Tuesday, April 8, 2025

Điểm Tin Hàng Ngày

 

TT Trump: Đây là một cuộc cách mạng kinh tế và chúng ta sẽ chiến thắng

Trước làn sóng biểu tình lan rộng trên khắp nước Mỹ phản đối các chính sách thuế quan vừa được ban hành, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng trấn an người dân, kêu gọi sự kiên nhẫn và tin tưởng vào cuộc cách mạng kinh tế mà ông đang theo đuổi.

Hôm 5/4 vừa qua, trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận rằng những chính sách thuế quan mới sẽ không dễ chịu đối với người dân Mỹ. Tuy nhiên, ông khẳng định đây là bước đi cần thiết nhằm giành lại lợi thế cho nền kinh tế Mỹ.

“Chúng ta từng là những ‘trụ cột’ ngu ngốc và bất lực, nhưng không còn nữa. Chúng ta đang mang lại việc làm và doanh nghiệp như chưa từng có. Đây là một cuộc cách mạng kinh tế và chúng ta sẽ chiến thắng. Hãy kiên trì, điều này sẽ không dễ dàng, nhưng kết quả cuối cùng sẽ mang tính lịch sử”, ông Trump viết.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh làn sóng biểu tình đang lan rộng trên toàn quốc. Hàng chục nghìn người đã xuống đường phản đối gói thuế quan mới, cho rằng chính sách này có nguy cơ đẩy giá cả leo thang, gia tăng gánh nặng lên người tiêu dùng và người lao động.

Theo kế hoạch, từ tháng 4/2025, Mỹ sẽ áp mức thuế 10% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu và mức thuế cao hơn đối với một số quốc gia cụ thể. Chính quyền Trump gọi đây là “biện pháp khẩn cấp” nhằm tăng khả năng cạnh tranh, bảo vệ chủ quyền và an ninh kinh tế của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, các biện pháp thuế quan này có thể gây ra hiệu ứng domino, dẫn đến lạm phát và nguy cơ suy thoái.

Trên thị trường tài chính, phản ứng không mấy tích cực đã xuất hiện ngay sau khi thông báo được công bố. Chỉ số S&P 500 đã bốc hơi 5.000 tỷ USD giá trị vốn hóa trong vòng chưa đầy một tuần. Đồng thời, các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc và Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả tương ứng.

Trước những lo ngại ngày càng gia tăng, ông Trump nhấn mạnh rằng chính quyền của ông “sẽ không lùi bước”. Tổng thống Mỹ cho rằng việc tái định hình thương mại toàn cầu, dẫu khó khăn trong ngắn hạn, nhưng là điều cần thiết để nước Mỹ giành lại vị thế và đảm bảo công bằng trong các thỏa thuận quốc tế.

“Đây là thời khắc khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để nước Mỹ thực sự đứng lên vì quyền lợi của mình”, ông Trump nói trong một cuộc họp kín với các cố vấn kinh tế hôm 4/4.

Giữa lúc tranh cãi về chính sách còn chưa lắng xuống, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra tại nhiều bang như California, New York, Texas và Illinois. Nhiều người mang theo biểu ngữ chỉ trích chính quyền Trump “ưu tiên giới tỷ phú, bỏ quên người dân”.

Các tổ chức lao động, doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng đang gây áp lực buộc Nhà Trắng phải xem xét lại các quyết định thuế. Trong khi đó, đội ngũ cố vấn của Tổng thống vẫn bảo vệ chính sách và khẳng định rằng cần thêm thời gian để thấy hiệu quả trong tương lai.

Giới doanh nghiệp Phápbác lời kêu gọi ngưng đầu tư vào Hoa Kỳ của Tổng thống Macron

Theo Breitbart, lời kêu gọi của Tổng thống Emmanuel Macron yêu cầu các doanh nghiệp Pháp ngưng đầu tư vào Hoa Kỳ đã bị giới lãnh đạo kinh doanh tại Pháp chế giễu và thẳng thừng từ chối.

Paris đã tỏ ra phẫn nộ trong tuần này trước thông báo về việc áp đặt đòn bẩy thuế quan nhân “Ngày Giải Phóng” của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Tổng thống Macron đã lên án động thái áp đặt thuế quan đối ứng của chính quyền Trump là một “quyết định tàn bạo và vô căn cứ”. Không dừng lại ở đó, ông Macron thậm chí còn đi xa hơn khi kêu gọi các doanh nghiệp Pháp và Châu Âu ngưng đầu tư vào Hoa Kỳ.

Thông điệp sẽ là gì nếu các tập đoàn  lớn của châu Âu đang bắt đầu đầu tư hàng tỷ EUR vào nền kinh tế Hoa Kỳ vào đúng lúc người Mỹ đang [áp đặt thuế quan lên] chúng ta? Chúng ta cần có tinh thần đoàn kết tập thể”, ông Macron phát biểu theo tường thuật của tờ Le Figaro.

Do đó, ông Macron cho rằng “những khoản đầu tư sắp tới hay đã được công bố trong vài tuần gần đây” nên được “tạm hoãn trong một thời gian, cho đến khi chúng ta làm sáng tỏ tình hình với Hoa Kỳ”.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Éric Lombard cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự, yêu cầu các doanh nghiệp Pháp thể hiện “lòng yêu nước” trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Pháp và Hoa Kỳ. “Hiển nhiên rằng nếu một tập đoàn lớn của Pháp quyết định đặt xưởng sản xuất tại Hoa Kỳ, điều đó sẽ mang lại lợi thế cho người Mỹ”, ông Lombard lập luận.

Tuy nhiên, lời kêu gọi ấy dường như đã không được lắng nghe, khi nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn tại Pháp không ngần ngại chế giễu đề xuất này và kiên quyết không từ bỏ thị trường Hoa Kỳ.

“Một số người trong chúng tôi [sửng sốt đến mức suýt] ngã khỏi ghế”, một vị giám đốc doanh nghiệp được ông Macron mời đến điện Élysée trong tuần này để bàn về phản ứng của Pháp đối với thuế quan của Hoa Kỳ cho biết.

“Chúng ta không sống trong một nền kinh tế [được điều hành bằng mệnh lệnh nhà nước]. Tôi không bận tâm ông Macron nói gì. Chúng tôi có cơ sở tại Hoa Kỳ. Không có chuyện từ bỏ chúng một cách dễ dàng như vậy. Chúng tôi phải giữ đúng cam kết đối với nhân viên, khách hàng và cổ đông”, một nhà lãnh đạo doanh nghiệp Pháp khác phẫn nộ nói thêm. 

Một vị lãnh đạo doanh nghiệp thứ ba phát biểu: “Quyết định ngưng đầu tư vào Hoa Kỳ là điều không thể chấp nhận được, nhất là trong lúc nền kinh tế [Pháp] đang suy thoái như hiện nay”.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp khác lưu ý rằng nhiều công ty Pháp và Châu Âu phụ thuộc thuộc nặng nề vào thị trường Hoa Kỳ, một số doanh nghiệp thậm chí có thể dời toàn bộ hoạt động sang Hoa Kỳ để tận dụng mức giá năng lượng rẻ hơn và mức thuế quan thấp hơn.

Nhiều công ty lớn của Pháp hiện đã có các khoản đầu tư đáng kể tại Hoa Kỳ, như tập đoàn rượu vang và rượu mạnh Pernod Ricard đang đầu tư 240 triệu EUR để xây dựng một nhà máy sản chưng cất rượu bourbon tại tiểu bang Kentucky. Trong khi đó, thương hiệu thời trang Dior đang có kế hoạch khai trương các cửa hàng mới tại thành phố New York và Beverly Hills trong những tháng tới.

Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về các phái bộ đặc biệt, đồng thời là cựu Đại sứ tại Đức, ông Ric Grenell, tuyên bố rằng Hoa Kỳ nên sử dụng các cơ chế tài chính khác để phản ứng lại Pháp nếu Paris tìm cách “thao túng tiến trình thuế quan” bằng cách gây áp lực buộc doanh nghiệp Pháp không đầu tư vào Hoa Kỳ.

Điều mà người Pháp không nhận ra là có rất nhiều chương trình, cho dù là thông qua một trong những cơ quan của Hoa Kỳ như DFC hay Ngân hàng Xuất-Nhập cảng (Export-Import Bank), nơi chúng tôi cung cấp các khoản vay có bảo đảm – tức là người nộp thuế Hoa Kỳ đã bảo lãnh các khoản vay cho người Pháp trong các dự án hạ tầng lớn. Và chúng ta không nên làm điều đó. Chúng ta không nên giúp người Pháp nếu họ định thao túng quy trình thuế quan để họ luôn có lợi thế hơn chúng ta”,ông Grenell phát biểu.

Elon Musk công kích Peter Navarro liên quan đến Chính sách Thuế quan của Tổng thống Trump


Ông Musk, người đứng đầu Tesla và Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), đã phá vỡ sự im lặng về chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Trump bằng loạt bài đăng trên mạng xã hội X vào ngày 5 tháng 4. Nhắm vào ông Navarro, cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống, ông Musk chế giễu bằng cấp tiến sĩ kinh tế từ Harvard của ông Navarro, gọi đó là “điều xấu, không phải điều tốt”. Ông viết: “Nó dẫn đến vấn đề cái tôi vượt quá trí óc.” Khi một người dùng X bênh vực ông Navarro, ông Musk đáp lại gay gắt: “Ông ta chẳng xây dựng được gì cả”.

Sự công kích này đánh dấu lần hiếm hoi ông Musk công khai đối đầu với một thành viên chủ chốt trong đội ngũ của ông Trump. Trước đó, ông Musk hiếm khi bình luận về chính sách thuế quan, dù cổ phiếu Tesla đã giảm mạnh 10% kể từ khi ông Trump công bố mức thuế 10% áp lên mọi hàng nhập khẩu và mức thuế cao hơn với các nước như Trung Quốc (34%) vào ngày 2 tháng 4. Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ trải qua tuần giao dịch tồi tệ nhất trong 5 năm, khiến ông Musk mất khoảng 31 tỷ đô la Mỹ trong tài sản cá nhân.

