"Chấm dứt chiến tranh VN, không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ cái giá phải trả, cho loại Hòa bình đó, là ngàn năm tăm tối, cho thế hệ sinh ra tại VN về sau." President Ronald Reagan
Sunday, February 28, 2016
Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm "Hổ Biển"
Chiếc Giang tốc đỉnh ( River Patrol Boat - PBR) lướt sóng trên sông Hội An, hướng ra cửa biển về phía căn cứ Duyên đoàn 14. Tôi đứng trước mủi tàu, tay cầm chiếc nón cát két Hải quân, mái tóc bay bềnh bồng trong cơn gió mát từ biển đông vào một buổi sáng sương mù còn lãng vãng vấn vương trên những tàng cây xanh mọc dọc theo bờ sông đầy lau sậy. Xa xa về phía gành đá trên cồn đất, những con cò trắng đang rảo bước, chăm chú kiếm mồi, không để ý đến tiếng động cơ vang dội và những đợt sóng nhỏ ào ạt cuốn vào bờ từ chiếc PBR đang chạy ngang qua với tốc độ cao. Nước sông Thu Bồn đục ngầu chứ không trong xanh như giòng sông Hương của cố đô Huế; đáy sông sâu cạn không đều và uốn khúc qua những cồn cát lau sậy lưa thưa, rất trở ngại cho chiến thuyền và chiến đỉnh vận chuyển nếu không quen với hải trình từ cửa biển, cạnh mật khu Cẩm Thanh của Cộng sản, lên đến thị xã Hội An. Những Thủy thủ đoàn kinh nghiệm và thành thạo của các Duyên kích đỉnh và chiến thuyền của các đơn vị biệt phái và tham dự trong Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm "Hổ Biển", một cuộc hành quân Hải quân dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải đóng tại căn cứ Tiên Sa Ðà Nẳng, đã thuộc nằm lòng hải trình này nên vẫn duy trì vận tốc cao khi hải hành tuần tiểu hoặc chuyển quân.
Vào tháng 3 năm 1969 tôi được chọn lựa và chỉ định về Hội An nhận lãnh chức vụ Chỉ huy trưởng Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm trước đây mang tên là "Operations Sea Tiger" do Hải quân Hoa Kỳ bàn giao lại cho Hải quân Việt Nam trong chương trình Việt Nam hóa chiến tranh và kế hoạch Accelerated Turn Over to Viet nam ( ACTOV). Tôi rất hãnh diện chỉ huy một Liên Ðoàn gồm các đơn vị hỗn hợp Việt Mỹ, với các Lực lượng tăng phái thường trực gồm Duyên đoàn 14, Duyên tốc đỉnh (Patrol Craft, Fast-PCF) thuộc Hải đội 1 Duyên phòng, một phân đội gồm từ bốn đến sáu Giang tốc đỉnh( PBR) của Giang đoàn 57 Tuần thám, một toán Ðiện thám ( Sensor Team) và hai nhân viên bắn sẻ( Snipers) thuộc Hải quân Hoa Kỳ. Ngoài ra người Sĩ quan Cố vấn Liên Ðoàn, Thiếu tá Holland, cũng là cựu Chỉ huy trưởng Chiến dịch "Hổ Biển" này được chỉ định tiếp tục phục vụ để phối hợp và yểm trợ hành quân, nhất là liên lạc không yểm cho các cuộc hành quân do Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm điều động khi cần thiết.
Nhiệm vụ Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm " Hổ Biển" còn bao gồm việc hành quân hỗn hợp với các đơn vị thuộc Tiểu khu Quảng Nam và Lữ Ðoàn Thanh Long, Ðại Hàn, trú đóng phía nam khu vực trách nhiệm hành quân của Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm. Vùng hành quân của "Hổ Biển" rộng lớn với lãnh hải trách nhiệm của Duyên đoàn 14 trong nhiệm vụ ngăn chặn, tiêu diệt và kiểm soát Lực lượng Cộng sản hoạt động từ ba mật khu chính tại Hội An, Quảng Nam; đó là các mật khu an toàn và bất khả xâm nhập với nhiều mìn bẫy của địch nằm rải rác từ cửa biển Hội An, trong tầm súng cối Duyên đoàn 14, dọc theo phía nam sông Thu Bồn, lên tận vùng mỏ than Nông Sơn trong dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Ba mật khu mang tên: Cẩm Thanh, Ðập Lỡ và Ðồng Bò đã trở thành địa danh gây nhiều kinh hoàng và thiệt hại cho quân đội quốc gia đồn trú tại lãnh thổ do Tiểu khu Quảng Nam dưới quyền chỉ huy của Ðại Tá Lê Trí Tín, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng. Trong thời gian gần đây, Cộng quân gây áp lực mạnh bằng những cuộc pháo kích hằng đêm vào thị xã Hội An, gây tổn thất nặng về nhân lực, vật chất và kinh hoàng cho dân chúng cư ngụ tại đây, đồng thời còn phục kích, giật mìn trên con đường chính nối liền quốc lộ Một và Hội An, duy trì sự bất ổn và tình hình khẩn trương, thiếu an ninh trên khắp lãnh thổ Tiểu khu.
Trước đây khoảng hơn một tuần lễ, vào đêm hôm trước ngày tôi đáo nhậm chức vụ mới vào một buổi sáng khá đẹp trời cuối xuân năm 1969, hai Giang tốc đỉnh ( PBR) của "Operations Sea Tiger" bị địch quân dùng bộc phá loại mạnh, phá nổ tung trong khi hành quân phục kích cạnh mật khu Ðồng Bò, gây tử thương cho 4 thủy thủ Mỹ và thương tích nặng cho Thuyền trưởng. Sau đó Thiếu Tá Holland, Chỉ huy trưởng Chiến dịch phải xin Tiểu khu Quảng Nam tản thương bằng trực thăng và rồi yêu cầu hai phi tuần khu trục F4 - Phantom từ Ðà nẳng bay xuống dùng phi đạn phá hủy và đánh chìm phần còn lại của 2 Giang tốc đỉnh trước khi các chiến đỉnh lọt vào tay của địch quân Cộng sản.
Tôi nhớ lại thời gian phục vụ với chức vụ Hạm trưởng Khinh tốc Ngư lôi đỉnh (Torpedo boat, Fast-PTF) tại Lực Lượng Hải Tuần, cũng đã tham dự nhiều chuyến công tác đêm thả toán Biệt Hải, bí mật xâm nhập vào mật khu Cẩm Thanh, phá hoại cơ sở và bắt tù binh Cộng sản tại mật khu nổi tiếng kiên cố và nguy hiểm này. Và hôm nay chính tôi lại trực diện đối đầu với địch quân trên một trận tuyến không rõ ràng; ban ngày những công dân bình thường, sinh sống giữa những người quốc gia tại các làng mạc đánh cá, thành thị đông đúc để rồi khi bóng đêm bao trùm trên con sông dài uốn khúc, những người nàyỉ lại trở thành du kích Cộng sản, hờm sẵn các ống phóng hỏa tiển B40, nằm dọc ven rừng lau sậy, phục kích tấn công các chiến thuyền, giang đỉnh đang hải hành tuần tiểu trên dòng sông Hội An chật hẹp với bờ đất dựng đứng hai bên khi lên đến thượng giòng gần cầu xe lửa sập, nằm vắt ngang cuối sông Thu Bồn.
Những kỷ niệm của thời gian xông pha trong "Vùng Biển Ðen", những mất mác, nỗi niềm đau thương vẫn theo mãi với chuỗi đời của người lính biển trong hơn một năm qua sau khi tôi quyết định rời Lực Lượng Hải Tuần. Gió biển, mây ngàn, trăng sao lấp lánh trong đêm khuya trên sóng nước đại dương và ý thích phiêu lưu mạo hiểm, yêu cảm giác mạnh làm cho người thủy thủ đã chọn biển khơi làm bạn, nguy hiểm là thử thách, không thể tiếp tục ngày ngày soạn thảo kế hoạch hành quân tiếp vận tại văn phòng có máy lạnh, ngày hai buổi tham dự thuyết trình và nghe báo cáo về những chiến hữu đang tiếp tục chiến đấu tại các chiến trương sông rạch hay đã nằm xuống trong lòng đất Mẹ Việt Nam. Nhận lãnh trọng trách và một thử thách mới là tôi đã chấp nhận sự hy sinh cá nhân đối với gia đình, với người vợ lính biển hiền thục chỉ biết hy sinh an phận với đời sống thường nhật, vui đùa và dạy dỗ con cái để quên đi nỗi mõi mòn trông ngóng tin tức và rồi hằng đêm cầu nguyện cho sự an lành của người chồng thủy thủ đang xây mộng hải hồ tại một vùng sông biển gian nguy nào đó.
Ðang thả hồn trong ý nghĩ bâng khuâng, chợt tôi nghe tiếng người Cố vấn Hoa kỳ hỏi nhỏ:
-" Is everything OK, Commander?"
Tôi quay người lại, đưa tay ra bắt bàn tay cứng rắn của Thiếu Tá Holland và mỉm cười thân mật đáp lại bằng tiếng Mỹ:
-" Vâng, tất cả đều bình thường, đứng ngắm biển nước và thưởng thức cơn gió mát từ đại dương thổi vào, tôi không thể nào quên những chuyến hải hành cách đây hơn một năm trước khi đang còn là "Skipper" của PTF. Tôi thích đi trên những loại tàu chạy nhanh như bay trên sóng và vì thế khi đứng trên chiếc PBR này, cảm giác cũ một lần nữa đã trở lại với tôi."
-" Tôi rất hiểu về cảm tưởng này; nhiều lúc tôi cũng nhớ lại thời gian phục vụ trên các chiến hạm, tôi thích nhất là "Cruiser", vì loại chiến hạm này không lớn lắm mà cũng không quá nhỏ như "Destroyer", tôi học hỏi và thực hành được nhiều về Hải nghiệp khi phục vụ trên Tuần Dương Hạm cho đến khi được chỉ định theo học trường về "Brown Water" và sau khi tốt nghiệp, tình nguyện qua Việt Nam và bắt đầu chiến đấu trong vùng sông ngòi tại "Mekong Delta". Nghề nghiệp đã thay đổi nhiều, nhưng tôi vẫn nhớ những chuyến hải hành khắp nơi trên thế giới mà tôi đã may mắn và thích thú góp phần."
Tôi gật đầu như đồng ý với người Sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ, xuất thân từ Hàn Lâm Viện Hải quân U.S. Naval Academy tại Annapolis, thuộc Tiểu bang Maryland mà tôi vừa thay thế. Tôi đã được nghe vị Cố vấn trưởng Vùng I Duyên Hải ca tụng về khả năng lảnh đạo, kinh nghiệm chiến trường sông rạch và nhất là đức tính điềm đạm sau đôi mắt kiếng cận thị trông tựa như một nhà giáo của Thiếu Tá Holland, trước khi tôi rời Bộ Tư Lệnh Vùng xuống nhận chức vụ này ở Tiểu khu Quảng Nam.
Chiếc Giang tốc đỉnh vẫn phăng phăng rẽ dòng nước đục đang theo ngọn thủy triều từ cửa biển mà trước đây thực dân Pháp đã gọi là cửa biển "Phai Phô"( Faifo) nhiều sóng gió. Từ xa những cánh buồm nâu của các ghe chài lưới nhấp nhô theo lượn sóng bạc đầu, từng con chim hải âu bay vờn trên ngàn trùng sóng để kiếm mồi. Bầu trời buổi chiều trong xanh như màu áo thiên thanh của các cô gái Hội An mà tôi nhìn thấy nhởn nhơ cuộn bay trong gió, trên những chiếc xe đạp đi đến trường khi tôi ngồi trên chiếc xe Jeep quân đội chạy ra bến tàu cạnh chợ cá Hội An. Tôi không so sánh nét đẹp của gái Hội An với những giai nhân trong tà áo trắng, hay che dấu mặt và liếc nhìn người khác dưới chiếc nón bài thơ tại đất Thần kinh. Mỗi người một vẻ, nhưng các cô gái Hội An có nước da ngâm đen hơn là người con gái xứ Huế, có lẽ vì quanh năm họ được hưởng ngọn gió mát mang theo mùi biển mặn từ cửa "Faifo" thổi vào, làm tăng thêm nét mặn mà của các thiếu nữ sống gần đại dương.
Tiếng súng pháo binh vọng lại từ phía bên hữu hạm, nơi Lữ Ðoàn Thanh Long Ðại Hàn đồn trú đưa những suy tư của tôi trở về với thực tại. Bên phía tả hạm chiến đỉnh, thấp thoáng rừng dừa nước màu xanh mọc dày đặc trên đảo Cẩm Thanh, nơi sản xuất loại cua đồng nổi tiếng Quảng Nam và cũng là căn cứ địa, mật khu an toàn của Việt Cộng. Sông Hội An mở rộng hơn nhiều khi chảy ra đến gần cửa biển; trên sông những hàng rớ cá của dân chài giăng chằng chịt giữa giòng. Các con chim biển đậu nghỉ cánh trên những cọc tre, thản nhiên nhìn lơ đãng khi chiến đỉnh chạy ngang qua tạo nên từng đợt sóng lượn dài trên dòng nước đục ngầu. Cầu tàu Duyên đoàn 14 đã thấy ẩn hiện phía trước, vào khoảng hướng 10 giờ. Chiến đỉnh giảm dần tốc độ và người Hạ Sĩ quan thuyền trưởng đi ra phía boong trước chỗ hai vị Sĩ quan tân cựu Chỉ huy trưởng Chiến dịch đang đứng nhìn về phía Duyên đoàn:
-" Trình Commandant, Thiếu tá Chỉ huy trưởng Duyên đoàn đang tham dự hành quân với Tiểu khu nên không có mặt tại căn cứ, chỉ có Ðại Úy Duyên đoàn phó ở tại đơn vị mà thôi."
Tôi gật đầu nhận hiểu và giải thích cho người Hạ sĩ quan mà tôi đã quen biết trước đây tại Ðà nẳng:
-" Cám ơn Trung sĩ Quang, tôi đã được Thiếu Tá Hải báo cáo sáng nay và tôi cũng muốn theo dõi diễn tiến hành quân tại đây với Thiếu Tá Holland."
Tôi mỉm cười vỗ vai người Trung sĩ già và hình dung trong trí nhớ của mình, Hải quân Thiếu tá Phan Tứ Hải, người bạn học cũ của lớp Ðệ nhất ban toán ở trường Quốc học cách đây hơn 10 năm. Không ai có thể ngờ được một con người nhiều nghệ sĩ tính, ít nói, chơi đàn Guitar bằng tay trái hay tuyệt vời, dáng dấp nhỏ con ngày nào nay đã trở thành một chiến sĩ Hải quân gan dạ, một người hùng với khuôn mặt sạm nắng, tài điều quân xuất chúng hữu hiệu đã và đang là vị hung thần của các đơn vị Cộng sản hoạt động tại vùng sông rạch thuộc tỉnh Quảng Nam. Thiếu tá Hải là Sĩ quan đàn em, xuất thân khóa 11 SVSQ/HQ/NT sau tôi một khóa và là một trong những Sĩ quan Hải quân được tuyên dương công trạng trước Quân đội về những chiến công mà Hải đã thâu hoạch được trong thời gian đảm nhận chức vụ Chỉ huy trưởng Duyên đoàn 14 tại Hội An.
