị giới lãnh đạo kinh doanh tại Pháp chế giễu và thẳng thừng từ chối.

Paris đã tỏ ra phẫn nộ trong tuần này trước thông báo về việc áp đặt đòn bẩy thuế quan nhân “Ngày Giải Phóng” của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Tổng thống Macron đã lên án động thái áp đặt thuế quan đối ứng của chính quyền Trump là một “quyết định tàn bạo và vô căn cứ”. Không dừng lại ở đó, ông Macron thậm chí còn đi xa hơn khi kêu gọi các doanh nghiệp Pháp và Châu Âu ngưng đầu tư vào Hoa Kỳ.

Thông điệp sẽ là gì nếu các tập đoàn  lớn của châu Âu đang bắt đầu đầu tư hàng tỷ EUR vào nền kinh tế Hoa Kỳ vào đúng lúc người Mỹ đang [áp đặt thuế quan lên] chúng ta? Chúng ta cần có tinh thần đoàn kết tập thể”, ông Macron phát biểu theo tường thuật của tờ Le Figaro.

Do đó, ông Macron cho rằng “những khoản đầu tư sắp tới hay đã được công bố trong vài tuần gần đây” nên được “tạm hoãn trong một thời gian, cho đến khi chúng ta làm sáng tỏ tình hình với Hoa Kỳ”.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Éric Lombard cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự, yêu cầu các doanh nghiệp Pháp thể hiện “lòng yêu nước” trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Pháp và Hoa Kỳ. “Hiển nhiên rằng nếu một tập đoàn lớn của Pháp quyết định đặt xưởng sản xuất tại Hoa Kỳ, điều đó sẽ mang lại lợi thế cho người Mỹ”, ông Lombard lập luận.

Tuy nhiên, lời kêu gọi ấy dường như đã không được lắng nghe, khi nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn tại Pháp không ngần ngại chế giễu đề xuất này và kiên quyết không từ bỏ thị trường Hoa Kỳ.

“Một số người trong chúng tôi [sửng sốt đến mức suýt] ngã khỏi ghế”, một vị giám đốc doanh nghiệp được ông Macron mời đến điện Élysée trong tuần này để bàn về phản ứng của Pháp đối với thuế quan của Hoa Kỳ cho biết.

“Chúng ta không sống trong một nền kinh tế [được điều hành bằng mệnh lệnh nhà nước]. Tôi không bận tâm ông Macron nói gì. Chúng tôi có cơ sở tại Hoa Kỳ. Không có chuyện từ bỏ chúng một cách dễ dàng như vậy. Chúng tôi phải giữ đúng cam kết đối với nhân viên, khách hàng và cổ đông”, một nhà lãnh đạo doanh nghiệp Pháp khác phẫn nộ nói thêm. 

Một vị lãnh đạo doanh nghiệp thứ ba phát biểu: “Quyết định ngưng đầu tư vào Hoa Kỳ là điều không thể chấp nhận được, nhất là trong lúc nền kinh tế [Pháp] đang suy thoái như hiện nay”.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp khác lưu ý rằng nhiều công ty Pháp và Châu Âu phụ thuộc thuộc nặng nề vào thị trường Hoa Kỳ, một số doanh nghiệp thậm chí có thể dời toàn bộ hoạt động sang Hoa Kỳ để tận dụng mức giá năng lượng rẻ hơn và mức thuế quan thấp hơn.

Nhiều công ty lớn của Pháp hiện đã có các khoản đầu tư đáng kể tại Hoa Kỳ, như tập đoàn rượu vang và rượu mạnh Pernod Ricard đang đầu tư 240 triệu EUR để xây dựng một nhà máy sản chưng cất rượu bourbon tại tiểu bang Kentucky. Trong khi đó, thương hiệu thời trang Dior đang có kế hoạch khai trương các cửa hàng mới tại thành phố New York và Beverly Hills trong những tháng tới.

Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về các phái bộ đặc biệt, đồng thời là cựu Đại sứ tại Đức, ông Ric Grenell, tuyên bố rằng Hoa Kỳ nên sử dụng các cơ chế tài chính khác để phản ứng lại Pháp nếu Paris tìm cách “thao túng tiến trình thuế quan” bằng cách gây áp lực buộc doanh nghiệp Pháp không đầu tư vào Hoa Kỳ.

Điều mà người Pháp không nhận ra là có rất nhiều chương trình, cho dù là thông qua một trong những cơ quan của Hoa Kỳ như DFC hay Ngân hàng Xuất-Nhập cảng (Export-Import Bank), nơi chúng tôi cung cấp các khoản vay có bảo đảm – tức là người nộp thuế Hoa Kỳ đã bảo lãnh các khoản vay cho người Pháp trong các dự án hạ tầng lớn. Và chúng ta không nên làm điều đó. Chúng ta không nên giúp người Pháp nếu họ định thao túng quy trình thuế quan để họ luôn có lợi thế hơn chúng ta”,ông Grenell phát biểu.

Elon Musk công kích Peter Navarro liên quan đến Chính sách Thuế quan của Tổng thống Trump


Ông Musk, người đứng đầu Tesla và Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), đã phá vỡ sự im lặng về chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Trump bằng loạt bài đăng trên mạng xã hội X vào ngày 5 tháng 4. Nhắm vào ông Navarro, cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống, ông Musk chế giễu bằng cấp tiến sĩ kinh tế từ Harvard của ông Navarro, gọi đó là “điều xấu, không phải điều tốt”. Ông viết: “Nó dẫn đến vấn đề cái tôi vượt quá trí óc.” Khi một người dùng X bênh vực ông Navarro, ông Musk đáp lại gay gắt: “Ông ta chẳng xây dựng được gì cả”.

Sự công kích này đánh dấu lần hiếm hoi ông Musk công khai đối đầu với một thành viên chủ chốt trong đội ngũ của ông Trump. Trước đó, ông Musk hiếm khi bình luận về chính sách thuế quan, dù cổ phiếu Tesla đã giảm mạnh 10% kể từ khi ông Trump công bố mức thuế 10% áp lên mọi hàng nhập khẩu và mức thuế cao hơn với các nước như Trung Quốc (34%) vào ngày 2 tháng 4. Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ trải qua tuần giao dịch tồi tệ nhất trong 5 năm, khiến ông Musk mất khoảng 31 tỷ đô la Mỹ trong tài sản cá nhân.

Cùng ngày, ông Musk xuất hiện qua video tại hội nghị của đảng cực hữu League ở Florence, Italy, nơi ông kêu gọi thiết lập “vùng thương mại tự do” giữa Hoa Kỳ và châu Âu với mức thuế quan bằng 0. “Tôi hy vọng cả châu Âu và Hoa Kỳ sẽ tiến tới tình trạng không thuế quan, tạo ra một khu vực thương mại tự do giữa hai bên,” ông nói với ông Matteo Salvini, Phó Thủ tướng Italy. Ông cũng ủng hộ tự do di chuyển lao động giữa hai khu vực, một quan điểm trái ngược với lập trường bảo hộ của ông Trump và ông Navarro.

Ông Navarro, người từng ngồi tù 4 tháng vì không hợp tác với cuộc điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1, là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất chính sách thuế quan đối ứng. Ông lập luận rằng các mức thuế này sẽ buộc các quốc gia khác giảm thuế với hàng hóa Hoa Kỳ, đồng thời thúc đẩy sản xuất nội địa. Trong cuộc phỏng vấn trên CNN ngày 4 tháng 4, ông Navarro bác bỏ lo ngại về sự sụp đổ của thị trường, gọi đó là “phản ứng thái quá” và dự đoán một “cơn bùng nổ sản xuất” sắp tới.

Sự bất đồng giữa ông Musk và ông Navarro đã gây xôn xao dư luận. Một số người dùng X thắc mắc: “Họ không phải cùng một đội sao?” trong khi những người khác cho rằng ông Musk đang cố làm hài lòng các nhà đầu tư quốc tế. Dù vậy, ông Musk vẫn tiếp tục công kích ông Navarro vào đêm muộn, đồng tình với một bài đăng chế nhạo: “Trong mọi thảm họa lịch sử Hoa Kỳ, luôn có một người từ Harvard đứng giữa lằn ranh.”

Dù công kích ông Navarro, ông Musk vẫn đăng bài ủng hộ các chính sách khác của Tổng thống Trump, như kiểm soát biên giới và cải cách chính phủ qua DOGE. 

