Đọc bài Người Lính TQLC Bên Bờ Bến Hải, tôi chắc đây là chương đầu của truyện dài tù đầy của Anh khi bị bắt những năm 72-73. Chuyện Anh kể về người binh sĩ TQLC cho thấy ý chí quật cường của người quân nhân quốc gia chống Cộng sản. Tinh thần này có thể thấy nơi nhiều quân nhân như những chuyện sau đây:
Năm 1954 sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, Bính, một binh sĩ TĐ5ND bị bắt làm tù binh cùng với trên 10,000 người khác, gồm đủ cả Tây, Ta, Phi Châu, Bắc Phi, Căm Bốt, Lào, Thái. Họ bị giải đi 600 cây số từ Điện Biên Phủ về Thanh Hóa. Ban ngày họ phải nghỉ, lẩn vào rừng tránh máy bay, đêm mới đi thành từng đoàn. Phải đi chân trần vì giầy, bốt đã bị Cộng sản lừa lấy ngay từ lúc chúng bắt mọi người.
Chúng lừa anh em tù là: “Chúng tôi bây giờ phải gỡ hết mìn bẫy nơi đây, xin các anh cho mượn giầy bốt để chúng tôi mau hoàn tất công tác. Ra ngoài kia đã có cam nhông chờ đón anh em, quần áo, giầy mới đầy đủ hết. Ra tới ngoài thì chẳng có xe cộ quần áo, giầy dép đâu hết. Đó là vố lừa đầu tiên mà anh em tù mắc phải. Sau đó đi chân trần trên đường đá tai mèo. Chân mọi người đều bị cắt ngang dọc chẩy máu. Quấn khăn, quấn áo cũng chỉ được một lát là rách tanh bành.
Hàng ngày chúng phát gạo theo đầu người, ngặt một nỗi chúng cấm đun lửa vì sợ máy bay. Làm sao ăn gạo sống đây, nên Bính cứ đổ gạo vào nón sắt và châm lửa nấu cơm. Vài phút sau một tên bộ đội chạy tới dùng lưỡi lê đâm thủng nón sắt đầy cơm và đá tắt bếp. Bính bèn đứng dậy phản đối nhưng tên bộ đội tiếp tục đá tắt bếp, sau đó còn chỉa súng đòi bắn Bính. Giận quá Bính bèn trưng bầy của quý ra và hét lên: “Phát gạo mà không để cho chúng ông nấu thì đến bố chúng mày cũng không nhá nổi. Bắn, bắn cái con c… tao đây này. Bảo thằng Võ Nguyên Giáp nhà mày đến đây mà bắn.” Vừa nói Bính vừa tiến lại gần tên bộ đội. Anh em tù quanh đó liền đứng cả dậy. Tên bộ đội thấy vậy bèn lùi lên một mỏm đá cao thủ thế nhưng không dám làm gì tiếp. Sau đó Bính bị cách ly một tuần.
Đến năm 1958, Bính là Trung sĩ nhất của TĐ5ND.
Cũng cần phải nói là tù binh Điện Biên Phủ quý nhất là chiếc nón sắt, cơm ăn, nước uống ở đó mà ra. Toán nào có chiếc nón sắt là đêm đến phải trao cho một người trong toán đội chặt lên đầu, cài giây chặt vào cằm, cả toán sẽ ngủ chung quanh để canh giữ chiếc nón quý.
Lúc ra đi ở Điện Biên Phủ có hơn 11,000 tù binh. Tới Thanh Hóa còn lại hơn 3,000. Chết vì thương tích không được săn sóc. Chết vì bệnh tật. Một số khá lớn chết vì không biết thổi cơm nên ăn gạo sống và tiêu chẩy. Đã xẩy ra một trường hợp bi đát như sau: Bữa đó có toán anh em Việt Nam nấu được một mũ sắt cháo, sắp ăn thì có một binh sĩ Tây lai thuộc TĐ8ND Pháp tới gần và nhân lúc không ai để ý đã dứt ngay một ít lông nơi của quý ném vào nón cháo đang sôi. Anh em binh sĩ Việt Nam thấy tởm quá không dám ăn thì anh Tây lai thản nhiên ngồi xuống lấy một vỏ hộp cá mòi múc cháo ăn. Vừa ăn anh vừa xin lỗi vì đói quá nên làm liều. Anh ta nói sẽ mang phần gạo lại để đền bù. Anh đã cố ăn gạo sống mà không được. Từ bữa sau anh được góp gạo thổi cơm chung với toán anh em Việt Nam.
Còn một trường hợp quật cường nữa mà tôi được biết. Trong một trận chiến, một binh sĩ Nhảy Dù đi lạc lọt vào ổ phục kích của Việt cộng. Anh bị bảy tám tên Việt cộng vây quanh chĩa lưỡi lê vào và hô to “hàng sống chống chết!” Đạn đã hết, anh nhẩy lên đá vào tụi Việt cộng và hét to: “Hàng cái con c… tao đây này,” nhưng cùng lúc anh đã bị nhiều lưỡi lê đâm vào người.