Cùng ngày, ông Musk xuất hiện qua video tại hội nghị của đảng cực hữu League ở Florence, Italy, nơi ông kêu gọi thiết lập “vùng thương mại tự do” giữa Hoa Kỳ và châu Âu với mức thuế quan bằng 0. “Tôi hy vọng cả châu Âu và Hoa Kỳ sẽ tiến tới tình trạng không thuế quan, tạo ra một khu vực thương mại tự do giữa hai bên,” ông nói với ông Matteo Salvini, Phó Thủ tướng Italy. Ông cũng ủng hộ tự do di chuyển lao động giữa hai khu vực, một quan điểm trái ngược với lập trường bảo hộ của ông Trump và ông Navarro.

Ông Navarro, người từng ngồi tù 4 tháng vì không hợp tác với cuộc điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1, là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất chính sách thuế quan đối ứng. Ông lập luận rằng các mức thuế này sẽ buộc các quốc gia khác giảm thuế với hàng hóa Hoa Kỳ, đồng thời thúc đẩy sản xuất nội địa. Trong cuộc phỏng vấn trên CNN ngày 4 tháng 4, ông Navarro bác bỏ lo ngại về sự sụp đổ của thị trường, gọi đó là “phản ứng thái quá” và dự đoán một “cơn bùng nổ sản xuất” sắp tới.

Sự bất đồng giữa ông Musk và ông Navarro đã gây xôn xao dư luận. Một số người dùng X thắc mắc: “Họ không phải cùng một đội sao?” trong khi những người khác cho rằng ông Musk đang cố làm hài lòng các nhà đầu tư quốc tế. Dù vậy, ông Musk vẫn tiếp tục công kích ông Navarro vào đêm muộn, đồng tình với một bài đăng chế nhạo: “Trong mọi thảm họa lịch sử Hoa Kỳ, luôn có một người từ Harvard đứng giữa lằn ranh.”

Dù công kích ông Navarro, ông Musk vẫn đăng bài ủng hộ các chính sách khác của Tổng thống Trump, như kiểm soát biên giới và cải cách chính phủ qua DOGE. 

Bà Le Pen bị cấm tranh cử: Ông Macron nói nền tư pháp của Pháp là ‘độc lập’


Trong những bình luận đầu tiên kể từ phán quyết gây tranh cãi của tòa án, theo đó cấm đối thủ lâu năm Marine Le Pen tham gia cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bác bỏ cáo buộc cho rằng hệ thống tư pháp của nước này mang thành kiến.

Nói về phán quyết hôm thứ Hai (31/3) của tòa án Paris, về việc ban hành lệnh cấm tham gia bất kỳ cuộc bầu cử nào trong vòng 5 năm đối với nhà lãnh đạo Đảng Tập hợp Quốc gia Marine Le Pen vì cáo buộc biển thủ tiền của Liên minh Châu Âu, ông Macron vẫn khẳng định rằng tại Pháp “công lý là độc lập”.

Theo đài truyền hình Pháp BFMTV, ông Macron nói thêm rằng “mọi người đều có quyền được công lý bình đẳng và quyền này là như nhau đối với tất cả mọi người”.

Nếu đúng như vậy, quyết định cấm bà Le Pen tham gia chính trị bầu cử, ngay cả trong quá trình kháng cáo mà các bị cáo ở Pháp thường được coi là vô tội, có lẽ sẽ có lợi cho ông Macron và các đồng minh tân tự do của ông ấy hơn bất kỳ phe phái nào khác trong nước.

Bà Le Pen là đối thủ chính của ông Macron trong cả hai cuộc bầu cử tổng thống năm 2017 và 2022. Theo các cuộc thăm dò, hiện bà đang ở vị trí dẫn đầu để thay thế ông Macron khi nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của ông tại Điện Élysée kết thúc vào năm 2027.

Sau nhiều năm kinh tế trì trệ và sự phẫn nộ ngày càng tăng đối với chính sách di cư hàng loạt của Chính phủ tự do Macron, cùng với việc thiếu người kế nhiệm rõ ràng đối với chế độ của ông, cuối cùng con đường lên nắm quyền của bà Le Pen dường như đã mở ra trước phán quyết.

Nếu Macron được nhà lãnh đạo Đảng Tập hợp Quốc gia [bà Le Pen] kế nhiệm – người mà giới chính trị và truyền thông coi là “cực hữu” và nằm ngoài ranh giới chính trị có thể chấp nhận – thì điều này có lẽ sẽ là một vết nhơ đáng kể trong di sản chính trị của ông, và là sự chối bỏ thế giới quan mà ông theo đuổi.

Trong khi Macron cố gắng khẳng định rằng quyết định cấm đối thủ chính trị chính của ông là công bằng, những người khác, bao gồm cả những người ở cả hai phe cánh tả và cánh hữu thuộc phe phái chính trị, đã cáo buộc cơ quan tư pháp hành động không phù hợp và xâm phạm đến tiến trình dân chủ.

Bình luận về vụ việc, Nghị sĩ người Pháp thuộc Nghị viện châu Âu (MEP) và là cháu gái của bà Le Pen, cô Marion Maréchal, đã cáo buộc tòa án có thành kiến chính trị chống lại dì của mình.

Mặc dù gần đây đã có một số sự xích lại gần nhau giữa cô Maréchal và bà Le Pen, nhưng hai người đã bất hòa với nhau từ lâu. Cô Maréchal đã gây tranh cãi khi ủng hộ tác giả gây tranh cãi Éric Zemmour thay vì dì của cô trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2022, cô thậm chí còn bỏ chữ ‘Le Pen’ ra khỏi họ của mình.

Tuy nhiên, cô Maréchal đã kiên quyết bảo vệ bà Le Pen sau phán quyết cấm bà tham gia chính trị bầu cử hồi tuần này. MEP tuyên bố rằng ngành tư pháp có thiên hướng chống cánh hữu, trích dẫn công đoàn thẩm phán lớn thứ hai của Pháp, Syndicat de la Magistrature, vào năm ngoái đã kêu gọi “phản kháng” chống lại “sự gia nhập quyền lực của phe cực hữu”.

Cô Maréchal đặt câu hỏi rằng: “Đó chẳng phải là công lý chính trị sao?”

Cô cũng chỉ ra các phán quyết trước đây của thẩm phán chính trong vụ án của bà Le Pen, ông Benedicte de Perthuis – người đã tha bổng cựu Bộ trưởng Chính phủ cánh tả Olivier Dussopt vào năm 2024, trong một vụ án mà ông này nhận quà từ một công ty rồi sau đó trao một hợp đồng chính phủ cho họ. Việc tha bổng ông Perthuis sau đó đã bị Tòa Phúc thẩm Paris đảo ngược lại. “Sai lầm là điều được phép, chỉ khi các vị là người theo chủ nghĩa xã hội”, cô Maréchal châm biếm.

Những câu hỏi về sự thành kiến trong phán quyết chống lại bà Le Pen cũng đã được nêu ra, qua việc rõ ràng thực thi có chọn lọc các hành vi vi phạm các quy tắc liên quan đến quỹ của Nghị viện EU,

Trước đó, một báo cáo phát hiện ra rằng hơn một trăm nghị viên châu Âu không phải chịu bất kỳ hình phạt nào sau khi vi phạm các quy tắc liên quan đến quỹ của Nghị viện Châu Âu, giống như tội mà bà Le Pen bị cáo buộc. Điều này đặt ra những câu hỏi về sự thành kiến trong phán quyết chống lại bà Le Pen của tòa.

Vụ kiện chống lại bà Le Pen sẽ được Tòa Phúc thẩm Paris thụ lý, tòa cho biết vào thứ Ba (1/4) rằng họ có kế hoạch quyết định vấn đề này vào mùa hè năm sau. Nếu bà Le Pen thực sự thắng kháng cáo, bà có thể sẽ đủ thời gian để tiếp tục chạy đua vào cuộc tranh cử tổng thống năm 2027.

Ukraina : Chiến sự leo thang sau khi Nga oanh kích thủ đô Kiev

Thị trưởng Kiev, Vitali Klitschko, hôm nay 06/04/2025, thông báo rằng ba người đã bị thương trong một cuộc tấn công của Nga nhắm vào thủ đô Ukraina. Cuộc tấn công xảy ra hai ngày sau vụ oanh kích đẫm máu của Matxcơva nhắm vào Kryvyi Rih, quê hương của tổng thống Volodymyr Zelensky, khiến 18 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em.

Thị trưởng Klitschko, được AFP trích dẫn, đã thông báo trên mạng Telegram về vụ tấn công nói trên. Đồng thời, hệ thống phòng không của Ukraina đã phát cảnh báo ở các khu vực Kharkiv, Mykolaïv và Odessa sau khi nhiều tên lửa Nga xâm nhập từ phía bắc và hướng về phía nam Ukraina. Các cảnh báo này sau đó đã được dỡ bỏ.

Đối mặt với tình hình này, không quân Ba Lan và các đồng minh đã bắt đầu thực hiện các hoạt động phòng không và tuần tra trên không phận Ba Lan.

Về cuộc tấn công nhắm vào Kryvyi Rih cách đây hai ngày, tổng thống  Zelensky cáo buộc Hoa Kỳ có phản ứng "quá mềm dẻo" đối với Nga, cụ thể là sau khi đại sứ Mỹ tại Ukraina, Bridget Brink, đã bày tỏ sự kinh hoàng về cuộc tấn công mà không nêu rõ rằng đó là hành động của Nga. Nguyên thủ Ukraina cho rằng Hoa Kỳ "sợ cáo buộc Nga" khi nói về cuộc tấn công này.

Trong khi đó, tổng thống Zelensky đã ca ngợi những "tiến bộ rõ rệt" trong việc triển khai một lực lượng châu Âu trong trường hợp Nga-Ukraina đạt được một thỏa thuận ngưng bắn. Các tướng lĩnh của Pháp và Anh đã có mặt tại Kiev vào cuối tuần qua để thảo luận về việc triển khai một lực lượng nhằm ngăn chặn sự tái diễn của cuộc xung đột sau khi thỏa thuận ngưng bắn có hiệu lực.

Kiev tiếp tục cáo buộc Matxcơva tìm cách kéo dài cuộc xung đột để giành thêm lãnh thổ Ukraina, trong bối cảnh Washington đã đề xuất một lệnh ngưng bắn vô điều kiện trong vòng 30 ngày.

