Friday, November 21, 2008

Tưởng nhớ cố T/U Nguyễn Đức Chính (SVSQ 10B/72 ĐĐ)



XUÂN LẠI VỀ
TRẦN ĐÔNG KINH


Tưởng nhớ cố T/U Nguyễn Đức Chính (SVSQ 10B/72 ĐĐ)
và những đồng đội đã bị sát hại trong các trại tù cộng sản.


Thu đi, đông về rồi xuân sẽ đến sau cái mùa đông lạnh lẻo tàn lụi dần của mỗi năm, ngồi tính lại từ ngày rũ áo chinh nhân đến nay đã 33 mùa xuân đi qua, nhìn qua gương với mái tóc mình còn chẳng mấy sợi tóc đen. Tuổi già kéo đến, bệnh tật vây quanh cái thân xác rã rời vì phải vật lộn với cuộc sống bon chen nơi xứ người bằng thân phận kẻ ly hương sầu cố quốc, mòn mõi lê từng bước nặng trĩu để bước vào cái tuổi “Đáo Tuế” của một kiếp nhân sinh.

Xuân lại về với muôn ngàn nổi nhớ miên man, những kỹ niệm buồn, vui, thương, hận trong quá khứ hiện về rõ mồm mộp như những chuyện mới vừa xảy đến hôm qua. Đôi khi trong giấc ngũ những câu chuyện ngày xưa xuất hiện trong tiềm thức, trong cơn mơ như một cuốn phim cũ được quay lại. Tuổi thư sinh với màu áo trắng học trò, mài mòn đủn quần trên ghế gổ của những mái trường xưa yêu dấu. Rồi “Mùa Hè Đỏ Lửa 1972” đậm nét lửa máu trên quê hương tang tóc điêu tàn vì bom đạn của chiến tranh, Trị thiên vùng dậy, Kontum kiêu hùng và rõ nét nhất là chứng tích “Bình Long An Lộc” với trang sử oai hùng và đau thương đối với binh chủng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù mà mọi người dân Miền Nam lúc bấy giờ không ai có thể quên được.

“An Lộc Địa sử ghi chiến tích
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân”

Thế là chúng tôi đành xếp lại việc bút nghiên theo “Tiếng Nói Động Viên” trong tình trạng khẩn trương của đất nước. Một lũ chúng tôi đi vào Quân đội khoác áo chinh nhân làm thân lính chiến_những tưởng đóng góp một phần xương máu trong chúng tôi để gìn giữ quê hương bảo vệ miền Nam VN thoát khỏi nanh vuốt của bọn Cộng Sản vô thần. Nhưng không ngờ chúng tôi cũng phải buông súng đầu hàng một cách tức tưởi cho dù binh hùng tướng mạnh bởi sự phản bội của người bạn đồng minh do sự giựt dây của một nhóm người có cái tên gọi là “Phản Chiến”.

Một số rất nhỏ trong anh em chúng tôi thoát được ra khỏi nước rồi đi định cư ở một nước thứ ba, cũng một số nhỏ không chịu đầu hàng nhưng không can đảm tự sát như Ngũ hỗ Đại Tướng Anh Hùng “Nam, Hưng, Phú, Vỹ, Hai” mà họ đã tự ly khai đơn vị đi vào rừng sâu những mong tìm đường “Cứu Quốc”. Nhưng rồi họ cũng bi lũ soái lang truy bắt giết hại hay hành hạ cho đến chết trong ngục tù hoặc cũng đã làm mồi cho thú dữ. Đa số còn lại bị đưa vào “trại tập trung cải tạo”, một mỹ từ để che đậy một trại tù khổ sai, nơi đó họ đang trả thù Quân Cán Chính miền Nam một cách văn minh tàn độc nhất trong hậu bán thế kỹ thứ 20. Lũ chúng tôi hầu hết đã làm thân trâu ngựa trong những trại tù này, một số không ít đã chết vì kiệt sức, đói khát, bệnh tật và một số không chịu nỗi những khắc nghiệt, nhục nhã nên phải tìm phương vượt thoát, nhưng hầu hết đều bị bắt lại xử bắn tại chổ hoặc làm mồi cho thú dữ trong rừng sâu_ít có người trốn trại mà thoát ra được nước ngoài.

