"Chấm dứt chiến tranh VN, không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ cái giá phải trả, cho loại Hòa bình đó, là ngàn năm tăm tối, cho thế hệ sinh ra tại VN về sau." President Ronald Reagan
Tuesday, April 14, 2009
Trần Thị Chiến Tranh
CÓ PHẢI TÔI KHÔNG?
Có người gửi tôi tấm hình trên mạng
cô gái Sài gòn áo trắng khăn tang
đi trong Sài gòn bốn mươi năm cũ
cô gái trong hình có phải tôi không?
Ô hay tại sao tự nhiên tôi nhận
Sài gòn cả trăm cô gái giống tôi
cả ngàn khăn tang trên đầu góa phụ
góa phụ còn hồng một vệt son môi
Ô hay tại sao tự nhiên tôi chối
Sài gòn ngày ấy trắng toát khăn tang
những cô trẻ lắm mắt đầm đìa lệ
theo tay ai dắt đi vào nghĩa trang
Sài gòn bây giờ khói nhang đã tắt
góa phụ ngây thơ tóc đã phai xanh
nhìn lại tấm hình nhận ra cô gái
khẽ gọi tên cô "Trần Thị ChiếnTranh".
TMT
CHUYỆN KỂ
(Gửi anh Thái Hà Chung, để nhớ lại 40 năm Cung đã mất)
Chuyện hôm nay chỉ còn là chuyện kể
Quãng đời qua hay là quãng chiêm bao
Tình yêu đó ta thắp bằng tim nến
Sao ai châm đuốc lửa đốt hai đầu.(tmt)
- Khi anh tìm được về nhà cũ, em và cả gia đình hai bên đã đi rồi. Anh đau đớn quá, nhưng anh không muốn để sự thất vọng giết nốt hồn mình, anh loanh quanh trong thành phố, hy vọng em chưa đi hẳn, em còn tạm trốn ở một nơi nào đó, đợi anh về, nên mấy chục năm nay anh vẫn ở lại trong xóm cũ, dù biết, nhà của cha mẹ em đã có người khác dọn vào lâu rồi.
Người đàn bà vóc vạc mảnh dẻ, đi như dựa hẳn vào lòng người đàn ông, ông không cao lớn lắm, nhưng vững chãi như một bức tường nhỏ, ấm áp. Tóc của bà đã hoa râm, dấu thời gian đã vẽ những vết nhăn đậm nhạt trên vừng trán, trên khóe miệng, trên đuôi mắt; nhưng ở người đàn ông, da vẫn căng và nâu xậm khỏe mạnh, tóc không hề có một sợi bạc, mái tóc xanh, cắt ngắn, của một người lính.
- Em lúc đó hoang mang, bối rối vô cùng, ông chánh văn phòng ở chỗ em làm, bảo sao thì em làm vậy. Bên gia đình anh cũng bỏ đi rồi, em đến nhà thì nhà hoang cửa trống, chỉ có con bé giúp việc đang ngồi khóc. Em đi chung quanh những căn buồng nhỏ, nhớ lại những kỷ niệm từ hồi còn anh, những kỷ niệm như những cánh hoa ứa máu nhưng vẫn còn thơm ngát. Biết là mình rồi cũng sẽ phải bỏ đi thôi. Em xếp kỷ niệm chôn vào bóng nắng trong một góc vườn.
Vì em có một mình nên Sở cho em mang bố mẹ đi với em. Thế là nhà của bố mẹ cũng mất với người.
Hai người đi một vòng trong xóm cũ; mọi nhà, mọi cảnh đều thay đổi, người đàn bà không nhận ra ai trong xóm, những khuôn mặt hình như đều được vẽ lại, xa lạ và lạnh lùng như những người trong tranh. Những ngôi nhà thay đổi đến ngạc nhiên, không cách nào nhận ra, Lần đầu tiên bà về quê, bà phải đếm trong đầu, từng ngôi nhà một, để định chỗ. Khi tìm được cây tầm ruộc, bà mới nhận ra ngôi nhà cũ của mình. Người đàn ông dừng lại trước ngôi nhà, ôm thân hình mảnh mai của người đàn bà trong đôi tay khỏe mạnh của mình xót sa:
- Em gầy quá!
Người đàn bà cười nhẹ:
- Không phải em gầy đâu, tuổi già làm xương em xốp đi đấy.
- Em nhìn kìa, nhà cửa thay mới nhưng họ vẫn không đốn cây tầm ruộc này, nó bây giờ vẫn mỗi năm cho trái, mới lạ chứ!
- Cứ hai năm em về một lần, lần nào cũng ghé qua nhìn ngôi nhà của gia đình
mình, sao mãi đến lần thứ tư này mới gặp lại anh.