Tin Tổng Hợp

Sunday, March 30, 2025

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 27/3/2025 Mỹ thông báo Nga và Ukraina đồng ý ngừng bắn ở Hắc Hải

Hoa Kỳ hôm qua, 25/03/2026, thông báo Nga và Ukraina đã chấp nhận ngừng bắn ở Hắc Hải và Washington sẵn sàng giúp Matxcơva xuất khẩu nông sản, phân bón ra các thị trường thế giới. Nhưng phía Nga đặt một số điều kiện cho việc thi hành thỏa thuận này.
Theo hãng tin AFP, Nhà Trắng đã ra hai thông cáo riêng biệt về nội dung các cuộc họp trong những ngày gần đây giữa phái đoàn Mỹ với phái đoàn Ukraina và với phái đoàn Nga tại Ả Rập Xê Út. Kết quả của các cuộc đàm phán này là Matxcơva và Kiev đã chấp nhận « bảo đảm an toàn giao thông hàng hải, từ bỏ việc sử dụng vũ lực và ngăn chận việc sử dụng các tàu thương mại vào các mục tiêu quân sự ở vùng Hắc Hải ».
Mỹ và Ukraina cũng đồng ý cho các nước « thứ ba » tham gia giám sát lệnh ngừng bắn, điều mà Điện Kremlin cũng hoan nghênh. Ngoài ra, Hoa Kỳ cam kết « hỗ trợ các nỗ lực trao đổi tù nhân, trả tự do cho thường dân và hồi hương trẻ em Ukraina bị cưỡng bức di dời ». 
Theo các thông cáo của Nhà Trắng, Nga có thể trông chờ vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để « khôi phục khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu cho xuất khẩu nông sản và phân bón, giảm chi phí bảo hiểm hàng hải và cải thiện khả năng tiếp cận các cảng biển và hệ thống thanh toán cho các giao dịch này ».  
Đối với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, sự hỗ trợ của Mỹ đối với Nga chẳng khác gì « làm suy yếu các lệnh trừng phạt » mà phương Tây đã ban hành đối với Nga do việc xâm lược Ukraina. Tuy vậy, Kiev cam kết sẽ “thi hành” những thông báo nói trên của Washington.

Nga đưa ra một loạt điều kiện để nối lại thỏa thuận ngũ cốc
Thế nhưng, phía Nga lại đặt một điều kiện mà hiện tại khó có thể đáp ứng được: Điện Kremlin báo trước là thỏa thuận về ngừng bắn ở Hắc Hải chỉ có thể có hiệu lực một khi bãi bỏ các hạn chế của phương Tây về buôn bán ngũ cốc và phân bón của Nga. 

Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri tường trình: 
Cùng với thời gian trôi đi, kịch bản tương tự càng lặp lại: Hoa Kỳ ra tuyên bố với vẻ đắc thắng, phía Nga ra một vài một vài tuyên bố chính thức ca ngợi tài năng của Trump và sau đó công bố thông cáo bộ Ngoại Giao hay Điện Kremlin, nêu rõ những đòi hỏi của họ. 
Cụ thể là tối qua, Matxcơva đã đưa ra một danh sách các điều kiện để nối lại thỏa thuận ngũ cốc, những đòi hỏi không mới mẻ gì, ai cũng biết. Phía Nga cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây ngăn cản nước này xuất khẩu một cách thuận lợi các nông phẩm và phân bón. Đặc biệt họ đòi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với ít nhất một ngân hàng, Ngân hàng Nông nghiệp của Nga.
Phương Tây và đặc biệt là Pháp vẫn phản đối các yêu cầu đó của Matxcơva, luôn nhắc lại rằng các lệnh trừng phạt chưa bao giờ gây phương hại cho an ninh lương thực toàn cầu. Đêm qua, Điện Kremlin cũng đã công bố danh sách các cơ sở hạ tầng năng lượng trên nguyên tắc sẽ không còn bị tấn công trong khuôn khổ lệnh ngừng bắn được cho là đã có hiệu lực từ ngày 18/03. Nhưng trên thực địa, mọi chuyện không diễn ra như thế. Bất kể chủ đề đã được thảo luận, những tiến bộ đạt được còn rất mong manh và dù sao thì vẫn còn rất xa mới đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện trong 30 ngày, mà Donald Trump đã rêu rao rất nhiều.


Ukraina tố cáo Nga không có ý định chấm dứt chiến tranh 
Chiều qua 25/03/2025 Ukraina tuyên bố sẵn sàng áp dụng ngay lập tức thỏa thuận ở Biển Đen nhưng yêu cầu được « tham khảo » để giải quyết một số những « chi tiết » trong văn bản được Hoa Kỳ loan báo. Bộ trưởng Quốc Phòng Roustem Oumerov báo trước Kiev toàn quyền tự vệ nếu Nga vi phạm thỏa thuận tạm ngừng bắn trong vùng biển liên quan. Tổng thống Volodymyr Zelensky trực tiếp tố cáo Nga đánh lừa các bên đàm phán để áp đặt những điều kiện của mình. Trên bộ, chiến sự vẫn gia tăng.

Thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev giải thích :
Đối với tổng thống Ukraina, Nga đã thao túng mọi nỗ lực chấm dứt chiến tranh và xin trích, « đã tìm cách bóp méo các điều khoản trong thỏa thuận, đánh lừa các bên môi giới và tòan thế giới. Vào lúc Nga tìm cách áp đặt những điều kiện của mình cho mọi thỏa thuận ngừng bắn thì họ không nhượng bộ bất kỳ điều gì ».
Ukraina thấy rõ là các cuộc thảo luận cũng như những điều khoản trong văn bản vừa đạt được có lợi cho phía Matxcơva. Trên thực địa, người dân Ukraina tiếp tục phải đối mặt với các hậu quả của việc Nga xâm lược. Quân Nga dường như gia tăng các đợt tấn công trên các chiến tuyến chung quanh Pokrosk trong khu vực miền đông Donetsk cho dù là trong những tuần qua, quân đội Ukraina đã giải phóng được một số ngôi làng chung quanh thành phố này.
Đêm qua, nhiều vùng trên lãnh thổ của Ukraina lại bị tấn công bằng drone. Trong khu vực ở Sumy, nhiều khu chung cư và cửa hàng đã bị thiệt hại. Hơn một chục vụ nổ đã diễn ra ở Kriviy Rih. Theo lời Oleksand Vilkul lãnh đạo chính quyền quân quản, đây là đợt tấn công nghiêm trọng nhất nhắm vào thành phố này kể từ khi nổ ra chiến tranh Ukraina năm 2022.


Paris : Thỏa thuận Hắc Hải đạt được chưa đủ cho một lệnh ngừng bắn lâu dài 
Sau khi Nhà Trắng loan báo đạt được một lệnh hưu chiến trên Hắc Hải giữa Kiev và Matxcơva, ngày 25/03, phủ tổng thống Pháp đã cho rằng những thỏa thuận đạt được này là « đúng hướng » nhưng chưa đủ để đi đến thiết lập một « lệnh hưu chiến lâu dài, bền vững, và thậm chí là thỏa thuận hòa bình ».

Chiều tối hôm nay, 26/03, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tiếp đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky nhằm « chuẩn bị » cho cuộc họp cấp cao tại Paris. Cuộc họp thứ ba này phải xác định những nước nào sẵn sàng gởi quân đến lãnh thổ Ukraina trong trường hợp đạt được một hưu chiến với Nga.
Tình báo Mỹ : Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Hoa Kỳ


Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất nhắm vào Mỹ, đứng trước cả Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Trong báo cáo thường niên về các mối đe dọa nhắm vào an ninh Hoa Kỳ được công bố ngày 25/03/2025, các giới chức trong ngành tình báo Mỹ khẳng định « lợi ích và an ninh của Hoa Kỳ ở khắp mọi nơi trên thế giới đang bị Trung Quốc đe dọa » và Bắc Kinh đang có những bước tiến « vững chắc » trong mục tiêu đánh chiếm Đài Loan.
Theo hãng  tin Pháp AFP, giải trình trước một ủy ban của Thượng Viện về báo cáo thường niên liên quan đến những mối đe dọa nhắm vào Hoa Kỳ, giám đốc tình báo quốc gia, bà Tulsi Gabbard nhấn mạnh : « Trung Quốc là đối thủ lợi hại nhất » của Mỹ trong tất cả mọi lĩnh vực, quân sự, kinh tế, công nghệ, không gian và an ninh mạng. « Trung Quốc là mối đe dọa quân sự lớn nhất đối với an ninh quốc gia (…) Quân đội nước này có thể can thiệp vào tất cả mọi phương diện chống phá nước Mỹ trong một cuộc xung đột ở khu vực, để khẳng định ảnh hưởng của Bắc Kinh ở cấp toàn cầu và để bảo đảm an ninh tại các khu vực Trung Quốc khẳng định chủ quyền ».
Vẫn theo Tulsa Gabbard, « vũ khí tầm xa của Trung Quốc có khả năng nhắm tới lãnh thổ của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương như đảo Guam, Hawaii hay ở mãi tận Alaska ». Giới chức tình báo Mỹ cho rằng Bắc Kinh tiếp tục mở rộng các chiến dịch « để làm suy yếu nước Mỹ ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ cũng như trên trường quốc tế », trong đó có cả các chiến dịch phát tán tin giả.
Tại buổi họp báo sáng 26/03, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Quách Gia Khôn đánh giá báo cáo của Mỹ « thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc » mang tính « thiên kiến » và từ nhiều năm nay, Washington luôn đưa ra những báo cáo « với nội dung tương tự ».

Việt Nam giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng, mở cửa cho Starlink của Mỹ


Trong bối cảnh lo ngại Hoa Kỳ áp thuế quan, Việt Nam thông báo sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm, bao gồm xe hơi và khí hóa lỏng và sẽ cho phép công ty SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk ra mắt dịch vụ viễn thông vệ tinh Starlink ở Việt Nam. 
Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Việt Nam vào năm 2024. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam dự kiến là 123,5 tỷ đô la vào năm 2024, tăng hơn 18% so với năm 2023. Việt Nam như vậy là nước có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mêhicô.
Trong bối cảnh này, Hà Nội lo ngại sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của đợt áp thuế hải quan đối ứng toàn diện mà tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng với các đối tác thương mại chính của Hoa Kỳ. Cách đây chưa đầy hai tuần, thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố kế hoạch giảm thuế quan để khuyến khích nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Tối qua 25/03, trên trang mạng của mình, bộ Tài Chính Việt Nam thông báo, thuế nhập khẩu đối với một số loại xe hơi sẽ giảm một nửa và thuế suất đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẽ giảm từ 5% xuống 2%. Thuế cũng sẽ được giảm đối với một số sản phẩm khác, như đùi gà đông lạnh, hạnh nhân, quả anh đào ngọt, nho khô và gỗ. 
Thông báo của bộ Tài Chính cho biết các sửa đổi nói trên, dự kiến sẽ có hiệu lực trong tháng này, nhằm "giải quyết những diễn biến phức tạp và khó lường trong tình hình địa chính trị và kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những thay đổi trong chính sách kinh tế, thương mại và thuế quan". Thông báo trích lời ông Nguyễn Quốc Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, việc điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng là để “bảo đảm đối xử công bằng giữa các Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam”, trong đó có Hoa Kỳ.
Về Starlink, việc ra mắt dịch vụ viễn thông vệ tinh này sẽ diễn ra như một phần của chương trình thí điểm kéo dài đến cuối năm 2030. Trên trang mạng, chính phủ Việt Nam hôm nay cho biết “sẽ không có giới hạn nào đối với sự tham gia của vốn nước ngoài vào dịch vụ này”.