Chiếc PBR từ từ cập vào chiếc cầu gỗ của căn cứ, Thiếu Tá Holland và tôi lần lượt bắt tay Ðại úy Chỉ huy phó của Duyên đoàn 14 rồi được hướng dẫn vào phòng hành quân và nghe người Sĩ quan trẻ này thuyết trình về cuộc hành quân hỗn hợp của Duyên đoàn và các đơn vị Ðịa phương quân thuộc Tiểu khu Quảng Nam, đang diễn tiến tại mật khu Ðập Lỡ, phía tây bắc của thị xã Hội An.
Sau đó hai vị tân và cựu Chỉ huy trưởng Chiến dịch "Hổ Biển" xuống cư xá Sĩ quan để chào vợ của Thiếu tá Hải, nói vài câu chào hỏi xã giao rồi đi thăm trại gia binh đơn vị cũng được xây cất trong vòng rào của căn cứ . Nhìn những khuôn mặt ngây thơ vô tội dễ thương của các trẻ nhỏ, con quân nhân Hải quân và những người vợ thủy thủ đã bỏ hết tất cả tiện nghi thành phố, đi theo chồng lính biển sống một đời sống đầy nguy hiểm và thiếu thốn nhu cầu vật chất trong trại gia binh đơn vị và thường phải xuống hầm trú ẩn vì địch thỉnh thoảng pháo kích, tấn công vào căn cứ, tôi thầm thán phục và ngưởng mộ sự hy sinh cá nhân, lòng yêu thương chung thủy của các người vợ lính chiến Việt Nam Cọng hòa.
*****
Vài tuần lễ sau ngày đáo nhiệm chức vụ mới tại Tiểu khu Quảng Nam, hàng ngày tháp tùng Thiếu tá Hải trên Duyên tốc đỉnh (PCF), thuyền Ferrous Cement, ghe Thiên Nga, Giang tốc đỉnh (PBR)... thăm các đơn vị đang tuần tiểu trên các sông rạch và thám sát các vị trí chiến lược dọc theo sông Thu Bồn và các nhánh sông nhỏ kế cận, hôm nay tôi quyết định lên gặp Ðại tá Lê Trí Tín, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng và mời vị Sĩ quan nổi tiếng tốt này tháp tùng đơn vị Ðiện thám và chiến đỉnh hỗn hợp của Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm "Hổ Biển" tham quan khu vực đang được các đơn vị Thủy quân lục chiến Hoa kỳ khai quan và kiểm soát ở phía nam mật khu Ðồng Bò của Việt Cộng.
Hai ngày sau vào một buổi sáng sớm sương mù đang còn bao phủ trên thành phố Hội An, 4 chiến thuyền và 4 Giang tốc đỉnh (PBR) rời bến tàu gần khu chợ của thị xã nhỏ bé này, trực chỉ hướng tây với phái đoàn gồm Ðại tá Tín và các Sĩ quan thuộc Tiểu khu, Thiếu tá Hải và Thiếu tá Holland. Tôi đứng trên soái đỉnh chỉ huy bên cạnh Ðại tá Tỉnh trưởng, giải thích và hướng dẫn cho vị Sĩ quan Bộ binh này biết về các công tác tuần tiểu, phục kích của các đơn vị thuộc Liên Ðoàn "Hổ Biển". Những địa danh nổi tiếng nơi đã xảy ra các cuộc chạm súng và các cuộc hành quân thủy bộ đầy gian nguy như Cẩm Thanh, Ðập Lỡ, Ðồng Bò, Cầu Sập...được Thiếu tá Hải chỉ trên hải đồ và trên địa thế thật sự cho Ðại tá Tín. Tiếng máy tàu vang dội hai bên bờ lau sậy của con sông Thu Bồn trở nên nhỏ lại khi chiến đỉnh càng đi lên về phía tây, nước sông chảy nhẹ uốn khúc qua các bờ đất dựng cao với các cây cối mọc rải rác khắp nơi.
Khi đi ngang qua một khu đất gần Ðập Lỡ, Ðại tá Tín và tôi vẫy tay chào quân nhân thuộc tiểu đội Ðịa phương quân đang trú đóng tại đây. Những người lính chiến vội vàng nhảy ra khỏi các chiếc võng treo giữa hai thân cây tùng, đưa tay lên chào khi nhận ra vị Tiểu khu trưởng. Chiến đỉnh tiếp tục giang hành về khu vực hành quân cách đây khoảng hơn bốn cây số, nơi một Lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đang dùng các xe ủi đất khai quan khu rừng kế cận mật khu Ðồng Bò của Việt Cộng để toán Ðiện thám của Thiếu tá Holland vào đặt máy điện tử hầu có thể theo dõi hoạt động của đơn vị Cộng sản tại mật khu này và gọi pháo binh tiêu diệt khi phát hiện địch quân.
Ðang ngắm cảnh trời mây nước, bỗng nhiên mọi người giật mình khi nghe tiếng nổ "ầm" vang lên từ phía đóng quân của tiểu đội Ðịa phương quân mà chiến đỉnh vừa chạy ngang qua. Thiếu tá Hải Duyên đoàn trưởng Duyên đoàn 14 gọi máy PRC-25 liên lạc rồi quay lại báo cáo cho Ðại tá Tỉnh trưởng và tôi là một lính Ðịa phương quân bị thương nặng vì vừa đạp phải một bẫy mìn của du kích Việt Cộng gài gần địa điểm khi anh ta đi kiếm chỗ để tiểu tiện. Phòng hành quân Tiểu khu đã nhận được báo cáo và trực thăng tải thương đang trên đường đến di tản thương binh này về bệnh viện để giải phẫu.
Mìn bẫy là chướng ngại vật rất thông dụng và có hiệu quả lớn mà Việt Cộng tại khu vực tỉnh Quảng Nam đang tăng cường xữ dụng để bảo vệ các căn cứ địa Cộng sản, ngăn ngừa và gây thiệt hại cho các đơn vị hành quân của Liên Ðoàn "Hổ biển", Lữ đoàn Thanh Long Ðại Hàn và những Tiểu đoàn Ðịa phương quân thuộc Tiểu khu.
Mặt trời đã lên cao tỏa tia nắng ấm cúng trên vùng đất nhỏ mà chiến tranh và thương vong có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Từ xa xen lẫn vào tiếng máy tàu, văng vẳng lại là động cơ xe ủi đất của đơn vị Công binh thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ. Tôi quay lại ra lệnh cho Thiếu tá Hải chỉ thị hai ghe Thiên Nga lên án ngữ tại phía bắc và hai ghe Ferrous Cement nằm tại phía nam, rồi bảo thuyền trưởng Giang tốc đỉnh chuẩn bị ủi vào bờ. Bãi cát nằm cạnh hai cây sồi là nơi thuận tiện cho mọi người, tôi nắm chặt cây súng M18, vũ khí tùy thân quen thuộc của mình, nhảy xuống trước, kế đến Thiếu tá Holland và Ðại tá Tín tiếp tục nhảy lên bờ. Trước mặt chúng tôi là một xe ủi đất lớn của Công binh Hải quân Hoa kỳ( Sea Bees) đang được một quân nhân ở trần trùng trục điều khiển, chạy lui chạy tới đốn ngả các thân cây và bụi rậm để khai quang làm thành một con đường đất đi sâu vào khu rừng phía trước mặt. Thiếu tá Holland đưa tay lên chào người lính thuộc đơn vị bạn. Ðại tá Tín và tôi cũng đưa tay lên vẫy về phía người lính đồng minh không quen biết này.
Toán Ðiện thám không để mất thì giờ, bốn nhân viên biến mất sau lùm cây sầm uất với dụng cụ điện tử và vũ khí cá nhân. Những người lính Hải quân Hoa kỳ chuyên nghiệp đã quen thuộc với công tác đặt máy dò thám mà họ đã thi hành lâu năm kể từ ngày dụng cụ và kỹ thuật này được áp dụng một cách rất hiệu nghiệm trên chiến trường Việt Nam. Hằng đêm ngồi tại phòng hành quân đơn vị, các chuyên viên trực phiên nghiền ngẫm chăm chú lắng nghe những tín hiệu gửi về từ các máy điện tử đã được họ bí mật chôn dấu và gài sẵn trước trên các lộ trình chuyển quân của Việt Cộng rồi gọi đơn vị pháo binh bạn bắn tiêu diệt Lực lượng địch khi nhận tín hiệu phát hiện sự di chuyển của Cộng sản.
Sau khi thăm hỏi các Sĩ quan và quân nhân đơn vị Thủy quân lục chiến đang hành quân tại đây, phái đoàn tham dự buổi thuyết trình "bỏ túi" do tôi trình bày dưới bóng mát cây tùng bên ven rừng, trong khi chờ đợi toán Ðiện thám hoàn tất công tác đặt máy thăm dò điện tử. Một kế hoạch phục kích và hành quân mới theo ý kiến và đề nghị của tôi và Thiếu tá Hải được Ðại tá Tiểu khu trưởng nhiệt liệt khen ngợi , khuyến khích và chấp thuận thi hành kể từ tối hôm đó để chận đứng sự đe dọa và thiệt hại do Việt Cộng pháo kích hằng đêm vào thị xã Hội An, đồng thời nâng cao tinh thần của dân chúng đang hoang mang, sợ sệt vì phi pháo của Cộng sản. Theo kế hoạch mới này, sau khi điều nghiên các vị trí chiến lược nối liền với mật khu của Cộng sản, cũng như vũ khí mà địch thường xữ dụng để pháo vào thị xã Hội An trong thời gian gần đây, mỗi đêm Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm sẽ chỉ định 2 Giang tốc đỉnh (PBR) với khả năng chạy nhanh và hỏa lực mạnh phục kích tại địa điểm nghi ngờ Cộng sản đặt hỏa tiển 122 ly có tầm bắn xa; 1 Duyên tốc đỉnh(PCF) và 2 chiến thuyền của Duyên đoàn nằm kích tại vị trí nghi ngờ Việt Cộng có thể đặt súng cối 81 ly với tầm xa trung bình có thể pháo vào Tiểu khu. Mục đích là để xữ dụng, phối hợp khả năng các chiến đỉnh, chiến thuyền và có thể phản pháo tức thời để tiêu diệt khi địch vừa khai hỏa. Ðịa điểm kích sẽ thay đổi hằng đêm, thỉnh thoảng một toán kích gồm các nhân viên toán bắn sẻ Hoa kỳ và thủy thủ của Duyên đoàn tháp tùng với các chiến đỉnh, chiến thuyền trong các cuộc phục kích mà tin tình báo cho biết về sự hoạt động của địch có thể xảy ra trong những đêm hôm đó.
Khi công tác đặt máy Ðiện thám đã hoàn tất, phái đoàn trở về Tiểu khu vào buổi chiều cùng ngày. Thiếu tá Holland vào phòng hành quân của Hoa kỳ rồi vội vàng trở lên văn phòng làm việc của tôi tại Tiểu khu, mặt mày hớt hơ hớt hải thông báo cho tôi biết một tin buồn kinh hoàng; ông ta nói rằng người lính Thủy quân lục chiến và chiếc xe ủi đất hồi sáng sớm đã tan tành khi xe chạy qua một quả bom 250 kí lô mà trước đây Không quân oanh tạc khu vực này, không nổ và Việt Cộng đã gài bẫy trở lại. Người lính Thủy quân lục chiến đã chết ngay tại chỗ bên cạnh những gì còn lại của chiếc xe khổng lồ này. Tôi giật mình cảm thấy ớn lạnh và nổi da gà khi nghe tin nói trên vì mới sáng nay, tất cả mọi người trong phái đoàn đã ngang nhiên đi trên vùng đất đầy mìn bẫy đó. Thật là may mắn được sống còn, âu cũng là số mệnh, làm sao tôi có thể tránh được cảnh mìn nổ đạn bay, cũng như mấy năm trước đây, tôi đã thoát chết trong gang tấc khi tham dự vào những trận tác chiến đêm tại Vùng Biển Ðen, phía bắc Vĩ tuyến 17.
*****
Thắm thoát tôi xuống nhận chức vụ tại Hội An được gần hai tháng, kế hoạch mới của Thiếu tá Hải và của tôi đã phần nào có hiệu quả, lúc đầu địch pháo hầu như cứ hai đêm một lần, ban đầu Việt Cộng bắn vào khoảng ba bốn trái hỏa tiển 122 ly hoặc súng cối 81 ly từ phía tây bắc của thành phố, sau đó mỗi lần vừa bắt đầu pháo kích, đặc công địch bị các chiến đỉnh phản pháo ngay tức khắc nên im luôn. Rồi sau đó có lẽ sợ khiếp vía, Việt Cộng chỉ pháo lẻ tẻ một tuần một lần và trong tuần lễ qua, lần đầu tiên, dân chúng thị xã Hội An được ngủ ngon giấc vì không phải thức dậy giữa đêm khuya, vợ chồng bồng bế con thơ chạy xuống hầm trú ẩn tránh đạn pháo kích của Cộng sản.
Vào một buổi tối không trăng, đầu tháng 5 năm 1969, khoảng 12 giờ rưởi sáng, Thiếu tá Holland, Thiếu tá Hải và tôi theo 2 Giang tốc đỉnh, Duyên tốc đỉnh, một cặp ghe Yabuta, nhân viên bắn sẻ cùng với toán kích của Duyên đoàn vào kích tại mật khu Cẩm Thanh, cạnh căn cứ Duyên đoàn 14, mục đích oanh kích, tiêu diệt và gây hoang mang tinh thần cán binh Việt Cộng nằm trong bán đảo này. Tất cả đơn vị vào vị trí phục kích sau khoảng nửa giờ giang hành, các chiến đỉnh tắt máy nằm chờ, anh lính bắn sẻ Hoa kỳ sẵn sàng với cây súng nòng dài, đang điều chỉnh ống nhắm hồng ngoại tuyến, chĩa súng về khóm dừa nước trên bờ sông phía bên trái, nơi nghi ngờ địch quân xuất hiện. Tôi lấy chiếc ống nhòm hồng ngoại tuyến, quan sát về phía bờ xa. Bỗng nhiên từ dưới cụm dừa nước, một bóng đen bò lên, rồi đứng dậy, tay cầm một khẩu súng trường. Thiếu tá Holland vừa quan sát trong ống nhòm nhìn đêm, vừa vỗ vai quân nhân bắn sẻ như ra lệnh; một tiếng "phụt" nghe thật nhỏ từ nòng súng dài, tôi thấy xuyên qua ống nhòm, thân hình của tên Việt Cộng nhào ngửa về phía sau vì trúng đạn, chết không kịp la, có lẽ não bộ đã bị tan tành vì viên đạn bắn sẻ xuyên qua đầu hắn. Thế rồi từng tia đạn bắn ra từ rặng dừa nước về phía giữa sông "tạch...tạch...tạch", nước văng lên tung tóe dưới làn đạn lân tinh vạch thành vòng cung với tia sáng trong đêm tối mịt trời. Tôi biết địch quân chỉ bắn hoảng, không biết chiến đỉnh đang nằm sát cạnh bờ, vì thế tôi ra lệnh chiến đỉnh nổ máy tàu và phản pháo mạnh. Trên tần số máy PRC-25 tôi nghe tiếng Thiếu tá Hải chỉ thị các chiến đỉnh chạy đội hình hàng Một, dọc theo bờ đảo Cẩm Thanh, bắn hỏa châu sâu vào địa điểm của địch và tác xạ về phía tả hạm của đội hình về phía các vị trí của Cộng quân. Tiếng súng đại liên 12 ly7 trên các Giang tốc đỉnh, Duyên tốc đỉnh hòa lẫn với súng tiểu liên, tiếng "phụt...phụt" của súng cối 60 ly bắn từ các ghe Yabuta, súng cối 81 ly bắn trực xạ từ Duyên tốc đỉnh nghe " đùng... đùng... đùng....tạch...tạch...tạch" xóa tan sự im lặng của vùng trời Cẩm Thanh và làm rực sáng màn đêm đang phủ kín muôn trùng.
Cuộc tác xạ hải pháo kéo dài trong vòng gần nửa giờ, khi các công sự chiến đấu của Việt Cộng bên cạnh rừng dừa nước tại các địa điểm phòng thủ của Cộng sản bị phá tan tành cùng với những xác chết không toàn thây của cán bộ nằm vùng, tôi ra lệnh cho tất cả chiến đỉnh ngưng bắn và hải hành về căn cứ. Ngày hôm sau và liên tiếp trong những ngày của tuần lễ cuối tháng 5, các chiến thuyền, chiến đỉnh của Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm " Hổ Biển" phong tỏa bán đảo Cẩm Thanh, ngăn chận sự đào thoát của quân lính Cộng sản ra khỏi mật khu này cho đến khi 2 Tiểu đoàn Ðịa Phương quân của Tiểu khu mở cuộc hành quân phối hợp với Liên Ðoàn, tấn công và đổ bộ sâu vào đảo Cẩm Thanh và tiêu diệt các đơn vị Cộng sản đồn trú tại mật khu này vào tháng 6 năm 1969.
Trong một buổi trưa hè tháng 7, khoảng 1 giờ chiều, tôi và Thiếu tá Holland đang ngồi nói chuyện tại phòng ăn Duyên đoàn 14, Sĩ quan hành quân đi vào đưa tay lên chào rồi mời tôi xuống phòng hành quân vì có Thiếu tá Hải xin gặp trên máy truyền tin, Hải đang chỉ huy 4 chiến thuyền của Duyên đoàn tham dự cuộc hành quân hỗn hợp với 2 Ðại đội thuộc Lữ Ðoàn Thanh Long Ðại Hàn, tại vùng kiểm soát của Lữ Ðoàn bạn này. Thiếu tá Hải yêu cầu tôi dùng Giang tốc đỉnh đi tiếp cứu 2 ghe Chủ Lực đang bị mắc cạn tại vùng có áp lực mạnh của Việt Cộng. Lập tức tôi và Thiếu tá Holland, lấy nón sắt, áo giáp và vũ khí, cùng hai quân nhân Mỹ trong toán bắn sẻ chạy xuống bến tàu, lên bốn chiếc Giang tốc đỉnh đang nổ máy sẵn sàng khởi hành rồi xã hết máy tiến "Full", hải hành về phía tây của căn cứ, nơi đang xảy ra trận giao tranh quyết liệt giữa đơn vị Ðại Hàn và Cộng sản.
Khi đến nơi, tôi dùng máy liên lạc với Thiếu tá Hải, lúc đó đang dùng dây cáp kéo 2 chiến thuyền mắc cạn và được yêu cầu yểm trợ về phía trước cho đơn vị của Thiếu tá Hải. Các Giang tốc đỉnh nổ súng đại liên 50 vào các vị trí Cộng sản và dưới hỏa lực hùng hậu của các Giang tốc đỉnh, địch hoảng sợ bỏ chạy, để lại xác chết nổi lềnh bềnh bên cạnh đám rong bèo dật dờ trôi theo dòng nước. Một nhân viên Mỹ trong toán bắn sẻ lấy dây buộc vào cổ của một xác chết Việt Cộng, cột sau lái chiếc PBR với ý định kéo về đơn vị làm chiến lợi phẩm, thích thú chỉ chõ cười đùa với quân nhân thứ hai; đây là một hành động dã man, vô nhân bản làm tôi nổi nóng và hầm hầm muốn làm dữ với người lính Mỹ này, đến nỗi Thiếu tá Holland phải đến xin lỗi tôi và hứa sẽ có biện pháp trừng phạt khi về đến đơn vị. Chiến tranh thù hận một lần nữa suýt làm lạc hướng chính nghĩa và lý tưởng chiến đấu cho tự do và dân chủ của toàn thể quân nhân và dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới vì những thành phần vô trách nhiệm, thích cảnh giết chóc và ưa trả thù.
*****
Những chuyến phục kích đêm với các chiến đỉnh thuộc Giang đoàn 57 Tuần thám và Hải đội 1 Duyên phòng đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp, chận đứng hoạt động pháo kích hằng đêm của Cộng sản vào các đơn vị bạn trong lãnh thổ Tiểu khu Quảng Nam kể từ thượng tuần tháng 6 cho đến cuối tháng 9 năm 1969. Những Sĩ quan trẻ tuổi tài ba của Hải quân Việt Nam, Thuyền trưởng các Duyên tốc đỉnh (PCF) đặc biệt là Hải quân Trung úy Trịnh Thiếu Sinh, được các chiến hữu gọi là "Sinh râu", đẹp trai cao ráo có bộ râu mép "Clark Gable" quyến rũ vớiụ biệt tài vận chuyển tàu và lòng quả cảm gan dạ mỗi khi chạm địch làm tôi nể phục và hãnh diện là người chỉ huy của vị Sĩ quan tương lai của Quân chũng áo trắng này.
Nhiều đêm tại vị trí phục kích, ngồi trên boong chiến đỉnh gần sau lái chiếc PCF, trong chiếc áo giáp, đầu đội nón sắt, khẩu M 18, vũ khí tùy thân quen thuộc dựng bên cạnh pháo tháp khẩu 81 ly, tôi lắng nghe lời tâm sự của những chiến hữu trẻ tuổi, đàn em, những hải âu vừa rời mái trường Mẹ Hải quân tại Nha Trang, về mộng ước tương lai, về cuộc sống hải hồ trên biển cả đại dương. Tôi cảm thấy một niềm hy vọng và vui mừng vì biết Hải quân đã có những tài năng son trẻ nhiều nhiệt huyết, đầy lý tưởng có thể gánh vác đại cuộc và duy trì truyền thống của Ðức Thánh Tổ Trần Hưng Ðạo. Tuy nhiên trước đó tôi cũng đã chỉ thị cho các Thủy thủ đoàn chiến đỉnh không được nấu nướng thực phẩm phủ phê do Hoa Kỳ vừa chuyển giao lại như thịt gà, beefsteak... trong khi đi phục kích đêm, vì mùi thơm của gà rô ti và mùi tỏi gia vị ướp thịt nướng sẽ bay xa trong đêm tối gió nhiều và báo động cho Việt Cộng biết vị trí của các Giang đỉnh đang thi hành công tác, rất nguy hiểm và làm bại lộ cuộc hành quân.
Vào trung tuần tháng 8 năm 1969, Thiếu tá Holland và tôi nhận được báo cáo về các máy điện tử đã được gài trong mật khu Ðồng Bò đã ngưng phát tín hiệu, có lẽ vì hết "battery" hoặc bị thiêu hủy vì đạn pháo binh bạn và cần được thay thế bằng các máy điện tử mới. Tôi lên gặp Ðại tá Lê Trí Tín, báo cáo sự kiện, đồng thời thông báo là đầu tuần tới, tôi sẽ chỉ huy 7 Giang đỉnh, cùng với toán Ðiện thám và tiểu đội thám kích của Duyên đoàn 14, khai thông giang lộ nằm về phía tây bắc thị xã, vào tận Cầu sập, để toán Ðiện thám vào gài máy dò thám phía sau mật khu Ðồng Bò. Ðể bảo mật và tránh thiệt hại cho các đơn vị hành quân, tôi xin Ðại tá Tín chỉ ra lệnh cho Pháo binh Tiểu khu sẵn sàng yểm trợ khi được tôi yêu cầu trong trường hợp đơn vị bị tấn công bất ngờ bởi Lực lượng đông đảo của Việt Cộng. Tôi cũng báo cáo cho vị Tiểu khu trưởng biết là Thiếu tá Holland đã được chấp thuận bởi Bộ Tư Lệnh Hoa Kỳ tại Ðà nẳng biệt phái một phi cơ quan sát, bay thường trực trên đội hình chiến đỉnh và hai khu trục phản lực cơ F4- Phantom sẵn sàng bay xuống để phụ trách không yểm cho cuộc hành quân.
Sáng ngày D, một Duyên tốc đỉnh, 4 Giang tốc đỉnh và 2 ghe Yabuta khởi hành từ hậu cứ Duyên đoàn 14 khi trời còn chưa sáng, trực chỉ thượng giòng sông Thu bồn qua hướng Ðập Lỡ để tránh tình báo địch tại các địa điểm chung quanh khu vực sông gần thị xã Hội An. Mặt trời vẫn còn say ngủ dưới chân trời xa về hướng cửa biển Phai Phô, trăng lưởi liềm hạ tuần treo lơ lửng trên bầu trời lấp lánh ánh sao đêm. Tôi nhìn lên chùm sao Ðại Hùng to lớn trên đỉnh đầu và sao Bắc đẩu nằm chếch về hướng hai giờ, thầm cầu nguyện Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát như thường lệ mỗi lần tôi sắp đối đầu với gian nguy trong đời mình.
Vào khoảng 6 giờ rưởi khi tia nắng đầu ngày bắt đầu rọi sáng dòng sông nhỏ, mặt trời từ từ lên cao qua rặng cây chếch sau lưng phía hữu hạm đội hình, trên không tôi đã nghe tiếng máy bay thám thính bay ngang qua đầu. Thiếu tá Holland cho tôi biết đây là phi cơ biệt phái cho cuộc hành quân đặc biệt ngày hôm nay. Tôi cảm thấy yên tâm hơn khi được không yểm cho một chuyến công tác đi vào lãnh hải cấm địa của địch quân, một vùng mà trước đây chưa có một chiến đỉnh nào dám vào tuần tiểu. Khi đến "Check Point Alpha", nơi xa nhất tại thượng giòng sông Thu Bồn mà Duyên tốc đỉnh (PCF) có thể vào được, tôi ra lệnh cho Trung úy Hòa, Thuyền trưởng chiến đỉnh này thi hành chỉ thị đã được giao phó từ trước, đó là nằm án ngữ, yểm trợ hải pháo bằng khẩu 81 ly và súng đại liên 12 ly 7 cho đoàn tàu khi rút lui trở về, duy trì liên lạc truyền tin với Lực lượng hành quân và Tiểu khu cũng như với Bộ Tư Lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải. Sau đó lệnh "Nhiệm sở tác chiến" được ban hành và 6 chiến đỉnh còn lại theo đội hình "India", hàng dọc tiếp tục giang hành vào vùng sông tử địa. Hai bên bờ vách tường đất dựng đứng thẳng lên với rừng cây xanh um bao phủ đỉnh đồi, địa điểm lý tưởng và thuận lợi cho các cuộc phục kích của địch quân. Sông Thu Bồn uốn khúc về phía trái khi đi sâu vào hướng núi, chim chóc không cất tiếng hót, không gian im lìm dễ sợ, không một thuyền đánh cá trên dòng sông nước chảy đục ngầu, mọi người chỉ nghe tiếng máy phom phom của ống phun nước sau lái PBR, Giang tốc đỉnh có thể chạy với vận tốc tối đa 25 knots khi tác chiến với hỏa lực gồm hai cây đại liên 50 phía mũi và một đại liên 50 sau lái tàu. Thiếu tá Holland chỉ cho tôi vị trí của 2 Giang tốc đỉnh Mỹ trước đây bị phá tan vì bộc phá của Việt Cộng, khi tôi sắp sửa đáo nhậm chức vụ Chỉ huy trưởng Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm "Hổ Biển". Trên không chiếc thám thính cơ màu xám nhạt vẫn tiệp tục bay vần quanh, quan sát khu vực hành quân, thỉnh thoảng viên phi công liên lạc thử máy truyền tin và cập nhật tin tức thám sát cho Thiếu tá Holland.
Với kinh nghiệm rút tỉa từ những chuyến công tác đêm ngoài bắc khi còn phục vụ tại Lực Lượng Hải Tuần, tôi biết chắc, nếu Việt Cộng muốn tấn công đơn vị của tôi, địch sẽ chờ khi các chiến đỉnh trên đường trở về, nhân viên mệt mõi và lơ là, chúng sẽ phục kích và tác xạ vào đoàn tàu tại những gành cong uốn khúc của sông Thu Bồn. Tôi nói cho Thiếu tá Holland và Thiếu tá Hải biết về nhận xét của tôi và hai vị Sĩ quan nhiều kinh nghiệm chiến trường này cũng rất đồng ý và chuẩn bị đề phòng. Toán thám kích Duyên đoàn tháp tùng theo 2 chiến thuyền Yabuta, hỏa lực gồm có súng cối 60 ly và đại liên 12 ly 7 với vận tốc khá nhanh và dễ vận chuyển được điều khiển bởi các Hạ Sĩ quan Thuyền trưởng thâm niên, kinh nghiệm trận mạc và gan dạ nhất của Duyên đoàn 14. Sáu giang đỉnh và chiến thuyền tiếp tục lộ trình trên dòng nước sông chảy khá mạnh về phía Hội An, ra cửa biển Phai Phô. Mặt trời đã lên cao trên đỉnh đầu, gió mát rượi thổi vào mặt tôi, đang trầm ngâm đứng cạnh người Cố vấn Mỹ.
