Những năm sau ngày 30-4-1975, các khu vực quanh chợ và bến xe tại Sài
Gòn đều bị giải tỏa. Nhà nước cộng sản cho xây dựng lại những khu chợ
mới để bộ mặt thành phố đẹp đẽ hơn. Trước khi có chiến dịch bố ráp, bắt
bớ quy mô, rầm rộ, những người cùng khổ bị xua đuổi đi nơi khác. Chúng
tôi phải tìm nơi cư trú mới nhưng ở cũng không yên, nay lay lất chỗ này
vài đêm mai lang thang chỗ nọ vài tuần, rồi lại dời đi nơi khác không có
gì ổn định.
Cuộc sống của những người cùng khổ cũng như loài chim cộng mạng kia.
"Chuyện xưa kể rằng ở xứ Thiên Trúc xa xôi có một loài chim mang tên
cộng mạng chi điểu. Suốt đêm ngày chúng nối cánh có nhau, nhưng vì
chúng có ba cái đầu nên mang ba ý muốn khác nhau. Trong khi cái đầu này
đang ngủ, cái đầu nọ muốn ăn và cái đầu kia lại muốn cất cánh bay cao.
Những cái đầu nhìn nhau xa lạ và còn thù ghét nhau. Chúng tự cắn mổ lẫn
nhau. Nhưng rồi mùa săn đến, những người thợ săn làm ra những cái bẫy để
bắt chúng. Chúng sa vào bẫy, vùng vẫy, gào thét trong tuyệt vọng, rồi
nhìn lại nhau và chợt hiểu rằng mặc dù chúng có ba cái đầu nhưng chúng
chỉ có một thân mình, một quả tim và một nỗi đau khi bị thương tật. Từ
đó chúng nguyện rằng khi thoát được cái bẫy ác độc này, chúng sẽ không
còn nhìn nhau xa lạ nữa và sẽ mãi nối cánh cùng nhau bay hết cuộc đời
còn lại".
Những người cùng khổ tại Việt Nam cũng vậy, họ đã theo
đuổi những mục tiêu, những khát vọng, đã khoác lên vai những lý tưởng
khác nhau và đã nhìn nhau như thù địch. Tập đoàn lãnh đạo cộng sản hiểu
ra điều ấy, đã khôn khéo làm ra những cái bẫy để bẫy dân, và dân chúng
hai miền Nam Bắc đã chỉ hiểu ra điều ấy khi đã kiệt lực và đau khổ. Cũng
giống như loài chim cộng mạng chi điểu, khi cái đầu này hiểu rằng nỗi
đau của cái đầu kia là nỗi đau chung, thì cái bẫy ác độc của chế độ đã
giữ chặt đôi chân của chúng mất rồi, chúng ta đã không còn biết xoay sở
làm sao để thoát khỏi bàn tay của nhóm thợ săn khôn khéo ấy. Chúng ta
phải cầu nguyện ngày nào thoát khỏi ách cộng sản vây trùm, chúng ta sẽ
thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau như người ruột thịt, vì chúng ta có
chung một thân phận Việt Nam, thân phận những người cùng khổ trong một
nước nghèo khó. Chúng ta đã cấu xé lẫn nhau để cho tập đoàn cộng sản
rảnh tay ly tán, chia rẽ để rồi tất cả đều bị triệt hạ.
Anh Ba Mỵ
đã từ miền Bắc vào Nam tìm kiếm người thân, nhưng không gặp. Anh nhìn
đứa con trai nằm co quắp ngủ dưới mái che của ngôi mả cổ mà lòng buồn
rười rượi. Năm 1954, chủ nghĩa cộng sản đã nhuộm đỏ miền Bắc. Vì gia
đình anh ở tận làng quê xa, Lỗ Xá, huyện Kinh Môn, nên đã không chạy
thoát ra được Hải Phòng để được chuyến tàu di cư cuối cùng chở những dân
tị nạn cộng sản rời Vịnh Hạ Long vào Nam hưởng cuộc sống tự do. Anh đã ở
lại để nghe lòng tan nát, ở lại để chứng kiến những cuộc đấu tố kinh
hoàng.
Chế độ cộng sản miền Bắc đã làm áp lực buộc người làm công
đấu tố chủ đất, học trò chống lại thầy dạy, bạn bè rình rập nhau như
người xa lạ, người có học thức và giàu có bị coi là kẻ thù của "giai
cấp". Có nhiều người vợ đầu hôm tay ấp bỗng quay ra tố cáo người chồng.
Tệ hại hơn nữa, chính con cái đứng ra tố cáo cả cha mẹ. Họ làm vậy để tỏ
ra trung thành với Đảng, nhưng để được cái gì ngoài số phận được làm
tôi đòi. Anh Ba Mỵ ngơ ngác nhìn những người thân quen xưa hò hét khản
cổ, đi theo đám biểu tình hoan hô những lãnh tụ cộng sản. Tới lượt cha
anh bị kết tội là Việt gian hạng nặng vì nói được tiếng Tây, gia đình
anh bị tịch thu hết ruộng đất, mà ruộng đất có rộng là bao, vỏn vẹn chỉ
ba sào. Thật là buồn, người ta đã không từ bỏ một thủ đoạn nào để triệt
tiêu những gia đình bị coi là địa chủ.
Chủ nghĩa cộng sản không
muốn dừng lại trên miền đất Bắc, tập đoàn lãnh đạo cộng sản phát động
cuộc xâm chiếm miền Nam. Đã có những năm tháng, quân đội Hoa Kỳ, đồng
minh cũ của miền Nam, cho máy bay ra oanh tạc miền Bắc. Tuy không dám
nói ra, trong lòng anh mơ hồ nhen nhúm nỗi vui mừng và thỏa mãn. "Máy
bay ơi, bỏ bom cho khéo nhé kẻo trúng phải nhà dân. Hãy bỏ cho trúng ổ
bọn chọc gậy xuống ao không biết rét". Ấy, lại gặp bọn quỷ quyệt. Chúng
núp sau lưng dân, đưa dân ra chịu đựng. Chúng tìm cách kích động nhân
dân căm thù "giặc lái" (phi công) để rêu rao trước dư luận quốc tế bị Mỹ
ném bom. "Ma Ma, Phật Phật", làm sao dân chúng phân biệt được, ai "giải
phóng" ai. Nhưng khổ nỗi, trời đất đã không chiều theo lòng người, kẻ
ác lại thắng. Miền Nam chẳng những đã không cứu được miền Bắc ra khỏi
cảnh đời lầm than mà lại còn bị miền Bắc choàng lên đầu màn trời đen
tối. "Thôi rồi, hỏng cả rồi", anh Ba Mỵ than. Anh cùng Cả Yến, một người
bạn chí cốt, rủ nhau vào Nam, trước để tìm người thân đã di cư hồi
1954, sau là tìm cách định cư luôn.
Nhưng nhà nước cộng sản không
muốn người dân nghèo miền Bắc hiểu được đời sống thật sự của dân chúng
miền Nam. Họ đã lập ra những chốt gác để ngăn chặn dân ở cầu Bến Hải, vĩ
tuyến thứ 17. Dân không qua được cầu thì họ lội sông, nhưng như thế là
phạm luật. Mặc kệ, anh Ba Mỵ và anh Cả Yến cùng với đứa bé chờ đêm
xuống, tìm khúc sông vắng lội qua bên kia bờ… Việt Nam tươi sáng.
Vào đến Sài Gòn, hai anh không tìm thấy người thân. Hỏi nhiều chỗ, hai
anh mới biết là người thân của hai anh đã vượt biển sang những nước tự
do tị nạn cộng sản. Bơ vơ giữa dòng đời, hai anh đứng giữa chợ trời Sài
Gòn, góc đường Hàm Nghi, không biết phải làm gì nhưng cả hai không còn
tha thiết với quê hương miền Bắc nữa. Hai anh tự hỏi về để làm gì nữa,
về để một người làm việc bằng hai, bằng ba mà ăn thì chỉ bằng một nửa.
Những món đồ tùy thân cuối cùng của hai anh được đem ra bán. Hai anh tìm
đường đi về xóm nghĩa địa.