Monday, February 17, 2025

Điểm tin cập nhật ngày 17/2/2025

Ảnh tư liệu: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) hội đàm với đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky, tại Bruxelles, Bỉ, ngày 18/12/2024. via REUTERS - NICOLAS TUCAT

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT  
:17/02/2025

Châu Âu họp khẩn cấpđể đối phó với nguy cơ bị gạt ra bên lề trong hồ sơ Ukraina
Theo lời mời của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hơn một chục lãnh đạo các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu (EU) và NATO họp khẩn cấp tại Paris, hôm nay, ngày 17/02/2025, bàn về an ninh châu Âu và phản ứng chung trước việc Mỹ muốn nhanh chóng giải quyết hồ sơ Ukraina và nguy cơ châu Âu bị gạt ra khỏi bàn đàm phán.

Chi Phương
Tối hôm qua, một cố vấn của tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hãng tin AFP biết là « do hồ sơ Ukraina đang được đẩy nhanh và do những phát biểu của các lãnh đạo Mỹ, châu Âu cần phải có nhiều hành động hơn, tốt hơn, và thống nhất vì an ninh chung của châu lục ». Vị cố vấn này cũng nhấn mạnh rằng các sáng kiến của Hoa Kỳ « là một cơ hội, và có thể cho phép đẩy nhanh việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraina, nhưng châu Âu vẫn cần đạt được một thỏa thuận và xem xét trong những điều kiện nào thì có thể chấm dứt chiến tranh ». 

Cuộc họp « không chính thức » diễn ra vào 16 giờ chiều nay, theo giờ địa phương, do tổng thống Pháp chủ trì, với sự hiện diện của lãnh đạo chính phủ Đức, Anh, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đan Mạch và chủ tịch Hội đồng Châu Âu, cũng như tổng thư ký khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.

Theo hãng tin AP, một số quan chức Pháp cho biết rằng « không mong đợi một quyết định cứng rắn nào » sau cuộc họp này, ngoài việc thể hiện tình đoàn kết.

Tuy nhiên, một số nước như Rumani và CH Séc lấy làm tiếc vì không được mời. Thủ tướng Slovenia Nataša Pirc Musar cho rằng danh sách các nước được lựa chọn lựa tham dự là bằng chứng cho thấy các thành viên châu Âu không được đối xử bình đẳng.

Hungary, quốc gia thường dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn các quyết định của châu Âu về hồ sơ Ukraina, thì chỉ trích cuộc họp « ủng hộ chiến tranh », cho rằng các lãnh đạo châu Âu « đang cùng nhau ngăn chặn một thỏa thuận hòa bình ở Ukraina».

Cựu nghị sĩ châu Âu, Sylvie Goulard, trả lời RFI Pháp ngữ sáng nay, hy vọng rằng « châu Âu có thể thức tỉnh về mọi mặt, về chính sách đối ngoại và quốc phòng, mà không tạo ra những cuộc tranh luận tiêu cực. Ngay cả khi nhiều người làm việc rất tích cực nhưng tôi cho rằng châu Âu không có sức nặng trên thế giới và không được tổ chức để có thể đọ sức.Thế giới hiện đã thay đổi và những nước trẻ hơn năng động hơn, đôi khi là hiếu chiến hơn, muốn có những người đối thoại cực kỳ rõ ràng, có khả năng, ví dụ, trong trường hợp của Ukraina, phải đưa ra các bảo đảm an ninh. »

Cuộc họp diễn ra một ngày trước cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao Nga và Mỹ, dự trù diễn ra tại Ả Rập Xê Út vào ngày mai, thứ Ba (18/02). Sáng nay, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã khẳng định rằng « châu Âu không có chỗ trong bàn đàm phán về việc chấm dứt chiến tranh Ukraina »  EU muốn tiếp tục chiến tranh, và Matxcơva không có ý định nhượng bộ về lãnh thổ với Kiev.
Anh và Thụy Điển tuyên bố có thể gửi quân đến Ukraina “trong trường hợp cần thiết”
Hôm qua, 16/02/2025, thủ tướng Vương quốc Anh Keir Starmer cho biết sẵn sàng điều quân đến Ukraina “trong trường hợp cần thiết” để bảo đảm an ninh cho nước Anh và châu Âu, dù biết rõ rằng điều này có thể “đưa các binh sĩ Anh vào hoàn cảnh nguy hiểm”. Tuyên bố được đưa ra chỉ vài giờ trước cuộc họp các nguyên thủ nhiều nước châu Âu tại Paris, Pháp để thảo luận về hồ sơ Ukraina.
Thủ tướng Anh Keir Starmer (T) và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trong buổi họp báo giới thiệu drone của quân đội Ukraina tại Kiev, ngày 16/01/2025. © Tetiana Dzhafarova / AFP
Minh Phương
Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Sidonie Gaucher cho biết cụ thể :

“Nếu muốn có hòa bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh”, đây có thể là phương châm của thủ tướng Keir Starmer, khi tuyên bố rằng “Vương quốc Anh sẵn sàng đóng vai trò hàng đầu trong việc đẩy nhanh công tác bảo đảm an ninh cho Ukraina”. Trong một bài báo đăng trên tờ Telegraph, ông khẳng định sẽ tăng cường hỗ trợ cho quân đội Ukraina, đặc biệt là qua việc viện trợ cho Kiev “3 tỷ bảng Anh, tương đương 3,6 tỷ euro, mỗi năm, ít nhất là từ nay cho đến năm 2030”.

Keir Starmer giải thích rằng ông lo ngại cho tương lai của nước Anh nếu Putin lại tấn công, và ông sẵn sàng gửi quân đội tới chiến trường nếu cần thiết. Thủ tướng Anh cũng sẽ có mặt tại Paris hôm nay để tham gia cuộc họp an ninh khẩn cấp, nhằm “xác định những gì mà châu Âu có thể làm cho chính họ”, sau khi tổng thống Trump đưa ra các sáng kiến về vấn đề Ukraina.”

Không chỉ có Anh, Thụy Điển hôm nay cũng lên tiếng về việc “không loại trừ” khả năng cử lính gìn giữ hòa bình đến Ukraina. Ngoại trưởng Thụy Điển phát biểu : “Trước hết chúng ta phải đàm phán cho một nền hòa bình công bằng và bền vững, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Ukraina (...) Sau khi nền hòa bình này được thiết lập, chúng ta cần duy trì nó và để làm được điều đó, chính phủ của chúng ta không loại trừ bất cứ điều gì.”

Ngược lại, Đức cho rằng vẫn còn quá “sớm” để thảo luận về việc gửi quân đến Ukraina. Phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết đã  “nhiều lần bày tỏ rằng trước tiên cần phải chờ xem liệu hòa bình như chúng ta hy vọng có thể được thiết lập ở Ukraina hay không. Sau đó, mới có thể thảo luận về các điều kiện và cách thức tổ chức nền hòa bình này.”
Nga, Mỹ đàm phán ‘‘tái lập quan hệ’’
Đại diện cấp cao Nga và Mỹ gặp nhau ngày mai, 18/02/2025, tại Ả Rập Xê Út. Theo phía Nga, mục tiêu trước hết là « tái lập quan hệ » và có thể để « chuẩn bị cho các đàm phán » chấm dứt chiến tranh Ukraina.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hôm nay, 17/02/2025, có cuộc gặp với đồng nhiệm Nga để thảo luận về Ukraina. REUTERS - Craig Hudson
Trọng Thành

Thông báo của điện Kremlin, được AFP trích dẫn, cho biết, hôm nay, 17/02/2025, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov và ông Yuri Ushakov, cố vấn ngoại giao của tổng thống Nga, sẽ tới Ryad, thủ đô Ả Rập Xê Út. Theo phát ngôn viên điện Kremlin, trong cuộc gặp ngày mai với phía Mỹ, hai bên có thể bàn chuẩn bị cuộc gặp thượng đỉnh giữa nguyên thủ hai nước.

Ngày hôm qua, trả lời báo giới, tổng thống Mỹ bảo đảm là cuộc gặp với người đồng cấp Nga sẽ « sớm diễn ra ».

Ngoại trưởng Mỹ trấn an : Châu Âu « sẽ được mời tham gia đàm phán »
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sẽ tham dự cuộc họp với Nga tại Ả Rập Xê Út, cùng đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Trung Đông, Steve Witkoff, và cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Mike Waltz, theo báo Mỹ Fox News. Về sự tham gia của châu Âu, trái ngược với phát biểu trước đó của đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Ukraina, Keith Kellogg, tại Munich hôm 15/02, ngoại trưởng Mỹ bảo đảm các nước châu Âu và Ukraina sẽ được mời tham gia đàm phán.

Trong cuộc trả lời kênh truyền hình Mỹ CBS hôm qua, ngoại trưởng Rubio nhấn mạnh : « Nếu có các đàm phán thực sự, điều chưa diễn ra, Ukraina sẽ phải tham gia, vì đây là quốc gia bị xâm chiếm, và các nước châu Âu sẽ phải tham gia vì họ đang thực thi các trừng phạt chống Putin và Nga ». Ông Rubio khẳng định : những ngày tới sẽ cho thấy tổng thống Nga « có thực sự » muốn chấm dứt chiến tranh tại Ukraina hay không. Ngoại trưởng Mỹ nói thêm : « Một cuộc điện đàm (giữa hai tổng thống Mỹ - Nga) không đủ để tạo lập hòa bình ».
Israel thảo luận giai đoạn hai của thỏa thuận ngừng bắn với Hamas
Israel hôm nay, 17/02/2025, thông báo cử đại diện đến Cairo, Ai Cập, để đàm phán về việc tiếp tục thực hiện giai đoạn đầu của thỏa thuận ngừng bắn giữa nước này và Hamas. Còn ở trong nước, nội các an ninh Israel tối nay cũng sẽ họp tại Tel Aviv để bàn thảo về giai đoạn hai của thỏa thuận ngừng bắn, nhằm tìm cách giải phóng tất cả con tin và chấm dứt chiến tranh một cách triệt để.

