"Chấm dứt chiến tranh VN, không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ cái giá phải trả, cho loại Hòa bình đó, là ngàn năm tăm tối, cho thế hệ sinh ra tại VN về sau." President Ronald Reagan
Friday, January 16, 2009
Hình ảnh người chiến sĩ Cộng Hòa qua ý nhạc mùa chinh chiến
Suốt dọc chiều dài của cuộc chiến tranh tự vệ của quân và dân miền Nam Việt Nam chống lại cuộc xâm lược của Cộng Sản Bắc Việt trong cả hai thời Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa, hình ảnh người chiến sĩ Cộng Hòa luôn được tô đậm nét cả trong văn chương và thi ca lẫn trong nhạc kịch và điện ảnh như là những chàng trai thời tao loạn đành lòng “xếp bút nghiên theo việc đao binh,” giã từ mái ấm gia đình nơi có mẹ già và đàn em dại hoặc người vợ hiền và đứa con thơ để lên đường cầm súng bảo vệ quê hương:
“Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt
trên bờ lau sậy nầy!
Anh là ai?”
Lời mở đầu từ bản nhạc chủ đề phim “Người Tình Không Chân Dung” rất thịnh hành tại miền Nam Việt Nam hồi cuối thập niên 1960 nói lên cái thắc mắc của mọi người đang vui hưởng tự do, dân chủ tại miền Nam Việt Nam giữa lúc Cộng Sản Bắc Việt và khối Cộng Sản Quốc Tế đang mở cuộc tấn công xâm lược và lấn chiếm Việt Nam Cộng Hòa -trong đó đặc biệt phải kể tới những cô gái mới lớn, những người em gái hậu phương và những “người yêu của lính”- về chân dung đích thực của người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, hay gọi một cách thân thương hơn, là “anh lính Cộng Hòa.”
Người lính Cộng Hòa này có thể là một anh “tân binh quân dịch” lên đường thi hành nghĩa vụ cầm súng giết giặc trong thời gian một vài năm rồi lại trở về hậu phương tiếp tục việc học hành hoặc làm việc tại các nhà máy hay chốn văn phòng để cùng toàn dân chung sức xây dựng quê hương. Không đâu thể hiện hình ảnh chàng tân binh quân dịch này sống động cho bằng mấy câu ca sau đây từ một nhạc phẩm nói về một chàng thanh niên bằng lòng lên đường làm nghĩa vụ trai thời tao loạn để rồi lúc nào cũng được những người em gái hậu phương yêu mến và trao duyên:
“Người thường tìm sang giàu tới
Lòng này thì khác người ơi
Ước thề hứa duyên cho người
Cầm cây súng tòng quân tươi cười...”
Cũng từ ý nhạc mùa chinh chiến, người lính chiến là những chàng trai tuổi đời vừa chớm đôi mươi, và “Tình Anh Lính Chiến” luôn là mối tình bao la của những chàng trai trẻ đang là bè bạn thân thiết với nhau, dù kẻ ở hậu tuyến ấm êm, người nơi chiến trường gai lửa:
“Anh chiến trường tôi nơi hậu tuyến
Ðời lính chiến xuôi gặp nhau đây
Hai đứa mình còn mỗi đêm nay
Nói gì cạn niềm thương rồi ngày mai ta lên đường...”
Nhưng cho dù ngày chiến chinh dài có làm cho đôi bạn phải cách xa, lòng họ vẫn luôn nghĩ đến nhau:
“Mai nếu đời ngăn chia ngàn lối
Ðừng quên nhé những ngày bên nhau...”
Ðó là đối với các bạn trai là chiến binh cùng trang lứa tại Miền Nam Việt Nam lúc nước nhà đang nghiêng ngả vì quân Cộng Sản xâm lược. Còn với đối tượng khác phái của mình, tức là những cô gái mới lớn, những người em gái hậu phương và những “người yêu của lính” thì chân dung của người chiến sĩ Cộng Hòa ra sao?
“Tuổi đời vừa mới đôi mươi
Không đẹp, người cũng dễ coi
Ðộc thân, vui tính, tròn ba năm lính
Chưa lần có bạn tâm tình...”
Hình ảnh người lính chiến có khi rất xa xăm, mơ hồ và không mấy rõ nét, ngoài đặc điểm dễ nhận biết là vẻ phong trần trên dáng dấp người trai trẻ:
“Này chàng, từ hậu phương hay nơi biên cương
Nơi đây chàng đến, áo vương bụi đường
Nhìn chàng là người trai ôi phong sương...”