Tôi cũng muốn kể với Anh về việc anh Lương Duyên Nam, bạn cùng khóa với tôi. Đã có thời gian anh làm Chỉ huy trưởng Quân Y Viện Trần Ngọc Minh. Anh là một con người thẳng thắn, thấy việc gì phải thì làm hết mình chẳng sợ trở ngại.
Đi tù anh đã nói thẳng với quản giáo: “Các anh cứ bắn tôi đi, tôi sẽ quay lưng lại cho các anh bắn.” Anh cũng hiểu rằng thách đố tụi nó, có thể chúng không bắn ngay lúc đó, nhưng sẽ chờ đến đêm mang ra bìa rừng thanh toán nhưng anh đâu có ngán. Lời thách đố của anh tuy ôn hòa nhưng không kém cương quyết.
Nhưng biểu tượng cao cả nhất của sự BẤT KHUẤT là danh tướng Trần Bình Trọng. Được giao trọng trách chặn đánh quân Nguyên ở Đà Mạn, vì quân số quá chênh lệch nên ông bị bắt. Địch cố dụ dỗ nhưng Trần Bình Trọng đã trả lời: “TA THÀ LÀM QUỶ NƯỚC NAM CHỨ KHÔNG THÈM LÀM VƯƠNG ĐẤT BẮC. Ta đã bị bắt thì chỉ có một chết mà thôi, cần gì phải hỏi lôi thôi.”
Gần ta hơn, sau khi bại trận, quân đội Nhật phải đầu hàng. Hàng triệu quân nhân Nhật phải buông súng, nuốt nhục hàng phục kẻ thù. Tôi được biết rõ binh sĩ Nhật qua thời kỳ họ đóng quân tại Đông Dương. Họ là những người lính gương mẫu, can trường hiếm có. Hy sinh mạng sống cho đại cuộc là một việc họ chấp nhận một cách dễ dàng mà nay họ phải nuốt nhục hàng phục. Trong trường hợp này, ta khó có thể coi là cả triệu lính Nhật đã thiếu can trường.
Cũng trong chiều hướng đó, tướng Mc Arthur đã phải bỏ Phi Luật Tân với bao nhiêu binh sĩ bị Nhật bắt làm tù binh. Lúc đó có thể Mc Arthur bị chỉ trích là chỉ huy yếu kém và thiếu đởm lược. Nhưng khi ra đi Mc Arthur hẹn rằng “Sẽ Trở Lại” và đã giữ đúng lời hứa. Ông đã trở lại, giải phóng Phi Luật Tân và sau đó bắt Nhật đầu hàng, chấm dứt thế chiến 2. Như vậy những lời cáo buộc lúc đầu có hơi bất công đối với Mc Arthur không?
Tôi chỉ muốn nói là khi gặp một tình huống đặc biệt người ta có thể phản ứng không giống nhau và khó mà lượng giá được là người này không đởm lược bằng người kia.
Chắc Anh Ẩn đã trải qua nhiều năm tháng dằn vặt với ý nghĩ là mình đã thiếu đởm lược. Nhưng tôi chắc chắn bạn bè của Anh không ai nghĩ như vậy về Anh đâu. Anh cũng không nên tự phán xét Anh một cách quá nghiêm khắc. Đối với tôi, ngoại trừ những tên cam tâm làm “Antenne” cho Việt cộng thì bất cứ anh em nào sống còn được sau những năm tù cải tạo đều đáng phục cả.
Tướng Đỗ Kế Giai còn thông cảm hơn nữa về hoàn cảnh của những người phải bỏ nước ra đi. Tôi còn nhớ lời cựu Trung tướng Đỗ Kế Giai trả lời khi được phỏng vấn:
- Trung tướng nghĩ sao về những vị tướng đã ra đi năm 75?
- Tôi nghĩ rằng dù họ có ở lại, họ cũng đi tù như tôi thôi.
Câu nói này giản dị nhưng có lẽ đã được Trung tướng Đỗ Kế Giai nghiền ngẫm trong hơn 17 năm tù đầy (Tướng Đỗ Kế Giai là người quân nhân QLVNCH bị cầm tù lâu nhất: 17 năm 4 tháng).
Nói để Anh rõ câu nói của tướng Đỗ Kế Giai đã làm nhẹ đi rất nhiều những mặc cảm nơi một người rời Việt Nam năm 75 như tôi.
Anh có đề cập đến tiếng súng nổ sau khi bọn Việt cộng đã thúc giục các anh đi khỏi chỗ anh TQLC bị thương. Chắc chúng làm thế là để giết chết anh TQLC. Việc này đối với bọn chúng là một việc rất bình thường. Ngay cả với thương binh của chúng, khi mà thương binh của chúng không thể tự khỏi bệnh được, chúng cũng áp dụng kế hoạch "Diệt Trừ Tung Tích." Chúng thấy rằng cứ một thương binh thì cần ít nhất hai đồng đội khiêng cáng lúc di chuyển. Khi nằm ở bệnh xá còn cần thêm y tá, y sĩ, dụng cụ thuốc men nữa.