Người thân của các con tin vẫn còn bị Hamas giam giữ biểu tình tại Tel Aviv, ngày 17/02/2025. AP - Oded Balilty
Minh Phương

Các động thái này diễn ra ngay sau cuộc thảo luận tại Jerusalem giữa thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Ông Rubio nhấn mạnh sự ủng hộ hoàn toàn của Mỹ, đồng thời lên án “việc những kẻ khủng bố Hamas tiếp tục giam giữ con tin, thậm chí là thi thể của họ, chứng tỏ sự đồi bại của lực lượng này”. Về phần mình, lãnh đạo Israel bày tỏ đồng tình và đe dọa sẽ mở ra “cánh cửa địa ngục” cho Hamas và “xử lý xong công chuyện” với Iran.

Từ Jérusalem, thông tín viên RFI Michel Paul cho biết cụ thể :

“Sau cuộc trò chuyện giữa thủ tướng Israel và đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff, một phái đoàn Israel sẽ đến thủ đô của Ai Cập hôm nay. Cần phải nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của họ chỉ giới hạn trong việc tiếp tục thực hiện giai đoạn đầu của thỏa thuận ngừng bắn. Trong đó bao gồm việc đưa khoảng 60.000 nhà di động và thiết bị san lấp đất vào dải Gaza. Đổi lại, Israel muốn 6 con tin sẽ được giải phóng trong những ngày sắp tới.

Tối nay một cuộc họp nội các về an ninh sẽ được tổ chức tại Tel Aviv để thảo luận về giai đoạn thứ hai của thỏa thuận. Sau cuộc họp này, các nhà đàm phán của Israel có thể sẽ nhận được các chỉ thị mới để tiến tới đàm phán một giai đoạn mới. Xin nhắc lại rằng hôm qua, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố sau cuộc gặp với ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio rằng Israel và Hoa Kỳ đã xây dựng một chiến lược chung, nhưng thông tin chi tiết về chiến lược này không thể được công khai hoàn toàn.”

Cũng trong ngày hôm nay, đáp trả cam kết của Israel và Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Teheran, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Iran Esmaeil Baghaei tuyên bốTeheran
 “sẽ không ngần ngại tiếp tục bảo vệ chương trình hạt nhân hòa bình của mình” và “sẽ không thể hiện bất cứ sự yếu đuối nào trong vấn đề này”.
Nga, Mỹ và Trung Quốc dành bao nhiêu cho chi tiêu quân sự ?
Ngày 13/02/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố muốn đàm phán với Nga và Trung Quốc về việc cùng nhau giảm chi tiêu quân sự. Năm 2023, ngân sách dành cho quân sự của ba đại cường thế giới đã đạt mức gần 1.260 tỷ euro, tức chiếm đến 53,5% chi tiêu quân sự toàn cầu.

Đăng ngày: 17/02/2025 - 14:13

3 phút
Ảnh minh họa: Tầu ngầm USS Kentucky có trang bị tên lửa đạn đạo neo đậu ở căn cứ hải quân Busan, Hàn Quốc.
Ảnh minh họa: Tầu ngầm USS Kentucky có trang bị tên lửa đạn đạo neo đậu ở căn cứ hải quân Pusan, Hàn Quốc. AFP - WOOHAE CHO
Minh Anh

Nhật báo Công giáo La Croix, ngày nhắc lại, hôm 13/02/2025, Donald Trump đã có một đề nghị gây sốc kêu gọi Nga và Trung Quốc cùng « giảm một nửa ngân sách quân sự ». Nếu như Matxcơva không bình luận gì các phát biểu của ông Trump, thì Bắc Kinh đã có phản ứng cho rằng Washington nên « làm gương » giảm chi tiêu quân sự trước, « bởi vì Mỹ đang kêu gọi "nước Mỹ trước tiên" ».

Năm 2023, ba đại cường quân sự thế giới này đứng đầu bảng xếp hạng ngân sách quốc phòng, theo sau là Ấn Độ và Ả Rập Xê Út, theo những dữ liệu mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri). Riêng chi tiêu quân sự của ba nước này đã chiếm đến 53,5% ngân sách quốc phòng toàn cầu và trong bộ ba này, Hoa Kỳ vẫn là siêu cường quân sự hàng đầu thế giới.

Hoa Kỳ và con số 873 tỷ euro
Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ luôn dẫn đầu thế giới trên phương diện chi tiêu quân sự. Theo Sipri, năm 2023, ngân sách quốc phòng của Mỹ thậm chí đã đạt mức kỷ lục mới: khoảng 916 tỷ đô la, chiếm 3,4% GDP của Mỹ. Mức chi này của Mỹ chiếm hơn 1/3 (37%) chi tiêu quân sự trên toàn cầu.

Cho đến trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ngân sách quốc phòng Mỹ không ngừng tăng trước khi giảm nhẹ trong những năm 1990. Nhưng chiến tranh Afghanistan, cuộc chiến xâm lược Irak cùng với đà đi lên thành cường quốc của Trung Quốc và sự trở lại của Nga đã thúc đẩy Hoa Kỳ tăng chi cho quân sự trở lại.

Trung Quốc: 296 tỷ đô la
Đứng vị trí thứ hai thế giới về ngân sách quốc phòng, Trung Quốc dành khoảng 296 tỷ đô la cho quân sự trong năm 2023, tức chiếm khoảng 1,7% GDP Trung Quốc, theo ước tính của Sipri. Nếu như số tiền dành cho quốc phòng của Trung Quốc thấp hơn của Mỹ đến 3 lần, thì khoản ngân sách này tương ứng với 12% chi tiêu quân sự toàn cầu.

Nhờ vào sức tăng trưởng kinh tế vượt bậc, ông khổng lồ châu Á đã gia tăng đáng kể ngân sách quân sự từ đầu thế kỷ XXI nhằm củng cố các lực lượng vũ trang. Nhưng sự trỗi dậy mạnh mẽ về quân sự của Trung Quốc khiến các nước láng giềng và Hoa Kỳ ngờ vực đồng thời làm dấy lên nỗi lo sợ tại Đài Loan.

Nga: 109 tỷ đô la
Chi tiêu quân sự Nga bùng nổ trong bối cảnh cuộc chiến xâm lược Ukraina mà Nga tiến hành. Đứng hàng thứ năm trên thế giới trong năm 2021 với mức chi cho quân sự là 65,9 tỷ đô la, Nga đã vượt lên hàng thứ ba trong năm 

Thursday, February 13, 2025

Với Donald Trump, nước Mỹ nói lời vĩnh biệt quyền lực mềm - Điểm Báo Pháp 2/13/2025

 Trong bài « Vĩnh biệt "soft power" », Le Nouvel Obs đặt vấn đề, vòng xoáy những đe dọa, tuyên bố thô bạo và quyết định đơn phương đánh dấu việc quay lại Nhà Trắng, khẳng định tổng thống thứ 47 không phải là tín đồ của khái niệm « quyền lực mềm ». Nhưng nếu chỉ trông cậy vào việc cưỡng bức về quân sự hay kinh tế để áp đặt ý muốn với thế giới, phải chăng là Mỹ tự bắn vào chân mình ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh chụp lúc chuẩn bị từ Nhà Trắng về Florida ngày cuối tuần, 07/02/2025. REUTERS - KENT NISHIMURA
Thụy My
Còn đâu « soft power » của Hoa Kỳ ?
Vào đầu thập niên 90, giáo sư Joseph Nye của đại học Harvard đã triển khai khái niệm « soft power », đối chọi với hard power. Ví dụ cụ thể nhất là phim ảnh Hollywood đã quảng bá cuộc sống Mỹ trên thế giới hiệu quả hơn gởi thủy quân lục chiến sang Bagdad. Khái niệm này thành công rực rỡ đến nỗi Bắc Kinh đã nhiều lần mời giáo sư Nye sang giải thích cho đảng Cộng sản Trung Quốc. Nay ông Nye nói về « smart power » : một quyền lực « thông minh », cứng rắn hay mềm dẻo tùy theo tình huống.

Hình ảnh những di dân bất hợp pháp bị còng tay, đưa lên phi cơ quân sự trở về nước ở châu Mỹ la-tinh ; đe dọa Panama, dọa Đan Mạch về Groenland ; dọa áp thuế ; bất ngờ ngưng viện trợ quốc tế không báo trước gây ra náo loạn khắp nơi ; dự định trục xuất gần 2 triệu người Palestine ở Gaza sang các nước bên cạnh để làm lại cuộc đời...Đó là những gì ngược hẳn lại với quyền lực mềm, và đó là chọn lựa cố tình của ông Trump. Khi tổng thống Columbia từ chối cho máy bay chở di dân hạ cánh, Donald Trump đã khiến đồng nhiệm phải quy hàng chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Khi nói thẳng là Ai Cập và Jordanie rốt cuộc sẽ phải nhận người Palestine « với tất cả tiền bạc đã cho họ », Trump không tìm kiếm bạn bè, đồng minh khi sỉ nhục các nước này.

Hệ quả sẽ là gì ? Với vị trí vượt trội về kinh tế và quân sự, Hoa Kỳ có thể không dọa suông, nhưng có nên chỉ dùng sức mạnh để áp đặt ? Nhất là Trung Quốc, Nga sẽ dễ dàng nhảy vào lấp chỗ trống do người bạn đã trở thành mối đe dọa bỏ lại. Le Nouvel Obs kết luận, quyền lực mềm Mỹ đã chết trong tay Donald Trump.