Dù chưa biết rõ gốc tích của chàng trai, ấy thế mà em đã đâm ra yêu chàng ngay tự “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” mới chết chứ! Có thể đó là lúc em vừa nhìn thấy bóng dáng chàng cùng đồng đội bước đi trên bờ đê hay một mình chàng lang thang múc nước đổ vào bi-đông bên dòng sông vắng:
“Nhưng tôi đã mến biết bao lâu rồi...
Chàng từ miền ngược xuôi hay nơi đâu
Nơi đây chàng đến kết duyên ban đầu
Một lời mặn mà xin trao cho nhau
Tuy tôi chưa biết hỡi chàng là ai?”
Lý do của tình em yêu anh thì nhiều lắm, kể làm sao cho hết, bởi vì, như lời một nhà văn Pháp nào đó mà em từng đọc qua, thì “trái tim có những lý do mà lý trí không làm sao biết được”:
“Em vẫn yêu chàng vì biển đời trong khóe mắt
Em vẫn yêu chàng vì trời tình in trên môi
Em vẫn yêu chàng vì đời chàng là gió sương
Em vẫn yêu chàng vì đời chàng là hiên ngang...”
Hình ảnh người lính chiến có khi rất đơn sơ và khái quát, khó tả ra cho rõ nét lắm. Nhưng, nhìn chung, sắc màu gây ấn tượng sâu đậm ban đầu trong trái tim và tâm hồn em vẫn là màu xanh của lá trên bộ chiến y lúc chàng trai dừng bước quân hành ngoài bìa làng hay qua xóm nhỏ:
“Hỡi người trai lính em yêu ơi!
Hỡi người anh chốn xa xôi
Áo xanh pha màu lá...”
Hoặc, đôi khi, trên chiếc áo phong sương còn bám đầy những gió bụi đường xa kia, em thoáng thấy cả màu hoa rừng:
“Ngày anh ra đi, với chiếc áo xanh màu hoa.
Ngày anh ra đi, vai súng hiên ngang đường xa...”
Rồi, chiếc áo trận của anh, sau bao năm dài chinh chiến, nay đã bạc màu, đặc biệt là khi vai áo anh cận kề bên mái tóc em:
Tóc em lúa vừa xanh...
Anh là người lính chiến
Áo bạc màu đấu tranh...
Hành trang của người lính cũng rất đơn sơ. Thử hỏi, hành quân trên bộ xa đến như vậy thì, ngoài những trang bị cần thiết cho nhiệm vụ chiến đấu, làm sao người lính có thể mang được thêm nhiều thứ hành trang khác ngoài chiếc ba-lô và súng đạn trên người:
Ba-lô thay người tình yêu dấu
Ðêm đêm riêng mình nằm gối đầu...
Nhưng chính cũng từ trên chiếc ba-lô này mà bao nhiêu lá thư tình gởi về người em gái hậu phương đã được viết lên mỗi khi người trai lính chiến có dịp dừng bước quân hành, hoặc bên một cánh rừng hoang đầy những hoa trinh nữ hoặc dọc theo bờ suối rộn tiếng chim ca:
Thư của lính...
Ba-lô làm bàn nên nét chữ không ngay...
Và cây súng của người chiến binh được coi như là chỗ dựa vững chắc cho tình yêu đôi lứa, nhất là trong những đêm trăng lạnh lẽo nơi góc núi, lưng đồi anh nằm nhớ em vô cùng, người nơi xa xăm phương trời ấy:
Ðêm nằm gối súng, chung ánh trăng
Nhưng đôi đường ly cách trong tình thương...
Rồi, để trang trải niềm thương, nỗi nhớ của mình trên giấy, người lính chiến tận dụng mọi phút giây thuận tiện có được để viết thư cho người yêu, lòng vẫn nghĩ rằng thật may mắn cho một người chiến binh xa gia đình như anh có được tình em để đêm mong, ngày nhớ:
“Nếu hôm xưa không đến tìm em
Với muôn lời nồng say thì giờ trong bóng đêm
Tình đâu vấn vương và biết tìm ai nhớ thương?
Ðêm nay gối súng viết lên dòng thư gởi em...”