Đã từ lâu, nhà cầm quyền cộng sản muốn
lập lại trật tự trên đường phố vì những người sống vật vờ đầu đường xó
chợ làm "xấu" chế độ xã hội chủ nghĩa nhiều quá. Từ lâu nhà nước muốn
làm mạnh tay, loại trừ những thành phần lang thang ngoài đường phố,
nhưng họ sợ mang tiếng với dư luận. Nay đất nước mở cửa ra với thế giới
bên ngoài, những người không nhà không cửa, sống lang thang gây rối trật
tự an ninh, nhà nước càng có thêm lý do chỉnh đốn lại thành phố. Vì vậy
việc mua bán, sự đi lại cũng như chỗ ngủ qua đêm của anh em phế binh và
người cùng khốn bị để ý, tất cả đều bị xua đuổi và bắt bớ giam cầm với
những lý do không rõ rệt. Vào thời ấy chỉ còn một chỗ ở qua đêm ít ai để
ý, đó là những nghĩa địa bỏ hoang, nơi bị "đời" bỏ quên. Chính vì đời
bỏ quên nên những người bị đời bỏ quên cũng đã tìm về đây sum họp. Không
ở yên với người sống thì tạm ở chung với người chết, thế là "cộng đồng
nghĩa địa" được thành hình. Nó quy tụ tất cả những người mất nhà mất cửa
không nơi cư ngụ, những người từ vùng kinh tế mới trở về, những anh em
phế binh, cô nhi, quả phụ, những người sống dở chết dở và những người
nghèo khó miền Bắc trốn vào Nam.
Vào trong nghĩa địa rồi, hai anh
mới biết là họ không phải là những người đầu tiên. Nơi đây đã có sẵn một
binh đoàn người nghèo khó từ miền Bắc vào Nam trước họ tìm cơ hội sống.
Giữa những người cùng khổ, sự chia sẻ dễ dàng hơn vì tất cả đều là nạn
nhân của chế độ. Họ sinh con đẻ cái tại chỗ, không có giấy khai sinh. Ai
bệnh đau thì chỉ biết nằm rên hừ hự, chẳng may bị chết thì được chôn
tại chỗ, bên cạnh một mộ phần nào đó, kể cũng tiện. Bà con rửa ráy, nấu
cơm, ăn ngủ và tiểu tiện ngay trên các phần mộ bỏ hoang. Có điều lạ là
tỷ lệ sinh sản tại đây hơi cao, bà mẹ nào cũng bồng trên tay một trẻ sơ
sinh, có lẽ vì không biết làm gì giữa đêm khuya nên "thú vui" vợ chồng
là chuyện gối chăn. Tại đây, anh Ba Mỵ cho "cộng đồng nghĩa địa" biết là
anh và đứa con trai quyết định "định cư" tại nghĩa địa này, chờ Cả Yến
về Bắc bán nhà xong mang cả gia đình vào Nam tị nạn. Anh nói:
– Dẫu
sao thì đối với miền Nam này nhà nước còn có sự giữ kẽ về chính trị,
chưa có thể siết chặt hơn miền Bắc đâu. Hãy còn kẽ hở để lách vào mà
sống.
Anh bày cho anh em xóm nghĩa địa những cách "làm ăn" qua mặt
bọn "nó". Anh đồng ý với cộng đồng đau khổ này là "tất cả chỉ là sự lừa
dối kéo dài, không nên nghe theo những gì chính sách nói, phải làm ngược
lại".
– Nếu như thế thì còn gì nữa! – một người đàn bà buồn bã thở dài.
Mọi người đã ngủ cả rồi, những gì anh Ba Mỵ nói ám ảnh chị mãi. Chồng
chị là anh Mạc, phế binh bộ binh Sư Đoàn 25 cụt một chân và bị lao phổi
nặng, đi bán nhang chẳng may băng qua đường lúc trời mưa thì bị trượt
té, một chiếc xe hàng chạy ngang thắng không kịp, đầu anh bị cán nát,
lòi cả óc ra ngoài. Anh Mạc mới chết cách đây vài tháng. Đứa con gái, 5
tuổi, nằm ngủ vô tư quá. Chị ngước mắt nhìn lên vầng trăng giữa bầu trời
đen tối, ánh trăng dẫu sáng cho mấy cũng không át được mây che lấp các
vì sao. Biển đêm mênh mông quá, những ánh sao nhấp nháy đưa chị về vùng
kỷ niệm của những ngày tuổi thơ. Những đêm trăng rằm Trung Thu, chị và
những nhỏ bạn rước đèn. Ờ nhỉ, ngày ấy, đèn lồng của mình hình ngôi sao
đẹp quá. Còn ngày nay cũng là ngôi sao nhưng sao nó vàng chóe thế này,
lại còn như thỏa mãn "cười" nham nhở giữa mảnh vải màu máu đỏ lòm. Những
lá cờ màu đỏ giăng kín các phố phường như chiếm hết không gian của chị
và đứa con nhỏ. Chị ho khậm khịt, không hiểu sao chị quá sợ màu đỏ quá.
Nó giống như màu máu hòa trong nước miếng mà chồng chị nhổ ra sau mỗi
cơn ho. Một buổi chiều kia, chị Liên ghé qua khu nghĩa địa rủ chị Mạc đi
mua củi. Chị Liên nói:
– Đi buôn như thế lời nhiều lắm, đi xe lửa
chui không tốn tiền vé, cứ hễ gần đến ga xe lửa chạy chầm chậm lại thì
mình tuôn củi xuống rồi nhảy theo. Công an bảo vệ ga không sao bắt được
vì nhiều người cùng làm vậy, nhất là các trẻ em nhanh nhẹn hơn. Dạo này
chợ trời Hàm Nghi bị bố ráp dữ quá, nhà nước đang có chiến dịch làm đẹp
thành phố, chính tôi đã nhìn thấy một bà già tóc bạc bị "bọn nó" túm lấy
bao quần áo quẳng lên xe chở về trụ sở. Bà già hoảng hốt, quẩn cả trí,
vội quỳ xuống chắp tay lạy "bọn nó", nhưng "bọn nó" lại hung hăng nhìn
bà già bảo là "mỉa mai hả". Bắt giữ, tịch thu đồ đạc có lợi hơn là nhận
những lời van xin của mấy bà già, vì hàng hóa sau đó được đem về trụ sở
để chúng lục tìm những món gì thích đem về làm của riêng hoặc kêu "tà
lọt" mang ra chợ bán lại chia nhau tiền. Bọn chúng cứ lạnh lùng truy bắt
tiếp những người mua bán, lấn chiếm lòng lề đường, mình không còn đường
nào khác là phải đi buôn.
Uống xong ngụm nước lạnh, chị Liên nói tiếp:
– Nhưng buôn than theo đường xe đò không còn an toàn nữa. Chị Loan và
chị Mai vừa bị bắt ở trạm kiểm soát Sông Bé, hai chị tiếc số hàng nên ở
lại năn nỉ. Đêm đến, hai chị nằm ngủ, đám dân quân chỉ đáng tuổi em các
chị đã mò vào hạnh họe nọ kia, rồi tên "xếp" mặt non choẹt gọi chị Mai
bằng "em" và đề nghị "biết điều" thì nó sẽ tha. Hai chị vừa sợ vừa bối
rối vì số hàng ở trong tay chúng nên… "chiều" nó. Thỏa mãn xong, nó vừa
lui ra thì gần một chục thằng khác nhào vô thay phiên "làm thịt" hai
chị. Chúng ra vào quần quật, đùa giỡn thể xác hai chị suốt đêm. Đến tờ
mờ sáng, bọn chúng làm bộ tịch thu "lấy lệ" một nửa số hàng rồi cho hai
chị đi về không quên gởi kèm theo những lời trêu ghẹo tục tỉu.
Chị Liên cười cười kể tiếp:
– Về đến Sài Gòn, chị Mai hồng hộc thở ra: "Tụi nó… tồi quá!". Chị Loan
an ủi: "Kệ nó, cái gì kia còn mất nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ", rồi hai
chị ra sông Bạch Đằng tắm rửa mình mẫy. Chị Loan nói với bạn: "Tụi nó
làm dữ quá, coi nè "của" tui sưng phồng lên đỏ hỏn, rát quá!".
Kể xong, chị Liên kết luận:
– Phải làm mau đi thôi, từ từ rồi "chúng nó" sẽ kiểm soát tới đường xe lửa, lúc ấy có muốn đi buôn cũng không được nữa đâu.
Rồi chị nói nhỏ:
– Ở ga xe lửa Sài Gòn đó, cứ mỗi chiều tối có mấy thằng cha mua hai ổ
bánh mì kẹp thịt và hai bọc trà đá ở nách, kẹp tấm nệm đan bằng cói. Họ
nháy nhó, rủ rê mấy người đàn bà không còn làm ăn gì được nữa ngủ qua
đêm với họ.
Nhưng chị dặn thêm:
– Muốn làm gì thì làm nhưng
đừng có ra chỗ đó nghen. Tụi mình phải nương tựa lẫn nhau mà sống. Đi
buôn thì cần có bạn, đi bán cần có bè, nhưng nếu không có ai đi chung
thì tôi sẽ đi một mình với thằng con trai. Tôi không để cho nó chui
xuống cống kiếm cá nữa đâu, hồi hộp lắm!
Thế là chị Mạc quyết định
theo chị Liên và chị Nguyệt lên Long Khánh buôn củi lậu. Mỗi chuyến đi
kéo dài ba ngày khiến chị đuối sức, đứa con gái nhỏ 5 tuổi không phụ
giúp được gì lại còn vướng bận những lúc nhảy tàu làm chị Nguyệt bực
mình. May nhờ đứa con trai của chị Liên phụ giúp nên cũng đỡ được phần
nào. Có lần chị Nguyệt bàn với chị Liên đi mua bán riêng, chị sẵn sàng
bỏ vốn cho chị Liên đi chung:
– Liên à, con Mạc hình như nó bị ho lao, vợ chồng thì dễ lây lang. Mày có thấy đôi vai của nó bị co rút lên không?
– Dạ thấy. Tội nghiệp, nó cũng ráng lắm mà.
– Mày lo cho mày đi. Thời buổi này nhân đạo là tự sát đó. Với lại mày
thấy đó, tao đâu có vốn gì nhiều, nếu chậm chạp lỡ bị bảo vệ bắt một cái
là hết vốn luôn.
Chị Liên ngẫm nghĩ: bà Nguyệt này thật ra đâu có
tử tế gì, chẳng qua là bả nhờ có thằng Đức (con trai chị Liên) lanh lẹ
nên mới chịu bỏ vốn ra đấy chứ, như vậy bà ấy lời thêm một "công". Hình
như đoán hiểu suy nghĩ của chị Liên nên bà Nguyệt tỏ vẻ "thương" thằng
bé. Bà thường rủ thằng nhỏ: "Đi ăn bún, con!". Đi thêm vài chuyến nữa
thì chị Liên và bà Nguyệt buộc chị Mạc phải đi riêng. Chị Liên vỗ về
bạn:
– Có gì thì chị cũng biết cách rồi đó, nếu không vốn nhiều
thì buôn ít một chút cũng tạm đủ cho hai mẹ con sinh sống. Ráng lên!
Thấy mặt chị Mạc lộ vẻ lo lắng, chị Liên trấn an:
– Bà Nguyệt không chịu đi chung, thì chị cứ mua bán riêng cùng với tôi.
Nếu như có chận bắt đột xuất cần phải tuôn củi và nhảy tàu thì thằng
Đức con tôi dắt con Hoa giùm nhảy cho, đừng có lo.
Hai người quả
phụ hẹn nhau là như thế, nhưng khi có cuộc chận bắt xảy ra thì ở trên
các toa xe hỗn loạn lắm. Chị Mạc vừa quăng được hai bó củi xuống đám cỏ
thì những bạn hàng khác cũng nhốn nháo cả lên, họ xô đẩy và chen lấn,
tranh nhau tuôn củi xuống. Đứa con gái chị bị những bó củi quăng trúng
chân khóc ré lên. Chị Mạc lúng túng, vừa sợ mất củi vừa sợ mất con, chị
quay lại nhìn những bó củi, rồi quay lại nhìn con. Sao thế nhỉ, cái gì
trong lòng chị thế này, ánh mắt con chị như sao trời nhấp nháy, tuổi thơ
của chị đây mà. Chị chết điếng trong lòng rồi đưa tay ôm đứa con, nước
mắt chị chảy ra, không biết là vì tiếc củi hay vì thương con, có lẽ cả
hai. Bà Nguyệt và chị Liên đã nhảy xuống đường rày, nhìn chị Mạc la lên
ơi ới:
– Ném củi xuống mau, bảo vệ tới kìa!
Đứa con trai chị
Liên muốn đu người lên đoàn tàu để phụ chị Mạc ném củi xuống nhưng không
kịp nữa, đoàn tàu từ từ đi vào sân ga, đám bảo vệ ùa ra, những con buôn
ôm vội mớ hàng hóa bỏ chạy. Chị Mạc ôm con vào lòng nhìn người ta ôm
những bó củi của chị chạy đi. Thế là mất hết. Chị bước xuống thềm sân
ga, trước mặt là bóng tối.
Những ngày sau đó, người đàn bà gầy guộc
ra đi. Đôi mắt chị Mạc thụt sâu vào hốc mắt, chị không biết làm gì nữa.
Chút vốn liếng dành dụm được để đi buôn bay theo mây khói. Những cái
quần, cái áo bán dần đi để cầm cự giữa chợ đời không còn nữa.
Chị
Liên và đứa con trai đi theo chị Nguyệt vài chuyến nữa rồi rủ nhau đi
Phan Thiết mua cá biển về bán ở Sài Gòn. Mùa cá đến rồi, nếu trời thương
thì… cuộc đời đỡ khổ. Nhưng có một dạo bảo vệ xe lửa truy đuổi gắt gao,
nhiều bạn hàng bị tịch thu hết cả hàng hóa. Chị Liên và chị Nguyệt nhờ
có thằng Đức nhanh nhẹn nên thoát được nhiều chuyến hàng. Một hôm, trời
mưa tầm tả, bảo vệ chia nhau ngăn chặn các toa xe. Để cứu lấy món hàng,
thằng Đức và lũ nhỏ leo chuyền ra ngoài cửa sổ những toa xe. Một đứa
tuột tay bị cuốn vào những bánh xe lửa, thân thể bị nghiền nát trên
đường ray. Xe lửa về đến ga Thủ Đức rồi mà chị Liên vẫn chưa thấy đứa
con trai đâu. Chị hỏi thăm lũ nhỏ, có đứa thấy thằng Đức leo lên mui xe
lửa trốn thoát được bảo vệ. Nhưng đến ngày hôm sau chị Liên mới biết
rằng khi xe lửa qua cầu Biên Hòa, con chị đã bị thanh sắt đánh vỡ đầu
rớt xuống đường ray, thân xác bây giờ không biết được chôn cất nơi đâu.
Chị Liên thơ thẩn, chị Nguyệt mất cả vốn không còn dám đi buôn nữa. Chị
Mạc rời khu nghĩa địa ra ngồi ở bùng binh Chợ Sài Gòn đưa mắt nhìn qua
bên kia đường.
Bên kia đường là sân ga. Trời đã tối, cửa hàng ăn
uống quốc doanh đã đóng cửa, những sinh hoạt về đêm bắt đầu. Đủ mọi hạng
người tụ tập về đây để ngủ qua đêm. Những người tài xế nằm dài trên tấm
nệm cói trải trên nền xi măng để cho những người đàn bà tới đấm bóp,
giác hơi xoa nắn, thư giãn gân cốt. Tại một góc của nhà ga là chỗ để
khách lỡ đường ngủ đêm chờ tàu. Ở đó, có một số phụ nữ vì hoàn cảnh sống
khổ sở đến ngồi chờ khách. Họ không biết làm gì vì không có đồng vốn
nào cả, nhờ có chút nhan sắc nên khi đêm về họ lấy "thân" làm vốn. Nhưng
vào thời buổi khó khăn, những người đàn ông cũng không rộng rãi cho
lắm, họ trở nên thô bạo và không còn sòng phẳng như trước. Cái giá để
trả cho một cuộc tình qua đêm là một khúc bánh mì, khoảng hơn gang tay,
kẹp những lát thịt xắt mỏng (giá 500 đồng, bằng 1/4 dĩa cơm), một bọc ny
lông trà đá và một tấm nệm cói để hai người đắp chung. Chỉ người phụ nữ
nào may mắn lắm mới được trả bằng tiền mặt, nhưng cũng không là bao.
Vào mỗi buổi chiều, những người đàn ông ngồi trên băng ghế đá ở công
viên, bùng binh, bến xe buýt để lựa chọn bạn… tình qua đêm. Bên cạnh họ
để sẵn hai ổ bánh mì, hai bọc trà đá và tấm nệm cói để cho các "bạn
tình" biết mà tìm đến. Khi đến với nhau, tuy không nói ra nhưng họ ngầm
hiểu là chỉ có họ với nhau mà thôi, nhưng vào khoảng nửa đêm có khi có
thêm dăm ba người đàn ông khác sà vào "ăn ké", dĩ nhiên là miễn phí.
Người đàn bà khốn khổ kia chỉ biết im lặng chịu đựng vì có kêu cứu cũng
không ai đến can thiệp.
Có những đêm anh em phế binh chúng tôi nằm
ngủ ở một góc nhà ga chờ sáng theo tàu lửa đi bán nhang xa, nhìn những
tấm nệm phập phồng dưới ánh đèn vàng vọt, tiếng thở hồng hộc và tiếng
cựa quậy lục đục của người đàn ông kèm theo tiếng rên rỉ của người đàn
bà, rồi tiếng chửi mắng tục tằn của người đàn ông không thỏa mãn, chúng
tôi hiểu rằng trong bước đường cùng những người sống không lý tưởng vùi
dập lẫn nhau như những con vật.