Cắt viện trợ các tổ chức nhân quyền : Washington làm thay việc của Bắc Kinh  
The Economist đưa ra ví dụ cụ thể, chẳng hạn việc Hoa Kỳ cắt viện trợ làm tê liệt các tổ chức thúc đẩy nhân quyền tại Hoa lục. China Labour Watch, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York, trong 20 năm qua đã điều tra tình trạng lạm dụng lao động trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Tổ chức này chỉ có bảy nhân viên và ngân sách 800.000 đô la một năm, nhưng hiện đang bên bờ vực sụp đổ vì khoảng 90 % nguồn quỹ là từ chính phủ Hoa Kỳ. Kể từ khi Donald Trump ra lệnh đóng băng viện trợ nước ngoài, China Labour Watch đã phải dừng hầu hết công việc của mình. Li Qiang, người sáng lập tổ chức, cho biết sẽ phải sa thải nhân viên, tất cả đều « rất đau đớn » và « hoàn toàn bất ngờ ». Các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Trung Quốc thường nắm vững ngôn ngữ và có quan hệ rất tốt, các nhà báo thường phải dựa vào họ.

China Labour Watch có mạng lưới liên lạc với công nhân bên trong các nhà máy trên khắp Hoa lục và tại các dự án của Trung Quốc ở các nước phương Nam, nắm được thông tin về các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ và đàn áp Tây Tạng. Trong nhiều thập niên, đảng Cộng sản Trung Quốc cáo buộc phương Tây kích động bất ổn thông qua xã hội dân sự. Thành viên một nhóm bảo vệ nhân quyền nói rằng lâu nay vẫn sợ Bắc Kinh đóng cửa, và thật trớ trêu là chính phủ Mỹ nay lại làm thay công việc của chính phủ Trung Quốc.

Kiểm soát Gaza : Ý tưởng ngẫu hứng của Trump ?


Tình hình Trung Đông và Ukraina tiếp tục là các chủ đề được các tuần báo bàn luận. Về hồ sơ Trung Đông, bên cạnh những tiếng nói chỉ trích việc tổng thống Donald Trump muốn kiểm soát Dải Gaza và đưa người Palestine sang nơi khác, cũng có những phân tích thực tế. Trên Le Point, cựu đại sứ Pháp tại Mỹ Gérard Araud nhận định đề nghị kiểm soát Gaza của ông là cú sốc lớn và thủ tướng Israel có vẻ là người đầu tiên bị bất ngờ.

Có thể dễ dàng nhấn mạnh đến vô số trở ngại và số phận người Palestine. Họ đi về đâu khi Jordanie và Ai Cập không muốn tiếp nhận vì sợ Hamas trà trộn gây rối, và đã đi thì khó thể trở về ? Theo những gì quan sát Khi còn là đại sứ tại Washington, tác giả cho rằng đề nghị của Trump không hề được bàn bạc trước với Israel, các nước Ả Rập hay trong chính quyền Mỹ. Trump nói ra những gì thoáng qua trong đầu, sau đó các cộng sự của ông phải lo tìm cách thực hiện.

Hồi 2018 khi Trump loan báo rút khỏi thỏa thuận nguyên tử với Iran, ngân khố Mỹ kinh ngạc, phải mất nhiều tuần lễ mới giải thích được về hệ quả đối với các công ty ngoại quốc. Lần này « cú đá vào ổ kiến » của Trump có khía cạnh đáng chú ý của nó. Vì không hề biết đến sự phức tạp và lịch sử của hồ sơ Gaza, Trump có suy nghĩ không theo lối mòn. Hãy xem xét những vấn đề thực tế mà ông gợi ra.

Làm sao sống được ở Gaza trong tình trạng hiện nay ?
Gaza chỉ còn là đống đổ nát, đặc phái viên của Trump sau khi đến thăm khẳng định tình trạng phá hủy là quá sức tưởng tượng. Tất cả - bệnh viện, trường học, nhà ở, cơ sở hạ tầng - đều bị san bằng. Dưới những đống gạch vụn hãy còn hàng trăm tấn chất nổ cần phải tháo gỡ, và hàng ngàn xác chết đang phân hủy. Làm thế nào 2 triệu thường dân đang lây lất ngoài trời và không có gì để mưu sinh, có thể sống được trong điều kiện này ?

Donald Trump đặt ra một vấn đề chính đáng mà cộng đồng quốc tế muốn đánh trống lảng không muốn đề cập. Sau khi chế nhạo và lên án tổng thống Mỹ, người ta có thể để cho người Palestine trong tình trạng khốn khổ, chỉ giúp đỡ nhỏ giọt. Các nhà ngoại giao cả thế giới đều lặp đi lặp lại « giải pháp hai Nhà nước », nhưng tất cả - kể cả người Palestine ở Cisjordanie - đều biết rằng không hề có hy vọng. Sau vụ thảm sát kinh hoàng ngày 07/10, hơn bao giờ hết Israel hoàn toàn không muốn, và Tel Aviv có phương tiện để chống lại những áp đặt.

Trump khó thể làm hơn Biden. Liệu đề nghị của tổng thống Mỹ là bất khả ? Có thể, trừ trường hợp các vương quốc vùng Vịnh mở rộng hầu bao. Cuối cùng, đừng quên rằng Gaza dù có bị tàn phá hay không, vẫn là một vấn đề trước sau gì cũng phải giải quyết. Một dân số 2 triệu người sống chen chúc trên diện tích 365 kilomet vuông không có nguồn lợi nào, các biên giới bị đóng kín, dân tăng gấp đôi mỗi 30 năm…khó thể kéo dài. Vẫn trên Le Point, tác giả Gérard Araud kết luận, hãy lắng nghe Trump.

Elon Musk và Donald Trump : Cuộc tình mong manh


L’Express đăng trên trang bìa hình vẽ hai ông Donald Trump và Elon Musk trong tư thế đang xô xát, cho rằng tuy hai nhân vật này liên minh với nhau nhưng không phải đều có cùng lợi ích. Quan hệ Trump-Musk không chỉ ở việc chống lại xu hướng « woke », mà chặt chẽ hơn nhiều.

Tuy ông Trump cũng là tỉ phú, nhưng không là gì so với gia tài 421 tỉ đô la của Musk. Nhà sử học Timothy Snyder của đại học Yale cho biết, tất cả những áp lực ông Trump tạo ra, từ việc đưa các đối thủ ra tòa, vận động cho các ứng cử viên của mình trong cuộc bầu cử sơ bộ đều do Musk tài trợ. Musk đóng vai phản diện thay Trump trong việc cắt giảm ngân sách, và nghĩ rằng chính quyền Donald Trump có thể giúp cụ thể hóa ước vọng chinh phục Hỏa tinh cũng như cuộc cách mạng AI.

Nhưng phe MAGA có nhiều bất đồng với tỉ phú công nghệ, như việc cấp visa H-1B để Silicon Valley dễ dàng tuyển mộ người nhập cư tay nghề cao. Chánh văn phòng Nhà Trắng Susan Wiles khó thể để cho Musk làm mưa làm gió mãi ở Nhà Trắng. Danh sách các kẻ thù của Musk rất dài, và rất nhiều kẽ hở để tấn công. Một trong số đó là Elon Musk quan hệ mật thiết với Bắc Kinh, có nhà máy khổng lồ ở Trung Quốc -  liệu có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay không ? Một số người phe Dân Chủ cũng đã bắt đầu tẩy chay xe hơi Tesla. Bên cạnh đó là nguy cơ xung đột lợi ích : Các công ty của Musk như SpaceX, Neuralink, xAI, Tesla trông cậy vào những hợp đồng của chính phủ.

Thượng nghị sĩ Ron Wyden đã báo động về việc cơ quan DOGE do Elon Musk phụ trách xâm nhập được vào hệ thống ngân khố liên bang, kể cả số tiền chi trả cho những dịch vụ do các công ty cạnh tranh với Musk cung cấp. Trầm trọng hơn dưới mắt Donald Trump, là dư luận xoay chiều : Chỉ 1/3 có cảm tình với Elon Musk, và 60 % dân Mỹ chỉ trích việc tổng thống dựa vào khuyến cáo của nhà tỉ phú công nghệ để xác định chính sách. Nếu cuộc tình tan, khó có việc chia tay êm thắm vì cả hai không ai nhẹ tay với đồng minh cũ. Musk ngoảnh mặt với bang California từng giúp đỡ rất nhiều, còn Trump cắt bảo vệ an ninh cho cựu ngoại trưởng Mike Pompeo.

Trump-Putin : Mối quan hệ khó đoán


Một « cuộc tình khả nghi » khác là giữa tổng thống 47 của Mỹ và ông chủ điện Kremlin. Courrier International trích dịch bài viết của tờ The Sunday Times ở Luân Đôn, đặt câu hỏi cả hai đã nêu ra khả năng một cuộc gặp thượng đỉnh về Ukraina, nhưng với ý đồ gì ? Mark Galeotti, nhà sử học Anh chuyên nghiên cứu về Kremlin lưu ý, Trump và Putin đã gặp mặt tay đôi năm lần.

Lần gặp đầu tiên ở Đức, Trump đã thu lại những trang ghi chép của người phiên dịch, ra lệnh không được tiết lộ những gì đã nghe. Trong bữa ăn tối sau đó, Trump đã kéo ghế ngồi sát bên Putin để nói chuyện riêng. Nổi bật nhất là lần xuất hiện chung ở Helsinki năm 2018, hai người trao đổi khá lâu chỉ có phiên dịch bên cạnh, nhưng không cho ghi chép.

Donald Trump tái xuất, số phận của Ukraina tùy thuộc vào mối quan hệ cá nhân giữa tổng thống Mỹ với Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky. Rõ ràng việc Trump tái đắc cử tạo ra hy vọng rất lớn ở Nga. Từ tháng 11/2024, Kremlin nhấn mạnh Trump sẽ giúp nhanh chóng chấm dứt chiến tranh. Giữa tháng Giêng, Putin lên ti vi nịnh nọt : « Nếu người ta không đánh cắp chiến thắng của ông ấy năm 2020, có lẽ đã không có cuộc khủng hoảng Ukraina năm 2022 ». Putin cũng đặc biệt gởi lời chúc mừng bằng video khi ứng cử viên Cộng Hòa đắc cử. Ông ta hy vọng vào một Yalta mới, nhưng quên mất thực tế phũ phàng – ngày nay Nga chẳng còn trọng lượng như Liên Xô hồi trước.