Ðó cũng chỉ là vì, như em luôn tự hỏi lòng, không biết tự bao giờ mà tình em trao gởi về anh, dẫu rằng em vẫn biết yêu anh là đành chấp nhận cách xa, thương nhớ, vì đôi khi khoảng không gian ngăn cách kia lại vời vợi đến muôn trùng:
“Nếu em không là người yêu của lính...
Ai khẽ nhắc tên em muôn ngàn lần
Và giữa chốn muôn trùng
Ai viết tên em lên tay súng?”
Nhưng nếu có dịp nào cận kề người lính chiến –như nhân lúc “hôm nao mình nắm tay khi anh lại chốn đây”– thì em thấy những nét chính trong chân dung người tình là lính chiến của em là như thế này:
“Em thương sao là thương
Thương mắt anh sáng ngời
Thương da anh sạm nắng
Thương tóc xanh vương bụi đường...”
Em vẫn không hiểu sao mà người lính, dù thật bình thường và chẳng giàu sang gì trong xã hội, vẫn là kỳ vọng lớn lao nhất của bao người em gái hậu phương, nhiều em lại rất đẹp, rất kiêu sa. À! Em hiểu ra rồi: Người lính tuy nghèo tiền nhưng lại giàu tình, và đó mới là điều mà nhiều người con gái cùng trang lứa với em hằng mơ ước:
“Dù rằng đời lính không giàu
Mà chắc không nghèo tình yêu!”
Và, quan trọng hơn thế nữa, người lính luôn là biểu tượng của tình yêu vững chắc. Giữa mùa ly loạn, khi có biết bao cánh hoa lạc bước giữa rừng gươm, chỉ có anh mới là người đủ khả năng ra tay bảo vệ tình yêu đó:
“Anh!
Nếu thương cho một đời hoa
Thì xin giữ yên quê nhà...
Xin anh che chở
Tấm đời nhỏ bé hậu phương
Như câu chuyện tình “người hùng và giai nhân”
Những cánh hoa hồng
Bên hàng rào kẽm, hầm chông
Vẫn mong bàn tay
Người đem tưới vun trong vườn...”
Nhưng người lính cần có tên riêng để cho em gọi hay không? Trong phút đầu gặp nhau tinh tú quay cuồng đó, câu trả lời là ‘không,’ không cần anh yêu của em phải có tên riêng, bởi vì anh là lính mà, đơn giản thế thôi, em đâu có đòi hỏi gì nhiều nơi anh:
Mỗi khi có ai muốn hỏi tên anh
Em bảo tên anh là lính
Lính luôn đa tình, đáng yêu...
Mỗi người một hoàn cảnh, các chàng trai mùa ly loạn bước vào nghiệp lính vì nhiều lý do khác nhau. Có khi là vì chàng phải đi quân dịch để làm tròn bổn phận người công dân lúc nước nhà đang ngửa nghiêng vì giặc Cộng xâm lấn:
“Vừa rồi làng có truyền tin
Nói rằng nước non đang mong
Ði quân dịch là thương nòi giống...”
Có khi là do chàng thôi học để theo bạn bè cùng khoác chinh y cho thỏa mộng sông hồ, “nam nhi chi chí”:
Từ khi anh thôi học
Và từ khi anh khoác áo treillis...
Cũng có khi vì thi rớt, chàng trai đâm chán ngán bước đường công danh dài thăm thẳm mà chủ yếu là để phục vụ cho hạnh phúc riêng tư chứ chưa chắc đã giúp ích được gì nhiều cho tổ quốc, cho quê hương. Thôi thì ai sao, ta vậy:
Thi hỏng Tú Tài
Ta đợi ngày đi...
Nhưng, trong hầu hết mọi trường hợp, đi lính là hành động hợp thời nhất và xứng đáng nhất để đáp lại lời kêu gọi của quê hương đang lúc hận thù đằng đằng, sơn hà nguy biến:
“Này thanh niên ơi! Ðứng lên đáp lời sông núi
Ðồng lòng cùng đi hy sinh, tiếc gì thân sống?”
Hoặc:
“Lúc đất nước muốn bao người con thân yêu ra đi
Hối tiếc tấm thân làm chi?”
Và thế là:
“Tình nước, lòng trai
Anh hiên ngang đối diện mặt trời
Chân qua bốn mùa
Thương vác lên vai...”
Vì thế cho nên:
“Hỡi người em thương!
Chưa tròn thề ước
Nhưng tình đất nước
Ôi lớn lao không đành lòng dệt mộng thắm riêng tư...”
Cũng như vì, qua một phút suy tư, anh chợt hiểu ra rằng:
“Dẫu cho tình đôi ta bao la như chiều vàng
Duyên sông hồ chắn ngang
Quê hương tình vẫn hơn
Nên đêm trăng vàng đẹp hành trang xuôi vạn lý
Anh nói câu tạ từ...”
Một khi đã chấp nhận đời lính rồi, người lính bỏ lại đằng sau tất cả những kỷ niệm thân thương, dù vẫn ôm ấp trong lòng niềm ước mơ đôi lứa:
“Tay ghì súng nghe mùi tang tóc đâu đây
Tâm hồn se vơi chẳng vơi, đầy chẳng đầy
Khi vào lính nhận nếp sống đơn sơ
Rơi đằng sau nhiều đợi chờ
Hai màu áo, một niềm mơ...”
Ðã là người yêu của lính, nhưng lòng em vẫn thắc mắc hoài... Người lính có lãng mạn hay không? Câu trả lời là: “Có chứ, sao lại không?” Hỡi em yêu, hãy nghe lời một chàng thủy thủ phong sương thổ lộ tâm tình với người yêu đơn côi của mình thì khắc biết:
“Nhớ lúc quyến luyến trên bến sông cô liêu
Sóng xô trong lòng người hải hồ...”
Người lính có đa tình không? Có chứ. Người trai nơi chiến tuyến, tuy chẳng màu mè, chải chuốt gì so với các chàng trai sang cả nơi phố thị nhưng lại rất đa tình, đa tình nhiều hơn là em tưởng:
“Anh là lính đa tình
Tình non sông rất nặng
Tình hải hồ ôm mộng
Tình vũ trụ ngát say
Và mối tình rất êm đềm
Là tình riêng trong lòng anh yêu em...”
Tuy đa tình, người lính lại rất chung tình, mặc dù đời chiến binh nay đây, mai đó đã khiến cho người lính bị mang tiếng oan là nay quen cô này, mai mê cô nọ, mốt hẹn cô kia:
“Mà dẫu lính hay đa tình nhân
Mãi mãi vẫn yêu, chỉ yêu một người
Một người mà thôi, và yêu trọn đời
Một giây về phép anh xin dành cho em đó!”
Vì thế, mặc dù đang rộn bước quân hành đâu đó trên bốn vùng chiến thuật và ngày đêm đang phải đối diện với hiểm nguy khi kẻ thù rình rập từng giờ, từng phút ngay trên đồng lúa vàng mênh mông hay giữa rừng già heo hút, anh vẫn cứ nhớ em:
“Chiều hành quân đã đôi lần chợt nghe nhớ em
Vẽ bóng hình vào vách núi rừng già...”
Ðể rồi lại phải lo kiếm một cái gì đặng lỡ mai kia, mốt no đôi ta gặp lại, thì lấy đó mà làm quà tặng em:
“Chợt nhìn bên suối có một loài hoa thắm tươi
Muôn đời chẳng phai... đem về tặng em...”
Bởi vì chính em cũng đã có đôi lần dùng câu ca, tiếng hát để nói về món quà đơn sơ nhưng tình tứ đó của người lính chiến mang về từ chốn núi rừng heo hút:
“Nếu em không là người yêu của lính...
Ai đem cánh hoa rừng về tặng em?”
Ðối với anh thì, cũng giống như em yêu thôi, ngoài tình yêu núi sông, dĩ nhiên tình yêu đôi lứa chính là lẽ sống của đời anh:
“Một đêm dài nhớ em
Một đêm dài trắng đêm
Nhìn sao rừng thấy em
Nhìn núi đồi nhớ em
Người anh yêu trọn đời...
Ngoài yêu núi sông thì tim này dâng cả em...”
Vì thế, không ai hiểu hết tầm mức quan trọng của tình đôi ta hơn là những người trai lính chiến như anh, với sứ mạng vừa “bảo quốc” vừa “an dân,” yêu nước một hồi để rồi bỗng dưng đến một ngày lại đâm ra yêu luôn cả em:
“Lính đem chữ yêu viết nên cuộc sống
Lính yêu núi sông, yêu cả giai nhân...”