Một câu chuyện thương tâm và quá đau lòng mà tôi chỉ mới biết tin từ hơn một năm qua “Bạn tôi” một SVSQ 10B/72, một T/U của QLVNCH, hắn đã bị bắn chết trong trại tù cộng sản khi tìm đường vượt trại mà không thoát. Hắn là NGUYỄN ĐỨC CHÍNH, người bạn cùng khóa, là KS/DBSQ cùng ĐĐ 103F, TĐ Trương Tấn Bửu, liên đoàn B thuộc Trung tâm huấn luyện Quang Trung, có một kỹ niệm giữa tôi và hắn tuy là ngắn ngủi nhưng không thể nào quên.



Tình Đồng Đội

Tôi và hắn ngẩu nhiên trở thành đôi bạn trong tuần lễ ứng chiến vào khoảng tháng 01/1973 trong một ngôi Đình trên bờ sông Gò Vấp để giữ an ninh mặt hậu của kho Quân Cụ trong những ngày Tết Nguyên Đán. Chúng tôi chẳng phải là đôi bạn thân trước đó, không là tâm giao tri kỷ và cũng chẳng phải là nối khố tri bỉ của cái thời áo trắng học trò. Chúng tôi cùng ngũ chung một lều vải của lính mà mỗi người ½ tấm ráp lại lúc đi ứng chiến, Chính là một thanh niên nói tiếng Bắc Hà Nội khàn khàn nghe rất hay và rất dễ chinh phục người nghe, dáng vấp nho nhã khiêm tốn nhưng rất phong trần và có vẻ hơi bất cần đời. Tính hoạt bát và tháo vát trong nhiều công việc nên được hầu hết khóa sinh đồng đội thương mến, Chính đã được toàn đại đội đề cử làm khóa sinh Đại Đội Trưởng trong suốt giai đoạn 1 tại trung tâm huấn luyện Quang Trung.

Thật là ngẫu nhiên cho sự gần gủi, thân thiện giữa tôi và Chính trong khoảng thời gian này dù không hơn một tuần lễ nhưng trong ký ức tôi không thể phai nhòa một chút nào kỷ niệm. Từ lúc biết được tin Chính đã gục ngã trước họng súng man rợ của bè lũ sói lang, tâm tư tôi quá đỗi bàng hoàng- đôi khi trong giấc ngũ tôi còn nghe văng vẳng bên tai tiếng còi mà Chính đã thổi theo nhịp bước quân hành khi điều động đại đội di chuyển “1,2,3,4….1,2,3,4…..” hay là tiếng bắt giọng cho bài ca “Trên đầu súng quên hương Tổ Quốc đã vươn mình…trên lưỡi lê căm hờn hờn căm thôi gục ngã 2…3…..” và tiếng hô “thao d.i..ễ…n…..”NGHĨ”-N.G.H.I..Ê…M….” khi Chính tập họp đại đội để trình diện cho cán bộ đại đội trưởng-cái giọng Bắc khàn khàn của hắn vẫn còn vang vọng từ một cõi xa xăm nào đó giọng về. Thôi rồi, Chính đã gục ngã trong hờn căm tủi nhục của một người lính thua trận_thật là đau xót cho anh, cầu xin Thượng Đế ban bố cho anh sự an lành nơi chốn bình yên (Nghe tin nhưng không được chính xác: T/U Lai cán bộ đại đội trưởng 103F cũng cùng vượt trại và cùng bị bắn chết với Chính điều này không biết có thật hay không).
Những ký ức về con người của Nguyễn Đức Chính còn lại trong tôi rất đẹp_tôi nhớ_đêm giao thừa 30 Tết, sau phiên gác của tôi khoảng 2 giờ sáng mồng 1 Tết khi chui vào lều để tiếp tục ngũ, tiếng khua động giữa khẩu M16 và dây đạn 7 băng đã làm Chính thức giấc_hắn hỏi tôi “mấy giờ rồi Đ…?” tôi nói:
-“2 giờ 10 của năm mới rồi đó xếp ơi!” (tôi thường đùa và gọi hắn là “CHIEF” không ăn chuối).
Hắn ngồi bật dậy như một cái máy, rồi đưa tay về phía đầu nằm vối chụp lấy dây T.A.B và bình ton nước, hóp một ngụm sục sục rồi vạch lều phun ra ngoài, vừa hỏi tôi:
-Còn thuốc lá không mậy?
Tôi vừa trả lời “còn” vừa rút từ trong túi áo đưa cho Chính bao thuốc BASTOS LUXE vàng cho hắn. Chính cầm lấy nhưng lại bỏ lại trên tấm chiếu ny lông rồi vén lều đứng dậy bước ra ngoài vừa đi hắn vừa nói:
-Tao phải đi một vòng mới được.
Nói rồi hắn vội vã bước đi trong màn đêm trừ tịch_Vì hắn là đại đội trưởng khoá sinh nên không có giờ phiên gát như những khoá sinh viên, mà hắn chỉ có nhiệm vụ tuần tra đốc canh mà thôi. Bóng Chính vừa khuất trong tầm nhìn, tôi với tay tìm bao thuốc lá rút một điếu châm lửa rồi ngã đầu trên chiếc ba lô rít một hơi thuốc dài và hít sâu vào phổi cho thật đã, tôi nhã làn khói qua ánh sáng lờ mờ của điếu thuốc bay lên nóc lều rồi tự tan biến đi. Tôi nhắm mắt lại suy nghĩ miên man, vị đắng của điếu thuốc lá đen thắm trên bờ môi và thắm sâu tận đáy tâm hồn với một tâm trạng ưu tư, buồn, thương, nhớ_ vì đây là cái đêm giao thừa của cái Tết đầu tiên trong cuộc đời quân ngũ và cũng là lần đầu tiên mà tôi phải xa nhà trong cái giờ phút thiêng liêng truyền thống này.


Chính trở lại vén lều chui vào cũng là lúc tôi vừa tàn điếu thuốc, hắn vừa thu dọn chổ nằm vừa hỏi:
-Ngũ rồi sao mậy? thuốc đâu rồi cho tao đốt một điếu.
Tôi trã lời với giọng nhừa nhựa buồn ngũ:
-Ngũ sao được mà ngũ, cái Tết đầu tiên xa nhà tao cảm giác làm sao ấy! Mầy thế nào nói tao nghe với.
Hắn không trả lời tôi mà chỉ đưa lại cho tôi bao thuốc sau khi gắn điếu thuốc lên môi bật lửa, hắn rít liên tiếp mấy hơi dài một cách ngon lành vừa nhã khói vừa trả lời tôi với giọng buồn buồn:
-Tao thì chả cảm giác mẹ gì, những cái tết vừa qua tao cũng lang thang với mấy thằng bạn, năm nay vào đây thì cũng là con “Bà Phước” có ma nào thăm viếng gì đâu, vẫn thế! vẫn thế! vẫn là cô lữ đêm đông không về nhà_sau một hơi thở dài và rít một hơi thuốc lá đen hắn cất tiếng hát nho nhỏ chỉ vừa đủ 2 đứa nghe trong đêm vắng sắp tàn canh với giọng hát trầm buồn và khào khào của hắn nghe cũng dễ bứt ruột lắm.

“Đêm đông … ! ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương…..đêm đông ta lê bước chân phong trần tha phương….có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà.”

Chính dứt tiếng hát hình như có tiếng nấc và uất nghẹn trong cổ họng, tôi nghĩ có lẽ nội tâm có chuyện buồn gì đó mà hắn không tiện nói ra mà cứ để trong lòng nên có lúc thấy trên gương mặt có nét đăm chiêu suy tư khi đứng một mình và đốt thuốc liền tay, Chính lại đốt thêm điếu thuốc nữa tôi cố tình lái sang chuyện khác và thiếp đi lúc nào không hay cho đến khi nghe tiếng còi tập họp đại đội của Chính tôi mới choàng dậy. Tôi vội vàng chỉnh trang quân phục chạy vào hàng quân tập họp để trở về vị trí một ngày bình thường của người khoá sinh/DBSQ giai đoạn 1 đi ứng chiến Tết. Tôi và Chính suốt 7 ngày đêm thường hay tâm sự khi nằm chung với nhau trong lều vải những buồn vui và thế sự của cuộc đời. Hắn đã nói với tôi về những mơ ước thật bình thường không cao vọng nếu một mai hắn không còn làm thân lính chiến. Chính nói:
-Nếu tao không chết ở chiến trường thì tao mong mõi được lành lặn và đầy đủ tay chân khi trở về đời sống dân sự, tao rất sợ khi trở về trên đôi nạng gổ hay phải ngồi trên chiếc xe lăn. Thà là được phủ màu cờ và lên “LON” giữa 2 hàng nến một lần trong vinh quang còn hơn là kéo lê suốt một kiếp người bằng một mãnh thân tàn phế. Rồi Chính ngâm nga:

“Ước mơ bé nhỏ vô cùng
Một gian nhà nhỏ đôi giòng khoai lang
Thế thôi mà lại mười phương
Hai mươi năm lẽ chưa tròn ước mơ”

Niềm ước mơ của Chính thật là bình dị thế mà hắn cũng không có được trong cuộc đời-Chính đã nằm xuống, chưa chắc gì đã có một chiếc quan tài gói xác thì nói chi đến chuyện phủ màu cờ và lên “LON” giữa 2 hàng nến chong-ôi! Xót xa thay một kiếp người!



BÂY GIỜ ANH PHỦ MÀU CỜ-ANH LÊN “LON” GIỮA 2 HÀNG NẾN CHONG

Tuần lễ ứng chiến trôi qua chúng tôi trở lại quân trường chuẩn bị cho buổi lễ gắn “Alpha” tạm cho 8 tuần Chiến Dịch để tuyên truyền cho cái Hiệp Định Paris vừa ký, Có lẽ trong QLVNCH chỉ có duy nhất khoá 10B/72 là khoá duy nhất có 2 lần làm lễ gắn “Alpha” và tại trung tâm huấn luyện Quang Trung lần đầu tiên và duy nhất có buổi lễ gắn “Alpha” cho KS/DBSQ có 2 con cá vàng trên bâu áo để đi chiến dịch. Thế là bọn tôi cũng tạm chia tay mỗi người mỗi nẻo trên khắp các tiểu khu cũa Quân Đoàn 3&4 chiến thuật. Từ đó tôi và Chính không còn gặp nhau cho đến khi chiến dịch kết thúc rồi chúng tôi cùng trở lại quân trường để sửa soạn ngày lễ hoàn tất giai đoạn căn bản quân sự rồi tiếp tục lên đường thụ huấn giai đoạn 2 Đồng Đế.

Có một câu chuyện vui vui và cũng khá buồn cười mà có lẽ chỉ có khoá 10B/72 mới có mà thôi_câu chuyện thế này, khi kết thúc chiến dịch trở về quân số khoá chúng tôi vào khoảng 1.100 người, có lệnh từ Cục Quân Huấn là phân nữa phải đi Đồng Đế thụ huấn giai đoạn 2 còn một nữa được đưa sang trường Bộ Binh Thủ Đức và sẽ có cuộc bắt thăm hên xui rồi cuộc bắt thăm được tiến hành và có kết quả. Lệnh từ BCH/TTHL Quang Trung cho phép chúng tôi được hoán đổi nếu có sự thoả thuận của đôi bên. Hầu hết những khoá sinh thuộc vùng 3&4 chiến thuật điều muốn thụ huấn giai đoạn 2 ở Thủ Đức và đa số ở vùng 1&2 thì lại muốn thụ huấn ở Nha Trang. Thế là có một cuộc thương lượng trao đổi có điều kiện xảy ra_Tôi thì trúng thăm đi Nha Trang, tôi cũng muốn tìm người trao đổi để được ở lại Thủ Đức nhưng không có đành chịu, Chính thì trúng thăm Thủ Đức nhưng không hiểu vì lý do gì mà hắn lại hoán đổi cho người bạn học cũ ở lại Thủ Đức không điều kiện, tôi thắc mắc thì hắn vừa cười vừa trả lời:
-Tao muốn đi Nha Trang với mày cho có bạn.



VƯỢT CẦU DÂY

Tôi biết câu trả lời này của Chính không thật nhưng nội dung câu nói cũng làm cho tôi cãm xúc một phần.Trớ triêu thay! đến giờ thứ 24 thì một Quân Lệnh sau cùng từ cục Quân Huấn là cả khoá 10B/72 đều đi thụ huấn giai đoạn 2 ở trường HSQ Đồng Đế, Quân Lệnh này đã làm vở khóc vở cười một số khoá sinh vì muốn được gần gia đình nên phải mất đi một số hiện kim hay hiện vật. Thế là chúng tôi lên đường trực chỉ Nha Trang:

“Đồng Đế đêm ngày nghe sóng vỗ
Dây tử thần không làm bận chí nam nhi”



Đời Lính Phong Sương

Tôi và Chính ít liên lạc hay gặp nhau từ dạo đó, bởi vì khi được đưa ra Đồng Đế thụ huấn giai đoạn 2 thì mỗi đứa ở riêng một đại đội nên suốt giai đoạn 2 tôi và Chính chỉ gặp đôi lần gì đó ở câu lạc bộ hay quán chè Đông&Tây mà thôi. Cho đến ngày mãn khoá chúng tôi ra trường mỗi đứa đi về một nơi, tôi cũng không biết Chính về đơn vị nào và ngược lại cho đến khi biết được hắn không còn trên cỏi đời này nữa.
Có một chút bàng hoàng và xốn xan tận đáy lòng, hai mắt cay xoè và hình như có những giọt nước mắt đang rơi xuống lúc nào tôi chẳng kiềm được khi hay tin Nguyễn Đức Chính không còn nữa_Tôi khóc đây không phải cho riêng mình Nguyễn Đức Chính mà tôi khóc cho tất cả những người đã nằm xuống một cách nghiệt ngã như tôi đã chứng kiến và chính bàn tay tôi đã có tham gia đào đất chôn xác 2 người bạn tù bị bắn chết trong trại tù Cây Cầy “A” Đồng Ban, Tây Ninh đó là Cố Tr/U TQLC Nguyễn Nguyên Hoàng (K25/VB Đà Lạt) và cố HQTr/U Mai Vỹ Hạnh, và có thể còn rất nhiều người giống như vậy trong những trại tù từ Nam ra đến Bắc.

Nguyễn Đức Chính, Nguyễn Nguyên Hoàng, Mai Vỹ Hạnh v…v….!!! ! ! ! các anh đã nằm lại trên quê hương một cách tức tưởi, đau đớn và căm hờn_thôi các anh hãy yên nghĩ và nghe trong gió tiếng thở than oán hận về số phận điêu linh của dân tộc VN trong 33 năm qua dưới sự thống trị độc tài của đảng CSVN-chúng tôi những người còn lại trên cõi đời này luôn nhớ đến các anh, những đồng đội đã một thời cùng kề vai chiến đấu. Kính xin truy tặng hương linh các anh bài thơ “NGÀY LÊN ĐƯỜNG” của nhà thơ lính PHAN LẠC GIANG ĐÔNG.

