Thursday, December 19, 2024

Ngày nhậm chức 20/1của ông Trump có gì đặc biệt? ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 19/12/2024

 Ông Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 năm sau, bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai. Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ trở lại Nhà Trắng với tư cách là Tổng thống thứ 47, đây được coi là sự trở lại chính trị gây sốc nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Reuters cho biết theo truyền thống, Ngày nhậm chức (Inauguration Day) chủ yếu là một buổi lễ hoành tráng, để tiễn tổng thống tiền nhiệm rời Nhà Trắng và chào đón tân tổng thống đến Nhà Trắng. Ông Trump đã hứa sẽ ký một loạt sắc lệnh hành pháp ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, bao gồm các chủ đề từ an ninh biên giới đến sản xuất dầu khí.

Đây là những gì chúng ta biết về Ngày nhậm chức cho đến nay:

Lễ nhậm chức sẽ được tổ chức khi nào?
Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Điện Capitol vào lúc 12h trưa theo giờ Miền Đông (tức 17:00 GMT). Buổi lễ có thể do Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts điều hành.

Sau đó, ông sẽ có bài phát biểu nhậm chức. Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn, Trump nói rằng ông hy vọng bài phát biểu sẽ truyền cảm hứng cho mọi người và thúc đẩy sự đoàn kết. Nó hoàn toàn trái ngược với bài phát biểu đầu tiên của ông vào năm 2017, khi đó Trump mô tả Mỹ một đất nước tan hoang sau khi trải qua “kiếp nạn của Mỹ” (American Carnage).

Tổng thống sắp mãn nhiệm của đảng Dân chủ Joe Biden cho biết ông dự định tham dự buổi lễ và chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực.

Hàng ngàn khán giả không có vé dự kiến sẽ đổ về National Mall để theo dõi buổi lễ trên màn hình lớn.

Ai sẽ được mời?
Ông Trump đã phá vỡ thông lệ và mời nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài tham dự buổi lễ. Trong lịch sử, họ thường không nhận lời do lo ngại về an ninh, mà sẽ cử các nhà ngoại giao thay mặt đến dự.

Tổng thống Argentina – ông Javier Milei, một người ủng hộ trung thành của ông Trump, cho biết ông sẽ tham dự buổi lễ. Một người ủng hộ khác của ông Trump, Thủ tướng Hungary – ông Viktor Orban, cho biết ông đang cân nhắc việc tham dự.

Mặc dù được mời nhưng lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ không tham dự.

Phân tích: Trump mời Tập dự lễ nhậm chức, đi hay không cũng đều khó xử
Tiến tới Nhà Trắng
Sau bữa trưa với các lãnh đạo Quốc hội tại Điện Capitol, ông Trump sẽ đi cùng đoàn xe dọc theo Đại lộ Pennsylvania đến Nhà Trắng, cùng với quân đội, các ban nhạc tuần hành của trường, xe hoa và các nhóm dân sự. Sau đó, tân tổng thống và các vị khách của ông sẽ theo dõi phần còn lại của cuộc tuần hành từ khán đài duyệt binh.

Bắt đầu làm việc
Ông Trump tuyên bố sẽ ký hơn 20 sắc lệnh vào chiều hôm đó. Các mệnh lệnh không cần sự chấp thuận của Quốc hội, nhằm mục đích hủy bỏ nhiều chính sách của chính quyền Biden.

Ông dự kiến sẽ ký lệnh cho phép các quan chức nhập cư có nhiều quyền tự do hơn để bắt giữ những người nhập cư bất hợp pháp; gửi thêm quân đến biên giới Mỹ – Mexico và khởi động lại việc xây dựng bức tường biên giới.

Các mệnh lệnh cũng sẽ bao gồm nỗ lực tăng cường sản xuất năng lượng và thực hiện khẩu hiệu tranh cử thường được lặp đi lặp lại của ông là “drill, baby, drill” (khoan, cưng, hãy khoan đi).

Ông cũng có thể đưa ra đợt ân xá đầu tiên cho các bị cáo bị chính phủ liên bang kết án vì vai trò của họ trong vụ bao vây Điện Capitol hôm 6/1/2021.

Các bữa tiệc vào buổi tối
Tối hôm đó, một loạt lễ nhậm chức sẽ được tổ chức ở Washington và ông Trump có thể tham dự một số trong đó.

Các sự kiện chính thức được tài trợ bởi ủy ban nhậm chức của Trump, do nhà phát triển bất động sản đồng minh lâu năm của ông là ông Steve Witkoff và cựu Thượng nghị sĩ Kelly Loeffler đồng chủ trì. Người sáng lập Amazon.com Jeff Bezos và Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Meta Platforms Mark Zuckerberg cho biết, mỗi người sẽ quyên góp 1 triệu USD cho ủy ban này.

Những khoản quyên góp lớn cho ủy ban nhậm chức phải được báo cáo lên ủy ban bầu cử liên bang. Ông Trump đã huy động được kỷ lục 106,7 triệu USD cho lễ kỷ niệm nhậm chức năm 2017.

Ông Trump: Sẽ nói chuyện với ông Putin và ông Zelensky

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump cho biết sẽ nói chuyện với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Ukraine Vladimir Zelensky nhằm mục đích ngăn chặn “cuộc tàn sát” giữa Moskva và Kiev.

Theo Reuters, trong một cuộc họp báo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hôm thứ Hai (16/12), ông Trump đã từ chối bình luận khi được hỏi liệu ông có nói chuyện với ông Putin kể từ khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng trước hay không. Tuy nhiên, ông Trump cho biết ông có ý định làm như vậy.

“Chúng tôi sẽ nói chuyện với Tổng thống Putin và chúng tôi sẽ nói chuyện với các đại diện [của Nga], ông Zelensky và các đại diện từ Ukraine”, ông nói. “Chúng ta phải ngăn chặn điều đó. Đó là sự tàn sát”, ông nói thêm, ám chỉ đến cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm giữa Nga và Ukraine.

“Đó là một cuộc tàn sát mà chúng ta chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ Hai,” ông nói tiếp. “Phải ngăn chặn nó lại. Và tôi đang cố gắng hết sức để ngăn chặn [nó].”

Ông Trump đã thề trên đường vận động tranh cử rằng sẽ chấm dứt xung đột trong vòng 1 ngày sau khi nhậm chức, mặc dù sau đó ông đã thừa nhận rằng việc này có thể “khó khăn hơn” so với những gì ông từng nghĩ. Trump mới đã gặp ông Zelensky tại Paris vào đầu tháng này và nói ngay sau cuộc bầu cử tháng trước rằng ông có thể sẽ nói chuyện với ông Putin trong tương lai gần.

Ông Trump và các quan chức nội các tương lai của ông đã từ chối bình luận về các báo cáo của giới truyền thông đưa tin rằng họ đã liên lạc với Moskva, trong khi tháng trước Điện Kremlin đã phủ nhận báo cáo của tờ Washington Post cho rằng ông Trump đã liên lạc với ông Putin qua điện thoại ngay sau cuộc bầu cử.

Ông Putin đã nói rằng những tuyên bố của ông Trump về việc chấm dứt xung đột là “đáng được chú ý”, và rằng ông sẵn sàng đàm phán với tổng thống đắc cử. “Sẽ không có gì là hạ thấp mình nếu tôi tự gọi cho ông ấy,” Tổng thống Nga nói tại một cuộc họp của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai ở Sochi hồi tháng trước.

Vì Trump chưa tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về loại giải pháp mà ông định đề xuất với ông Putin và ông Zelensky, nên kế hoạch của ông vẫn là chủ đề đồn đoán của giới truyền thông. Hầu hết các hãng thông tấn của Mỹ đều dự đoán rằng ông Trump sẽ thúc đẩy xung đột bị đóng băng dọc theo đường tiếp xúc hiện tại, với việc Ukraine từ bỏ nguyện vọng trở thành thành viên NATO để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ phương Tây.

Ông Trump đã tuyên bố rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ để các thành viên châu Âu của NATO tự thực hiện thỏa thuận như vậy.

Moskva khẳng định rằng bất kỳ giải pháp nào cũng phải bắt đầu bằng việc Ukraine ngừng các hoạt động quân sự và thừa nhận “thực tế lãnh thổ” rằng họ sẽ không bao giờ giành lại được quyền kiểm soát các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye, cũng như Crimea. Ngoài ra, Điện Kremlin khẳng định rằng các mục tiêu của hoạt động quân sự của họ – bao gồm cả sự trung lập của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa – sẽ đạt được.
Lệnh hành pháp mà ông Trump sẽ ký vào ngày đầu, theo Reuters

Donald Trump có kế hoạch ban hành một loạt các lệnh hành pháp và chỉ thị vào những ngày đầu tiên tái nhập Tòa Bạch Ốc, bắt đầu từ 20/1/2025, theo những gì Reuters được biết cho đến nay, chúng gồm ít nhất 25 lệnh hành pháp và con số sẽ tăng nhanh vào những tuần tiếp theo, trải rộng nhiều lĩnh vực, từ nhập cư hay năng lượng, cho đến thuế quan hay ân xá.

Nhập cư, di trú
Ông Trump đã hứa hẹn rất nặng về việc đóng cửa biên giới, trục xuất những người bất nhập cư. Đảng Cộng hòa cũng ủng hộ rất mạnh chủ trương này. Các lệnh hành pháp, theo Reuters sẽ thắt chặt chính sách nhập cư, và sẽ dẫn tới một con số kỷ lục những người nhập cư bất hợp pháp bị trục xuất.

Nước Mỹ, dưới thời ông Trump, vẫn tiếp tục hoan nghênh những người nhập cư, nhưng mà, chính sách sẽ được thắt chặt hơn. Một phần lớn lý do chính là vào thời Tổng thống Joe Biden, nó bị thả lỏng thái quá. Bức tường ngăn ở biên giới phía Nam, tiếp giáp Mexico, sẽ được tiếp tục xây dựng. Đây là tinh thần chính sách chung vốn có của Mỹ.

Điểm mới là sẽ có các hành động trao cho các viên chức nhập cư liên bang nhiều quyền hạn hơn để bắt giữ những người không có tiền án, và điểm đặc biệt là điều thêm quân đến biên giới, dự kiến sẽ tuyên bố nhập cư bất hợp pháp là tình trạng khẩn cấp quốc gia, từ đó cho phép điều động một phần nguồn quỹ quốc phòng cho các hoạt động này.

“Chúng tôi sẽ thực hiện theo cách mà nếu bạn là người [nhập cư] bất hợp pháp, bạn không nhập cảnh qua cửa khẩu hoặc thậm chí nếu bạn cố gắng nhập cảnh bất hợp pháp vào cửa khẩu, thì bạn sẽ không được phép vào,” cố vấn của ông Trump, Jason Miller, nói với NPR (Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia).

Ông Trump cũng có kế hoạch chấm dứt các chương trình “ân xá” tạm thời (temporary parole) của Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, mà nó đã cho phép hàng trăm nghìn người di cư từ một số quốc gia nhất định nhập cảnh hợp pháp vì lý do nhân đạo và có thể có được giấy phép lao động.

Ông Trump có thể sẽ thực hiện lời hứa hẹn chấm dứt quyền công dân tự động đối với những người sinh ra tại Hoa Kỳ mà có cha mẹ ở nước này bất hợp pháp. Các cố vấn cho biết nhóm của ông Trump đang soạn thảo một sắc lệnh hành pháp với nội dung này.

Vấn đề nới lỏng chính sách của Tổng thống Joe Biden vấn đề tự động có được quyền công dân là các vấn đề mà Đảng Cộng hòa và phe cánh hữu đã có các tiếng nói cần chỉnh sửa từ lâu. Đặc biệt là chính sách nới lỏng cho phép nhiều phần tử không kiểm soát được cũng trở thành công dân Mỹ, là điều mà chính quyền Biden bị chỉ trích rất nhiều trong thời gian vận động tranh cử. Nó cũng là điểm mà ông Trump được nhiều cử tri Mỹ tán đồng từ đó ủng hộ ông.

Tuy nhiên, theo Reuters bình luận, bất kỳ quyết định nào nhằm chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh, đều sẽ phải đối mặt với thách thức pháp lý, bởi vì, theo Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ, được phê chuẩn vào năm 1868 trong thời kỳ hậu Nội chiến, quy định cấp quyền công dân cho “tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch tại Hoa Kỳ”

Năng lượng
Các nguồn tin tiết lộ cho Reuters rằng ông Trump đang cân nhắc một loạt các lệnh hành pháp sẽ được ký trong vài ngày sau khi nhậm chức, nhắm vào mọi thứ, từ xe điện đến việc rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Đây là những điều nằm trong đoán trước từ lâu, vì trong nhiệm kỳ tổng thống lần đầu của mình, 2017–2020, ông Trump đã triển khai các việc này. Nhưng chính là Tổng thống Joe Biden đã thay đổi các chính sách về năng lượng ấy của ông Trump.

Theo một tài liệu mà Reuters có được, các thành viên trong nhóm chuyển giao của ông Trump đang khuyến nghị những thay đổi toàn diện để cắt giảm hỗ trợ cho xe điện và trạm sạc và tăng cường các biện pháp ngăn chặn việc nhập khẩu ô tô, linh kiện và vật liệu pin từ Trung Quốc.

Tài liệu này cho thấy nhóm chuyển giao cũng khuyến nghị áp thuế đối với tất cả các vật liệu pin trên toàn cầu, một nỗ lực nhằm thúc đẩy sản xuất của Hoa Kỳ, và sau đó đàm phán các miễn trừ riêng lẻ với các đồng minh.

Các lệnh hành pháp của ông Trump cũng có khả năng sẽ tìm cách bãi bỏ các quy định về khí hậu của ông Biden đối với các nhà máy điện, chấm dứt lệnh tạm dừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng và thu hồi các miễn trừ trong đó cho phép California và các tiểu bang khác có các quy tắc về ô nhiễm chặt chẽ hơn.

Lưu ý rằng, Elon Musk, một đồng minh thân cận và rất quan trọng của ông Trump trong nhiệm kỳ này, là chủ của hãng xe điện lớn nhất nước Mỹ, Tesla, hiện có nhà máy lớn tại Trung Quốc.

Thuế quan
Các lệnh hành pháp liên quan tới thuế quan, có thể sẽ được ông Trump ký trong những ngày đầu hoặc quãng thời gian đầu nhận chức. Ông Trump được miêu tả là đã tung ra rất nhiều lời đe dọa dùng chính sách thuế quan nhắm vào hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc, nơi có các đối tác lớn nhất của Mỹ.

Ông Trump tin rằng thuế quan sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nội địa của Hoa Kỳ, và điều này có phần nào đã đúng trong nhiệm kỳ trước của ông, tuy nhiên, hiện nay có những tiếng nói nghi ngờ tính hiệu quả của nó, hoặc có các lập luận rằng kỳ thực người phải trả giá cho tất cả điều này rốt cuộc chính là người tiêu dùng Mỹ.

Ân xá
Ông Trump rất có thể sẽ dùng quyền hạn của mình ân xá cho một số người mà tòa án Mỹ đã định tội, liên quan tới vụ bạo động ngày 6/1/2021. Chi tiết về hành động như vậy vẫn chưa rõ ràng, nhưng ông Trump tuyên bố rằng ông sẽ hành động về vấn đề này vào ngày đầu tiên nhậm chức.

Đây là một chủ đề dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau. Rất nhiều người của Đảng Cộng hòa cùng phe cánh hữu tin rằng nhiều người bị giam đó kỳ thực là vô tội, và họ cùng gia đình đang phải chịu oan khuất rất lớn, là nạn nhân của chế độ Biden.
Canada cam kết tăng cường kiểm soát biên giới, hạn chế nhập cư để xoa dịu ông Trump


Hôm Thứ Ba 17/12, bốn bộ trưởng Canada đã công khai công bố một kế hoạch an ninh biên giới mà họ đã trình bày riêng với chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, tập trung vào giám sát, tình báo và công nghệ.

Bộ trưởng An toàn công cộng, Tài chính và Các vấn đề liên chính phủ Dominic LeBlanc nói với các phóng viên rằng các bộ trưởng Canada đã có một cuộc họp “đầy khích lệ” với Tom Homan, người phụ trách vấn đề biên giới của ông Trump.

Ông LeBlanc thông báo: “Tôi đã trao đổi với ông Homan về thông tin mà chúng tôi chia sẻ với các bạn hôm nay… Tôi rất phấn khởi với cuộc trò chuyện đó và các cuộc trò chuyện mà tôi đã có với Bộ trưởng Thương mại mới, Howard Lutnick”.

Ông LeBlanc và các đồng nghiệp của mình đã công bố vào thứ Ba [17/12] một kế hoạch tăng cường biên giới Hoa Kỳ-Canada bằng trực thăng, máy bay không người lái, tháp giám sát và chó nghiệp vụ, cũng như một “lực lượng tấn công chung” để nhắm vào tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Chính phủ thiểu số đang gặp khó khăn của Thủ tướng Justin Trudeau cho biết họ sẽ đầu tư 1,3 tỷ đô la Canada (909 triệu đô la Mỹ) vào an ninh biên giới trong sáu năm. Kế hoạch tập trung vào chất gây nghiện fentanyl, di cư bất hợp pháp và tội phạm có tổ chức.

Canada đã chịu áp lực phải tăng cường biên giới với Hoa Kỳ kể từ khi ông Trump đe dọa Canada và Mexico sẽ áp thuế 25% nếu họ không ngăn chặn được dòng người di cư và ma túy vào Hoa Kỳ.

Chính quyền Hoa Kỳ đã bắt giữ hơn 23.000 người gần biên giới Mỹ-Canada trong 12 tháng kết thúc vào tháng 10, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ là một phần nhỏ nếu so sánh với số 1,5 triệu người bị bắt giữ gần biên giới Mỹ-Mexico trong thời gian đó.

Cảnh sát Canada cho biết họ đã lắp đặt thêm nhiều camera và cảm biến trên đoạn biên giới có nhiều người qua lại nhất trong bốn năm qua.

Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng họ không thể làm gì nhiều để ngăn chặn những người vượt biên về phía Nam.

Các chuyên gia nói với Reuters rằng sự chú ý dồn dập đến biên giới Mỹ-Canada là do vấn nhận thức, hơn là vấn đề thực tế.

Theo các chuyên gia, một phương thức ngăn chặn hiệu quả hơn có thể là ngăn chặn mọi người đến Canada ngay từ đầu.

Như Reuters đã đưa tin, Canada đã thử làm như vậy, cấp ít thị thực hơn và từ chối những người có thị thực.

Canada cũng có kế hoạch sửa đổi luật nhập cư của mình để cho phép các cơ quan chức năng “hủy bỏ, đình chỉ hoặc thay đổi các giấy tờ nhập cư vì những lý do được coi là vì lợi ích công cộng”.

Hôm Thứ Ba, Bộ trưởng Di trú Marc Miller cho biết điều này có thể xảy ra, “ví dụ, trong các trường hợp gian lận hàng loạt”.

Ông Miller tuyên bố Canada cũng “sẽ đưa ra các biện pháp để hợp lý hóa hệ thống tị nạn nhằm giải quyết nhanh chóng các yêu cầu bất hợp pháp”. Ông đã ám chỉ đến những yêu cầu tị nạn mong manh và được rút ngắn thời gian.

Ông Miller cũng tuyên bố chấm dứt hoạt động “flagpoling”, một hoạt động mà trong đó những người cư trú tạm thời rời khỏi đất nước đủ lâu để quay trở lại và gia hạn tình trạng của mình.

Trong khi trọng tâm là những người di cư vượt biên từ Canada sang Hoa Kỳ về phía Nam, Canada đã chuẩn bị cho làn sóng nhập cư ngược lại khi mọi người chạy trốn mối đe dọa trục xuất hàng loạt của ông Trump.

“Đối với bất kỳ ai cân nhắc nhập cảnh bất hợp pháp vào Canada, khi chúng ta đang bước vào những tháng lạnh nhất của mùa đông, chúng tôi muốn nói rõ rằng việc cố gắng vượt biên vào Canada giữa các cửa khẩu nhập cảnh chính thức của chúng ta là rất nguy hiểm”, ông Miller lưu ý.

Hôm Thứ Hai, Chính phủ của Trudeau đã rơi vào hỗn loạn, sau khi bộ trưởng tài chính và phó thủ tướng Chrystia Freeland từ chức. Đang bị tụt hậu trong các cuộc thăm dò, ông Trudeau phải đối mặt với những lời kêu gọi chính từ trong nhóm của mình, đòi ông phải từ chức.

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn2.net. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự  cho phép của Trí Thức VN.

No comments:

Post a Comment