- Lạ thật đấy, anh thì qua lại đây thường xuyên, anh muốn đến lúc nào cũng đến
được, nhớ em quá đỗi, anh đến ngay. Có những đêm trăng anh còn vào cả sau nhà,
cây trứng cá thì bị đốn rồi, ánh trăng bây giờ nằm từng vệt riêng rẽ trên cái sân xi
măng, trông cô đơn lắm. Tối nay rằm, hay mình ở lại chờ trăng lên đi em.
- Dạ.
Tiếng dạ ngoan hiền ngày xưa âm âm trong trái tim người đàn ông không thay đổi. Ông im lặng một lúc cho cái âm của tiếng “dạ” như vang vào một cõi u minh.
- Cha mẹ hai bên đã mất hết rồi, chỉ có chúng mình là không bao giờ mất nhau, vì chúng mình yêu nhau quá, phải không em? Nhưng này em, cái ổ gà to tướng ở ngay đầu ngõ vào xóm mình bị lấp đi làm anh tiếc mãi. Em còn nhớ không? Cái lần anh ở đơn vị về phép, mình đi ăn kem Givral, khi về, trời mưa to, em cứ loay hoay không biết làm sao đi qua cái vũng nước nằm ngang ngõ, mà không ướt giầy. Anh bế bổng em lên, bước vào vũng nước, anh đi giầy nhà binh mà. Mấy người trong xóm cười trêu mình, làm em ngượng quá, em cứ giẫy trong tay anh đòi xuống, anh lại càng ôm chặt, cuối cùng hai đứa ngã lăn kềnh trong vũng nước, mọi người càng cười to. Hôm đó em xấu hổ giận anh nguyên ngày, anh dỗ mãi không được. Nhưng khi anh sắp phải trở về đơn vị, tự em lại làm hòa trước, em có nhớ không, em còn nhớ không?
Làm sao mà quên được, người đàn bà mặt mũi đầm đìa nước mắt, kín đáo giơ ngang ống tay áo lên chùi, không cho người đàn ông biết mình khóc, nói khẽ:
- Dạ, ( người đàn bà hay dạ trước mỗi câu nói.) Bây giờ em chỉ muốn vẫn còn cái ổ gà to tướng đó, để được anh bế lội qua.
Bà nói xong cúi nhìn xuống chân người đàn ông, ông vẫn đi đôi giầy nhà binh cao cổ, đôi giầy mà lần đầu tiên sau ngày cưới, ông trở về từ đơn vị, bà bắt ông tháo ra ngay để bà mang vớ đi giặt, mang giầy ra rửa, rồi phơi nắng. Bà còn nhớ lại cái cảm giác lúc giặt, rửa, giầy vớ cho chồng, cái cảm giác nhói đau trong ngực người vợ trẻ, khi nghĩ đến một ngày nào đó không được làm cái công việc mong manh xúc động này.
Người đàn ông lại say sưa kể.
- Anh nhớ có một lần xe hư giữa đường, cái xe gắn máy lâu ngày anh không dùng đến. Khi đó, về thăm nhà, anh chẳng kịp thay quần áo, chở em đi uống cà phê ở phố Nguyễn Phi Khanh, Đa Kao. (Có bốn ngày phép thôi mà, đã mất một ngày đi, một ngày về rồi.)Trời mưa tháng sáu, nước ngập đường, chẩy không kịp, chiếc xe chết máy, mình phải gửi quán cà phê đi xích lô về. Trời ơi, anh sung sướng làm sao, một người lính quần áo còn khét mùi khói, được ngồi chung xích lô với cô vợ trẻ như chiêm bao trong một chiều mưa. Chao ôi là lãng mạn! Em nhớ không, em còn nhớ không?
Cứ kể xong một chuyện, người đàn ông lại nồng nàn hỏi. “Em nhớ không? Em còn nhớ không?”
Làm sao mà quên được, người đàn bà thầm thĩ trong đầu; “ trong chiếc xích lô chật hẹp, em ngồi trong lòng anh, em ngửi được mùi tình yêu, mùi vợ chồng, mùi bổn phận, mùi quê hương bốc ra từ hơi thở anh, từ bộ đồ trận trên người anh, trộn vào không gian ẩm ướt. Em lúc đó hoang mang, chẳng biết gọi cái mùi đó là gì. Sau này nghĩ lại em mới biết, đó là: “Mùi Chiến Tranh.”