Khoảng 10 giờ, Thiếu tá Hải trên ghe Yabuta báo cáo là đã đến địa điểm ấn định và đề nghị cho 2 chiến thuyền ủi bãi, thả toán thám kích lên bờ trước để án ngữ và bảo vệ cho 4 nhân viên Ðiện thám thi hành việc đặt những máy điện tử tối tân mới, có tầm hoạt động rộng lớn rất nhiều hơn các máy gài mấy tháng trước đây tại Ðồng Bò. Tôi chấp thuận và chỉ thị các Giang tốc đỉnh chạy dọc phía trên và phía dưới điểm đổ bộ, quan sát cẩn thận để yểm trợ toán quân trên bờ. Sau đó từ trên PBR chỉ huy, tôi dùng ống nhòm nhìn các chiến hữu của tôi đang thi hành nhiệm vụ. Lần này toán Ðiện thám chỉ đi vào sâu khoảng 100 thước từ bờ, đặt các máy móc gần cạnh con đường đất mòn chạy ngoằn ngoèo theo con sông Thu Bồn về hướng núi, có lẽ đây là con đường chuyển quân của các Lực lượng Việt Cộng và đặc công địch mà Phòng Tình báo Bộ Tư Lệnh Quân đoàn I đã ghi nhận trước đây.
Công tác đặt máy báo động điện tử diễn hành thật tốt đẹp và không có biến cố gì xảy ra làm tôi ngạc nhiên và vui mừng, tuy nhiên nỗi lo âu cho chuyến trở về, qua các khúc sông nguy hiểm, uốn khúc với bức tường đất dựng cao hai bên bờ sông thuận tiện cho địch phục kích tấn công vẫn xâm chiếm tâm hồn tôi. Các nhân viên toán Ðiện thám thu dọn dụng cụ và chuẩn bị leo lên ghe Yabuta cùng lượt với tiểu đội thám kích Duyên đoàn 14 Hải quân. Tôi gọi máy nói chuyện với Thiếu tá Phan Tứ Hải, bàn định kế hoạch và sắp đặt đội hình các Giang tốc đỉnh và ghe Yabuta. Với kinh nghiệm chiến đấu thâu thập trong hơn hai năm chỉ huy Duyên đoàn hành quân tại vùng Hội An, Thu Bồn, Thiếu tá Hải đề nghị chỉ định cho 2 Giang tốc đỉnh(PBR) đi trước mở đường, tiếp theo đó là cặp Yabuta với các tay súng cá nhân, đại liên 50, súng phóng lựu và súng cối 60 ly, với vận tốc tương đối chậm so với các Giang tốc đỉnh; cuối cùng là hai PBR chạy phía sau để yểm trợ đoàn "convoy" chiến đỉnh. Ngoài ra Thiếu tá Hải còn xin được tác xạ vào các vị trí chiến lược hai bên bờ sông như gành đá, khúc quẹo, đồi đất cây cối sầm uất ... để tạo yếu tố bất ngờ gây hoang mang cho Việt Cộng trong trường hợp địch đang phục kích sẵn sàng và chờ đoàn "convoy" chiến đỉnh chạy ngang qua các vị trí này. Tôi thông dịch lại cho Thiếu tá Holland biết về đề nghị và kế hoạch triệt thối của Thiếu tá Hải và tôi hoàn toàn đồng ý và ra lệnh chuẩn bị khởi hành. Tôi yêu cầu Thiếu tá Holland gọi máy phi cơ thám sát và cho biết dự định của Hải quân, đồng thời báo cáo về Ðà Nẳng để 2 khu trục phản lực cơ F4-Phantom sẵn sàng trong trường hợp tôi cần không yểm. Sau đó tôi gọi máy cho Trung úy Hòa, Thuyền trưởng Duyên tốc đỉnh án ngữ tại cuối nhánh sông, chuẩn bị và sẵn sàng Hải pháo để bắn yểm trợ chiến đỉnh bạn đang trên đường trở về căn cứ.
Ðội hình các giang đỉnh bắt đầu di chuyển về phía nam đông nam theo hàng dọc, khoảng cách giữa các chiến thuyền chiến đỉnh chừng 75 thước với vận tốc tối đa của các ghe Yabuta đang tung làn khói mỏng trên dòng sông chật hẹp vào một buổi xế trưa đầu thu năm 1969. Chung quanh là tường đất dựng thẳng đứng, không gian như chìm hẳn xuống, không một bóng chim trời giống như "Thung lũng tử thần", tên của địa danh tại vùng đồi núi "Arizona" trong cuốn phim cao bồi mà tôi đã xem trước đây tại Ðà Nẳng. Mặt trời lấp ló sau rừng cây trên đỉnh đồi đất, vài tia sáng yếu ớt cố gắng len lỏi qua rặng cây già chiếu xuống lộ trình các chiến đỉnh đang lầm lũi chạy trên dòng sông cạn. Tiếng nói của Thiếu tá Hải chợt vang lên trên máy truyền tin:
-" Hải Âu đây Kình ngư, bắt đầu đốt pháo về phía hữu hạm hướng hai giờ, đỉnh đồi, trả lời."
Tôi vội vàng nhất ống nói của máy truyền tin và ra lệnh cho các chiến đỉnh:
-" Kình Ngư đây Hải Âu, nhận rõ, tất cả Hải Ngư bắt đầu đốt pháo, phía hữu hạm hướng hai giờ, đỉnh đồi, thi hành, hết."
Thế rồi tôi chỉ thị Thuyền trưởng chiếc Giang tốc đỉnh chỉ huy đang chạy ở vị trí 2, bắt đầu khai hỏa. Tiếng súng hải pháo, đại liên, tiểu liên..."tạch...tạch, đùng...đùng" nổ vang dội cả khúc sông Thu Bồn, các đàn chim quạ từ đâu bỗng giật mình tung cánh bay tán loạn trên mặt sông, đất đá, cây lá, gỗ bụi bay mịt mù trong không khí oai bức của một ngày cuối hè. Sau gần năm phút các chiến đỉnh bắn tới tấp và liên tục cho đến khi qua khỏi khúc quanh thứ nhất, tôi mới ra lệnh tất cả ngưng bắn vì vẫn không thấy phản ứng của Việt Cộng. Mọi người cảm thấy hăng say trong khói thuốc súng tỏa đầy không gian, tinh thần tôi vẫn căng thẳng vì đoạn sông còn dài, chưa đến chỗ 2 Giang tốc đỉnh Mỹ bị đánh đắm.
Tôi gọi máy cho tất cả giang đỉnh và nhắc nhở mọi người cẩn thận đề phòng, quan sát thật kỹ lưỡng hai bên bờ đất, bình tỉnh chống trả nếu bị tấn công bất ngờ, tôi tin rằng với kinh nghiệm hải nghiệp và chiến đấu, kế hoạch chu đáo của Thiếu tá Hải sẽ giúp tất cả chiến đỉnh và Thủy thủ đoàn an toàn. Từ xa, sông Thu Bồn uốn cong về phía tay mặt, hai bên bờ đất cao vời vợi là cây rừng rậm rạp, chạy dài gần hai cây số đến chỗ Giang tốc đỉnh Hải quân Hoa kỳ bị phá nổ trước đây. Tôi gọi máy ra lệnh 2 chiếc ghe Yabuta bắn bốn quả đạn súng cối 60 ly vào đỉnh đồi hai bên bờ sông. Sau tiếng nổ "phụt...phụt...phụt...phụt" là tiếng "ầm...ầm...ầm...ầm" khi các viên đạn mọt chê rơi xuống lùm cây trên bờ đất cao. Bỗng nhiên mọi người nghe tiếng nổ "bùng...oành" thật lớn, nước sông văng lên tung tóe, làm thành chiếc vẹm trời, cong vòng đầy màu sắc dưới ánh nắng buổi xế trưa, tôi la lớn vào máy truyền tin trong khi tiếng đạn đủ loại nghe điếc cả lỗ tai:
-" Hải Ngư, Hải Ngư đây Hải Âu, coi chừng địch đang bắn B40...B40, tất cả đơn vị tác xạ, tác xa tự do... nhận rõ thi hành, hết."
