"Chấm dứt chiến tranh VN, không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ cái giá phải trả, cho loại Hòa bình đó, là ngàn năm tăm tối, cho thế hệ sinh ra tại VN về sau." President Ronald Reagan
“Trước năm 1975, là một phóng viên chiến trường, tôi có dịp theo
bước chân hành quân của các chiến sĩ Miền Nam Việt Nam khắp bốn vùng
chiến thuật. Hơn 15 năm làm báo, tôi đã viết về sự can đảm, hào hùng,
gian khổ và sự hy sinh quá nhiều của người lính Miền Nam. Cho dù hôm
nay, chung cuộc như thế nào, trong lòng tôi, những hình ảnh oai hùng và
sự hy sinh cao cả của các anh vẫn không bao giờ phai lạt. Cuốn sách này
như một đóa hồng nhỏ gửi đến tất cả chiến sĩ QLVNCH để tri ân và để
tưởng niệm những chiến sĩ đã đi vào lòng đất mẹ”. Kiều Mỹ Duyên
Những năm trước Tết Mậu Thân, khi dấu binh lửa chưa tràn vào đất Thần
Kinh, thì phi trường Phú Bài nằm về phía Nam của thành phố Huế độ 10
cây số là một phi trường dân sự nhỏ và có một khung cảnh trầm buồn như
phi trường Liên Khương của Ðà Lạt vậy. Rồi theo nhịp độ của cuộc chiến,
khi mà hai tỉnh Trị Thiên trở thành Miền Hỏa Tuyến, làng Phú Bài trở
thành một căn cứ quân sự lớn của Mỹ và phi trường Phú Bài được tu bổ
thêm để có khả năng cung ứng như một phi trường quân sự. Một số dân làng
chung quanh, xưa nay vẫn sống bằng nghề chằm nón, chiếc nón bài thơ của
con gái Huế, nay bỏ khung, bỏ chỉ, chạy theo mua bán đồ Mỹ từ PX, đổi
đô la xanh, đô la đỏ, đổi luôn cả cuộc sống bình lặng của một làng quê
thuở thanh bình của những người dân hiền hoà.
Biệt Ðoàn Tiền Phương đóng ở Phú Bài. Cái tên của đơn vị Không Quân
này nghe thật xa lạ với người dân Sài Gòn, nhưng lại rất quen thuộc với
những đơn vị của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, Sư Ðoàn Dù, Thủy Quân Lục Chiến,
Biệt Ðộng Quân… Trên chiến trường Trị Thiên, Biệt Ðoàn Tiền Phương là
đơn vị yểm trợ phương tiện chuyển vận cho tất cả các đơn vị đang hành
quân tại đây. Biệt Ðoàn gồm có L19 và trực thăng. Tôi đã có dịp đi theo
L19 đến tận vùng giao tranh để hiểu rõ nhiệm vụ, thấy rõ những hiểm nguy
của họ. Cũng như phía trực thăng, có trực thăng võ trang, trực thăng
tải thương, trực thăng đổ quân v.v. và thường họ là những anh hùng bị
lãng quên.
Biệt Ðoàn Tiền Phương do Thiếu Tá Diệm chỉ huy. Biệt Ðoàn trực thuộc
Không Ðoàn 51 Chiến Thuật của Sư Ðoàn I Không Quân, do Trung Tá Ðặng Văn
Phước làm Không Ðoàn Trưởng. Nhớ một lần đã lâu lắm rồi, tôi có hẹn đến
thăm Không Ðoàn 51. Ðúng giờ hẹn, tôi đến phòng hành quân đợi một hồi
lâu mới thấy Trung Tá Phước đáp trực thăng xuống, tay xách nón bay đi
vào. Trung Tá Phước dáng người cao lớn, tính vui vẻ, bộc trực. Vừa gặp
tôi, ông nói:
– Tôi vừa bay tải thương về. Hôm nay đánh nhau cả ngày. Mấy em út của
tôi vừa mới ra phố ăn cơm thì lại gọi tải thương nữa, tôi phải đi thay.
Phải chi cô đến sớm, tôi cho cô theo cho biết.
Tôi hiểu ông muốn nói gì. Người ta thường ca tụng những chàng phi
công của khu trục A37 hoặc phản lực F5, oai hùng từ trên cao phóng
xuống, trút những loạt bom nổ long trời lở đất trên đầu địch, chứ mấy ai
nhắc nhở đến những phi công có nhiệm vụ tải thương, mặc dù họ vẫn hằng
ngày bay trên những lằn đạn của quân ta và quân địch, cố gắng tìm một
‘lỗ hổng’ giữa màn lưới lửa đó để lao xuống, giựt lại mạng sống của
những thương binh trong tay tử thần.
Tôi nhớ một lần, Tiểu Ðoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến được Chinook bốc từ căn
cứ và đổ xuống Triệu Phong, một quận nằm về phía Ðông Bắc của thành phố
Quảng Trị. Theo tin tức tình báo, dân còn kẹt ở đây rất nhiều, và ngay ở
quận Triệu Phong này, Cộng quân có lập một bệnh viện dã chiến lớn để
chữa trị cho các thương bệnh binh của chúng trong cuộc tiến chiếm Quảng
Trị.
Giờ xuất quân, đích thân Tướng Bùi Thế Lân, Tư Lệnh Thủy Quân Lục
Chiến, đến tận nơi tiễn đưa những chiến sĩ Cọp Biển lên đường. Hơn 10
chiếc trực thăng đổ quân hôm đó bay vào vùng đất Quảng Trị. Phòng không
của địch tại nơi đổ quân bắn rớt ngay 2 chiếc. Một trong hai chiếc bị
bắn rơi đó, có bác sĩ Hoàn, mới ra trường không lâu, tình nguyện vào
Thủy Quân Lục Chiến. Hai ngày sau, bác sĩ Hoàn được tải thương về quân y
viện, cả người và mặt đều bị cháy. Một cánh tay không cử động được nữa.
Lúc tỉnh dậy, bác sĩ Hoàn kể lại, khi trực thăng bốc cháy, mọi người
theo cửa nhảy ra, ông thấy phi hành đoàn vẫn còn ngồi yên trên ghế lái.
Và trong một cuộc hành quân như vậy, nếu một chiến thắng vẻ vang nào đó
đạt được, thì hình như những người chiến sĩ của Không Ðoàn 51 này, có dự
phần xương máu, mà ít được chia phần vinh quang.
Lần này trở lại Vùng I, những ngày tạm rời chiến trường Trị Thiên để
vào thăm Tổng Y Viện Duy Tân và các trại tị nạn Cộng Sản ở Ðà Nẵng, tình
cờ tôi gặp lại Trung Tá Phước. Ông nói:
– Tôi vừa ở Huế về. Có một chiếc trực thăng của Không Ðoàn tôi đi đổ
quân, bị bắn rớt, phi hành đoàn lội trong rừng mấy ngày đêm và mới về
được bình yên.
Tôi ngỏ ý muốn gặp những người mới về. Trung Tá Phước gật đầu:
– Tôi sẽ cho người đưa cô đi gặp một xạ thủ và một cơ khí viên của
phi hành đoàn, hai sĩ quan thì đang nằm trong bệnh viện Mỹ, chúng ta sẽ
đến thăm.
Buổi chiều tôi được anh em trong Không Ðoàn 51 mời ăn cơm ở câu lạc
bộ Trần Văn Thọ. Tại đây tôi sẽ được gặp hai người còn sống sót sau khi
máy bay bị bắn rơi. Câu lạc bộ Trần Văn Thọ trang hoàng khá đẹp. Trung
Úy Bút đưa tôi vào ngồi một bàn gần cửa sổ. Vừa ngồi một lát, Trung Sĩ
Võ Ngọc Trác, người cơ khí viên của máy bay bị bắn rớt đến. Trung Sĩ
Trác khoảng chừng 20 tuổi, mặc bộ áo bay màu đen đã bạc trông có vẻ
phong trần. Trên mặt và tay của Trác đầy những vết trầy trụa do lúc máy
bay bị bắn rơi và trong những ngày vượt rừng trở về. Khu rừng mà phi
hành đoàn phải vượt qua là khu rừng sâu về phía Tây của căn cứ Bastogne.
Trung Úy Bút nói:
– Chúng ta đợi thêm hai người nữa. Trung Sĩ Thanh, xạ thủ đại liên và
Trung Tá Phước. Không biết Trung Tá Phước có đến được không, vì chiều
nay ông có buổi họp.
Trong lúc chờ đợi, tôi ngồi lắng nghe Trung Sĩ Trác kể lại chuyện những ngày qua:
– Buổi sáng, tàu đổ quân từ căn cứ Sally đến. Khoảng 9 giờ 5 phút thì
chúng tôi đến ngọn núi BG. Chiếc tàu của tôi dẫn đầu. Lệnh của Trung Úy
Hiếu trên tàu chỉ huy bay trên cao: ‘An toàn thì đáp’. Nhìn xuống bãi
đáp thấy im lìm, không có triệu chứng gì có địch. Ðó là căn cứ Rạng
Ðông, căn cứ này trước của Mỹ, nay bỏ hoang. Tàu vừa đáp xuống thì nghe
nổ cái ầm, cách tàu chừng 3 mét. Phi công cố gắng cho tàu bay lên lại,
nhưng bị mất tua, tàu nghiêng về tay trái. Hai chiếc trực thăng võ trang
liền nhào xuống bắn phá chung quanh để yểm trợ. Tàu của tôi bay thêm
chừng được 5 mét thì đâm đầu xuống rừng. Hai chiếc võ trang bắn chung
quanh chúng tôi để bảo vệ và định xuống cứu, nhưng địch bắn lên rát quá
không xuống được. Bắn che cho chúng tôi chừng 15 phút thì hai chiếc võ
trang bay về căn cứ để kêu tàu khác đến cứu.
Khi tàu nghiêng rồi đâm xuống đất, một số lính chở trên tàu bị trúng
đạn mà chết. Những người còn sống nhảy ra khỏi tàu tìm nơi ẩn nấp. Ðịch ở
trong những lô cốt cũ bắn B40 về phía chúng tôi. Khi tàu rơi xuống, tôi
bị ngất đi một lát, tỉnh dậy thấy tàu vẫn còn nổ máy. Thiếu Úy Nguyễn
Thanh Hồng còn bị ngất trên ghế lái. Thiếu Úy Bành Khắc Ðông bị gãy
xương sống.
Lúc đó Trung Sĩ Thanh bước vào, một con mắt bị băng lại, một cánh tay bó bột. Trác nói tiếp:
– Anh Thanh đi lính lâu, có kinh nghiệm hơn anh em. Anh lo đi làm dấu
hiệu cho máy bay thấy mà đến cứu. Nhưng giữa rừng, máy bay không thấy
được. Tất cả chúng tôi đều tuyệt vọng.
Trung Úy Bút ngắt lời:
– Ðến giờ rồi, vào thăm không thì bệnh viện Hoa Kỳ khó lắm đó, thăm phải đúng giờ.
Chúng tôi đứng chung quanh giường bệnh của Thiếu Úy Hồng. Một tay của
anh đang vào nước biển. Hai chân sưng to và bầm đen từ đầu gối xuống.
Anh nghe có tiếng người, cựa mình rên khe khẽ và mở mắt nhìn chúng tôi.
Thiếu Úy Hồng ra trường khoá 27 Thủ Ðức và tình nguyện vào Không Quân.
Nét mặt anh vẫn còn thần sắc, mặc dù vừa trải qua 3 ngày 4 đêm đói khát
và vừa phải trốn tránh địch quân, vừa tìm đường thoát hiểm trong rừng
sâu trở về. Anh vui vẻ kể chuyện cho chúng tôi nghe:
– Khi tôi tỉnh dậy thì tàu vẫn còn nổ máy. Tôi lôi thằng Ðông ra khỏi
tàu. Ðạn bay vèo vèo trên đầu. Ðông bị gãy xương sống và kiệt lực, hai
tay không còn đủ sức để ôm lấy cổ tôi nữa. Ði được một đoạn, tôi cũng
mệt quá, đặt Ðông xuống và cho nó uống nước. Nó bảo tôi: ‘Mày phải bỏ
tao lại, không thì hai đứa cùng chết. Mày nên thoát nơi này rồi đem tàu
đến cứu tao. Tôi nhìn nó, tôi không nỡ bỏ nó. Việt Cộng bắn vào chỗ
chúng tôi không ngừng. Ðông cứ nói hoài, bắt tôi phải thoát trước, không
thì hai đứa cùng chết. Tôi trở lại tàu gỡ cái đồng hồ đặt trên ngực của
Ðông, hy vọng tàu tìm đến, thấy ánh dạ quang của đồng hồ mà cứu nó. Rồi
tôi ứa nước mắt, quay lưng đi vào rừng.
Trên trực thăng võ trang – nguồn Dailymail
Thiếu Úy Hồng im lặng một lát vì xúc động. Tôi hỏi:
– Sau đó bao lâu thì Thiếu Úy Ðông được cứu?
Ðại Úy Banh cùng đi trong nhóm đáp thay Thiếu Úy Hồng:
– Chừng một giờ sau, máy bay Mỹ đến, nhìn thấy ánh dạ quang của đồng
hồ nên cứu được. Việt Cộng vẫn ở trong các lô cốt bắn lên máy bay như
mưa nên máy bay không đáp xuống được. Trên tàu thòng xuống một sợi dây,
nhưng Thiếu Úy Ðông không còn đủ sức để nắm vào. Một người lính Mỹ phải
leo xuống bồng Thiếu Úy Ðông đưa lên tàu. Ðông đã bị ngất đi. Lên đến
khung cửa của tàu thì sợi dây bị bắn trúng, suýt chút nữa là hai người
rơi xuống. May mấy người trên tàu kéo lên kịp.
Thấy Thiếu Úy Hồng có vẻ mệt, Trung Sĩ Trác thay lời:
– Chúng tôi vội vã rời xa vị trí của địch quân, len lỏi trong rừng để
tránh bị vây bắt. Ði đến chiều thì anh em chúng tôi bắt đầu thấy đói
khát. Chúng tôi ráng nhịn, không dám ăn những trái cây lạ vì sợ trúng
độc. Ðêm đến, nằm bên khe suối mà ngủ vì đã quá mệt mỏi. Nửa đêm thức
giấc, cả người lạnh cóng. Tôi van vái vong linh ông nội tôi, hồi còn
sống, ông thương tôi lắm. Không phải tôi nhát, từ ngày đi theo Thiếu Úy
Hồng, tôi đã quen rồi, vì Thiếu Úy Hồng lì lắm. Có lần anh đáp ngay giữa
vùng đất của địch để cứu một phi công L19 bị bắn rớt, và nhiều lần khác
tưởng đi luôn rồi.
Cuối cùng, chúng tôi gặp được may mắn. Khi bò lên núi, chúng tôi gặp
được đơn vị bạn. Toán đi trước định bắn nhưng tôi la lên kịp. Họ cho bố
trí rồi tước lấy súng của chúng tôi, gặng hỏi đủ thứ vì sợ Việt Cộng giả
dạng, sau đó báo lên cấp chỉ huy. Thì ra chúng tôi gặp được đơn vị
Trinh Sát của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh. Ðơn vị của chúng tôi được báo, liền cho
trực thăng đến bốc liền. Ghé qua căn cứ Sally, gặp nhóm anh em trực
thăng ai nấy đều mừng cho chúng tôi. Về Phú Bài, gặp Thiếu Tá Chỉnh, Ðại
Úy Thanh, Trung Tá Phước, ai cũng tỏ vẻ thương mến, nên chúng tôi rất
được an ủi.
Trên trực thăng võ trang
Những chàng Không Quân lái trực thăng đổ quân hay tải thương đúng là
những chiến sĩ âm thầm. Họ cũng dự trận, cũng lăn vào đầu tên mũi đạn,
cũng đổ máu trên chiến trường, cũng tan xác giữa không trung, nhưng ít
ai nhắc đến họ, lại còn bị nhiều thiệt thòi nữa. Một vài người trong
Biệt Ðoàn Tiền Phương than với tôi:
– Làm phi công chết cũng nhanh lắm chị Duyên à. Nếu chết mất xác vậy
mà hay, vì nếu bị thương, không đi bay được nữa, sẽ bị trừ tiền bằng
bay. Có chán không?
Một Thiếu Úy trẻ lắc đầu cười có vẻ chua chát:
– Chúng tôi cũng ra trận, cũng chịu nguy hiểm như các binh chủng
khác, vậy mà đâu có được lãnh 4,500 đồng tiền tác chiến. Họ cho rằng
chúng tôi chỉ yểm trợ hành quân. Yểm trợ mà bay trên đầu súng của địch!
Trung Úy Kim, một phi công trực thăng chuyên tải thương nói với tôi:
– Sau khi cô đi bay L19 rồi, cô đi tải thương với chúng tôi cho biết.
Ði tải thương ban đêm, tắt đèn, nhào xuống bốc thương binh rồi vọt lên
lẹ. Hoặc ban ngày thì đang bay, tắt máy rồi hạ cánh… Cũng có nhiều cảm
giác mạnh lắm đó!
Trung Úy Kim có thành tích đáng kể nhất ở Biệt Ðoàn này, có đêm tải
thương được 62 người. Chỉ trong 3 tháng tham dự chiến trường Trị Thiên,
Trung Úy Kim được 12 huy chương và được thăng cấp Ðại Úy tại mặt trận.
Người phi công tải thương không những chỉ đối diện với súng đạn của
địch quân, mà còn nhiều sự chịu đựng khác trong nghề nghiệp. Như chiến
trường Trị Thiên hôm nay đang xảy ra giữa mùa Hè nắng cháy. Có những xác
không thể bốc ngay được vì đang giao tranh. Mấy ngày sau đã sình thúi
và bắt đầu có giòi. Xác chỉ được bọc trong poncho, cột hai đầu lại. Ðang
bay, nhiều khi poncho bung ra, mùi hôi thối bốc lên và giòi bò ra lổm
ngổm. Nhiều lúc gặp gió lớn thổi giòi bay cả vào phòng lái, vào cả mặt
của phi hành đoàn.
Bởi vậy, có một điều ít ai biết, là xe chữa lửa của phi trường Phú
Bài hiếm có dịp chữa cháy, nhưng thường xuyên được Không Ðoàn 51 nhờ xịt
rửa giùm mấy chiếc trực thăng tải thương.
“…Nhìn những ruộng vườn xanh tươi, những hàng cau, hàng tre
thấp thoáng, nếu không có tiếng súng… Cái nhìn sẽ thoải mái hơn biết bao
nhiêu trước cảnh đẹp thiên nhiên của quê hương, nhưng làm sao thoát cho
khỏi thực tế của chiến tranh…”
Kiều Mỹ Duyên
Mỹ Chánh là con sông nhỏ chảy vắt ngang Quốc Lộ 1, làm thành một ranh
giới thiên nhiên của hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị. Khoảng giữa
tháng 5 của mùa Hè năm 1972, phòng tuyến Mỹ Chánh đã thật sự vững chắc
trên hai phương diện: về mặt bày binh, bố trận của quân lực miền Nam và
cả về mặt tinh thần quyết chiến của toàn quân, toàn dân sau khi thành
phố Quảng Trị lọt vào tay Cộng quân.
Những ngày đầu của tháng 5, các lực lượng Dù và Thủy Quân Lục Chiến
bắt đầu tung ra những đợt phản công bất ngờ, thật sấm sét, đẩy lui quân
địch, chiếm lại dần dần những phần đất đã mất. Nếu lấy Quốc Lộ 1 và sông
Mỹ Chánh làm hai trục tọa độ, thì những đơn vị Thủy Quân Lục Chiến có
nhiệm vụ quét địch bên phần Ðông Bắc, những đơn vị Dù bên phần Tây Bắc.
Cứ theo hướng Quốc Lộ 1 mà tiến quân, và nơi hẹn bắt tay nhau là thành
phố Quảng Trị.
Từ phòng tuyến Mỹ Chánh tiến ra, hai đạo quân Dù và Thủy Quân Lục
Chiến đụng phải những chốt của Cộng quân bám chặt như Hải Lăng, La Vang,
Mai Lĩnh. Ðương đầu với một lực lượng gồm 6 sư đoàn nòng cốt của Cộng
quân, trong một vùng mà địch đã chiếm đóng gần 3 tháng trời, với những
công sự phòng thủ có sẵn, nay được tu bổ thêm, khiến cho hai mũi tiến
quân của lực lượng Dù và Thủy Quân Lục Chiến như chạm vào một khối đá
xanh. Nhưng những người chiến sĩ của miền Nam, khi vượt qua sông Mỹ
Chánh, trong thâm tâm họ đã có một lời thề: không lấy lại Cổ Thành,
không trở về qua con sông này.