Dù rằng đã là con người bằng xương, bằng thịt thì mấy ai giữ được lòng mình luôn cứng rắn trước những xa cách trong tình yêu đôi lứa:
“Ðôi khi thấy buồn
Vì yêu đời lính chiến bấp bênh triền sóng
Ðể em thương nhớ
Ðôi cánh chim trời tung cánh bạt trùng khơi...”
Vì thế, tình yêu của lính lúc nào cũng nồng nàn, say đắm và đầy những mộng mơ:
“Nhớ đêm hành quân, thân ướt mèm
Băng dòng sông loang trăng đầy
Lòng muốn vớt ánh trăng thề viết tên em!”
Ðể rồi tình yêu đó lại được thể hiện qua những cử chỉ và hành động hết sức đáng yêu:
“Có lúc muốn hái hoa rừng
Ðem gởi về em thêu áo
Và ngàn vì sao trên trời
Kết thành một chuỗi em đeo...”
Và, có khi, tình yêu của lính lại trở nên cuồng nhiệt, dữ dội và mênh mông:
“Khi lính đã yêu bướm ghen tình thắm
Khi lính đã yêu gió trăng ngẩn ngơ
Khi lính đã yêu rừng tàn núi lở
Tình còn vững bền muôn thuở
Bao la như lòng đại dương...”
Rồi những lá thư tình muôn thuở vẫn là phương tiện đẹp nhất, dễ thương nhất để biểu tỏ tình yêu của người lính chiến cùng người em yêu nhỏ bé:
“Biết chăng, thư này tràn đầy mến thương
Lòng sao vấn vương mỗi khi gối trăng đầu súng
Những khi chiều buông nhớ nhung người thương
Chốn xa xôi ngàn trùng
Chỉ mong rằng em không buồn vì chia ly
Yên lòng người chiến sĩ những ngày biệt ly...”
Và cũng chính nhờ những lần đôi ta trao gởi nhau phong thư ngào ngạt hương yêu kia mà người em gái hậu phương cảm nhận được tâm tình sâu kín của chàng trai nơi chiến tuyến:
“Giữa chốn núi rừng bâng khuâng nghe kể chuyện vui tranh đấu
Ghi tên em vào vách đá ven đồi để nhớ thương nhau
Khi xưa em thường hay mơ hay mộng nhiều khi chiều xuống
Không biết bây giờ em có hay hờn
Và thường hay khóc những khi chiều buồn cô đơn?”
Người lính chiến đợi chờ gì nhiều nhất? Chắc cũng chỉ ngồi chờ thư của em thôi, chứ đâu còn gì hơn nữa mà mong, bởi vì mặc dù trong đêm dài chiến tuyến đã có tiếng nói Dạ Lan nhõng nhẻo bên tai như rót mật vào hồn nhưng đó cũng chỉ là tâm tình chung chung của bao người em gái hậu phương trao gởi đến tập thể các anh chiến sĩ nơi tiền tuyến, trong khi bức tình thư ngát hương của từng người yêu bé nhỏ viết cho từng chiến binh đa tình mới là đáp số cho duyên thề đôi lứa và cho ai đó có những niềm riêng:
“Từ bàn tay tiên, nắn nót từng nét gởi cho anh
Ðể anh vui bước đường quân hành...”
Vì thế, những khi Tết đến, Xuân về nơi tiền đồn heo hút trong nỗi nhớ nhà da diết, người lính chiến tay ghìm súng chờ giặc mà lòng luôn khắc khoải trông thư:
“Chờ em, một lá thư Xuân
Nhớ thương gom đầy
Cho chiến sĩ vui miền xa xôi...”
Người lính lúc nào cũng chấp nhận chia phôi trong tình yêu đôi lứa, coi ngăn cách là do định mệnh an bài, nhất là khi nước non đang gặp cảnh chinh chiến điêu linh:
Nam nhi “cổ lai chính chiến hề”
Nào ai ngại gì với gió sương?
Trong bối cảnh chung của Miền Nam Việt Nam với bao chàng trai thế hệ đứng lên đáp lời sông núi, lên đường tòng chinh để bảo vệ đất nước đang bị nạn Cộng Sản xâm lược:
“Người đi giúp núi sông
Hàng hàng, lớp lớp chưa về
Hàng hàng nối tiếp câu thề
Giành lấy quê hương...”