Nhưng cũng có những người đàn bà
đem bán "thân xác" mà không có người mua. Đó là những người đánh lỡ mất
tuổi thanh xuân, những bà quả phụ cô đơn. Cuộc sống khắc nghiệt ở hè phố
làm mất đi chất tươi trẻ trên nét mặt, nụ cười, họ già đi mau chóng,
thân hình khô héo quắt queo như trái táo tàu. Dù có xoa lên mặt chút
hương phấn nhưng họ cũng không còn hấp dẫn ai. Chị Nguyệt cũng vậy, hết
vốn đi buôn chị ra ngồi ở bùng binh cùng với chị Loan. Có những người
đàn ông mua bán ở chợ trời, tuổi chỉ đáng con chị, biết chị cần có miếng
ăn để sống cũng gọi chị bằng "em". Chị không lấy đó làm giận mà còn
"mừng". Mừng là vì chị vẫn còn "giá trị". Đã hai đêm rồi, mặc dầu chị đã
xin của chị Loan một chút phấn để xoa lên mặt và cũng đã đi lại mời mọc
một số người đàn ông nhưng không ai chịu chia sẻ với chị ổ bánh mì
kia.
Tối nay trời mưa lạnh lẽo, hình như có bão hay sao ấy. Chị Mạc
cảm giác như có kim châm ở trong bao tử, sự co thắt của các cơ thịt làm
chị run rẩy, xương có vẻ như dòn ra, cử động kêu lụp cà lụp cụp. Cơn
đau bao tử làm chị khó chịu, nước lạnh uống vào cứ sôi óc ách. Tay chân
chị xê dịch khó khăn. Chị buồn ngủ và ảo giác càng đến với chị nhiều
hơn, chị cố xua đuổi mà không được. Chị biết mình sắp mê đi nhưng bản
năng sinh tồn thúc chị bước sang bên kia. Bên kia đường là vùng đất cấm,
ai sa chân vào rồi thì khó bước ra.
Cũng ở bên kia đường, xéo góc
với nhà ga xe lửa là cửa hàng ăn uống quốc doanh, con gái chị đang chờ
chực khách ăn xong, nó chạy vào ăn húp những gì còn sót lại. Chị Mạc mơ
màng nghĩ đến những tô hủ tiếu. "Không biết thực khách bên ấy có ăn thêm
bánh mì không nhỉ?", chị tự hỏi. Nếu có ăn thêm bánh mì thì nước lèo sẽ
chẳng còn lại bao nhiêu, con chị lấy gì mà húp. Phần lớn khách vào cửa
hàng ăn uống quốc doanh là giới bình dân, lao động, họ thường chấm bánh
mì vào nước hủ tiếu để cho thêm no.
Nghĩ tới bánh mì, cơn đói thúc
hối chị Mạc nhìn vào sân ga. Ở đây có những người đàn ông cặp nách hai ổ
bánh mì, tay cầm hai bọc ny lông trà đá và tay kia cầm tấm nệm cói. Tấm
nệm cói khiến chị Mạc liên tưởng đến trời đêm, những cơn mưa dai dẳng
và mùi vị của khúc bánh mì kẹp những lát thịt ba rọi mới thơm ngon làm
sao. Chị không còn quan tâm đến đứa con gái ở bên kia cửa hàng ăn uống
nữa, chị nghĩ về mình. Cảm giác xấu hổ chỉ thoáng qua, chị nhớ lại câu
nói của chị Loan: "Kệ nó, cái gì kia còn mất, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ".
Người ta như thế nào kia mà còn nghĩ đến quyền lợi riêng, phản bội cả
quê hương, mình chỉ là một phụ nữ nghèo hèn còn gì nữa đâu để mà gìn
giữ. Chị Mạc muốn được sống như những phụ nữ kia, được cho ăn và được
cho tình.
Chị Hạnh cũng vậy, chị đã im lặng. Chị không làm được như
chị Loan, mặc dù chị thừa nhận chị Loan nói đúng. "Những người đàn ông
thua trận cả rồi", chồng chị là một cựu lính Dù chết trong trại cải tạo.
Chị Hạnh không còn vốn liếng để đi buôn than nữa nhưng vẫn không sao
bước nổi "sang bên kia đường". Chị vẫn thường hồi tưởng đến anh, những
lần về phép trên chiếc jeep, bộ quần áo kaki rằn ri, những đôi giày bốt
đờ sô bóng loáng. Cuộc sống của anh thật quá hào hùng. Không, chị không
thể bước "sang bên kia đường". Những kỷ niệm xưa giữ chân chị lại bên
này đường. Chị Hạnh nói với chị Mạc bên kia đường là những mùi mồ hôi,
mùi rượu đế và những lời bỡn cợt sổ sàng của những người quá tầm thường
so với chồng chị. Nói xong chị Hạnh buồn bã nhìn xuống lề đường, rồi
quay người bước đi.
"Những kỷ niệm đó là của chị Hạnh, còn mình có
còn gì nữa để mà hồi tưởng?", chị Mạc tự biện hộ thầm. Ngoài những mất
mát chất chồng, những thiếu thốn thường nhật, những tai họa chờ chực,
chị cố nhớ về những buổi chiều anh Mạc đi bán nhang về mang một chút gạo
mốc, những khúc mì vụn, những gốc rau muống, một chút bột ngọt, tất cả
làm chung thành một món ăn ngon lành. Nhờ vậy mà chị cầm cự cùng với
chồng con. Nhưng lúc ấy còn anh kia, còn những lời hứa hẹn tuy tuyệt
vọng nhưng đầm ấm ngọt ngào: "Ngày nào đó có chút vốn, mình sẽ về quê".
Còn bây giờ thì "còn gì nữa đâu", mắt chị mờ đi, tai mơ hồ nghe thoang
thoảng tiếng xe cộ.
– Má! – tiếng gọi của con gái làm chị Mạc thức
giấc. Hóa ra là chị vừa chợp mắt thiếp đi trên băng ghế đá. Đứa con gái
nhìn chị, miệng nó nhai nhóp nhép nửa củ khoai luộc. Chị Liên gặp nó ở
cửa hàng ăn uống và dắt nó qua với chị. Chị Liên đưa cho chị nửa củ
khoai, nói:
– Hồi này mưa quá nên khoai củ ở mấy vựa bị sùng thối,
hư hao nhiều lắm. Mình chịu khó đi vòng vòng ở Chợ Cầu Ông Lãnh là kiếm
cả rổ.
Chị Liên nhìn bạn nhai nuốt cả vỏ khoai, nói tiếp:
–
Mấy chủ vựa sợ những củ khoai sùng lây qua những số khoai còn lại nên đổ
bỏ rất nhiều. Mình chịu khó lượm về lựa lại rồi gọt bỏ những chỗ hư đem
về luộc, sáng mang ra chợ bán cũng có được cái ăn qua ngày.
Chị Liên nhìn sang bên kia đường phê bình:
– Tội gì mà đem thân xác ra để cho chúng dày vò.
Chị Mạc im lặng, mãi miết ăn ngấu nghiến những củ khoai luộc. Đứa bé
gái vô tư ngồi gõ cái lon sữa bò theo điệu nhạc mới: "Đêm qua em mơ gặp
bác Hồ, râu bác dài tóc bác bạc phơ…".
Chị Liên ngồi suy nghĩ vẩn vơ, chị Liên thở dài, đối với chị, không
yêu thì… không làm được "chuyện ấy", chị sẽ không bao giờ bước sang bên
kia đường. Chị chỉ còn một mình, nhẹ lo hơn chị Mạc. Thằng Đức, kỷ vật
cuối cùng, dấu ấn của tình yêu đối với chồng chị, anh Nguyễn Văn Hơn, đã
mất. Chị không còn gì nữa ngày hôm nay, nhưng những kỷ niệm thời học
trò nhẹ nhàng băng ngang dòng tâm tư của chị. Bảy năm yêu thương, bảy
năm hạnh phúc. Những lần chồng về phép, chị rất thích nghe những bản
nhạc "Buồn trong kỷ niệm", "Tấm ảnh ngày xưa" với tiếng ca não nùng thấm
thía của bà chị Thanh Thúy. Ờ, rồi lại còn "Tàu đêm năm cũ" nữa. "Đem
về trả cho tôi người xưa"… chồng chị cười nói: "Cũng là con tàu thôi,
khi đem người đi thì buồn, lúc đem người về lại em cảm thấy gì?". Chị
nhìn anh lo sợ. "Có khi nào…", chị không dám nói hết ý.
"Có khi nào
con tàu đem người thân đi mãi" hay không? Ngoài đời chị vẫn nhìn thấy
những chiếc GMC chở quan tài phủ cờ vàng chảy ba dòng máu đỏ, máu của
người chiến binh đã đổ ra cho đất nước, và những chiếc khăn tang chan
hòa nước mắt buộc chặt trên đầu các thiếu phụ và những trẻ thơ. Chiến
cuộc ngày càng khốc liệt hơn, những lần về phép của anh cũng thưa dần.
Chị Liên còn nhớ rõ ánh mắt buồn bã của chồng trong lần chia tay cuối
cùng, anh đã đi biền biệt không về. Một ngày kia, người ta báo tin anh
tử trận. Chị Liên gia nhập vào đội quân tóc dài mặc áo đen, đầu chít
khăn tang khóc chồng, ôi thật buồn bã.
Mãi miên man suy nghĩ, tưởng
nhớ vu vơ, chị Liên giật mình liếc mắt tìm bạn. Chị Mạc không còn ở bên
này bùng binh nữa. Vừa ăn xong củ khoai luộc, chị Mạc vội bước sang bên
kia đường, biến mình trong khu nhà ga với ánh đèn vàng, những tấm nệm
cói phập phồng và những tiếng thở hồng hộc.
– Trong những tấm nệm cói ấy vang lên tiếng thở, họ thở ấy ra sao nhỉ? – chị Liên nhắm mắt liên tưởng.
Tưởng tượng những tấm nệm cói phập phồng, chị Liên rùng mình ớn lạnh.
Chị cảm thấy cô đơn, chị ao ước: "Phải chi được nghe tiếng thở của anh
Hơn trong tấm nệm ấy thì… sung sướng biết bao". Chị mơ tưởng những giây
phút êm đềm, ấm áp của ngày xưa. Chị có cảm tưởng như nhìn thấy đôi mắt
của anh, đôi mắt sao giống đứa con trai của chị quá. Chị mỉm cười vu vơ.
Trong giấc mơ, chị thấy anh trở về trên xe bước xuống cùng những người
bạn lính, có cả lá cờ vàng nữa… Nhưng rồi chị hốt hoảng. Người đứng
trước mặt không phải là chồng chị, mà là người báo tin anh tử trận.
Người ấy nói nhiều lắm, chị ù cả tai không nghe gì cả.
– Làm gì mà ngồi đây có một mình hả em?
Chị Liên giật mình mở mắt, trước mặt là một gã đàn ông, tay cầm ổ bánh mì và bọc trà đá.
– Ăn đi em, anh đã ăn rồi. Đêm nay sao buồn quá.
– Không, cảm ơn.
Chị Liên đứng dậy bỏ đi ra bờ sông Bạch Đằng. Gió đêm làm chị cảm thấy
lạnh hơn. Dòng sông đen lấp loáng ánh đèn. Chị nhớ đến cái chết của chị
Trúc, xác chị nằm ngữa trương phình lên. "Không, mình không được phép tự
tử, mình là người Công giáo. Lạy Chúa, xin nâng đỡ con, dẫu cho có thế
nào con vẫn tin Chúa, Chúa ơi!", chị Liên khấn thầm mặt hướng lên trời.
Mỗi khi nghe tin có vài anh em phế binh thân quen chết đi, chị vẫn
thường cầu nguyện. Chị vẫn mong là ngày mai rồi sẽ khác đi.
Mùa mưa
cũng vừa sắp hết, Chị Liên sửa soạn rời khỏi khu vực nhà ga xe lửa Sài
Gòn. Chị nói với các chị bạn là cần đi xa để quên những chuyện buồn. Chị
muốn về quê nhưng quê hương đâu còn nữa. Chị đi bộ về phía Chợ Lớn, lạc
vào giáo xứ Quận 8. Buổi trưa chị ngồi nghỉ chân bên cổng nhà thờ Bình
An Thượng. Chị nhìn lên tượng Chúa Giêsu chịu khổ nạn cầu nguyện. Ông
cha xứ già, tóc bạc phơ, dáng người mệt mỏi từ trong nhà thờ đi ra nhìn
thấy chị. Chị nhìn cha. Hình ảnh ông cha xứ già sao giống đấng Thánh
Phêrô quá. Cha hỏi, chị lễ phép trình bày hoàn cảnh của mình. Chị không
mong cầu điều gì khi trình bày hoàn cảnh của chị, chị có cảm tưởng như
đang xưng tội trước vị cha xứ, lòng chị trở nên nhẹ nhõm hơn. Thế thôi.
Nghe xong cha xứ bước vào lại giáo đường. Một lúc sau nghe tiếng cha
gọi, chị Liên đi vào. Cha mở ngăn kéo, trong có số tiền lùớn nhưng là
toàn là tiền giấy nhỏ, chị hiểu đó là tiền ủng hộ của giáo dân dâng hiến
trong những ngày lễ. Cha xứ đã cất giữ những món tiền đó trong nhà thờ.
Chị ứa nước mắt nhìn cha. Ông cha xứ già cẩn thận gói số tiền ấy vào tờ
giấy báo và run run cầm đưa tận tay chị. Nước mắt chị trào ra, ướt cả
khuôn mặt. Cha gọi người làm vườn nhờ đưa chị đến bến đò qua bên kia
sông để tránh không bị công an làm khó dễ. Chị quay lại nhìn cha chào từ
giã. Cha dặn chị: "Con nên rời bỏ cuộc sống vỉa hè ấy đi" và chúc lành:
"Chúa nâng đỡ bước chân con. Hãy cầu nguyện thường xuyên".
Chị
Liên quay lại nhà ga xe lửa Sài Gòn, tay chị cầm theo ba ổ bánh mì kẹp
thịt ba rọi trông thật ngon lành. Nhưng chị không gặp được chị Mạc và
con Hoa. Ở đấy vừa có chiến dịch thu gom những người sống "bụi đời" vô
gia cư, vô nghề nghiệp, ăn ngủ ngoài hè phố. Nhà nước cộng sản Việt Nam
không bằng lòng để những người trước kia tuân theo lệnh đi xây dựng vùng
kinh tế mới nay trở về sống ở hè phố, "bêu xấu chế độ". Lần này tất cả
bị đưa đi những nông trường xa xôi khác. Chị Liên mò vào những xóm nghĩa
địa hỏi thăm, nhưng không ai biết mẹ con chị Mạc ở đâu. Mãi về sau gặp
lại chị Nguyệt "già", chị Liên mới biết là chị Mạc bị đưa đi cải tạo lao
động ở "nhà nuôi" Ba Thôn, huyện Hóc Môn.
– Còn đứa con gái? – chị Liên hỏi.
Chị Nguyệt nhún vai:
– Thì họ tách hai mẹ con ra chớ sao, nghe đâu con nhỏ được đưa về cô nhi viện gì đó ở Gò Vấp.
Chị Liên ngồi thơ thẩn ở bùng binh nhìn qua sân ga, sau đợt truy quét
sinh hoạt vẫn y như cũ. Bên kia nhà ga là kiếp người lầm than tủi nhục,
những người sống vật vờ đi đi lại lại, họ không còn cách nào để sống
khác hơn. Vẫn là những ổ bánh mì, những trả giá, kỳ kèo cho mỗi cuộc
tình. Chị nghĩ về chị Mạc và đứa con gái, họ đã sống như những con chó
ghẻ, bị rẻ rúng, đuổi xô. Chị nghe phong phanh tình hình có nhiều biến
chuyển. Khối cộng sản ở Đông Âu đang bị tan rã, Liên Xô đã có tổng
thống. Cộng sản Việt Nam đã bắt chước đưa ra "những việc cần làm ngay"
của đảng và nhà nước. Chị đã nhìn thấy những cái quẹt ga thay cho cái
quẹt dầu hôi. Đất nước đang đổi mới. Những bộ quần áo từ nước ngoài gởi
về đã thấy bày bán ở các chợ trời, nhiều người đã liên lạc được những
người thân ở hải ngoại. Đường phố cũng đã khác xưa, những ngôi nhà cao
tầng và nhiều khách sạn đang được xây dựng lên. Đêm tối đã thấy những
ánh đèn màu xanh đỏ chớp loáng trên những bảng hiệu. Nhà nước đang "mở
cửa" đây mà. Sự thay đổi này đâu phải là … vì dân. Họ thay đổi để tồn
tại, để khỏi bị dân chán ngán như Đông Âu, để nuốt trôi miền Nam.
À, thì ra nhà nước cộng sản đang dùng sự hào nhoáng xa hoa để che đậy
những đen tối của sự thật. Họ biết là dư luận các nước bên ngoài đang
hướng về Việt Nam, họ đã trả tự do cho những sĩ quan đi học tập cải tạo.
Còn ông cha Thủ ở nhà thờ Đồng Công, xã Tam Hà, huyện Thủ Đức thì sao
nhỉ? Họ đã thả cha ra hay chưa? Tội nghiệp, cha đã ngoài tám mươi mà
không thoát khỏi lao tù. Hòa thượng Thích Trí Thủ nghe nói rằng đã "ức
quá" mà chết. Còn hai ông Phạm văn Thương (Tuệ Sỹ) và Lê Mạnh Thát (Trí
Siêu) đã bị họ tử hình chưa? Liệu những dư luận của các nước có giúp gì
được cho họ hay không?
Những người bất hạnh sống trên hè phố đang
bị bắt nhốt, xua đuổi ra khỏi thành phố, đang âm thầm gục chết ở vỉa hè,
góc chợ, công viên có được ai chú ý tới không? Liệu sự "mở cửa" này có
làm cho các nước bên ngoài công nhận màu cờ đỏ như máu kia không, có
quên đi màu cờ vàng hiền hòa như tấm áo khoác của những nhà sư tu hành
theo hạnh khất sĩ hay không?
Tự nhiên chị Liên cảm thấy quá mệt
mỏi. Bộ ngực chị lép xẹp, đôi vai khô gầy, đôi chân chị nặng nề, không
còn đủ sức để đi tiếp đoạn đường nữa. Chị nhìn thấy những người đàn bà
và trẻ em mời mọc khách qua đường những điếu thuốc lá ngoại. Chị nghe
nói ở Củ Chi, những nơi gần cửa khẩu, có những người đi buôn lậu thuốc
lá ngoại, sống được lắm. Chị nhìn xuống gói giấy báo bọc số tiền của vị
cha xứ già của giáo xứ Bình An Thượng. "Tình thương" của giáo dân đây
mà. "Nghị lực" của Thiên Chúa đang tiếp sức cho chị. Ờ, tại sao chị lại
không đi về Củ Chi một chuyến xem sao. Ở đấy còn có nhỏ bạn học ngày
xưa, ở giáo xứ Bắc Hà, gần căn cứ Đồng Dù có cây phượng vĩ. Năm học cuối
của mùa hè xưa, hai đứa đã từ giã nhau, nó đi lấy chồng, còn chị gặp
anh Hơn. Hai đứa đã tặng nhau cuốn lưu niệm, trong đó có ghi những dòng
lưu bút và ép vào đó những cánh hoa phượng. Cánh phượng ấy bây giờ có lẽ
đã khô theo thời gian nhưng những cảm xúc ngày xưa vẫn tươi mãi trong
lòng chị. Ngày xưa chị đi xây dựng kinh tế mới theo chủ trương của nhà
nước cộng sản, con Hoa ngăn cản:
– Hãy ở lại thành phố, Liên ơi.
Mình không biết nói sao về cái lòng tốt có vẻ như lo cho dân kia. Nó có
vẻ tuyên truyền, xảo trá làm sao ầy. Chúa đã dạy "hãy xem trái thì sẽ
biết kẻ trồng cây", hãy nhìn xem những gì họ đã làm… Đừng để bị xí gạt.
Nhưng tiếc thay ngày ấy chị đã không còn cách nào khác, chị bị liệt kê
vào thành phần gia đình "ngụy", có chồng chết trận nên phải đi vùng kinh
tế mới để rồi bây giờ… chị ngồi đây, tứ cố vô thân. Chị Liên đứng dậy
dời bùng binh chợ Sài Gòn, bỏ nhà ga xe lửa, tìm đường về Củ Chi trên
chuyến xe cuối ngày. Xe lăn bánh, chị nhìn lại hè phố Sài Gòn lần nữa và
nói với chính mình: "Chúng sẽ không giết chết được anh đâu. Bởi vì anh
đang sống trong em và thở bằng hơi thở của em". Chị nguyện sẽ sống xứng
đáng với sự hy sinh của anh, người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa của chị.
Chị Liên đã ở lại bên này đường vì chị còn giữ vững niềm tin, chị sẽ
nối tiếp bước đi của chồng. Bỗng nhiên chị Liên ứa nước mắt: "Nếu như
Chúa chưa tuyệt con đường sống của con thì giúp con thức tỉnh các thế hệ
mai sau cảnh giác, không để vi khuẩn vô nhân xâm chiếm tâm hồn".
Tới nơi chị đi bộ về hướng giáo xứ Bắc Hà, về nhà người bạn gái thuở học
trò xưa. Trong xóm đạo này có rất nhiều người Bắc di cư năm 1954, không
cộng sản. Họ là những người ghê sợ cộng sản như một cơn dịch bệnh.
* * *
Anh em phế binh, cô nhi, quả phụ và những người lính rã ngũ trong nước
không nghe thấy chính phủ Hoa Kỳ và đồng minh nhắc nhở gì đến chúng tôi
cả. Không lẽ họ đã quên và không còn trách nhiệm đối với những người bạn
chiến đấu năm xưa nữa hay sao? Những con người cùng khốn, đang sống bên
lề cuộc sống, nạn nhân của chế độ cộng sản đang trông chờ các bạn. Anh
em phế binh luôn hướng về chính phủ Mỹ và các đồng minh cũ bởi vì họ
thấy các quốc gia Tây phương đã giúp đỡ người vượt biên, những người sĩ
quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào đất nước họ. Còn số phận chúng tôi
thì sao?
Nhưng đã là chiến binh không nên tuyệt vọng. Chúng tôi chỉ
cảm thấy cô đơn vì không hòa nhập được vào với xã hội cộng sản. Ý chí
ngoan cường, quật khởi sẵn sàng hưởng ứng các cuộc tranh đấu cho tự do,
nhân quyền trên quê hương không mất trong lòng chúng tôi. Chúng tôi nhận
thấy rõ âm mưu thâm độc của nhà nước cộng sản khi đày đọa chúng tôi, họ
muốn chúng tôi chết lần chết mòn… trong quên lãng và nghèo đói. Nhà
nước cộng sản muốn xóa đi một trang sử u buồn, những người như chúng tôi
không có quyền sống trong nhân phẩm. Để khỏi mang tiếng với các nước
bên ngoài, nhà cầm quyền cộng sản không trực tiếp giết chúng tôi bằng vũ
khí, súng đạn, mà lùa chúng tôi vào những chốn rừng thiêng nước độc để
cho thiên nhiên, dịch bệnh và đói ăn tiêu diệt chúng tôi. Nhưng chúng
tôi đã không chết. Chúng tôi đã sống. Sống để làm nhân chứng cho một
thời đại đen tối của đất nước: người cộng sản Việt Nam đang dày vò những
người khốn khổ, muốn tiêu diệt những người không còn có lợi ích cho xã
hội. Những người vô sản hôm qua đang muốn tiêu diệt những người vô sản
hôm nay.
Anh em chúng tôi đồng tâm nguyện với nhau: "Đừng chết!
Không được chết! Ngày xưa chúng ta là những chiến binh tử thủ trước chủ
nghĩa cộng sản, ngày nay chúng ta tiếp tục tử thủ trước cái chết đang
chờ chực chúng ta, từng ngày, từng bữa. Nếu chúng ta không cố gắng kéo
dài cuộc sống thì những lớp người kế tiếp, trong đó có con em chúng ta,
sẽ bị nhà cầm quyền cộng sản mặc tình nhồi nhét, tuyên truyền những điều
sai sự thật về cuộc chiến đã qua và như thế sự thật sẽ mãi mãi bị chôn
vùi. Không còn ai biết chính họ đã xâm chiếm miền Nam, đày đọa và bóc
lột nhân dân miền Nam. Như vậy rồi con cháu chúng ta sẽ tiếp tục mãi mãi
trở thành nô dịch cho chế độ cộng sản. Chúng ta phải sống để làm nhân
chứng, nhân chứng của thời đại Việt Nam, nhân chứng của lương tâm nhân
loại!".
Từ đó, những người cùng khổ như anh em chúng tôi đã cố gắng
sống. Là người ai cũng muốn sống, nhưng sống trong chế độ độc tài cộng
sản này không phải dễ. Chỉ những ai không có xương sống, đầu óc ù lì
không dám bênh vực lẽ phải mới thoi thóp sống được, những người khác
không có chỗ đứng. Biết bao nhiêu bạn bè, thân hữu chúng tôi đã nằm
xuống vì dám chống lại những người cầm quyền, nhiều người như chúng tôi,
ê chề hơn, ngã gục trước bệnh tật, đói ăn và thiếu áo. Nhiều người đang
chết dần chết mòn trong nghèo khổ, nhân phẩm bị chà đạp, nhiều người
khác đã tự tử để trút gánh đời. Nhưng chúng tôi phải sống, sống để mọi
người thấy sự tàn ác của chế độ này, một chế độ không có chỗ đứng cho
những người thua cuộc.
Những khẩu hiệu "xã hội chủ nghĩa đẹp gấp
trăm, gấp ngàn lần xã hội tư bản chủ nghĩa" là những ngôn từ rỗng tuếch,
tất cả chỉ là sự thay ngôi đổi vị của những thành phần giàu có. Trên
đất nước ngày nay, người ta chỉ thấy cán bộ cộng sản sống ung dung, phè
phỡn trên sự nghèo khổ của đồng bào. Chúng tôi phải sống, sống để làm
nhân chứng. Nếu chúng tôi bị chết hết đi thì sự tàn ác vô nhân của chế
độ cộng sản sẽ còn tiếp tục.
Thành phố đang theo đà "mở cửa" của
đất nước. Vào những dịp lễ lớn, sinh hoạt mua bán trở nên nhộn nhịp, tấp
nập hơn. Lẽ ra thì những người đi xin cũng có nhiều cơ may hơn, anh em
phế binh bán nhang được nhiều hơn, nhưng vì "mở cửa" nên trên đường phố
có nhiều khách nước ngoài "du lịch" vào Việt Nam, chính quyền cộng sản
muốn "triệt tiêu" nghề ăn xin. Những người ăn xin đang ngồi ủ rũ trong
những công viên kia buồn lắm. Những anh em phế binh đi bán nhang cũng
không vui sướng gì vì cũng đang bị chiến dịch "làm đẹp thành phố" truy
lùng.
Sống làm sao đây? Đó là một câu hỏi lớn. Mua bán cần có vốn
liếng, đi xin thì bị bắt, họ chỉ còn một cách là kéo dài cuộc sống với
chính bản thân kiệt quệ của mình. Những phụ nữ còn chút nhan sắc và trẻ
trung thì bán thân thể, còn những người cùng khốn chỉ có thể đi bán… máu
của mình mà thôi. Bán máu để nuôi bản thân và nuôi gia đình. Anh em phế
binh chúng tôi cũng đi bán máu, bán cho những trung tâm tiếp huyết để
có chút tiền làm vốn mua nhang.
Bỗng nhiên bán máu trở thành một
phong trào, bán máu là một nguồn lợi. Từ tờ mờ sáng, trước các trung tâm
tiếp huyết hàng trăm, hàng ngàn người "tình nguyện" chen chút nhau đứng
chờ được lấy máu. Có người đã ngủ đêm tại chỗ để chắc chắn sáng hôm có
một chỗ đứng trong hàng để chờ được người ta lấy máu. Khoảng 3 giờ sáng,
đoàn người đã đông. Ai đến trễ thì phải chờ ngày hôm sau và gia đình
người "tình nguyện" sẽ… đói. Do đó phải có một chỗ đứng.
Trở về
trường hợp của tôi. Một lần nữa, đã lâu rồi, cha tôi nằm phòng cấp cứu
bệnh viện lao Hồng Bàng, bây giờ mang tên Phạm Ngọc Thạch. Được đưa vào
từ chiều tối hôm trước nhưng ông đã nằm chờ mãi trong một ghế bố kê ở
hàng hiên, không thấy ai đến hỏi thăm, chẩn bệnh và cấp thuốc men gì.
Đến sáng người vào khám bệnh đông thêm, cái ghế bố của cha tôi được đưa
ra gần cổng "nhà vĩnh biệt" (nhà xác). Tôi thấy những người nghèo khốn
khác bị thương nặng cũng được đưa ra nằm gần đấy, thân nhân của họ phải
chườm nước đá trên những vết thương để cầm không cho máu rỉ ra. Nhưng
tuyệt nhiên không thấy vị y sĩ nào đến chẩn bệnh.
Ngược lại tôi
thấy nhiều bệnh nhân thuộc hạng gia đình khá giả được đưa vào trễ hơn
thì được cấp tốc đưa lên phòng dưỡng bệnh. Tại đây họ được chăm sóc kỹ
lưỡng, được cấp thuốc men thăm hỏi và được ăn uống no đủ. Có người đã
nằm ở đó suốt ba tháng trời, có người sau khi xuất viện đã đến tái khám
nhiều lần và mỗi lần được cấp phát thuốc men cho đến khi hết hẳn bệnh.
Tôi sốt ruột hỏi thăm "người ta", thân nhân của bệnh nhân, thì họ nói
nhỏ:
– Phải biết… sống !.
– Với ai? – tôi hỏi.
"Người ta" làm thinh. Gần trưa hôm sau, một nữ cán bộ tên Hồng đến gần hỏi cha tôi:
– Thân nhân đâu?
Tôi vội vàng trình bày bệnh tình và hoàn cảnh gia đình tôi, bà Hồng hỏi nhỏ:
– Có hai chỉ vàng không? Nếu có thì được đưa lên phòng điều trị, trên
đó có đủ thuốc và được chữa trong vòng sáu tháng. "Thủ tục" để tôi hỏi
cho.
Tôi ú ớ trong họng. Bà Hồng chợt hiểu, liền thay đổi nét mặt và nhìn tôi dằn mạnh từng chữ:
– Còn nếu không thì về địa phương, mang hộ khẩu ra các trạm y tế xin khám bệnh, tại đó người ta cấp thuốc miễn phí cho.
Tôi dạ dạ vâng vâng, rồi bỏ đi ra ngoài. Sáng sớm hôm sau tôi đi tới
thẳng trung tâm tiếp huyết và… chen vào sắp hàng với những người "tình
nguyện" hiến máu khác. Tại đây tôi mới biết có những người cũng nghèo
khổ như chúng tôi làm nghề "xếp hàng mướn". Họ đã ngủ lại đêm để giữ chỗ
cho những người "tình nguyện" đến bán máu "mướn" lại. Giá một chỗ đứng
bằng 1/10 sồ tiền người bán máu lãnh được. Những người này thường "quảng
cáo" là họ có quen biết lớn trong trung tâm. Những ai không đủ tiêu
chuẩn để "hiến" máu thì họ sẽ "nói" với cán bộ "lấy máu giùm" cho, giá
của sự "nói giùm" này bằng 2/3 số tiền mà người bán máu sẽ nhận được.
Sau khi "hiến" máu mỗi người được "bồi dưỡng" một ổ bánh mì nhỏ, một ly
sữa cacao, một miếng thịt bò bí tết bằng ba lóng tay và một cái hột gà
ốp la. Những người bán máu "không đủ tiêu chuẩn" thì phải biết điều
nhường phần này cho người làm "mai mối" và "nhà bếp". Không đủ tiêu
chuẩn là những người quá ốm yếu, bị tình nghi ho lao hoặc bệnh lây lang,
hoặc cho quá nhiều lần, máu không đủ hồng huyết cầu.
Tôi lanh lẹ
chen lấn nên cũng có một chỗ đứng trong hàng chờ vì những người "tình
nguyện" ai cũng sợ, họ không biết tôi là ai, thuộc "phe" nào của trung
tâm tiếp huyết. Đúng 8 giờ sáng, các "trật tự" của trung tâm đi nhìn mặt
từng người xếp hàng và phân loại, tôi bị vào loại không đủ tiêu chuẩn
vì thân thể quá ốm yếu, suy dinh dưỡng. Bực mình trước cảnh bóc lột
người cùng khổ, tôi lớn tiếng chửi bới:
– Tại sao những người khác
cũng ốm yếu như tôi được cho xếp hàng còn tôi bị loại? Bộ ăn hối lộ hả?
Coi chừng nghe, tôi vào trung tâm báo cáo các người ăn tiền hối lộ cho
coi…
Chưa kịp nói hết câu thì "uých" một cái, tôi bị cùi chỏ của
một tên mặt rô giả bộ đứng trong hàng tống mạnh vào ngực. Đang bàng
hoàng định la lên kêu cứu thì tôi bị nhiều tên khác xúm lại lôi cổ ra
khỏi hàng. Nhiều người khác chỉ chỏ mắng thêm. Một người đứng xếp hàng
chỉ mặt tôi chửi:
– Định phá đám hả mậy? Đ… mẹ xác thân như mày có
gì mà cho. Đã không biết thân biết phận còn dám hỗn láo. Đáng kiếp! Đồ
phế binh ăn hại.
Thế là tôi bị hất văng ra ngoài hàng, người đứng trước đứng sau làm
ngơ như không có chuyện gì xảy ra, chen mất chỗ đứng của tôi. Bực mình
và buồn bã, tôi về lại nhà thương thăm cha tôi, bệnh của ông càng lúc
càng nặng mà tôi thì không có tiền chữa chạy. Lần này tôi quyết định
phải "biết điều" hơn. Sáng hôm sau tôi ra sớm hơn để xếp hàng và hứa cho
một tên mặt rô đứng giữ trật tự số tiền nó muốn để được bán… máu.
Từ đó tôi có thêm nghề mới, nghề bán máu. Lân la với chốn này, tôi cũng
làm quen được nhiều người khác, vui nhất là được gặp lại những anh em
phế binh và các quả phụ đã từng một thời quen biết. Phế binh Cận (cụt
một tay) ngồi ở công viên với phế binh Độ (mù một mắt và cụt một chân)
và Thành (méo miệng và cụt một tay) chờ chị Loan và bà Nguyệt già tới
giới thiệu với người "sắp chỗ" cho đứng xếp hàng.
