Thursday, December 19, 2024

Ngày nhậm chức 20/1của ông Trump có gì đặc biệt? ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 19/12/2024

 Ông Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 năm sau, bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai. Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ trở lại Nhà Trắng với tư cách là Tổng thống thứ 47, đây được coi là sự trở lại chính trị gây sốc nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Reuters cho biết theo truyền thống, Ngày nhậm chức (Inauguration Day) chủ yếu là một buổi lễ hoành tráng, để tiễn tổng thống tiền nhiệm rời Nhà Trắng và chào đón tân tổng thống đến Nhà Trắng. Ông Trump đã hứa sẽ ký một loạt sắc lệnh hành pháp ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, bao gồm các chủ đề từ an ninh biên giới đến sản xuất dầu khí.

Đây là những gì chúng ta biết về Ngày nhậm chức cho đến nay:

Lễ nhậm chức sẽ được tổ chức khi nào?
Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Điện Capitol vào lúc 12h trưa theo giờ Miền Đông (tức 17:00 GMT). Buổi lễ có thể do Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts điều hành.

Sau đó, ông sẽ có bài phát biểu nhậm chức. Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn, Trump nói rằng ông hy vọng bài phát biểu sẽ truyền cảm hứng cho mọi người và thúc đẩy sự đoàn kết. Nó hoàn toàn trái ngược với bài phát biểu đầu tiên của ông vào năm 2017, khi đó Trump mô tả Mỹ một đất nước tan hoang sau khi trải qua “kiếp nạn của Mỹ” (American Carnage).

Tổng thống sắp mãn nhiệm của đảng Dân chủ Joe Biden cho biết ông dự định tham dự buổi lễ và chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực.

Hàng ngàn khán giả không có vé dự kiến sẽ đổ về National Mall để theo dõi buổi lễ trên màn hình lớn.

Ai sẽ được mời?
Ông Trump đã phá vỡ thông lệ và mời nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài tham dự buổi lễ. Trong lịch sử, họ thường không nhận lời do lo ngại về an ninh, mà sẽ cử các nhà ngoại giao thay mặt đến dự.

Tổng thống Argentina – ông Javier Milei, một người ủng hộ trung thành của ông Trump, cho biết ông sẽ tham dự buổi lễ. Một người ủng hộ khác của ông Trump, Thủ tướng Hungary – ông Viktor Orban, cho biết ông đang cân nhắc việc tham dự.

Mặc dù được mời nhưng lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ không tham dự.

Phân tích: Trump mời Tập dự lễ nhậm chức, đi hay không cũng đều khó xử
Tiến tới Nhà Trắng
Sau bữa trưa với các lãnh đạo Quốc hội tại Điện Capitol, ông Trump sẽ đi cùng đoàn xe dọc theo Đại lộ Pennsylvania đến Nhà Trắng, cùng với quân đội, các ban nhạc tuần hành của trường, xe hoa và các nhóm dân sự. Sau đó, tân tổng thống và các vị khách của ông sẽ theo dõi phần còn lại của cuộc tuần hành từ khán đài duyệt binh.

Bắt đầu làm việc
Ông Trump tuyên bố sẽ ký hơn 20 sắc lệnh vào chiều hôm đó. Các mệnh lệnh không cần sự chấp thuận của Quốc hội, nhằm mục đích hủy bỏ nhiều chính sách của chính quyền Biden.

Ông dự kiến sẽ ký lệnh cho phép các quan chức nhập cư có nhiều quyền tự do hơn để bắt giữ những người nhập cư bất hợp pháp; gửi thêm quân đến biên giới Mỹ – Mexico và khởi động lại việc xây dựng bức tường biên giới.

Các mệnh lệnh cũng sẽ bao gồm nỗ lực tăng cường sản xuất năng lượng và thực hiện khẩu hiệu tranh cử thường được lặp đi lặp lại của ông là “drill, baby, drill” (khoan, cưng, hãy khoan đi).

Ông cũng có thể đưa ra đợt ân xá đầu tiên cho các bị cáo bị chính phủ liên bang kết án vì vai trò của họ trong vụ bao vây Điện Capitol hôm 6/1/2021.

Các bữa tiệc vào buổi tối
Tối hôm đó, một loạt lễ nhậm chức sẽ được tổ chức ở Washington và ông Trump có thể tham dự một số trong đó.

Các sự kiện chính thức được tài trợ bởi ủy ban nhậm chức của Trump, do nhà phát triển bất động sản đồng minh lâu năm của ông là ông Steve Witkoff và cựu Thượng nghị sĩ Kelly Loeffler đồng chủ trì. Người sáng lập Amazon.com Jeff Bezos và Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Meta Platforms Mark Zuckerberg cho biết, mỗi người sẽ quyên góp 1 triệu USD cho ủy ban này.

Những khoản quyên góp lớn cho ủy ban nhậm chức phải được báo cáo lên ủy ban bầu cử liên bang. Ông Trump đã huy động được kỷ lục 106,7 triệu USD cho lễ kỷ niệm nhậm chức năm 2017.

Ông Trump: Sẽ nói chuyện với ông Putin và ông Zelensky

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump cho biết sẽ nói chuyện với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Ukraine Vladimir Zelensky nhằm mục đích ngăn chặn “cuộc tàn sát” giữa Moskva và Kiev.

Theo Reuters, trong một cuộc họp báo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hôm thứ Hai (16/12), ông Trump đã từ chối bình luận khi được hỏi liệu ông có nói chuyện với ông Putin kể từ khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng trước hay không. Tuy nhiên, ông Trump cho biết ông có ý định làm như vậy.

“Chúng tôi sẽ nói chuyện với Tổng thống Putin và chúng tôi sẽ nói chuyện với các đại diện [của Nga], ông Zelensky và các đại diện từ Ukraine”, ông nói. “Chúng ta phải ngăn chặn điều đó. Đó là sự tàn sát”, ông nói thêm, ám chỉ đến cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm giữa Nga và Ukraine.

“Đó là một cuộc tàn sát mà chúng ta chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ Hai,” ông nói tiếp. “Phải ngăn chặn nó lại. Và tôi đang cố gắng hết sức để ngăn chặn [nó].”

Ông Trump đã thề trên đường vận động tranh cử rằng sẽ chấm dứt xung đột trong vòng 1 ngày sau khi nhậm chức, mặc dù sau đó ông đã thừa nhận rằng việc này có thể “khó khăn hơn” so với những gì ông từng nghĩ. Trump mới đã gặp ông Zelensky tại Paris vào đầu tháng này và nói ngay sau cuộc bầu cử tháng trước rằng ông có thể sẽ nói chuyện với ông Putin trong tương lai gần.

Ông Trump và các quan chức nội các tương lai của ông đã từ chối bình luận về các báo cáo của giới truyền thông đưa tin rằng họ đã liên lạc với Moskva, trong khi tháng trước Điện Kremlin đã phủ nhận báo cáo của tờ Washington Post cho rằng ông Trump đã liên lạc với ông Putin qua điện thoại ngay sau cuộc bầu cử.

Ông Putin đã nói rằng những tuyên bố của ông Trump về việc chấm dứt xung đột là “đáng được chú ý”, và rằng ông sẵn sàng đàm phán với tổng thống đắc cử. “Sẽ không có gì là hạ thấp mình nếu tôi tự gọi cho ông ấy,” Tổng thống Nga nói tại một cuộc họp của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai ở Sochi hồi tháng trước.

Vì Trump chưa tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về loại giải pháp mà ông định đề xuất với ông Putin và ông Zelensky, nên kế hoạch của ông vẫn là chủ đề đồn đoán của giới truyền thông. Hầu hết các hãng thông tấn của Mỹ đều dự đoán rằng ông Trump sẽ thúc đẩy xung đột bị đóng băng dọc theo đường tiếp xúc hiện tại, với việc Ukraine từ bỏ nguyện vọng trở thành thành viên NATO để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ phương Tây.

Ông Trump đã tuyên bố rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ để các thành viên châu Âu của NATO tự thực hiện thỏa thuận như vậy.

Moskva khẳng định rằng bất kỳ giải pháp nào cũng phải bắt đầu bằng việc Ukraine ngừng các hoạt động quân sự và thừa nhận “thực tế lãnh thổ” rằng họ sẽ không bao giờ giành lại được quyền kiểm soát các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye, cũng như Crimea. Ngoài ra, Điện Kremlin khẳng định rằng các mục tiêu của hoạt động quân sự của họ – bao gồm cả sự trung lập của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa – sẽ đạt được.
Lệnh hành pháp mà ông Trump sẽ ký vào ngày đầu, theo Reuters

Donald Trump có kế hoạch ban hành một loạt các lệnh hành pháp và chỉ thị vào những ngày đầu tiên tái nhập Tòa Bạch Ốc, bắt đầu từ 20/1/2025, theo những gì Reuters được biết cho đến nay, chúng gồm ít nhất 25 lệnh hành pháp và con số sẽ tăng nhanh vào những tuần tiếp theo, trải rộng nhiều lĩnh vực, từ nhập cư hay năng lượng, cho đến thuế quan hay ân xá.

Nhập cư, di trú
Ông Trump đã hứa hẹn rất nặng về việc đóng cửa biên giới, trục xuất những người bất nhập cư. Đảng Cộng hòa cũng ủng hộ rất mạnh chủ trương này. Các lệnh hành pháp, theo Reuters sẽ thắt chặt chính sách nhập cư, và sẽ dẫn tới một con số kỷ lục những người nhập cư bất hợp pháp bị trục xuất.

Nước Mỹ, dưới thời ông Trump, vẫn tiếp tục hoan nghênh những người nhập cư, nhưng mà, chính sách sẽ được thắt chặt hơn. Một phần lớn lý do chính là vào thời Tổng thống Joe Biden, nó bị thả lỏng thái quá. Bức tường ngăn ở biên giới phía Nam, tiếp giáp Mexico, sẽ được tiếp tục xây dựng. Đây là tinh thần chính sách chung vốn có của Mỹ.

Điểm mới là sẽ có các hành động trao cho các viên chức nhập cư liên bang nhiều quyền hạn hơn để bắt giữ những người không có tiền án, và điểm đặc biệt là điều thêm quân đến biên giới, dự kiến sẽ tuyên bố nhập cư bất hợp pháp là tình trạng khẩn cấp quốc gia, từ đó cho phép điều động một phần nguồn quỹ quốc phòng cho các hoạt động này.

“Chúng tôi sẽ thực hiện theo cách mà nếu bạn là người [nhập cư] bất hợp pháp, bạn không nhập cảnh qua cửa khẩu hoặc thậm chí nếu bạn cố gắng nhập cảnh bất hợp pháp vào cửa khẩu, thì bạn sẽ không được phép vào,” cố vấn của ông Trump, Jason Miller, nói với NPR (Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia).

Ông Trump cũng có kế hoạch chấm dứt các chương trình “ân xá” tạm thời (temporary parole) của Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, mà nó đã cho phép hàng trăm nghìn người di cư từ một số quốc gia nhất định nhập cảnh hợp pháp vì lý do nhân đạo và có thể có được giấy phép lao động.

Ông Trump có thể sẽ thực hiện lời hứa hẹn chấm dứt quyền công dân tự động đối với những người sinh ra tại Hoa Kỳ mà có cha mẹ ở nước này bất hợp pháp. Các cố vấn cho biết nhóm của ông Trump đang soạn thảo một sắc lệnh hành pháp với nội dung này.

Vấn đề nới lỏng chính sách của Tổng thống Joe Biden vấn đề tự động có được quyền công dân là các vấn đề mà Đảng Cộng hòa và phe cánh hữu đã có các tiếng nói cần chỉnh sửa từ lâu. Đặc biệt là chính sách nới lỏng cho phép nhiều phần tử không kiểm soát được cũng trở thành công dân Mỹ, là điều mà chính quyền Biden bị chỉ trích rất nhiều trong thời gian vận động tranh cử. Nó cũng là điểm mà ông Trump được nhiều cử tri Mỹ tán đồng từ đó ủng hộ ông.

Tuy nhiên, theo Reuters bình luận, bất kỳ quyết định nào nhằm chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh, đều sẽ phải đối mặt với thách thức pháp lý, bởi vì, theo Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ, được phê chuẩn vào năm 1868 trong thời kỳ hậu Nội chiến, quy định cấp quyền công dân cho “tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch tại Hoa Kỳ”

Năng lượng
Các nguồn tin tiết lộ cho Reuters rằng ông Trump đang cân nhắc một loạt các lệnh hành pháp sẽ được ký trong vài ngày sau khi nhậm chức, nhắm vào mọi thứ, từ xe điện đến việc rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Đây là những điều nằm trong đoán trước từ lâu, vì trong nhiệm kỳ tổng thống lần đầu của mình, 2017–2020, ông Trump đã triển khai các việc này. Nhưng chính là Tổng thống Joe Biden đã thay đổi các chính sách về năng lượng ấy của ông Trump.

Theo một tài liệu mà Reuters có được, các thành viên trong nhóm chuyển giao của ông Trump đang khuyến nghị những thay đổi toàn diện để cắt giảm hỗ trợ cho xe điện và trạm sạc và tăng cường các biện pháp ngăn chặn việc nhập khẩu ô tô, linh kiện và vật liệu pin từ Trung Quốc.

Tài liệu này cho thấy nhóm chuyển giao cũng khuyến nghị áp thuế đối với tất cả các vật liệu pin trên toàn cầu, một nỗ lực nhằm thúc đẩy sản xuất của Hoa Kỳ, và sau đó đàm phán các miễn trừ riêng lẻ với các đồng minh.

Các lệnh hành pháp của ông Trump cũng có khả năng sẽ tìm cách bãi bỏ các quy định về khí hậu của ông Biden đối với các nhà máy điện, chấm dứt lệnh tạm dừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng và thu hồi các miễn trừ trong đó cho phép California và các tiểu bang khác có các quy tắc về ô nhiễm chặt chẽ hơn.

Lưu ý rằng, Elon Musk, một đồng minh thân cận và rất quan trọng của ông Trump trong nhiệm kỳ này, là chủ của hãng xe điện lớn nhất nước Mỹ, Tesla, hiện có nhà máy lớn tại Trung Quốc.

Thuế quan
Các lệnh hành pháp liên quan tới thuế quan, có thể sẽ được ông Trump ký trong những ngày đầu hoặc quãng thời gian đầu nhận chức. Ông Trump được miêu tả là đã tung ra rất nhiều lời đe dọa dùng chính sách thuế quan nhắm vào hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc, nơi có các đối tác lớn nhất của Mỹ.

Ông Trump tin rằng thuế quan sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nội địa của Hoa Kỳ, và điều này có phần nào đã đúng trong nhiệm kỳ trước của ông, tuy nhiên, hiện nay có những tiếng nói nghi ngờ tính hiệu quả của nó, hoặc có các lập luận rằng kỳ thực người phải trả giá cho tất cả điều này rốt cuộc chính là người tiêu dùng Mỹ.

Ân xá
Ông Trump rất có thể sẽ dùng quyền hạn của mình ân xá cho một số người mà tòa án Mỹ đã định tội, liên quan tới vụ bạo động ngày 6/1/2021. Chi tiết về hành động như vậy vẫn chưa rõ ràng, nhưng ông Trump tuyên bố rằng ông sẽ hành động về vấn đề này vào ngày đầu tiên nhậm chức.

Đây là một chủ đề dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau. Rất nhiều người của Đảng Cộng hòa cùng phe cánh hữu tin rằng nhiều người bị giam đó kỳ thực là vô tội, và họ cùng gia đình đang phải chịu oan khuất rất lớn, là nạn nhân của chế độ Biden.
Canada cam kết tăng cường kiểm soát biên giới, hạn chế nhập cư để xoa dịu ông Trump


Hôm Thứ Ba 17/12, bốn bộ trưởng Canada đã công khai công bố một kế hoạch an ninh biên giới mà họ đã trình bày riêng với chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, tập trung vào giám sát, tình báo và công nghệ.

Bộ trưởng An toàn công cộng, Tài chính và Các vấn đề liên chính phủ Dominic LeBlanc nói với các phóng viên rằng các bộ trưởng Canada đã có một cuộc họp “đầy khích lệ” với Tom Homan, người phụ trách vấn đề biên giới của ông Trump.

Ông LeBlanc thông báo: “Tôi đã trao đổi với ông Homan về thông tin mà chúng tôi chia sẻ với các bạn hôm nay… Tôi rất phấn khởi với cuộc trò chuyện đó và các cuộc trò chuyện mà tôi đã có với Bộ trưởng Thương mại mới, Howard Lutnick”.

Ông LeBlanc và các đồng nghiệp của mình đã công bố vào thứ Ba [17/12] một kế hoạch tăng cường biên giới Hoa Kỳ-Canada bằng trực thăng, máy bay không người lái, tháp giám sát và chó nghiệp vụ, cũng như một “lực lượng tấn công chung” để nhắm vào tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Chính phủ thiểu số đang gặp khó khăn của Thủ tướng Justin Trudeau cho biết họ sẽ đầu tư 1,3 tỷ đô la Canada (909 triệu đô la Mỹ) vào an ninh biên giới trong sáu năm. Kế hoạch tập trung vào chất gây nghiện fentanyl, di cư bất hợp pháp và tội phạm có tổ chức.

Canada đã chịu áp lực phải tăng cường biên giới với Hoa Kỳ kể từ khi ông Trump đe dọa Canada và Mexico sẽ áp thuế 25% nếu họ không ngăn chặn được dòng người di cư và ma túy vào Hoa Kỳ.

Chính quyền Hoa Kỳ đã bắt giữ hơn 23.000 người gần biên giới Mỹ-Canada trong 12 tháng kết thúc vào tháng 10, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ là một phần nhỏ nếu so sánh với số 1,5 triệu người bị bắt giữ gần biên giới Mỹ-Mexico trong thời gian đó.

Cảnh sát Canada cho biết họ đã lắp đặt thêm nhiều camera và cảm biến trên đoạn biên giới có nhiều người qua lại nhất trong bốn năm qua.

Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng họ không thể làm gì nhiều để ngăn chặn những người vượt biên về phía Nam.

Các chuyên gia nói với Reuters rằng sự chú ý dồn dập đến biên giới Mỹ-Canada là do vấn nhận thức, hơn là vấn đề thực tế.

Theo các chuyên gia, một phương thức ngăn chặn hiệu quả hơn có thể là ngăn chặn mọi người đến Canada ngay từ đầu.

Như Reuters đã đưa tin, Canada đã thử làm như vậy, cấp ít thị thực hơn và từ chối những người có thị thực.

Canada cũng có kế hoạch sửa đổi luật nhập cư của mình để cho phép các cơ quan chức năng “hủy bỏ, đình chỉ hoặc thay đổi các giấy tờ nhập cư vì những lý do được coi là vì lợi ích công cộng”.

Hôm Thứ Ba, Bộ trưởng Di trú Marc Miller cho biết điều này có thể xảy ra, “ví dụ, trong các trường hợp gian lận hàng loạt”.

Ông Miller tuyên bố Canada cũng “sẽ đưa ra các biện pháp để hợp lý hóa hệ thống tị nạn nhằm giải quyết nhanh chóng các yêu cầu bất hợp pháp”. Ông đã ám chỉ đến những yêu cầu tị nạn mong manh và được rút ngắn thời gian.

Ông Miller cũng tuyên bố chấm dứt hoạt động “flagpoling”, một hoạt động mà trong đó những người cư trú tạm thời rời khỏi đất nước đủ lâu để quay trở lại và gia hạn tình trạng của mình.

Trong khi trọng tâm là những người di cư vượt biên từ Canada sang Hoa Kỳ về phía Nam, Canada đã chuẩn bị cho làn sóng nhập cư ngược lại khi mọi người chạy trốn mối đe dọa trục xuất hàng loạt của ông Trump.

“Đối với bất kỳ ai cân nhắc nhập cảnh bất hợp pháp vào Canada, khi chúng ta đang bước vào những tháng lạnh nhất của mùa đông, chúng tôi muốn nói rõ rằng việc cố gắng vượt biên vào Canada giữa các cửa khẩu nhập cảnh chính thức của chúng ta là rất nguy hiểm”, ông Miller lưu ý.

Hôm Thứ Hai, Chính phủ của Trudeau đã rơi vào hỗn loạn, sau khi bộ trưởng tài chính và phó thủ tướng Chrystia Freeland từ chức. Đang bị tụt hậu trong các cuộc thăm dò, ông Trudeau phải đối mặt với những lời kêu gọi chính từ trong nhóm của mình, đòi ông phải từ chức.

Sunday, November 24, 2024

"Vãn hồi hòa bình cho Ukraina bằng sức mạnh", Trump – Zelensky cùng chung chí hướng ?

Trong trang quốc tế của các tờ báo Pháp ngày 21/11/2024, chiến tranh Ukraina, an ninh của châu Âu, đe dọa hạt nhân của Nga, Donald Trump và những bước chuẩn bị để trở lại Nhà Trắng làm lu mờ nguy cơ Cisjordanie của người Palestine bị Israel thôn tính, thu hẹp những bài viết về các cuộc thảm sát ở châu Phi, hay hiện tượng các rạn san hô đang chết dần chết mòn dưới tác động biến đổi khí hậu.

Tổng thống Volodymyr Zelensky (T) và ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa Donald Trump tại New York, Hoa Kỳ, ngày 27/09/2024. AP - Julia Demaree Nikhinson
Thanh Hà

Volodymyr Zelensky nóng lòng đợi Donald Trump lên cầm quyền
Trump trở lại Nhà Trắng, liệu có là một tin vui đối với Ukraina ? Nghe qua câu hỏi này có vẻ ngớ ngẩn khi biết rằng, chính quyền Biden trên tuyến đầu ủng hộ Kiev chống quân Nga xâm lược, trái lại tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, Donald Trump đã nhiều lần đặt câu hỏi : Tại sao dân Mỹ lại phải chia sẻ gánh nặng tài chính của cuộc xung đột ở mãi tận trời Âu ?

Theo quan điểm của nhà báo Sylvie Kauffmann đặc trách mục địa chính trị của báo Le Monde, biết đâu bản thân tổng thống Volodymyr Zelensky cũng đang mong mỏi ngày Nhà Trắng đổi chủ ? Bà giải thích : Trong vài tuần lễ, cục diện khủng hoảng Ukraina hoàn toàn thay đổi vì hai sự kiện là lính Bắc Triều Tiên tiếp sức cho quân đội Nga, rồi cử tri Mỹ quyết định qua lá phiếu để Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Kim Jong Un không chỉ cung cấp vũ khí, đạn dược cho Nga nuôi dưỡng cỗ máy chiến tranh của Putin, mà sự hiện diện của 10.000 lính Bắc Triều Tiên là dấu hiệu xung đột Ukraina đã chính thức được « quốc tế hóa ». Chính vì thế mà tại Washington, trong những ngày cuối nhiệm kỳ tổng thống, Joe Biden vội vàng cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa của Mỹ đến đánh vào lãnh thổ Nga.

Về phần tổng thống Ukraina, trong thông điệp hôm 06/11/2024 chúc mừng Donald Trump đắc cử, Volodymyr Zelensky nhấn mạnh Kiev đánh giá rất cao cách tiếp cận vấn đề Ukraina của tổng thống Mỹ tân cử, đó là khái niệm « tìm kiếm hòa bình bằng sức mạnh ».

Đại đế thời La Mã Hadrien là cha đẻ ra khái niệm này và chủ trương « tìm kiếm hòa bình bằng sức mạnh » đã được Robert O’Brien, một cố vấn an ninh quốc gia cho ông Trump làm sống lại. Trong một bài tham luận gần đây trên tạp chí Foreign Affairs, Robert O’Brien đã chỉ trích tổng thống Biden, biến nước Mỹ thành một nguồn viện trợ quân sự quan trọng cho Ukraina nhưng lại « chậm trễ gửi cho Kiev những loại vũ khí cần thiết » để dẫn tới một giải pháp hòa bình.

Quan chức này dự báo, Donald Trump thì ngược lại, « vì muốn nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, đồng thời bảo toàn an ninh cho Ukraina » nên tổng thống Mỹ tương lai sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraina « những loại vũ khí gây sát thương, nhưng các chương trình này sẽ do châu Âu đài thọ ». Cùng lúc, Mỹ vẫn « mở cánh cửa cho vế ngoại giao » với « một số yếu tố bất ngờ » để có thể đẩy Matxcơva vào thế bất ổn.

Ukraina : Một sự tiếp nối giữa Biden –Trump
 
Nhà báo của tờ Le Monde thận trọng lưu ý độc giả rằng cho đến hiện tại O’Brien chưa được ông Trump mời tham gia nội các sắp tới và kế hoạch chấm dứt chiến tranh Ukraina của Donald Trump còn là một ẩn số.

Nhưng trong tuần, phó thủ tướng Ukraina bà Olga Stefanishyna đã nhắc lại khái niệm « tìm kiếm hòa bình bằng sức mạnh » quân sự. Kiev muốn chấm dứt chiến tranh trong năm 2025, nhưng để đạt được mục tiêu này Ukraina cần củng cố vị thế trên chiến trường trước khi bước vào đàm phán. Giữ được một phần lãnh thổ của Nga trong vùng Kursk để mặc cả với Matxcơva có thể là một giải pháp.

Trong điều kiện đó, Biden có lẽ đã thông báo với Trump về quyết định cho Ukraina dùng tên lửa ATACMS để tấn công vào lãnh thổ Nga. Ưu tiên của Trump hay Biden chỉ là một. Để cho điện Kremlin rộng đường hành động, củng cố liên minh Nga –Bắc Triều Tiên –Trung Quốc và Iran « không phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ ».

Chiến thuật « leo thang » của Matxcơva
 
Câu hỏi còn lại là cách tiếp cận vấn đề của Vladimir Putin. Trong khi chờ đợi ông Donald Trump lên cầm quyền, Matxcơva khai thác là bài « leo thang hạt nhân » tựa một bài viết trên tờ Le Figaro.

Tờ báo trở lại với sắc lệnh tổng thống Putin ký cách nay hai ngày về học thuyết hạt nhân mới của Nga. Alain Barluet, thông tín viên của Le Figaro từ Matxcơva trích lời lãnh đạo tình báo Nga đặc trách về đối ngoại, Serguei Narichkin, theo đó « cập nhật học thuyết hạt nhân loại trừ mọi khả năng quân đội Nga thất thủ trên trận địa ». Đó là thông điệp Vladimir Putin nhắm gửi tới phương Tây và đã gây chấn động đến tận Brazil nơi đang diễn ra thượng đỉnh G20.

Nhưng về thực chất, « học thuyết hạt nhân mới » của Nga không có gì mới. Tháng 9/2024, điện Kremlin một lần nữa mang vũ khí hạt nhân ra đe dọa và nêu lên khả năng dùng vũ khí răn đe nhắm vào một quốc gia « không có vũ khí nguyên tử (là Ukraina) được một cường quốc hạt nhân (là Mỹ) yểm trợ ». Đây là điều Matxcơva từng đề xuất trong « học thuyết hạt nhân » của năm 2020.

Đến hôm 19/11/2024, vài giờ sau khi Washington cho phép Kiev dùng tên lửa tầm xa ATACMS đánh vào lãnh thổ Nga, ông Putin đặt bút ký sắc lệnh về « học thuyết hạt nhân mới ». Văn bản này cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, « nếu có những thông tin đáng tin cậy về các cuộc tấn công từ trên không nhắm vào các vùng sát biên giới bằng chiến dấu cơ bàng tên lửa hành trình, drone hay vũ khí siêu thanh ».

Nghe qua có vẻ « rất đáng sợ » nhưng điểm mạnh của học thuyết này chính là những điểm còn « tranh tối tranh sáng ». Nhà nghiên cứu Tatiana Stanovaia quỹ Carnegie kết luận : Vào lúc Hoa Kỳ trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, Matxcơva « tìm cách đặt phương Tây trước hai sự lựa chọn : Hoặc đẩy tất cả cùng lao vào một cuộc chiến nguyên tử, hoặc chấm dứt chiến tranh Ukraina theo những điều kiện của Nga ».

Công nghệ kỹ thuật số, công cụ phục vụ cho các chế độ độc tài
 
Trong một thời gian dài nhiều người đã nghĩ rằng, với internet, mạng xã hội… thông tin tràn ngập thì sẽ khó để các chế độ độc tài và khép kín với thế giới bên ngoài như Iran đến Bắc Triều Tiên bưng bít thông tin. Đó cũng sẽ là những công cụ để mang tại tự do, dân chủ ở những quốc gia như Nga hay Trung Quốc.

Chẳng ngờ « các chế độ chuyên chế, mà đứng đầu là Nga, Iran và Trung Quốc lại dùng chính công nghệ số để tấn công các nền dân chủ, bằng những cuộc chiến hỗn hợp – hybride war ». Sáng lập viên và cũng là người điều hành quỹ đầu tư Andurand Capital, đưa ra quan điểm như trên trong bài viết đăng trên nhật báo kinh tế Les Echos.

« Từ khi có các mạng xã hội, thuật toán đã thao túng, thậm chí là kiểm soát cả tư tưởng của con người » để hướng dẫn dư luận như những gì đã thấy trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit, đẩy nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, hay chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ gầy đây. Mạng xã hội là công cụ để chuyển tải những thông điệp đến hàng triệu người đăng ký, tác động trực tiếp đến cách suy nghĩ của họ và tệ hơn nữa gây hoang mang để làm dấy lên một mối đe dọa thực sự nhắm vào các nền dân chủ phương Tây.

Nhà triết học Hannah Arendt năm 1974 đã thấy rõ một điều « khi một dân tộc không còn tin tưởng vào bất cứ điều gì, không còn có quan điểm, dân tộc đó bị tước đoạt khả năng hành động, bị mất khả năng suy nghĩ và thẩm định về mọi thứ. Và khi đó người ta muốn làm gì thì làm với dân tộc đó ». Pierre Andurant cho rằng, các chế độ chuyên chế đã trông thấy rằng, công nghệ kỹ thuật số, internet,… là vũ khí để mở ra những cuộc chiến « hỗn hợp » nhắm vào các nền dân chủ phương Tây.

Chiến tranh Ukraina theo tác giả bài viết bùng lên từ việc « Vladimir Putin không thể chấp nhận trông thấy Ukraina trở thành một nền dân chủ phồn thịnh » để rồi người dân Nga cũng đòi được sống trong một môi trường như 44 triệu dân Ukraina. Tương tự như vậy, những thành công của một nền dân chủ Đài Loan làm đảo lộn học thuyết xã hội chủ nghĩa theo mô hình Trung Quốc. Năm 2001 khi Bắc Kinh được kết nạp vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới nhiều người đã tưởng rằng đấy là nhịp cầu đưa đất nước Trung Hoa rộng lớn này đến gần với các giá trị tự do. Thực tế không hoàn toàn như vậy.

Một báo cáo của Quốc Hội Pháp hồi tháng 6/2023 định nghĩa như thế nào về những mối đe dọa « hỗn hợp » mà các chế độ chuyên chế sử dụng đế tấn công các nền dân chủ phương Tây. Theo tài liệu này đó là « một sự phối hợp tinh tế các phương tiện quân sự, dân sự hợp pháp hay không hợp pháp, khó để phát hiện và thường được sử dụng với mục tiêu gây bất ổn ». Những mối đe dọa hỗn hợp đó bao gồm từ các hoạt động tin tặc đến thao túng thông tin, gây thiệt hại về kinh tế, thao túng thông tin về khoa học… hướng về các mục tiêu cần nhắm tới.

Trong chiến tranh hỗn hợp, Nga là quốc gia tiên phong với đơn vị 29155 trực thuộc bên tình báo quân đội. Trong thời gian gần đây, Ukraina, NATO là những ưu tiên huy động các « nhà máy tung tin giả của Nga nhắm tới ».

Cũng Matxcơva đứng đầu một chiến dịch tung tin giả ở cấp chuyên nghiệp qua việc nhái lại gần như một cách hoàn hảo trang web của các cổng truyền thông uy tín thế giới. Bên cạnh đó là những công cụ tuyên truyền phù hợp với thời buổi internet. Ở Bắc Kinh đội quân tin tặc của Trung Quốc đi sau Nga một bước nhưng vừa sao chép bí quyết thành công của Nga, vừa cài thêm những công nghệ mới như là deepfakes hay trí tuệ nhân tạo tạo sinh.

Nhưng đâu chỉ có các chế độ độc tài mới thao túng công luận, tiến hành các cuộc chiến « hỗn hợp » để tấn công các nền dân chủ. Người ta cũng có thể khai thác khủng hoảng niềm tin, viện lý do vì tự do ngôn luận để biến các mạng xã hội thành những công cụ tuyên truyền vì lợi ích cá nhân hay chính trị. Ở Hoa Kỳ, tỷ phú Elon Musk đã sớm hiểu điều đó.

Văn sĩ Pháp là những nhà bảo vệ môi trường thiên nhiên lâu đời nhất
Tại sao các nhà văn lớn của Pháp từ Ronsard đến Stendahal từ Paul Valéry đến Jules Renard đều nói nhiều về cây cối, dành cho những cây cao bóng cả một vị trí riêng biệt trong văn thơ ?

Đúng vào ngày một lớp tuyết nhẹ đang rơi  ở thủ đô Paris, nhật báo Le Figaro mời ông Eryck de Rubercy trả lời câu hỏi này. Ông là tác giả rất nhiều tác phẩm nói về thế giới cây cỏ và đặc biệt chú ý đến liên hệ giữa thế giới này với văn đàn Pháp.

Nhà thơ Ronsard thế kỷ 16 từng cho rằng, đốn cây trong rừng là một điều « húy kỵ », một sự « sát sinh ». Ở thời đại ngày hôm nay, các nhà bảo vệ môi trường lên án các vụ « écocide » tức là « sát hại môi trường ». Tác giả Đỏ và Đen, nhà văn Stendhal thế kỷ 18 đặt câu hỏi « đến khi nào luật pháp mới trừng trị đích đáng tội ác chặt cây ? ».

Năm 1908, một nhà văn quen thuộc với độc giả Việt Nam, Pierre Loti từng viết bài chống đối một dự án phá rừng gỗ sồi để phục vụ cho một chương trình công nghiệp mà ông gọi là một hành vi « man rợ » bởi với Loti, một cái cây là « cả một tượng đài, một di sản là một cái gì đó rất gắn bó với con người ».

Ở thế kỷ 20, nhà văn Jouhandeau không bao giờ tha thứ cho người vợ khi bà thuê người đốn cây đoạn trong vườn nhà. André Gide cảm thấy thanh thản khi ngắm nhìn một cây đại thụ. Nhà thơ Paul Valéry thì tin chắc rằng những cái cây biết suy nghĩ, là những « sinh vật sâu lắng », là những người bạn trung thành mãi giữ kín những nỗi niềm của bạn. Một nguồn cảm hứng bất tận, một mối tâm giao.

Ba chàng ngự lâm pháo thủ nay chỉ còn lại một
Ba cây cổ thụ trong làng quần vợt nay chỉ còn một : Sau Federer, đến lượt Nadal giải nghệ. Trong số ba chàng nghự lâm pháo thủ nay chỉ còn lại một mình Djokovic vẫn lăn lộn trên các sân thi đấu : « Một sự trống vắng lớn và một thời đại đã qua », Le Figaro nhận định.

Tờ báo điểm lại thành tích lẫy lừng : 23 năm thi đấu, 22 lần vô địch Grand Chelem của tay vợt Tây Ban Nha. Là một trong những người đạt nhiều thành tích huy hoàng nhất, Rafael Nadal khép lại một trong những trang sử tuyệt đẹp của làng quần vợt thế giới với một câu nói đi sâu vào lòng người : « Ngoài tất cả những danh hiệu, những kỷ lục đã có, tôi chỉ muốn được công chúng nhớ đến như một con người lương thiện, biết rõ nguồn gốc của mình từ đâu ra. Tôi là một đứa con của Majorca đã may mắn được một người chú và gia đình liên tục ủng hộ để thực hiện những ước mơ ».

Pháp : Chân trời tối mờ
2024 sắp khép lại, mà « Pháp vẫn chưa có ngân sách cho năm tới », trong khi đó thì đảng cực hữu đe dọa « lật đổ chính phủ ». Thủ tướng Michel Barnier « oằn lưng » dưới gánh nặng những cơn phẫn nộ trong xã hội đang trút xuống đầu ông : Nông dân biểu tình, nhân viên tập đoàn xe lửa quốc gia lại đình công, giáo viên « phẫn nộ » vì ngân sách giáo dục bị cắt giảm, dân chúng chống đối đời sống đắt đỏ, các hãng xưởng đóng cửa hàng ngàn nhân viên mất việc làm, các chính phủ cấp vùng, cấp thành phố phản đối các chương trình cắt giảm chi tiêu…

Hiếm khi nào toàn bộ trang nhất các tờ báo Paris đều tập trung vào những vấn đề của nước Pháp và toàn nói về những tin không vui : nhà máy « Vencorex vùng Grenoble lâm nguy vì ngành công nghiệp hóa chất Trung Quốc », tựa trên báo Công Giáo La Croix. « RN đe dọa bất tín nhiệm chính phủ, gia tăng áp lực với thủ tướng Barnier », tựa của tờ Le Figaro. Trang nhất tờ báo cánh tả Libération đăng bức hý hoa với một thủ tướng Barnier mang trên lưng không biết bao nhiêu gánh nặng. Les Echos đặt câu hỏi liệu Pháp có đang hướng tới tình trạng không có ngân sách cho năm tới ?

Thursday, November 7, 2024

Ông Trump cam kết chấm dứt mọi cuộc chiến Nga: ‘hãy chờ xem’

Sau khi tuyên bố chiến thắng trong cuộc đua vào Toà Bạch Ốc năm 2024, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết, mục tiêu của ông là ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh trên toàn thế giới. 

Nhắc đến nhiệm kỳ tổng thống trước của mình, ông nói rằng trong bốn năm đó, Hoa Kỳ không tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột mới nào, theo hãng Sky News hôm 6/11.

Ông Trump nói: “Chúng tôi không có chiến tranh, trong bốn năm chúng tôi không có chiến tranh. Ngoại trừ việc chúng tôi đánh bại khủng bố ISIS. 

Ông cho hay, chúng tôi đánh bại ISIS trong thời gian kỷ lục, nhưng chúng tôi không có chiến tranh. Tôi không bắt đầu một cuộc chiến tranh nào, tôi sẽ dừng các cuộc chiến tranh.

Ông Trump gọi đây là chiến thắng quan trọng cho “dân chủ” và “tự do”.

Ông cũng cam kết sẽ tiết lộ “vận mệnh vinh quang” của nước Mỹ và tạo ra tương lai tốt đẹp nhất cho người dân, đồng thời nói thêm rằng, sứ mệnh của ông là khôi phục lại sự vĩ đại của đất nước.

Kêu gọi đoàn kết, ông Trump cho biết đã đến lúc gác lại những khác biệt của những năm gần đây.

Ông nói: “Thành công sẽ đưa chúng ta lại gần nhau hơn”, và bày tỏ sự tin tưởng rằng Hoa Kỳ có thể đạt được mục tiêu của mình

Chứng khoán Nga tăng vọt khi ông Trump chắc thắng

Sau khi Donald Trump tuyên bố thắng lợi tại các bang chiến trường, chỉ số chứng khoán các công ty Nga tăng vọt. Dầu khí và năng lượng: Gazprom tăng 5% trong phiên sáng Thứ Tứ, Lukoil tăng 2,8%, Rosneft 3%, Tatneft 4,6%. Khai thác mỏ: Norilsk Nickel 3,6%, Rusal 3,4%. Sber (ngân hàng) 3,6%, Alrosa (đá quý) 5,3%, Aeroflot (hàng không quốc gia) 5,9%%, Yandex (tựa Google của Nga) 2,8%, MVideo & Ozon 6%, chỉ số chứng khoán sàn MOEX tăng 3,4%, mệnh giá USD RTS tăng 3,3%, theo truyền thông Nga.


Ông Trump trong quá trình vận động tranh cử đã tuyên bố chấm dứt chiến tranh Ukraine nếu ông đắc cử. Kèm theo chiến tranh chấm dứt, người Nga cũng kỳ vọng Mỹ cắt giảm các lệnh trừng phạt và giải tỏa các vòng cô lập đối với nước này. Dù sao thì quan hệ Mỹ-Nga đang ở mức “thấp nhất trong lịch sử,” theo lập luận của người phát ngôn Điện Kremlin, do đó, bất kỳ thay đổi nào của chính quyền Washington cũng “hầu như không thể nào làm các quan hệ tệ hơn được.”

“Đối với những người tham gia thị trường trong nước, khả năng thay đổi quyền lực ở Mỹ gắn liền với đôi chút tia hy vọng về một sự thay đổi trong chủ thuyết và cách tiếp cận,” theo dự đoán của Mikhail Zeltser, một chuyên gia của BCS World of Investments.

Mặc dù Moskva coi Mỹ là “quốc gia không thân thiện” nhưng người Nga tin rằng chính quyền Trump sẽ bớt thù địch đối với Nga hơn. Tổng thống Joe Biden gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “tên sát nhân” trong khi Donald Trump, hiện được coi là Tổng thống Đắc cử, thường xuyên tuyên bố rằng bản thân ông có quan hệ tốt với Putin.

“Chiến thắng của Donald Trump [trong lần đua vào Nhà Trắng này] là một tình huống ác tính ít hơn đối với Nga, và trong tình huống đó, thị trường chứng khoán của chúng tôi tăng lên đáng kể,” theo Aleksey Antonov, người đứng đầu Investment Consulting at Alor Broker.

Trong khi Điện Kremlin tỏ ra dè dặt khi bình luận về việc Donald Trump tái đắc cử, dù sao thì chiến tranh Ukraine vẫn đang diễn ra và Donald Trump của Mỹ vẫn chưa biểu đạt thái độ gì mới, thì các kênh thân Nga trên mạng xã hội đều tỏ ý vui mừng khi tác giả cuốn sách “Nghệ thuật của sự Trở lại” một lần nữa trở lại Tòa Bạch Ốc, đặc biệt gợi ý về việc kết thúc chiến tranh Ukraine, cuộc chiến đang gây thiệt hại to lớn cho cả Nga và Ukraine. Thậm chí có thông điệp loan tin (không kiểm chứng) rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đã sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Đắc cử Donald Trump:

Jack Smith bị Bộ Tư Pháp bãi nhiệm - Nov 6, 2024

TIN TỪ TRUTH: Bộ Tư Pháp loại bỏ Jack Smith trước khi Trump Nhậm chức, hủy bỏ các Vụ án Liên bang (DOJ Getting Rid of Jack Smith Before Trump Takes Office, Dropping Federal Cases)
Bộ Tư pháp đang bãi nhiệm Jack Smith khỏi vị trí cố vấn đặc biệt và hủy bỏ hai cuộc điều tra liên bang của ông đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump sau chiến thắng áp đảo của Trump trong cuộc bầu cử hôm thứ Ba.
Fox News đưa tin rằng DOJ bãi nhiệm Smith vì họ đã thừa nhận rằng họ không thể truy tố một tổng thống đương nhiệm.
Smith sẽ rời khỏi vị trí của mình trước khi Trump nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2025, Fox News đưa tin.
Kênh truyền hình này cho biết động thái này có nghĩa là DOJ sẽ hủy bỏ hai vụ án hình sự chống lại Trump.
Vụ án liên quan đến việc Trump xử lý tài liệu mật sau khi ông rời nhiệm sở đã bị một thẩm phán ở Florida bác bỏ, nhưng đã được Smith kháng cáo.
Vụ án khác của Smith liên quan đến các hành động của Trump sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Hoàng Lan Chi viết: lý do giải thích của Bộ Tư Pháp nghe không hợp lý. Chẳng qua Bộ muốn Jack Smith rời đi trước khi bị Tổng Thống 47 Trump chỉ tay “ You’re fired”

Người dự đoán đúng 9/10 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này đã sai

Lần này ông ấy đã đoán chệch, hoặc có thể nói là người dân Mỹ đã chọn một hướng đi khác. Nhà sử học Allan Lichtman đã dự đoán đúng 9/10 cuộc bầu cử tổng thống, nhưng lần này ông không dự đoán chính xác ai sẽ trở thành tổng thống thứ 47 của Mỹ

Giáo sư Allan Lichtman giảng bài về “13 Chìa khóa tới Nhà Trắng” tại Đại học American ở Washington vào ngày 28/10/2008. (Nguồn ảnh: NICHOLAS KAMM-/AFP via Getty Images)
Trong một sự trở lại chính trị đáng kinh ngạc vào tối thứ Ba (5/11), cựu Tổng thống Donald Trump đã đánh bại Phó Tổng thống và ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris để trở lại Nhà Trắng.

Giáo sư Lichtman nói trong cuộc phỏng vấn với USA Today sáng thứ Tư: “Sau một đêm dài, tôi dành chút thời gian để suy ngẫm xem mình đã sai ở đâu và tương lai của nước Mỹ sẽ ra sao”.

Ông Lichtman là giáo sư tại Đại học Mỹ (American University), từng dự đoán bà Harris sẽ đánh bại ông Trump với kết quả sít sao. Tuy nhiên, mặc dù thua trong cuộc bầu cử năm 2020 và phải đối mặt với 2 cuộc luận tội, 1 án hình sự và 2 vụ ám sát, cuối cùng ông Trump đã vượt qua được những trở ngại và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này.

Vào đêm bầu cử hôm thứ Ba, ông Lichtman đã đồng tổ chức một podcast dài 6 giờ với con trai ông là Samuel. Cuối cùng, vị giáo sư lịch sử 77 tuổi thừa nhận kết quả bầu cử khiến ông bị sốc: “Hãy theo dõi chúng tôi vào thứ Năm khi chúng tôi thảo luận sâu hơn về những gì đã xảy ra”.

Vào sáng thứ Tư, ông Lichtman đã đăng trên Twitter, cảm ơn “tất cả các thành viên trung thành, người đăng ký và người xem trong chương trình trực tiếp”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích kết quả đêm qua”, ông viết, “Hãy theo dõi chương trình của chúng tôi lúc 9h tối thứ Năm theo giờ ET để tìm hiểu sâu hơn về cuộc bầu cử”.

“Cũng có khi, toán học không hữu dụng”
Ông Lichtman từng tự tin tuyên bố rằng hệ thống “13 Keys” của ông cho thấy bà Harris sẽ thắng. Ông đã sử dụng hệ thống này để dự đoán thành công 9 trong số 11 cuộc bầu cử tổng thống kể từ năm 1984, với sai lầm duy nhất xảy ra vào năm 2000 khi ứng viên Đảng Cộng hòa George W. Bush đánh bại ứng viên Đảng Dân chủ Al Gore trong gang tấc.

Ông Lichtman trở nên tự tin hơn rằng bà Harris sẽ giành chiến thắng sau khi các cuộc thăm dò ý kiến trên toàn quốc cho thấy dân chủ đã trở thành vấn đề hàng đầu của cử tri, xếp trên cả những vấn đề được quan tâm khác là kinh tế, phá thai (14%) và nhập cư (11%).

Ông nói vào gần cuối chương trình: “Nếu bà ấy có thể thắng ở Pennsylvania, bà ấy có cơ hội tốt. Khi đó, kết quả ở Nevada vẫn chưa được công bố. “Tuy nhiên, bà ấy sắp hết phiếu bầu rồi.”

Sau đó Pennsylvania được dự đoán là phần thắng cho ông Trump.

Con trai ông Lichtman nói vào cuối chương trình: “Có những khi cả toán học cũng không giải thích được. Tất cả thật điên rồ… Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hơi ngạc nhiên”.

Lichtman: ‘Tôi nghĩ bà ấy đã thua’
Trong giờ cuối cùng của chương trình, khi ông Lichtman và con trai phân tích cuộc bỏ phiếu ở Pennsylvania, Samuel là người đầu tiên đưa ra dự đoán về kết quả bầu cử.

Anh nói trong 10 phút cuối: “Tôi không nghĩ bà ấy thắng”.

“Tôi cũng nghĩ vậy”, ông Lichtman trả lời ngay lập tức, ấn tay vào thái dương. “Chắc chắn có điều gì đó khó tin đã xảy ra… Tôi vẫn hy vọng vào một phép màu ở Pennsylvania, nhưng có vẻ như nó sẽ không xảy ra”.

Lichtman nói với con trai: “Cha đã nhận được rất nhiều email cảm động, dù kết quả ra sao họ đều tôn trọng nỗ lực dự đoán của cha”.
Bà Nancy Pelosi tái cử vào Hạ viện lần thứ 20

Decision Desk HQ đã gọi tên Dân biểu Nancy Pelosi (Đảng Dân chủ, California) sẽ trở lại Quốc hội liên bang vào năm tới cho nhiệm kỳ thứ 20.


Bà Pelosi, 84 tuổi, đã dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc đua tái cử vào thứ Ba (5/11) ở Quận 11 của tiểu bang California, đánh bại đối thủ thách thức của Đảng Cộng hòa, ông Bruce Lou, chính trị gia trẻ tuổi thường ví Đảng Dân chủ với những người cộng sản.

Bà Pelosi đã là một nhân vật lịch sử khi bước vào Quốc hội hiện tại. Bà là người phụ nữ đầu tiên lên nắm quyền Chủ tịch Hạ viện trong lịch sử Hoa Kỳ và bà đã chủ trì những đạo luật mà Đảng Dân chủ coi là chiến thắng lập pháp lớn — bao gồm Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng dưới thời cựu Tổng thống Obama và một dự luật khí hậu khổng lồ dưới thời Tổng thống Biden — sẽ còn vang dội trong nhiều năm tới.

Năm nay, mặc dù đã rời khỏi vai trò lãnh đạo chính thức khi bắt đầu Quốc hội khóa 118, nhưng bà đã viết thêm một chương nữa vào biên niên sử của mình bằng cách đóng vai trò chính trong việc thuyết phục ông Biden không tái tranh cử sau cuộc tranh biện thảm hại của ông với cựu Tổng thống Trump vào mùa hè.

Sự vụ đó có vẻ đã làm căng thẳng mối quan hệ giữa hai đảng viên Dân chủ quyền lực, nhưng nó làm nổi bật cách tiếp cận thực dụng của bà Pelosi đối với chính trị quyền lực thô sơ — và bản năng sát thủ của bà để giành chiến thắng.

Việc bà Pelosi đã 84 tuổi dẫn đến những câu hỏi dai dẳng về thời điểm bà sẽ nghỉ hưu khỏi Quốc hội và suy đoán lan tràn rằng bà đang chuẩn bị để một trong những người con gái của mình thay thế — một động thái mà bà phủ nhận.

Bà Pelosi, trong nhiệm kỳ hiện tại, là cố vấn thường xuyên nhưng không chính thức cho người kế nhiệm bà, Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Đảng Dân chủ, New York). Hai năm trước, chính ông Jeffries đã phong tặng cho bà Pelosi danh hiệu danh dự “Chủ tịch danh dự”.

Bà Pelosi cũng là một trong những người chỉ trích ông Trump dữ dội nhất, đặc biệt là sau vụ hỗn loạn tại Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021.

Khi thách thức bà Pelosi, ông Lou, mới ngoài 20 tuổi, đã lập luận rằng San Francisco đã sẵn sàng để thế hệ trẻ hơn tiếp quản quyền lực. Nhưng rút cuộc, các cử tri San Francisco đã có câu trả lời vang dội: Chưa

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 05/11/2024 Dùng drone biển đuổi Hạm đội Hắc Hải, Ukraina khiến thế giới thay đổi quan điểm về hải chiến

Trong bối cảnh triển lãm Euronaval khai mạc tại Paris hôm nay 04/11/2024, Le Monde nói về « Drone biển, vũ khí giờ đây mang tính quyết định trong hải chiến ». Cuộc chiến tranh ở Ukraina đã chứng tỏ sự quan trọng của loại drone này, nhưng châu Âu lại chậm chạp so với Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ảnh tư liệu : Kho dầu Nga ở Sébastopol (Crimée) bốc cháy vì bị drone Ukraina tấn công ngày 29/04/2023. AP
Thụy My
Drone biển đẩy lùi hạm đội Nga : Bất ngờ lớn của chiến tranh Ukraina  
Một quân đội không có hải quân đã đuổi được hạm đội Nga, một trong những hạm đội mạnh nhất thế giới trên Hắc Hải. Đó là một trong những bất ngờ lớn nhất của cuộc chiến tranh ở Ukraina. Nhờ những chiếc xuồng nhỏ có kích thước như Jet-Ski hay hors-bord, Ukraina đã đánh chìm khá nhiều chiến hạm Nga khiến Matxcơva phải dời hạm đội sang cảng Sébastopol. Nay hải quân các nước đều quan tâm đến vai trò của các tàu không thủy thủ, được gọi là « USV » (unmanned surface vehicle theo tiếng Anh).
Le Monde cho biết công nghệ hiện nay cho phép các drone biển nhỏ hơn, vững chắc hơn, hiệu quả hơn, mà cuộc chiến Ukraina đã giúp tăng tốc. Từ 2023, phe Houthi đã bắt chước trên Hồng Hải. Mỹ bắt đầu dùng những chiếc Sea-Hunter không người lái để tuần tra từ 2016, chi phí chỉ 20.000 đô la so với khu trục hạm đến 700.000 đô la, và vào tháng Giêng đã hạ thủy « ghost fleet » (đoàn tàu ma) gồm bốn chiếc có kích thước như một con tàu nho nhỏ (60 đến 90 mét), được đặt tên là Vanguard.
Washington muốn về lâu về dài dùng để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Các xưởng đóng tàu Mỹ không thể theo nổi nhịp độ chóng mặt của Trung Quốc, nên drone hải chiến là một giải pháp. Theo đô đốc Samuel Paparo, nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, Mỹ sẽ biến eo biển này thành một hỏa ngục vũ khí tự hành để gây khó khăn trong suốt một tháng – thời gian để chuẩn bị hoạt động tiếp theo. Từ nay đến 2045, mục tiêu của Lầu Năm Góc là một đội lưỡng dụng trên 370 tàu và 150 USV. Riêng năm 2024 và 2025 Hải quân Mỹ có 1 tỉ đô la cho nhiều dự án drone, và 32 tỉ đô la trong năm tới để đóng các chiến hạm truyền thống.
Đài Loan theo gương Kiev để đối phó với Trung Quốc
 
Đang ở tuyến đầu trước Bắc Kinh, Đài Loan hiểu rõ lợi ích của drone biển để bảo vệ vùng duyên hải trước nguy cơ quân Trung Quốc đổ bộ hay phong tỏa. Công ty CITIC Shipbuilding đã trình làng mẫu drone hải chiến đầu tiên, gợi hứng từ mô hình Ukraina. Tại Hàn Quốc, Hải quân đã tổ chức lại, biến một trong ba hạm đội thành lực lượng tàu không người lái trên mặt nước, dưới biển và không chiến. Đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều chương trình drone đa dụng hướng đến xuất khẩu. Ngược lại châu Âu những năm gần đây chỉ đầu tư vào drone hoạt động dưới biển, trong khi việc bảo vệ các cảng, cơ sở hạ tầng trên biển là cấp bách. Mỗi nước có chương trình drone riêng. Tây Ban Nha, Ý, Anh đưa ra vài mẫu mới ; nhưng chỉ Đức nuôi tham vọng từ nay đến 2035 trong đội hình có được 1/3 drone hải chiến thế hệ mới.

Pháp nhìn nhận những thay đổi từ cuộc chiến ở Ukraina, cuối 2023 đã đề ra lộ trình để Hải quân Pháp không bị những người cạnh tranh qua mặt. Nhưng đến nay chỉ có những dự án phát triển drone biển chuyên biệt chống mìn, và drone hoạt động dưới đáy biể ở độ sâu đến 6.000 mét cho việc nghiên cứu. Những tháng gần đây Paris mới lo bổ sung thiết bị bảo vệ chiến hạm trước nguy cơ bị drone tự hủy của phe Houthi tấn công ở Hồng Hải. Naval Group giới thiệu loạt drone « Seaquest » nhằm bảo vệ duyên hải và hàng không mẫu hạm, nhưng Le Monde cho biết Nhà nước vẫn chưa đặt hàng.

Chiến dịch Kursk ngoạn mục nhưng không thay đổi được chiến trường
Về chiến tranh Ukraina, Le Monde điểm lại « Cuộc tấn công lẽ ra đã thay đổi được chiều hướng cuộc chiến ». Ba tháng sau khi tung ra cuộc tiến công gây bất ngờ cho tất cả mọi người tại tỉnh Kursk của Nga, tương quan lực lượng trên chiến trường vẫn không thay đổi. Kiev vốn hy vọng có được ưu thế trên bàn đàm phán, thiếu trầm trọng phương tiện. Nga dấn lên từ từ, tuy chỉ chiếm được những làng nho nhỏ với thiệt hại nhân mạng vô cùng lớn, nhưng cũng đè nặng lên tâm lý người Ukraina.

Tại Kursk, những quân nhân Ukraina tham gia chiến dịch vô cùng phấn khởi khi được tiến công sang phần đất của kẻ xâm lăng nước mình. « Zherar » thuộc tiểu đoàn tác chiến 225 tỏ ra ngạc nhiên trước con số 600 tù binh mà tổng thống Volodymyr Zelensky công bố vì chỉ riêng đơn vị anh đã bắt sống được 400 lính Nga trong đợt đầu. « Saigon » thuộc đơn vị nhảy dù cho biết quân Nga hoàn toàn rối loạn, và anh « ngưng đếm kể từ tù binh thứ 100 ». Tuy nhiên hiện nay Ukraina quá thiếu đạn pháo và không được phép sử dụng hỏa tiễn tầm xa của phương Tây nên quân Nga đã chiếm lại được một số vùng đất ở Kursk.

Không nên coi thường đặc nhiệm Bắc Triều Tiên  
Trong khi trên 10.000 lính Bắc Triều Tiên đã có mặt tại Nga từ nhiều tuần qua, người ta đã biết được những gì về đội quân này, về vũ khí và năng lực chiến đấu ? La Croix giải thích : Quân đội Bắc Triều Tiên vô cùng đông đảo, ít nhất là trên giấy tờ. Với 1,5 triệu quân nhân và trên 7 triệu quân dự bị, dân quân, đây là đội quân đứng thứ năm thế giới về quân số. Các trang thiết bị quy ước của Bình Nhưỡng lâu nay được các quan sát viên quân sự ngoại quốc coi là cổ lỗ sĩ. Tuy nhiên từ khi lên ngôi năm 2012, Kim Jong Un đã tăng 30 % ngân sách quân sự. Tướng về hưu Chun In Bum của lực lượng đặc biệt Hàn Quốc cho biết không nên đánh giá thấp đội quân này.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Anh, Bắc Triều Tiên có 550 chiến đấu cơ MiG-29 và Sukhoi, trên 300 trực thăng tấn công, 400 chiến hạm, 280 tàu đổ bộ, 70 tàu ngầm (trong đó một số có thể mang hỏa tiễn nguyên tử), trên 5.000 xe tăng và 3.000 xe thiết giáp. Số vũ khí này tuy cũ nhưng được bảo dưỡng tốt, có thể hữu dụng trong một cuộc chiến quy ước hay trên mặt trận Ukraina. Hiện có gần 10.000 hệ thống pháo bố trí dọc theo biên giới Hàn Quốc, với « hàng triệu quả pháo sản xuất và tồn trữ từ nhiều năm qua trong các nhà máy vũ khí được hiện đại hóa ».

Bắc Triều Tiên là một hố đen đối với tình báo các nước, đa số thiết bị được chôn giấu trong những hang động hoặc các hòn núi ở khắp nước để tránh sự giám sát của vệ tinh Mỹ. Nhưng tình báo Hàn Quốc cũng đếm được trên 14.000 container đạn dược gởi sang Nga những tuần gần đây, và 3.000 lính lực lượng đặc biệt. Bắc Triều Tiên có các đơn vị tinh nhuệ, bắn tỉa và đặc nhiệm chuyên thi hành những nhiệm vụ đặc biệt (tấn công tập trung, ám sát, tình báo). Năm 2017, bốn đặc vụ đã ám sát Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong Un tại Malaysia bằng chất cực độc VX và tẩu thoát êm thắm. Đơn vị này được trang bị phương tiện liên lạc hiện đại.

Hai chuyên gia Hà Lan Stijn Mitzer và Joost Oliemans ước tính trong số 200.000 biệt kích Bắc Triều Tiên, có 150.000 thuộc các đơn vị bộ binh gọn nhẹ có thể xâm nhập và phòng tuyến địch, phá hủy các cảng và đường tiếp tế. Tất nhiên những người lính bình thường kém lợi hại hơn và không được ăn uống đầy đủ. Một lính Bắc Triều Tiên bị thương khi đào thoát sang Hàn Quốc năm 2017 trong bụng đầy giun sán. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc là 10 năm với nam, 6 năm với nữ, nhưng ngoài quân đội, toàn dân đều bị huy động. Bị tẩy não từ khi còn nhỏ là phải chống Mỹ, tất cả đều có thể trở thành chiến binh, chống lại Hàn Quốc hay Ukraina tùy theo lệnh của Kim Jong Un.

Bình Nhưỡng xích gần lại Matxcơva, Trung Quốc lo lắng
Trên Le Monde, nhà nghiên cứu Triệu Thông (Zhao Tong) của FondationCarnegie tại Washington cho biết « Trung Quốc lo ngại về hậu quả sự tham gia của Bắc Triều Tiên bên cạnh Nga ». Ông cho rằng Bắc Kinh không được thông báo sớm việc Bình Nhưỡng gởi quân sang Nga, vì có những nhà ngoại giao Trung Quốc phải hỏi han thông tin từ các đồng nghiệp nước ngoài. Số lượng lính Bắc Triều Tiên cũng gây ngạc nhiên cho Trung Quốc. Lâu nay Matxcơva ít quan tâm đến Bình Nhưỡng, nhưng cuộc xâm lăng Ukraina đã thay đổi tất cả. Nga viện trợ thực phẩm và xăng dầu mà Bắc Triều Tiên rất cần, làm loãng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Bắc Kinh không thích Bình Nhưỡng đẩy mạnh chương trình nguyên tử, nhưng nay đã có Matxcơva giúp. Dưới cái nhìn của Trung Quốc, sự khiêu khích của Bắc Triều Tiên sẽ là cái cớ để Mỹ tăng cường sự hiện diện chiến lược trong khu vực, tam giác Mỹ-Hàn-Nhật được củng cố. Các đồng minh khác của Hoa Kỳ cũng có thể tham gia, gây lo sợ về một « NATO châu Á ».

Trump 3.0 lợi hại hơn hẳn
 
Bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ thu hút sự chú ý của tất cả các báo. La Croix so sánh « Donald Trump, ứng cử viên đã chuẩn bị cực kỳ chu đáo cho chức tổng thống » với « Kamala Harris, trước bậc thang cuối cùng của sự thăng tiến ». Đặc phái viên của tờ báo tại Arizona ghi nhận trong cuộc mít-tinh cuối cùng của cuộc vận động, Donald Trump tập trung cho nhập cư, chủ đề đã tạo cho ông vị thế chính trị năm 2016.

Nhưng 8 năm đã trôi qua và nhà tỉ phú nay mạnh bạo hơn, dùng những từ ngữ quân sự. Nước Mỹ, theo ông, đã bị « chiếm cứ » và phải được « giải phóng ». Trump không còn đề nghị một « bức tường lớn và đẹp » ở biên giới Mêhicô, nhưng « những vụ trục xuất quy mô chưa từng thấy trong lịch sử » ngay từ ngày đầu nhậm chức, với sự trợ giúp của quân đội, liên quan đến hàng triệu người không giấy tờ.

Năm 2024, là một phiên bản Donald Trump thứ ba. Không còn là một « outsider » chập chững bước vào chính trường năm 2016, không còn là tổng thống thời kỳ Covid 2020, mà là một « MAGA » (« Make America great again » - Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) kiên quyết phục hận đối với « những kẻ thù từ bên trong ». Đó là lời đe dọa thực sự hay chỉ là nhằm tranh cử ? Có một điều chắc chắn : Donald Trump 3.0 chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Hồi trước, nhà tỉ phú « amateur » được các nhân vật cộng hòa truyền thống hỗ trợ, còn nay bộ sâu của Trump là 100 % Maga.

Có hai nhóm đã vạch ra kế hoạch hành động. Một mặt là « Projet 2025 » dày 900 trang của Heritage Foundation, chủ trương tập trung quyền lực vào tay tổng thống, sa thải 50.000 công chức liên bang để thay thế bằng các chiến binh Maga, trung thành không phải với Hiến Pháp mà với một con người là Donald Trump. Sáng kiến cực đoan này khiến ông Trump phải cố tránh sang một bên trong chiến dịch tranh cử. Nhưng bên cạnh đó còn có America First Policy Institute (AFPI), chuẩn bị đến 300 sắc lệnh để ký ngay ngày đầu tiên.

Về phía Kamala Harris, phó tổng thống 60 tuổi, là phụ nữ và người da màu đầu tiên giữ chức vụ này, một chiến thắng ngày 05/11 sẽ là mức đến của một quá trình thăng tiến kiên nhẫn đầy tính toán. Trong sự nghiệp, bà chao đảo giữa cấp tiến và bảo thủ về nhiều chủ đề. Các đối thủ nói về « chiếc vỏ rỗng », còn những người ủng hộ coi là sự thực dụng. Harris gặp nhiều may mắn và biết chụp lấy cơ hội. Năm 2020, thất bại trong bầu cử sơ bộ nhưng thượng nghị sĩ California được ứng cử viên Joe Biden chọn làm người đứng chung liên danh và trở thành phó tổng thống. Bước nhảy vọt diễn ra vào tháng Bảy, tạo ra một làn sóng nhiệt tình ủng hộ, liệu có đủ để Harris bước lên bậc thang cuối cùng ?

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 6/11/2024 Ông Trump phát biểu chiến thắng: Khoảnh khắc này sẽ “giúp đất nước được chữa lành”

Cựu Tổng thống Donald Trump đã nói với những người ủng hộ ông vào rạng sáng thứ Tư (6/11, giờ Hoa Kỳ) rằng khoảnh khắc này sẽ “giúp đất nước được chữa lành“.

Hiện tại Fox News đã tuyên bố ông Trump trở thành tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ sau khi thắng hàng loạt các bang chiến trường quan trọng như Bắc Caronila, Goergia và Pennsylvania.

Tại một trung tâm hội nghị ở Tây Palm Beach, Florida, ông Trump đã hứa với người dân Mỹ rằng “mỗi ngày tôi sẽ chiến đấu vì các bạn” và nói rằng ông sẽ mở ra “thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ“.

Trên sân khấu, ông Trump có sự tham gia của các thành viên trong gia đình, phu nhân Melania Trump, cũng như người đồng hành tranh cử của ông, JD Vance và Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson.
Bà Nikki Haley ủng hộ ông Trump vì ‘thế giới sẽ không an toàn’ dưới thời Harris

Mặc dù đã “thẳng thừng chỉ trích” ông Trump liên quan đến vụ phê phán trò đùa “hòn đảo rác” về những cử tri Puerto Rico, bà Nikki Haley – cựu Đại sứ Liên Hợp Quốc đồng thời là đề cử viên tranh cử sơ bộ với ông, đã nêu rõ đề cử viên nào là người bà cho là tệ hơn.

“Thế giới không an toàn dưới thời chính quyền Biden-Harris, và chúng ta không nên kỳ vọng điều đó sẽ thay đổi dưới một chính quyền của bà Harris,” bà Haley cho biết trong một bài xã luận đăng tải trên Wall Street Journal hôm Chủ Nhật (3/11). Bà Haley kêu gọi các cử tri, đặc biệt là những người có ác cảm với “giọng điệu” của ông Trump và “những hành vi quá đà của ông ấy, chẳng hạn như cách ông hành xử vào ngày 6/1/2021”, nên cân nhắc đến hậu quả nếu bà Kamala Harris đắc cử trở thành tổng thống thứ 47 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

“Cuộc bầu cử này không phải là một cuộc trưng cầu dân ý [đánh giá cá nhân ông Trump mà còn liên quan đến những vấn đề lớn hơn]”, bà Haley nói, đồng thời bà thừa nhận đồng tình với ông Trump “phần lớn thời gian” và ngược lại phản đối bà Harris “gần như mọi lúc. Điều này khiến quyết định lựa chọn đề cử viên trở nên dễ dàng”.

Chính quyền Biden-Harris đã khiến chi phí sinh hoạt trung bình hàng năm của mỗi người dân Hoa Kỳ tăng thêm $13,000 so với 4 năm trước, nợ quốc gia tăng vọt “một phần là nhờ vào” lá phiếu quyết định của bà Harris cho “Kế hoạch Cứu trợ Hoa Kỳ và Đạo luật Giảm Lạm phát sai lầm”, và các chính sách của bà Harris cùng Tổng thống Biden đã khiến cho tình hình an ninh biên giới phía nam “trở nên tồi tệ hơn”, bà Haley viết.

Quyết định rút quân vội vã khỏi Afghanistan “đã tạo nên một nhà nước khủng bố mới” đồng thời “phát đi tín hiệu [Hoa Kỳ] yếu đuối, châm ngòi cho cuộc chiến của Nga với Ukraine”, trong khi chính sách “nhượng bộ Iran đã làm cho chế độ độc tài này giàu có thêm và khuyến khích [chế độ này] tiến tới một chiến tranh với Israel thông qua các lực lượng khủng bố ủy nhiệm [Hamas, Hezbollah, Houthi],” bà Haley nói. Bà Haley còn bổ sung thêm rằng thái độ thờ ơ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc trong 4 năm qua “chẳng thực hiện điều gì để cản trở [quốc gia] cộng sản quyền lực bành trướng, gây thiệt hại cho chúng ta”.

Bà đã nhấn mạnh những điều này là “những khác biệt chính sách to lớn [giữa ông Trump và bà Harris] sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người dân Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới”.

Đối với “những ai trong chúng ta đủ sáng suốt để nhận ra khuyết điểm của ông Trump và đủ thẳng thắn để thừa nhận chúng, câu hỏi đặt ra là liệu [cuộc sống của] chúng ta sẽ trở nên tốt hơn với các chính sách của ông ấy hay của đối thủ của ông,” bà Haley viết.

“Về thuế, chi tiêu, lạm phát, nhập cư, năng lượng và an ninh quốc gia, [chính sách giải quyết vấn đề của] các ứng viên khác biệt nhau rất lớn. Và ông Trump rõ ràng là lựa chọn tối ưu hơn,” bà Haley kết luận.

Thủ tướng Israel bất ngờ cách chức Bộ trưởng Quốc phòng


Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bất ngờ cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì mất lòng tin liên quan xung đột với Hamas tại Dải Gaza.
"Trong vài tháng qua, lòng tin đã bị xói mòn. Vì lý do này, hôm nay tôi quyết định chấm dứt nhiệm kỳ của bộ trưởng quốc phòng", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói trong một thông báo.

Vị thủ tướng cho biết trong những tháng đầu của chiến sự, đã có sự tin tưởng và thành quả rất tốt nhưng trong những tháng qua, sự tin tưởng ngày càng rạn nứt giữa ông và ông Yoav Gallant.

Ông Netanyahu cho biết hai người bất đồng về cách quản lý chiến sự và vì ông Gallant đã đưa ra những quyết định và tuyên bố không phù hợp với quyết định của nội các.Ông Netanyahu cũng cáo buộc ông Gallant gián tiếp hỗ trợ cho các đối thủ của Israel. "Tôi đã nhiều lần cố gắng thu hẹp khoảng cách này nhưng chúng cứ rộng ra thêm. Chúng cũng bị đưa ra trước công chúng theo cách không thể chấp nhận và tệ hơn nữa, chúng đến tai kẻ thù. Các kẻ thù của chúng ta rất thích điều đó và hưởng rất nhiều lợi ích từ đó", ông Netanyahu nói và cho hay hầu hết thành viên chính phủ đồng ý với ông.

Nhiệm kỳ của ông Gallant sẽ chính thức chấm dứt trong 48 giờ sau khi nhận được thông báo. "Tôi muốn cảm ơn ông vì sự phục vụ trên cương vị bộ trưởng quốc phòng", ông Netanyahu kết luận.
Theo tờ The Times of Israel, ông Netanyahu đã tự tay đưa thư thông báo cách chức cho ông Gallant. Sau một cuộc trao đổi ngắn, ông rời khỏi phòng và quay một đoạn video công bố quyết định.
Sau khi cách chức ông Yoav Gallant, Thủ tướng Israel đã bổ nhiệm Ngoại trưởng Israel Katz làm người thay thế. Trong khi đó, Bộ trưởng không bộ Gideon Saar sẽ thay ông Katz làm ngoại trưởng.

Trong một tuyên bố sau khi bị cách chức, ông Gallant viết trên trang mạng xã hội X (tên cũ là Twitter): "An ninh của nhà nước Israel đã và sẽ luôn là sứ mệnh của đời tôi".

Tuesday, November 5, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 5/11/2024 Được ông Joe Rogan tán thành đêm trước bầu cử, ông Trump lên tiếng cảm ơn

 

Vào ngày 4 tháng 11, ông Joe Rogan, người dẫn chương trình podcast Joe Rogan, đã chính thức lên tiếng ủng hộ ông Donald Trump, đề cử viên cho vị trí Tổng thống năm 2024 của Đảng Cộng hòa, đắc cử trở thành Tổng thống thứ 47 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Màn hình điện thoại thể hiện tập podcast của “Joe Rogan experience” trên Spotify với hình ảnh cựu Tổng thống Donald Trump là khách mời. (Ảnh: Rokas Tenys/Shutterstock)
Ông Rogan đã đăng tải tuyên bố ủng hộ trên mạng xã hội X, đính kèm video cuộc trò chuyện giữa ông với ông Elon Musk, trong đó ông Rogan hoàn toàn nhất trí với các luận điểm, tại sao mọi người nên ủng hộ ông Trump, của ông Musk. 

“Lập luận thuyết phục nhất để ủng hộ Trump mà quý vị sẽ nghe được, và tôi hoàn toàn đồng ý với từng điểm [mà ông Musk nêu ra]. Xin khẳng định, đúng vậy, đây là tuyên bố tán thành dành cho Trump. Hãy thưởng thức buổi podcast”
, ông Rogan viết.

Cũng trong ngày 4 tháng 11, tại một buổi vận động tranh cử cuối cùng ở thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania, ông Donald Trump đã công khai cảm ơn ông Joe Rogan vì lời ủng hộ quý báu khi Ngày Bầu Cử (5/11) đang cận kề. Ông Trump nhấn mạnh rằng tuyên bố tán thành của ông Joe Rogan rất quan trọng, nhất là với uy tín cùng ảnh hưởng vượt bậc của ông Rogan trên toàn cầu. 

“Vừa có tin tức rằng Joe Rogan đã chính thức ủng hộ tôi. Đối với tôi, điều này rất quan trọng, bởi vì theo tôi, Joe Rogan là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới”, ông Trump nói. 

Lời ủng hộ của ông Rogan cùng phản hồi biết ơn của ông Trump đều xuất hiện vào thời điểm quyết định trước Ngày Bầu Cử, khiến sự kiện này có tác động không nhỏ đến kết quả cuối cùng của kỳ bầu cử năm 2024 khi vẫn còn rất nhiều cử tri quyết định tham gia bỏ phiếu vào đúng Ngày Bầu Cử (5/11).

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn2.net. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự  cho phép của Trí Thức VN.
Ông Trump không loại trừ việc cấm một số loại vắc-xin nếu ông thắng cử
 
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, cựu Tổng thống Donald Trump không loại trừ việc cấm một số loại vắc-xin nếu ông thắng cử.
“Được thôi, tôi sẽ nói chuyện với ông ấy và những người khác, và tôi sẽ đưa ra quyết định“, ông Trump trả lời NBC vào cuối tuần khi được hỏi liệu việc cấm vắc-xin có phải là một lựa chọn hay không.

Ông Trump đang ám chỉ đến ông Robert F. Kennedy Jr., một luật sư, người đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận ‘Children’s Health Defense’ [‘Bảo vệ Sức khỏe Trẻ em’].

“Ông ấy là một người rất tài năng và có quan điểm mạnh mẽ“, ông Trump nhận xét và nói thêm rằng ông Kennedy sẽ “có vai trò lớn trong chính quyền” nếu ông thắng cử.

Ông Kennedy đã chỉ trích quy trình phê duyệt vắc-xin tại Hoa Kỳ và nêu lên mối lo ngại về cách các nhà sản xuất thuốc miễn dịch với nhiều vụ kiện theo luật năm 1986.

“Về cơ bản, họ khẳng định với các bác sĩ rằng đây là những công nghệ kỳ diệu. Chúng đã cứu hàng triệu, hàng chục triệu, hàng trăm triệu sinh mạng, nhưng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều đó“, ông Kennedy nói với chương trình “American Thought Leaders” của Epoch TV vào năm 2023. “Đơn giản là không có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều đó. Có rất nhiều bằng chứng khoa học chứng minh thực tế, giả định rằng hầu hết các loại vắc-xin này, không phải tất cả, nhưng hầu hết, đang gây ra nhiều tổn hại đến thân thể và tử vong hơn là ngăn ngừa“.

Children’s Health Defense cũng đã phản đối một số loại vắc-xin có sẵn tại Hoa Kỳ.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nơi lập kế hoạch cho các loại vắc-xin được các cơ quan quản lý liên bang thông qua với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, tuyên bố rằng vắc-xin đã ngăn ngừa vô số trường hợp mắc các bệnh mà vắc-xin nhắm tới, và cứu sống hàng triệu sinh mạng.

Ông Kennedy là ứng cử viên tổng thống độc lập cho đến tháng 8/2024 khi ông đình chỉ chiến dịch tranh cử và chuyển sang ủng hộ ông Trump.

Vai trò chính xác của ông Kennedy trong chính quyền lần thứ hai của ông Trump vẫn chưa được tiết lộ, nhưng ông Howard Lutnick, đồng chủ tịch nhóm chuyển giao của ông Trump, gần đây đã nói rằng ông ấy không nghĩ ông Kennedy sẽ được chọn làm bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Hoa Kỳ, cơ quan cấp trên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm.

“Ông [Kennedy] nói, nếu bạn đưa cho tôi dữ liệu, tất cả những gì tôi muốn là dữ liệu và tôi sẽ lấy dữ liệu và chứng minh rằng nó không an toàn. Và sau đó, nếu bạn quy kết trách nhiệm sản phẩm, các công ty sẽ rút ngay những loại vắc-xin này ra khỏi thị trường. Đó là quan điểm của ông [Kennedy]”,  ông Lutnick nói khi được hỏi về những lo ngại trước những quan điểm của ông Kennedy về vắc-xin.

Ông Trump đã tuyên bố tại một cuộc mít tinh vào tháng Mười rằng ông sẽ để ông Kennedy “làm những gì mình muốn về y tế” và “về thuốc men“.

Sau khi ông Kennedy nói rằng chính quyền Trump sẽ ngay lập tức ban hành khuyến cáo loại bỏ florua khỏi nước máy, ông Trump cũng nói với NBC rằng đề xuất này “có vẻ ổn với tôi” và “có thể thực hiện được“.

Trong một tuyên bố vào ngày 4 tháng 11, ông Kennedy nêu rõ: “Tôi muốn ở vị trí mà tôi có hiệu quả nhất trong việc chấm dứt đại dịch bệnh mãn tính“.

Trong một podcast được phát hành vào Chủ Nhật (3/11) sau khi người dẫn chương trình nêu ra việc ông Kennedy có quyền lực trong chính quyền Trump, Phó Tổng thống Kamala Harris, đề cử viên của Đảng Dân chủ, cho biết: “đó là lý do tại sao tôi làm việc chăm chỉ như vậy, bởi vì tôi biết những gì đang bị đe dọa“.

Thẩm phán Philadelphiabác yêu cầu chặn chương trình tặng thưởng 1 triệu USD của ông Musk

Vào hôm thứ Hai (4/11), trước Ngày Bầu cử chỉ một ngày, ông Angelo Foglietta, Thẩm phán của Tòa Án Quận tại Thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania đã đưa ra phán quyết dài một trang bác bỏ yêu cầu của ông Larry Krasner (Đảng Dân chủ), Biện lý Quận của Philadelphia, về việc ngăn chặn chương trình tặng thưởng trị giá 1 triệu USD của ông Elon Musk và Siêu Ủy ban Hành động Chính trị America PAC ủng hộ ông Trump, nhằm tác động đến cử tri Hoa Kỳ trước Ngày Bầu cử (5/11).

Ông Krasner lập luận rằng chương trình tặng thưởng của ông Elon Musk là một “hình thức xổ số bất hợp pháp” gây phiền toái công cộng, đồng thời vi phạm các đạo luật bảo vệ người tiêu dùng tại tiểu bang Pennsylvania. Ông Krasner cũng không ngần ngại nhận định rằng mối quan hệ giữa chương trình tặng thưởng và những cá nhân tham gia thiếu minh bạch.

Ông Chris Gober, luật sư đại diện của Siêu Ủy ban Hành động Chính trị America PAC, đã lên tiếng bảo vệ chương trình tặng thưởng, đồng thời giải thích rằng những cử tri chiến thắng không được lựa chọn ngẫu nhiên mà từ một nhóm cá nhân đã được xác định, những người này phục vụ như là phát ngôn viên cho Ủy ban PAC, khiến chương trình tặng thưởng này giống như một chương trình xin việc hơn là một chương trình xổ số.

“Những cá nhân nhận giải thưởng 1 triệu USD không được lựa chọn ngẫu nhiên. Chúng tôi biết chính xác cá nhân nào sẽ được công bố là người trúng thưởng 1 triệu USD vào hôm nay và ngày mai“, ông Gober khẳng định rõ ràng, theo hãng tin AP. 

Thêm nữa, ông Gober cũng lưu ý rằng các phần thưởng cuối cùng của Ủy ban America PAC sẽ dành cho các cá nhân đã đăng ký tại tiểu bang Arizona và tiểu bang Michigan và sẽ không ảnh hưởng đến tiểu bang Pennsylvania.

Tuy nhiên, ông John Summers, một luật sư đại diện cho văn phòng của ông Krasner, đã  lập luận rằng việc thực tế chương trình không lựa chọn người trúng thưởng ngẫu nhiên không phải là một lý lẽ bào chữa hợp lý. Ông Summers, cũng nhắc đến lời khai của ông Chris Young, Giám đốc Ủy ban America PAC, rằng ông ngạc nhiên khi nghe ông Musk gọi chương trình tặng thưởng là ngẫu nhiên cho thấy sự mâu thuẫn giữa các tuyên bố của ông Musk và lời khai của Giám đốc Ủy ban America PAC.

Phía ông Elon Musk, bị đơn trong vụ kiện, lập luận rằng quyết định của Tòa án Quận ở  Philadelphia về việc ngăn chặn chương trình tặng thưởng sẽ vi phạm quyền tự do ngôn luận chiểu theo Tu Chính án thứ Nhất, bằng cách ngăn cản người dân Hoa Kỳ đặt bút ký kết vào một bản kiến nghị do ông Elon Musk khởi xướng ủng hộ quyền tự do ngôn luận và quyền sở hữu súng.

Ông Summers lập luận rằng vấn đề cốt lõi của vụ kiện không phải là về quyền tự do ngôn luận, mà là về việc chương trình tặng thưởng có dấu hiệu lừa đảo.

“Không [có cá nhân nào] bị tước đoạt quyền chiểu theo Tu Chính án thứ Nhất”, ông Summers khẳng định.

Sau khi đội ngũ luật sư của ông Musk nỗ lực tìm cách chuyển vụ kiện lên tòa án liên bang, ông Gerald Pappert, Thẩm phán Tòa án Liên bang Hoa Kỳ, đã nhanh chóng chuyển vụ án trở lại tòa án cấp tiểu bang, cho phép phiên điều trần vụ án diễn ra ngay trước Ngày Bầu Cử (5/11).

Ông Krasner đã thẳng thắn tuyên bố rằng ông đang nỗ lực ban hành các khoản phạt tài chính đối với ông Musk và Ủy ban Hành động Chính trị America PAC của ông ta vì chương trình tặng thưởng này. Bất chấp những lập luận biện hộ của đội ngũ luật sư của ông Musk, ông Krasner cho rằng chương trình tặng thưởng này đã đánh lừa công chúng Hoa Kỳ.

Chương trình tặng thưởng trị giá 1 triệu USD của ông Musk, bắt đầu vào cuối tháng Mười, nhắm đến các cử tri Hoa Kỳ đã đăng ký bầu cử tại bảy tiểu bang chiến trường quan trọng, trong đó có Pennsylvania. Ủy ban America PAC đã trao thưởng cho những cá nhân may mắn 16 tấm séc trị giá 1 triệu USD mỗi tấm, trong đó những cá nhân tại Pennsylvania nhận được 4 tấm séc. Những tấm séc cuối cùng sẽ được trao thưởng vào ngày 5 tháng 11.

Ông Elon Musk đã lên tiếng ủng hộ đồng thời vận động tranh cử cùng ông Donald Trump, đề cử viên tranh cử cho vị trí Tổng thống năm 2024 của Đảng Cộng hòa, từ tháng Bảy đến bây giờ. Siêu Ủy ban Hành động Chính trị America PAC của ông Musk đã nỗ lực hỗ trợ ông Trump thu hút lá phiếu của từng cử tri tại bảy tiểu ban chiến trường quan trọng.