Ngày lên đường- Cha đi chiến đấu
Không có gì để tặng con thơ
Dòng họ di truyền một bầu máu nóng
Chảy nồng nàn trong thân thể Cha

Ngày lên đường- Cha không nhớ rõ
Sớm thu buồn hay sương lạnh đêm mưa
Xa xôi quá! làm sao nhớ được
Ngọn cỏ ưu phiền giăng bước chân khuya

Gươm Can Tương un hồn thiêng sông núi
Chôn nghìn năm trên chót vót non cao
Cha để đó! Con tìm cho thấy
Gươm Tung Hoành gió lộng ngàn sao

Hành lý đời Cha hồn mây phiêu bạt
Đếm âm thầm từ độ đông qua
Quan san đó ngàn người dong ruổi
Bạc áo phong trần bạc hết ngày xanh

Hoài bão đời người theo từng chiếc lá
Rụng lối về ngập cả đường xa
Nếu một mai theo bạn bè nằm xuống
Để lại cho con bát máu hồng

Chiến bào đó con mặc vào che lửa đạn
Ngựa hồng ơi! Hãy giục vó câu
Rừng thu rồi cũng thay màu lá
Màu lá xanh ngời nhịp thúc tiếng ca

Nguyễn Đức Chính! Bây giờ anh đã ngũ yên rồi, tôi và các đồng đội khoá 10B/72 còn tồn tại trên quả đất luôn luôn tưởng nhớ đến anh người bạn đồng ngũ đã một thời ôm súng trận giữ Quê Hương. Hôm nay dù nước đã mất nhà đã tan nhưng cái tên Nguyễn Đức Chính sẽ bất diệt trong lòng tất cả những đồng đội khoá 10B/72 nơi này.
Rồi mùa xuân thứ 36 lại về kể từ lúc tôi và anh không còn nằm chung trong lều vải nữa- sau cái đông tàn lạnh lẻo này. Tôi đang nhớ đến anh và nhớ tất cả những kỹ niệm tôi và anh có được tuy bất chợt ngắn ngủi nhưng rất ấm áp nồng nàn trong trong cái thâm tình đồng đội. Tôi đang nghe Thiên Kim hát bài “cuộc chờ vô vọng” hay quá! hãy cùng thưởng thức với tôi Chính nhé!



“Này hởi người tình! Sao anh không lại? sáng nay con chim hót trên đồi thương nhớ!-
Này hởi người tình! sao anh không về? tối qua em nghe gió trên đồi than van!
Hè đến thu qua đông sang, mùa xuân héo khô bao dung nhan mà chưa thấy anh về_em ngồi chờ một mình!
Nhà trống mênh mang mênh mang, từng cơn gió du sang du sang ngỡ chân bước anh về_ơi hởi gió ơi!
-Này hởi người tình! Sao anh biền biệt? phải chăng anh không có trên trần gian nữa!
-Là hết đợi chờ! Thôi anh yên ngũ_tháng năm có tiếng gió trên đồi thở than.

Chào vĩnh biệt Nguyễn Đức Chính
Cuối THU 2008



1 comment:

  1. Thân Kính tặng quý anh bài viết cho SVSQ Khóa 10B72 Nguyễn Đức Chính của SVSQ Trần Đông Kinh K10B72 .

    Ngươì bạn thuộc Đại Đội F / Thiếu Úy Lai / Quang Trung
    Đại Đội Trưởng Khóa Sinh , di hành hợp ca " Những Đồi Hoa Sim"
    Cùng ứng chiến kho đạn gò vấp và cùng bốc thăm đi Thủ Đức nhưng đổi lấy vài ngàn đi uống beer chơi cho quên đời và cùng nhau về vùng Nha Trang cát trắng, những buổi đi phép lang thang trên hè phố vì là "Con bà Phước" và "thêm cơm thêm trà đá không tính tiền"

    Cám ơn SVSQ 10B72 Trần Đông Kinh đã nhắc đến những người bạn khó quên trên đời.

    Tổ Quốc Việt Nam luôn ghi ơn "Anh Hùng Nguyễn Đức Chính 10B72 và Những anh Hùng muôn thuở của Việt Nam Cộng Hòa"

    ReplyDelete