Như ta đã biết nền y tế miền Bắc là một con số “Không” rất lớn đối với đại đa số dân chúng. Vì vậy, nơi chiến trường, hệ thống quân y của chúng cũng chỉ là những chiếc lều lá để thương binh nằm chờ chết, một vài nơi cũng có giải phẫu như cắt chân tay không thuốc gây mê. Có những cuộc giải phẫu bụng mà vì quá kéo dài nên ruột trương lên không sao đặt lại vào bụng được. Vì vậy chúng có kế hoạch "Diệt Trừ Tung Tích." Du khách tới Hà Nội sẽ nhận thấy có rất ít thương binh, trái hẳn với Saigon. Tại sao? Vì thương binh Việt cộng đã được chúng đón tiếp và tập trung vào những nơi khuất nẻo, xa những nơi mà đám bộ đội còn khoẻ mạnh di chuyển.
Sau đó chúng đem từng toán lẻ tẻ của nhiều đơn vị khác nhau tới (để giết thương binh)*. Những toán này sẽ không bao giờ được tiếp xúc với nhau. Cứ toán này làm xong công tác thì được toán sau thay thế. Những bộ đội trong tất cả các toán đều được học tập là chúng có nhiệm vụ giúp đỡ những thương binh bị thương tích nặng không có hy vọng trở lại bình thường được giải thoát theo ý nguyện của những thương binh này. Mỗi toán chỉ làm công việc "Đao Phủ Thủ" này trong thời gian một chuyến công tác, sau đó được trả về đơn vị và phân tán.
Thương binh cũng được học tập, nhồi sọ bằng những gương hy sinh bịa đặt của những "Thương Binh MA." Toàn là những gương hy sinh vì không muốn trở thành gánh nặng cho đất nước để quân đội mau chóng hoàn thành công cuộc “Giải phóng Miền Nam và Thống nhất Đất nước.” Những bức tranh bi thảm về đời sống gia đình với thương binh cũng được khéo léo vẽ ra. Kết quả là cũng có nhiều thương binh có tình trạng buông xuôi bỏ cuộc nên kế hoạch "Diệt Trừ Tung Tích" gặt hái được kết quả như đã quy định.
Ngày nay, dọc Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, nếu có ai tìm thấy những hố chôn chung từ vài chục tới hàng trăm xác thì đó là những công trình do kế hoạch "Diệt Trừ Tung Tích" để lại cho hậu thế. Còn tại những Nghĩa trang Liệt sĩ thì có rất nhiều ngôi mộ trống, không có thi hài tử sĩ.
Tại Saigon có nhiều thương phế binh vì đa số là thương phế binh VNCH mà thương tích đã được chính quyền VNCH săn sóc tốt nhưng nay đang bị phân biệt đối xử nên rất nghèo khổ.
Tại Saigon cũng có một số thương phế binh Cộng sản Việt Nam gồm thành phần bị thương cận những ngày cuối tháng 4/75 nên đã được những nhân viên Quân y VNCH bị kẹt lại săn sóc trong những cơ sở của QLVNCH (Việt cộng đã đuổi hết thương binh VNCH để lấy chỗ cho thương binh của chúng).
Sau hết xin trở lại chuyện danh tướng Trần Bình Trọng: Tại một trại tù cải tạo, một đêm có anh tù lạnh quá không ngủ được nên ngồi thu lu ngâm nga: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc.”
Ngay lúc đó tên bộ đội đang rình mò ngoài cửa sổ chõ mồm vào quát lớn:
- Anh "lào" vừa "lói," "lam" với bắc gì thế ? Muốn chết hả?
Anh tù ngồi im không trả lời, tưởng rằng tên bộ đội chỉ muốn trong buồng phải giữ im lặng thôi, nhưng tên bộ đội hỏi dồn:
- Anh lào vừa lam với bắc thế?
Anh tù đành phải nói:
- Trần Bình Trọng.
Tên bộ đội bèn quát to:
- Anh Trần Bình Trọng mai lên trình diện để làm việc.
Cả buồng phải ôm bụng nín cười.
Điều đáng trách là Cộng sản VN dậy cho trẻ em là lịch sử Việt Nam bắt đầu từ 1945 là năm Việt Minh cướp chính quyền thì làm sao tên bộ đội này biết được tiền nhân Trần Bình Trọng là người đã làm nên những trang sử oai hùng hồi thế kỷ 13.
Sao mà chuyện gì của Cộng sản Việt Nam cũng buồn vậy?
Vanphongdien
(nguyên Y Sĩ Trung Tá Bùi Thế Cầu- QYHD khóa 5)
No comments:
Post a Comment