Bà Le Pen bị cấm tranh cử: Ông Macron nói nền tư pháp của Pháp là ‘độc lập’


Trong những bình luận đầu tiên kể từ phán quyết gây tranh cãi của tòa án, theo đó cấm đối thủ lâu năm Marine Le Pen tham gia cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bác bỏ cáo buộc cho rằng hệ thống tư pháp của nước này mang thành kiến.

Nói về phán quyết hôm thứ Hai (31/3) của tòa án Paris, về việc ban hành lệnh cấm tham gia bất kỳ cuộc bầu cử nào trong vòng 5 năm đối với nhà lãnh đạo Đảng Tập hợp Quốc gia Marine Le Pen vì cáo buộc biển thủ tiền của Liên minh Châu Âu, ông Macron vẫn khẳng định rằng tại Pháp “công lý là độc lập”.

Theo đài truyền hình Pháp BFMTV, ông Macron nói thêm rằng “mọi người đều có quyền được công lý bình đẳng và quyền này là như nhau đối với tất cả mọi người”.

Nếu đúng như vậy, quyết định cấm bà Le Pen tham gia chính trị bầu cử, ngay cả trong quá trình kháng cáo mà các bị cáo ở Pháp thường được coi là vô tội, có lẽ sẽ có lợi cho ông Macron và các đồng minh tân tự do của ông ấy hơn bất kỳ phe phái nào khác trong nước.

Bà Le Pen là đối thủ chính của ông Macron trong cả hai cuộc bầu cử tổng thống năm 2017 và 2022. Theo các cuộc thăm dò, hiện bà đang ở vị trí dẫn đầu để thay thế ông Macron khi nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của ông tại Điện Élysée kết thúc vào năm 2027.

Sau nhiều năm kinh tế trì trệ và sự phẫn nộ ngày càng tăng đối với chính sách di cư hàng loạt của Chính phủ tự do Macron, cùng với việc thiếu người kế nhiệm rõ ràng đối với chế độ của ông, cuối cùng con đường lên nắm quyền của bà Le Pen dường như đã mở ra trước phán quyết.

Nếu Macron được nhà lãnh đạo Đảng Tập hợp Quốc gia [bà Le Pen] kế nhiệm – người mà giới chính trị và truyền thông coi là “cực hữu” và nằm ngoài ranh giới chính trị có thể chấp nhận – thì điều này có lẽ sẽ là một vết nhơ đáng kể trong di sản chính trị của ông, và là sự chối bỏ thế giới quan mà ông theo đuổi.

Trong khi Macron cố gắng khẳng định rằng quyết định cấm đối thủ chính trị chính của ông là công bằng, những người khác, bao gồm cả những người ở cả hai phe cánh tả và cánh hữu thuộc phe phái chính trị, đã cáo buộc cơ quan tư pháp hành động không phù hợp và xâm phạm đến tiến trình dân chủ.

Bình luận về vụ việc, Nghị sĩ người Pháp thuộc Nghị viện châu Âu (MEP) và là cháu gái của bà Le Pen, cô Marion Maréchal, đã cáo buộc tòa án có thành kiến chính trị chống lại dì của mình.

Mặc dù gần đây đã có một số sự xích lại gần nhau giữa cô Maréchal và bà Le Pen, nhưng hai người đã bất hòa với nhau từ lâu. Cô Maréchal đã gây tranh cãi khi ủng hộ tác giả gây tranh cãi Éric Zemmour thay vì dì của cô trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2022, cô thậm chí còn bỏ chữ ‘Le Pen’ ra khỏi họ của mình.

Tuy nhiên, cô Maréchal đã kiên quyết bảo vệ bà Le Pen sau phán quyết cấm bà tham gia chính trị bầu cử hồi tuần này. MEP tuyên bố rằng ngành tư pháp có thiên hướng chống cánh hữu, trích dẫn công đoàn thẩm phán lớn thứ hai của Pháp, Syndicat de la Magistrature, vào năm ngoái đã kêu gọi “phản kháng” chống lại “sự gia nhập quyền lực của phe cực hữu”.

Cô Maréchal đặt câu hỏi rằng: “Đó chẳng phải là công lý chính trị sao?”

