Sunday, December 23, 2007

Chuyen Nguoi Thuong Binh / Tran Cong Dinh 10B72

Câu Chuyện Người Thương Binh

Lần đầu tiên khi trở về VN vào mùa Hè/2000, và điều đầu tiên tôi nghĩ đến là đi thăm một người thương binh VNCH. Hắn là Thiếu Úy Phạm Minh Châu, chi đội trưởng của chi đoàn 1/ Thiết đoàn 10 kỵ binh/ SĐ 25BB. Thiếu úy Châu tốt nghiệp khóa 9C/72 đồi Tăng Nhơn Phú CƯ AN TƯ NGUY và cũng là người bạn đồng hương thân thiết từ khi còn mài mòn đũng quần dưới mái trường trung học. T/U Châu, hắn đã bỏ lại một đoạn chân trái từ nữa đùi trên ở chiến trường Bình Dương trước 30/04/75 khoảng vài tuần lễ. Cũng như những người thương binh khác, hắn bị đuỗi ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa ngày 02/05/75 khi vết thương còn rỉ máu, thật là quá tàn nhẫn đối với những người thương binh VNCH trong giờ thứ 25 của cuôc chiến.

Tôi đến thăm Châu một lần trước khi bị đưa vào lò tàn phá dung nhan (nhà tù cải tạo) của Cộng Sản. Năm năm sau khi ra khỏi tù, trở lại thăm Châu – lúc bấy giờ hắn là một người thợ may què (hỏi thăm láng giềng họ chỉ đó là nhà của Châu què) trong căn nhà lá xiêu vẹo ở một vùng quê với người mẹ già và một người em trai bệnh hoạn. Hỏi thăm về cuộc sống, Châu trả lời: “đôi khi thì cũng đũ, nhưng chỉ là cơm với muối ớt hay tiêu kho quẹt – còn thường xuyên thì phải độn đọt mì, đọt lang hay chỉ là củ khoai mì, khoai lang mà thôi, khổ lắm mày ơi !”. Tôi không khỏi xót xa và không cầm được nước mắt sau tiếng thở dài cùa Châu hết sức não nuột. “Còn về đời sống tinh thần thì sao hở mậy?” tôi hỏi tiếp và Châu trả lời: “ban đầu thì cũng giấy mời họp tổ, học tập chính trị, thế này thế kia, nhưng tao lì chả thèm đi đâu cả, sau cùng bọn nó đưa Công an tới hù dọa đưa tao đi cải tạo” – “nếu các ông đưa tôi đi cải tạo có khi còn sướng hơn là tôi phải ngồi đây suốt với cái chân què trên bàn máy mà không đũ cái ăn, các ông muốn làm gì thì làm bụng đang đói tôi không thể đi họp , học gì cả” Châu đã trã lời với bọn tay sai quỉ đỏ như thế rồi sau đó bọn chúng thấy không thể làm gì được người phế nhân liều mạng này chúng đành thôi và không quấy rầy Châu nữa.

Từ đó, thỉnh thoảng tôi đến thăm Châu khi thì vài lít gạo, lúc ít con khô đù và cũng có khi một vài xị rượu đế với mấy con khô khoai và 2 đứa cùng nhăm nhi cùng kễ nhau nghe chuyện đánh đắm ngày xưa. Đó là những lúc tôi thấy Châu vui như pháo tết và say sưa kễ lại những cuộc chạm súng với cộng quân trên chiến trường Bình Dương trong những ngày tàn của cuôc chiến. Lúc kết thúc những câu chuyện này thì thường thì là những tiếng than trong hơi thở dài ngao ngán “Than ôi ! thời oanh liệt nay còn đâu”.

Trước ngày lên máy bay đễ xa rời đất Mẹ VN, tôi đến thăm Châu để từ giả tôi nói “thôi mày hãy cố gắng tồn tại trên quả đất này và hy vọng tao mày sẽ gặp nhau và uống rượu đế” sau câu nói này của tôi thì từ nơi khóe mắt Châu 2 dòng nước mắt tuôn dài, tôi bước vội đi thật nhanh mà không dám quay nhìn lại. Trong đầu tôi đang nghĩ Châu đã mất tất cả; một phần thân thể cho quê hương, tương lai, tình yêu (nàng của Châu cũng đã biệt vô âm tính sau khi đưa Châu từ vĩa hè Tổng Y Viện Công Hòa về đến gia đình Châu đễ kết thúc một chuyện tình thời chinh chiến) và sự nghiệp. Thời gian qua, thỉnh thoảng tôi đến với Châu trong cái tình tuổi học trò và tình huynh đê chi binh, cái còn lại duy nhất trong cuộc đời của người phế binh bất hạnh, rồi bây giờ nó cũng sắp sửa mất luôn. Chắc là không còn nỗi đau nào hơn nữa đến với nó, thần sắc nó lúc này giảm đi rất nhiều, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đó là lần sau cùng tôi gặp nó, Châu đã vĩnh viễn ra đi sau hơn một năm tôi rời bến khổ.

Nghe Má Châu nói lại, trong những ngày bệnh trỡ nặng, và trước lúc trút hơi thở sau cùng Châu còn thiều thào hỏi Má, “thằng Đ..(tên tôi) có thư về thăm con không Má ? – Tôi rất ân hận vì đã không viết thư thăm Châu trong những ngày đầu tôi đến Mỹ, mãi đến gần 2 năm sau tôi mới viết thư về thăm hắn và chẳng bao giờ nhận được hồi âm. Sau đó tôi đưa bà thăm mộ Châu, nhìn hình ảnh người Mẹ già lưng còng gối mõi đã và đang khóc măng non khiến lòng tôi quá đổi đau lòng, tôi dang rộng đôi tay ôm choàng lấy tấm than gầy guộc của Bà và thiều thào, “ xin Bác dằn bớt cơn đau buồn, cháu sẽ thay Châu làm con trai của Bác”. Tiếng khóc càng nức nở hơn sau câu nói, dường như tôi đã cho Bà thêm chút niềm vui và sức sống. Nhưng chĩ vài tháng sau khi tôi trở về Mỹ thì được tin Bà cũng đã ra đi và đến với người con trai bất hạnh của Bà.

Mùa GIÁNG SINH 2007 này qua hình ảnh T/U Lăng Tích Hương, người chiến sỉ mủ đỏ ngày nào, người bạn đồng môn khóa “BẤT KHUẤT”, người thương binh VNCH bị bỏ rơi nơi miền khổ nạn và cũng qua cái công viêc làm đầy ý nghĩ của anh em khóa 10B/72 {QUỶ TƯƠNG TRỢ ĐÔNG MÔN}. Tôi cũng đang tưởng nhớ đến T/U Châu người chiến sỉ mủ đen ngày nào, Anh đã yên nghĩ nơi cõi vĩnh hằng khi mới bước vào cái tuổi “TỨ THẬP NHI BẤT NGOẶT”. Xin thắp nén hương lòng cho bạn “T/U PHẠM MINH CHÂU”. Bất chợt nhớ đến bài thơ cũa người thi sĩ trây di PHAN LẠC GIANG ĐÔNG với đề tựa “Nói với thế hệ thứ ba để tiếp nối cuộc trường chinh tổ quốc”

Đã nhiều lần ta tìm trong ký ức

Không thấỳ gì ngoài máu lửa thù căm

Không thấy gì ngoài hàng hang lớp lớp

Bè bạn bỏ đời, rồi bè bạn đứng lên

Những ngọn cỏ xanh đã một lần đơm nụ

Đã tức tưởi miên trường , tức tưởi gảy ngang

Những ngọn cỏ xanh vùi rạn vào thân thể

Làm đá lót đường cho thế hệ thứ ba

Ôi ! chinh chiến đong đầy nước mắt

ĐÊM ĐÔNG Mùa GIÁNG SINH 2007

Trần Công Định

No comments:

Post a Comment