Bác sĩ Phạm Minh Hiển,
Sinh năm 1956, được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho đi Pháp du học năm 1974, tốt nghiệp Y Khoa tại Pháp.
Là đồng tác giả cuốn: "Những mảnh đời rách nát"
viết về TPB VNCH và những người tàn tật tại VN. Năm 1982, BS Hiển đã
cùng BS Bernard Kouchner cứu người vượt biển trên tàu Goelo và chiến hạm
Le Balny.
Xúc
động nhất là thấy ông cầm loa phóng thanh nói bằng tiếng Việt từ trên
tàu chiến của Pháp, kêu gọi đồng bào đang trên những chiếc ghe nhỏ như
lá tre, trên đại dương mênh mông làm theo sự hướng dẫn của ông. Giữa lúc
sinh mạng như ngàn cân treo sợi tóc giữa biển khơi, gặp được một người
đồng hương có trái tim nhân hậu, quả là một kỳ công của đấng tối cao.
Ông
là tác giả và đồng tác giả của nhiều chương trình giúp đỡ TPB VNCH và
người tàn tật tại VN, trong đó có chương trình giúp đỡ xe lăn cho TPB
VNCH.
Ngày 13/12/21, bác sĩ Phạm Minh Hiển đã qua đời tại Pháp.
******
Sau
biến cố 30-4-1975, gia đình và bản thân tôi nói riêng và đại gia đình
anh em phế binh nói chung sống những ngày đen tối. Vì bị chế độ mới xếp
vào loại "thành phần xấu", chúng tôi bị áp bức đủ điều. Nhà cửa của
chúng tôi vốn đã không có gì bị cưỡng đoạt, thân thể không nguyên vẹn
của chúng tôi cũng bị cưỡng chế và chịu đựng đủ mọi nhục hình. Một số
anh em chúng tôi bị cưỡng bức đưa đi "tập trung cải tạo". Tập trung cải
tạo ở đây phải hiểu là đi ở tù, tâm hồn và thể xác bị hành hạ. Nhà tù ở
đây cũng không phải là nhà tù trong những thành phố mà là giữa chốn rừng
sâu, khỉ ho cò gáy, trong những căn cứ của cộng sản cũ, thiếu thốn trăm
bề. Nhiều anh em chúng tôi đã bỏ mình, thân thể nằm lại vĩnh viễn tại
những chốn này, mồ hoang cỏ lạnh và bị đời quên lãng.
Gia
đình chúng tôi cũng không thoát nạn. Người ta cưỡng bức gia đình chúng
tôi ra khỏi thành phố và đưa vào những vùng kinh tế mới giữa chốn rừng
thiêng nước độc. Ông già, bà cả, vợ con tay yếu chân mềm, chưa bao giờ
biết chặt cây phá rừng, đào mương phát rẫy, đều phải vất vả làm lụng mới
có ăn. Những người bị thương tật như chúng tôi, không đủ sức cày sâu
cuốc bẩm, khai phá núi rừng, đã bị chói nước rét rừng ngã bệnh nặng
trong các vùng kinh tế mới. Tại những nơi này, người ốm đau không có
thuốc men chữa trị, người không có sức lao động không có cơm ăn, trẻ em
không biết trường học, ông già bà lão thì thiếu ăn thiếu áo. Sau một
thời gian, phần lớn những người đi vùng kinh tế mới đều lén trở về thành
phố, trong đó có chúng tôi vì không muốn bỏ mình trong chốn rừng sâu.
Trở
về thành phố (Sài Gòn) thân yêu, dù phải hành khất xin ăn, lượm vỏ ve
chai hoặc bọc ny lông cũ, sống trong cảnh đói khổ kiệt cùng chúng tôi
cũng cam chịu. Vì nhờ đó chúng tôi có tiền mua gạo nấu cơm ăn cho đỡ
đói. Đêm đêm chúng tôi phải ngủ bụi ngủ bờ, đầu đường xó chợ, vì không
nhà không cửa và không có người quen thân để có chỗ che mưa trú nắng.
Ngày
ngày chúng tôi chống đôi nạng gỗ lê lết tấm thân tàn đi xin ăn hết nơi
này đến nơi khác, gặp gì lượm đó. Cũng nhờ bà con cô bác rủ lòng xót
thương, bố thí cho chút tiền mọn hay chén cơm bạc, chúng tôi cũng sống
tạm qua ngày. Nhiều lúc quá mỏi mệt, sức lực kiệt cùng, anh em chúng tôi
bạ đâu ngủ đó, ngủ thiếp đi lúc nào không biết đến khi bị "người của xã
hội này" bao vây tứ phía lúc đó mới tỉnh dậy thì quá muộn màng. Người
ta lùa anh em chúng tôi lên xe bít bùng, đánh đập những người chống cự
và chở vào trại tập trung. Về đến trại, dù với tấm thân tàn phế, anh em
chúng tôi cũng bị đày đọa dầm sương, dãi nắng suốt ngày. Từ sáng sớm,
từng tốp người chống nạng lò cò, lọt thọt, bị chia toán đi lao động,
nhóm thì cuốc đất trồng khoai, tưới nước ở những miền đất xa, nhóm thì ở
lại trại rào kẽm gai, nhổ cỏ. Mỗi ngày người ta chỉ cho ăn tiêu chuẫn
mỗi bữa một chén cơm bạc với muối hoặc một củ khoai nướng khét.