Cô cũng chỉ ra các phán quyết trước đây của thẩm phán chính trong vụ án của bà Le Pen, ông Benedicte de Perthuis – người đã tha bổng cựu Bộ trưởng Chính phủ cánh tả Olivier Dussopt vào năm 2024, trong một vụ án mà ông này nhận quà từ một công ty rồi sau đó trao một hợp đồng chính phủ cho họ. Việc tha bổng ông Perthuis sau đó đã bị Tòa Phúc thẩm Paris đảo ngược lại. “Sai lầm là điều được phép, chỉ khi các vị là người theo chủ nghĩa xã hội”, cô Maréchal châm biếm.

Những câu hỏi về sự thành kiến trong phán quyết chống lại bà Le Pen cũng đã được nêu ra, qua việc rõ ràng thực thi có chọn lọc các hành vi vi phạm các quy tắc liên quan đến quỹ của Nghị viện EU,

Trước đó, một báo cáo phát hiện ra rằng hơn một trăm nghị viên châu Âu không phải chịu bất kỳ hình phạt nào sau khi vi phạm các quy tắc liên quan đến quỹ của Nghị viện Châu Âu, giống như tội mà bà Le Pen bị cáo buộc. Điều này đặt ra những câu hỏi về sự thành kiến trong phán quyết chống lại bà Le Pen của tòa.

Vụ kiện chống lại bà Le Pen sẽ được Tòa Phúc thẩm Paris thụ lý, tòa cho biết vào thứ Ba (1/4) rằng họ có kế hoạch quyết định vấn đề này vào mùa hè năm sau. Nếu bà Le Pen thực sự thắng kháng cáo, bà có thể sẽ đủ thời gian để tiếp tục chạy đua vào cuộc tranh cử tổng thống năm 2027.

Ukraina : Chiến sự leo thang sau khi Nga oanh kích thủ đô Kiev

Thị trưởng Kiev, Vitali Klitschko, hôm nay 06/04/2025, thông báo rằng ba người đã bị thương trong một cuộc tấn công của Nga nhắm vào thủ đô Ukraina. Cuộc tấn công xảy ra hai ngày sau vụ oanh kích đẫm máu của Matxcơva nhắm vào Kryvyi Rih, quê hương của tổng thống Volodymyr Zelensky, khiến 18 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em.

Thị trưởng Klitschko, được AFP trích dẫn, đã thông báo trên mạng Telegram về vụ tấn công nói trên. Đồng thời, hệ thống phòng không của Ukraina đã phát cảnh báo ở các khu vực Kharkiv, Mykolaïv và Odessa sau khi nhiều tên lửa Nga xâm nhập từ phía bắc và hướng về phía nam Ukraina. Các cảnh báo này sau đó đã được dỡ bỏ.

Đối mặt với tình hình này, không quân Ba Lan và các đồng minh đã bắt đầu thực hiện các hoạt động phòng không và tuần tra trên không phận Ba Lan.

Về cuộc tấn công nhắm vào Kryvyi Rih cách đây hai ngày, tổng thống  Zelensky cáo buộc Hoa Kỳ có phản ứng "quá mềm dẻo" đối với Nga, cụ thể là sau khi đại sứ Mỹ tại Ukraina, Bridget Brink, đã bày tỏ sự kinh hoàng về cuộc tấn công mà không nêu rõ rằng đó là hành động của Nga. Nguyên thủ Ukraina cho rằng Hoa Kỳ "sợ cáo buộc Nga" khi nói về cuộc tấn công này.

Trong khi đó, tổng thống Zelensky đã ca ngợi những "tiến bộ rõ rệt" trong việc triển khai một lực lượng châu Âu trong trường hợp Nga-Ukraina đạt được một thỏa thuận ngưng bắn. Các tướng lĩnh của Pháp và Anh đã có mặt tại Kiev vào cuối tuần qua để thảo luận về việc triển khai một lực lượng nhằm ngăn chặn sự tái diễn của cuộc xung đột sau khi thỏa thuận ngưng bắn có hiệu lực.

Kiev tiếp tục cáo buộc Matxcơva tìm cách kéo dài cuộc xung đột để giành thêm lãnh thổ Ukraina, trong bối cảnh Washington đã đề xuất một lệnh ngưng bắn vô điều kiện trong vòng 30 ngày.

Tin Tổng Hợp

No comments:

Post a Comment