Dù yêu nhau tha thiết đến mấy, đôi bạn lòng cũng đành phải chấp nhận chia xa, nếu không nói là phải cố vui lên, dù trong cuộc tình ngăn cách:
“Tình mình cao hơn núi non kia hùng vĩ
Nên vẫn vui câu biệt ly!”
Rồi lỡ khi có ai hỏi rằng “sao lâu quá không thấy về thăm quê, thăm em,” người lính xa nhà không khỏi cảm thấy bối rối:
“Có người gặp tôi
Hỏi “Sao lâu rồi không về thăm quê miền Trung?”
Dù thương vẫn thương
Nhưng non nước chưa yên bình
Quê hương còn nghiêng ngả
Biết trả lời sao?”
Cho nên, lời trần tình với mẹ già của người chiến binh xa gia đình lúc Tết đến cũng chính là lời nhắn nhe gởi tới người vợ hiền hoặc người yêu của lính về chuyện anh lính chiến năm nay không thể về nhà để kịp đón mừng Xuân mới:
“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu Xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ
Mà tin con vẫn xa ngàn xa...”
Nhưng mẹ yêu ơi –và em yêu ơi– hãy thấu cho lòng con –và lòng anh– vì ngoài tình yêu mẹ, yêu em, những người lính chiến gian khổ như con –và anh nữa– còn phải sống cho tình đồng đội “sống, chết có nhau,” như từng được nói lên qua ý nhạc “cùng chung đời lính thương nhau khác chi nhân tình” trong ca khúc “Huynh Ðệ Chi Binh” rất thịnh hành thời chinh chiến:
“Con biết không về mẹ, chờ, em trông
Nhưng nếu con về bạn bè thương mong
Bao lớp trai hùng chào Xuân chiến trường
Không lẽ riêng mình yên ấm?”
Cho nên:
Mẹ ơi! Con Xuân này vắng nhà...
Vậy thì, em yêu ơi, xin em hãy hiểu rằng chuyện hai phương trời cách biệt của đôi uyên ương giữa mùa ly loạn là chuyện cổ kim thường tình:
Làm người yêu lính chiến mấy ai tròn đôi...
Nhưng chàng trai lính chiến có biết người em gái hậu phương nghĩ gì về mình không? Lâu rồi, có lẽ từ dạo mới bắt đầu yêu nhau lận, em vẫn băn khoăn tự hỏi:
“Anh ơi, sương gió dãi dầu
Màn đêm chiến tuyến có buồn nhớ nhau?
Khi mưa giăng sầu vào đời
Tình người lính chiến nhớ nhau vì đâu?”
Tâm tình người em gái hậu phương, có lẽ anh yêu cũng biết đó, thì lúc nào cũng nồng nàn tha thiết:
“Rồi ngày nay
Tiễn anh trai hùng lên đường
Em ở phố phường
Ðợi người biên cương
Niềm vui sống nơi hậu phương
Là tình yêu hiến dâng sa trường
Ðẹp lòng người gió sương...”
Biết bao lần, em đã ngồi thức khuya lơ, khuya lắc giữa khung cảnh vắng lặng của đêm trường để viết thư cho anh yêu:
Gởi về anh một lá thư em viết bên đèn khuya
Thời gian len lén, đi mãi không ngừng, đêm tối mơ hồ...
Có khi, em còn ngồi đan áo cho anh nữa. Ðan lên những tấm khăn choàng và những chiếc áo ấm để gởi ra sa trường cho các anh chiến sĩ Cộng Hòa đang chịu cảnh lạnh lùng ngoài biên giới luôn là một việc làm vừa trìu mến vừa đầy ý nghĩa của biết bao người em gái hậu phương tại miền Nam Việt Nam trong thời chiến. Bộ anh không nhớ rằng một người bạn phi công chiến đấu của anh cũng đã từng “thắt lại khăn ấm chính em đan” lúc cất cánh lên đường hành quân đó sao?
“Thao thức đêm này không biết là bao
Ngơ ngác canh trường đếm mấy vì sao
Còn đây em ngồi đan áo
Áo em đan thành chiến bào
Ấp yêu trong nghìn khuya sầu...”
Và đây là tâm tình người yêu bé nhỏ nơi phố phường đợi chờ anh lính chiến chốn biên cương:
“Bạn lòng ơi, đêm nay sao lạnh quá
Anh biết không em chờ, mà anh vẫn chưa về
Ðể năm tháng ơ thờ
Ðêm này là bao đêm nhớ về anh?”