Volodymyr Zelensky cũng tìm cách siết chặt quan hệ cá nhân với Donald Trump. Ngay cả trước bầu cử, tổng thống Ukraina nói rằng Trump là người duy nhất là Putin sợ. Trong vòng thân cận của Donald Trump, Ukraina cũng có những người bạn ủng hộ. Chẳng hạn bộ trưởng quốc phòng Pete Hegseth khi điều trần trước Thượng Viện đã khẳng định : « Chúng ta biết ai là kẻ xâm lăng, ai là người tử tế ». Một nguy cơ khác cho Vladimir Putin là nếu đòi hỏi quá đáng, thì « một ông Trump nổi giận nguy hiểm hơn rất nhiều so với Biden hay Obama » - một quan chức Nga lo lắng nói với tác giả bài viết.

Cuộc đua trí thông minh nhân tạo  


Một chủ đề lớn khác là trí thông minh nhân tạo (AI). Courrier International đăng trên trang bìa hình vẽ hai cánh tay đang vật nhau, nhưng cánh tay mang cờ Trung Quốc thì cơ bắp còn cờ Mỹ thì xương xẩu, chạy tít « Trí thông minh nhân tạo, ai giỏi hơn sẽ thắng ». Trang bìa Le Nouvel Obs là một bàn tay robot lớn đang mở ra, với một con người nhỏ bé bên trong, chạy tựa « Cuộc sống của chúng ta dưới AI ».

Le Nouvel Obs nhắc lại, năm 2017, Vladimir Putin dự báo « Ai dẫn đầu về trí thông minh nhân tạo sẽ làm chủ thế giới ». Cùng năm ấy, Elon Musk, nhà sáng lập SpaceX và Tesla nhưng chưa mua lại mạng X, tuyên bố : « Cuộc chiến giữa các nước để giành ưu thế về AI có thể dẫn đến Đệ tam Thế chiến ». Tám năm sau, chúng ta vẫn chưa ở ngưỡng chiến tranh thế giới, nhưng đã lao vào một cuộc đối đầu địa chính trị để nắm được trí thông minh nhân tạo. Công nghệ mang lại tiềm năng kinh tế, quân sự và xã hội chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại, khiến mọi người đều ao ước. Và ở trung tâm, chẳng phải là nước Nga đang sa lầy trong cuộc xâm lăng Ukraina, mà là Hoa Kỳ và Trung Quốc, dưới cặp mắt lo lắng của châu Âu.

Bước nhảy mới nhất của « chiến tranh các vì sao » mới giúp Trung Quốc ghi điểm trước Hoa Kỳ : DeepSeek, một AI mạnh không kém ChatGPT nhưng rẻ hơn gấp nhiều lần. Một đòn nặng cho chính quyền Trump vừa tưng bừng tung ra chương trình « Stargate » với 500 tỉ đô la đầu tư vào trí thông minh nhân tạo, trong khi đối thủ dùng mã nguồn mở. Hơn nữa, DeepSeek được chế tạo dù Mỹ cấm bán những con chip bán dẫn tân tiến nhất. Một khả năng mới mở ra cho mọi nước, nhất là các nước phương Nam, đi theo mô hình DeepSeek. Tuy nhiên nhiều nước không quên nhấn mạnh dưới chế độ Tập Cận Bình, không hề có sự minh bạch trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân.

Cần phải nói rằng đạo đức không có nhiều chỗ trong cuộc chạy đua trí thông minh nhân tạo. Về phía châu Âu không có nhà vô địch nào về AI, dù công ty Pháp Mistral cũng dùng mã nguồn mở, có thể thu được lợi ích. Liên Hiệp Châu Âu cổ vũ cho mô hình « AI tin cậy », sẽ là một trong những trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh quốc tế về trí thông minh nhân tạo sẽ diễn ra tại Paris ngày 10 và 11/02.

Lừa đảo trên mạng : Bọn tội phạm Trung Quốc vớ bẫm hơn cả ma túy

The Economist dành hồ sơ cho nạn lừa đảo trực tuyến, đã trở thành vấn nạn lớn hơn cả ma túy, chủ yếu do các tổ chức tội phạm Trung Quốc thực hiện. Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) cho biết tổn thất từ các vụ lừa đảo ở Mỹ đã tăng 22 % vào năm 2023 với trên 12,5 tỉ đô la, cao hơn rất nhiều so với thiệt hại từ các vụ trộm cắp, và có thể con số thực rất lớn vì nhiều nạn nhân không báo cáo với cảnh sát do cảm thấy xấu hổ.

Erin West, một cựu công tố viên từng thụ lý một số vụ lừa đảo kiểu này, ước tính rằng số tiền thực tế bị đánh cắp từ người Mỹ mỗi năm có thể lên tới khoảng 50 tỉ đô la, trung bình cứ 100 người Mỹ thì có khoảng một người trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo. Khó ai thoát được dù có trình độ, nhiều người còn trẻ và am hiểu công nghệ, cảnh sát, đặc vụ FBI, cố vấn tài chánh và nhà tâm lý học đều nằm trong số nạn nhân bị lừa đảo, thậm chí có cả một chủ ngân hàng. Đây có thể là một hồ sơ hiếm hoi mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đồng thuận là phải diệt trừ.

Tuesday, February 11, 2025

Đoàn tàu dầu ma giúp Nga né cấm vận : Có nhiều tàu mang cờ Việt Nam

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 11/02/2025

Libération ngày 10/02/2025 có bài điều tra về « Đoàn tàu dầu ma của Nga thách thức phương Tây », Les Echos giải thích « Dầu lửa : Matxcơva tránh né các trừng phạt mới của Mỹ như thế nào ».

Ảnh tư liệu : Tàu dầu Eeagle S ở vịnh Phần Lan, ngày 28/12/2024. via REUTERS - Jussi Nukari
Thụy My


Sau đòn trừng phạt cuối của Biden, Matxcơva mua thêm tàu mới
Trước khi trao quyền lại cho người kế nhiệm, chính quyền Biden đã trừng phạt hai tàu dầu lớn nhất của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegas, cùng với 183 trong số « đoàn tàu ma » chở dầu lửa của Nga, các tay buôn, trung gian và các cảng. Do tiến hành từ từ trong nhiều tuần lễ nên phải chờ một thời gian mới biết được tác động.

Trong những ngày đầu tiên áp dụng, số lượng dầu chở trên 40 tàu đứng đầu danh sách bị trừng phạt đã sụt đến 93 %. Cảng Kozmino của Nga ở Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nhiều nhất, giá vận chuyển tăng lên, và giá dầu Nga xuống dưới 60 đô la, làm teo tóp bớt túi tiền dành cho chiến tranh. Thế nhưng Matxcơva nhanh chóng tái lập đội tàu ma mới. Theo điều tra của « The Guardian » tuần này, Nga đã chi ra 6 tỉ đô la mua 230 chiếc tàu mua từ các sở hữu chủ châu Âu và Mỹ.

Libération cho biết « hạm đội bóng tối » này được ước tính từ 600 đến trên 1.000 chiếc, tương đương 13 đến 21 % số tàu chở dầu trên thế giới. Chúng rong ruổi từ Bắc Cực đến eo biển Malacca, từ biển Manche đến Ấn Độ, và hầu như không có bảo hiểm, chủ nhân thực sự được che giấu bằng hàng loạt công ty bình phong. Iran và Venezuela từ nhiều năm qua đã dùng cách này, nhưng từ khi Nga bị cấm vận vì xâm lăng Ukraina năm 2022, số tàu ma đã tăng ít nhất gấp ba lần. Theo RUSI, trung bình mỗi tháng Matxcơva mua thêm 10 tàu mới.

Ít nhất 68 tàu chở dầu lậu cho Nga đăng ký tại Việt Nam

Hiện nay 90 % dầu thô Nga được chở bằng tàu ma để tránh mức trần giá dầu. Điều tra của trang Follow the Money cho biết các chủ tàu phương Tây hưởng lợi qua việc bán những chiếc tàu già nua lẽ ra phải phá dỡ, với giá trên trời.Chẳng hạn các tàu dầu loại Aframax có giá 38,5 triệu euro trong khi đầu năm 2022 chưa đến 17 triệu. Hy Lạp thủ lợi nhiều nhất với 127 tàu dầu liên quan. Một ví dụ khác, tỉ phú trẻ Paris Kassidokostas-Latsis bán 2 tàu dầu đã 15 năm hoạt động cho một công ty Việt Nam vào tháng 11, và chưa đầy một tháng sau tàu này đã mang tên mới, chở dầu Nga từ Ust-Luga trên biển Baltic.

Một thủy thủ được nhận vào làm thợ cơ khí trên chiếc Orion, một trong những tàu dầu ma, nói với Follow the Money rằng phải sửa chữa thường xuyên, trên tàu hầu như không có thuốc men, nhà bếp đầy gián. Hầu như toàn bộ tàu ma Nga đều trên 15 tuổi, và theo Centre for Research on Energy and Clean Air, 30% trên 20 năm tuổi. Chiếc Eagle S bị nghi cắt cáp ở biển Baltic hôm 25/12 có đến 24 vấn đề về an ninh, nguy hại cho môi trường và an toàn của thủy thủ. Trong danh sách của Kyiv School of Economics (KSE), có 71 tàu dầu ma của Nga đăng ký tại Cameroun - quốc gia trong danh sách đen các tàu đồng lõa và thuộc loại « nguy cơ cao », 68 chiếc đăng ký ở Việt Nam và 61 ở Palau, hai nước khác cũng trong danh sách đen.

Tháng 12/2024, bờ biển Hắc Hải phía Nga bị nhiễm hàng ngàn tấn mazout do một tàu dầu nhỏ bị gãy đôi và một chiếc khác bị chìm vì bão ở eo biển Kertch, được Viện hàn lâm khoa học Nga đánh giá là thảm họa sinh thái lớn nhất của nước này trong thế kỷ 21. Thế nhưng trọng tải hai tàu này chỉ bằng 1/20 so với các tàu hàng ngày đi qua biển Baltic và Manche. Nguy cơ đang rình rập, vì không thể ngăn tàu ma đi trên vùng biển quốc tế. Trong trường hợp xảy ra nạn thủy triều đen ở duyên hải châu Âu, không thể mơ đến việc Nga chi ra nhiều tỉ euro để làm sạch môi trường. Từ đầu tháng 12, sáu nước Bắc Âu đòi hỏi chứng từ bảo hiểm đối với các tàu đi qua biển Manche, Baltic và biển Bắc. Dự kiến trong dịp kỷ niệm 3 năm Nga xâm lược Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu sẽ trừng phạt thêm 153 tàu ma.

Tấn công các trung tâm tuyển quân Ukraina : Có bàn tay của Kremlin   
Ở Ukraina, Le Monde cho biết những vụ tấn công vào các trung tâm tuyển quân tăng lên. Hầu hết thủ phạm là thanh niên và người thất nghiệp bị lóa mắt vì tiền, bị dẫn dụ qua các ứng dụng như Telegram. Chỉ riêng trong những ngày đầu tháng Hai, đã có ba trung tâm tuyển quân ở Rivne, Pavlograd và Kamianets-Podilsky trở thành mục tiêu, làm nhiều người bị thương và một quân nhân 24 tuổi thiệt mạng, hai vụ khác ở miền tây được cơ quan an ninh SBU can thiệp kịp thời. Một nhóm thanh niên 21, 22 tuổi bị bắt, hai trong số đó được giao nhiệm vụ đặt gói chất nổ chứa đầy đinh và bù-loong và một camera quay lén.
Cũng như trong mọi cuộc chiến tranh, Ukraina phải đối mặt với những kẻ phản bội, hoặc vì quan điểm, vì tiền và đôi khi do người thân ở vùng tạm chiếm hay đang bị cầm tù ở Nga bị đe dọa. Một số thông tin cho quân Nga vị trí của các quân nhân hay thiết bị Ukraina để oanh tạc, số khác có hành động phá hoại. Cơ quan SBU khẳng định phải huy động « 24/24 giờ, 7/7 ngày trong tuần » để đối phó với các vụ đốt xe quân sự, tấn công bằng chất nổ tự chế, phá hoại hệ thống đường xe lửa. Chỉ riêng trong năm 2024, cảnh sát đã bắt giữ 497 người liên quan. Theo điều tra của Texty.org.ua công bố hôm 06/02, tiền thưởng từ 100 đô la cho thông tin cá nhân của người phụ trách trung tâm tuyển quân, đến 5.000 đô la để đặt chất nổ, và các vụ ám sát thì « giá thương lượng ». Tư lệnh lục quân Ukraina, Mykhaïlo Drapaty nhấn mạnh không thể im lặng đứng nhìn trước làn sóng tấn công vào những người đang bảo vệ đất nước.

Tham vọng quân sự của Tập Cận Bình  

Tại châu Á về quân sự, Tập Cận Bình từ khi lên ngôi đã đẩy nhanh việc sản xuất vũ khí và tuyển mộ binh lính. Nhưng theo Le Monde, tham vọng của chủ tịch Trung Quốc vấp phải tình trạng thiếu nhân sự giỏi và không có kinh nghiệm chiến trường.

Chỉ cần nhìn vào Google Maps cũng đủ để nhận ra những chiến hạm mới của Trung Quốc đang được đóng ồ ạt. Không tháng nào mà báo chí Hoa lục không chào mừng một tàu chiến mới xuất xưởng. Hải quân Hoa Kỳ hiện vẫn dẫn đầu với 11 hàng không mẫu hạm, nhưng đứng sau Trung Quốc về số chiến hạm 297/370. Tốc độ phát triển của quân đội Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với Lầu Năm Góc. Tập Cận Bình nhất quyết muốn trở thành đại cường số một thế giới trước dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa, tức trước năm 2049.

Đã xa rồi thời kỳ 2012, khi Bắc Kinh mua lại hàng không mẫu hạm cũ của Ukraina, nói rằng để làm tàu casino. Nay Trung Quốc có ba hàng không mẫu hạm và đang đóng chiếc thứ tư, sở hữu khoảng 600 đầu đạn nguyên tử. Cuộc xâm lăng Ukraina đã làm nguội bớt phần nào ý định chiếm Đài Loan của Bắc Kinh. Hiện Trung Quốc có 2 triệu quân, nhưng quân đội gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài. Bên cạnh đó là nạn tham nhũng vẫn hoành hành. Các cuộc biểu dương lực lượng trước Đài Loan gần đây được cho là không chỉ nhằm dọa nạt mà còn để tập luyện vì quân Trung Quốc chưa được thử lửa kể từ sau cuộc chiến biên giới với Việt Nam.

Trump và Musk phá hoại quyền lực mềm của Mỹ
Trong khi đó « Trận bão Trump là may mắn bất ngờ cho Trung Quốc », theo Le Monde. Việc ngưng viện trợ Mỹ cho các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền, ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay hiệp định khí hậu Paris là dọn đường cho Bắc Kinh nhảy vào áp đặt các nước khác. Nhiều tổ chức đấu tranh cho nhân quyền ở Hoa lục phải ngưng hoạt động vì bị cắt ngân sách là món quà hào phóng của Elon Musk cho chế độ độc tài Bắc Kinh.

Trong nước, Donald Trump tấn công vào hành chánh công. Với sự giúp sức của Elon Musk, ông Trump tìm cách sa thải càng nhiều công chức Mỹ càng tốt, phe đối lập coi đây là một sự thanh trừng. La Croix dẫn lời một nhân viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng « Thật khủng khiếp. Chúng tôi bắt đầu một ngày làm việc mà không biết sẽ kết thúc ra sao ». Chưa bao giờ 2,3 triệu công chức liên bang lâm vào tình cảnh này, từ bộ phận bảo vệ biên giới đến quản lý công viên, ngoại giao, nghiên cứu dược phẩm. Dù mỗi lần thay đổi tổng thống lại có hàng trăm viên chức bị thay, nhưng lần này các công chức chuyên nghiệp bị nhắm đến.

Donald Trump đã sa thải khoảng hai chục thanh tra mà không báo trước, các nhân viên FBI đã tham gia điều tra về ông. Những ngày gần đây, Elon Musk đã đi một vòng các bộ và cơ quan liên bang, với sự hộ tống của các « Musk Boys » - những kỹ sư chỉ khoảng 20 tuổi không có kinh nghiệm hành chánh. Trên X, ông ta kể ra những ngân sách sẽ bị cắt : nghiên cứu về khí hậu, chương trình đa dạng sắc tộc, đăng ký báo… Elon Musk biện minh cần « chống gian lận và lãng phí » mà theo Musk là 1.700 tỉ đô la. Một thẩm phán liên bang hôm 07/02 đã chận lại quyết định cho ngưng hoạt động 2.200 nhân viên USAID, nhưng Musk đã gây khá nhiều thiệt hại cho uy tín của Hoa Kỳ.

Trí thông minh nhân tạo : Phải chăng đã quá trễ cho châu Âu ?

Hôm nay Paris khai mạc hội nghị thượng đỉnh quốc tế về trí thông minh nhân tạo (AI), với sự tham dự của thủ tướng Ấn Độ, phó tổng thống Mỹ, phó thủ tướng Trung Quốc. Tổng thống Emmanuel Macron loan báo đầu tư 109 tỉ euro cho lãnh vực này. Sự kiện về AI chiếm trang nhất của tất cả các báo ra hôm nay. Le Figaro chạy tít « Macron muốn đưa châu Âu quay lại cuộc đua AI », tương tự với Les Echos « AI : Paris muốn tiếp tục cuộc đua ». La Croix chạy tựa « trí thông minh nhân tạo : Tham vọng Pháp », Le Monde nói về « Thách thức về tham vấn trong bối cảnh cạnh tranh ». Libération nhấn mạnh « Thượng đỉnh Paris : Cuộc săn lùng AI » với biếm họa hai con robot Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua quyết liệt, tổng thống Macron cỡi trên con robot Pháp và Liên Hiệp Châu Âu bò lẹt đẹt phía sau.

Le Figaro đề nghị thử hình dung một châu Âu thế kỷ 19 không có thép để sản xuất những cỗ máy hơi nước, không có than để chạy máy, thì không thể nào làm nên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất.Vào buổi bình minh của cách mạng công nghệ sẽ định hình lại doanh nghiệp, xã hội và đời sống, cựu lục địa dường như không có vũ khí. Dù có các nhà nghiên cứu tài năng, những kỹ sư giỏi, châu Âu thiếu chip bán dẫn tân tiến với số lượng lớn để chế tạo các AI, và các tập đoàn khổng lồ như GAFAM để huấn luyện và cải tiến.

Phải chăng là đã quá trễ? Đã thua trong cuộc chiến với ChatGPT, Google, Meta và nay là DeepSeek ? Đứng ngoài làm trọng tài trong khi những người khác xây dựng đế chế ? Hay rốt cuộc cũng hiểu rằng cần chi ra nhiều tỉ cho cơ sở hạ tầng, xây dựng các liên minh và gầy dựng những người khổng lồ công nghệ cho mình ? Vì không chỉ là cạnh tranh kinh tế mà còn là vấn đề chủ quyền. Một lục địa không kiểm soát được công cụ kỹ thuật số sẽ bị lệ thuộc vào Silicon Valley hay Thâm Quyến, dễ tổn thương hơn. Đây là vấn đề sống còn cho châu Âu.

Nguy cơ một cuộc đua không trọng tài

Les Echos coi trí thông minh nhân tạo là « cuộc chiến tranh thực sự ». Châu Âu không có các tập đoàn mà giá trị vốn hóa lên đến 1.000 tới 3.000 tỉ đô la, không có tham vọng của cặp Trump-Musk, hay chương trình Stargate 500 tỉ đô la. Nhưng cuộc chiến chỉ mới bắt đầu, trường hợp DeepSeek cho thấy có những nhân tố bất ngờ có thể đưa công-tơ về số 0. Và những loan báo đầu tư lớn nhân hội nghị thượng đỉnh lần này chứng tỏ Paris vẫn là địa bàn quan trọng với các trung tâm nghiên cứu. Cần củng cố môi trường chính trị, thuế khóa, quy chuẩn và tài chánh để không giết chú gà trống French Tech từ trong trứng.

La Croix nhắc nhở, trí thông minh nhân tạo từ hai năm qua đã làm đảo lộn cách sống, cách tư duy và sáng tạo của chúng ta ; đặt ra những vấn đề về dữ liệu cá nhân, sở hữu trí tuệ, môi trường…Việc đưa vào quy củ cũng là bảo vệ các quyền tự do căn bản. Libération cũng tỏ ra lo lắng trước cuộc chạy đua không có người giám sát, nhắc lại hồi năm 1942, nhà vật lý Enrico Fermi đã gây sững sờ cho toàn thế giới khi loan báo xây dựng lò phản ứng nguyên tử đầu tiên. Chưa đầy ba năm sau, xảy ra vụ Hiroshima !