Ánh trăng ở thành phố này bây giờ đã mờ đi, khói xe bốc lên ô nhiễm không gian,
nhòe vào vùng ánh sáng làm bóng trăng rằm trở nên âm u. Hai người im lặng đi trong bóng trăng như đi giữa một giấc mơ, người đàn bả thỉnh thoảng lại kín đáo giơ ống tay áo lên, chùi những dòng nước mắt đang nhòe vào ánh trăng trên mặt mình. Người đàn ông muốn dắt vợ vào tận trong sân nhưng người đàn bà chùn tay lại. Bây giờ đâu còn phải nhà mình nữa. Sau bốn mươi năm, mọi sự đã thay đổi; thành phố đổi tên, nhà đổi chủ, ngay chính mình cũng đã thành vợ người khác. Người đàn bà chưa dám nói cho chồng cũ biết điều đó, và người đàn ông cũng không hỏi, hình như ông không để ý đến chuyện đó, hình như ông vẫn nghĩ mình vừa sống sót, trở về nhà, gặp lại vợ sau một cuộc hành quân. Ông nắm tay bà, vẫn bàn tay ấm áp đầy sức mạnh của một người lính. Người đàn bà bỗng nhớ (rất lơ mơ) là ở một nơi bên kia trái đất mình cũng có một gia đình, có chồng, con đang mong đợi mình (Em đi thăm Việt Nam nhanh lên rồi về nghe.)
Trăng rằm ở chốn xa xôi, nơi người đàn bà đang cư ngụ, nếu không vào đêm mưa thì rực rỡ lắm, cái rực rỡ làm mỗi khi bà nhìn trăng lại quặn thắt nhớ đến ngày xưa, người cũ.
Bây giờ đi bên người đàn ông cũ trong một đêm trăng ở quê hương, bà cúi nhìn bàn tay đã bắt đầu khô, nhăn, của mình đặt trong bàn tay khỏe mạnh trẻ trung của người đàn ông, bà bỗng thấy có một điều gì rất lạ. Người đàn ông không để cho ý nghĩ của người đàn bà đi xa quá, ông nói:
- Anh đưa em đến một chỗ này, thích lắm. Em sẽ gặp rất nhiều người thân thiết của ngày xưa.
Người đàn bà cứ để nguyên bàn tay mình trong bàn tay người đàn ông, mặc cho ông đưa bà đi. Đi lâu lắm, cuối cùng người đàn ông đưa người đàn bà đến một vùng hoang địa, người đàn bà đoán thế vì trong bóng đêm, mặc dù dưới ánh trăng rằm, bà cũng thấy âm u, hoang lạnh, không đầm ấm như xóm cũ của mình. Hai người bước qua một cái cổng lớn xây gạch nhưng đã đổ nát, người đàn bà cứ phải níu chặt cánh tay người đàn ông; bước cao, bước thấp, qua những bụi gai, cỏ dại, mô đá, mô xi măng, mô đất. Thỉnh thoảng người đàn ông dừng lại, hoặc cúi đầu chào những người đàn ông khác đi qua họ. Người đàn bà cũng cúi đầu chào theo, không nhìn rõ binh chủng và cấp bậc trên quân phục của họ. Cuối cùng, người đàn ông kéo người đàn bà ngồi xuống một mảng xi măng đã vỡ nhưng còn khá rộng, nói:
- Đây là nơi những người bạn của anh cư ngụ, những người ngày trước đã sinh ra, lớn lên, yêu và chết cho mảnh đất này. Nếu thỉnh thoảng em có về, không gặp anh, em cũng nhớ ghé qua đây thăm họ.
Hai người ngồi im lặng trong bóng trăng đã bắt đầu nhàn nhạt, hình như mặt trời đang sửa soạn đi ra. Người đàn bà nhìn vào khuôn mặt người đàn ông cũng đang nhàn nhạt theo ánh trăng. Dưới ánh trăng mờ mờ bà ngước nhìn lên mái tóc dầy xanh thẫm, cắt ngắn, vầng trán phẳng, đôi mắt buồn buồn, có mảnh trăng rơi vào loang loang như bóng nước, lòng bà quặn thắt. Bà tránh cặp mắt, nhìn xuống bộ quần áo ông đang mặc trên người. Bộ quần áo nhà binh, tối xẫm vào bóng trăng thành mầu xanh đen, nhưng cái hoa mai gắn trên vai vẫn đang lấp lánh, bà nhìn xuống đôi giầy nhà binh, rồi nhìn vào từng vệt sáng của trăng trên mặt đất hoang vu, đổ nát của một thành phố đổi chủ. Bà nhớ lại dần dần, về mình, về người đàn ông, về ngôi nhà của cha mẹ mà hai vợ chồng mới cưới còn ở, chưa kịp ra riêng. Bà nhớ là mình lúc đó trẻ lắm, có một người chồng trong quân ngũ như hầu hết những cô gái trẻ ở thời gian đó, ở quê hương đó. Chao ôi! bà bỗng nhớ ra tất cả:
Người đàn ông đó chết rồi, chết rất trẻ; chết thế nào, cách nào bà không biết rõ, nhưng anh chắc chắn đã chết như một người lính chết cho quê hương.
tmt
Viết cho 30/4/2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment