Căn
cứ hỏa lực 5 nằm ngay ngã ba tam biên Việt Miên Lào, cách căn cứ Tân
Cảnh chừng 5 cây số về phía Tây. Cũng trong những ngày chiến trường Cao
Nguyên sôi động, tôi theo trực thăng từ Pleiku đến thăm Bộ Chỉ Huy của
Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù đang đóng ở căn cứ này. Cùng đi trên chuyến
trực thăng, có một sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị và Bác Sĩ Lê Thành Ý
thuộc Bệnh Xá Biệt Động Quân của Quân Khu II.
Căn cứ hỏa lực 5 nằm trên một đỉnh đồi, khi trực thăng sắp đáp xuống, người phi công ân cần căn dặn tôi:
– Xuống máy bay là phải chạy vào giao thông hào ngay tức khắc. Việt Cộng thích chỗ này lắm, chúng pháo suốt ngày suốt đêm.
Trực
thăng đáp xuống, người phi công nhìn thấy mấy vị sĩ quan đứng đón ở bãi
đáp không ai mặc áo giáp, đội nón sắt gì cả, anh lắc đầu:
– Nguy lắm, nguy lắm!
Người
phi công cười dòn, vẫy tay chào rồi cất cánh. Anh mới trở về Việt Nam
sau hai năm du học ở Hoa Kỳ. Anh em trong Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 81 Biệt
Kích Dù nghe có khách đến thăm đều ra chào hỏi vui vẻ. Những người tôi
được gặp mặt hôm nay gồm có Trung Tá Phan Văn Huấn, Liên Đoàn Trưởng,
Bác Sĩ Ngô Thế Vinh, Y Sĩ Trưởng của liên đoàn, Thiếu Tá Lân, Thiếu Tá
Vũ Xuân Thông (tài tử trong phim Người Tình Không Chân Dung) và những sĩ
quan trẻ như Đại Úy Đào Minh Hùng, Đại Úy Trần Văn Thọ, Đại Úy Nguyễn
Sơn… Các anh em trong lực lượng này đội mũ xanh, mặc quần áo trận màu
hoa rừng. Sống ở rừng núi quanh năm nên người nào tóc cũng dài, nước da
ngăm đen và ai cũng hiếu khách.
Trung
Tá Phan Văn Huấn và Bác Sĩ Ngô Thế Vinh hướng dẫn tôi đi thăm bệnh viện
của liên đoàn. Bệnh viện xây kiên cố. Nghe một người bạn nói là Bác Sĩ
Vinh được đề cử đi du học ở Hoa Kỳ nhưng anh từ chối không đi. Anh nói
với bạn bè:
– Trong lúc chiến trường còn khốc liệt như thế này, mình đâu thể bỏ anh em mà đi.
Trung
Tá Phan Văn Huấn là một người Huế trầm lặng. Anh nói giọng Huế đặc.
Xuất thân khóa 10 Võ Bị Đà Lạt, lên đến cấp bậc và chức vụ này, hẳn đã
trải qua bao nhiêu là trận mạc. Anh nói cho tôi nghe tình hình chiến sự
của vùng Tam Biên và đưa tôi đi thăm một vòng chung quanh căn cứ.
Liên
Đoàn 81 đóng quân rải rác ở sườn đồi, trong rừng và dưới chân núi.
Trung Tá Huấn kể lại một chiến công của anh em Biệt Kích Dù:
–
Cộng quân đã chuẩn bị đánh Cao Nguyên từ lâu rồi. Trước khi chiến
trường này bùng nổ, vào đầu tháng hai năm 1972, liên đoàn hành quân ở
vùng Tam Biên, Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn đóng ở căn cứ Tân Cảnh. Liên đoàn
thả quân lục soát dọc một vùng biên giới Việt Miên Lào và khám phá quân
đã mở sẵn một con đường từ Tam Biên, xuyên qua núi phía Nam căn cứ Tân
Cảnh, cách Quốc Lộ 14 chừng hai cây số để tiến quân đánh thẳng về Quân
Đoàn II. Con đường này được Cộng quân chuẩn bị rất khéo, chúng đốn hết
cây lớn để mở đường, chừa lại những cây nhỏ dùng ngụy trang. Những cây
nhỏ không trở ngại gì cho chiến xa, bởi vậy dù cho trực thăng có bay
thật thấp ở trên ngọn cây cũng không thể nào thấy được một con đường đã
chuẩn bị sẵn. Con đường như một lưỡi dao dí thẳng vào yết hầu của Quân
Đoàn II.
Sau
đó Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù giao lại căn cứ 5, căn cứ 6 và căn cứ
Charlie cho Sư Đoàn 22 Bộ Binh, vì lúc đó mặt trận phía Bắc Tây Ninh bị
áp lực của địch quân khá nặng. Việt Cộng chiếm Lộc Ninh và di chuyển rất
nhanh về bao vây An Lộc. Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù được lệnh rời Tân
Cảnh về giải vây cho An Lộc. Trung Tướng Ngô Dzu, Tư Lệnh Quân Đoàn II
xin Dù tiếp viện. Sư Đoàn Dù đưa Tiểu Đoàn 11 Dù lên trấn đóng tại
Charlie, dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Nguyễn Đình Bảo (nhân vật trong
bài “Người ở lại Charlie” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh), và đánh một
trận lẫy lừng khi căn cứ này bị địch quân dùng biển người tràn ngập.
Khác
với Bác Sĩ Vinh và Trung Tá Huấn là những người trầm lặng, Trung Úy Y
Sĩ Lê Thành Ý tính tình vui vẻ, phóng khoáng. Ông có dáng người cao lớn,
giống như một lực sĩ hơn là một họa sĩ. Vậy mà bàn tay cầm dao mổ của
ông cũng là bàn tay cầm cây cọ để sáng tác nhiều bức sơn dầu không thua
gì những họa sĩ chuyên nghiệp. Nhưng nói đến Bác Sĩ Lê Thành Ý, những
người quen biết không ai quên được một ca mổ gay cấn nổi tiếng của ông
tại chiến trường Tây Nguyên này.
Người
ta còn nhớ trận Pleime của những người hùng biên trấn Biệt Động Quân
Biên Phòng vào mùa hè năm 1971. Sau khi Cộng quân bị đẩy lui bởi sức
kháng cự mãnh liệt của các chiến sĩ Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân Biên
Phòng dưới quyền chỉ huy của Đại Úy Giác, bên ta có một người lính trẻ
mới 28 tuổi, gốc người thiểu số, bị một trái M79 ghim vào bắp chân. Tiểu
đoàn không dám tản thương về Quân Y Viện Pleiku vì sợ trái đạn phát nổ
bất cứ lúc nào trong khi di chuyển.
Được
điện thoại cấp báo, Bác Sĩ Lê Thành Ý đang có mặt tại Pleiku, không một
chút do dự, ông mời một bác sĩ Mỹ cùng đi, nhưng bác sĩ này từ chối.
Bác Sĩ Ý gọi cho các bác sĩ ở Quân Y Viện Pleiku là Bác Sĩ Bùi Thế Khải,
Bác Sĩ Nguyễn Huy Đạt, Bác Sĩ Nguyễn Thúc Cường và Bác Sĩ Phong để nhờ
các vị này sẵn sàng cấp cứu cho mình, nếu cuộc giải phẩu của ông không
thành công. Các bác sĩ này sẽ túc trực tại Quân Y Viện Pleiku và chờ
tin: bệnh nhân sống là bác sĩ sống, nếu trái đạn nổ, bệnh nhân chết đã
đành, bác sĩ giải phẫu sẽ mất hai cánh tay và bị trọng thương từ cổ lên
toàn mặt.
Vừa
đến trại Pleime, Bác Sĩ Lê Thành ž cho làm một phòng mổ dã chiến bằng
bao cát vây chung quanh giường của thương binh, chỉ chừa một cửa sổ hình
chữ L. Cùng đến Pleime với Bác Sĩ Ý, có Bác Sĩ Xuân thuộc Tiểu Đoàn 50
Chiến Tranh Chính Trị. Bác Sĩ Xuân đi theo để phòng cấp cứu Bác Sĩ Ý nếu
cuộc giải phẫu thất bại và săn sóc cho Bác Sĩ Ý trên đường chuyển về
Quân Y Viện Pleiku.
Phòng
mổ dã chiến đã sửa soạn xong. Mấy chuyên viên đạn dược đang đứng chờ.
Trực thăng tải thương đậu sẵn trên bãi đáp. Bác Sĩ Lê Thành Ý đi tới, đi
lui ngoài sân, hút thuốc không ngừng. Một lát, ông dừng lại nói với một
ông cha người Mỹ:
– Xin cha hãy cầu nguyện cho tôi.
Cha vỗ vai ông và nói:
– Tất cả mọi người ở đây sẽ cầu nguyện cho bác sĩ khi bác sĩ bắt đầu mổ.
Bác
Sĩ Lê Thành Ý bước vào phòng, mặc áo giáp, đội nón sắt, đưa hai cánh
tay qua khung cửa nhỏ của bức tường làm bằng bao cát. Nét mặt của Bác Sĩ
Ý lúc này rất thản nhiên, tay cầm cây dao mổ, ông bắt đầu đùa với tử
thần.
Trong
phòng yên lặng đến nghẹt thở. Ngoài hành lang, mọi người đều cầu nguyện
theo tôn giáo của mình. Mười lăm phút sau, viên đạn M79 đã nằm gọn
trong bàn tay khéo léo của Bác Sĩ Lê Thành Ý. Mấy chuyên viên đạn dược
lập tức mang viên đạn ra ngoài. Một lát sau, những người đang chờ đợi
đằng trước nghe một tiếng nổ lớn, cửa phòng mở và Bác Sĩ Ý bước ra. Đám
đông ào tới, người bắt tay, người ôm vai… để bày tỏ sự vui mừng của mình
cùng với sự cảm kích lòng can đảm và vị tha của một người y sĩ.
Hiện
nay Bác Sĩ Khải ở Pháp, Bác Sĩ Đạt ở New York, Bác Sĩ Cường ở Seattle,
Bác Sĩ Phong ở Úc. Dù có dịp nào gặp lại nhau hay là không, nhưng chắc
chắn họ không thể nào quên được những kỷ niệm của những ngày ở Cao
Nguyên khói lửa mịt mờ.
Trong
số những người này, Bác Sĩ Ngô Thế Vinh hiện ở tại miền Nam California,
là người có nhiều tình cảm gắn bó với miền núi rừng này nhất. Lúc còn
đi học, anh là chủ bút tờ Tình Thương của Đại Học Y Khoa Sài Gòn. Sau
khi ra trường, anh sáng tác đều đặn trong những năm đầu: Mây Bão (1963),
Bóng Đêm (1964), Gió Mùa (1965) và Vòng Đai Xanh (1971). Tác phẩm Vòng
Đai Xanh được thành hình trong khoảng thời gian ở Cao Nguyên, anh là Y
Sĩ Trưởng của Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù. Núi rừng và sinh hoạt của những
sắc dân thiểu số là những đề tài ít người nhìn đến với một tình cảm sâu
sắc như anh. Bởi vậy, với tôi, Vòng Đai Xanh là một âm bản tuyệt hảo
của một nhiếp ảnh gia yêu mến thiên nhiên và là một bản cáo trạng đanh
thép lên án sự chà đạp quyền bình đẳng của con người.
Sau
khi đi thăm một vài nơi đóng quân của Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù, tôi
theo chân Trung Tá Huấn trở về doanh trại và được anh em mời ăn cơm
trưa. Bữa cơm dã chiến thật đặc biệt với món thịt rừng, gồm thịt nai,
thịt thỏ, do anh em săn về phơi khô làm lương thực. Mọi người vừa ăn vừa
nói chuyện vui vẻ. Thiếu Tá Thông nói chuyện vui nhất, làm mọi người
quên mất những trận pháo kích có thể chụp xuống căn cứ bất kể lúc nào.
Buổi tối tôi trở về Kontum, tạm trú trong một chủng viện. Các dì phước ở đây dặn dò:
– Nếu nghe pháo kích thì chạy xuống hầm. Hầm ở đằng kia kìa.
Chủng
viện ở xa trung tâm thành phố, ban đêm khung cảnh tĩnh mịch và khí hậu
thật trong lành. Tôi mở cửa sổ, mùi thơm của hoa bưởi, hoa trà từ ngoài
vườn theo gió vào tận trong phòng. Rồi một giấc ngủ thật ngon lành trong
gió mát và hương hoa của miền rừng núi. Nửa đêm, chợt tỉnh giấc vì
những tiếng nổ long trời hình như ngay ngoài cửa sổ. Tôi biết là mình
đang bị pháo kích. Chừng nửa giờ sau, tiếng pháo im bặt. Bên ngoài ánh
trăng vẫn chiếu sáng trên những chùm hoa bưởi trắng ngần, hương thơm của
hoa càng về đêm càng ngạt ngào trong gió. Cái chết chỉ trong đường tơ
kẽ tóc. Và tôi thấy mình thích mùi hoa bưởi từ dạo đó.
Sáng
hôm sau, tôi dậy thật sớm, ra sân đứng nhìn những mảnh đạn vương vãi
khắp nơi. Dấu tích một quả đạn pháo nổ gần nhất chỉ cách nơi tôi ngủ
không quá 10 mét. Các anh em trong Liên Đoàn 81 lái xe từ căn cứ 5 đến
chủng viện mời tôi đi uống cà phê. Một anh nói:
– Đêm qua nghe pháo kích, xem tọa độ, thấy đạn rơi vào chủng viện, anh em chúng tôi lo cho cô lắm.
Tôi cười:
– Cám ơn anh em. Ông thầy tử vi nói tôi sống lâu lắm.
Chúng
tôi uống cà phê tại một quán cà phê nhỏ nằm bên dòng sông Dabla. Người
ta nói con sông này đặc biệt là nước chảy ngược dòng. Khi chưa đến
Kontum tôi nghe nói như vậy, trong lòng nghĩ khi đến đây, phải ra đứng
bên bờ sông Dabla để nhìn xem nước có chảy ngược dòng hay không. Nhưng
đến đây bao nhiêu lần rồi cũng quên mất chuyện đó.
Chủ
nhân của quán cà phê nhỏ này là một cô Thái trắng. Bàn tay bưng tách cà
phê có những ngón thật nõn nà. Các cô Thái trắng có một vẻ đẹp đặc
biệt, nét đẹp của một bông hoa rừng, đẹp tự nhiên và có một chút gì man
dại, dễ thu hút và ngây ngất lòng người. Chủ quán đẹp, cà phê Kontum
ngon tuyệt vời, khách đến đây là những chàng trai chiến trường đi chẳng
tiếc ngày xanh. Hôm nay ngồi đây uống một ly cà phê, nhìn nhau, nếu có
một chút tình cảm nào đó, thì cũng chỉ là bèo nước tương phùng. Rời quán
rồi, có thể vĩnh viễn không bao giờ gặp lại.
Vừa
trở về Pleiku, tôi sững sờ khi nghe tin Đại Úy Ngô Tùng Lam, Tiểu Đoàn
Trưởng Tiểu Đoàn 72 Biệt Động Quân Biên Phòng vừa tử trận tại Benhet.
Căn cứ Benhet là một trong những căn cứ hỏa lực trấn đóng dọc vùng Tam
Biên, là một trong những cái chốt làm gai mắt Cộng quân nhất trong mưu
đồ tiến chiếm Kontum.
Đại
Úy Ngô Tùng Lam trước ở bên Lực Lượng Delta và năm 1968 đã nổi tiếng là
người hùng trong lần giải tỏa mặt trận Cây Thị. Đại Úy Lam là bạn rất
thân của Bác Sĩ Lê Thành Ý.