Nhưng, hỡi anh yêu, bao giờ thì chúng mình thành đôi? Bao giờ thì anh mới có ngày về bên em? Em nghĩ chắc chúng mình phải đợi chờ cho đến ngày hòa bình trở về trên quê hương quá:
“Hẹn em khi nước non yêu vui
Mùa Xuân ngày đó riêng đôi mình...”
Ngày đó chính là ngày tàn binh lửa, khi người lính chiến trở về:
“Ngày đó quay tàu anh tìm lối về
Mình đi giữa trời nhiều hoa lá bay
Chờ anh, em nhé!
Hẹn em ngày mai có người nhặt hoa sóng về
Kết thành vòng hoa mỹ miều
Trao làm hoa cưới cho ta đẹp đôi...
Và đến lúc đó thì hình ảnh đẹp nhất trong tình yêu đôi lứa chúng ta cũng như trong tình quân, dân cá nước chính là cảnh đoàn tụ trong ngày chinh chiến tàn:
“Anh sẽ là anh đàn em nhỏ
Là con của mẹ, giữ quê hương”
Phải chăng, những hình ảnh tươi đẹp, rạng rỡ đó của quê hương mình chỉ có thể có được khi đất nước đã sạch bóng quân Cộng Sản, khi nền tự do, dân chủ đã thực sự được “đắp xây cho muôn đời” qua những “nhịp cầu mến thương gieo muôn ngàn nơi” giữa mùa “Xuân thanh bình rộn ràng bao lòng trai”? (V.P.)
Lời tác giả: Bài này không thể nào được viết nên nếu không nhờ mượn những ý nhạc và lời ca đặc sắc, nồng nàn muôn thuở của các nhạc sĩ tài hoa tại miền Nam Việt Nam hồi trước 1975 với dòng nhạc tình mùa chinh chiến bất hủ từng chiếm ngự trái tim và tâm hồn của bao thế hệ thanh niên miền Nam tự do, kẻ mất, người còn, trong cuộc chiến tự vệ của Việt Nam Cộng Hòa chống lại cuộc xâm lược của Cộng Sản Bắc Việt hồi hạ bán thế kỷ trước. Người viết bài này, nơi đây, xin chân thành cảm tạ và ghi nhận đóng góp của các nhạc sĩ có tác phẩm được trích dẫn trong bài viết: Lam Phương, Nguyễn Hữu Thiết, Trần Thiện Thanh, Anh Chương, Nguyễn Văn Ðông, Y Vân, Huỳnh Anh, Phạm Duy, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Trúc Phương, Anh Thy, Phạm Ðình Chương, Duy Khánh, Trịnh Lâm Ngân, Minh Kỳ, Hoài Linh... qua các nhạc phẩm: “Người Tình Không Chân Dung,” “Chàng Là Ai,” “Người Yêu Của Lính,” “Màu Áo Hoa Rừng,” “Tình Quê Hương,” “Tình Thư Của Lính,” “Một Trăm Phần Trăm,” “Ðêm Dài Chiến Tuyến,” “Cánh Hoa Thời Loạn,” “Trả Lại Em Yêu,” “Thanh Niên Hành Khúc,” “Không Quân Việt Nam,” “Hàng Hàng Lớp Lớp,” “Ðôi Ngã Ðôi Ta,” “Chúng Mình Ðẹp Ðôi,” “Hái Hoa Rừng Cho Em,” “Vùng Biển Trời và Màu Áo Em,” “Cánh Thư Ướp Hoa Rừng,” “Tình Lính,” “Anh Về Với Em,” “Lính Nghĩ Gì,” “Ðồn Vắng Chiều Xuân,” “Anh Ði Chiến Dịch,” “Biết Trả Lời Sao?”, “Xuân Này Con Không Về,” “Lá Vàng Rơi,” “Tình Hậu Phương,” “Anh Tiền Tuyến, Em Hậu Phương,” “Huynh Ðệ Chi Binh,” “Gởi Về Anh,” “Nghìn Khuya,” “Về Ðây Anh”... Cũng xin thành thật cáo lỗi cùng các tác giả và độc giả khi, vì những thiếu sót trong việc sưu tầm, một số nhạc sĩ và nhạc phẩm được trích dẫn trong bài viết nhưng lại không được nhắc tới nơi đây. (V.P.)
* Saroyan Vann Phan
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment