Một
chiến xa T-54 do binh sĩ SĐ 18 bắn hạ hôm 11 tháng Tư. Chính phủ treo
thưởng tiền cho mỗi xe tăng bắn hạ được, nhưng phải có chứng minh cụ
thể. Bởi thế họ sơn lên pháo tháp hàng chữ: “Sư Đoàn 18 LK 11-4” (LK
viết tắt của Long Khánh).
Ngoài ra ở mặt trước xe, họ viết thêm hàng
chữ: “Chi đoàn 1/5 CXA Bắn hạ ngày 11/4/75 Chi đội 2 Xã đội 32 hay
52.” (Photograph courtesy of Le Minh Dao)
Lúc 5:27 am ngày 10 tháng Tư, pháo binh CS khai hỏa, rót một ngàn quả đạn đại bác xuống thị xã đang còn bốc khói. Lực lượng tấn công của SĐ 7 tung ra liên tiếp từng đợt xung phong vào các vị trí phòng thủ của Tiểu Đoàn 82 BĐQ cũng như của Trung Đoàn 43 ở mặt đông Xuân Lộc nhưng không chọc thủng được. Bên phía tây thị xã, Trung Đoàn 270 mở năm đợt tấn công vào lực lượng Địa Phương Quân cố thủ ở gần khu chợ nhưng mỗi đợt đều bị đẩy lui. Đôi bên có lúc giao tranh cận chiến với việc sử dụng cả lựu đạn lẫn lưỡi lê. Thêm bốn chiến xa T-54 bị tiêu diệt. Pháo binh quân trú phòng được sự yểm trợ bởi những cuộc oanh kích của không quân NV tiếp tục gây tổn thất nặng nề cho phe tấn công.
Lúc chiều xuống, Tướng Đảo lại tổ chức phản công. Nhận thấy hai trung đoàn của SĐ 341 đang bị chôn chân trong thị xã, ông cho mở cuộc tấn công vào họ bằng cách từ trong đánh ra lẫn ngoài đánh vào. Cuộc phản công thứ nhì này vượt sức chịu đựng đối với các bộ đội tuổi thiếu niên của SĐ 341. Sau hai ngày liên tục ăn đạn pháo và chịu tổn thất nặng nề, nhiều binh đội Miền Bắc run sợ, mất ý chí chiến đấu và bắt đầu chui rúc tìm chỗ ẩn nấp dưới hầm hố hoặc những tòa nhà đổ nát. Theo Đại tướng Cao Văn Viên, “Họ không rành địa thế, sợ giao chiến và sợ đạn pháo. Sau khi xâm nhập vào được sâu bên trong thị xã, họ tìm núp dưới các cống rãnh và không hề bắn một phát nào từ số đạn căn bản bảy mươi viên được cấp phát.”
Dần dần binh sĩ NV lấy lại từng tòa nhà mà quân BV đã chiếm được từ hôm trước. Đến tối ngày 10 tháng Tư, Xuân Lộc hoàn toàn trong tay của lực lượng NV. Khu phía bắc của thị xã chẳng còn gì đứng vững ngoại trừ những đổ nát điêu tàn. Một nhà báo Mỹ tên Philip Caputo viết : “Hầu như mỗi căn nhà đều hư hại, trung tâm thị xã chỉ còn đống gạch vụn. Các đường phố lỗ chỗ với những hố do đạn đại bác 130mm để lại, vốn được quân BV bắn vào từ các ngọn đồi ở hướng bắc. Nơi trước đây là những tòa nhà thì nay là những cây sắt thép cong queo và những cột gỗ cháy đen. Mái tôn nhà chợ uốn vẹo thành những hình dáng quái dị, nay trông như một bãi chứa đồ phế thải. Và trạm xe buýt, nơi cuộc giao tranh khởi phát, bây giờ có thể nhận ra nhờ bộ xương của vài chiếc xe đã cháy rụi. Ngay cả mái nhà thờ Công giáo cũng không thoát khỏi số phận tương tự. Giờ đây nó trông như tàn tích của một tòa tháp cổ xưa, đứng nhìn ra chung quanh những hoang tàn, những đám cháy, những xác chết trương phình và bốc mùi dưới ánh nắng của các cán binh CS nằm rải rác đó đây, trong tư thế kỳ quặc của sự chết. ‘Thị xã trông như một thành phố thời Thế Chiến Hai,’ theo lời một binh sĩ NV.”
Đêm xuống cũng không mang lại sự nghỉ ngơi cho các chiến binh NV đã mệt nhoài, một khi mà pháo binh CS vẫn liên tục pháo vào thị xã. Suốt đêm đó Xuân Lộc hứng thêm hai ngàn quả đạn đại bác. Sư Đoàn 18 phản pháo, tìm cách làm rối loạn mức tác xạ tập trung của đối phương. Biên sử của Sư Đoàn 341 có đoạn ghi : “Địch tác xạ vào các vị trí pháo binh của ta đồng thời cũng bắn dọc theo đường dẫn từ kho tiếp tế hậu cần của ta vào phía thị xã. Máy bay C-130 gunship cũng rưới đạn 20 mm xuống vị trí của ta. Địch hy vọng tạo một màn lưới lửa hòng ngăn chận nỗ lực tiếp tế cho các lực lượng của ta cũng như di tản thương binh.”
Dù chịu nhiều tổn thất nặng nề nhưng cấp chỉ huy quân BV vẫn không nao lòng. Sang sáng ngày thứ ba, họ bắt đầu tấn công trở lại. Quân Đoàn 4 ra lệnh cho SĐ 341 chuyển hướng tấn công vào Trung Đoàn 43 đồng thời kết hợp với SĐ 7. Sư đoàn này cũng nhận được lệnh khởi sự tấn công.
Vào lúc 5:30 sáng ngày 11 tháng Tư, trước khi xung phong, pháo binh BV rưới trước một hàng rào lửa trong suốt nửa giờ vào vị trí của Trung Đoàn 43. Kết quả vẫn y như cũ. Quân trú phòng đẩy lui được các lực lượng xung kích của cả hai sư đoàn. Quân NV phản công, chận đứng được hết mọi cuộc xâm nhập vào thị xã, không những thế chiếm lại những phần đất đã bị chiếm.
Vào cuối ngày, quân CS một lần nữa vẫn không lấy được thị xã, và tổn thất của họ cực kỳ cao và ngày càng cao thêm. Tướng Hoàng Cầm viết : “Đây là trận giao tranh kinh hoàng nhất mà tôi từng tham gia! Theo đánh giá của tôi, sau ba ngày đánh nhau, dù đã sử dụng luôn cả lực lượng trừ bị, tình hình vẫn không khá chi hơn và ta phải chịu những tổn thất nghiêm trọng.” Ở phần ghi chú, ông đưa ra những con số trùng hợp với con số thấy trong Biên Sử Quân Đội Nhân Dân : “Trong suốt ba ngày đầu của trận chiến, SĐ 7 chịu 300 thương vong, trong khi con số lên đến 1,200 đối với SĐ 341. Hầu như tất cả khẩu pháo 85 ly và 57 ly của ta đều bị tiêu hủy.” Trong khi đó tổn thất của SĐ 18 chỉ có một trăm chết và bị thương. Nhờ sự chuẩn bị trước, nhờ máy bay không kích và pháo binh hữu hiệu và nhờ sự chỉ đạo kiên quyết của Tướng Đảo, tất cả đều là những yếu tố quan trọng giúp đánh bại được những cuộc tấn công của quân CSBV trong những ngày đầu tiên.
Bộ Tổng Tham Mưu Nam Việt nhận chân được tầm quan trọng của Xuân Lộc,
rằng thị xã này không những là một vị trí phòng thủ trọng yếu mà còn là
nơi có thể giúp khơi dậy tinh thần chiến đấu vốn đã xuống quá thấp sau
sự tan rã của hai quân đoàn I và II ở vùng giới tuyến và vùng cao
nguyên. Nếu quân Miền Nam có thể làm cho phe Miền Bắc chịu sự thảm bại ê
chề tại Xuân Lộc, thì cơn khủng hoảng quân sự hiện nay có cơ may đảo
ngược lại được.
Kế hoạch chiến đấu của Tướng Toàn hòng bảo vệ thủ đô là vận dụng lưu động tính để dồn lực vào các địa điểm đang bị tấn công, đồng thời phá tan đội hình đối phương. Vào hôm 11 tháng Tư, ông triệu hồi Lữ Đoàn 3 Thiết kỵ từ Tây Ninh xuống, giao nhiệm vụ khai thông QL1 từ ấp Hưng Nghĩa đến ngã ba Dầu Giây. Cùng lúc đó, tiểu đoàn giữ an ninh cho dân tị nạn ở Hàm Tân được bốc khẩn cấp trở lại Xuân Lộc bằng trực thăng.
Về đến Hưng Nghĩa, Lữ Đoàn 3 Thiết kỵ lập tức bị chận đứng bởi SĐ 6 BV trên QL1 ở mặt phía đông của ấp nầy. Chuẩn Tướng Khôi cho một trong các lực lượng đặc nhiệm của mình mở mũi tấn công chính dọc theo quốc lộ, trong khi đó ông điều động lực lượng thứ nhì tiến thốc lên hướng bắc. Tuy nhiên, các lực lượng của ông vẫn không khai thông được quốc lộ.
Quan trọng hơn nữa, vào sáng 11 tháng Tư, Tướng Toàn gửi Lữ Đoàn 1 Dù do Trung Tá Nguyễn Văn Định làm tư lệnh đến Xuân Lộc để trợ lực cho SĐ 18. 1 Dù là một trong những đơn vị trừ bị chiến lược cuối cùng của quân đội NV. Trong suốt hai ngày, Tướng Toàn vận dụng hầu như mọi phương tiện trực thăng còn lại để chở ba tiểu đoàn Dù và một tiểu đoàn pháo binh xuống một khu vực gần Tân Phong. Đây được coi như là cuộc tấn công trực thăng vận cuối cùng của chiến tranh Việt Nam. Theo nguồn tin của phía VNCH : “Tất cả trực thăng của hai sư đoàn Không Quân 3 và 4, tổng cộng một trăm chiếc Hueys, chuyển vận hơn hai ngàn quân Dù xuống mặt trận. Các trung đội pháo binh Dù được trực thăng Chinook chở thẳng đến BCH Dù đóng cạnh bên BCH SĐ 18. Hai tiểu đoàn bộ binh Dù được thả ngay trên đầu địch để tái chiếm QL 1.” Sau khi thả quân xong các trực thăng đón dân và thương binh đưa về hậu cứ.
Về phần Tướng Đảo ông cũng có quyết định điều binh riêng của mình. Mặc dù bị gián đoạn và đang bị ăn pháo, Trung Đoàn 52 vẫn giữ phòng tuyến từ phía nam ngã ba Dầu Giây, ở ấp Phan Bội Châu, chạy lên phía bắc dọc theo QL 20 tới điểm xa nhất trên Đồi Móng Ngựa. Khác với Tiểu Đoàn 1 ở ấp Phan Bội Châu, không thành phần nào khác của trung đoàn đối mặt với cuộc tấn công bằng bộ binh. Tuy nhiên, Tiểu Đoàn 1 đang phải chịu áp lực địch thường xuyên. Ấp Phan Bội Châu gồm những căn nhà gạch nằm ngay trong một đồn điền cao su và dễ trở thành mục tiêu cho pháo binh. Từng trái từng trái đạn đại bác rót xuống đầu quân phòng thủ. Khi trận pháo vừa ngưng thì bộ đội bắt đầu xung phong. Tiểu Đoàn 1 đẩy lui được nhiều đợt nhưng bù lại họ phải chịu nhiều tổn thất.
Mặc dù áp lực đang đè lên Tiểu Đoàn 1, vào sáng ngày 10 tháng Tư, Tướng Đảo ra lệnh cho Tiểu Đoàn 2 của Trung Đoàn 52, di chuyển vào Xuân Lộc để tăng sức cho thị xã. Sau khi len lỏi được qua phòng tuyến địch, tiểu đoàn này bắt tay với Trung Đoàn 43 vào chiều ngày 12. Cũng trong hôm đó, một tiểu đoàn Dù đánh một trận ác chiến với một tiểu đoàn của SĐ 7 BV ở nam Xuân Lộc. Vào ngày 13 tháng Tư, Tướng Đảo cho hai tiểu đoàn Dù khác tiến dọc theo Quốc Lộ 1 để tấn công Sư Đoàn 7 ở phía đông thị xã. Một trong hai tiểu đoàn Dù tấn công và chọc thủng được một lỗ nơi phòng tuyến của SĐ 7 tại ấp Bảo Định, nhờ vậy một tiểu đoàn khác có thể tiến tới và bao vây Tiểu Đoàn 8, Trung Đoàn 209 CS.
Tướng Văn Tiến Dũng thay đổi đại kế hoạch của Tướng Trần Văn Trà
Sau thất bại ở Đồng bằng sông Cửu Long và ở Xuân Lộc, Tướng Văn Tiến Dũng xen vào để kềm hãm kế hoạch vĩ đại của Tướng Trần Văn Trà. Sự kháng cự quyết liệt của binh sĩ NV chứng tỏ điều ông phân tích trước đây là đúng. Với vai trò chỉ huy chiến dịch, hôm 13 tháng Tư, ông gửi điện cho Tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham Mưu đề nghị bây giờ nên ngưng tấn công, đợi đạo quân còn lại kéo đến đông đủ rồi mới đánh tiếp. Tướng Dũng cũng trình bày với Tướng Giáp rằng hai quân đoàn 1 và 3 không thể nào tiến vào Sài Gòn kịp trước ngày 15 tháng Tư. Hiện tại cũng đang có vấn đề về tiếp tế, đặc biệt là đạn cho xe tăng và trọng pháo. Điều Tướng Trà phàn nàn trước đây về sự thiếu hụt tiếp liệu nay chứng tỏ là không sai. Trong khi bộ đội Bắc Việt dồn lực lượng vào chiến trường B-2, nguồn vật lực không đủ để cung cấp cho quân số đông với những trận giao tranh lớn.
Bộ Chính Trị miễn cưỡng chấp nhận trì hoãn cuộc tấn công. Tổng Bí Thư Lê Duẩn điện Tướng Dũng ra lệnh phải bắt đầu tấn công lại không được trễ hơn tuần cuối cùng của tháng Tư. Tướng Giáp cũng gửi tiếp sau đó một công điện khác, bảo Tướng Dũng : “Kế hoạch toàn diện của cuộc tấn công phải đảm bảo rằng một khi bắt đầu hành động thì phải tung ra những đợt tấn công hết sức mãnh liệt và liên tục, lớp này chồng lên lớp kia, cho đến khi hoàn toàn thắng lợi. Tấn công khơi mào ở các khu vực ngoại vi trước và chuẩn bị lực lượng nắm lấy cơ hội đánh sâu vào trung tâm Sài Gòn từ nhiều hướng. Đây là hướng dẫn căn bản và cũng là một trong những điều chắc chắn đưa đến chiến thắng.” Bộ Chính Trị cũng hoan hỷ chấp thuận đề nghị của Tướng Dũng rằng chiến dịch sắp đến sẽ được đặt tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Nhìn thấy số viện binh bên Nam Việt tung thêm vào chiến trường, cấp lãnh đạo quân sự Miền Bắc bắt đầu tái lượng định tình hình và vạch ra những kế hoạch mới. Các báo cáo bắt đầu đến tay Tướng Trà cho ông hay rằng Quân Đoàn 4 buộc lòng phải lui binh, điều khiến ông trở nên hết sức lo lắng. Quân đoàn này “than phiền về việc thiếu hụt đạn cho tất cả các loại vũ khí, và đặc biệt là ba sư đoàn 341, 6 và 7 đều đang kiệt sức vì đã chiến đấu liên tục từ khi cuộc giao tranh dọc theo QL 20 bắt đầu.”
Vào chiều 11 tháng Tư, sau cuộc bàn thảo giữa Trần Văn Trà, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ và các cán bộ cao cấp khác, Tướng Trà được gửi đến bộ chỉ huy Quân Đoàn 4 để lượng định tình hình, đồng thời nếu thấy cần thì nắm quyền chỉ huy đơn vị này luôn. Hơn nữa ông đang mang theo bên mình các chỉ dẫn chiến thuật mới.
Đối với Tướng Trà, ông thấy xấu hổ khi kế hoạch vĩ đại của mình bị
tan tành vì gặp phải sức đề kháng quá quyết liệt của quân địch, đặc biệt
với Lê Đức Thọ, và đối thủ Văn Tiến Dũng, ở kề bên. Hơn nữa Tướng Trà
phạm phải lỗi lầm vì đã không nghe các hướng dẫn trước khi tấn công của
Tổng Tham Mưu là phải vô hiệu hóa phi trường Biên Hòa trước khi mở cuộc
tấn công vào Xuân Lộc.
No comments:
Post a Comment