Tôi
chỉ gặp Đại Úy Lam có một lần cách đây hai tháng. Hôm đó Bác Sĩ Ý đưa
tôi đi thăm Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù bằng đường bộ, nhưng đường mất an
ninh nên phải trở về Pleiku. Chạy ngang qua phố thì gặp xe của Đại Úy
Lam. Đại Úy Lam ngừng xe và nhảy qua xe của chúng tôi. Bác Sĩ Ý giới
thiệu:
– Đại Úy Ngô Tùng Lam, người hùng đang trấn đóng ở Benhet.
Đại
Úy Lam dáng gầy, để ria mép. Tôi định nhường cho ông ngồi ở ghế trước,
nhưng ông đã nhanh nhẹn phóng lên ngồi ở đằng sau. Đại Úy Lam có nụ cười
thật tươi và nói chuyện vui như pháo nổ. Chúng tôi ghé lại uống cà phê ở
một quán bên bờ hồ, cạnh doanh trại của Đại Đội 2 Quân Y. Chúng tôi nói
chuyện về chiến tranh, về văn nghệ. Đại Úy Lam lắng tai nghe bản “Tấm
Thẻ Bài”. Tiếng hát của Thanh Thúy từ một máy cassette nhỏ của quán cà
phê. Ông nói ông rất thích bài này, mà phải là Thanh Thúy hát mới thấm.
Và ông kể chuyện tình của ông mới đến hồi chấm dứt gần đây:
–
Tôi yêu một người con gái đã 5 năm mà chưa một lần nắm tay. Khi nghe
tin nàng sắp lấy chồng, tôi một mình từ Pleiku lái xe về Đà Lạt để gặp
nhau lần cuối. Tôi ngồi lặng lẽ nhìn nàng, uống một ly cà phê, chúc phúc
cho nàng rồi trở về căn cứ.
Đại Úy Lam nhìn ra mặt hồ, thở dài:
– Nàng đi lấy chồng, nhưng tôi vẫn yêu nàng.
Bác
Sĩ Ý là người thích cười đùa vui vẻ nhất, mà lúc đó cũng ngồi im lặng
nhìn những ánh đèn của nhà ai bên kia đồi. Những ánh đèn mờ mờ ảo ảo,
chập chờn trong sương đêm của miền rừng núi.
Từ
hôm về nhìn mặt người yêu lần cuối, vài tuần sau, Đại Úy Lam tử trận
tại Benhet trong một lần tấn công ác liệt của Cộng quân. Đêm chúng tôi
ngồi uống cà phê và nghe ông kể chuyện tình buồn của người lính chiến,
đó là lần thứ nhất cũng là lần cuối tôi gặp ông.
Một
Đại Úy Ngô Tùng Lam với những chiến sĩ anh hùng của Tiểu Đoàn 72 Biệt
Động Quân Biên Phòng ở Benhet; một Thiếu Tá Bửu Chuyển, một Đại Úy Phan
Thái Bình, với những anh em dũng cảm của Tiểu Đoàn 62 Biệt Động Quân
Biên Phòng ở trại Lệ Khánh; một Trung Tá Lò Văn Bảo với những người lính
Địa Phương Quân can trường của Chi Khu Dakto; một Trung Sĩ Nguyễn Văn
Tạ, chiến sĩ xuất sắc của Tiểu Đoàn 3/44 của Sư Đoàn 23 Bộ Binh ở căn cứ
hoả lực 41 và 42; một Trung Tá Nguyễn Đình Bảo với những chiến sĩ Dù
oai hùng ở Charlie; một Trung Tá Phan Văn Huấn với anh em Biệt Kích Dù
81 ngạo nghễ ở căn cứ hỏa lực 5; một Y Sĩ Trung Úy Lê Thành Ý xả thân vì
người ở Pleime… là những chất liệu sống động đã tạo nên một chuỗi huyền
thoại về những người hùng biên trấn Tây Nguyên của một thời chinh
chiến.
Kiều Mỹ Duyên
No comments:
Post a Comment