Sự quyết tâm đã được thể hiện: một lá cờ vàng ba sọc đỏ xếp sẵn trong
ba lô của một anh lính Dù để chuẩn bị treo trên Cổ Thành. Và người ta
còn đồn rằng, có một chai champagne cũng nằm sẵn trong ba lô của một anh
lính Dù khác, dành để mừng chiến thắng.
Cái chốt đầu tiên mà lực lượng Dù phải nhổ trên đường tiến ra Quảng
Trị là Hải Lăng. Muốn vào Hải Lăng, lực lượng Dù tiến dọc theo Quốc Lộ 1
và qua một đoạn đường mà những phóng viên chiến trường mệnh danh là
‘con đường của tử thần’. Ðể mở đường cho cánh quân của Dù tiến tới, Liên
Ðoàn 10 Công Binh Chiến Ðấu phải dùng xe ủi để ủi những xác xe cộ và
người chết trên mặt đường. Phóng viên của Reuter đã mô tả quang cảnh
đoạn đường này như sau:
‘Trên một đoạn đường ngắn của Quốc Lộ 1, cách phòng tuyến Mỹ Chánh 8
cây số về phía Bắc, có khoảng 300 chiếc vừa là xe vận tải, vừa là xe
jeep nhà binh, chiến xa và cả xe hơi của tư nhân, xe Honda… bị phá huỷ
nằm ngổn ngang với hàng trăm xác người đã rữa nát. Cảnh khủng khiếp này
nằm dọc hai bên Quốc Lộ 1 phía Nam của Hải Lăng. Một chiếc xe cứu thương
của quân đội bị trúng đạn, 10 xác thương binh còn nằm trên xe. Có những
cánh tay được treo lên để chữa thương, thì nay chỉ còn trơ xương và
những ngón tay vẫn còn trong tư thế chỉ lên trời. Những xương cánh tay,
ống chân và đầu lâu nằm lăn lóc trên mặt đường. Một xe vận tải bị lật
nghiêng trên bãi cát bên đường, xác người còn treo tòng teng. Cách mặt
đường vài thước, 3 xe tăng T54 và một xe lội nước PT76 của Bắc-Việt bị
phá hủy… ‘.
Gần đến Hải Lăng, người ta thấy những xe gắn máy, xe đạp nhiều hơn
nằm ngổn ngang trên mặt đường và đã bắt đầu rỉ sét. Những đoạn có nhà
cửa hai bên đường, nhiều bộ xương ở trong những tư thế khác nhau: nằm
vắt trên xe, nằm sấp giữa mặt đường, ngồi dựa bên tường. Mùi tử khí xông
lên nồng nặc.
Những toán Công Binh Chiến Ðấu dọn dẹp đoạn đường này phải dùng vải
để bịt mũi và miệng lại. Một số cũng bị tan xác bởi mìn, đạn chưa nổ và
cả pháo của Cộng quân. Trên đoạn đường tử thần này, máu của những người
chiến sĩ Công Binh đã đổ ra khá nhiều.
Vào Hải Lăng, quân Dù đụng ngay với Tiểu Ðoàn Ðặc Công K8 của Cộng
quân đang trấn đóng ở thôn Mai Ðằng. Trận đánh kéo dài cả 8 tiếng đồng
hồ. Và cuối cùng, lúc 15 giờ 45 phút ngày Chủ Nhật, mồng 3 tháng 7 năm
1972, quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hoà lại tung bay phấp phới tại quận Hải
Lăng sau 93 ngày lọt vào tay quân địch.
Sau chốt Hải Lăng đến chốt La Vang. La Vang là một địa danh nổi tiếng về
mặt tôn giáo. La Vang gồm có La Vang Thượng và La Vang Hạ, là một làng
thuộc quận Mai Lĩnh. Theo truyền khẩu của nhân gian, La Vang do tên của
một cây mọc hoang rất nhiều ở đây, người địa phương gọi là ‘lá vang’.
Truyền thuyết rằng, vào khoảng năm 1789, khi một số giáo dân bị nhà
Tây Sơn lùng bắt vì nghi họ theo Linh mục Bá Ða Lộc giúp Chúa Nguyễn
Ánh, họ trốn trong nhà thờ La Vang, bị đói khổ và bệnh tật. Những giáo
dân này chỉ biết cầu nguyện và Ðức Mẹ hiện ra, dạy hái lá vang nấu nước
mà uống sẽ hết bệnh. Từ đó về sau, La Vang được xem là một thánh địa của
người Công Giáo và được truyền tụng là nơi có nhiều phép lạ xuất hiện.
Ðường vào La Vang, chỉ qua một đoạn đường ngắn, nhưng đó là đoạn
đường của tử thần. Ðoạn đường này có một cây cầu nhỏ, cầu Trường Phước.
Cái tên Trường Phước có nghĩa là phước đức lâu dài, nhưng hôm nay Mai
Lĩnh là quận châu thành của Quảng Trị. Vào đến Mai Lĩnh coi như đã đứng
trước cửa ngõ của thành phố này. Mai Lĩnh nằm giữa hai đồi cát trắng, có
những lô cốt bê tông xây sẵn từ đời nào, nay trở thành chỗ bố phòng quá
tốt của Cộng quân để chờ quân ta tiến vào.
Gõ cửa Mai Lĩnh là hai trung đội Trinh Sát Dù và Biệt Kích Dù 81. Hai
trung đội này phải di chuyển một cách thận trọng, có đoạn phải trườn
mình theo những rãnh cát, để vượt qua một vùng trống trải dài hơn cây số
mà không có một chỗ nào để ẩn nấp dưới những trận pháo chặn đường của
Cộng quân.
Ðến trước Chi Khu Mai Lĩnh, lực lượng này bị Cộng quân từ các lô cốt
bắn B40 và AK làm thành một màn lưới lửa chận ngay tại đây. Những chiến
sĩ Trinh Sát và Biệt Kích Dù phải đợi đến tối mới đánh đặc công và chiếm
lại Mai Lĩnh vào đêm ngày 5 tháng 7. Tiểu Ðoàn 7 và Tiểu Ðoàn 9 Dù cũng
vừa kéo đến. Như vậy lực lượng của Dù chỉ còn cách thị xã Quảng Trị có
800 thước nữa thôi. Cùng lúc đó, một toán 30 Biệt Kích Dù được trực
thăng đổ xuống ngay giữa thành phố Quảng Trị để thăm dò tình hình địch
và đồng thời lập một đầu cầu cho đại quân của Dù tiến vào.
Lữ Ðoàn 2 Dù dưới quyền chỉ huy của Ðại Tá Trần Quốc Lịch, đang trên
đường tiến vào cửa ngõ của thành phố Quảng Trị. Lực lượng này gồm có
Tiểu Ðoàn 5, Tiểu Ðoàn 6, Tiểu Ðoàn 7, Tiểu Ðoàn 9, Tiểu Ðoàn 11 Dù và
một Ðại Ðội Trinh Sát Nhảy Dù. Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn được tăng phái thêm
Liên Ðoàn 81 Biệt Kích Dù.
Tiến vào vùng ranh giới của thành phố Quảng Trị, những người hiện
diện không khỏi bàng hoàng, đau đớn trước cảnh hoang tàn, đổ nát đến độ
như thế. Một sự vắng lặng bao trùm cả một vùng rộng lớn, mà trước đây là
một nhịp sống yên vui, náo nhiệt, khiến cho người ta có cảm giác sự
chết chóc từ những cái bẫy sập đâu đó sẽ bất thần chụp xuống. Và biết
bao giờ người dân Quảng Trị mới xây dựng lại được thành phố này như xưa.
Một phóng viên của AFP, Jean Jacques Cazaux, có mặt tại đó đã diễn tả
như sau: “Cái cảm tưởng đầu tiên của những người bước chân vào Quảng
Trị là họ đang đứng trước một nghĩa trang rộng lớn. Hai bên Quốc Lộ 1,
chỗ nào cũng là cảnh tượng hoang tàn. Cầu cống bị phá hủy, hàng đoàn xe
cháy đen, đạn dược vung vãi trên mặt đường, cùng với những xác người
đang rữa nát. Một trận mưa dữ dội hôm thứ Bảy, khiến khung cảnh khủng
khiếp này trở thành nhầy nhụa trong một đám bùn đỏ”.
Cuộc tiến quân vào phía Tây của thành phố Quảng Trị do lực lượng Dù
đảm trách. Những trung đội Trinh Sát của Tiểu Ðoàn 7 Dù được tung vào
thôn Ðại Ngã nằm sát nách thị xã Quảng Trị. Các chiến sĩ Dù đã vượt qua
ngã ba Long Hưng, đường Lê Huấn, tiến vào Bến Xe Mới, nhà ga và khu phố
Thạch Hãn. Họ phải cận chiến với địch quân để chiếm từng căn nhà, dành
từng công sự, từng cao ốc, diệt từng ổ kháng cự và tiến vào kiểm soát
sân vận động của thành phố để lập một đầu cầu. Khoảng 2 giờ chiều ngày
11 tháng 7, Tiểu Ðoàn 7 Dù được yểm trợ bởi Thiết Ðoàn 17 đã tiến vào
theo hướng này và chỉ còn cách trung tâm thành phố chừng vài trăm thước
nữa.
Cùng lúc đó về hướng Ðông của Quảng Trị, một cánh quân của Thủy Quân
Lục Chiến với sự yểm trợ của Thiết Ðoàn 15 đã tiến qua thôn Giao Ðằng và
đang trên đường vào thành phố Quảng Trị. Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến
đã dàn quân tạo thành một hành lang dọc bờ biển, canh chừng nhất là Cửa
Việt, ngăn chặn đường tiếp tế lương thực và vũ khí từ miền Bắc vào cho
các lực lượng của Cộng quân đang chiếm đóng ở vùng này.
Vào khoảng giữa tháng 7, hai đạo quân Dù và Thủy Quân Lục Chiến đã
bao vây ba mặt thành phố Quảng Trị, chỉ bỏ ngỏ một mặt tiếp giáp với
sông Thạch Hãn. Lực lượng của địch quân đang tử thủ trong các công sự
kiên cố trong thành phố Quảng Trị ước lượng chừng 2,000 người thuộc Sư
Ðoàn 320 thường được gọi là Sư Ðoàn Thép.
Ðể ngăn chặn những mũi tiến quân của Dù và Thủy Quân Lục Chiến, Cộng
quân đã dùng trọng pháo và dàn cả xe tăng để nghinh chiến. Vào đêm ngày 2
tháng 7, Cộng quân tung một lực lượng chiến xa hùng hậu tấn công vào
một cánh quân của Thủy Quân Lục Chiến và Thiết Ðoàn 18. Trận đánh kéo
dài qua ngày hôm sau, có 5 chiếc T54 và 2 chiếc PT85 bị hạ. Một chiếc
T54 khác bị Thủy Quân Lục Chiến bắt sống.
Cổ Thành Quảng Trị
Hồi 10 giờ sáng ngày 3 tháng 7, trong khi trận chiến vẫn còn tiếp
diễn, Trung Tá Lộc, Thiết Ðoàn Trưởng Thiết Ðoàn 18 trả lời cuộc phỏng
vấn của các phóng viên chiến trường cho biết bên ta chỉ tổn thất nhẹ.
Ông cũng nhận xét rằng, chiến xa của địch thiếu kinh nghiệm chiến đấu,
tiến quân không có đội hình, cứ xếp hàng dọc mà tiến tới, vì vậy, không
đến 30 phút, địch đã bị hạ ngay 5 chiếc T54.
Thành phố Quảng Trị chỉ còn là những đống tro tàn và gạch vụn, hôm
nay lại một lần nữa rung chuyển vì những tiếng súng nổ không ngừng khi
quân Dù tiến vào hai mặt Bắc và Nam của thành phố. Họ tiến vào từng bước
một, nhích lên từng tấc đất, thận trọng đẩy từng cánh cửa của những căn
nhà không chủ, bám vào từng gốc cây bên đường phố.
Người ta ước lượng còn khoảng chừng 1,000 thường dân bị kẹt lại trong
thị xã này kể từ ngày Cộng quân chiếm đóng. Từ dưới những hầm trú ẩn,
một số liều lĩnh chui lên tại các đường phố mà quân Dù đã kiểm soát
được. Người nào mặt mày cũng hốc hác và gầy ốm vì chỉ ăn uống cầm hơi
trong mấy tháng qua.
Những trận giao tranh kịch liệt diễn ra trong thành phố. Ðịch quân
được lệnh tử thủ. Có nhiều bằng chứng cho thấy viện binh của chúng đang
được điều động từ Lào đến. Quân ta nhất quyết chiếm lại thành phố bằng
bất cứ giá nào. Và buổi trưa ngày 16 tháng 7, Tiểu Ðoàn 6 và Tiểu Ðoàn
11 Dù đã hiên ngang tiến vào trên đại lộ Lê Hành như đi diễn hành. Một
chiến sĩ Dù dẫn đầu với lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ, có hai chiếc M48
gầm gừ hộ tống đằng sau. Ðến 13 giờ 30 phút, anh lính Dù mang cờ trèo
lên một cao ốc còn đứng vững giữa trung tâm thị xã, đó là trụ sở của
đảng Cách Mạng Ðại Việt trước đây, để treo lá quốc kỳ. Lá cờ đã tung bay
trên bầu trời Quảng Trị sau 2 tháng 17 ngày vắng bóng vì địch chiếm.
Những chiến sĩ Dù đã đổ nhiều máu và hy sinh nhiều mạng sống để tái
chiếm thành phố Quảng Trị, thành phố ở vùng địa đầu giới tuyến, nhưng
thực sự vẫn còn một phần đất ngay trong thành phố này nằm trong tay Cộng
quân: đó là Cổ Thành.
Một vài sử liệu cho rằng, Cổ Thành được xây lên từ thời vua Gia Long,
thành xây bằng đất, chung quanh có hào sâu. Qua triều vua Minh Mạng,
năm 1838, thành được phá đi và xây lại bằng gạch cao 5 mét, dày 5 mét.
Người ta ước lượng có chừng một trung đoàn Cộng quân với lương thực
và vũ khí, đạn dược đầy đủ đang ẩn sâu dưới những hầm hố, công sự rất
kiên cố trong Cổ Thành. Và chung quanh tường thành, một lực lượng khác
đang mai phục để ngăn chặn bất cứ một sự xâm nhập nào của Quân Lực Việt
Nam Cộng Hòa.
Tái chiếm thành phố Quảng Trị, nhưng chưa chiếm được Cổ Thành thì
chưa kể là một sự chiến thắng hoàn toàn, vì ngoài mặt tâm lý còn là một
sự thử thách. Cộng quân đã huênh hoang qua máy truyền tin cho rằng Cổ
Thành ở trong tay chúng là nơi bất khả xâm phạm. Các chiến sĩ Dù đang
háo hức nhìn về Cổ Thành chờ lệnh.
Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu
Và cuối cùng, họ đã đối diện với Cổ Thành. Một cái thành hoang phế,
nhưng màu máu vẫn còn tươi thắm. Một cái thành đã đổ nát, nhưng trong
những giờ phút sắp tới, họ sẽ đổ thêm máu nữa để chiếm lại với bất cứ
giá nào, vì đó là một phần đất của miền Nam, vì đó là danh dự của một
quân đội, là niềm tin của cả trăm ngàn người dân đã bỏ nhà cửa ruộng
vườn thân yêu đang chờ ngày trở lại, vì đó là một cuộc so tài cho biết
tay cao thấp.
Theo phóng viên Chad Huntley của UPI, các vị Tư Lệnh của chiến trường
Trị Thiên đang cứu xét 3 kế hoạch khác nhau để tái chiếm Cổ Thành. Kế
hoạch thứ nhất là các lực lượng Dù và Thủy Quân Lục Chiến sẽ tấn công và
tràn ngập Cổ Thành. Kế hoạch thứ hai là để cho Không Quân san bằng Cổ
Thành ra bình địa. Kế hoạch thứ ba là các lực lượng Dù và Thủy Quân Lục
Chiến sẽ bao vây Cổ Thành cho đến khi địch quân chết đói ở trong đó.
Cuối cùng, kế hoạch thứ nhất được chọn. Ðôi bên sẽ mặt đối mặt phân
tài cao thấp và thử gan anh hùng. Dưới con mắt của hàng chục phóng viên
tại chiến trường từ khắp nơi trên thế giới đang có mặt tại đây sẽ cho
hàng triệu người khác nhìn thấy trận thử lửa đá vàng này, để một lần nữa
đánh giá rõ rệt khả năng và tinh thần chiến đấu giữa những người lính
Quốc Gia và Cộng Sản.
Tiểu Ðoàn 5 Dù là đơn vị được vinh dự nhận trách nhiệm công phá cổ
thành Ðinh Công Tráng. Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu
Ðoàn 5 Dù, xuất thân khóa 14 Võ Bị Ðà Lạt, một trong những sĩ quan xuất
sắc và giàu kinh nghiệm chiến trường của binh chủng Dù. Ông đã trải qua
bao nhiêu trận mạc, từ Mậu Thân phản công diệt địch, đến vượt biên nhảy
vào Cao Miên truy lùng Cục R, rồi Hạ Lào với Lam Sơn 719. Bây giờ trên
chiến trường Trị Thiên, ông và Tiểu Ðoàn 5 Dù đang trên đường tiến tới
Cổ Thành.
Một trung đoàn Cộng quân đã mai phục sẵn để chào đón những người mới
đến. Trung Tá Hiếu sử dụng tất cả những lực lượng pháo binh nào có thể
yểm trợ được, nhưng đánh vào là dội ra. Tiểu đoàn 5 bị địch cắt ra làm
ba, mỗi đại đội phải chiến đấu riêng rẽ.
Ðể đảo ngược tình thế, Trung Tá Hiếu chấp nhận một phương cách rất
mạo hiểm, thiên địa đồng ư quy tận: địch và ta cùng chết một lần. Ông ra
lệnh cho binh sĩ vừa chiến đấu vừa đào hầm trú ẩn, loại hầm chữ A, rồi
gọi Pháo Binh pháo ngay trên đầu mình vì địch và ta, hai bên đang ở
trong thế cài răng lược. Pháo Binh không dám bắn. Trung Tá Hiếu gọi máy
trình bày với Ðại Tá Lịch. Ðại Tá Lịch đồng ý và cho lệnh Pháo Binh bắn.
Cộng quân không ngờ, tổn thất khá nặng, đành phải bỏ ngỏ cho Tiểu Ðoàn 5
Dù tiến tới Cổ Thành.
Bây giờ Tiểu Ðoàn 5 Dù đã đối diện Cổ Thành. Trung Tá Hiếu lặng lẽ
đứng nhìn mục tiêu của mình và nói đùa với các sĩ quan của ông:
– Mình công thành như thời La Mã, nhưng với những khí giới của thế kỷ 20.
Và cái thành đã làm cho ông mất ăn mất ngủ là một ngôi thành cổ hình
vuông, mỗi bề dài 500 thước, chung quanh có hào sâu rộng chừng 10 thước.
Cổ Thành nguyên là doanh trại của Tiểu Khu Quảng Trị, tháng 4 vừa qua,
Bộ Tư Lệnh của Sư Ðoàn 3 từ căn cứ Ái Tử dời về đây, Tướng Vũ Văn Giai
đã cho tu bổ và xây dựng thêm nhiều hệ thống phòng thủ kiên cố mới. Bởi
vậy, khi Cổ Thành lọt vào tay địch quân, nơi đây đã trở thành một khối
thép được bao bọc bởi màn lửa đạn sơn pháo 130 ly, hỏa tiễn 122 ly từ
bên kia sông Thạch Hãn và từ những họng đại bác 57 ly, 75 ly, B40 và
thượng liên đặt trên bờ thành mà những xạ thủ đã bị xích chân vào đế
súng.
Những chiến sĩ Dù lấy máu đổi từng tấc đất. Có những ngày tiến lên
được mấy chục thước, đến chiều lại phải lui về vị trí cũ. Khi những
chiến sĩ Dù tiến lên thì bị pháo của địch như mưa trút xuống mà không có
chỗ để ẩn nấp. Còn địch quân ở trong thành, khi máy bay của ta đến ném
bom, chúng chui xuống những công sự kiên cố, máy bay rời vùng, chúng lại
bò lên một cách an toàn. Và hai tuần trôi qua, Lực lượng Dù chỉ tiến
lên được 500 thước, hỏa lực của địch quân đã cầm chân họ ở đây.
“Đoạn đường từ Quảng Trị vào Huế vẫn còn hàng ngàn, hàng ngàn
người, di chuyển thành một đoàn dài cả mấy cây số, toàn là ông già, bà
già, đàn bà và trẻ con, họ cố gắng bỏ xa vùng trận tuyến. Nhưng đã có
hàng trăm, hàng ngàn người đã bỏ xác lại bên đường hoặc cố dìu nhau lết
đi với những vết thương không được băng bó vì đạn pháo kích của Cộng
quân bắn như mưa vào đám người đang cố chạy vào phương Nam…” Kiều Mỹ
Duyên
Qua đến tuần thứ ba tình hình chưa có gì tiến triển. Trung Tá Hiếu
đau lòng khi nhìn thấy quân số của mình mỗi ngày hao hụt khoảng 100
người, vừa chết vừa bị thương. Mặc dù được bổ sung ngay, nhưng đa số là
tân binh từ trại Vương Mộng Hồng ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung đưa
đến.
Trước tình huống như vậy thì một sĩ quan tiền sát của tiểu đoàn đến gặp và nói với Trung Tá Hiếu:
– Tôi sinh trưởng và lớn lên ở Cổ Thành. Tôi biết rõ từng ngõ ngách bên trong Cổ Thành.
Trung Tá Hiếu lập tức ra lệnh làm một sa bàn của ngôi thành bằng đất.
Ông nghiên cứu rồi họp mặt tất cả đại đội trưởng để trình bày một kế
hoạch mới, kế hoạch này gồm hai giai đoạn: giai đoạn một là xâm nhập,
thăm dò trên mặt thành, cắm một lá cờ và nằm im đó để làm đầu cầu trước
lúc bình minh của ngày 25 tháng 7, giai đoạn hai là rạng sáng hôm sau,
một lực lượng sẽ tấn công tiếp và trong vòng 48 tiếng đồng hồ, phải đánh
chiếm lại ít nhất phân nửa Cổ Thành.
Cuối cùng, Trung Tá Hiếu kết luận:
– Phải có một toán cảm tử vào thành để lập đầu cầu.
Các đại đội trưởng trở về đơn vị phổ biến kế hoạch và chọn những
người tình nguyện cho công tác đặc biệt đêm nay. Rất nhiều người tình
nguyện, nhưng chỉ 8 người được chọn, họ là những tân binh Dù, nhưng
trước đây đã ở trong Lực Lượng Ðặc Biệt, từng nhảy toán nên ‘tay nghề’
rất già dặn. Tám người làm thành một toán gọi là toán Quyết Tử.
Trung Tá Hiếu thăng trước cho mỗi người hai cấp. Ông biết đó là điều
ngoài quyền hạn của mình, nhưng ông cũng như mọi người đều hiểu rằng,
những kẻ ra đi trong đêm nay, chỉ mấy phần trăm hy vọng trở về.
Buổi chiều ngày 24 tháng 7 năm 1972, khi chiếc phản lực cuối cùng rời
vùng oanh kích trở về căn cứ, là lúc hoàng hôn cũng vừa phủ xuống trên
Cổ Thành và cả một vùng hoang tàn đổ nát chung quanh. Tiếng súng thưa
thớt rồi im hẳn, làm cho chiến trường bỗng nhiên chìm vào một khung cảnh
tĩnh mịch trong bóng đêm. Nhưng chính trong những giây phút tưởng như
người chiến sĩ có thể gác súng nghỉ ngơi được giây lát sau một ngày dài
nhích lên từng tấc đất dưới bom đạn, mồ hôi và máu, thì thật ra đây là
khoảng thời gian nguy hiểm nhất. Lệnh không được khai hỏa ban đêm, sợ lộ
mục tiêu và bị địch pháo. Ðịch cũng biết điều đó nên thường hay bò đến
đánh đặc công. Bởi vậy, khi bóng đêm phủ xuống, đó là thời gian ‘thân ai
nấy lo, hồn ai nấy giữ’.
Nhưng buổi chiều hôm nay, khi màn đêm vừa buông xuống, một kế hoạch
táo bạo của Tiểu Ðoàn 5 Dù bắt đầu khai diễn. Tám người lính Dù trong
toán Quyết Tử đã biết rõ công tác của họ đêm nay. Cũng như họ đã biết
rất rõ lộ trình mà họ sẽ vượt qua, một đoạn đường ngắn chỉ chừng 300
thước, đoạn đường từ điểm xuất phát đến chân bờ thành. Một đoạn đường mà
đã hơn hai tuần nay, ngày nào họ cũng đổ mồ hôi và máu để thâu ngắn
lại, nhưng mà bờ tường của ngôi thành cổ kia hình như vẫn còn xa.
Cái khoảng trống rộng có 300 thước đó là vòng đai của tử thần. Một
màn lưới hỏa lực dày đặc bao phủ vòng đai này, khiến cho người ta có cảm
tưởng nếu có một con thỏ từ ngoài này chạy vào, nó sẽ trúng đạn trước
khi đến dưới bờ thành. Lại thêm những toán đặc công của Cộng quân ‘độn
thổ’ chung quanh và bên ngoài bờ thành là những chốt ngăn chận bất cứ
một lực lượng nào mưu toan xâm nhập.
Khi được giao phó cho nhiệm vụ tái chiếm Quảng Trị, lực lượng Dù đã
chuẩn bị sẵn một lá cờ để dựng trên Cổ Thành. Lá cờ đó, bất cứ giá nào
cũng phải dựng lên. Và đó là công tác của toán đặc nhiệm Dù đêm nay.
Tại điểm xuất phát, toán Quyết Tử đã sẵn sàng. Binh nhất Trần Tâm
được cử làm trưởng toán. Binh nhất Hồ Khang được chỉ định giữ lá cờ và
sẽ cắm lá cờ trên Cổ Thành. Rồi trong bóng đêm, tám người lính Dù lặng
lẽ khởi hành. Sau lưng họ, những cấp chỉ huy, những bạn đồng đội dõi mắt
nhìn theo, gửi gắm nơi họ một niềm hy vọng. Tám người chiến sĩ ra đi
với một lòng quyết tử. Họ ra đi như Kinh Kha ngày trước. Sông Dịch Thủy
dù có rộng nhưng vẫn dễ qua hơn 300 thước đất trống trước mặt. Chín bậc
thềm rồng của Tần vương tuy có cao nhưng dễ lên hơn 5 thước tường của
ngôi thành cổ.
Tám người mất hút vào bóng đêm rất nhanh. Những người đằng sau dõi
mắt trông chờ. Họ chỉ mong khung cảnh đêm nay vẫn tiếp tục yên tĩnh như
trong giây phút này. Ðối với những người đang chờ đợi, thời gian như
ngừng lại. Không có tiếng người, không có tiếng súng, không có hỏa châu,
chỉ có tiếng côn trùng từ những đồng ruộng chung quanh vọng lên làm cho
đêm trở nên hiền hoà như một đêm thanh bình của những ngày chưa xảy ra
chiến trận tại đây. Trong bóng đêm dày đặc, các đồng đội của những người
ra đi không thấy được gì hơn là bóng đen sừng sững của ngôi cổ thành
vươn lên giữa khung trời còn chút ánh sáng mờ mờ. Họ đếm từng giây từng
phút, họ lắng tai nghe từng tiếng động. Chưa có tiếng súng là toán Quyết
Tử của Dù chưa chạm địch. Nhưng nếu hỏi giờ này họ đã tiến vào đến đâu
rồi, thì không ai có thể trả lời được. Có thể 50 thước, 100 thước, cũng
có thể đã đến dưới chân tường hoặc có thể đã bị địch bắt sống, bị thanh
toán bằng cận chiến một cách âm thầm để gài cho toán khác tiếp tục tiến
vào?
Và họ chỉ biết chờ đợi. Thời gian trôi qua. Rồi trong bóng đêm, ngay
hướng của toán tám người vừa tiến vào, trên mặt thành, một bóng đen đột
nhiên nhô lên giữa bầu trời, bay bay theo chiều gió. Từ ngoài xa, một
người tinh mắt nhìn thấy và la lên:
– Lá cờ!
Cùng lúc đó, trong sự tĩnh mịch của đêm trên chiến địa, bên tai của
những người đang ghìm súng chờ nhau bỗng nghe một tiếng hô dõng dạc từ
trên bờ thành vang dội:
– Nhảy Dù cố gắng. Nhảy Dù chiến thắng. Việt Nam Cộng Hòa muôn năm.
Tiếng hô lồng lộng trong đêm khuya và vang dội cả Cổ thành. Tiếng hô
như tiếng bom nổ bên tai quân địch. Ngay tức khắc, một loạt đạn 57 ly
trực xạ vào nơi vừa phát ra tiếng hô và cả chục cây thượng liên cũng
châu mũi vào đây nhả đạn như mưa. Ánh sáng của màn lửa đạn cho thấy một
lá cờ vàng ba sọc đỏ được cắm lên trên mặt thành, mới tung bay trước
gió, đã bị rơi xuống phủ lên xác người vừa cắm ngọn cờ.
Binh nhất Hồ Khang, người chiến sĩ cắm lá cờ trên bờ Cổ Thành Quảng
Trị đã vĩnh viễn ra đi, bỏ lại đồng đội, bỏ lại cuộc chiến sắp diễn ra
đêm nay, bỏ lại vợ và ba đứa con thơ đang chờ đợi chồng, chờ đợi cha tại
trại gia binh của Tiểu Ðoàn 5 Dù ở Biên Hòa.
Anh ra đi như đùa cợt. Ðời trai chinh chiến, cái chết nhẹ tựa lông
hồng. Anh ra đi rất ngạo nghễ, như lá cờ vàng ba sọc đỏ ngạo nghễ tung
bay trên Cổ Thành Quảng Trị. Và ngày mai, khi có ai dừng chân ghé thăm
lại nơi đây, ngoài dấu bom đạn và nguyên nét điêu tàn đó, người ta vẫn
còn nghe tiếng hô của anh lồng lộng cả Cổ Thành: “Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm”.
Trung Tá Hiếu vẫn nhất quyết thực hiện giai đoạn hai. Sáng sớm ngày
25 tháng 7, Ðại Úy Trương Ðăng Sĩ, Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội 51 được lệnh
vượt qua hào sâu, tấn công vào một góc thành để lên dựng lá cờ lần nữa.
Ðại Úy Sĩ là một sĩ quan trẻ, gan dạ, ông chỉ huy đại đội mình vượt qua
“vòng đai tử thần”, vượt qua một hào sâu dưới chân thành với sự yểm trợ
tối đa của Pháo Binh và Không Quân.
Khi những người lính Dù đầu tiên đặt chân được trên mặt thành để dựng
cờ, một tai nạn thảm khốc xảy ra, ngay trước mắt Trung Tá Hiếu đang
đứng theo dõi trận đánh: hai phi tuần của ta, không biết vì một sự lầm
lẫn nào, đang chúi xuống trút bom ngay trên đầu Ðại Ðội 51. Trung Tá
Hiếu nhìn thấy rõ ràng, nhưng làm sao ngăn kịp. Ông nghe tiếng của Ðại
Úy Sĩ la thất thanh trên máy. Rồi bom nổ. Ðại Ðội 51 Dù gần như tan nát.
Ngày 27 tháng 7 năm 1972, lực lượng Dù được lệnh bàn giao Cổ Thành
lại cho Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến. Sự thay đổi nhiệm vụ đột ngột này
làm cho một số người thắc mắc. Sau này tôi có hỏi Trung Tướng Ngô Quang
Trưởng, Tướng Trưởng xác nhận rằng, việc điều động là do tình hình của
chiến trường. Lúc bấy giờ áp lực của Cộng quân ở vùng núi rất nặng nề.
Ông đã hội ý với các vị Tư Lệnh của các lực lượng và cân nhắc rất kỹ
trước khi quyết định.
Có lẽ Tướng Trưởng muốn ám chỉ lúc đó, những tin tức tình báo cho
thấy Cộng quân đang điều động viện binh từ Lào qua. Lực lượng này có thể
là toàn bộ Sư đoàn 316 và hai trung đoàn thuộc Sư đoàn 312 đã rút khỏi
Lào hiện đang ẩn nấp giữa vùng biên giới Lào-Việt và có thể tham chiến
tại Quảng Trị bất cứ lúc nào.
Cuộc bàn giao vùng trách nhiệm giữa hai lực lượng Dù và Thủy Quân Lục Chiến hoàn tất vào ngày 28 tháng 7.
Một cố vấn Mỹ của Thủy Quân Lục Chiến đã tuyên bố với báo chí:
– Trận Quảng Trị mới bắt đầu.
Ðó có nghĩa là từ giờ phút này, những chiến sĩ Mũ Xanh sẽ ‘trầy vi,
tróc vảy’ để dứt từng chốt một của địch đang cố thủ trên đường tiến vào
Cổ Thành. Những người quan tâm đến trận chiến này đều cùng chung một
nhận định: Cổ Thành chỉ có thể tái chiếm, khi quân ta khóa được họng
pháo của địch, cắt đứt đường tiếp tế từ Bắc vào và không lực phải yểm
trợ tối đa cho các lực lượng trên bộ.
Và trận chiến lại tiếp diễn.
Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến dưới quyền chỉ huy của Ðại Tá Ngô Văn
Ðịnh, Lữ Ðoàn Trưởng Lữ Ðoàn 258 bắt đầu đếm từng tấc đất tiến lên được,
từng đồng đội đã gục ngã và từng viên gạch trên tường Cổ Thành rơi
xuống vì sức công phá của quân ta. Trận chiến không phải chỉ trong một
giờ, một ngày hay một tháng. Trận chiến tiếp diễn không ngừng. Tiếng
súng không một giây phút nào dứt. Ta và địch, dành nhau từng tấc đất.
Trên bầu trời của thành phố Quảng Trị, không bao giờ vắng bóng những
chiếc phản lực cơ gầm thét, phóng lên, nhào xuống để trút hàng tấn bom
đạn. Khắp cả một vùng, không có một thước đất nào là không có dấu vết
của sự tàn phá. Nhà cửa, phố xá hoang tàn. Chỉ còn Cổ Thành là vẫn đứng
vững. Và cuộc chiến vẫn tiếp diễn… Rồi 80 ngày trôi qua. Ðã bao nhiêu
bom đạn trút xuống, đã bao nhiêu chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến hy sinh,
mà điểm tiến đến gần nhất cũng còn cách bờ thành 200 thước. Cuối cùng,
một kế hoạch mới được thực hiện: muốn nắm được cái đầu rắn trong Cổ
Thành thì phải đập cái đuôi rắn bên kia bờ Bắc của sông Thạch Hãn. Không
Quân và Pháo Binh được giao cho nhiệm vụ khóa họng những khẩu pháo của
địch trong một thời gian đủ để cho lực lượng Thủy Quân Lục Chiến xung
phong tràn lên mặt thành đánh cận chiến bằng lựu đạn và súng M79 với
địch. Kế hoạch này đã có kết quả.
Và một ngày giữa tháng 9, ngày 14 tháng 9 năm 1972, Tướng Bùi Thế
Lân, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến, tuyên bố với phóng viên báo chí tại
chiến trường:
– Tôi tin tưởng rằng, trong vài hôm nữa, ngọn cờ vàng ba sọc đỏ sẽ tung bay trên Cổ Thành Quảng Trị.
Và ông mời các phóng viên lúc đó sẽ cùng ông vào Cổ Thành nhậu ly
rượu đế để mừng chiến thắng. Chỉ vài hôm nữa. Nghe thật đơn giản và quá
dễ dàng. Nhưng muốn uống ly rượu đế của Tướng Lân, hãy nghe tin điện của
phóng viên AFP đang có mặt ở Cổ Thành mô tả: ‘Thật là một cảnh địa ngục
trần gian. Ác chiến diễn tiến không ngừng một giây. Trong tiếng đạn đại
bác, tiếng bom oanh tạc của Không Quân và những tràng đạn súng tự động
là những tiếng la xung phong. Quang cảnh đổ nát điêu tàn’.
Phóng viên người Ý, Ennio Iacobucci, là phóng viên cuối cùng rời
Quảng Trị, chỉ vài giờ trước khi các lực lượng của miền Nam di tản khỏi
thành phố này hồi tháng 5 vừa qua, và ông cũng là phóng viên ngoại quốc
đầu tiên leo lên Cổ Thành, ngay nơi Thủy Quân Lục Chiến và Cộng quân
đang giao tranh ác liệt.
Trong thời điểm quyết liệt đó, một trận đánh táo bạo và thần tốc ngay
buổi sáng ngày 14 tháng 9. Những chiến sĩ của Tiểu đoàn 3 và Tiểu Ðoàn 6
Thủy Quân Lục Chiến dùng lựu đạn và chĩa nòng súng lớn trực xạ vào các
công sự phòng thủ của Cộng quân để tiến chiếm thêm một phần tường phía
Nam Cổ Thành.
Cuộc tấn công bất ngờ này có sự yểm trợ của 5 chiến xa M48 của Thiết
Ðoàn 20. Những chiến xa M48 đã tiến sát tường thành, bắn đại bác lên đầu
các công sự, bắt địch quân phải nằm im dưới hầm, trong lúc đó, Thủy
Quân Lục Chiến bò lên tung lựu đạn và bắn trực xạ vào các nơi ẩn núp của
Cộng quân.
Khi tiếng súng từ dưới những hầm của địch quân đã im bặt, toán Thủy
Quân Lục Chiến đứng thẳng lên reo hò vì đã chiếm xong một đoạn tường
thành nữa. Phóng viên của UPI là Ted Kurrus đã leo lên tường thành cùng
một lúc với toán 50 Thủy Quân Lục Chiến dự cuộc tấn công này tường
thuật:
‘Khoảng 250 thước tường thành, tức là phân nửa vòng thành phía Nam đã nằm trong tay của Thủy Quân Lục Chiến’.
Trên mặt một đoạn thành khác, một lực lượng Thủy Quân Lục Chiến bố
trí để yểm trợ cho một lực lượng bạn đã vào trong thành từ mấy hôm
trước, nay tiếp tục tiến lên một cách thận trọng từng bước. Cộng quân
vẫn tiếp tục bắn súng cối và đại bác không giật vào các lực lượng đang
xâm nhập Cổ Thành.
Những phản lực cơ của Không Quân ta trả đũa không ngừng, cố gắng khóa
họng các khẩu pháo này để tránh thiệt hại cho quân bạn. Có những lúc
các chiến sĩ Mũ Xanh mạo hiểm, chấp nhận cho dội bom sát bên cạnh, chỉ
cách vài chục thước, để mong sớm dứt điểm chiến trường.
Có lẽ còn chừng 500 Cộng quân bị vây hãm trong thành nên tiếp tục
kháng cự. Các đơn vị của ta đã bố trí sẵn sàng ở mặt Tây và Ðông của
thành phố Quảng Trị để ngăn không cho địch rút lui. Ðịch quân bị tiêu
diệt dần dần, cuối cùng phải phân tán thành từng toán chống cự nhỏ rải
rác trong các công sự. Nhưng pháo kích vẫn còn tiếp tục, từ phía bên bờ
Bắc sông Thạch Hãn.
Cho đến ngày 15 tháng 9, đại quân của ta từ ba mặt kéo vào, hoàn tất
cuộc tái chiếm Cổ Thành lúc 5 giờ 15 phút. Cùng trong ngày, mặc dù Cộng
quân vẫn còn bắn sẻ và pháo đạn súng cối vào liên tục và trời thì đang
mưa bão, nhưng Thủy Quân Lục Chiến vẫn làm lễ dựng lại quốc kỳ trên Cổ
Thành Quảng Trị. Lá cờ mà toàn thể người dân miền Nam đã bao ngày mong
đợi. Lá cờ mà máu của bao nhiêu chiến sĩ đã đổ xuống để dựng lại ngày
hôm nay.
Một tiểu đội Thủy Quân Lục Chiến, quần áo đầy đất bụi, mệt nhọc sau
những ngày kịch chiến, đã buộc lá cờ màu vàng ba sọc đỏ lên một cây cột
cao chừng 7 thước và cắm trên đỉnh tường về phía Tây của Cổ Thành. Gió
bão thổi lá cờ bay phần phật một cách oai hùng và ngạo nghễ giữa cảnh
chiến trường chưa im tiếng súng. Chéo dưới của lá quốc kỳ có gắn dây
biểu chương hai màu xanh và vàng của Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến, là lực
lượng đã chiến đấu suốt thời gian qua để chiếm lại Cổ Thành.
Phóng viên Ted Kurrus của hãng thông tấn UPI, chứng kiến cảnh dựng cờ
trên Cổ Thành Quảng Trị đã cho rằng thật hùng tráng không khác gì cảnh
dựng cờ của quân đội Mỹ trên đảo Iwo Jima hồi Ðệ Nhị Thế Chiến.
“Đoạn đường từ Quảng Trị vào Huế vẫn còn hàng ngàn, hàng ngàn người, di
chuyển thành một đoàn dài cả mấy cây số, toàn là ông già, bà già, đàn bà
và trẻ con, họ cố gắng bỏ xa vùng trận tuyến. Nhưng đã có hàng trăm,
hàng ngàn người đã bỏ xác lại bên đường hoặc cố dìu nhau lết đi với
những vết thương không được băng bó vì đạn pháo kích của Cộng quân bắn
như mưa vào đám người đang cố chạy vào phương Nam…” Kiều Mỹ Duyên
Dưới bom đạn, còn là những nhập nhằng lịch sử. Bà Mẹ Gio Linh của Phạm Duy mà Kiều Mỹ Duyên nhắc đến là một.
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy
Hò ơi ới hò ! Hò ơi ới hò!
Nhà thì nó đốt còn đây
Khuyên nhau báo thù phen này
Mẹ mừng con giết nhiều Tây
Ra công xới vun cầy cấy
Hò ơi ới hò! Hò ơi ới hò!
Con vui ra đi, sớm tối vác súng về
Mẹ già một con yêu nước có kém chi
Đêm nghe xa xa có tiếng súng lắng về
Mẹ nguyện cầu cho con sống rất say mê
…
Quân số của một Tiểu đoàn Lê Dương là 52% lính Việt. Ở các tiểu đoàn Nhảy dù Thuộc địa, cứ 4 đại đội tác chiến thì 2 đại đội thuần Việt
CIP (Compagnie Indochinoise de Parachutistes/ Đại đội Nhảy dù Đông
Dương). Trung tâm Huấn luyện Công binh CIG (Centre d’Instruction de
Génie) thành lập tháng 1-1946 tại Thủ Dầu Một niêm yết cấp số của Tiểu
đoàn 1 Công Binh:
Toàn tiểu đoàn có 8 sĩ quan Pháp, 47 hạ sĩ quan Pháp và 1
binh sĩ Pháp so với 28 sĩ quan Việt, 50 hạ sĩ quan Việt và 771 binh sĩ
Việt. Nhìn rộng hơn, quân số của Quân đội Quốc Gia tăng đều đặn:
Tháng 1-1949 là thời điểm ngay sau khi Phạm Duy viết Bà Mẹ
Gio Linh, sĩ quan và hạ sĩ quan VN đã gấp đôi Pháp. Đến tháng 7-1954 gấp
7 lần.
Đại úy Nguyễn Văn Vỹ làm Đại đội trưởng Đại đội 3 của Tiểu đoàn 3 Biệt Kích Nhảy dù Thuộc địa (3e BCCP) về sau lên Tổng tham mưu trưởng. Thiếu úy Ngô Quang Trưởng chỉ huy trung đội dưới quyền Đại úy Phạm Văn Phú, cả hai thuộc Tiểu đoàn 5 Nhảy dù (5e BPVN) của Đại úy Botella. Thiếu úy Nguyễn Khoa Nam làm trung đội trưởng ở Tiểu đoàn 3 Nhảy dù (3e BPVN) của Thiếu tá Mollo. Có thể kể thêm vô vàn các trường hợp như vậy như Trung úy Đỗ Cao Trí, Trung úy Ngô Dzu, Đại úy Nguyễn Khánh đều phục vụ trong quân đội Liên hiệp Pháp trước khi chuyển sang Quân đội Quốc gia. Vậy khi “Mẹ mừng con giết nhiều Tây”, để giết 1 sĩ quan Pháp phải giết thêm 7 sĩ quan Việt. Đã thành nội chiến.
Nhập nhằng lịch sử còn ở cá nhân Phạm Duy. Ngay sau khi viết Bà Mẹ Gio Linh, Phạm Duy trốn về thành. Để được chính các binh sĩ Việt-Pháp mà Phạm Duy vừa “Khuyên nhau báo thù phen này” đứng ra bảo vệ an nguy cho bản thân. Để rồi:
Một ngày năm bốn, cha lùi quê hương
Lánh Bắc vô Nam, cha muốn xa bạo cường
Một ngày bảy lăm, đứng ở cuối đường
Loài quỷ dữ xua con ra đại dương
(Một Ngày 54 Một Ngày 75, Phạm Duy)
…
Vậy thì Bà Mẹ Gio Linh là ai? Loài quỷ dữ và ở phía bạo cường?
Trần Vũ
(*) Các số liệu trong Le Génie au Combat, Indochine 1945-1956, Ivan Cadeau, Service Historique de la Défense, 2013
Gio Linh là một thị trấn nhỏ nằm ở tuyến đầu của miền Nam, sát với
dòng sông Bến Hải. Từ thời tiền chiến, Gio Linh đã thành một địa danh
nổi tiếng qua bản nhạc ‘Bà Mẹ Gio Linh’ của nhạc sĩ Phạm Duy. Gio Linh
là một thị trấn trên cát, cát trắng chạy dài. Những mái nhà tranh trên
những cồn cát do gió đùn lên, nhấp nhô trong ánh nắng hoàng hôn, khiến
cho nơi đây còn giữ được chút sinh khí chứ không hoang vu tĩnh mịch như
miền đại mạc.
Những căn nhà, gọi là nhà nghe thật tội nghiệp, vì nó chẳng có hình
dáng của một căn nhà bình thường, được dựng lên trên cát bằng tất cả
những vật liệu gì kiếm được. Trên một vùng toàn cát trắng, sự trồng trọt
là điều không thể thực hiện được. Ngay cả con người, sống ở miền gió
cát, con người cũng cằn khô. Trên miền đất này, quanh năm chỉ có thiên
tai, bom đạn và sự đói khổ. Những đứa trẻ 7, 8 tuổi, chưa biết đọc,
nhưng nghe tiếng đạn nổ là biết loại súng gì rồi.
Hôm nay là ngày 7 tháng 2 năm 1972, tôi ra thăm thị trấn Gio Linh và
ghé đến giáo xứ của Linh Mục Trương Công Giáo vào lúc xế trưa. Cha đã
lớn tuổi nhưng vẫn còn rắn rỏi khỏe mạnh. Trên khuôn mặt của Cha, cũng
như những người dân đã sinh trưởng và lớn lên ở đây, nét mặt đều khắc
khổ và có vẻ chịu đựng vì quen sống với một cuộc sống quá nhiều bất
trắc.
Tôi mở lời hỏi thăm Cha Giáo:
– Thưa Cha, giáo dân của Cha ở đây có chừng bao nhiêu người? Họ từ đâu đến đây? Hiện tại họ làm gì để sinh sống?
–
Chúng tôi có 1,600 giáo dân. Họ đến từ Bát Phường (Nam Ðông, Nam Tây,
Cồn Tiên…). Tại đây không trồng trọt được, nên đa số sống với nghề làm
củi. Họ bán mạng sống mà đi lên núi lấy củi, hái măng, vì lên núi,
thường bị pháo kích, đạp mìn hoặc đạn M79 thì tan xác.
– Thưa Cha, Việt Cộng có về đây quấy phá không?
– Việt Cộng vẫn về. Cách đây hai tuần, có trận đánh ở đây. Việt Cộng
chết 20 người, bên mình chết 2, 3 người. Có lần Việt Cộng vào tận giáo
xứ đặt chất nổ làm sập phòng khách mà chúng ta đang ngồi đây. Khi rút
đi, lấy hết quần áo, một cái radio và 17 ngàn tiền quỹ của giáo xứ.
Trong khi chúng tôi ngồi nói chuyện, thì ngoài sân đã vang rộn tiếng
la hét, cười nói của học trò vì đã đến giờ ra chơi. Tôi nhìn các em đang
nô đùa ngoài sân, em nào nước da cũng đen vì nắng cháy và có vẻ già hơn
trước tuổi. Tuổi trẻ trong chiến tranh là thế đấy!
– Thưa Cha, cha có bao nhiêu học trò và chính quyền ở đây có giúp đỡ gì cho giáo xứ của Cha không?
– Tôi có tất cả chừng 600 học trò. Ða số là con em của giáo xứ. Còn
một số là từ các gia đình ở ngoài vào học. Phần chính quyền thì cũng
chẳng giúp đỡ gì. Vừa rồi quận có cho hai xách áo quần cũ, nhưng hôi hám
quá. Cho như vậy thật làm mất phẩm cách của con người, thà đừng cho còn
hơn!
– Thưa Cha, còn vấn đề di dân?
– Có mấy ngàn gia đình vào Phước Tuy rồi cũng không có việc làm, họ
lâm vào tình trạng khốn khổ. Những gia đình khác muốn đi cũng hoang
mang.
Trời ngả về chiều rất nhanh. Gió và khí lạnh bắt đầu kéo đến. Gió
thổi giật từng cơn rất mạnh. Tôi vừa du học ở Úc về, sống quen trong một
vùng tuyết phủ suốt mùa Ðông, mà cũng không chịu được cái lạnh ở đây.
Cái lạnh của rừng núi, mặc bao nhiêu áo vẫn thấy lạnh, lạnh từ trong
xương lạnh ra. Trời mưa đỡ lạnh hơn, nhưng trời đã mưa thì mưa như trút
nước, mưa mở mắt không ra. Như tháng Mười Hai vừa qua, Cha Giáo kể, mưa
suốt cả tháng trời, chỉ tạnh đúng vào hai ngày lễ Noel. Mùa Hè, gió Hạ
Lào thổi lửa qua rặng Trường Sơn, nóng nứt đất, nóng nẻ đầu! Nhưng mà đó
là nơi chôn nhau cắt rốn. Tình quê hương vô hình nhưng buộc chặt.
Tôi theo chân Cha Giáo lên sân thượng của trường học để xem những dấu
vết tàn phá của trận bão lụt vừa qua, nhưng vẫn chưa tu sửa được vì
không có tiền. Từ trên sân thượng, dõi mắt nhìn ra một vùng rộng lớn,
trời đã sắp hoàng hôn, những tia nắng quái còn tô màu trên những cồn
cát. Quang cảnh của Gio Linh trong lúc này nhuốm một vẻ hoang sơ và tiêu
điều trước cái nhìn của người từ xa đến. Những ngôi nhà xiêu vẹo dựng
trên cát trắng. Nói là nhà, thật ra chẳng phải là nhà. Tôi không biết
dùng danh từ gì để diễn tả những căn nhà của người dân ở vùng giới tuyến
này. Như những căn lều, vừa thấp vừa hẹp, lại vừa xiêu vẹo. Mái nhà nào
lợp bằng rơm thì đã bay theo trận bão lụt vừa rồi. Cả chục người sống
trong một căn nhà chiều ngang chừng hơn 1 mét, chiều dài hơn 2 mét. Có
muốn xây rộng hơn cũng không có vật liệu. Miếng ăn là điều quan trọng
hàng đầu, sau đó mới là chỗ ở. Cứ thử nghĩ, một người, một ngày lên núi
kiếm củi về bán được bao nhiêu tiền? Những đứa bé ở nhà cũng biết rằng
cha mẹ mình ngày ngày lên núi bán mạng sống để kiếm tiền độ nhật cho cả
gia đình, nên buổi chiều khi trông thấy cha mẹ trở về, chúng mới yên chí
là mình chưa mồ côi.
Buổi tối tôi trở về Ðông Hà và tạm trú qua đêm trong một cô nhi viện
do các nữ tu trông coi. Cô nhi viện này có 130 em, đa số là mồ côi cha
mẹ, số còn lại thì cha mẹ không đủ khả năng nuôi con nên đành gửi vào
đây. Thị trấn Ðông Hà trước năm 1972 là một trong những căn cứ quân sự
lớn của Mỹ, nên đa số dân ở đây làm việc trong các cơ sở của Mỹ. Sau khi
Mỹ rút về, họ lâm vào tình trạng thất nghiệp, cuộc sống thật bấp bênh.
Tình trạng bi thảm nhất là cô nhi viện của Cha Hoan. Cô nhi viện ngày
càng đông, mà một mình Cha Hoan không thể xoay trở cho đầy đủ được.
Tình hình an ninh ngày càng căng thẳng. Trường Ðắc Lộ của Cha Hoan đã bị
pháo kích 4 lần trong tháng vừa qua. Một lần vào buổi sáng Chủ Nhật,
dân đang dự lễ trong nhà thờ thì Việt Cộng pháo vào 60, 70 trái hỏa
tiễn, làm 25 người vừa chết vừa bị thương.
Cha Hoan chỉ cho tôi 3 nấm mộ trước sân nhà thờ, một mộ lớn ở giữa và hai mộ nhỏ hai bên. Cha nói:
– Ðó là mộ của một Cha người Pháp qua giúp giáo dân Việt Nam. Cha lo
về vấn đề xã hội. Cha nói tiếng Việt rất hay. Còn hai mộ nhỏ là của hai
em học sinh. Một hôm cha cùng hai em học sinh vào làng để săn sóc cho
các bịnh nhân nghèo, trên đường đi vào ấp thì bị Việt Cộng bắn chết. Ðể
nhớ ơn Cha, tôi chôn cất Cha ở sân nhà thờ, dưới những hàng cây dương
liễu.
Niềm lo âu lớn nhất của Cha Hoan là làm sao có tiền để nuôi các em cô
nhi và duy trì trường Ðắc Lộ cho các em có nơi để học hành. Cha có dự
án tự túc kinh tế là làm dầu tràm để tạo công ăn việc làm cho nhiều
người, nhưng không thành công.
Tôi được Thiếu Tá Diệu, Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị của Tiểu
Khu Quảng Ngãi hướng dẫn đi thăm các làng mới bị Việt Cộng tàn phá. Ðầu
tiên chúng tôi đến thăm quận Sơn Tịnh. Những làng bị Việt Cộng đốt cháy
tan hoang như Phú Hoà, Vạn Lộc và Sơn Kim. Thiếu Tá Diệu chỉ cho tôi xem
một Niệm Phật Ðường nay chỉ còn là một đống tro tàn, ông nói:
– Cô xem, Việt Cộng đâu có chừa chùa hay nhà thờ. Lát nữa chúng ta đến thăm một làng Phật Giáo và một làng Công Giáo.
Chúng tôi đến thăm làng Phú Hoà. Cả làng chỉ còn trơ lại những nền
nhà cháy đen với tro than mà thôi. Một ông cụ ngồi cưa cây. Bà cụ già
lưng đã còng đang quét dọn. Tôi hỏi ông cụ:
– Việt Cộng về hai cụ có chạy không?
Ông cụ vừa cưa vừa đáp:
– Ai cũng phải chạy chứ. Ðàn ông, đàn bà, trẻ em chạy trước, không
chạy thì chúng bắt vào trong khu. Già quá như tôi thì liều mà ở lại để
năn nỉ chúng đừng đốt nhà. Nhưng cô thấy đó, chúng đốt hết. Có được mấy
thúng lúa để dành ăn cũng bị đốt cháy. Vậy là năm nay phải ăn khoai, ăn
sắn rồi cô ơi.
Tôi hỏi bà cụ:
– Cụ có gặp Việt Cộng không?
– Có chứ. Tụi nó nhỏ nhỏ chừng 17, 18 tuổi thôi. Mấy đứa con gái cũng mang súng.
Tôi nhớ hôm trước có dịp đi thăm một số tù binh. Có mấy cô cũng
khoảng 17, 18 tuổi ở quận Mộ Ðức, Ðức Phổ và Nghĩa Thành. Khi tôi gợi
chuyện hỏi thăm, các cô nói với tôi họ là y tá, chị nuôi, tức là chuyên
nấu ăn cho bộ đội. Các cô bảo bị dụ mãi thì đi theo lên núi. Ðến khi
đụng trận, bị thương, bị bắt và được đưa về bệnh viện điều trị mới thấy
làm tù binh bên này được nằm giường nệm, ăn ngày ba bữa, còn sướng hơn
mấy lâu nay đói khổ, ngày đêm gì cũng ở dưới hầm, lúc nào cũng lo sợ.
Một anh cán bộ áo đen hướng dẫn chúng tôi đi thăm từng xóm, anh nói:
– Chúng tôi muốn giúp dân nhưng đâu có gì để cho dân. Dân ở đây nghèo lắm, không có công ăn việc làm. Tôi hỏi anh cán bộ:
– Chính quyền không trợ cấp vật liệu gì cho dân dựng lại nhà sao?
– Một phần nào thôi. Việt Cộng đốt nhà hoài. Một năm đốt 3, 4 lần thì lấy vật liệu đâu mà phát cho đủ.
Biết vậy mới thông cảm cho nỗi khó khăn của chính quyền. Tôi đã nhiều
lần đến thăm những thôn xóm xa xôi hẻo lánh, ngồi nghe mấy ông bà già
tâm sự:
– Nhà bị đốt rồi thì gắng cất lại. Mồ mả của ông bà còn đó, chúng tôi
không muốn bỏ làng, bỏ xóm mà đi. Nếu có đi, cũng chẳng biết làm gì để
sinh sống.
Như quận Ba Tơ, trước đây gồm có 24 xã, nhưng sau bị Việt Cộng về đốt
phá hoài, dân chúng gom về những xã tương đối an ninh hơn, nên bây giờ
còn có 7 xã.
Người cán bộ áo đen chỉ một căn nhà đã cháy còn trơ lại cái nền, anh nói:
– Căn nhà này là của dì tôi. Dì đã ở trong căn nhà đó gần cả một đời rồi, bây giờ bị đốt, dì khóc đến phát bệnh.
Tôi thấy hàng tre xanh chung quanh lá cũng bị cháy sém vì lửa từ căn nhà hắt ra. Tôi hỏi:
– Còn những căn nhà có người đi theo Việt Cộng thì sao, có bị đốt không?
– Việt Cộng đi đốt từng nhà. Nhà có người đi theo chúng cũng bị đốt
luôn. Chúng thù nhất là những nhà có người làm cán bộ Xây Dựng Nông
Thôn. Hôm vừa rồi, có hai Nghĩa Quân bị thương rồi bị bắt, chúng trói
lại ném vào lửa. Vợ của một anh Xây Dựng Nông Thôn có thai 8 tháng, bị
chúng bắt được, trói lại và xô vào căn nhà lửa đang cháy bừng bừng.
Khi đã yên, dân làng trở về, nhìn thấy những đống tro tàn và xác
người đàn bà sắp sanh bị cháy cong queo, họ thật thấm thía với những lời
tuyên truyền của những người vẫn thường về đây xưng là chiến sĩ giải
phóng.
Thành
phố Quảng Ngãi về đêm có vẻ yên tĩnh và tình hình an ninh tương đối khả
quan so với các thành phố lớn khác như Ðà Nẵng. Buổi sáng đi theo Trung
Tướng Thi và Ðại Tá Lợi đến thăm Chi Khu Ba Tơ sau một trận đánh khốc
liệt kéo dài 4 ngày đêm. Khung cảnh của bãi chiến trường và sự hy sinh
của người lính chiến cùng cuộc sống điêu linh của người dân vùng quê còn
ám ảnh trong tâm trí. Tôi thả bộ một mình dọc theo phố chính của Quảng
Ngãi. Ðây là xứ của núi Thiên Ấn, sông Trà, của những ruộng mía mênh
mông. Ban đêm tiếng súng vọng về nghe rất gần, những người lính chiến
giờ này còn lặn lội hành quân trong rừng sâu núi thẳm. Và ở ngay thành
phố, những quán nhạc đèn màu vẫn rực rỡ, tiếng nhạc vẫn mời gọi và người
dân thành phố vẫn đến đây như đang sống trong một cuộc sống thật thanh
bình. Mimosa, Diễm Xưa, Anh Ðào… với những chàng trai cô đơn ngồi trầm
ngâm bên tách cà phê, với những đôi nhân tình đang vui vẻ, hạnh phúc bên
nhau.
Tôi ghé vào quán Mimosa uống cà phê. Một em bé chống nạng đứng thập
thò ngoài cửa, đầu cúi thấp. Bàn tay em gầy gò run run vì vui mừng mỗi
khi có người khách ném vào chiếc nón rách vành vài đồng bạc.
Một chân của em bị cưa lên khỏi đầu gối, khúc chân còn lại ốm tong
teo và đen đúa. Em bé đứng đó thật kiên nhẫn, chiếc nón rách vẫn chìa ra
phía trước. Ða số khách thản nhiên đi qua như không nhìn thấy. Tôi bước
ra dẫn em vào ngồi cùng bàn và hỏi:
– Em muốn uống gì, ăn kem không?
Tôi gọi cho em bé một ly kem. Em ngồi một cách rụt rè, đầu vẫn cúi thấp xuống. Tôi gợi chuyện, hỏi em:
– Em tên gì, bao nhiêu tuổi?
– Dạ, em tên Cương, 15 tuổi.
Tôi không nghĩ em đã 15 tuổi, vì người em nhỏ bé, trông như mới 7, 8
tuổi. Em đen gầy, chỉ có da bọc xương, khuôn mặt nhỏ, ánh mắt buồn và ẩn
nhẫn.
– Em có bao nhiêu anh chị em, cha mẹ em ở đâu, chân em sao bị như vậy?
– Em có 3 đứa em, cha mẹ chết hết rồi, chết vì bị pháo kích. Chân em
bị cưa cũng vì đạn pháo kích ở Bình Ðức, quận Bình Sơn. Em được đưa vào
nhà thương Mỹ, bác sĩ Mỹ cưa chân em.
Em cúi đầu xuống thấp, nước mắt trào ra, tôi không dám hỏi nữa. Tôi
đẩy ly kem trước mặt em, lúc em đưa tay ra đón ly kem, tôi mới thấy bàn
tay em bị cong quặt lại, chỉ còn bốn ngón.
– Các em của em bây giờ ở đâu?
– Dạ ở với bà bác em. Em đi xin mỗi ngày đem tiền về cho bà bác nuôi
chúng nó. Mùa Ðông vừa rồi, em đi xin dành dụm cả tháng mới đủ tiền mua
cho tụi nó một cái mền cũ.
Trời Quảng Ngãi buổi tối mùa Hè mà vẫn thấy lạnh. Chiếc áo của em mặc
quá mỏng manh nhưng có lẽ em đã quen như vậy rồi. Sự chịu đựng cũng như
miếng ăn đều cần để mà sống.
– Bà bác em nghèo lắm cô ơi. Mỗi ngày bà lên núi kiếm củi về chợ bán đâu được bao nhiêu tiền.
– Ban ngày em đi xin như vậy, buổi tối em ở đâu?
– Tụi em ngủ ở các sạp ngoài chợ, có một chú nữa, thương phế binh mù
mắt, ban ngày cũng đi xin như tụi em, tối về chợ ngủ. Nhiều buổi sáng
ngủ quên, bị mấy bà chủ sạp dựng đầu dậy chửi cho một trận.
Tôi nhìn ra cửa, ba bốn em khác cũng vừa kéo đến đứng thập thò nhìn
vào có vẻ ngạc nhiên khi thấy một ‘đồng nghiệp’ của mình đang chễm chệ
ngồi trong tiệm ăn kem. Mimosa là quán cà phê có cà phê ngon và nhạc hay
nhất ở đây, nên cuối tuần thường là nơi họp mặt của những người tai mắt
trong thành phố này.
Ngay trên cùng một mảnh đất, cùng trong một giây phút, có những người
đang chờ đợi, người thanh niên ngồi chờ những giọt cà phê nhỏ xuống đầy
tách cho hết những giờ rảnh rỗi, người lính chiến đang ghìm mũi súng
chờ dấu quân thù trong đêm đi kích, người đàn bà vừa thành góa phụ đang
chờ ngày mai đi nhận xác chồng và đứa bé đang chờ một vài đồng bạc ném
vào chiếc nón rách…
Trung
tâm Asia hân hạnh giới thiệu cùng quý vị khán thính giả mến mộ, chương
trình truyền hình “Asia, Theo Dòng Lịch Sử”, với mục đích, để lưu giữ
lại những chi tiết trung thực về các tác phẩm nghệ thuật, giá trị do
Trung tâm Asia thực hiện theo dòng lịch sử, cùng tiến trình sinh hoạt
của cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Đồng thời để bảo vệ lý tưởng
chân chính của người sáng lập, cùng toàn thể nghệ sĩ cộng tác, đã chung
tay phục vụ khán thính giả yêu nhạc trong suốt gần nửa thế kỷ vừa qua,
kể từ sau biến cố 30 tháng Tư, 1975. Chương trình này sẽ được phát hình
đều đặn trên Asia YouTube Channel.
Hôm
nay, nhân dịp Thanksgiving 2021, kính mời quý vị khán thính giả nhìn
lại một chặng đường 20 năm về trước, để theo dõi buổi nhạc hội “Tạ Ơn Chiến Sĩ Tự Do”, được tổ chức vào mùa Hè, năm 2000. Mục đích là để gây quỹ “Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Westminster”.
Sự thành công của buổi nhạc hội được dựa trên yếu tố đoàn kết trong
cộng đồng người Việt, tình bằng hữu cao đẹp của anh chị em nghệ sĩ cùng
lòng quyết tâm của tất cả mọi người, mọi giới.
Chúng
ta sẽ được xem lại những hình ảnh chưa hề phổ biến, với các diễn tiến
rất thú vị, bất ngờ xẩy ra trên sân khấu: Để gây quỹ, MC Việt Thảo đã
phải “bế” nữ ca sĩ Phi Nhung, và “cõng” danh hài Bé Mập nặng hơn 300
pounds. MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã chấp nhận cho “các bà” ngồi trên lưng…
Lần đầu tiên tại hải ngoại, cộng đồng người Việt đã có một buổi đại nhạc
hội ngoài trời với sự tham dự của trên 20 ngàn khán giả.
Kính mời quý vị cùng theo dõi và tiếp tay phổ biến, đồng thời lưu giữ tài liệu hiếm quý này để làm kỷ niệm:
Tạ Ơn Chiến Sĩ Tự Do - Phần 1 | Asia "Theo Dòng Lịch Sử" | Episode 3 | Liveshow Asia Mới Nhất
ASIA FULLSHOW : https://bit.ly/35fjMAY
Mr. Frank Fry chụp hình lưu niệm với Gia Đình Nha Kỹ Thuật trong Đại Hội 8 nhân dịp
Lễ Chiến Sĩ Trận Vong vào cuối tháng 5 năm 2010
Tham Dự Ngày Quân Lực 19 tháng 6
Tham dự Lễ Tưỡng Niệm Anh Linh Tử Sĩ Nha Kỹ Thuật
Tết Parade
Mayor Magie Rice, Nghị Viên Tyler Diệp, Nghị Viên Frank Fry, Nghị Viên Andy Quách, Nghị Viên Trí Tạ
Model tượng mẩu hai người lính VNCH và Hoa Kỳ trình bày trong những phiên họp và
mang đi giới thiệu cơ quan và quan khách
Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ lần đầu tiên được gắn trên bệ
Lễ đặc viên đá đầu tiên Kiosk Vietnam War Memorial ( Kiosk Ground Breaking Ceremony ) Thiếu Tá Phạm Xuân Quang U.S. Marines Pilot, Phạm Hòa Nha Kỹ Thuật Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài, Chánh Án Nguyễn Trọng Nho, Nam Lộc, Thị Trưởng Westminster Frank Fry, Navy Hồ Ngọc Minh Đức UBXD/TDCSVM, Luật Sư Nguyễn Văn Giỏi UBXD/TDCSVM, Nghị Viên Kermit Mash, Thị Trưởng Garden Grove Bruce Broadwater , Kiến Trúc Gia TDCSVM
Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ Westminster, California khánh thành vào lúc 11 giờ trưa ngày 27 tháng 4 năm 2003, sau 7 năm dài và vất vả làm việc của biết bao thiện nguyện viên, biết bao công sức và tài chánh quyên góp, vì đây là Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ đầu tiên tại Hoa Kỳ, củng là Tượng Đài Có Quốc Kỳ của Việt Nam Cộng Hòa lần đầu tiên trên thế giới, sau năm 1975, người có sáng kiến và đồng thời củng là Chủ Tịch ủy ban xây dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại thành phố Westminster, thuộc tiểu bang California là ông Frank E. Fry đương kiêm Thị Trưởng Thành Phố Westminster và cũng là một Cựu Quân Nhân Hoa Kỳ tham chiến trong đệ nhị thế chiến tại Âu Châu
Khoảng năm 1996 thời gian này đa số cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa sinh sống tại địa phương mà ông có dịp sinh hoạt, ông được biết và nghe nhiều mẩu chuyện hào hùng mà các quân nhân này kể lại cũng như cựu quân nhân Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam ông gọi là Chiến Sỉ Chiến Đấu cho Tự Do “Freedom Fighter” sau này công viên khu vực tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ củng được đặc tên là “Freedom Park” Công Viên Tự Do. Ông thấy sự hy sinh cao cả của các chiến binh Việt Nam Cộng Hòa và các chiến binh Hoa Kỳ . Ông thường hay tâm sự: Mình nên làm một cái gì đó để nhớ ơn họ và ý tưởng xây dựng một Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ và tên Mỹ “Vietnam War Memmorial in Westminster, California” và danh xưng này củng do chính chúng tôi đề nghị trong phiên họp và được đa số đồng ý tuyển chọn.
Trong giai đoạn đầu ông mời một số người để hội ý gọi là Ban Cố Vấn trong đó có một số tướng lãnh cao cấp như Trung Tưởng Lâm Quang Thi và Trung Tướng Eugene Hudson và tuyễn chọn Điêu Khắc gia, sau khi duyệt xét Điêu khắc Gia Tuấn Nguyễn được chọn và kế tiếp là vấn đề gây quỷ để xây dựng tượng đài, ủy ban củng vừa nộp đơn để hợp thức hóa tình trạng Hội Thiện Nguyện 501C3 “ Non Profit Status 501C3” cho những người đóng góp được trừ thuế. Trong mấy năm trời ròng rã việc gây quỷ được tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau và một Ủy Ban Gây Quỷ Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ được thành lập, cùng trong thời gia này điêu khắc gia Tuấn Nguyễn củng đang thực hiện cho mình một Tượng loai nhỏ “ Minirature Status” và có thể di chuyển dể dàng trên xe và mang đến bất cứ nơi nào để trưng bày , sau khi thấy được hình mẩu lúc ấy những ý kiến đóng góp bắt đầu về hình dạng, kích thước , cách trang phục, vủ khí, tư thế đứng, cách nhìn, tay chân,vv.vv.... không kể sao cho hết, thời gian này Internet và e-mail chưa thịnh hành nên đồng hương gọi vào các chương trình phát thanh trên Radio, mổi khi có dịp được phát biểu, có khi đồng hương vào trong những phiên họp hàng tuần của ủy ban xây dựng Tượng Đài để đóng góp ý kiến và tựu chung quá nhiều ý kiến ghi nhận và thường thì không có mặt điêu khắc gia để trình bày trực tiếp, Điêu khắc là môn nghệ thuật nên việc điêu khắc củng tùy thuộc vào một số dữ kiện thu thập và quyết định riêng tư, sau khi ghi nhận ý chính của Ban Cố Vấn và sau một thời gian hạn định, Điêu khắc gia trình bày cho Ban Cố Vấn một vài hình vẻ và Ban Cố Vấn chọn một trong những hình có đa số đồng ý , sau đó điêu khắc gia tiếp tục làm một tượng mẩu bằng WAX và mang đến phiên họp để lấy ý kiến chung và sau một vài lần, Tượng loại nhỏ “Minirature Status” được điêu khắc và hoàn tất những thủ tục về pháp lý có liên quan đến tài chánh và sao nhượng “Copy right” trong thời gian này cả điêu khắc gia và ủy ban làm việc song song với nhau, một bên cố gắng gây quỷ thật nhiều, bên kia nếu có tài chánh dồi dào thì sẻ làm thực hiện tượng đẹp hơn, tốt hơn những chương trình bảo trì khi những kim loại bị rỉ sét và hao mòn theo thời gian.
Bài viết sẻ được cập nhật hóa thường xuyên qua những khía cạnh khác, như vấn đề Pháp Lý, việc Đăng Bộ Vĩnh Viễn cho Lá Quốc Kỳ VNCH không được thay đổi và một số tiết mục khác trong những bài viết kế tiếp .
Jeep M151A1 Nha Kỹ Thuật trước tượng đài lúc còn đang là bải đất trống
WESTMINTER. Đã hơn 6 năm từ ngày cựu thị trưởng Westminster, ông Frank Fry, trình bày dự án thiết lập tượng đài để kỷ niệm các chiến sĩ Mỹ Việt đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa. Đến nay, một công trình với nhiều tranh cãi, mồ hôi và nước mắt đã bước sang giai đoạn cuối cùng. Công dân thành phố Việt Mỹ Westminster sẽ hãnh diện là thành phố đầu tiên tại Hoa ky,ợ dựng được tượng đài ghi ơn hơn 58,000 chiến sỹ Hoa kỳ và hàng trăm ngàn quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa bỏ mình vì lý tưởng tự do.
Thành phố Westminster đã chịu nhiều áp lực của thương gia địa phương và Việt nam Cộng sản cố tình ngăn chặn, nhưng, các viên chức thành phố, được mệnh danh là thủ đô người Việt tỵ nạn đã giữ vững lập trường, kiên quyết tiến hành một công trình đầy ý nghĩa, cao đẹp và mỹ thuật ngay tại khuôn viên thành phố Westminster.
Dự án tượng đài Việt Mỹ này đã trải qua nhiều giai đoạn, nhiều lúc gần như bế tắc mà mọi người vẫn kiên trì đeo đuổi. Đồng bào Việt nam tại Westminster nói riêng và khắp nơi trên thế giới rất phấn khởi, hăng hái đóng góp công sức để hỗ trợ cho Ủy Ban xây dựng tượng đài. Giới truyền thông, anh chị em văn nghệ sĩ đã tổ chức những cuộc quyên góp rộng lớn để cung cấp ngân khoản tài trợ cho dự án. Ngân khoản đã lên tới hơn nửa triệu bạc, vượt mọi khó khăn, đến nay 80% công trình phụ còn cần thêm một ít nữa để có thể hoàn thành, tuy nhiên khi nhìn thấy tận mắt công trường tiến triển tốt đẹp, tượng chiến sĩ Việt Mỹ đã hoàn tất, đặt vào vị trí chính thức trong khuôn viên thì đồng bào sẽ rất hăng hái đóng góp phần còn lại.
May mắn cho cộng đồng chúng ta, điêu khắc gia tạc hai bức tượng là Tuấn Nguyễn một nghệ sĩ Việt nam, trẻ tuổi tài cao tận tụy, dồn hết tâm trí vào công việc mấy năm nay. Khi được mời đến thăm phòng trưng bày tác phẩm của Tuấn ở Laguna Beach chúng ta mới thấy anh là một nhân tài, được hàng trăm ngàn khách yêu mỹ thuật tới chiêm ngưỡng những công trình sáng tạo của anh.
Ngày 21 tháng 9 vừa qua, một buổi lễ trang nghiêm đã diễn ra khi mặt trời đang ngả bóng tại bảo tàng viện Miranda, thành phố Laguna Beach, với sự tham dự của hơn 400 quan khách, hai bức tượng chiến sĩ Việt Mỹ, lần đầu tiên được ra mắt công chúng. Khi tấm màn phủ hai pho tượng vừa hạ xuống, tiếng vỗ tay reo hò thán phục làm cho mọi người hiện diện hân hoan. Lễ chào Quốc Kỳ Việt Mỹ được cất lên, ngay bên cạnh hai bức tượng làm cho mọi người xúc động.
Lời phát biểu của ông Frank Fry, người khởi công dự án Tượng đài nghe thật thấm thía: "Khi con em chúng ta trở về từ Việt nam, với bộ quân phục tả tới, thay vì được chào đón như những người hùng, dân chúng vô tình lại đối xử tàn nhẫn với họ, người quay mặt, kẻ nhổ nước miếng. Tôi nghĩ, tại sao chúng ta không dành cho họ một sự kính trọng và tưởng nhớ sự hy sinh cao cả khi phục vụ lý tưởng tự do. Từ đó, tôi quyết tâm, bằng mọi giá phải hoàn thành đài tưởng niệm những người đã nằm xuống ngay nơi tôi đã vươn lên".
Bên cạnh bố mẹ, điêu khắc gia Tuấn Nguyễn thật xúc động: "Cám mẹ cha, cám ơn nước Mỹ, cám ơn thành phố Laguna Beach đã đón nhận anh như một cư dân và đặc biệt, cám ơn những chiến sĩ Việt Mỹ đã hy sinh tánh mạng để ngày nay anh có cơ hội ghi nhận công ơn họ".
Qua một cuối tuần cư dân và khách yêu mỹ thuật viếng Laguna Beach có dịp chiêm ngưỡng tượng hai chiến sĩ Việt Mỹ. Sáng thứ hai ngày 23 tháng 9, hai bức tượng đã được di chuyển về thị xã Westminster. Khoảng 12 giờ trưa hai bức tượng mới được xếp đặt vào đúng vị trí vĩnh cửu, vài giờ sau tượng sẽ được phủ lại chờ ngày khánh thành chính thức sẽ được loan báo sau.
Trong niềm xúc động nhìn thấy thành quả của tượng đài, chúng tôi thiết tha mời đồng hương đến với anh chị em nghệ sĩ trong Đại nhạc hội "Tạ ơn Chiến sĩ tự do" kỳ hai, được tổ chức vào ngày 24 tháng 11, 2002 ngay tại công viên tự do, đóng góp phần ngân khoản cuối cùng để hoàn thành tượng đài Việt Mỹ tại thủ đô tị nạn Westminster, California.
CNN.
Phía sau hầm ống nước và dây điện
Thiết kế cho Lư Hương và Lữa thiêng
Jeep M151A1 Recon Team 723 - Nha Kỹ Thuật QLVNCH
Phía bên hông, trồng hoa hồng
Bệ và thác nước
Tượng Đài đem về từ Laguna, California
Phía mặt tiền của Tượng Đài
Thiết kế trên xe kéo
Chuẩn bị cho lể khánh thành
Khán Đài dành cho lễ khánh thành Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ phía bên hông Phải
Khán Đài thiết kế trên bải Đậu xe
Khán Đài nhìn vào từ bải đậu xe phía sau
Tượng hai Quân Nhân VNCH và Hoa Kỳ vừa gắn xong, chưa có cột cờ
Ngày Khánh Thành Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ
Tin Anaheim – Nha Kỹ Thuật không phải là trường kỹ thuật Cao Thắng, cũng không phải trường đại học kỹ sư Phú Thọ, hoặc trường Kiến Trúc Sư tại Việt Nam trước 30 tháng Tư năm 1975. Nha Kỹ Thuật là tên gọi một đơn vị khiêm nhường về quân số nhưng hãnh diện về công tác vĩ đại thuộc lãnh vực phá hoại và tình báo của Quân Lực VNCH. Những “bóng ma biên giới” là danh từ ám chỉ những người lính vô danh thuộc đơn vị Nha Kỹ Thuật mà dân chúng thường biết như là chiến sĩ Lôi Hổ. Một đơn vị ưu tú của QLVNCH được thành lập cách đây 46 năm. Được thành lập năm 1964 với sự huấn luyện và yểm trợ tối đa của các đơn vị cố vấn Hoa Kỳ nhưng tổ chức rất bí mật và khiêm nhường. Từ những đơn vị Liên đoàn 77, đến Biệt Kích Nhảy Bắc cuối cùng là những toán hoạt động được gọi Sở dưới danh xưng Nha Kỹ Thuật như Sở Bắc, Sở Công Tác, Sở Phòng Vệ Duyện Hải, Sở Không Yểm, Sở Tâm Lý Chiến …v…v… Độc giả muốn biết thêm chi tiết về đơn vị bí mật này và đã để lại nhiều chiến sĩ can trường trong lòng đất mẹ vui lòng vào đọc trang blog tại mạng điện tử: http://loiho.blogspot.com/ Chiều thứ Sáu 28/5/2010 một buổi lễ truy điệu Chiến Sĩ Trận Vong được tổ chức với sự hiện diện dân cử duy nhất là Nghị viên Frank Fry và phu nhân. Mặc dù Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ đang trong thời kỳ tu bổ và sửa sang. Nguyên tắc không được xử dụng. Nhưng với sự can thiệp của Phó Thị Trưởng Frank Fry cũng là chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Việt Mỹ buổi lễ đã được cử hành trong trang nghiêm với hàng trăm các chiến sĩ Lôi Hổ và gia đình, những cánh dù bạt gió muôn phương từ khắp 4 phương trời 10 phương hướng, mỗi 2 năm tụ tập về tham dự Đại Hội có cơ hội đặt vòng hoa Tưởng Niệm những đồng đội kém may mắn. Năm này đại hội đã bầu chọn Lôi Hổ Đoàn Hữu Định từ Virginia lên làm Tổng Hội Trưởng thay thế chiến hữu Võ Tấn Y (Hội trưởng Dallas) đã mãn nhiệm sau 2 nhiệm kỳ gánh vác. Buổi tối cùng ngày Đại Hội đã thu hút gần 700 Lôi Hổ gia đình, thân hữu, và các hội đoàn cựu quân nhân đặc biệt là những phi đoàn trực thăng được biệt phái hoạt động riêng cho Nha Kỹ Thuật trong các phi vụ thả toán, bốc toán và yểm trợ nổi tiếng như phi đoàn 219, 215 …v..v… Chương trình kéo dài với những nghi lễ khai mạc chào Quốc Kỳ Việt Mỹ, Mặc Niệm và phần truy điệu Chiến Sĩ Trận Vong đầy cảm động. Lôi Hổ Võ Văn Hương đã hoàn tất một hộp gỗ lưu động cao 6 ft, dài 4 ft và ngang 3 ft, không ai biết là gì ngoại trừ 2 mặt hông là danh sách các Lôi Hổ và cố vấn đã hi sinh, mặt trước là một bảng màu đen chữ trắng “Tổ Quốc Ghi Ơn, Đồng Đội Thương Tiếc.” Bên trong là hình tượng người chiến sĩ Lôi Hổ trong quân phục nhảy toán với vũ khí trang bị đặc biệt của đơn vị Lôi Hổ, Nha Kỹ Thuật. Khi cử hành lễ truy điệu thì bức tượng được máy điều khiển đưa nhô lên từ bên trong hộp bằng máy, lúc đó mọi người mới biết đó là hình ảnh năm xưa người “chiến sĩ vô danh”. Dù quỳ gối trong thế tác chiến mà chiều cao gần đụng trần nhà. Cùng với hệ thống phun khói làm khung cảnh càng thêm thê lương cảm động. Xem trọn bộ hình ảnh tại đây: http://kbchaingoai.iboards.us/viewtopic.php?t=1829 Trong không khí âm u tối đen của nhà hàng Seafood Kingdom, với bài văn tế Chiến Sĩ Trận Vong của truyền thống trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, quan khách không khỏi bùi ngùi thương xót cho thân phân người chiến sĩ Lôi Hổ nói riêng và QLVNCH nói chung. Mặt trước của kỳ đài là một pano màu đen chữ trắng: “Tổ Quốc Ghi Ơn, Đồng Đội Thương Tiếc.” Hai bên sân khấu treo 2 tấm liễn nền vàng chữ đỏ:
“Nhớ thuở thanh xuân, Ôi một thời ngang dọc, Nay tuổi về chiều, Ôn lại chiến công xưa”
Phông sân khấu là tấm bảng lớn vẽ những chiếc trực thăng đang bay thả toán biệt kích Lôi Hổ trong những rừng núi âm u. Chủ tọa buổi lễ hôm nay là cựu Đại tá Liêu Quang Nghĩa đến từ Houston Texas. Chương trình rất dài với nhiều tiết mục như: vinh danh các quả phụ của Biệt Kích Lôi Hổ, đọc diễn văn của vị chủ toạ, phần tâm sự của cựu Thiếu tá Lê Hữu Minh (17 năm tù,) Biệt Kích Nguyễn Hùng Trâm người huấn luyện viên từ những ngày thành lập, luôn gắn bó với binh chủng cho đến giờ phút cuối 30/4/1975 và đi tù. Nay đã trở thành phế nhân di chuyển bằng xe lăn vì tuổi đời đã cao. Chương trình văn nghệ với sự mở đầu của Ban Tù Ca Xuân Điềm, ca sĩ Trúc Mai đến từ San José, Phượng Khanh, Lệ Hằng, Vân Khanh, và các ca sĩ cây nhà lá vườn. Mọi người chia tay ra về lúc 12 giờ khuya với những bịn rịn quyến luyến sau lời hẹn gặp nhau trong Đại hội kỳ 9 tháng 7 năm 2012 tại Oregon, Portland. ===Đêm Tưởng Nhớ Mẹ Việt Nam Của Các Chiến Sĩ Lôi Hổ Thanh Phong/Viễn Đông
ANAHEIM. Với chủ đề “Đêm Tưởng Nhớ Mẹ Việt Nam” , Đại Hội Nha Kỹ Thuật kỳ VIII diễn ra vào dịp lễ Chiến Sĩ Trận Vong, tổ chức tại Seafood Kingdom Chinese Restaurant số 9802 Kattela Avenue , thuộc thành phố Anaheim vào tối Chúa nhật, ngày 30 tháng 5 vừa qua đã để lại ấn tượng thật tốt đẹp cho những người hiện diện; Trang trọng, xúc động và thắm tình huynh đệ chi binh . Hơn 600 chiến sĩ thuộc Nha Kỹ Thuật, thường được gọi là Lực Lượng Biệt Kích Dù hay Biệt Kích Lôi Hổ từ khắp nơi trên thế giới đã có mặt với quân phục chỉnh tề . Tuy đã gặp nhau từ một hai ngày trước, nhưng tối nay, trước giờ khai mạc, họ đã tập trung phía ngoài nhà hàng, tay bắt mặt mừng và thăm hỏi nhau rối rít như sợ không còn đủ thời gian cho lần gặp gỡ cứ hai năm mới tái diễn một lần. Ngay phía trong cửa chính nhà hàng, chiến hữu Lê Minh túc trực bên tấm bản đồ Việt Nam do ông thực hiện; Trên tấm bản đồ này ghi những địa điểm các toán Biệt Kích đã đổ quân, hầu hết ngay trong lòng đất địch, từ bờ Băùc Bến Hải đến sát biên giới Việt – Trung.Nhiều chiến hữu tay chỉ vào tấm bản đồ miệng nói với chúng tôi: “Đây là chỗ tôi “đáp” đó anh. Sân khấu nhà hàng được ban tổ chức trang trí bằng một tấm phông khá lớn vẽ hình chiếc trực thăng UH1 đang trong tư thế đổ quân. Hai bên sân khấu có câu đối:
“Nhớ thuở thanh xuân một trời ngang dọc Nay tuổi xế chiều ôn lại chiến công xưa”
Vào phía trên sân khấu, một tấm biểu ngữ ghi chủ đề của Đại Hội kỳ VIII “Đêm Tưởng Nhớ Mẹ Việt Nam”như nhắc nhở các đồng đội Lôi Hổ: Đêm nay, đêm nhớ về Mẹ Việt Nam, người mẹ đang ấp ủ thân xác của những người con Lôi Hổ đã bỏ mình nơi rừng núi âm u miền Việt Bắc hay đang cưu mang thân phận đoạ đày của những người con Biệt Kích sống lây lất, sống vất vưởng trong xã hội ngục tù cộng sản Việt Nam! Sau một thời gian khá lâu, ban tổ chức lúng túng không tìm được phương cách giải quyết cho hơn 600 người có mặt vì hầu như các bàn đã chật kín người, cuối cùng đành kêu gọi các chiến hữu Lôi Hổ đứng, nhường chỗ ngồi cho khách. Nghi thức khai mạc diễn ra trang trọng; các chiến sĩ Lôi Hổ trong quân phục chỉnh tề đứng hai hàng chào đón tóan rước Quốc, Quân kỳ vào vị trí hành lễ. Mọi người cùng đồng ca bản quốc ca Việt Nam Cộng Hòa và cô Bích Trâm hát quốc ca Hoa Kỳ. Giây phút tưởng niệm thật bùi ngùi, xúc động. Trong âm thanh của tiếng gió hú, tiếng động cơ trực thăng từ xa vọng lại, nhỏ dần, nhỏ dần rồi một âm thanh kỳ lạ phát ra bỗng từ trong đài tưởng niệm đặt phía trước khán đài, một bức tượng chiến sĩ Biệt Kích Lôi Hổ từ từ nhô lên trong làn khói mờ ảo cùng với tấm bảng “Tổ Quốc Ghi Ơn, Đồng Đội Thương Tiếc”. Trong lúc đó 5 chiến sĩ Biệt Kích Lôi Hồ trong quân phục tác chiến tái diễn lại cảnh đổ quân vào lòng đất địch, tay ôm ghì khẩu súng, tai nghe ngóng và đôi mắt hướng về phía trước chờ đợi..cùng lúc, giọng trầm buồn của người xướng ngôn đưa mọi người về núi rừng âm u miền Bắc, nơi nhiều chiến sĩ Lôi Hổ đã anh dũng nằm xuống trong lòng đất Mẹ Việt Nam, và nhiều người khác chịu cảnh đọa đày, tức tưởi trong các trại tù khổ sai dưới chế độ Cộng sản bạo tàn! Giây phút cảm động trôi qua, Ban tổ chức giới thiệu quan khách và các niên trưởng trong ngành có mặt. Về phía quan khách, chúng tôi thấy có ông Nguyễn Văn Tánh, Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Hoa Kỳ, Luật sư Nguyễn Xuân Nghĩa, Chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam, Ông Vũ Quang Ninh, Tổng Giám Đốc Little Saigon Radio, Hồn Việt và Việt Tide,Chiến hữu Trần Quang An, Cố Vấn Tập Thể Chiến Sĩ VNCH hải ngoại, Chiến hữu Phan Tấn Ngưu, Chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, Tổng Hội Trưởng Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia, Chiến hữu Hải Quân Đặng Thanh Long; Thiếu tá Hải Quân Hoa Kỳ Phan Vĩnh Chinh và đại diện các Hội Đoàn, Binh chủng bạn. Ban tổ chức cũng trịnh trọng giới thiệu các Qủa phụ tử sĩ Nha Kỹ Thuật hiện diện. Một số Niên trưởng Nha Kỹ Thuật và ông Vũ Quang Ninh được mời lên niệm hương trước bàn thờ. Cựu Đại tá Liêu Quang Nghĩa, Nguyên Chỉ Huy Trưởng Sở Liên Lạc – Nha Kỹ Thuật, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH đọc một bài diễn văn rất cảm động và xúc tích, nói lên tất cả những gì mọi người muốn biết về người chiến sĩ Biệt Kích Lôi Hổ Nha Kỹ Thuật. Niên trưởng Liêu Quang Nghĩa bắt đầu bằng 4 câu thơ trích từ bài “Anh Hùng Vô Danh” của thi sĩ Đằng Phương tức cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy:
“Họ là những anh hùng không tên tuổi Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh Nhưng can đảm và tận tình giúp nước”
để xưng tụng những chiến sĩ Việt Nam đã âm thầm hiến thân vào công trình kiến quốc và báo quốc. Sau đó ông nói: “Ví như ai có hỏi tôi: “Thế những Anh Hùng Vô Danh của QLVNCH là ai? Thì tôi xin thưa rằng: “Họ rất đông, nhưng tiếc là tôi không được biết hết và nhiều về họ”. Nhưng nếu ai có hỏi: ‘Thế những Anh Hùng Vô Danh của Nha Kỹ Thuâït là ai? Thì tôi có thể thành khẩn trình rằng: “Họ cũng rất đông và tôi có biết được khá nhiều về họ.” Vậy các anh hùng Nha Kỹ Thuật là ai? Họ là những thanh niên khẳng khái đứng lên đáp lời sống núi, khi đất nước bị cường địch xâm lấn. Họ tình nguyện hiến thân dưới cờ, khi quân đội cần sự đóng góp máu xương của công dân Việt Nam Tự Do. Họ đã trải qua thời kỳ huấn luyện thật kỹ càng để trở thành những chiến binh đa năng, kiến hiệu. Họ biết xử dụng hầu hết các loại vũ khí thông dụng và đặc biệt, hầu hết các trang bị và dụng cụ với kỹ thuật tân kỳ. Họ được huấn luyện nhảy dù điều khiển từ các cao độ, họ còn học cách xâm nhập đất địch bằng không vận và hải vận. Họ còn phải học cả cách sống trong đất địch, hội nhập với dân của địch, sống trong cõi địch một cách tự nhiên, lọt qua tầm mắt kiểm soát và truy lùng của địch. Hơn thế nữa, một số được chỉ định công tác tại nước ngoài với nhiệm vụ sưu tập tin tức quân sự. Họ được tuyển chọn trong thành phần ưu tú, giữa các chiến binh tinh hoa của Nha Kỹ Thuật, chuẩn bị hành trang và tinh thần, sẵn sàng nhận lệnh lên đường. Họ thật sự thành những Chiến Sĩ Vô Danh, hay trang trọng hơn, họ thành những Anh Hùng Vô Danh khi họ từ bỏ tên – họ, số quân và lý lịch. Đề cập đến những nơi chốn người chiến sĩ Lôi Hổ đặt chân đến và nhiệm vụ của họ, Niên trưởng Liêu Quang Nghĩa nói: “ “Nơi họ đến, họ chỉ biết tọa độ tùy theo nhiệm vụ được giao phó, không được biết thêm chi tiết nào khác, có khi cả địa danh. Khi công tác hoàn thành, có người đã hy sinh, có người được trở về, và trong những người được trở về, có một số đang hiện diện với chúng ta trong buổi họp mặt hôm nay. Những công tác của họ, ngoài cấp chỉ huy hữu nhiệm của Nha Kỹ Thuật, không ai biết họ đã làm gì, ở đâu, thành qủa ra sao và hậu qủa như thế nào? Nếu họ sa cơ lọt vào tay địch, họ không được đối xử như tù binh, vì Quân Đội nào sẽ nhìn nhận họ? Họ không được truy cứu như người mất tích, vì Quốc Gia nào có danh tánh và số quân làm chứng tích để can thiệp cho họ. Và nếu rủi ro hơn nữa, họ ngã gục trước mũi đạn quân thù thì xác họ thành tử thi vô danh, vô chủ! Họ là ai? Họ là những Chiến Sĩ Vô Danh, đã hy sinh bảo vệ miền Nam tự do suốt cuộc chiến dài. Đã có nhiều người nằm xuống trong cõi địch. Có nhiều người còn bị địch giam cầm, có thể còn có những người đang tiếp tục sống trong lòng địch, tiếp tục cộng tác trong hình thức khác với niềm tin sắt đá bảo vệ chính nghĩa quốc gia. Vị niên trưởng Nha Kỹ Thuật cũng không quên nhắc đến sự tận tụy hy sinh của những người phục vụ bí mật nơi hậu phương như các anh em Sở Tâm Lý Chiến với những cống tác đánh lừa địch trong chương trình phát thanh “Gươm Thiêng Ái Quốc” , những người Cộng sản Đông Dương trong đài Cờ Đỏ và Đài Tiếng Nói Tự Do.. Đại tá Liêu Quang Nghĩa nhấn mạnh: “Khơi trào dĩ vãng hôm nay không phải là khuấy động tro tàn. Khơi trào dĩ vãng hôm nay là nhen nhúm lửa thiêng để nung nấu niềm tin vào tương lai sáng lạn của một nước Việt Nam Tự Do, trong đó sẽ có vị trí xứng đáng cho những Anh Hùng Vô Danh Nha Kỹ Thuật. Nhắc đến họ hôm nay là làm sống lại nếp sống kiêu hùng của các chiến hữu của chúng ta đã hy sinh cho chính nghĩa quốc gia. Cuối cùng, hướng về các đồng đội, Đại tá Liêu Quang Nghĩa thành khẩn: “Trong khi chúng ta họp nhau ở đây để khơi trào dĩ vãng thì ở quên nhà vẫn còn có những chiến binh Nha Kỹ Thuật, đang tiếp tục công tác đấu tranh cho quốc gia và dân tộc, dưới những hình thức khác và việc làm khác, vì họ đinh ninh rằng chúng ta không quên họ – chưa bao giờ quên họ. Xin anh em Nha Kỹ Thuật có mặt ở đây cùng tôi im lặng một giây, kính cẩn nhớ đến họ, dù họ hiện còn hay đã khuất.” Bài diễn văn của đại tá Liêu Quang Nghĩa được nồng nhiệt đón nhận bằng một tràng pháo tay rất lâu. Tiếp đến là phần nghi thức trao hiệu kỳ giữa cựu và tân Tổng Hội Trưởng. Niên Trưởng Đại tá Liêu Quang Nghĩa nhận hiệu kỳ đơn vị từ cựu Tổng Hội Trưởng Võ Tấn Y để ông trao lại cho tân Tổng Hội Trưởng Đoàn Hữu Định trong tiếng vỗ tay vang rền của các chiến hữu. Nhạc sĩ Xuân Điềm và Ban Tù Ca Xuân Điềm đã làm cho không khí Đại Hội trở nên sôi động khi đồng ca nhạc phẩm “Vòng Hoa Thương Tưởng”, thơ Phương Lâm, nhạc sĩ Lê Dinh phổ nhạc. Nhạc phẩm thứ hai, Ban Tù Ca Xuân Điềm trình bày là nhạc phẩm “Chiến Sĩ Vô Danh”. Theo lời đề nghị của chiến hữu Phạm Hòa MC của Đại Hội, tất cả các chiến hữu Lôi Hổ cùng bước lên sân khấu và một số đông phải đứng phía dưới, đồng thanh hát bài ca ngợi Chiến Sĩ Vô Danh. Hàng trăm tiếng hát oai hùng cất lên hùng tráng khiến MC Phạm Hòa sau đó phải thốt lên: “Chưa bao giờ anh em Nha Kỹ Thuật có được một giây phút biểu lộ khí thế hùng hồn như hôm nay” Thay mặt ban tổ chức, MC Phạm Hòa cám ơn nhặc sĩ Xuân Điềm và anh chị em nghệ sĩ trong Ban Tù Ca, những người luôn đem tiếng hát đấu tranh đi khắp nơi chống bạo tàn cộng sản. Đại Hội Nha Kỹ Thuật kỳ VIII bước sang phần ẩm thực và văn nghệ với nhiều ca sĩ tên tuổi như Mai Ngọc Khánh, Phương Hồng Quế, Trúc Mai v.v.. và kéo dài đến gần nửa đêm mới kết thúc sau lời cảm tạ của ban tổ chức. Mọi người chia tay, hẹn nhau tái ngộ vào Đại Hội kỳ IX sắp tới./
Hàng chữ ghi phía trước Tượng 2 người lính .
Lễ Khánh Thành Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ vào ngày 27 tháng 4 năm 2003 vào lúc 11 giờ sáng
Vòng Hoa Chiến Sĩ Trận Vong Nha Kỹ Thuật
Lễ Tưỡng Niệm Anh Linh Tữ Sĩ Nha Kỹ Thuật
Mr. Frank Fry cùng Bà Thị Trưởng thành phố Westminster, CA tham dự lễ Truy Điệu Anh Linh Tử Sĩ Nha Kỹ Thuật
Lể Treo Quốc Kỷ VNCH và Hoa Kỷ từ Chiến Trường IRAQ
Westminster (Nguyễn Ngân) -- Khoảng 20 ngàn đồng bào đa số là người Việt đã tham dự buổi lễ khánh thành Tượng Đài Việt Mỹ tại thành phố Westmister vào lúc 11 giờ trưa ngày 27 tháng 4 năm 2003. Gạt ra ngoài tất cả trở ngại chung quanh việc xây dựng tượng đài từ trước tới nay, ngày 27 tháng 4 năm 2003 quả thật là một ngày hội lớn, được đồng hương ủng hộ và tham dự một cách đông đảo và trật tự chưa từng thấy. Buổi lễ ngoài tính cách nghi lễ nghiêm trang, với nhiều tràng pháo tay, tiếng la hét cổ võ, người ta cũng chứng kiến rất nhiều lần và của rất nhiều người đã rơi lệ trong suốt chương trình. Trước khi tường trình chi tiết, xin nói ngay tất cả nhân vật được mời lên phát biểu đều viết bài nói chuyện trên giấy và được hai MC Nam Lộc cùng Leyna Nguyễn chuyển dịch một cách nghiêm túc, cũng ghi sẵn trên giấy, khiến người tham dự đều cảm nhận được tất cả chi tiết cùng những ý tưởng của diễn giả một cách trọn vẹn. Hầu như tất cả bài diễn văn nào cũng khiến người nghe xúc động (và cũng chứng tỏ sự kính trọng của diễn giả đối với gần 20 ngàn người đang lắng nghe). Trước khi buổi lễ bắt đầu một phi cơ đã kéo lá đại kỳ màu vàng ba sọc đỏ bay 3 vòng trên khu vực hành lễ và sau đó giữa buổi lễ. Ba trực thăng kiểu CH-46 và 1 chiếc kiểu HUIB (loại từng tham chiến tại Việt Nam) bay lượn nhiều vòng trên khu vực chào mừng khách tham dự. Mở đầu ông Craig Mandeville đã nói, "Tiểu Bang California là nơi có số chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam tử trận nhiều nhất (5515 người). Thành phố Westminster cũng là nơi có nhiều người Việt tỵ nạn nhất.Trước khi giới thiệu Nam Lộc và cô Leyna Nguyễn điều khiển chương trình buổi lễ, ông đã nhắc lại câu nói bất hủ: "Chúng ta thù ghét chiến tranh! Nhưng chúng ta luôn yêu mến những chiến binh anh hùng". Sau khi ngỏ lời chào mừng đồng hương, Nam Lộc và Leyna Nguyễn đã mời mọi người cùng nghiêm trang chào đón toán Quốc Kỳ của những quốc gia đã từng tham chiến bên cạnh QLVNCH cùng với một số Quân Kỳ của những binh chủng Việt Mỹ đã chiến đấu tại Việt Nam trước đây. Toán hầu kỳ do đại diện nhiều quân binh chủng Việt Mỹ tề chỉnh tiến vào khu vực lễ đài thành vòng tròn bao quanh chíếc đỉnh đồng mang kiểu dáng Việt Nam mà chốc lát sẽ được dùng để đốt lên ngọn lửa vĩnh cửu 24/24. Một vị tuyên úy thuộc binh chủng Hải Quân Hoa Kỳ đã lên đọc lời chúc lành ngắn gọn trước khi buổi lễ chính thức bắt đầu. Vì danh sách quan khách quá dài nên Nam Lộc và Leyna Nguyễn chỉ đọc lên một số tên khách danh dự đặc biệt thuộc liên bang, tiểu bang và các thành phố như: Westminster, Garden Grove, Santa Ana, Huntington Beach..v..v..và yêu cầu mọi người cùng vỗ tay chào mừng tất cả đồng hương chẳng những là chỉ tại Nam Cali mà trên nhiều tiểu bang và trên thế giới về tham dự. Dĩ nhiên người đầu tiên là bà Thị trưởng Westminster Margie Rice. Bà đã không giấu được xúc động khi phát biểu, mọi người đồng loạt đứng lên khi bà nói: "Thành phố Westminster rất vinh dự được chọn là nơi xây dựng tượng đài." Sau bà Rice là ông Frank Fry, người đã khởi xướng và vận động xây dựng khu vực tượng đài. Ông đã vinh danh tất cả mọi người. Ông xác nhận là đa số công trình này đã được xây dựng lên bởi những người Mỹ gốc Việt. Để kết luận sự biết ơn và vinh danh những chiến binh Việt Mỹ ông đã đọc nguyên văn câu văn được khắc dưới chân tượng đài: "Chúng ta rất khó tìm được những vị anh hùng. Nhưng nếu chúng ta hiểu được ba chữ: Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm. Thì các bạn không cần phải tìm kiếm đâu xa. Chúng ta hãy nhìn ngay những người đã và đang chiến đấu để bảo vệ cho Tự Do và Dân Chủ". Người Việt Nam đầu tiên trong số các nhân vật được mời là Chánh Án Nguyễn Trọng Nho. Trong tư cách là một chánh án của tòa án Mỹ và trong tinh thần của một cựu sĩ quan QLVNCH, Chánh án Nho đã gây nên niềm xúc động và làm rơi lệ nhiều người khi nhắc lại quá trình gian khổ của cả một dân tộc: "58000 người Mỹ đã nằm xuông mà tên tuổi họ đã được ghi khắc trên tường kỷ niệm tại Hoa Thịnh Đốn, bao trăm ngàn chiến sĩ VN mà hình ảnh đã vĩnh viễn in sâu vào tâm khảm của những người Việt yêu tự do trên khắp thế giới... Con đường hy sinh của họ đầy giẫy nước mắt và gian khổ với những nỗi kinh hoàng gây nên bởi sự tàn ác của kẻ thù...Mỗi giọt máu mà họ nhỏ xuống đã tự viết lên những lâu đài tưởng niệm cho mục đích cao cả mà họ phục vụ: Bảo Vệ Hòa Bình và Tự Do cho miền Nam Việt Nam. Nhân vật phát biểu kế tiếp cũng đã làm nhiều người cũng như chính diễn giả phải bật cười nhưng sau đó lại khóc trước micro khi nhắc lại những hình ảnh mà bà còn ghi nhớ lại trong trí tưởng là cựu điều dưỡng viên Eileen C. Moore. Trong chiến tranh VN, bà phục vụ tại bệnh viện dã chiến Quy Nhơn từ năm 1966 và trong một thời gian khá dài (hiện nay bà là một thẩm phán). Người Việt Nam kế tiếp theo bà Moore là cựu Trung Tướng Lâm Quang Thi cũng là một thành viên trong ủy ban xây dựng tượng đài. Khác với mọi người, cựu tướng Thi đã không có diễn văn viết sẳn mà chỉ xuất khẩu để vinh danh các chiến sĩ tự do bằng hai ngôn ngữ Việt Mỹ. Trong bài văn xuất khẩu, cựu tướng Thi đã dẫn dắt người nghe đi vào nhiều vấn đề thuộc nhiều thời gian và không gian khác nhau của quá khứ cũng như hiện tại kể cả chuyện kêu gọi chống lại sự độc tài khủng bố. Ông cũng được nhiều anh chị em cựu quân nhân vỗ tay hoan hô nhiều lần. Nhân vật phát biểu sau cùng là cựu tướng Walter F. Ulmer,Jr. Ông từng phục vụ 2 nhiệm kỳ tại VN (65-66 và 72-73) trong chức vụ cố vấn Sư Đoàn và cố vấn phái bộ Quân Sự Mỹ tại VN. Bài diễn văn của ông cảm động và hào hùng bị ngắt quãng nhiều lần bởi những tràng pháo tay của người tham dự. Ông thẳng thắn nói rằng: "HK đã không giữ đúng lời cam kết tại chiến trường... Hoa Kỳ phải có trách nhiệm với đồng minh của mình là Việt Nam..." Ông nói tiếp: Buổi lễ tưởng niệm của chúng ta hôm nay là sự can đảm đối đầu, nhìn thẳng vào công lý, tự do và hòa bình. Để kết luận ông cho rằng dù nói gì đi nữa mà một quốc gia không mang lại công lý, tự do cho dân chúng thì cũng không nghĩa lý gì... Sau đó là lễ thượng kỳ chính thức lên kỳ đài. Người được vinh dự kéo lá cờ VNCH là cựu thiếu tá Ngô Giáp qua lời ca của nữ ca sĩ Ngọc Minh (xuất hiện dưới quân phục của "Hạ sĩ nhất danh dư"(thuộc binh chủng Nhảy Dù). Đồng bào đều rưng rưng nước mắt hát theo Ngọc Minh. Tiếp đến là Quốc ca Hoa Kỳ và Quốc Kỳ Hoa Kỳ được kéo lên, bên dưới có kèm theo lá cờ đen của cựu chiến binh HK. Tiếp theo là phút tưởng niệm qua tiếng hắc tiêu của nhạc sĩ Mã Đình Sơn. Nhiều đồng bào đã tự động quỳ xuống tại sân cỏ chấp tay hướng về tượng đài cho đến hết bài tưởng niệm của Hoa Kỳ qua tiếng kèn đồng của 2 Binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. Nhiều đồng bào đã nức nở vì tưởng nhớ lại Cha-Anh-Chồng-Con của mình đã bỏ mình trong chiến cuộc. Giờ đây danh dự của họ đã được công nhận, tư cách của người chiến sĩ VNCH và các Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ đã được nhớ tới. Trong giây phút đầy cảm xúc này hơn 20 ngàn con người cùng hướng về 2 pho tượng đồng và 3 lá cờ mà vì nó, những người thân yêu của họ đã không tiếc gì sinh mạng của chính mình. Ca nhạc sĩ Amy Jo Ellis cũng gây nhiều cảm động với bài "Two Soldiers". Ca Đoàn Ngàn Khơi với tác phẩm bất hủ "Chiến Sĩ Vô Danh" và kết thúc chương trình nhạc tưởng niệm là ban nhạc kèn hơi Ái Nhĩ Lan với bài Chiêu Hồn. Sau cùng tất cả các vị Tu sĩ đại diện Công Giáo, Phật Giáo, Hòa Hảo, Cao Đài đã cùng ban tổ chức đến trước tượng đài cùng cầu nguyện. Buổi lễ chấm dứt sau hơn 1 giờ 30 phút trưa, nắng chói chan nhưng đồng bào không ai ra về mà vẫn ở lại kiên nhẫn sắp hàng dài chờ đợi được vào thắp hương trước hai bức tượng đồng sừng sững chung quanh được bao bọc bởi hàng hàng lớp Quân Kỳ của các Quân Binh Chủng Việt Mỹ.
Sau đây là 2 tấm hình kỷ niệm chụp trong buổi lễ khánh thành Tượng đài Việt Mỹ tại Sid Goldstein Freedom Park thị xã Westminster ngày 27 tháng 4 năm 2003.
Trong hình từ trái qua phải: Nguyễn-huy Hùng (K1), Lê Như Hùng (K14) tác giả bài hát Võ bi hành khúc của Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam.
Hình tại khán đài chính, từ trái qua phải,
Hàng đầu: Đô Đốc Trần văn Chơn, Thiếu Tướng Lý Tòng Bá, Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị, Thiếu Tướng Trần văn Nhật (mặc quân phục và phu nhân),
Hàng kế sau: Chuẩn Tướng Lê văn Thân, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo (bị che lấp bởi đầu Tướng Bá), Đốc sự hành chánh Vương Quốc Quả, Đại Tá Nguyễn-Huy Hùng.
Hình trên, toán Quân Kỳ các Quốc gia Đồng Minh tham dự cuộc chiến tại Việt Nam và Quân Kỳ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Hình dưới, Một trong các khán đài phụ 2 bên khán đài chính, Tại khán đài này được tập trung các cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa mặc quân phục các Binh chủng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
(Nhật tu 03-06-2012)
Lễ Truy Điệu cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ Westminster
Công Viên Frank G. Fry tại thành phố Westminster, California
Ðời sống người Việt khắp nơi (17-04-2003)
2003-04-17
Bấm vào đây để nghe bản tin này
Rightclick to save target as this audio
Thanh Trúc Kính chào quí vị, chỉ còn hai tuần nữa, người Việt hải ngoại sẽ kỷ niệm 28 năm tha hương, nhưng trước đó ba ngày, tức 27 tây tháng Tư, người Mỹ gốc Việt tại thủ đô tị nạn ở tiểu bang California sẽ hân hoan chứng kiến lễ khánh thành Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, toạ lạc cạnh Little Saigon, khu thương mại sầm uất của người Việt tị nạn.
Vì đâu và do đâu mà Westminster có được một tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ hiên ngang giữa lòng Freedom Park, tức Công Viên Tự Do, như vậy. Nếu đây chỉ đơn thuần là nổ lực đơn độc của cộng đồng người Việt tị nạn thì liệu tượng đài có thành hình không ? Đó là những câu hỏi mà Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi mong ứơc được trình bày đến quí vị đang nghe đài tối nay.
Thưa quí vị, năm 1996, người đề xướng ý kiến xây dựng tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ là ông Frank Fry, thị trưởng thành phố Westminster lúc bấy giờ. Ông cho biết là dựa theo nguyện vọng của dân chúng và cử tri trong vùng, ông đã đề ra sáng kiến xây dựng một tượng đài chiến sĩ để tưởng nhớ những người lính chiến Việt Mỹ và đồng minh bỏ mình trong cuộc chiến Việt Nam. Đề nghị của ông Frank Fry được toàn thể nghị viên Hội Đồng Thành Phố Westminster chấp thuận.
Không lâu sau đó, một ủy ban hỗn hợp với sự tham dự của một số cựu tướng lãnh Hoa Kỳ và Việt Nam được lập ra để tuyển chọn mẫu tượng đài do nhiều điêu khắc xa Việt nam hợac Hoa Kỳ gởi tới dự thi. Kết quả điêu khắc gia Tuấn Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt sinh năm 1963, được toàn thể ủy ban đồng chọn để làm người thiết kê tượng đài.
Công tác đúc tượng khởi sự năm 1998 cho đến năm 2002 thì hoàn tất với bức tượng đồng hai chiến sĩ một Việt Nam một Hoa Kỳ vai kề vai cao khỏang ba mét, đứng trên bệ đài làm bằng đá cẩm thạch cao một mét rưỡi. Tượng đài được chính thức đặt tên là Việt nam War Memorial In Westminster.
Chi phí xây dựng tượng đài cũng như trang trí khu vực chung quanh đã lên đến hơn một triệu đô la, do dân chúng đóng góp mà phần lớn đến từ cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Nam California. Bên cạnh đó, thành phố Westminster cũng góp phần đáng kể bằng cách cống hiến một khu đất với diện tích hơn 7000 mét vuông , đồng thời tự trang trải mọi phí khỏan để tạo dựng Freedom Park, tức Công Viên Tự Do nơi Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ sẽ toạ lạc . Một sự kiện khác quan trọng hơn cả đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt là Hội Đồng Thành Phố Westminster thông qua một nghị quyết chính thức công nhận cũng như cho phép lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng duy nhất của người Việt tị nạn trong thành phố. Lá cờ vàng sẽ được treo vĩnh viễn trên tượng đài bên cạnh quốc kỳ Hiệp Chủng Quốc.
Đến đây quí vị cũng muốn hỏi Thanh Trúc là Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ và công viên Tự Do cách trung tâm Westminster bao xa? Xin được dành câu trả lời cho ca nhạc sĩ Nam Lộc, một trong những người đã bỏ rất nhiều công sức trong dự án xây dựng tượng đài, và cũng là người đã chuyển lời Việt hai nhạc phẩm Anh Ngữ của nhạc sĩ Lê Quang Anh, với tựa đề Tượng Đài Chiến Khúc và Đường Nào Đến Little Saigon mà quí vị đang nghe trong chương trình hôm nay. Xin mời ca nhạc sĩ Nam Lộc.
Đến đây, xin quí vị cùng Thanh Trúc làm quen với điêu khắc gia Nguyễn Tuấn. Là một nhà tạc tượng chuyên nghiệp với tác phẩm trưng bày tại hơn hai mươi gallery ở Hoa Kỳ, Nguyễn Tuấn nói anh rất muốn bày tỏ niềm vui vẫn còn đọng lại trong lòng khi biết bài dự thi của anh được ủy ban tuyển chọn mô hình tượng đài chấm đậu lúc ấy.
Vừa rồi là phần mạn đàm với tác giả của Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, điêu khắc gia Nguyễn Tuấn. Thưa quí vị, 28 năm lưu lạc ở xứ người, dù như đã lớn mạnh và dần dần trưởng thành về kinh tế cũng như ý thức về vai trò chính trị của mình trong xã hội của giòng chính, nhưng không phải vì thế mà cộng đồng Mỹ gốc Việt không gặp khó khăn trở ngại khi muốn tự khẳng định hoặc thể hiện vị trí của mình. Cũng vậy, Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ đã gặp nhiều chống đối thưở ban đầu trứơc khi được dựng lên dứơi ánh sáng mặt trời chói chang nóng ấm của thành phố Westminster.
Hồi tưởng lại những năm tháng đầu tiên khi dự án Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ được tung ra, ông Nguyễn Văn Chuyên, phụ tá thượng Nghị sĩ Joe Dunn thuộc quân hãt bao gồm thành phố Westminster.
Thưa quí vị, giờ thì mọi sóng gió đã qua, tượng đài đã hoàn tất, và cộng đồng Việt Nam thành phố Westminster , tại tiểu bang California nói riêng và khắp nơi trên đất Hoa kỳ nói chung có quyền hãnh diện về tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ này. Đây là biểu tượng đầu tiên trên thế giới về sự hợp tác và sự cưu mang mà người Mỹ dành cho người Việt tị nạn 28 năm nay.
Bây giờ Thanh Trúc kính mời quí vị bớt chút thời giờ và đi bằng những bứơc chân của người Việt từ Bolsa, từ Little Saigon kéo về chiêm ngưỡng Vietnam War Memorial In Westminster trong ngày lễ khánh thành tượng đài 27 tây tháng này nhé.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi xin kính chào tạm biệt quí vị ở đây. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.
Tượng Đài Việt Mỹ ở Westminster, CA Qua cách nhìn của khoa Phong Thủy.
Thứ năm - 19/04/2012 05:55
Tượng Đài Việt Mỹ ở Westminster, CA Qua cách nhìn của khoa Phong Thủy.
Hải Quân Bắc Việt đã chủ động tấn công trước vào các giang đỉnh của lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ đang tuần tiểu ngoài khơi vịnh Bắc Việt ngày 31 tháng 7 năm 1964 . Đó chính là lý do cần thiết mà chính phủ Hoa Kỳ đã nhiều năm chờ đợi để đưa quân vào tham chiến tại chiến trường Việt nam. Ngày 4 tháng 8 năm 1964, TT Johnson đề nghị Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận Nghị Quyết Vịnh Bắc Việt, The Gulf of Tokin Resolution, lên án hành động tấn công của Bắc Việt, thì các chiến sĩ của Không Lực Hoa Kỳ cũng đã nhảy vào vòng chiến.
Ngay sau đó, tại chiến trường Bình Giả, các lực lượng Bộ Binh Hoa Kỳ cũng phải đụng độ lần đầu với một lực lượng cộng quân cấp Trung Đoàn, được trang bị đầy đủ các loại vũ khí tối tân nhất của khối cộng sản. Thế nhưng, chiến sử của Quân Đội Hoa Kỳ thì ghi trận Ấp Bắc, cạnh Mỹ Tho, vào những ngày cuối của năm 1963 mới là trận đầu tiên người lính trận của Hoa Kỳ chiến đấu cùng một chiến hào với các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Ngay trận đụng độ đầu tiên, cho dù cộng quân bỏ lại hơn 100 xác tại chiến trường, nhưng 3 chiến binh Hoa Kỳ và 65 chiến sĩ của Quân Lực VNCH cũng đã ngã xuống. Cuối năm 1965 quân đội Hoa Kỳ đã đổ 184.300 quân vào chiến trường Việt Nam. Tháng 12, 1966 chưa kể đến trên 30.000 chiến sĩ của các biệt đội thuộc Lực Lượng Đặc Biệt và Dân Sự Chiến Đấu, số quân tăng vọt lên 385.300 người - Gần bằng với con số ở các thời điểm cao nhất - thuộc đủ cả 3 binh chủng Hải, Lục và Không Quân. Có phải vì Cộng Sản Bắc Việt đã vô cớ tấn công vào lực lượng Hải Quân, cho nên Hoa Kỳ phải ào ạt đổ gần nửa triệu quân, thuộc đủ các binh chủng vào chiến trường Việt Nam tham chiến để trả đũa, hay vì một lý do nào khác? Và, lý do tại sao các chiến sĩ của Quân Lực Việt nam Cộng Hòa đã anh dũng chiến đấu bên cạnh người Mỹ, để sau ngày 27 tháng 1 năm 1973, người Mỹ rút đi rồi mà họ vẫn phải kiên cưòng tiếp tục chiến đấu? Đọc lại “Người Mỹ và Chiến Tranh Việt Nam“, Vietnam Bibliography 2001, trang 92 và trang 202, tác giả Nguyễn Kỳ Phong ghi lại thì rõ biết : “..........John F Kennedy khi còn là Dân Biểu Quốc Hội nhân dịp viếng thăm Việt Nam vào tháng 11 năm 1951 trong một buổi họp tại tòa Đại Sứ Mỹ tại Saigòn đã luôn miệng hỏi tại sao người Việt chiến đấu bên cạnh người Pháp để Pháp giữ quê hương cho họ như là một thuộc địa? Tại sao chúng ta phải hùa theo người Pháp, một quốc gia đang cố gắng nắm giữ một tàn tích đế quốc ở Đông Dương? (Trang 92).
...........Mười năm sau, ở cương vị Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, Kennedy đã không ngần ngại tiết lộ rõ cho báo chí biết là ông đã quyết định ngăn chận ảnh hưỡng cộng sản ở ĐNÁ và sau khi được giới quân sự phân tích ưu và khuyết điểm của 2 chiến trường Lào và Việt Nam, Kennedy đã nói với Ngoại Trưởng Rusk là ông chọn VN vì VNCH quyết tâm chống cộng và sẽ chiến đấu. Việt Nam là mặt trận “. Đúng ! Việt Nam là một mặt trận Người chiến binh Hoa Kỳ đã đến Việt Nam không phải để gây chiến mà để nhằm ngăn chận ảnh hưởng cộng sản ở Đông Nam Á. Và, người Chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thì đã sát cánh cùng với các chiến sĩ của quân đội Hoa Kỳ rõ ràng là vì lý tưởng Tự do. Họ đã không chiến đấu bên cạnh người Mỹ để người Mỹ giữ quê hương cho họ như là một thuộc địa. Cũng đã hơn 30 năm rồi. Bao nhiêu người lính trận Hoa Kỳ đã ngã xuống trên đất Việt Nam? 58.156 người ? Trong đó bao nhiêu người đã chết và bao nhiêu người vẫn còn ghi nhận là mất tích ? Cho dù con số vẫn còn chưa dứt khoát. Là vì vẫn còn nhiều hình quả trám chưa được khắc đủ đậm trên 2 bức tường đá cẩm thạch đen Vietnam Veterans Memorial, trên công viên The National Mall tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn , để xác quyết tên người đã vĩnh viễn hy sinh. Nhưng dù sao thì các chiến sĩ của Hoa Kỳ vẫn cũng còn đỡ tủi, vì ít ra họ cũng còn được người dân Hoa Kỳ ưu ái dựng cho họ một Đài Tưởng Niệm ngay tại trung tâm Thủ Đô của đất nước họ. Còn hàng triệu chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sẽ không bao giờ có được một con số thống kê tin cậy là bao nhiêu người đã nằm xuống để bảo vệ cho quê hương và cho chủ nghĩa Dân Chủ -Tự Do. Đọc Nhớ Huế, trang 97, để nghe tác giả Phạm Thành Châu kể lại một trong hàng vạn mảng bi tráng của người lính chiến Quân Lực VNCH vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến “ ...........Sau này tôi mới biết, không phải chỉ riêng tôi, biết bao đơn vị hành chánh, cảnh sát , quân đội... cấp chỉ huy đã chạy đâu mất tiêu mà người chiến sĩ vẫn không rời vị trí chiến đấu cho đến khi gục chết vẫn không hề ân hận điều gì. Họ cảm thấy đất nước lâm nguy , bi đát đến độ chỉ biết đem thân ra chống đỡ một cách vô vọng, quên cả bản thân, cha mẹ, vợ con ..............” , Mồ hôi và Máu của triệu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã đổ xuống. Người Việt yêu chuộng Dân Chủ và Tự Do vẫn chưa quên được hình ảnh những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã không rời vị trí chiến đấu cho đến khi gục chết vẫn không hề ân hận điều gì! Vậy mà ngay trên quê hương của họ, người sống cũng không có đất để sống thì làm sao mà mong cầu cho được một tượng đài để kỷ niệm? Rõ biết như thế, thì mới có thể đồng cảm với những người Việt tha hương trên đất khách, cho dù gặp phải khó khăn đủ mặt, mà họ vẫn quyết tâm xây dựng cho bằng được một Tượng Đài Việt Mỹ tại Westminster, tiểu bang California Hoa Kỳ.
Sáng ngày 27 tháng 4 năm 2003, trên vạn người Việt yêu chuộng Tự Do các nơi đã đổ về để tham dự Lễ Khánh Thành Tượng Đài Việt Mỹ tại công viên Freedom Park, cạnh Tòa thị chính thành phố Westminster. Cờ Vàng Ba Sọc và cờ của Hoa Kỳ tung bay rợp cả khu Little Saigon và hình ảnh các cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa, hùng khí vẫn còn cao ngất, vào hàng thẳng tắp, nghiêm chỉnh chào kính, đã làm cho hàng ngàn người không cầm được nước mắt. Craig Mandeville, Phó Chủ Tịch Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ tại Orange County cũng hòa với lòng người Việt, hảnh diện cho rằng cho đến hôm nay, chưa có nơi nào có tượng hai chiến binh Việt Mỹ đứng bên nhau như ở Westminster. Người Việt yêu chuộng Tự Do ở khắp mọi nơi, bằng mọi cách, đã hằng bày tỏ lòng mình với đất nước, với huynh đệ chi binh. Tại vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, khu Eden, trước hành lang Phở Xe lửa, một số cựu chiến binh, vào những ngày cuối tuần, dù thời tiết có khắc nghiệt mấy, họ vẫn kiên nhẫn đứng bán lẻ từng tờ báo. Tiền lời thu được, phần lớn được chuyển về Việt Nam gởi tặng cho những gia đình thương phế binh VNCH. Khách thử ghé qua một lần, đọc vài lá thư từ Việt Nam gởi sang, thì lòng mới thấm nỗi khốn cùng của số cựu chiến binh đang còn tại quê nhà. Ngay cạnh khu thương mại Little Saigon hàng ngày vẫn biết bao người âm thầm chắt chiu gom góp, có được ít nhiều là họ gởi về cho trẻ em mồ côi và các gia đình nghèo khó, chỉ vì cha hoặc chú của các gia đình nghèo này một thời là chiến sĩ chống cộng. Anh Thanh Lê, người bạn 40 năm, gặp lại mới biết pháp danh của anh là Tâm Chơn, lại chính là người đang nỗ lực quyên góp để mua đất xây dựng Trung Tâm Tu Học Viên Giác tại Ấn Độ. Vừa nghe nhắc đến Tượng Đài, anh liền sẳn sàng tạo mọi điều kiện để khách xa mới đến có dịp được đi thăm. Anh cho rằng đó cũng là cách để bày tỏ lòng, là mình vẫn còn mang nặng ơn nghĩa của những chiến sĩ VNCH đã hy sinh xương máu và sự sống còn cho non sông gấm vóc Việt Nam. . . . . . . . . . . . . Tinh thần huynh đệ chi binh của các Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Công Hòa mỗi nơi thể hiện một cách , tùy điều kiện và hoàn cảnh địa phương. Thế nhưng, cho đến bây giờ, quả thật chưa có nơi nào có tượng hai chiến binh Việt Mỹ đứng bên nhau như ở Westminster.
Tượng Đài vĩnh viễn sẽ là biểu tượng cho tinh thần của người Việt Nam yêu chuộng tự do và cũng là hình thức để bày tỏ lòng biết ơn sâu xa nhất đến các Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa và các chiến binh Hoa Kỳ đã chiến đấu và đã nằm xuống trên đất nước Việt Nam thân yêu. Nhân kiệt với địa linh: Khách có thể dọc theo Westminster Ave., gặp Monroe thì quẹo trái vào đường All American Way. Hoặc từ Beach Blvd vừa qua khỏi Hazard Av, nhớ quẹo phải vào con đường 13. Vừa mới quẹo vào, khách sẽ thấy ngay Tượng Đài là hai pho tượng bằng đồng cao 11 feet sừng sững dưới cờ Vàng Ba Sọc và lá cờ Hoa Kỳ luôn phất tung bay trong gió. Nếu tính từ tâm công viên Freedom Park , nhìn về hướng Tây thì hai pho tượng ở bên góc trái sát kề bãi đậu xe. Khách có thể nhìn thấy rõ tượng đài là 2 chiến binh một Mỹ, một Việt, đứng kề bên nhau. Người lính Mỹ có vẻ như ngóng trông, như đang dùng dằng lưỡng lự, tay súng buông lỏng và nón sắt trên tay. Người chiến binh Việt Nam đứng lùi sau một bước, trang bị chuẩn bị vẫn trong thế sẳn sàng, nón sắt trên đầu và súng vẫn ở trên vai, ngón trỏ của tay trái chỉ xuống, biểu lộ thái độ cương quyết. Tiếng súng tạm ngưng, tương đối an toàn để có thể thảnh thơi đôi chút. Vũ khí trang bị còn đủ. Lựu đạn vẫn còn bên hông và lưỡi lê chưa cài trên đầu súng thì trận này chưa hẳn phải là trận cuối. Họ vẫn còn cơ hội mặt đối mặt để cận chiến với quân thù, thì cớ sao người lính Mỹ đã lộ vẻ hoang mang? Có phải vì người lính Mỹ đang phải đối đầu vơí đằng trước là hỏa lực khủng khiếp của cả khối cộng sản, mà sau lưng là những áp lực nặng nề của quá nhiều mưu toan chính trị?
Ngay sau Tượng Đài là một khoảng trống, không gì che chắn để bảo vệ, ôm ấp cho Tượng Đài đủ ấm. Giòng Westminster Channel từ phía Đông ngỡ như bươn bả chảy dồn sinh lực, vừa về tới gần công viên Freedom Park thì đột ngột đổi hướng, quả thiệt hết sức là vô tình. Có khác chi năm 1973, chính phủ Hoa kỳ đã đột ngột rút quân, để lại một mình cho Quân Lực VNCH gánh vác cuộc chiến đang thời kỳ sôi động nhất? Khách đến tham quan Tượng Đài sao khỏi ngậm ngùi khi mắt rõ thấy hình ảnh của người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa xông pha đầu tuyến mà không được trang bị áo giáp an toàn để che thân như người lính Mỹ. Tượng Đài không đủ ấm là vì giòng Westminster channel đột ngột chuyển hướng xoay lưng vô tình và người lính trận lại không được trang bị bảo vệ an toàn. Nếu đem so lại với thực cảnh của cuộc chiến tranh Việt Nam thì cả hai đều như bị những móc xích vô hình ràng buộc không rời được nhau. Tất cả hoàn toàn như đang bị vây phủ bởi vòng tương quan nhân quả, thì rõ ràng Đất Trời cũng đã cảm ứng được với lòng người. Lòng người đã được Đất Trời cảm ứng. Âm với Dương nhất định đã hòa hợp và sinh khí phải được tạo thành thì chắc chắn Phong Thủy nơi này phải có xảo diệu chi đây. Có phải giòng Westminster channel thoạt mới nhìn, tưởng như đang dồn hết sinh lực bươn bã chảy về. Nhìn kỷ mới thấy giòng Channel đã gần cạn, nước đã bị ố dơ. Thủy cạn và bị ố dơ là phạm phải vào Ngũ Hung của Thủy. Vậy nên Westminster channel đột ngột trở mình, không chịu ôm Tượng Đài Việt Mỹ vào lòng, mới thoạt nhìn thì ai cũng nghĩ là Hung, nhưng đâu ngờ lại trở thành Cát . Từ ngàn xưa người ta đã biết nguồn nước có sâu hay nông, mà đoán được khí thế của Long mạch mạnh hay yếu. Nhìn nước đục hay trong mà đoán biết huyệt chân hay giả. Phía đằng sau Freedom Park còn có giòng Santa Anna nước tràn đầy sinh lực, lượn ôm toàn cục vào lòng, da diết hữu tình. Long mạch mạnh mẽ đầy khí thế như thế thì không lẻ khu vực Tượng Đài lại không đủ Ấm? Biết bỏ gần mà lấy xa, bỏ cái xấu mà lấy cái tốt, bỏ cái nhỏ mà lấy cái lớn, thì sao không là Xảo Diệu? Đất trời đã cảm ứng với lòng người. Đạo người đã hòa hợp với Đạo Trời. Địa mạch đã được tốt lành. Tượng Đài chắc hẳn phải linh thiêng. Lại còn biết bỏ gần mà lấy xa, bỏ ngắn mà lấy dài, thì ngày 30 tháng 4 năm 1975 chắc gì là ngày cuối cùng của cuộc chiến?
Nếu cho rằng kết luận như vậy là vội vã, thì thử toán thêm quẻ Mai Hoa. Có phải dưới chân Tượng Đài là bệ đá cẩm thạch, màu đen tuyền, bao tròn nửa vòng ôm kín Lư hương Hỏa khí. Khoa Địa Lý Phong Thủy xưa nay đều cho rằng Đá hành Kim - Vòng tròn cũng hành Kim - Lưỡng Kim tương ngộ - tương sinh với Thủy thì Thủy phải Tướng. Trong lòng của Thủy Khí là Lư hương khí Hỏa thì đúng là Thủy ngoại Hỏa nội, Thủy thượng Hỏa hạ, Thủy Hỏa Ký Tế là tượng nước ở trên lửa, nước lửa giao nhau. Trong 64 quẻ Dịch, chỉ Kỷ Tế mới có đủ 6 hào cư đúng vị. Nghĩa của Kỷ tế là đã qua sông, là chuyện đã xong rồi, hay chuyện đã nên, đã cùng, thì coi như cuộc chiến Việt Nam đã tàn, đã xong. Nhưng nếu không vội vã, mà phải nhìn kỷ toàn cục thì có phải Lư hương Hỏa khí lại được đặt để ngay trên một hồ nước đầy tràn: Lửa trên nước là Hỏa thượng Thủy hạ, tượng của quẻ Hỏa Thủy Vị Tế? Sau Kỷ Tế đến Vị Tế, trời đất cũng đã sắp bày như vậy. Kinh Dịch cũng xếp thứ tự như thế. Kỷ Tế là việc đã xong mà Vị Tế là quẻ của sự việc Chưa Cùng. Theo dự án thiết kế ban đầu, Lư Hương cao 4 thước Tây để tỷ lệ hài hòa với chiều cao của tổng thể Tượng Đài. Nhưng vì điều kiện an toàn quy định, để công trình xây dựng được phép tiến hành, buộc phải nâng chiều cao của Lư Hương lên 6 thước Tây. Hai khí Thủy Hỏa đang giao nhau mà Lư hương khí Hỏa thấp yếu, thì sẽ bị Thủy đương Vượng dập tắt tức thời. Hỏa mà bị dập thì coi như mọi chuyện đã an bài. Lư Hương may nhờ phải tăng chiều cao lên 6 thước Tây, chỉ vì quy định an toàn trong thiết kế, mà Khí Hỏa hữu lực để thành tựu được Hỏa Thủy Vị Tế. Vị Tế là quẻ của chuyện Chưa Cùng, là chuyện vẫn còn sinh sinh, tiếp diễn, thì cuộc chiến chắc gì đã dứt? Mặt khác, vì an toàn của hệ thống dẫn Gaz, Lư Hương phải đặt xoay hai chân ra đằng trước, một chân phía sau. Xưa nay tất cả Lư Hương trước chùa, đình hay miễu thường được đặt một chân đằng trước, hai chân đằng sau. Lâu ngày quen mắt, trở thành cái Lệ trong luật tục, cái Nghi trong Lễ Đạo. Lư Hương trước Tượng Đài hai chân phía trước như vậy là ngược khác với lệ thường. Hướng của Tượng Đài xê dịch trong khoảng 260 độ Tây - Tây Nam. Khoa Phong Thủy gọi là chung là hướng Dậu. Nhưng theo phái Phong Thủy Cổ Dịch Huyền Không, phía sau Tượng Đài gọi là Sơn và trước gọi là Hướng thì 260 độ, phải gọi chính xác là Địa Nguyên Long, Sơn Giáp Hướng Canh. Tượng Đài hoàn thành năm 2003 thuộc cuối vận 7, thì Ngũ sẽ đáo Sơn và Cữu sẽ đáo Hướng. Sơn tinh Ngũ và Hướng tinh Cữu nhập giữa đều bay thuận. Tượng Đài đang bị Phạm thượng Sơn hạ Thủy, quẻ Hướng bị sinh xuất: Hung. Lại theo Hiệp Kỷ Biện Phương Thư, năm Quý Mùi 2003, thuộc vận 7 Hạ Nguyên thì Lục Bạch nhập Trung Cung. Bát Bạch tại Đoài và Tứ Bích tại Chấn. Tam Sát: Thân Dậu Tuất thì hướng Dậu của Tượng Đài đang phạm vào Tam Sát. Tang môn cũng lại đang lãng vãng hướng này. Vậy cái Lư hương đặt ngược khác với lệ thường, mà lại tránh được Họa của Tang Môn và Tam Sát, đồng thời tránh được Hung của hướng Tây vận 7. May mắn lạ thường như vậy, làm sao mà Tượng Đài không linh cho được ? Ấn sâu sau Tượng Đài Việt Mỹ là những trang chiến sử oai hùng. Trên đường dây điện thoại, vẫn còn nghe Nam Lộc nhắc là Khách đến có thể lật lại từng trang chiến sử, để có dịp gặp lại những người bạn cùng chiến đấu năm xưa. Đôi lúc khách cũng có thể gặp lại chính mình hoặc người thân, ruột thịt của gia đình mình trong đó. Có quá nhiều kỷ niệm buồn vui để nhớ, nhưng chắc chắn tự trong tim, khách không khỏi thấy dấy lên niềm tự hào. Khách nhớ đừng có quá bận tâm tại sao Lư Hương để ngược, chỉ vì Tượng Đài vẫn còn đang đặt tạm tại xứ người. Khách cũng đừng hỏi tại sao những thành viên người Việt trong Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài, phải chịu nhiều sóng gió bão bùng trong suốt quá trình thực hiện, chỉ vì họ là những Chiến Sĩ tuyến đầu của cuộc chiến. Chiến hữu Hải Quân: Hồ Ngọc Minh Đức vừa mới được các đồng đội Hải Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vinh danh là tin vui mới nhất có thể vay mượn được để làm quà tặng tiễn khách ra về ........
Tác giả bài viết: Quảng Đức
Tượng Tiếc Thương / Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa trước 1975
Kính quí vị và các chiến hữu, Mr . Frank G. Fry đã qua đời sáng nay chủ nhật 04 tháng 11 năm 2012 trong nhà dưỡng bệnh. Ông là cha đẻ của Kế hoạch Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, một biểu tượng chống Việt Cộng quan trọng nhất đối với người Việt tỵ nạn Cộng Sản, trên công thổ Hoa Kỳ tại Little Saigon Nam Cali. Ông cũng là Cựu Thị Trưởng Thành Phố Westminster, Califonia và là đương kim chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài. Chúng tôi đang chờ đợi cáo phó từ gia đình của ông . Sẽ thông báo chi tiết chương trình tang lễ cho quí vị và các chiến hữu ngay sau khi chúng tôi được tin. Hơn 20 năm lưu vong trên đất người, người Việt tỵ nạn Cộng Sản trên đất Mỹ cố gắng đấu tranh để có Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ VNCH nhưng không thành công vì không ai trong chính quyền giúp đở . Đến năm 1995 Ông Thị Trưởng Frank Fry nhận lời giúp và ông đã sáng lập ra Kế hoạch Xây Dựng Tượng Đài . Năm 1997 ông bắt đầu thực hiện bằng cách thành lập ủy ban và mời gọi Quân Dân Cán Chính Việt Mỹ đến tiếp tay để kế hoạch trở thành hiện thực . Nhiều Quân Dân Cán Chính VNCH và một số Cựu quân nhân Hoa Kỳ đã đáp lời kêu gọi tình nguyện tham gia vào Ủy Ban . Ủy Ban XDTĐCSVM dưới sự lảnh đạo của Ông Frank Fry đã gây quỹ và hoàn tất giai đoạn 1 xây dựng , mọi người luôn cả ông Chủ Tịch Frank Fry làm việc không lương từ năm 1997 cho đến nay. Năm 2003 Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt Mỹ đầu tiên trên Hoa Kỳ đã được khánh thành tại Nam Cali với llá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay bên trên 24 giờ một ngày và luôn suốt cả mọi ngày trong năm . Được trớn, những năm sau đó Tượng Đài các tiểu bang khác cũng lần lượt được xây dựng lên. Hôm nay một ân nhân của người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản nằm xuống . Ông quả thật là người Mỹ có tấm lòng vàng đối với chúng ta, những người Việt tỵ nạn Cộng Sản. Xin quý vị hãy cùng chúng tôi cầu nguyện xin Ơn Trên ban phước lành cho ân nhân và gia đình của ông Kính báo trong niềm tiếc thương Minhduc Ủy Ban XDTĐCSVM
Trong 20 năm sinh hoạt trong Cộng Đồng người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Quận Cam Nam California, Ông Frank Fry có lẽ trong tiền kiếp ông là người Việt Nam, với nụ cười luôn nở trên môi và am tường những phong tục tập quán và nhất là ông luôn thưởng thức những món ăn của Việt Nam. Từ ngày người Việt Nam đầu tiên về định cư tại thành phố nhỏ và nghèo nàn này, bây giờ Westminster là một trong những thành phố có cư dân đông đúc và phồn thịnh, cái thành phố ngộ nghĩnh này, một bà Thị Trưởng Magie Rice, một nghị viên Frank Fry và Cảnh sát Trưởng là Jim Cook, ba người đứng trên sân khấu được giới thiệu là "Cook, Fry, Rice" chúng tôi gọi là "Nấu Cơm Chiên" và từ đó đến nay thành phố càng ngày càng phát triễn và giàu mạnh nhờ "Nấu Cơm Chiên"
Mr . Frank G. Fry đã qua đời sáng nay chủ nhật 04 tháng 11 năm 2012 trong nhà dưỡng bệnh. Ông là cha đẻ của Kế hoạch Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, một biểu tượng chống Việt Cộng quan trọng nhất đối với người Việt tỵ nạn Cộng Sản, trên công thổ Hoa Kỳ tại Little Saigon Nam Cali.
Ông cũng là Cựu Thị Trưởng Thành Phố Westminster, Califonia và là đương kim chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài.
Chúng tôi đang chờ đợi cáo phó từ gia đình của ông . Sẽ thông báo chi tiết chương trình tang lễ cho quí vị và các chiến hữu ngay sau khi chúng tôi được tin.
Hơn 20 năm lưu vong trên đất người, người Việt tỵ nạn Cộng Sản trên đất Mỹ cố gắng đấu tranh để có Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ VNCH nhưng không thành công vì không ai trong chính quyền giúp đở . Đến năm 1995 Ông Thị Trưởng Frank Fry nhận lời giúp và ông đã sáng lập ra Kế hoạch Xây Dựng Tượng Đài . Năm 1997 ông bắt đầu thực hiện bằng cách thành lập ủy ban và mời gọi Quân Dân Cán Chính Việt Mỹ đến tiếp tay để kế hoạch trở thành hiện thực . Nhiều Quân Dân Cán Chính VNCH và một số Cựu quân nhân Hoa Kỳ đã đáp lời kêu gọi tình nguyện tham gia vào Ủy Ban . Ủy Ban XDTĐCSVM dưới sự lảnh đạo của Ông Frank Fry đã gây quỹ và hoàn tất giai đoạn 1 xây dựng , mọi người luôn cả ông Chủ Tịch Frank Fry làm việc không lương từ năm 1997 cho đến nay.
Năm 2003 Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt Mỹ đầu tiên trên Hoa Kỳ đã được khánh thành tại Nam Cali với llá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay bên trên 24 giờ một ngày và luôn suốt cả mọi ngày trong năm .
Được trớn, những năm sau đó Tượng Đài các tiểu bang khác cũng lần lượt được xây dựng lên.
Hôm nay một ân nhân của người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản nằm xuống . Ông quả thật là người Mỹ có tấm lòng vàng đối với chúng ta, những người Việt tỵ nạn Cộng Sản. Xin quý vị hãy cùng chúng tôi cầu nguyện xin Ơn Trên ban phước lành cho ân nhân và gia đình của ông
Kính báo trong niềm tiếc thương
Minhduc
Ủy Ban XDTĐCSVM