Bà Nguyệt hồi này
tìm được "việc làm" mới ở chợ bán máu nên không phải ra bùng binh chờ…
khúc bánh mì nữa. Thật ra thì chẳng có ai mời bà Nguyệt ăn bánh mì cả vì
bả quá già, thấy mà ghê. Bả còn có thêm nghề mới là "dẫn mối", nếu
"giới thiệu" được nhiều người đến bán máu thì được nhiều ổ bánh mì với
hột gà ốp la, ăn không hết thì bán lại nhà bếp. Chị Loan nhờ bà Nguyệt
"giới thiệu" nên đã bán được ba lần máu, mà không cần phải đợi từ 3 đến 6
tháng.
Anh Cận dự tính nếu mà mọi chuyện êm xuôi thì anh và anh
Độ, có con đang đau nặng nằm ở bệnh viện Nhi Đồng I, sẽ đi đến Thủ Dầu
Một bán máu tiếp. Tại đây thủ tục bán máu dễ hơn nhưng không được bồi
dưỡng bằng ở Sài Gòn, và họ sẽ tìm đến những nơi bán máu khác để tiếp
tục "hiến" máu lấy tiền. Tại những nơi này không ai có thể biết họ vừa
mới bán máu xong vì thiếu phương tiện đo lường hồng huyết cầu. Nhờ bán
máu nhiều lần, anh Độ chạy đủ tiền lo thuốc cho con, anh còn dự định nó
lành bệnh xong anh sẽ đưa hai đứa con nhỏ ra Nha Trang sống một thời
gian, không cho chúng đi mót rau nữa.
Anh Thành ngồi buồn buồn nhìn
Cận và Độ xếp tiền vào túi áo ở ngực. Anh bị lao nhìn thấy rõ quá và
thân thể ghẻ lở tùm lum nên bị từ chối "nhận" máu. Anh Cận rủ anh Độ qua
bên kia đường làm một tô hủ tiếu "rửa ruột" cho đã. Nhưng chị Ngọc
Trai, vợ anh Độ, từ đâu chạy đến hớt hãi báo tin là con họ đã chết, người
ta đưa vào nhà xác rồi. Anh Độ nghe tin ngồi thẫn thờ, không nói được
gì cả, chỉ biết văng tục một tiếng "Đ… mẹ nó, cuộc đời này thật là chó
đẻ", rồi rủ rục xuống mặt bàn. Tô hủ tiếu anh Độ vừa kêu ra ăn không
nổi, anh Thành chạy vô ăn thay nhưng không còn thấy ngon, chỉ thấy mùi
vị đăng đắng. Chị Ngọc Trai nức nỡ nói tiếp:
– Người ta nói phải
đóng tiền cho bệnh viện mới được đem xác con về. Họ nói là tiền giữ xác
trong nhà lạnh, để lâu càng trả thêm tiền. Tiền xương máu của anh vừa
bán cho nhà nước xong, không tội gì phải nộp lại cho nhà nước. Đời bây
giờ chết là hết. Vô thần mà, không còn tâm linh gì nữa. Thôi để con mình
cho người ta đem đi hỏa thiêu, coi như vô thừa nhận.
Anh Độ cầm số
tiền vừa lãnh xong, sau khi đã chia cho người "xếp chỗ" và đưa cho vợ,
chống gậy đứng lên, đi qua bên kia đường ngồi xuống ghế đá. Miệng anh
đắng nghét, môi khô lại, mắt hoa lên rồi nấc lên: "Con ơi!".
Chị
Loan dạo này cũng hết đi sang bên kia đường kiếm ổ bánh mì thịt, chị gia
nhập lực lượng "tình nguyện" hiến máu. Chị có ý định gom số tiền bán
máu được khá nhiều rồi sẽ đi buôn lại như xưa vì nghe nói là bây giờ
cộng sản không còn ngăn sông cấm chợ nữa. Hôm nọ, gặp lại chị Mai, hai
người mừng quá. Chị Mai cho biết là nhờ cặp bồ với một tài xế xe tải,
chị thoát được vài chuyến hàng nên có lại mái nhà. Chị Loan nghĩ nếu
mình có vốn sẽ nhờ chị Mai chỉ đường, nhưng trong hoàn cảnh này muốn có
vốn chỉ còn cách đi bán… máu. Chị Loan đã đi đến các trung tâm tiếp
huyết tại Thủ Dầu Một, Bình Dương, lên tuốt tận Lộc Ninh rồi vòng qua
Biên Hòa "bán máu". Nhờ "biết điều" và ăn nói giã lã, chị bán được nhiều
lần. Nhưng vì muốn mau thoát kiếp sống hè phố, chị Loan đã quên chính
mình. Thân xác của chị ngày càng kiệt quệ, mặt chị ngày càng xanh xao,
chân đi không vững, chị cứ bị xây xẩm luôn. Một đêm chị nằm ngủ luôn
trên ghế đá một công viên tại Chợ Lớn, xác cứng đơ. Sáng sớm hôm sau
người ta đến chở xác chị đi, số tiền chị để dành cũng không cánh mà bay…
vào túi những người công an đến khám xét.
Những người sống vất
vưởng trên hè phố, có đó rồi mất đó. Họ sống như những bóng ma, vật vờ
bên ngoài cuộc sống, không ai màng đến sự hiện diện của họ. Họ còn sống
hay chết đi không thay đổi những sinh hoạt thường ngày. "Không có mợ,
chợ vẫn đông".
Thành phố trong những tháng ngày cận Tết, mọi người
vật vã đi tìm miếng sống. Nhà nước công sản tiếp tục bận rộn với những
kế hoạch 5 năm, 10 năm, những công trình thế kỷ năm 2000, năm 2020… Họ
bận tâm xây dựng những tượng đài kỷ niệm nọ kia, làm những báo cáo vượt
chỉ tiêu, soạn diễn văn chúc mừng… Các loa đài phát thanh ra rả những
bài ca ngợi thành tích, hứa hẹn thiên đàng, hạnh phúc ấm no, những âm
thanh chát chúa vang vọng vào đầu người dân. Nhưng người dân Việt Nam đã
điếc, họ chỉ thấy trước mắt là địa ngục trần gian. Người dân sợ hãi mỗi
khi nhìn thấy lá cờ có hình ngôi sao vàng chìm ngập trong màu máu đỏ.
Không! Không thể kéo dài mãi kiếp sống trâu ngựa này mãi trong chế độ
này. Những người nghèo khổ đang bơi trong biển tuyệt vọng. Chế độ cộng
sản đang hủy hoại con người, kể cả những người bần cùng nhất trong xã
hội. Họ đã xúc phạm đến các thần thánh, đã đày đọa quê hương trong đói
khổ và duy trì bất công. Họ không ngần ngại sử dụng những thủ đoạn tàn
ác để triệt tiêu những người làm vướng chân họ. Họ sẵn sàng đi ngược đạo
lý, sống trái tình người miễn sao được tiếp tục đè đầu người khác. Họ
không phải là những con người bình thường, họ là loài thú dữ, những con
"chó sói", không biết đạo lý, không biết tình người. Họ quay mặt luôn
với những người đã từng ủng hộ họ ngày hôm qua, những "bà mẹ chiến sĩ"
bây giờ chỉ biết ngồi than thân trách phận vì đã dại khờ bị cộng sản
lường gạt, không những lường gạt cảm tình mà còn lường gạt luôn cả mạng
sống con mình và tài sản. Chế độ cộng sản chỉ biết lo củng cố chỗ đứng
của họ và chỉ bảo vệ quyền lợi của họ. Không còn gì để nói chuyện "phải
trái" với những loại người này nữa.
* * *
Bờ sông Bạch Đằng là
chỗ anh em phế binh và những người sống ở hè phố thường ra đó tắm rửa,
giặt giũ và nghỉ ngơi. Ngâm mình dưới làn nước mát, chúng tôi tươi tỉnh
trở lại, bụi bặm và nỗi nhọc nhằn tan biến hẳn đi. Chúng tôi ngước nhìn
tượng Đức Trần Hưng Đạo, tay chỉ xuống dòng sông, mơ tưởng một trận Bạch
Đằng Giang. Nhìn dòng nước chảy, chúng tôi mong xảy ra những cơn lốc
xoáy cuốn phăng những bất công trong xã hội. Ngước nhìn trời cao, chúng
tôi hy vọng có một Thánh Trần ra tay tế nhân độ thế, sớm mang lại cho
quê hương tình người. Chúng tôi mong những bàn tay nối dài từ hải ngoại
kéo anh em phế binh chúng tôi ra khỏi vùng bóng tối, giúp chúng tôi tạo
lại cuộc sống bình thường, tìm lại nhân phẩm đã mất.
No comments:
Post a Comment