Không
chịu nổi cảnh khổ cực, đày ải trong các trại tập trung lao động đó,
nhiều anh em đã tìm cách trốn trại về lại thành phố. Những ai không may
bị phát hiện thì coi như lúa đời, hình phạt dành cho những người trốn
trại rất là tàn ác. Mỗi khi nghe tiếng kêu la thảm thiết vọng về từ
phòng tra tấn, chúng tôi ai nấy đều xót thương cho những anh em xấu số.
Không hiểu tại sao cũng là người như nhau mà người ta có thể tàn ác với
nhau đến như vậy, kinh ngạc hơn nữa là tàn ác với những người tàn tật
chỉ vì quá sợ họ mà tìm đường trốn thoát. Trưa hôm sau, một vài anh em
chúng tôi được gọi lên văn phòng dìu người bạn xấu số về lại phòng giam.
Không ai cầm được nước mắt và căm hận khi thấy dáng người phế binh nằm
bất động, máu me be bét, hơi thở khó khăn, mặt mũi sưng vù đầy vết tím
đen. Những người quản trại dùng báng súng đánh vào đầu anh, dùng chân đá
vào người anh và lấy cây đánh cả vào vết thương đã lành nơi khúc chân
bị cưa. Máu từ vết thương cũ ở khúc chân cứ ri rỉ theo tiếng rên. Làm
sao với một thân hình ốm yếu, cụt què như anh ta chịu nổi đòn thù. Vài
ngày sau, anh bạn xấu số kia lìa đời, xác thân bị chôn vùi nơi chốn trại
này. Chúng tôi cúi đầu nhìn người ta mang xác anh Thảy vào một hố đất ở
bìa rừng. Xét cho cùng, chúng tôi là những người thất trận và thất bại
trước bạo tàn. Chúng tôi đã không bỏ xác trên chiến trường nhưng đã ngã
gục nhục nhã nơi đây bởi những con người hèn mọn.
Thời
gian cứ trôi qua. Chúng tôi chứng kiến hàng ngày cảnh đời trái ngang và
đau lòng đó. Và chúng tôi là một trong những số ít người may mắn sống
sót trong những trường trại đó. Chúng tôi sẽ không ngần ngại làm chứng
nhân những điều mắt thấy tai nghe và thét lên tiếng kêu cầu cứu giùm
những người không còn tiếng nói. Tưởng nhớ lại những người anh em xấu số
bị hành hạ và phải bỏ mạng trong nỗi nhục đó, nước mắt chúng tôi cứ
tuôn trào.
Chúng
tôi là những nạn nhân thiệt thòi nhất trong cái xã hội này, một xã hội
mang tên xã hội chủ nghĩa nhưng bóc lột không ai bằng. Không những thế
nó còn tàn ác hơn cả thú dữ, cảnh đánh đập, chửi bới người cùng khổ xảy
ra hàng ngày và công khai. Chính quyền cộng sản đã không làm một cử chỉ
gì giúp chúng tôi cải thiện cuộc sống mà còn tìm cách vùi dập, đàn áp
không cho chúng tôi xuất hiện trước mắt người khác. Họ chỉ muốn chúng
tôi chết đi cho khuất mắt họ, họ không muốn lương tâm họ bị dằn vặt bởi
cuộc sống khó khăn do chính họ gây ra. Chúng tôi có làm điều gì ác đức
đâu để phải bị hành hạ như vậy, chỉ vì quá nghèo đói chúng tôi phải lang
thang cầu thực, chúng tôi có cướp bóc, lường gạt ai đâu mà bị đối xử vô
nhân đạo như thế? Những người đại diện chế độ này không có tình người,
họ không những ăn sung mặc sướng, ỷ lại chức quyền, cướp của công, ăn
hối lộ và làm tiền người khác mà còn ruồng bỏ, hất hủi những người đã bị
họ lợi dụng.
Trên
bước đường ăn xin, chúng tôi còn chứng kiến bao cảnh trái ngang của
những gia đình "cách mạng", có nhiều "liệt sĩ" bị hất hủi, bị bỏ quên
bởi chính đồng đội cũ của con cháu mình. Không những thế những đám thanh
niên vừa mới lớn lên, a dua theo chế độ này, còn vênh mặt chửi bới
những "bà mẹ chiến sĩ" buôn thúng bán bưng lấn chiếm lòng lề đường. Ôi,
cảnh đời thật quá bất công! Chúng tôi chỉ là những kẻ sống bên lề cuộc
sống, không có quyền gì cả, kể cả quyền đi ăn xin.
Những
khi bị đời hất hủi, chúng tôi chỉ tìm an ủi khi nhớ lại dĩ vãng xa xưa.
Dù sao chúng tôi cũng có một thời oanh liệt và đáng tự hào, chúng tôi
là những chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã chiến đấu anh dũng
với kẻ thù, trừ gian diệt bạo trên khắp nẻo đường Việt Nam thân yêu, đem
lại bình yên cho đất nước, yên bình cho muôn dân. Chẳng may khi bị
thương, anh em chúng tôi phải bỏ đi một phần thân thể, giã từ vũ khí trở
về đời sống dân sự. Trước kia, chúng tôi được mọi người kính mến, nhân
phẩm được tôn trọng, nhưng từ sau 30-4-1975 chúng tôi sống trong hỏa
ngục. Làm sao có cuộc sống bình thường khi mỗi ngày phải tìm cách đối
phó những nanh vuốt, tránh né những đòn thù của kẻ ác. Vũ khí tự vệ của
chúng tôi là chịu đựng và niềm tin.
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment