Thursday, January 29, 2015

Đón Xuân Nơi Tiền Đồn

  Mỗi dịp Xuân về, lòng tôi lại rộn lên những kỷ niệm về những Mùa Xuân cũ. Một trong những Mùa Xuân ấy là cái Tết nơi tiền đồn hẻo lánh trên Cao Nguyên với biết bao hy vọng, nhưng cũng với biết bao trăn trở, khắc khoải, và cả buồn tủi! Đơn vị tôi lúc đó là TĐ11/BĐQ địa bàn hoạt động là Vùng 2 CT, tức QĐII/QK2. Hậu cứ nằm tại Biển Hồ Pleiku, một địa điểm khá thơ mộng với du khách ngày nay, nhưng vào thời đó nó vẫn còn là một nơi hoang vu với khá nhiều căn cứ Quân Sự như TT Huấn Luyện Trường Sơn, Tiểu Đoàn 37 Pháo Binh, Tiểu đoàn Công Binh, LĐ2/BĐQ với Bộ Chỉ Huy và 3 Tiểu Đoàn Tác Chiến lừng danh là 11, 22 và 23. Pleiku trước đó cũng ít được nhắc nhở tới, người ta chỉ biết tới Pleiku như một chiến địa với Pleime, Daktô, Đức Cơ v.v… Nó chỉ được chú ý nhiều từ khi một bài thơ của Vũ Hữu Định viết về Pleiku, được Phạm Duy phổ nhạc dưới tên Còn Một Chút Gì Để Nhớ. Những lời cuả bài thơ thật sống động,
Phố núi cao, phố núi trời mây,
Phố xa không xa, trời thấp thật gần....
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa Đông...
Thực vậy, Pleiku là một xứ sở có thể nói là gần như mưa quanh năm.

Pleiku, 1965 
Với những người sống ở đồng bằng thì xứ sở này cũng được gọi là “quanh năm Mùa Đông”với tiết trời lành lạnh, phố xá hẹp, nghèo nàn. Trục lộ chính là đường Hoàng Diệu với một số tiệm buôn bán nhỏ bắt đầu từ Bưu Điện Thị Xã qua cầu Hội Thương Hội Phú dài chừng 6-700 mét. Chính vì thế mà thi sĩ diễn tả “đi dăm phút đã về chốn cũ” đủ để biết nó nhỏ như thế nào! Vậy mà dù sao so với Kontum và nhất là so với Phú Bổn và Quảng Đức, Pleiku vẫn là 1 thành phố lớn. Dù muốn dù không, với những người lính tác chiến chúng tôi khi đó, Pleiku là một thành phố ấm cúng với ánh đèn điện, với nước máy, với các hàng quán, nhất là các quán cà phê có dàn nhạc steréo, có các thiếu nữ lượn lờ thanh lịch. Dù là thủ phủ của một bộ phận chiến tranh, Bộ Tư Lệnh QĐII, Pleiku vẫn là một thành phố tương đối thanh bình, do người dân ở đây đã quá quen với những tiếng “đại bác ru đêm” hoặc tiếng gầm rú của máy bay phản lực, tiếng khua vang của trực thăng, hoặc ngay cả tiếng xích sắt của từng đoàn Thiết Giáp, tiếng xe GMC chuyển quân ầm ĩ qua thành phố...
Pleiku vẫn là điểm dừng chân mơ ước của những người lính chiến thuộc Sư Đoàn 22 BB và của đám BĐQ chúng tôi. Những mơ ước nhỏ nhoi đó chỉ đến rất ngắn ngủi trong những lần kết thúc một chiến dịch hành quân, dài ngắn tùy tính chất từng trận đánh. Có khi cả năm trời chúng tôi không được ghé về thành phố này một lần. Như từ Tháng Mười Một năm 1971, Tiểu Đoàn 11/BĐQ chúng tôi đi hành quân trận Plei M’rông (Kontum), rồi sau đó vướng Mùa Hè Đỏ Lửa Kontum tới Tháng Sáu 1972, về tới Hậu Cứ nhưng lại bị cấm trại rồi đi luôn một mạch xuống Bồng Sơn, Tam Quan (Bình Định), rồi lại chuyển qua Đức Phổ, Mộ Đức (Quảng Ngãi), mãi tới Tháng Mười Một 1972 mới kết thúc, và được trở lại thành phố nghỉ ngơi.
Nhưng cuộc chiến đang lúc khốc liệt, Tiểu Đoàn chúng tôi nghỉ ngơi vài ngày để bổ sung quân số, sau đó kéo đi TTHL/BĐQ Dục Mỹ (Ninh Hòa, Nha Trang) để huấn luyện bổ túc cấp Tiểu Đoàn thời gian dự trù khoảng 9-10 tuần. Những tưởng, sau mấy năm lăn lóc sa trường, đây là dịp nghỉ ngơi để ăn cái Tết đầu tiên trong đời quân ngũ với không khí thanh bình thật sự, TĐ Trưởng cũng đã nghĩ đến việc nhân dịp này cho một số SQ lần lượt đi phép thường niên. Tiếc rằng, lệnh đưa xuống Cấm Quân! Lại Cấm Quân!
Trong đời lính, chúng tôi chán nhất là 2 chữ này. Cấm Quân có nghĩa là mọi quân nhân không được rời doanh trại và dĩ nhiên luôn phải ở tư thế sẵn sàng tác chiến, sẵn sàng di chuyển đến khu vực đang xảy ra chiến sự. Cấm Quân khác với Cấm Trại, vì Cấm Trại chỉ trong phạm vi một đơn vị thường là cấp Tiểu Đoàn, đôi khi không hẳn vì lý do chuẩn bị hành quân, có thể do lính vô kỷ luật nên đơn vị bị phạt. Còn Cấm Quân thì trên bình diện lớn hơn thường là một Quân Trấn. Quân nhân trong toàn khu vực không được ra khỏi doanh trại nếu không có những Sự Vụ Lệnh đặc biệt do Đơn Vị Trưởng cấp, vì khi Cấm Quân không một quân nhân nào được đi phép, kể cả phép đặc biệt như tang, hôn...
Quả nhiên, những dự đoán của chúng tôi không lầm! Qua báo chí lúc bấy giờ chúng tôi phong phanh được biết một giải pháp cho Chiến Tranh Việt Nam đã gần hoàn thành, nghĩa là cuộc mặc cả tay đôi giữa Henry Kissinger và Lê Đức Thọ đã có kết quả và đang chờ ngày ký kết. Kết quả ra sao thì đám quân nhân chúng tôi, kể cả Tiểu Đoàn Trưởng, không hề được biết. Cũng chỉ phong phanh chúng tôi được biết sắp tới sẽ có chiến dịch “dành dân lấn đất” để khi Hiệp Định ngừng chiến được ký kết thì “bên nào ở nguyên chỗ đó” và từ ngữ chuyên môn gọi là “đóng quân da beo”. Vì vậy một chiến dịch sẽ được mở ra để xác định chủ quyền. Hình thức thi hành ra sao thì chỉ đến khi thực hiện chúng tôi mới được phổ biến.
6 giờ chiều ngày 15 Tháng Giêng năm 1973, tôi nhớ rõ hôm đó là ngày Thứ Hai 12 Tháng Chạp Âm Lịch năm Nhâm Tý, nghĩa là chỉ còn chưa tới 3 tuần nữa là Tết, tôi nhận được một công điện Khẩn từ LĐ2/BĐQ ở Pleiku lệnh cho TĐ11/BĐQ phải sẵn sàng di chuyển lúc 5 giờ sáng ngày hôm sau 16/01/1973. Phần bảo mật ghi Phổ Biến Hạn Chế, nghĩa là chỉ từ cấp Đại đội Trưởng trở lên và những giới chức thẩm quyền đơn vị mới được biết. Công Điện cũng không cho biết sẽ di chuyển tới đâu, chỉ nói thêm rằng “Chi Tiết Cụ Thể Sẽ Nhận Được Khi Di Chuyển”.
Điều tức cười là khoảng 12 giờ đêm, đoàn quân xa đã ồn ào tới khu vực đóng quân của Tiểu Đoàn kéo theo khá đông cư dân của Dục Mỹ, những cô gái bán bãi (danh từ dùng để gọi những người gánh hàng rong đi theo những bãi tập để bán cho binh sĩ đang huấn luyện, gồm đồ ăn nước uống, hầu hết đều là thiếu nữ hoặc phụ nữ, không có nam giới. Những người này cũng gần như toàn bộ là vợ con những cán bộ chiến sĩ trong TTHL).
Họ đến đây để đòi nợ, vì truyền thống của quân trường là ăn thiếu, do người lính chỉ được lãnh lương vào khoảng từ ngày 20 tới cuối tháng, và hầu như lương lính tháng nào “xào” tháng đó. Những người bán thiếu chỉ cần ghi tên và đơn vị của người mua thiếu. Nếu là tân binh huấn luyện thì họ sẽ nhờ những cán bộ cơ hữu như Thường Vụ Đại Đội khóa sinh đòi dùm, còn nếu là đơn vị bổ túc thì họ sẽ nhờ những Thường Vụ của Đại Đội người mua thiếu đòi dùm trừ thẳng vào tiền lương ngay khi phát lương.
Điều đáng tiếc là đơn vị chúng tôi di chuyển đột ngột và bí mật nên cấm mọi cuộc tiếp xúc với bên ngoài, do đó họ không thể vào doanh trại để tìm, cũng không thể kiếm người Thường Vụ Đại Độ để nhờ giúp, họ chỉ có thể tụ tập ở bên cạnh những chiếc xe để chờ.
Khoảng 3 giờ sáng kẻng báo động đánh thức toàn đơn vị, các chốt canh gác ở ngoài cũng được lịnh gọi về. Có lẽ là đặc biệt nhất từ trước tới nay, lần này những toán ở xa có xe đến đón khỏi phải lội bộ. Lính tác chiến thì cái gì cũng nhanh, chỉ lướt sơ một lượt các cấp chỉ huy Trung Đội đã nắm vững quân số của mình để báo cho Thường Vụ Đại Đội, lệnh ngắn gọn được ban ra tuyên bố Tiểu Đoàn phải di chuyển để nhận nhiệm vụ mới và tất cả lên xe. Khi đó những người bán bãi mới tới kiếm các Thường Vụ Đại Đội để nhờ giải quyết. Họ đưa danh sách các người mua thiếu để nhờ đòi dùm, nhưng thực ra đây là những may rủi rất lớn mà họ phải gánh chịu bởi chưa biết người mua thiếu sẽ ra sao và các ông Thường Vụ này có đòi được hay không và làm cách nào để trả... Tuy nhiên, họ cũng cố gắng để vớt vát với một chút hy vọng.
Bộ phận rút sau cùng khỏi căn cứ là Ban Truyền Tin của tôi, vì chúng tôi phải giữ anten chính để nhận Công Điện chót từ Liên Đoàn trước khi chuyển qua hệ thống tiếp vận trung gian trên đường di chuyển. Dĩ nhiên, với hệ thống tiếp vận trung gian qua từng chặng di chuyển, chúng tôi không thể chuyển hoặc nhận những Công Điện thuộc loại Mật được nữa (nhưng lại được nhận Công Điện Hỏa Tốc-Tối Mật). Đúng 5 giờ sáng, sau khi chúng tôi báo cáo đơn vị đã sẵn sàng lên xe, Công Điện gởi tới là di chuyển về Pleiku, lệnh cụ thể sẽ nhận được khi vào vùng phủ sóng (khoảng 50km bán kính với Hậu Cứ Liên Đoàn).

alt
Qua Công Điện chúng tôi thấy rõ là nhiệm vụ đang chờ chúng tôi không thuộc vùng chúng tôi sẽ đi qua hoặc ở phía sau. Nghĩa là chúng tôi sẽ không đi Ban Mê Thuột, hoặc Phú Yên, hoặc Quy Nhơn. Và theo kinh nghiệm, chúng tôi đoán chừng nhiệm vụ mới chắc sẽ không có gì nặng nhọc, hoặc gay cấn, nguy hiểm, và có thể chắc đây không phải là cuộc hành quân đụng địch (bởi vì chúng tôi là Lực Lượng Tổng Trừ Bị Vùng, nếu chiến sự lớn, bắt buộc có cầu không vận để chuyển chúng tôi về Pleiku, tệ nhất cũng là Trực Thăng Vận đổ bộ). Hơn nữa mặc dù là Công Điện Mật và Khẩn nhưng lại không ấn định thời gian di chuyển bắt buộc, bởi thường với những cuộc hành quân gấp rút trong Công Điện ghi rõ thời hạn bắt buộc có mặt, kể cả phải di chuyển đêm qua vùng chiến sự nguy hiểm.
Với những nhận định trên, Tiểu Đoàn Trưởng ra lệnh di chuyển nhưng Đại Đội đi đầu được lịnh tà tà không phải gấp rút. Sau khi rời khỏi căn cứ đúng 5 giờ sáng, đến 6 giờ mới tới Ninh Hòa chỉ cách đúng 12km, 12 giờ trưa tới Đèo Đại Lãnh, 2 giờ chiều mới qua khỏi đèo, và 5 giờ chiều thì Tiểu Đoàn nhận được lệnh đóng quân trong Phi Trường Phú Yên qua đêm.
Phi trường Phú Yên chỉ là một sân bay dã chiến với phi đạo được lát bằng những tấm PSP do khoảng 1 Đại Đội Địa Phương Quân bảo vệ. Vào thời gian đó Phi Trường chỉ được xử dụng cho những chuyến bay quân sự khẩn cấp trong trường hợp Quốc Lộ 1 bị cắt đứt. Có lẽ Phú Yên là 1 tỉnh yên tĩnh nhứt của VNCH khi đó, Tiểu Khu này hầu như không có các đơn vị Chủ Lực trú đóng, Không Quân chỉ có vài chiếc L19, L20 không có Phi Đoàn Trực Thăng nào, còn Hải Quân cũng chỉ có mấy chiếc Tuần Duyên Hạm, không Thiết Giáp. Sau khi bố phòng cho đơn vị xong, nhóm Sĩ Quan chúng tôi kéo nhau vô Thị Xã để ăn tối.
Mới 6 giờ chiều mà phố xá vắng ngắt, hàng quán đã gần như đóng cửa hết chỉ còn rất ít quán xá mở cửa mà chỉ là những quán tạp hóa bán lèo tèo những thứ cần trong gia đình như gạo, mắm... Tôi muốn kiếm 1 gói thuốc hút loại sang như Ruby, Capstan cũng không thấy đừng nói chi thuốc Mỹ như Pall Mall, Lucky, Salem... Mãi sau, nhờ 1 người xe ôm chúng tôi mới tìm được 1 quán ăn, gọi mãi họ mới chịu mở cửa, té ra hôm đó là Thứ Ba không phải là ngày cuối tuần để ăn nhậu, và hơn nữa dân Phú Yên cũng ít ra quán ăn nhậu, ngay cả ăn sáng cũng hiếm vì chỉ có vài quán hủ tíu của người Hoa trên đường Duy Tân.
Gọi được chủ quán mở cửa chúng tôi ngỡ ngàng vì gọi bất kỳ món gì cũng không có, chúng tôi phải đưa tiền để ông ta đi mua đồ, vì nghĩ rằng những bộ đồ rằn ri làm cho ông ta sợ. Cũng may đây là thành phố biển vì vậy chỉ một lúc sau vợ chồng ông ta đã về với đủ thứ tôm cá và cả những con mực khổng lồ còn tươi nguyên đang ngáp. Chúng tôi được ăn một bữa tối ngon lành mà Pleiku không thể có được với cái giá rất rẻ chỉ bằng 1/3 so với giá ở Pleiku.
Sau một đêm an bình, 3 giờ sáng hôm sau tôi nhận được công điện qua tiểu khu Phú Yên tiếp vận. Sau khi giải mã chúng tôi được biết TĐ chúng tôi sẽ về Thanh An. Đoàn quân xa cuả chúng tôi lại tiếp tục lăn bánh về cao nguyên, tốc độ có nhanh hơn, bởi chúng tôi được lịnh phải tới địa điểm trước 3 giờ chiều, nghĩa là chúng tôi chỉ có 10 giờ nữa để di chuyển. QL1 tương đối an toàn và cũng khá phẳng phiu. Chúng tôi tiến vào QL19 cũng xuông xẻ không gặp bất kỳ trở ngại nào, có lẽ địch quân cũng không dám đụng độ với một đơn vị lớn như vậy. Khoảng 12 giờ trưa chúng tôi đã về tới khu vực núi Hàm Rồng, đã có thể liên lạc trực tiếp với LĐ qua hệ thống truyền tin nội bộ. Lịnh hành quân cũng được chuyển trực tiếp không dùng công điện nữa. Rất may TĐ11/BĐQ chúng tôi được chia về trấn đóng khu vực đồn điền trà Cateka Bàu Cỏ, từ ngã ba Hàm Rồng chúng tôi mất chừng 1 giờ di chuyển là đã tới khu vực đóng quân.
Đồn điền trà Cateka tọa lạc trên một bình nguyên khá rộng, tuy vậy diện tích khai thác cũng không nhiều lắm có lẽ khoảng vài ba chục hecta, cơ ngơi cũng chẳng có gì đồ sộ ngoài vài ngôi nhà ngói đỏ làm văn phòng đồn điền và mấy căn nhà lớn lợp tole làm chỗ chế biến trà. Cũng giống như đồn điền trà ở Biển Hồ, trà ở đây cũng chủ yếu xuất khẩu qua Pháp, do đó dân VN hầu như không ai được thưởng thức trà Cateka (dĩ nhiên trừ chúng tôi thỉnh thoảng vẫn được uống trà biếu). Trà Cateka chỉ là trà mộc, nghĩa là trà xấy khô chứ không tẩm ướp hương vị như các loại trà Blao hoặc trà Tàu. Ai quen uống trà Tàu sẽ khó thưởng thức được trà này, nhưng dân thích trà Lipton thì lại rất khoái vì đây là sản phẩm chính để chế tạo trà Lipton khi qua tới Châu Âu. Chia vị trí cho các Đại Đội xong, các ĐĐ trưởng về BCH/TĐ họp tham mưu. Vị trí hiện tại chỉ là tạm thời, ngày mai chúng tôi sẽ phải trải quân trên diện tích thật rộng mỗi đại đội trách nhiệm một khu vực tính bằng nhiều ô vuông trên bản đồ, vì khu vực toàn tiểu đoàn chúng tôi đảm trách kéo dài cả chục ô và vào sâu mỗi bên cũng cả trên chục ô nữa, nghĩa là TĐ có một địa bàn bán kính trên 10km.
Cũng ngày mai liên đoàn sẽ trang bị thêm cho chúng tôi một loại “chiến cụ” mới, đó là những lá cờ vàng 3 sọc đỏ. Mỗi người lính sẽ được cấp phát vài ba chục lá cờ, lớn thì dài khoảng 1m, còn cờ nhỏ thì khoảng 30cm, và sẽ có thêm rất nhiều nữa trong tương lai. Nhiệm vụ mỗi người sẽ là kiếm cây để làm cán cờ và sẽ mang những lá cờ đó đi cắm trong khu vực của mình, leo lên những cây cao nhất để cắm những lá cờ lớn. nếu trong khu vực có nhà dân thì cắm trước cửa nhà họ. Hèn gì trên đường di chuyển chúng tôi đã thấy cờ vàng khắp nơi, những tưởng năm nay sẽ có hòa bình nên dân chúng đón Tết sớm hơn mọi năm. Thanh An, là một quận nằm ở phía Tây Nam thành phố Pkeiku giáp ranh với biên giới Cam Bốt, có 2 tiền đồn do 2 TĐ BĐQ bảo vệ là Pleime (TĐ 82 BĐQ) ở phía Đông và Đức Cơ (TĐ 81 BĐQ) ở phía Nam, đến thời điểm đó chưa có trận chiến lớn nào xảy ra nên tương đối yên bình. Được hoạt động trong khu vực này vào dịp Tết cũng là dịp may lớn với đơn vị bởi chiến sự năm qua chủ yếu ở Kontum và Bình Định chứ Pleiku không có gì cả, do vậy chúng tôi an tâm đón Tết.
Mọi việc diễn ra cũng êm ả như mong muốn, cờ chở tới là chúng tôi đưa xuống các đại đội và giao cho tất cả các binh sĩ và ai nấy hăng say đi cắm, cũng không xảy ra vụ đụng độ nào. Hội Bảo Trợ Gia Đình Binh Sĩ cũng nhân dịp này gởi quà Tết đến toàn thể đơn vị. Các em nữ sinh Trường Minh Đức và Trường Trung Học Pleime cũng đi theo để ủy lạo và giao quà. Tuy nhiên chỉ có BCH/TĐ là được hân hạnh đón tiếp còn các ĐĐ thì ở rất xa, hơn nữa đã phân tán mỏng nên không thể về được, tuy vậy quà Tết thì được phân phối đều đến mọi quân nhân. Đây cũng là lần duy nhất mà tôi nhận được quà từ hậu phương. Gọi là quà nhưng mỗi phần chỉ có 1 khăn mặt, 1 cây crème đánh răng Hynos, 1 cục savon thơm, 1 gói Ruby Quân Tiếp Vụ và đặc biệt 1 lá thư. (Lá thư gởi cho tôi rất vui, của 1 em nữ sinh Minh Đức đang học lớp Đệ Tứ. Tôi lại cũng có một cô chị họ thua tôi cả chục tuổi đang học Đệ Tứ ở trường này, nên có chuyện rất vui về lá thư này. Có dịp, tôi sẽ kể lại hầu quý bạn).
Hiệp Định Paris trôi qua êm đềm, chỉ vài vụ đụng độ lẻ tẻ với du kích VC nhưng chúng cũng không chủ trương và ham đánh vì thế chỉ nổ súng một lúc là chúng chuồn mất. Còn 10 ngày nữa là Tết, lịnh cũng chỉ nói đơn vị giữ vững vị trí không để VC lấn đất, không có thêm một chỉ thị đặc biệt nào khác. Gần nơi đóng quân của BCH/TĐ, có một con suối cắt ngang rừng trúc, chúng tôi thường tới để tắm giặt. Nước suối trong xanh, bờ là bãi cát trắng mịn trải dài, phong cảnh thật thơ mộng. Sau khi cho lao công đào binh đào giao thông hào phòng thủ chung quanh khu vực chừng hơn 1 hecta, chúng tôi dựng thêm mấy nếp nhà tranh làm câu lạc bộ và nơi uống cà phê, nhờ đám hậu cứ mang một ít đồ xuống bán. Vì khá gần thị xã nên hầu như ngày nào chúng tôi cũng được tiếp tế, thậm chí có thể ăn cả hủ tíu hoặc phở nóng nữa. Một điều chưa từng xảy ra với lính đi hành quân như chúng tôi, nhưng mấy ông Địa Phương Quân thì chỉ coi là chuyện bình thường, mấy ổng còn nhiều hơn nữa kìa…

Một đơn vị BĐQ đang chờ
Đêm Giao Thừa Quý Sửu được chúng tôi đón mừng thật hào hứng, trong cái chòi lớn dùng làm câu lạc bộ. Tôi hy sinh một cục pin PRC 25 để thắp đèn vừa đánh bài vừa uống rượu. Chẳng biết đêm đó chúng tôi uống hết mấy chai Martel, và tôi thức được tới mấy giờ, nhưng khi tôi mở mắt thì đã là trưa Mùng Một rồi. Tôi đánh răng rửa mặt xong định qua lều TĐ trưởng chúc tuổi thì đã thấy ồn ào, đám lính tốp thì lắc bầu cua, tốp thì binh xập xám. Ông TĐT, đang ngồi trong CLB cùng các SQ Tham Mưu TĐ, thấy tôi bước vô hỏi đêm qua ngủ ngon không, có mơ thấy em nào không. Tôi cũng cám ơn và chúc tuổi mọi người, ai nấy đều nồng nhiệt nói lên những mơ ước của mình về một ngày mai không tiếng súng.
Lời hát của bài Một Mai Giã Từ Vũ Khí “rồi có một ngày có một ngày chinh chiến tàn…” trong chiếc casette nghe sao mà day dứt. Ngày đó có phải đang đến không? Bao giờ thì ngày đó sẽ đến? Văng vẳng từ chiếc radio đài SG bài Ly Rượu Mừng, mở qua đài Phát Thanh Quân Đội thì lại cũng bài đó. Đến bao giờ chúng ta có thể thoải mái ngồi trong phòng khách nâng ly rượu chứ không phải là ngồi trong những túp lều như thế này? Những người hiện diện tại đây nếu không vì cuộc chiến bẩn thỉu do bọn Cộng Sản Bắc Việt muốn nhuộm đỏ miền Nam thì hẳn giờ này họ cũng đang vui vẻ với vợ, với con với những người thân, với bạn bè và tất nhiên với những ly rượu mừng. Thế mà giờ đây mỗi người đón Xuân chỉ với ước mơ nhỏ nhoi,
Vui cùng ruộng nương cùng đàn trâu,
Với cây đa khóm trúc hàng cau. Với con đê có chiếc cầu tre…
Ta lại gặp ta còn vòng tay mở rộng thương mến bao la
Chuông chùa làng xa chiều lại vang
Bếp ai lên khói ấm tình thương
Bát cơm rau thắm mối tình quê
Có con trâu có nương dâu, thiên đường này mơ ước bao lâu.

Chung quanh chúng tôi là màu xanh của núi rừng. Bao giờ chúng tôi được chuyển đổi sang màu xanh của thanh bình nơi đồng quê, có vườn ruộng, có túp lều tranh, với người vợ hiền và bầy con thơ? Đến bao giờ chúng tôi mới rũ bỏ được hết những căm thù, những tàn nhẫn của chiến tranh để được làm người dân hiền hòa trong một đất nước thanh bình im tiếng súng, vắng tiếng bom? Liệu sau Hiệp Định Paris, bọn Cộng Sản này có chịu rút về miền Bắc, trả lại cuộc sống an vui cho chúng tôi? Có phải là mùa Xuân này không?
Chuyện sẽ không xảy ra dễ dàng như thế. Nhưng cuộc sống vẫn luôn là những chuỗi hy vọng, và chúng tôi vẫn luôn hy vọng, trong lạc quan: ngày đất nước thanh bình đang đến, trong tự do và trong hạnh phúc với muôn người.

Mũ Nâu Trương Trọng Kiên
Cựu SQTT/TĐ11/BĐQ

Xuân Về Trên Đầu Súng

 
Mặt trời đã chênh chếch, nghiêng về phía Tây, đẩy bóng những vòm tre, những tàng cây dâu, măng cụt,... ngã rạp về một phía, báo cho chúng tôi biết rồi một ngày sẽ dứt, sẽ như mọi ngày, di quân, đóng đêm, bố trí phòng thủ, đặt toán kích, vân vân và... vân vân, là công việc của những đơn vị tác chiến, và nhứt là đơn vị đóng trong vùng gọi là xôi đậu mà đám Việt Cộng cho là Mật khu của chúng. Hình như bọn cướp đêm cho đó là những vùng bất khả xâm phạm, đặt tên Mật khu để hù thiên hạ là chúng đã chiếm cứ nhiều vùng.

Nhớ trước đây, khi về trình diện tiểu đoàn, 2 thằng cùng khóa, ra trường về Sư Ðoàn 5 Bộ Binh với 8 thằng gồm 6 Trừ Bị - trong đó có tôi - và 2 Hiện Dịch Ðặc Biệt, tôi xách túi quân trang, mang ba-lô xuống hậu cứ của Ðại Ðội 10 để lãnh súng đạn, địa bàn,... chờ theo xe tiếp tế vào vùng hành quân, trình diện ông đại đội trưởng để bắt đầu làm lính đánh giặc thiệt, trong Mật khu An Sơn. Khi nhấn mạnh hai chữ “Mật khu,” ông hạ sĩ quan tiếp liệu ngó thẳng mặt tôi quan sát như muốn thử lửa sơ khởi. Tôi thì tỉnh bơ vì “uýnh giặc” thì chỗ nào cũng “uýnh” thì thấu cáy chi bố trung sĩ I già.

Sau màn bắt nọn, có lẽ cảm thấy yên tâm, ông trung sĩ I gật gù bảo:
- Ðược, ông chuẩn bị. Tụi mình theo xe đạn tiếp tế của đại đội và trình diện thẩm quyền luôn, ở trong Mật khu lận.

Bố này lại chơi chữ, tưởng không biết đại đội trưởng gọi là thẩm quyền sao, tôi lại tỉnh bơ. Từ quân trường, chầu chực ở sư đoàn, đến trung đoàn, rồi tiểu đoàn, nghe toàn là lính nói chuyện, mà cũng là lính “uýnh” giặc chánh tông nên học hỏi mấy hồi. Và cần phải nói, đặc biệt ở đại đội này, ông trung sĩ I già cho biết đây là đơn vị tác chiến, luôn tiếp cận với địch nên ông đại đội trưởng sử dụng Carbine M2, mấy trung đội trưởng kia cũng vậy, rồi hỏi tôi lãnh thứ nào: Colt hay Carbine M2? Hổng lẽ tôi nói ổng, “Ngu sao, đi đánh giặc mà thủ đồ lấy le thì có 'bể gáo', hoặc giáp trận mình bắn nó 1 viên 11.43 ly chưa biết trúng không thì nó thẩy mình một tràng AK thì... rỗ mình.” Nhưng cũng hơi ớn ổng, trong quân trường đã được nhắc nhở là khi ra đơn vị thì học hỏi những người lính thâm niên, không phải quân vụ mà là chiến trường; phải nể trọng mấy ông bố già thường vụ, mấy ông thượng sĩ đi lính và đánh giặc gần hết cuộc đời thì tuổi thọ có thể... kéo thêm chút đỉnh, nên nói: “Cho tôi nhận cây Carbine M2.”

Trong ánh mắt của bố già lóe lên một tia thiện cảm, chắc trong bụng ổng nói, “Ờ, tay này được đây.” Vừa nghĩ vậy, tự khoái rồi cười một mình. Trung sĩ I già thấy tôi cười và ổng cũng cười, tôi không biết ổng nghĩ gì nhưng chắc không nghĩ tôi quá tệ. Và đúng như vậy, sau này tôi mới biết ổng với tánh bộc trực của người miền Nam, dân Long An, có thiện cảm với tôi và nói tốt cho tôi trước khi tôi được lịnh trình diện ông đại đội trưởng. Và sao này tôi lại biết, có lần trước mắt luôn, có hai ba anh lần lượt mới ra trường được phân phối bổ sung cho đại đội, trung sĩ I già cũng nói giáo đầu tuồng như vậy và mấy chàng kia có anh sửng cồ lên:
- Tôi là sĩ quan, phải mang Colt, chứ tại sao bắt tôi mang Carbine?

Bố già của tôi nhỏ nhẹ:
- Thưa chuẩn úy - và ổng nhấn mạnh chữ “chuẩn úy” mà không hiểu mấy chú tửng, lính mới tò-te này có biết ông già nói gì không? Bổn phận của tôi là phải “trình” với chuẩn úy thực tế của chiến trường. Không ai dám ép chuẩn úy.

Vừa nói xong, ông quay gọi:
- Hạ Sĩ Khiết, Binh 1 Nghiệp, đứa nào coi lấy giao cây Colt cho ông chuẩn úy mới nè. Ký kiết giấy tờ xong giao tao.

Hai anh lính hậu cứ ton ton thi hành đúng lịnh, và cái ông chuẩn úy mà tôi thấy, vì đơn vị vừa về hậu cứ trung đoàn ở Phú Văn, không nhận bao súng cũ mà phải đòi bằng được bao súng mới. Cũng xong thôi! Vì sau đó, mấy cái họa tới với anh chàng! Thứ nhứt, lấy bao súng mới, nhờ về tiểu đoàn dưỡng quân trang bị để tiếp tục chuyển vùng, rỗi rảnh anh chàng dùng lưỡi lam cắt béng đuôi bao da súng Colt để bỏ súng vào ló đầu cho nó ngầu, rồi tiếp tục cắt phần nắp đậy bao súng chỉ còn sợi da nhỏ choàng ngang cho lộ chó lửa và báng súng, mang xề-xệ bên hông ra chiều đắc ý.

Ðã không thích lại chướng mắt, ông trung sĩ I già bèn gọi chàng chuẩn úy mới này vào bàn việc của văn phòng đại đội cho đọc phiếu trình và ký xác nhận để đại đội chuyển lên tiếp liệu trung đoàn để trừ lương, bồi hoàn tiền bao súng vì vi phạm tội hủy hoại quân dụng. Anh chàng năn nỉ quá xá nói rằng không biết, nhờ ông đại đội trưởng xin hưởng “án treo” sau khi cho anh chuẩn úy mới một màn xát xà phòng.

Chưa hết, vì cái họa thứ hai rồi thứ ba, và sẽ còn nữa nếu chàng ta không biết sợ là mạng mình sẽ đi đoong bất cứ giờ phút nào. Số là, đơn vị chuyển vùng phụ trách lên Phú Hòa Ðông, một vùng có địa danh Bến Cỏ mà VC cũng nhiều như... cỏ, anh chàng lơ tơ mơ rời khỏi con lộ chánh, rẽ vào phía trong một chút - hổng biết kiếm ai - thì... “cắc cù” hai tiếng, bị bắn sẻ, nhưng cũng may là tên Việt Cộng nào bắn tồi hoắc quá quýnh quáng nên đạn bay cách đầu và mang tai anh ta cả gang mà anh ta không phản ứng gì kịp; rồi bị thêm lần nữa anh chàng mới teo, bẻ cổ áo vào trong để che hai cái “quay chảo” thêu vàng chóe lồ-lộ trong ánh nắng, và năn nỉ ông trung sĩ I già cho đổi khẩu Carbine M.2, trả lại khẩu Colt.

Nhưng đâu phải muốn là có liền vì ông trung sĩ I già trả đũa bằng cách nói chưa có vì có mấy cây chuyển Quân Cụ sữa chưa về làm anh chàng lên ruột khi muốn tỏ ta đây là cấp chỉ huy chỉ xài súng ngắn chớ không thích súng dài. Mãi tới lúc ông đại đội trưởng thấy tội nghiệp nên ra lệnh cho ông già đừng làm khó mới yên. Ðó là bài học vỡ lòng cho chàng ta khi ra đơn vị tác chiến, và từ đó, anh chuẩn úy mới học và hành ngày càng khá hơn.

Như tôi nói là ông bố già này có thiện cảm và có lẽ đã nói tốt cho tôi sao đó, nên khi trình diện thẩm quyền - một thiếu úy trắng trẻo, người Bắc - với một giọng nói rất nhỏ nhẹ, sau khi tôi trình diện đúng cách và ông nhìn từ đầu đến chân:
- Em theo ông Thường Vụ xuống thế ổng coi trung đội vũ khí nặng và học hỏi mấy anh em ở đó. Liên lạc máy. Ráng cố gắng.
- Dạ, rõ!

Ðánh rập đôi bốt de saut cốp vào nhau, tôi nghiêm chào và quay đi nhận nhiệm vụ đầu tiên. Rồi thoáng cái, đã hơn một năm tôi theo đơn vị này: Ðại Ðội 10 đã “bù,” mà thuộc Tiểu Ðoàn 3/7 cũng “bù” trất, nhưng phải nói là số “bù” xui không phải dành cho tụi tôi mà cho những đơn vị Việt Cộng nào xấu số đụng tụi tôi. Bọn nó mà lò mò hay xáp trận là như đánh bài cào, bị chúng tôi hốt sạch, cứ đi hoài từ An Sơn lên Phú Hòa Ðông, rồi nhào vô Rạch Dứa Bình Mỹ Nam, Tân Thạnh Ðông; về lại An Sơn, lên Bến Cát, Tam Giác Sắt, Long Nguyên, Hòa Lợi, xuống Lái Thiêu,... từ hành quân bình định, trực thăng vận, đột kích, v.v... Tiểu đoàn chúng tôi luôn mang về chiến thắng, và tôi mới biết ông đại đội trưởng, Khóa 20 Võ Bị, này liêm chính, đánh giặc giỏi, nhứt là cầm quân rất mát tay. Cũng may cho tôi dưới quyền chỉ huy của vị này, được ông hướng dẫn chỉ dạy tận tình nên khoảng đời binh nghiệp của tôi không đến nỗi nặng nề như các bạn Trừ Bị cùng khóa về chung trung đoàn: 3 thằng tử trận, 1 thằng bị cấp độ tàn phế trên 100%. Còn lại hai là tôi và thằng Phước bên Tiểu Ðoàn 4/7, tuy có trầy vi tróc vảy chút đỉnh nhưng cũng kể là lành lặn cho đến ngày tan... chiến trận tạm thời.

Lan man đi về đồn Cây Me, từ ngã ba Bến Cỏ đi vô, nơi đặt Ban Chỉ Huy của đại đội, tôi lại nghe từng đôi ba phát một chát chúa bắn vào phía trong, cách khoảng trống quanh đồn là những khu rừng chồi xăm xắp lan xa nên càng nhanh chân vào để tìm hiểu. Lại là anh Binh I Nguyễn Thái A đang đứng tựa một hông lô-cốt, hướng súng vào trong thỉnh thoảng bóp cò. Tôi lên tiếng:
- Bắn cái gì vậy?

Vẫn giữ hướng súng, A tức tối quay lại nói:
- Ông coi, mới chưa tới giờ ngưng bắn mà bọn ở đây nhấp nhô mang đồ tiếp tiếp cho mấy thằng trong đó kìa.

Tôi hướng mắt nhìn xa, tuy không thấy gì bởi có lẽ bọn họ núp lại, nhưng cảnh trí giao động khiến tôi nghĩ là Thái A nói đúng. Hơn tháng trước, đơn vị còn nằm sâu trong Mật khu, qua khỏi cầu Cây Cui, vào chiều trước Lễ Giáng Sinh, cũng chính Binh 1 A này nép sau cột rào kẽm gai bắn từng loạt chận đám “dân” mang đồ tiếp tế vào mật khu An Qưới. Tôi đã phải ngăn lại, không cho bắn nữa dù cu cậu rất bực tức.

Ðây là cái khổ của chúng tôi trong cuộc chiến tranh này! Bọn VC mặc đồ thường dân, đi giao liên tiếp tế, thậm chí giả dạng cày ruộng chờ chúng tôi đi qua hay sơ ý là giựỳt mìn, bắn sẻ, phục kích,... Thành công thì đài "MTGP" và Hà Nội bọn chúng sang sảng nêu cao thành tích "dân quân du lích hạ được bao nhiêu Mỹ Ngụy với cấp số nhân". Còn thất bại, bị Quốc Gia bắn hạ thì bọn chúng bù-lu bù-loa là "VNCH bắn giết dân lành", được thêm bọn báo chí trong nước phụ họa và đài, báo ngoại quốc (nói là trung thực nhưng thực chất là thiên Cộng) tiếp tay cho Cộng Sản Bắc Việt xâm lăng, lên án một quân đội tận lực để tự vệ và giữ nước.

Tôi lại cản:
- Thôi, kệ mẹ nó.
- Nó ăn no đủ để uýnh tụi mình.

Thái A nói dúng nhưng tôi vẫn cố, không tiết lộ cái lịnh chuyển quân vừa nhận được:
- Kệ, sắp sửa ngưng bắn rồi. Mình lo ăn Tết (Tết Mậu Thân, 1968) cho vui.

Anh Binh I vẫn hậm hực:
- Mình thì ngưng bắn, nhưng... tụi nó có tuân hành không? Bao lần rồi! Tin bọn VC thì bán lúa giống, có ngày không có gạo ăn.

Anh chàng này tuy là lính nhưng nói một câu không sai tí nào. Sau này, không chỉ những người lính trở thành tù như tụi tôi mà cả đại đa số người dân miền Nam đã không có gạo ăn khi miền Nam bị bức tử vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày đám "Mặt Trận Giải Phóng" cõng lũ Cộng Sản miền Bắc xâm lăng chiếm ngự cả miền Nam để đưa đất nước này vào kiếp đời nô lệ cho bọn cướp ngày chễm chệ làm chủ nhân ông!

Hậm hực gì hậm hực, có tức gì thì tức nhưng là lính nên anh đành lặng thinh nhìn trời cao chênh vênh với mây sầu giăng mắc như cảm thông cho một đất nước điêu linh bởi luôn bị họa Bắc xâm, như thương cảm cho những người lính ngày đêm dấn thân vào lửa đạn, hy sinh thân xác để giữ an lành cho một hậu phương không kém phần bội bạc với một lũ trốn lính, chính trị hoạt đầu tìm cách lũng đoạn xã hội, tiếp tay cho giặc lung lạc tinh thần chiến sĩ, và với những người nhờ sự an bình quần là áo lụa, sung sướng khinh bạc những người chiến sĩ, lánh xa những bộ chiến y khi lạc về thành phố như sợ bị dây vào đất bụi sa trường!

Chua cay là thế đó! Họ vẫn phè phỡn ăn chơi, cười đùa nhảy nhót như chiến tranh không liên quan gì đến họ, đánh giặc là những người lính vô phần phải lo, chết chóc là việc họ phải chịu,... đến nỗi vài anh phóng viên ngoại quốc khi đi quay phim, viết phóng sự chiến trường đã nói với chúng tôi “Saigon No War.” Vâng, Saigon không chiến tranh!

Mặc dù một lần Tết Mậu Thân, khi Cộng Sản Bắc Việt xé lịnh ngưng chiến, đơn phương ra lịnh xua đám Mặt Trận Miền Nam đem nướng, tấn công các thành phố gây nên cảnh chết chóc, máu đổ thây phơi với cửa nhà bị đốt phá tan hoang đôi bận cách đây không lâu mà hầu như họ đều quên hết; mặc dù có những trận đánh mà chúng tôi phải đương đầu cách thành phố khoảng mươi cây số đường chim bay, tiếng phi pháo vọng về, những ánh hỏa châu thả leo loét xé loang lổ màn đêm vùng ven đô, họ đã nghe và đã thấy thế mà họ vẫn dửng dưng như người ngoài thế sự.

Lúc đó, đôi lúc chúng tôi nghĩ dại là nếu chúng tôi chết đi, quân đội không còn thì cuộc sống của những hậu phương đó ra sao, và có bao giờ chợt nghĩ lại một lần sự hy sinh của những người lính Quốc Gia, những chiến sĩ của Việt Nam Cộng Hòa, kẻ chết đã yên phần còn những người sống với thương tích tật nguyền trong kiếp thương binh sống lây lất bên lề của xã hội?!

Nghĩ là nghĩ, dù buồn là buồn, nhưng bổn phận của những người lính chiến chúng tôi vẫn phải cam chịu gian lao chết chóc để ở hậu phương được hưởng những cái Tết tròn vẹn. Saigon đón Tết chắc có tràn ngập những hoa mai, những sắc màu tươi thắm với hàng vạn bóng hồng thướt tha cho đời thêm tươi thắm. Và nơi đây, cũng như các tiền đồn xa xăm, như những mặt trận mà các đơn vị với những chiến hữu của chúng tôi cùng chung nhiệm vụ, chỉ nhìn thấy một bầu trời xám ngắt những từng mây chất đầy khói súng, những đồi nổng trơ trọi, những rừng lá bạt ngàn,... mà từ nơi đó bọn cộng sản núp lén như những bầy chuột, chực chờ cơ hội để tấn công bọn tôi bất cứ lúc nào.

Không khí hôm nay dường như cũng cô đọng lại, nặng trĩu tâm hồn khiến thần trí nhẹ tênh thoảng chốc vút cao như muốn tìm nhìn ở một phương trời xa xăm có một gia đình, có những người thân: cha, mẹ, anh, em, bà con thân thuộc,... đang loay quay sắm Tết, nhà cửa sửa sang, trang hoàng bánh trái để chuẩn bị đêm nay đón Giao Thừa, mong sang năm mới được nhiều điều may, hưởng nhiều phước lộc,... để rồi trầm tĩnh thấy cạnh mình chỉ những đồng đội trong những bộ treilli bạc màu, với súng với đạn, với ba-lô nặng trĩu đang chuẩn bị di quân.

Lịnh đã ban! Những người lính bỡ ngỡ nhưng là lính thì chỉ biết có lệnh... rồi từng tiểu đội, trung đội hàng dọc tiến theo đội hình đã hoạch định của mỗi đại đội, và toàn bộ tiểu đoàn lần lượt rời khỏi Phú Hòa Ðông, qua cầu Bến Nẩy, hướng về Paris Tân Quy, nơi mà Tiểu Ðoàn 3/7 Khăn Tím sẽ phối hợp với Tiểu Ðoàn Khăn Nâu 4/7 từ Tân Thạnh Ðông kéo về, hai cánh đóng quân cả khu đồng trống chờ mùa Xuân mới, và để cho người dân hai nơi có thể hưởng được một cái Tết trọn vẹn an bình.

Nhưng... muốn lo cho dân là một việc, còn địch có muốn hay không là một việc khác!

Nhìn những chiến hữu bắt đầu đào hố cá nhân theo tuyến phòng thủ khi trời vừa chập choạng, tôi lễnh đễnh nhìn quanh, vẫn một nền trời xám xịt bao tùm bầu không khí lạnh tanh với vương vất đâu đây lảng vảng bóng tử thần bay lượn, thoạt gần thoạt xa, giá băng chợt chuyển mình bốc lửa để cảnh giác những người chiến binh, những người lính như chúng tôi là sẽ không có én liệng vờn bay, không có những đóa hoa mai vàng tươi mang mùa Xuân ấm mà sẽ là đạn pháo của giặc rót về và những làn lửa nóng hực khiến bao dòng máu sẽ tuôn ra, những xác người ngã gục để đất Mẹ Việt Nam run rẩy hờn căm vì mùa Xuân sẽ không bao giờ đến!

Phũ phàng quá! Tôi cố gắng lắc mạnh cái đầu để xua đuổi những ám ảnh cứ đong đầy trong tâm trí. Mình quá tưởng tượng rồi, và tôi tự nghĩ mình như vậy. Vì... trong nét mông lung của buổi chiều chợp tắt, một màn xanh thẫm đậm đà từ từ trùm xuống, nỗi vắng lặng se se cái giá lạnh của sương chiều khiến tôi bất giác rút điếu thuốc gắn lên môi, cúi đầu vào chiếc nón bông bật quẹt và rít một hơi thuốc lá thật dài như muốn đưa cái ấm áp đi sâu vào trong ngách luồn của tâm khảm. Tôi lại tỉnh táo! Một sự tỉnh táo lạnh lùng không hòa hợp với tâm tư của những người lính thuộc quyền, của những chiến hữu xung quanh đang thầm thì vui vẻ, căng poncho làm mái để tụm nhum cùng nhau, bày bánh kẹo để cũng gọi là chào Xuân, rước ông bà về sum vầy với chiến binh trên cánh đồng khô hiu quạnh.

Tôi cũng muốn vui lây bởi anh em trong những lúc năm cùng tháng tận, cứ vui để mang lấy cái hên trong ngày đầu năm, để trọn một năm mới được nhiều an vui cho kiếp đời chiến chinh xuôi ngược, và liền tự trách mình âu lo thái quá. Ðúng, tôi thái quá trong sự yên tịnh miên man trải dài. Thời khắc chầm chập nhưng lướt nhanh, không gian trĩu lạnh nhưng ấm êm trong tình tương thân của những người gọi là chiến hữu.

Vài căn lều đã leo lét ánh đèn cầy, vi phạm nguyên tắc của đóng quân đêm nhưng không chỉ riêng tôi mà các cấp chỉ huy trên tôi cũng cảm thông cho những ngày tư ngày Tết, để bù khú rượu chè và không khỏi chuyện đánh bạc. Tết mà! Tôi lẩm bẩm bào chừa, rít hơi thuốc cuối nhìn lên phía Bắc hướng Phù Hòa Ðông, quay phía Ðông hướng Trung An mà bên trong sâu bọn Việt Cộng tự hào với "Mật khu Ấp Nhà Việc", rồi phía Nam xa là vùng Tân Thạnh, còn cận cũng là một ổ Vi-Xi trong đầm lạch Rạch Dứa và thêm tên là Bình Mỹ Nam, vượt qua phía Tây thì trên kia là Củ Chi... thành đồng đất... sét, cảnh vật đều êm đềm lặng vắng như nghiêm trang, kính cẩn chào đón chúa Xuân, và giờ Giao Thừa đến nơi, ông bà tổ tiên từ phương trời xa đang đến, đang lũ lượt kéo về để chứng giám, quây quần sum hợp cùng bầy cháu con bên bàn thờ Gia Tiên chất đầy bánh trái.

Ông bà đã trở về dù tận cùng các thôn xóm. Chúng tôi không biết ông bà có về chỗ chúng tôi không, những người lính chiến cuối năm phải mài miệt dưới các giao thông hào, trong các hố cá nhân mình đầy đất bùn chắc ổng bả không lấy gì làm vui thú cho lắm. Ồ không, tôi đã sai! Ông bà cũng thương chúng tôi, đã về với chúng tôi đúng giờ trừ tịch... Nhưng, sao họ vụt bay đi, bay nhanh và biến tan trong niềm hoảng hốt?!?!...

Bên tai tôi vừa nghe một loạt tiếng départ của súng cối 82 ly hướng Ðông, tiếng rít kêu xé gió của hỏa tiễn 122 ly từ hướng Bắc, và rồi vài tiếng ầm vang hơi xa, vài trái đạn đã nổ tung trong phòng tuyến của Tiểu Ðoàn 4/7, rồi tiếp những tràng từng tràng súng trường, RPD, B.40 - 41,... của địch càng lúc càng dồn dập hòa giao một bản đại hợp tấu chiến trường với những tiếng mìn claymore, M.16, tiếng lựu đạn, M.60,... Cối 61, 82 của cộng sản đều đặn phóng đi, và Mortier 60, 81 của ta đã sẵn sàng hàng loạt tập trung rót ngược như mưa về những tọa độ đặt súng của địch để phản pháo, cùng không dè là những chiếc AD.6 bao vùng từ đâu nhanh chóng bay tới trút những tràng đại liên, phóng những hỏa tiễn, thả những trái bom thật chính xác đến độ chỉ trong những phút đầu giao chiến các khẩu pháo của địch đã bị khóa mõm...

Bây giờ chỉ còn tiếng súng trực chiến nổ đều ran ở các tuyến quân của hai Tiểu Ðoàn phòng thủ. Việt Cộng đã “tiền pháo” vô thằng Khăn Nâu 4/7, “hậu xung” thằng 3/7 Khăn Tím với một chiến thuật lạ lùng hay bọn pháo thủ của chúng quá tồi, tính toán sai trật mục tiêu để giờ đây yếu tố bất ngờ không còn nữa thì ngay khi trận chiến khởi đầu: Ðiều may mắn không nằm bên chúng nên chúng đã trả một cái giá khá nặng nề.

Giặc phá tan thêm một mùa Xuân (Xuân Mậu Thân, 1968) của đất nước và cái giá mà bọn chúng phải trả bao nhiêu cũng không xứng khi hủy hoại những giờ phút thiêng liêng mà bất cứ người Việt hiền lương nào của miền Nam: VNCH đều phải tôn trọng.

Lê Tường

Thursday, January 22, 2015

Chuyến Bay Cuối Cùng

Lời Phi Lộ: Ngày Quốc Hận năm thứ 36 (2011), trong suốt mấy tuần lễ liên tiếp, Đài SBTN có chương trình phỏng vấn với đề tài “Survive On The Sea” (Sống Sót Trên Sóng Biển) có đề cập tới USS Kirk 1089 là chiếc tuần dương hạm có nhiệm vụ hộ tống các Hàng Không Mẫu Hạm, hủy diệt các tàu ngầm của Liên Xô, thuyền trưởng là Ông Paul Jacobs. Thời gian cuối tháng 4-1975, USS Kirk có mặt tại Thái Bình Dương thi hành sứ mạng “Gió Cuốn” di tản nhân viên Việt Mỹ ra khỏi VN. Ngày 29-04-1975 tàu đã cứu vớt được khoảng 250 người Việt tị nạn trên 13 chiếc Huey HU-1 và 1 chiếc trực thăng vận tải Chinook CH-47 của KQVNCH. Chuyện xảy ra cách đây 39 năm và nếu nhà sử học gia Hải Quân Hoa Kỳ , ông Jan Herman không đưa chuyện nầy quay thành phim “The Lucky Few” thì mọi người sẽ không bao giờ biết đến câu chuyện người phi công tài ba cựu thiếu tá Phi Công Nguyễn văn Ba, phi đoàn phó của Phi Đoàn Lôi thanh 237. Một điều rất lấy làm tiếc là khi cuốn phim ra mắt tại Washington tháng 7 năm 2010, người khách danh dự: phi công Nguyễn Văn Ba đã mắc bệnh Alzheimer 3 năm về trước. Anh không còn nhớ cũng như không còn nói được. Bịnh tình càng ngày càng trở nên trầm trọng và KQ Nguyễn Văn Ba đã vỉnh viễn ra đi vào lúc 08 giờ sáng ngày 17 tháng 6 năm 2013 tại Seattle (WA). Xin thắp 1 nén hương để tưởng nhớ đến một chiến sĩ KQ xuất sắc
Chuyến Bay Cuối Cùng
Nguyễn Văn Ba

Ngày 29 tháng 4 năm 1975 lúc 4 giờ sáng tại phi trường Tân sơn Nhất, 4 phi cơ trực thăng vận tải khổng lồ Chinook đậu song song nhau trước phi cảng hàng không dân sự Việt Nam. Sở dĩ phi hành đoàn tạm trú ở đây là vì ngày hôm trước 28-04-75, mấy  tên hoa tiêu phản loạn theo Việt Cọng đã dùng 5 phi cơ A-37 chiếm được của Không Lực VNCH do tên Nguyễn Thành Trung xuất phát từ phi trường Phan Rang đã dội bom phi trường Tân sơn Nhất để gây thêm áp lực và làm hoang mang dân chúng Sàigòn.

Phi đoàn 237 Lôi Thanh cũng đành chịu chung định mệnh và số phận của đất nước. Tất cả nhân viên phi hành đều nôn nóng và chờ quyết định cuối cùng của anh, nhưng anh vẫn còn trì hoãn cố ý chờ Lôi Thanh một, Tr/tá Nguyễn Phú Chính,  gia nhập chung với anh em rồi sẽ quyết định dứt khoát sau. Vì trước đó ngày 27-4-1975, Phi đoàn 237 được lệnh di chuyển từ Căn cứ Biên Hòa về Tân Sơn Nhất, do đó Lôi Thanh một phải ở lại Biên Hòa để điều động cùng với Chuẩn tướng Tính Tư Lệnh SĐ3KQ và đại tá Triệu, Không Đoàn trưởng KĐ43CT. Thiếu tá Nguyễn Văn Ba PĐ Phó PĐ237 được điều động về TSN chỉ huy để thiết lập cầu không vận BH-TSN.

Trong lúc nầy, các sĩ quan tham mưu của PĐ đã hoàn toàn vắng mặt từ khi nghe tin phi trường bị dội bom. Kể từ chiều ngày 28-04-1975 là những giây phút cực kỳ nghiêm trọng như ngồi trên dầu sôi lửa bỏng. Anh thấy nhiều vận tải cơ C-130, C-47, C-119 …v…v.. đã lần lượt cất cánh, chở đầy gia đình thân nhân của các sĩ quan tại BTLKQ để đi Thái Lan hoặc Côn Sơn. Một số lớn các anh hạ sĩ quan và sĩ quan trong phi đoàn còn lại cố bám theo anh như một chiếc phao cuối cùng.

Sau khi kiểm điểm lại phi cơ đang trong tình trạng tốt khả dụng hành quân, anh cắt 4 phi hành đoàn gồm: Th/t Ba, Đ/úy S, Tr/úy Q, Tr/úy K... và các anh cơ phi xạ thủ phi hành. Súng đạn được cất dấu trên tàu để sẵn sàng tùy nghi ứng biến. Anh ra mật khẩu cho mọi người và chia nhau canh gác để đề phòng đặc công CS trong đêm tối. Đêm hôm đó mọi người đều ngủ dưới bụng tàu để chờ xem có tin tức gì mới từ BTLKQ không?

Đã 3 ngày qua anh không có cơ hội để tắm rửa vì sau khi đưa bà xã và các con về tạm trú với gia đình ở Phú Lâm, là anh ăn ở ngay tại phi đoàn, cấm trại 100% như các anh em khác. Có nhiều anh em cho biết là họ đã thấy gia đình của các KĐT, KĐP của các không đoàn chiến thuật đang bận rộn đưa gia đình ra khỏi Việt Nam. Trước kia, anh có hỏi Lôi Thanh 1 về chương trình di tản, ông ta chỉ biết rất mơ hồ là chờ lịnh trên. Anh cũng thừa hiểu trong giai đoạn khẩn trương nầy, các Tư Lệnh Sư Đoàn, Không Đoàn và các sĩ quan tham mưu cao cấp của Bộ TLKQ đã bí mật giử kín tin tức để thuộc cấp khỏi hoang mang. Anh khuyên anh em phi hành đoàn nên nằm nghỉ trên nền xi măng, dưới bụng phi cơ vì nếu có đặc công bắn phá, mình sẽ có nhiều cơ hội để sống sót và cũng có lợi thế là tầm quan sát rộng rãi để có thể chống trả hữu hiệu hơn.

Lúc đầu hôm, anh nhận thấy có nhiều phi cơ vận tải của KLVNCH lên xuống chở đầy ắp người, cất cánh bay về hướng Nam, anh cũng không chú tâm lắm. Thỉnh thoảng có vài chuyến Hàng Không Dân Sự ngoại quốc đáp đêm đậu cạnh chỗ CH-47 của anh. Hành khách đa số là dân chính, ăn mặc rất tươm tất, anh nghĩ đây có lẽ là các phu nhân mệnh phụ hay gia đình các quý tộc trong chánh phủ VNCH, các anh em HSQ cho anh biết họ đi Thái Lan.

Trong giờ phút cực kỳ khó khăn nầy, ngay chính anh em trong phi hành đoàn, anh vẫn không hoàn toàn tin tưởng là họ có cùng ý tưởng như anh vì biết đâu những anh em đó có thể bị móc nối bởi đặc công CS, Anh chỉ cẩn thận im lặng để ý dò xét cử chỉ và khuyến khích anh em chờ lệnh thượng cấp. Đã nhiều đêm mất ngủ thêm vào đó những suy nghĩ miên mang, anh đã thiếp đi lúc nào không biết đến khi một trái đạn hoả tiển 122 ly rớt gần đó, tiếng nổ long trời làm mọi người phải thức giấc. Anh nhìn về phía phi đạo phía Nam, lửa đã cháy đỏ một vùng trời, hình như kho xăng bị trúng đạn phát hoả. Lúc bấy giờ vào khoảng 3 giờ 30 sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, VC đang tập trung hoả lực để pháo vào phi trường, tiếng nổ hầu như không dứt. Tiếng đại bác 130 ly cộng với tiếng hoả tiển 122 ly của địch phóng đi, rít lên trong gió nghe như tiếng ma tru quỷ rống thật rợn người.

Phi trường bị thụ động vì anh không nghe hay thấy một phi cơ chiến đấu nào cất cánh để oanh kích các mục tiêu pháo kích của địch cả. Anh cho gọi tất cả 4 phi hành đoàn lại chuẩn bị sẳn sàng chờ lệnh khi nào thấy phi cơ số 1 quay máy là các anh em hãy làm theo. Tất cả anh em nôn nóng và cố gắng chờ đợi để nghe chỉ thị của BTLKQ qua tần số của đài kiểm báo Paris. Là 1 sĩ quan đang đứng trước một tình trạng ngặt nghèo rối loạn của lịch sữ dân tộc, anh vẫn luôn tuyệt đối tuân hành kỷ luật quân đội, đặt mình dưới sự chỉ huy của thượng cấp. Như “cao-bồi” có ngựa trong tay, anh muốn bay lúc nào cũng được, nhưng anh không làm chuyện đó vì anh không phải là 1 kẻ đào binh trốn tránh trách nhiệm. Bổn phận và trách nhiệm của cấp chỉ huy không cho phép anh làm thế. Lôi Thanh 1 không có mặt nơi đây, là Phi đoàn Phó, anh là chỉ huy cuối cùng của anh em trong đơn vị. Hiện tại anh em sĩ quan, hạ sĩ quan còn lại xem anh như một chiếc phao cho họ níu lấy trong giai đoạn gần như tuyệt vọng nầy.

Khoảng 4 giờ sáng, anh nghe từ chiếc máy truyền thanh của an ninh phi cảng báo là VC đang tấn công và xâm nhập được vào vòng rào phía Tây của phi trường cách chổ phi cơ đậu không xa lắm, anh suy nghĩ có nán lại cũng vô ích. Anh cho tất cả phi hành đoàn quay máy, bay ra phi trường Vũng Tàu. Anh nghĩ Vũng Tàu nằm gần biển chắc đỡ pháo kích hơn. Anh cất cánh trước thì được biết là số 2 của Đ/u S… bị trục trặc chưa quay máy được. Anh định vòng lại để đón phi hành đoàn thì kịp lúc số 2 đã mở máy được. Tất cả 4 phi cơ trực chỉ Vũng Tàu, trời còn đang tối, anh thấy nhiều nơi chớp sáng, anh đoán là những nơi đang pháo vào phi trường.

Hợp đoàn lên cao khoảng 3,000 bộ nhìn xuống Sàigòn có những đám cháy nhỏ, nhìn lại phi trường Tân Sơn Nhất, các bồn nhiên liệu đang cháy đỏ một góc trời. Gần tới căn cứ Hải Quân Vũng Tàu, phòng không bắn lên phi cơ, anh ra lệnh cho tắt tất cả đèn navigation và hợp đoàn 4 phi cơ đã đáp an toàn xuống bãi đổ xăng dành cho trực thăng. Xong xuôi, anh ra lệnh cho anh em dời phi cơ ra chỗ trống, tắt máy và chờ lệnh của trung ương. Mọi người lo vệ sinh cá nhân, anh cũng sẵn dịp nầy thay bộ đồ bay mới. Vừa mặc xong áo, chưa kịp mang giày thì “oành, oành….” VC tiếp tục pháo kích. Anh ra lệnh quay máy, cất cánh trực chỉ Cần Thơ. Khi phi tuần đã bình phi, anh gọi cho đài kiểm soát Paris, thì không còn nghe thấy gì. Anh nghĩ: “thế là xong…”

Một vài phút sau đó anh gọi hợp đoàn để biết vị trí của họ:
- Đại Bàng 2,3,4 đây 1 gọi, cho biết vị trí?
- Số 2 bên phải 1 dậm, 1 nghe rỏ? Trả lời!
- 1 nghe 5/5. Số 3 báo cáo vị trí?
- 1 đây 4!
- 1 nghe 4 . 5/5
- Hình như Đại Bàng 3 đã tách hợp đoàn khi c/c tại Vũng Tàu.
- 1 nghe rõ.

Anh im lặng bất động trong phòng lái. Lại một cánh chim đã tách rời đoàn, không lưu luyến, không một lời từ giã lần cuối cùng. Trong giờ phút nầy, anh không có đủ thời giờ để oán hận hay phiền trách bất cứ một hành động nào của anh em. Phi cơ là tài sản của quốc gia, nhưng trong giờ phút nầy là vật sở hữu của người đang ngồi lái. Họ muốn xử dụng tùy nghi theo ý nguyện mặc dù anh là người chỉ huy trực tiếp, nhưng giờ đây chì còn là tình chiến hữu, vì các ấp chỉ huy của anh cũng tìm đường lẩn tránh hoặc đào tẩu hết rồi.

- Đại Bàng 1 đây 2 gọi!
- 1 nghe 2 5 trên 5
- Xin 1 cho phép 2 đáp xuống bờ hồ Mỷ Tho để giã từ vợ con. 1 nghe rõ trả lời!
- Đồng ý với 2. Chổ đáp bờ hồ hơi hẹp, nên cẩn thận. Hai, bốn nghe rõ trả lời?
- 2 rõ 5/5
- 4 rõ 5/5

Sau khi bay ở cao độ thấp để quan sát thành phố, anh nhận thấy ở đây hoàn toàn yên tĩnh. Chợ Mỹ Tho vẫn đông đúc người mua kẻ bán vẫn không có gì là rối loạn, giặc giã, anh cho lệnh 3 chiếc cùng đáp xuống. Ba chiếc Chinook đậu choán gần hết bờ hồ. Sau khi tắt máy, ai nấy đều có vẻ thoải mái, hình như nơi đây không có cảnh bom đạn náo loạn gì hết, chắc chắn dân chúng vẫn chưa biết chuyện gì đã xãy ra tại Sàigòn. Trong lúc Đ/u S… chạy về thăm vợ con trong thành phố, anh bàn với anh em nên tạm trú ở đây mà không về phi trường Cần Thơ nữa. Tất cả đều đồng ý. Tr/u K… phụ trách sang phi trường Đồng Tâm để lấy thêm xăng cho 3 chiếc phi cơ. Thời gian đó, hầu hết các phi hành đoàn còn độc thân, ngoại trừ tôi và Đ/u S… đã có gia đình. Bà xã và 3 đứa con của tôi còn đang tạm trú ở Phú Lâm, nên tôi quyết định bay về Phú Lâm để bốc gia đình rồi sau đó hãy tính. Bây giờ khoảng 9 giờ 30 sáng ngày 29-04-1975, sau khi căn dặn anh em, anh sẽ trở lại khoảng 11 giờ trưa. Anh cùng Tr/u L… thượng sĩ C… và xạ thủ thượng sĩ M. cùng bay về Phú Lâm.

Thời tiết miền Nam, vào mùa nầy những buổi sáng thường có mây rất dầy và ở cao độ thấp. Anh cũng thừa biết là CS thường đặt súng phòng không ở ven đô, vùng Bình Trị để bắn phi cơ lên xuống phi trường, nên anh cho phi cơ bay cao trên các tầng mây trắng, để tránh phòng không và hoả tiển SAM. Khoảng 15 phút sau anh đã nhận diện được sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn khói lửa mịt mù. Giảm cao độ luồn lách qua những đám mậy trắng, anh nhận rõ ngôi nhà của ba má anh phía dưới. Quần 1 vòng thập thấp xung quanh, anh nhận thấy Ba Má, vợ và các con anh chạy ra sân ngó lên. Anh chồm ra đưa tay vẫy và đáp xuống khoảng đất trồng phía trước.

Thượng sĩ C. mở cửa phía sau đuôi tàu, chạy ra rước giùm bà xã, 3 đứa con của anh và 2 đứa cháu lên tàu. Lúc nầy thì dân chúng hiếu kỳ bu xung quanh đó, chạy ra xem đầy đường. Xe cảnh sát cũng hụ còi chay lăng xăng, hình như họ cũng không biết chuyện gì đang xảy ra. Trong 3 phút, Thượng sĩ C. báo cáo an toàn, “ramp up” sẵn sàng “zu lu”. Anh cất cánh với sức máy tối đa. Chiếc Chinook to lớn như con chiến mã ngoan ngoãn bay thẳng lên không trung một cách nhẹ nhàng, để lại phía sau 1 trận cuồng phong thật khủng khiếp. Sau nầy Má tôi nói là phi cơ cất cánh đã làm sụp một căn nhà phía sau, ở nhà phải đền tiền cất lại cho người ta.

Trong khoảnh khắc anh đã đưa phi cơ lên khỏi các lớp mây trắng, cũng là lúc đèn đỏ báo hiệu máy số 2 có mạt sắt.Theo thường lệ là phải tìm chỗ đáp càng sớm càng tốt, nhưng tình trạng nầy thì không thể được vì anh biết phía dưới là vùng Bình Chánh, giờ nầy chắc chắn là có nhiều du kích đang tiến về Sài Gòn, vã lại anh tin tưởng vào khả năng  bản lảnh để đưa  phi cơ đến chỗ anh toàn. Phía trái không xa lắm, anh nhìn thấy một chiếc HU1 đang bay về hướng Mỹ Tho, anh mở tần số cấp cứu gọi để xin hộ tống nếu có trường hợp phải đáp ép buộc, nhưng không được trả lời. Tuy nhiên, mọi chuyện rồi cũng xong xui êm đẹp cả. Cuối cùng phi cơ vẫn đáp được một cách an toàn tại bờ hồ Mỹ Tho. Các anh em vẫn còn ngồi đây chờ, họ rất mừng rỡ khi thấy anh trở lại đúng hẹn.

Lúc nầy vào khoảng 11 giờ trưa. Anh có giữ 1 số tiền quỹ của Phi Đoàn do Đ/úy L… giao lại hôm trước, cộng thêm số tiền của bà xã  mang theo, anh đưa tiền cho anh em đi ăn trưa, và du hí với caq1c em gái Mỹ Tho lần chót . Anh đang ngồi nói chuyện với bà xã và cho mấy đứa con ăn uống. Đứa nhỏ nhất Mina con gái vừa mới được 8 tháng tuổi, thằng  trai kế là Mika vừa đầy 3 tuổi và con trai đầu lòng Miki được 7 tuổi. Cũng vừa lúc đó các anh em dẫn đến trước mặt anh một cụ già khoảng độ 60 tuổi. Ông tự giới thiệu là cha của Chuẩn tướng T… Tư Lệnh SĐ3KQ Biên Hòa. Vì đường bộ Sàigon Mỹ Tho bị Việt Cộng chận, nên chạy xe không được.
Ông nhờ nếu  có bay về Sàigòn cho ông xin theo. Anh báo là tất cả anh em đều chạy nạn từ Saigon, hiện tại chưa quyết định sẽ phải đi về đâu trong những giờ phút tới. Vã lại Tướng T… và Đ/tá T… đã bặt tin từ ngày hôm qua. Ông ta lắc đầu có vẻ chán chường

- Nếu vậy, xin Th/tá  vui lòng đi đâu cho tôi theo đó.
- Không có gì trở ngại, xin bác cứ ngồi đây chờ!

Anh quan sát lại bản đồ và bàn luận với anh em là không thể nào ở đây được trong đêm nay, vì vị trí mất an ninh, CS có thể tấn công bất cứ lúc nào. Bây giờ nên tìm một hòn đảo ở ven biển, để tạm qua đêm chờ nghe tin tức  Saigon. Số súng đạn có rất nhiều trên tàu, chúng ta có thể tử thủ nếu cần và mọi người đều đồng ý với ý khiến đó của anh. Anh nhờ tài xế lái chiếc Toyota của ông cụ, đưa ra phố để mua thêm lương thưc dự trữ. Anh mua  2 bao gạo, 100kg, 20 kí đường tán, chục chai nước mắm, một số khô cá lóc,  cùng thực phẩm khô và dụng cụ làm bếp,nồi niêu soong chảo v.v.. Số lượng thực mới mua dự trù nầy cũng nuôi sống được anh em trong thời gian chờ đợi. Lúc nầy, Tr/u K. cũng đã đổ xăng cho chiếc phi cơ cuối cùng, bước lại gần cho anh biết những tin tức anh vừa nhận được trên tần số.

- Tôi nghe trên tần số guard, hạm đội Mỹ kêu gọi tất cả qanh em pilot nên tìm cách di tản ra Đệ Thất hạm đội! Thiếu tá nghĩ sao?
Sau một phút suy nghĩ, anh lắc đầu:
- Tại sao chúng ta phải nghe theo lời tụi Mỹ? Mình nên đợi để nghe tin tức từ Đài Phát Thanh Sàigòn xem tình hình như thế nào rồi sẽ tính sau!

Hình như Tr/u K. đã hiểu ý định của anh, nên không bàn luận gì thêm nữa, anh trở về tàu nằm nghỉ. Bây giờ khoảng 1giờ trưa, tất cả anh em đều có mặt đầy đủ. Đ/úy S.. và vợ con cũng đang ở chung với anh em trên tàu, bỗng th/tá Ba sực nhớ lại trên tàu còn có mấy chai rượu Napoleon mà Đ/tá T.. đã cho mấy ngày trước, lúc ông dọn nhà di tản về Sàigòn. Anh lấy ra mời anh em dùng để gọi là tiệc rượu cuối cùng của Phi đoàn 237 Lôi Thanh.

Trong lúc anh em đang vui vẻ để tạm quên đi những cái gì nặng nề, đau đớn và hoang mang nhất trong cuộc đời binh nghiệp thì lúc đó có 1 ông Tr/tá Bộ Binh mang phù hiệu Tổng Tham Mưu lái xe Jeep đến. Với đôi mắt gần như thất thần, sợ hãi, sự lo lắng hiện lên trên khuôn mặt và cử chỉ của ông ta:

- Các anh định đi đâu vậy?
- Chúng tôi đang chờ lệnh Sàigòn
- Trời ơi! Các anh chưa biết sao? Đại tướng Tổng Tham Mưu trưởng đã dông mất rồi. Bộ Tham Mưu không còn ai hết. Tôi là người sau cùng vừa chạy khỏi xuống đây. Nếu các anh ở đây lâu hơn nữa, Đ/tá Tỉnh trưởng Mỹ Tho sẽ cho lính giữ các anh lại, để đưa gia đình họ di tản, nếu các anh không tin, chờ tôi chạy về mang gia đình đi theo các anh luôn.
- OK! Ông về rước vợ con ông đi!

Sau đó Th/tá Ba gọi anh em phi đoàn lại họp kín phía bên trong nghĩa trang quân đội Mỹ Tho.

- Ông ta nói cũng có lý! nếu ở đây lâu sẽ kẹt cả đám. Bây giờ các anh em tính sao? Nên ra Đệ Thất Hạm Đội hoặc bay đi nơi khác?

Tr/úy K..nhanh nhẹn trả lời:
- Tôi nghỉ mình nên bay ra hạm đội cho an toàn hơn, rồi sẽ tín sau. Th/tá và các anh em nghĩ sao?
- Nếu tất cả đã đồng ý như Tr/u K… đề nghị thì chúng mình cùng đi. Còn người nào có gia đình hoặc muốn ở lại thì anh em cứ tự nhiên. Trươc tình thế khó khăn nầy tôi không ép buộc anh em phải theo tôi.

Sau đó có vài người xin ở lại, vì họ không biết nếu ra đi rồi cuộc sống của họ sẽ ra sao. Còn phần lớn các anh khác đồng ý ra đi. Anh bắt tay từ giã mọi người ở lại và chúc gặp nhiều may mắn. Anh chia làm 2 phi hành đoàn, một do anh lái, còn chiếc thứ hai do Đ/úy S… chiếc thứ ba giữ lại trên bờ hồ để dự phòng.

Lúc nầy vào khoảng hơn 1giờ trưa, hai chiếc Chinook cất cánh tại bờ hồ, lấy hướng 090 độ, trực chỉ Đông Nam Vũng Tàu. Trên tần số Guard, Đệ Thất hạm Đội đã gọi và cho biết vị trí của chiến nhạm Mỹ đang di chuyển ngoài khơi Thái Bình Dương.

Trên cao nhìn xuống, những cánh đồng  xanh rì, những con sông uốn khúc, những mái nhà lá ở vùng Long Định hình như họ đang thổi cơm trưa, khói trắng toả lên từng cụm nhỏ mỏng manh trên mái lá. Quê hương miền Nam, có vẻ thái bình và đẹp đẻ kia, những người dân quê hiền lành và chất phát dưới đó, có lẽ họ đang chờ đợi bữa cơm trưa. Họ đâu nghĩ rằng các anh đang chạy loạn, đang sắp sửa rời bỏ quê hương, nơi anh và các bạn đã chôn dấu biết bao kỷ niệm, từ thời thơ ấu tung tăng cắp sách đến trường làng cho đến ngày đầu quân vào binh nghiệp. Hôm naychiến tranh không còn xảy ra tại vùng quê hẻo lánh nữa, mà nó đã mang đến ngay tại thủ đô Saigon, tại hpi trường quốc tế Tân Sơn Nhất. Dân chúng thủ đô đang nếm mùi bom đạn của cái gọi là Giải Phóng Miền Nam, đang rình rập mang chế độ vô sản, bần cố nông, vô thần, để đem vào canh tân Miền Nam, hướng dẫn cả dân tộc trở về thời kỳ bán khai trung cổ!?.Anh trở về với thực trạng khi nghe copilot làTr/u K…kêu lên:

- Thiếu tá có thấy cụm khói đen hướng 11 giờ trên biển đó không ? Đó là check point do tụi Mỹ cho.
- OK! Mình cứ giử hướng bay tới, chắc Hạm Đội tụi nó không xa lắm.

Chiếc số 2 của Đ/úy S… nhanh nhẹn hơn, bay trước chúng tôi. Đã 20 phút bay trên biển, bờ biển VN mờ dần từ phía dưới chân trời xa thâm thẩm. Anh hơi ngại, vì vợ con trong tàu không có lấy một chiếc phao cấp cứu, nếu phi cơ trở chứng thì chết cả lũ dưới biển sâu . Anh cố mở mắt thật to để tìm kiếm dấu vết gì của hạm đội, nhưng sương mù dầy đặc, tầm nhìn giới hạn nên chẳng thấy được gì. Lúc đó Tr/u M. đưa tay chỉ về hướng 12 giờ:

- Kìa Thiếu tá thấy gì không?
- Ồ! hình như 1 chiếc tàu??!

Một sự vui mừng khó tả hiện lên gương mặt mọi người. Như kẻ đang chết đưối vớ được phao cứu mạng. Bảo Tr/u K.. quan sát chung quanh còn anh cho phi cơ vòng  một lược xung quanh tàu để xin đáp. Đây là tàu tuần duyên  nên chỉ có một bãi đáp nhỏ dành cho HU-1 còn chiếc Chinook  của anh quá lớn nên không thể hạ cánh được.

 Lúc đấu thủy thủ đoàn khoát tay đuổi đi, thậm chí còn dùng shotgun để bắn đe doạ. Chiếc tàu tuần vẫn chạy nhanh chứ không chịu dừng lại. Anh cứ bám sát theo, cuối cùng họ đành chịu thua, dừng lại đứng yên một chỗ. Không đáp được nên anh phải hover một chỗ thật chính xác, vì tàu có quá nhiều cột antenna cao. Mọi người lần lược nhảy xuống. Phía dưới có thủy thủ Mỹ đứng chờ sẳn để chụp từng người, nếu không, có thể bị gãy chân dễ dàng vì anh không thể xuống thấp hơn nữa.  Vợ con anh cũng chịu cùng chung số phận như những người khác trên tàu. Độ vài phút  mọi người đã xuống an toàn, anh bảo Tr/úy M…:

-Bây giờ tới phiên anh. Nhưng trước khi nhảy xuống, anh hãy xem lại phía sau tàu còn có ai bị kẹt lại không, tôi sẽ làm Ditching. Tr/úy M. cởi bỏ áo giáp, tháo dây an toàn bước ra khỏi phòng lái, đi ra phía sau kiểm soát lại lần cuối. Vài giây sau đó M.. đưa ngón tay cái lên trời, ra dấu OK. Anh gật đầu cám ơn. Chốc lát sau đó anh thấy Tr/úy M.. đã đứng trên tàu khoác tay chào.

Bây giờ là khoảng 2giờ chiều ngày 29-04-1975, anh đưa chiếc Chinook ra khỏi vị trí hover, dang ra cách  tàu thật xa khoảng 200 bộ. Vài chiếc máy quay phim của Hải Quân Mỹ nhắm thẳng vào chiếc chinook anh đang lái. Họ không để mất  đi một cơ hội hiếm có nầy, vì họ biết chắc anh sẽ làm Ditching. Chiếc CH47 đã ở vị trí an toàn, anh đưa tay kéo chốt thoát hiểm, cho cánh cửa sổ trái phía bên anh văng ra ngoài và rơi xuống biển. Từ từ lần mò, một tay lái một tay cởi áo giáp, áo bay và súng đạn một cách hết sức khó khăn. Lẽ ra anh phải nhờ Tr/úy M… lái để có thời gian rảnh rang cởi bỏ những cái lỉnh kỉnh  trước khi anh M… nhảy ra khỏi tàu. Nhưng bây giờ mọi chuyện đã xong rồi ( kinh nghiệm nầy chắc không bao giờ tái diễn lần thứ hai). Anh đã sẳn sàng trong tư thế cuối cùng. Hải quân Mỹ cũng đã hạ phao cấp cứu, mọi việc xong xuôi. Họ đang chờ cách đó khoảng 200 bộ. Anh đưa ngón tay cái lên trời, ra dấu sẳn sàng. Những cánh quạt to lớn quay vù vù, đan vào nhau ở phía trên đầu, như những thanh long đao bén nhạy. Nếu sơ hở trong đường tơ kẻ tóc, có thể thân xác sẽ trở thành những miếng thịt bầm vụn nát, làm mồi cho cá biển. Sự thật tất cả phi cơ CH-47 của phi đoàn hầu như không có đủ điều kiện để đáp xuống nước như khi đang học ở trường huấn luyện Fort Rucker., vì nước sẽ tràn vào trước khi cánh quạt ngưng quay. Do đó chỉ còn làm Ditching mà thôi. Anh đưa mắt kiểm soát lại lần cuối: các đồng hồ phi kế,  rotor RPM v.v… tất cả đều tốt đẹp, trong vòng an toàn. Anh đẩy nhẹ cần lái về phía trước và sang bên phải, cùng lúc chân phải đạp vào pedal, chiếc Chinook ngoan ngoản trườn tới trước và dạt về hướng phải, cùng lúc đó anh nhanh nhẹn phóng mình ra cửa sổ bên trái và rớt xuống biển. Anh cố lặn sâu xuống nước, nhưng nước biển mặn cứ đẩy anh trồi lên trên mặt biển. Anh cố mở mắt nhìn phi cơ, lúc nầy nó như một con khủng long đang cuồng nộ giận dử, cánh quạt chặt ầm ầm trên mặt biển, thân xác khổng lồ của nó còn đang đu đưa, dẩy dụa chưa chịu chìm. Anh cố gắng lặn trở lại, vì chỗ phi cơ rớt không xa lắm, cánh quạt cỏ thể gảy văng ra như miễng bom, giết người một cách dễ dàng. Độ vài chục giây sau, anh lại trồi lên mặt nước. Bây giờ tất cả đều yêm lặng, phi cơ chưa chìm hẳn, vẫn còn nổi lấp xấp trên mặt nước.. Vừa lúc ấy thuyền cấp cửu của Hải Quân Mỹ cũng vừa chạy tới vớt anh lên. Khi bước lên boong tàu, anh chỉ còn quần đùi và chiếc áo thun mặc trên người. Không biết người thủy thủ nào đó thấy anh thương hại đã cho anh một chiếc áo mưa bằng plastic màu vàng để choàng vào cho đở lạnh. Sau đó viên thuyền trưởng đến bắt tay anh, cám ơn sự bình tỉnh của anh đã đưa được những hành khách  xuống tàu một cách an toàn và xin chụp ảnh lưu niệm.

Một chuyến bay sau cùng của đời binh nghiệp, một sự đóng góp, hy sinh của một thời trai trẻ cho quốc gia dân tộc. Anh luôn luôn có một hoài bảo và ước vọng là đất nước Việt Nam được sớm thanh bình, hạnh phúc. Rồi kết quả sau cùng thật chua chát, đ ắng cay. Gia tài của mẹ Việt Nam, anh đã mang theo một vợ ba con, chiếc quần đùi và cái áo thun ba lỗ!!

Nghĩ lại anh em trong đơn vị, phi đoàn 237 Lôi Thanh, anh rất hảnh diện là đã làm tròn bổn phận của một cấp chỉ huy sau cùng. Anh không lừa phỉnh, bỏ đơn vị để trốn tránh anh em, lo cho riêng mình. Ngay cả đến giờ phút cuối cùng, anh cũng đã tự nguyện hy sinh như một thuyền trưởng để cho người khác được an toàn tánh mạng. Anh không thích tự đề cao mình, nhưng chính đó là sự thật. Anh cũng không muốn  nhắc đến tên tuổi những anh em đã bỏ hợp đoàn trốn đi trước. Anh nghĩ rằng vì quá sợ hãi cho tính mệnh và gia đình mình nên anh em mới có hành động ngoài ý muốn như vậy.

Anh không quên cám ơn Thượng sĩ C.., thượng sĩ M.. và Tr/úy L…đã cùng anh bay trở về Phú Lâm để rước vợ con anh trong phút chót. Cũng xin cám ơn Đ/úy S… Nếu không có anh xin đáp xuống Mỹ Tho, thì có lẽ vận mệnh của chúng ta đã đổi khác nhiều. Anh cũng cám ơn Tr/úy K và tất cả anh em phi hành đoàn đã thi hành nhiệm vụ mà quân đội đã giao phó cho đến giờ phút cuối cùng.

KQ Nguyễn Văn Ba, Seattle, WA.
Th/tá Nguyễn Văn Ba
Phi Đoàn Phó PĐ237 Lôi Thanh

Tuesday, January 13, 2015

Tri ân anh, người thương phế binh VNCH



Tri ân anh, người thương phế binh VNCH




VRNs (13.01.2015) – Sài Gòn – 40 năm sau khi tan rã hàng ngũ bằng một cuộc bức tử kinh tởm, VNCH đã mất đi, Cộng Sản Bắc Việt đội nón cối, đi xe đạp và “Giải phóng”  Miền Nam. Rồi một Sài gòn “Hòn Ngọc Viễn Đông” cũng mất tên từ đó….cũng giống như người lính VNCH đánh mất danh phận mình.

 Nỗi đau dân tộc sau 30/4/1975 đến nay vẫn còn đau đáu cho những đồng bào trong và ngoài nước mỗi khi nhắc lại. Thế nhưng niềm tự hào và đầy kiêu hãnh vẫn vẹn nguyên trên gương mặt của những người lính Việt Nam Cộng Hòa còn sống sót sau các cuộc chiến vì quốc gia dân tộc như: Trận Ấp Bắc (1963), Bình Giã (1964 – 1965), Playme (1964) ), CamPuchia (1970), Lam Sơn (1971), Quảng Trị (1972), An Lộc (1972).  Họ đã chiến đấu hết mình vì quốc gia dân tộc.


2

Sau cuộc chiến họ rệu rạo về thân xác, những vết thương chiến tranh làm mất đi những phần thân thể quý giá,… Một nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam ra đời – cùng lúc họ đối diện với cuộc sống tối tăm của người thua cuộc trong chế độ mới .

Là những con người tàn phế, không thể tự nuôi sống bản thân lại phải sống trong một xã hội bị thâu tóm toàn diện. Chính trị, kinh tế, quyền lực, quyền lợi đều thuộc về một giai cấp thống trị, một chế độ ô dù, giới lãnh đạo quốc gia là những con người vị kỷ, bất chấp thủ đoạn để trục lợi cho bản thân, lãnh đạo quốc gia mù mờ dẫn dắt cả dân tộc đi trong đêm tối trong một thời kỳ các quốc gia khác đạt đến nền văn minh và kinh tế rực rỡ thì làm sao họ không bất hạnh khi cả dân tộc bất hạnh..!?


5

Kinh tế quốc gia đi xuống, lòng dân bất ổn, xã hội rối ren do có quá nhiều oan sai, đàn áp. Chế độ độc tài toàn trị hung bạo với nhiều sai lầm ấu trĩ làm nổi lên những tiếng nói đối kháng với chính quyền và kết quả là bị sách nhiễu, bắt bớ bỏ tù với hàng trăm bản án tử hình, hàng ngàn bản án chung thân khổ sai..!

 Với hoàn cảnh như vậy sự kỳ thị của nhà cầm quyền đối với các quân nhân trong chế độ cũ càng thêm nghiệt ngã. Lang thang trên đường đời với thương tật vĩnh viễn họ mưu sinh bằng những nghề với thu nhập rất thấp như: bán vé số, sửa xe đạp,…Sống qua ngày với nỗi đau thân xác và tinh thần lớn lao.


6

Trải đều khắp các tỉnh thành trong nữa nước, những năm gần đây  từ Quảng Trị đến Cà mau anh em thương phế binh VNCH có dịp được hội ngộ về với Đền Đức mẹ Hằng Cứu Giúp tại Saigon – Nơi tổ chức các đợt khám chữa bệnh miễn phí dưới sự hỗ trợ của các Cha và anh chị em thiện nguyện viên, các đợt tặng quà, khám chữa bệnh đã làm ấm lòng các quý ông. Tuy không nhiều về vật chất thế nhưng các Cha và cộng tác viên DCCT đã hết lòng cho những đợt khám chữa bệnh, thăm hỏi, mua thẻ Bảo Hiểm nhằm giúp các ông yên tâm hơn về bản thân khi với thu nhập nhỏ nhoi của mình trong lúc bệnh tật luôn hoành hành thân xác Qua 4 đợt khám chữa bệnh : Các quý ông được thăm hỏi, khám bệnh chu đáo và cẩn thận qua các đợt thì gần đây số lượng quý ông TPB VNCH tăng lên đáng kể. Ngày 12/1/2015 tại đền ĐMHCC đã tổ chức buổi phát quà tết sớm cho anh em TPB với số lượng 1200 suất.

Qua các đợt gặp gỡ quý ông TPB VNCH có dịp ngồi lại với nhau để trò chuyện, tìm hiểu cuộc sống của anh em đồng đội, ôn lại những ngày tháng kỷ niệm trong các trận chiến bi hùng. Có người về từ những Sư Đoàn Bộ Binh, từ Binh chủng Nhãy Dù,Thủy quân Lục chiến hay Biệt động Quân v..v…bằng đôi chân giả, con mắt giả, bàn tay giả ,…nói cho nhau nghe tình cảnh của bản thân rất chân thật..và những giọt nước mắt đã rơi trên những đôi gò má gầy gò….Họ hát cho nhau nghe: “Người ở lại Charlie”, “Xuân này con không về”, “Huynh đệ chi binh”,….những tác phẩm âm nhạc vang bóng một thời cổ võ cho trận chiến đấu uy hùng. Tôi thuộc thế hệ sinh sau cuộc chiến, chỉ biết về quân lực Việt nam Cộng Hòa qua giáo dục của cha mẹ và sách báo cảm thấy cảm động trước tấm chân tình của các vị ân nhân và các Cha ở dòng CCT đã tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa cho các quý Ông TPB VNCH bị bỏ rơi giữa dòng đời khó khăn sau chiến tranh.

Của ít lòng nhiều hy vọng những nỗi đau khổ bất hạnh vì đó được xoa dịu phần nào.

Huỳnh Phương Ngọc










Phân Ưu Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt / Việt Báo - Hội Nha Kỹ Thuật


Phân Ưu Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt / Việt Báo - Hội Nha Kỹ Thuật