Trước mặt tôi, từ đỉnh đồi trên tường đất dựng đứng, những làn khói súng tỏa đầy về hướng các chiến đỉnh đang bình tỉnh phản pháo dữ dội bằng tất cả hỏa lực hùng hậu. Tiếng la ó trên máy truyền tin xen lẫn tiếng rít của đạn Cộng sản rồi tiếng nổ bùng trên mặt nước và tung tóe lên mặt mũi của tôi. Thiếu tá Holland đã gọi máy bay khu trục phản lực ngay khi viên đạn B40 nổ cạnh chiếc PBR dẫn đầu khi đoàn tàu chiến chưa đến khúc quẹo của điểm phục kích. Ðịch đã khai hỏa sớm hơn dự định vì bốn quả súng cối rơi trúng vào vị trí đặt súng của Việt Cộng trên ngọn đồi đất hai bên bờ sông.
Một chiếc ghe Yabuta bị trúng đạn tại đài chỉ huy, Thuyền trưởng và nhân viên lái tàu bị thương nhẹ, vẫn tiếp tục anh dũng chiến đấu. Tiếng nói hùng hồn của Thiếu tá Hải nghe khi được khi mất trong máy truyền tin, đang ra lệnh và hướng dẫn các ổ súng bắn vào mục tiêu địch từ ghe Yabuta chạy ở vị trí thứ tư của đội hình. Súng vẫn nổ rầm trời, ầm ĩ đến độ tôi không nghe tiếng Thiếu tá Holland báo cáo là hai phi tuần khu trục của Thủy quân lục chiến Hoa kỳ đang trên đường bay đến địa điểm hành quân và phi cơ thám thính đã hướng dẫn và cho vị trí địch để máy bay Phantom thả bom Napalm tiêu diệt. Mọi người bỗng nghe tiếng động cơ máy bay thật gần như đang bay qua đầu, rồi hai tiếng nổ "ầm...ầm" nối tiếp nhau, rung chuyển cả bầu trời như muốn phá tan màng nhĩ, một rừng lửa ngùn ngụt cháy bùng lên trên đỉnh đồi, nơi Cộng sản đặt súng bắn xuống đoàn tàu chiến, mùi khói xăng xông lên nồng nặc làm tôi muốn ngộp thở vì địa điểm bị phi cơ Mỹ thả bom quá gần vị trí các giang đỉnh, đang tiếp tục tác xạ và với hai máy tiến "Full" chạy ra khỏi vùng địch phục kích. Hai khu trục phản lực cơ bay trở lại lần thứ hai và bắn hỏa tiển không địa vào vị trí nằm sâu hơn trong bờ, có lẽ để tiêu diệt và chận đường rút quân của tàn quân Cộng sản. Tất cả trận chiến chỉ diễn tiến trong khoảng gần 20 phút nhưng đối với những chiến sĩ của Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm "Hổ Biển", thời gian này dài như không muốn dứt, họ đã chiến đấu để sống còn trong một địa thế và môi trường không thuận lợi cho việc tác chiến của mình khi các giang đỉnh chạy dưới một thung lũng và bị địch tấn công từ hai phía trên bờ cao. Kết quả là chỉ vài thủy thủ bị thương nhẹ, một chiếc đỉnh bị hư hại cần phải được kéo về căn cứ và hàng trăm lỗ đạn chằng chịt trên các thành tàu bằng sắt và bằng gỗ. Một lần nữa, Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát đã cứu nạn cho người lính biển.
Hai tháng sau cuộc hành quân yểm trợ toán Ðiện thám Hoa Kỳ đặt máy điện tử tại mật khu Ðồng Bò, tôi nhận lệnh về giữ chức vụ mới tại Bộ Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải và bàn giao chức vụ Chỉ huy trưởng Chiến dịch " Hổ Biển" cho người bạn học và cũng là chiến hữu thân mến của tôi, Thiếu tá Hải tiếp tục nhiệm vụ hành quân ngăn chặn các đơn vị Cộng sản và bảo vệ an ninh lãnh thổ cho dân chúng và chính quyền Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam. Riêng Thiếu tá Holland, người hùng của Chiến dịch " Hổ Biển" trở về Hoa Kỳ sau khi mãn nhiệm kỳ phục vụ tại Ðà Nẳng một tháng sau ngày tôi rời Hội An.
Vào một buổi chiều khi cơn mưa giông cuối mùa thu bắt đầu che phủ thị xã Hội An, trên chiếc xe Jeep chỡ hành trang gồm một xách tay, cái nón sắt và chiếc áo giáp nằm bên cạnh khẩu M18 quí giá thân yêu, tôi nhìn lại thành phố nhỏ hơn thành phố Huế của tôi, như thầm từ giã vì biết mình sẽ không bao giờ trở lại nơi này, nhưng tôi cũng nhận thức rằng những gì đã xảy ra trong giai đoạn vừa qua sẽ không bao giờ phai nhạt trong ký ức của tôi.
Tôi sẽ không thể nào quên được kỷ niệm về các chuyến hành quân phục kích đêm sống chết trong gang tấc với người chiến hữu Hải quân, những buổi chiều vắng ngồi trong quán nước quen thuộc cùng người bạn học lính biển, bên cạnh ly cà phê đắng, đang phì phà điếu thuốc lá thơm, rồi với cây đàn Guitar bên tay trái, cất giọng ca ấm cúng truyền cảm, hát bài "Mùa thu chết", khi ngoài trời mưa bụi đang bay. Tôi nhớ đến những đêm trăng mười sáu sáng vằng vặc, ngồi ngắm ánh trăng vàng bên cạnh các chiến hữu thuộc Quân binh chũng bạn trên "Vọng Nguyệt Lầu", căn gác thượng tại nhà của Thiếu tá Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn Công binh Chiến đấu ở Hội An, thưởng thức ly rượu Cognac nhiều chân tình, Hải và tôi, trong chốc lát bỏ lại sau lưng sự phiền toái của cuộc đời, quên hết những nguy hiểm trên trận mạc, chỉ biết say cùng men rượu và tình chiến hữu giữa những người trai trẻ đang hy sinh tất cả cuộc đời mình cho lý tưởng đã chọn, đó là xả thân bảo vệ lá cờ vàng ba sọc đỏ của quê hương dân tộc, ngọn cờ vàng mà đã nhiều lần, Thiếu tá Hải và tôi ngậm ngùi thương tiếc phủ lên quan tài mang thi hài của những người lính biển thân mến vừa tử trận và nằm xuống mãi mãi trong lòng đất lạnh và vòng tay ấm của Mẹ Việt Nam.
Virginia, Mùa hè 30 năm sau
Lê Bá Thông
Sở Phòng Vệ Duyên Hải Nha Kỹ Thuật
Hải Quân Trung Tá Lê Bá Thông - Khóa 10 Sĩ Quan Hải Quân / Nha Trang là thân phụ của Hải Quân Đại Tá Lê Bá Hùng Hải Quân Hoa Kỳ
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment