Wednesday, October 7, 2020

“Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn” của BS Nguyễn Duy Cung: Bản Hùng Ca Quân Y Sĩ VNCH Thời Nội Chiến Quốc-Cộng

 23/08/2014

Ban Biên Tập Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y QLVNCH (http://www.svqy.org/) ghi nhận về tác giả Nguyễn Duy Cung, QYHD khóa 7, trích như sau:

"Ông tốt nghiệp Bác sĩ Y Khoa trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn năm 1960 và liên tiếp đảm nhiệm chức vụ Y sĩ trưởng của một số đơn vị Quân Y khác nhau của QLVNCH. Ông đã từng đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ về chuyên môn Gây Mê Hồi Sức trong năm 1962 và tại Nhật Bản về Giải Phẫu Lồng Ngực vào năm 1969.

Năm 1966, ông đắc cử dân biểu Quốc Hội Lập Hiến đại diện cho tỉnh Bình Thuận và tham gia vào việc soạn thảo bản Hiến Pháp hoàn chỉnh cho nền Đệ Nhị Cộng Hòa của nước Việt Nam Cộng Hòa.

Sau ngày Sài Gòn thất thủ 1975, ông bị bắt đi tù cải tạo cho đến năm 1976 thì được VC thả về làm việc tại Trung Tâm Thực Tập Y Khoa Gia Định với tính cách "tù nhân cải tạo tại chỗ."

Năm 1979, ông cùng gia đình vượt biên đường biển và đến được bến bờ Tự Do Hoa Kỳ năm 1980. Ông lấy lại được bằng hành nghề Y Khoa tại Hoa Kỳ và làm việc cho đến khi nghỉ hưu trong thời gian gần đây.

"Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn" là một tập hồi ký kể lại cuộc đời thăng trầm của một người có thể tự hào là "kẻ sĩ" trong thời loạn, đồng thời cũng là chứng nhân của một thời kỳ tương tàn nhất trong lịch sử cận đại của Việt Nam." (hết trích)

Bao giờ sẽ ra mắt sách? Để trả lời câu hỏi này, Ban Biên Tập Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y cho biết dự định sẽ tổ chức một buổi Ra Mắt Sách "Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn" tại Westminster, California vào cuối tháng 9 năm 2014.

Được biết, bác sĩ Nguyễn Duy Cung sinh ngày 31 tháng 5 năm, tại Sa Đéc Miền Nam Việt Nam. Thuở nhỏ học bậc tiểu học ở trường Montaigne Sa Đéc. Lên Sài Gòn học bậc Trung học và Đại học.

blank
Bìa sách “Đời Y Sĩ Trong Cuôc Chiến Tương Tàn.”

Trong phần Lời Tựa, tác giả Nguyễn Duy Cung tâm sự, trích đoạn về những thời kỳ sôi động nhất, như sau:

"...Khi trở về nước tôi được Trường Đại học Y khoa Sàigòn đề bạt làm Giảng Sư cho trường về chuyên ngành nầy, đồng thời Bộ Y Tế cũng đề cử tôi làm Tổng Quản Đốc Trung Tâm Thực Tập Y Khoa Gia Định, chức vụ sau này ngang hàng Thứ Trưởng do Thủ Tướng bổ nhiệm. Tôi giữ hai nhiệm vụ nầy từ đó…

Vào thời điểm đen tối nhất của Miền Nam, những ngày cuối tháng 4/1975, TTTTYK GĐ phải đón nhận một số bịnh nhân đông quá mức, hầu hết thương tích vì đạn pháo kích của Việt Cộng vô phi trường Tân Sơn Nhứt và các vùng phụ cận thuộc tỉnh Gia Định. Tin tức chánh phủ sẽ rút quân bỏ ngỏ các tỉnh Miền Trung dồn dập đưa về Sàigòn với viễn ảnh Miền Nam sẽ thất trận trong tương lai, khiến dân chúng hoảng sợ nguy cơ Cộng Sản tràn vào thành phố, một số lớn bác sĩ, y tá của Trung Tâm lần lượt rời bỏ bịnh viện, tìm đường ra đi… Tôi tự nguyện ở lại làm việc để chăm sóc hơn 550 bịnh nhân khốn khổ đang nằm chờ chữa trị, và trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 Cộng Sản vào chiếm bệnh viện trong khi tôi đang làm việc trong phòng mổ.

Thế là mọi việc chấm dứt từ đây, tôi và những anh em sĩ quan bị gọi là “ngụy quân” đưa đi cải tạo, bắt đầu sống đời tù nhân đọa đày bằng cách nầy hay cách khác, bị đưa đi qua các trại tù tập trung như Trảng Lớn, Xuân Lộc, Suối Máu, Sóng Thần... cho đến khi sức khỏe bị suy kiệt tận cùng vì đói kém, vì vất vả do lao động quá sức, tưởng chừng có thể ngã lăn ra chết bất cứ lúc nào, như một vài bạn sĩ quan khác trong tù.

Năm 1976, lúc tôi đang bị giam ở trại Sóng Thần thì được lịnh tạm thả về với lý do là Trung Tâm Thực Tập Y Khoa Gia Định đang cần một bác sĩ chuyên khoa giải phẩu lồng ngực để mổ cho một cán bộ cao cấp bị thương nặng, có thể nguy hiểm đến tánh mạng do một mảnh đạn nhiễm trùng ghim lâu ngày trong phổi. Tôi đã thực hiện ca mổ thành công và cứu sống bệnh nhân này trong sự thán phục của VC. Đó là lương tâm nghề nghiệp của tôi, mặc dù tôi ghét sự trả thù khắc nghiệt của họ dành cho chúng tôi trong cảnh tù đày.

Họ giữ tôi lại bệnh viện để làm việc với tư cách tù nhân “tự nguyện không lương”. Ban ngày cặm cụi làm việc trong phòng mổ, chiều đến trở thành bịnh nhân trên khu Nội khoa và Vật lý trị liệu vì đôi chân đau nhức của tôi trong thời gian tù tội, tối về làm “dân phòng” vác gậy và dây luột ra canh gác khu vực dưới sự kiểm soát của Công An phường như một hình thức “cải tạo tại chỗ”. Quần quật suốt ngày, suốt tháng không có thời giờ nghỉ ngơi và bị đối xử lạnh nhạt, khinh dể, lòng tôi cảm thấy đau đớn cho thân phận mình, từ đó suy nghĩ sâu hơn là xót xa tủi nhục cho thân phận cả dân Miền Nam thất trận.


Những lúc tinh thần xuống quá thấp tôi tự an ủi là mình vẫn còn may mắn hơn mấy anh em sĩ quan hiện đang còn nằm trong trại giam, ốm đau, ghẻ chóc, thiếu thốn đủ mọi thứ, kể cả thức ăn bình thường là cơm và muối, những thứ rất rẻ mạt thời Việt Nam Cộng Hòa.

Là người dân sinh trưởng nơi miền Tiền Giang, bên ngoại ở Sa Đéc, bên Nội ở Mỹ Tho, miền Nam là nơi chôn nhau cắt rún tôi quyến luyến đã đành, nhưng mảnh đất ở bên kia vĩ tuyến 17 đối với tôi vẫn là đất nước ViệtNam, tôi yêu tha thiết quê hương mình, nhưng bây giờ nhìn lại không còn nơi nào yên ổn để dung thân, để phục vụ nữa, ngay trên lãnh vực Y tế chăm lo sức khỏe cho người dân, tôi cũng không có quyền nhúng tay vào. Sống giữa những người CS tâm địa nhỏ nhen đầy hận thù đố kỵ thì chỉ có nguy hại cho mình mà còn vướng bận đến gia đình người thân cũng bị ảnh hưởng theo. Hòa bình hiểu theo nghĩa của người Cộng Sản đương thắng thế là không còn chiến trận, là hết súng đạn vang rền, nhưng lòng dân miền Nam thì tan tác, xã hội lúc nầy còn thê lương điêu tàn gấp vạn lần thời binh lửa ngày xưa.

Biết không còn cơ hội sống bình yên trong chế độ với lý lịch quân nhân của tôi, trước viễn ảnh tương lai đen tối của các con, gia đình tôi đã tìm cách cho tôi vượt biển. Chúng tôi ra đi trên một con tàu gỗ cũ kỹ đươc dùng để vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường Phú Quốc- Rạch Giá, đã bị chìm một lần và chủ tàu cho vớt lên sửa chửa để xông vào một chuyến hải hành đầy gian nguy, bất chấp cái sống mỏng manh trong đường tơ kẻ tóc... để tìm đến bến bờ tự do như bao người con của đất nước đã nát lòng khi rời bỏ quê cha đất tổ, liều chết cho một cuộc đào thoát vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc trước quốc nạn.

Tháng 5/1980 gia đình tôi được đặt chân lên nước Mỹ, định cư tại làng Van Buren, tiểu bang Arkansas sau hơn một năm ở lại đảo Pulau Bidong và trại chuyển tiếp Cherras ở Mã Lai để làm việc giúp đở thuyền nhân tỵ nạn.

Tại đất nước dung thân mới có nhiều tình người nầy, tôi được may mắn tiếp tục con đường học vấn để trở lại nghề cũ Y khoa, được hân hạnh là bác sĩ của Hàn lâm viện Giải phẫu thẫm mỹ Hoa Kỳ, sau đó đậu luôn bằng Giải phẫu thẩm mỹ quốc tế, tôi hành nghề cho tới ngày về hưu…

Ngồi suy ngẫm lại cuộc đời mình với thân xác yếu đuối, như lau sậy nghiêng ngã giữa phong ba khắc nghiệt, bịnh hoạn èo uột từ thời niên thiếu, khi đến tuổi trưởng thành thì lao vào chiến trận đầy gian truân, nguy hiểm trước súng đạn vô tình. Khi tàn cuộc chiến lại bị tù đày khổ nạn, lúc vượt thoát còn phải đối diện với bao thử thách hãi hùng trên biển cả, đôi lúc giữa cái chết và sự sống không có lằn ranh, tưởng chừng như con người khó thể tồn tại nếu không có bàn tay nhiệm mầu của Thượng Đế cứu vớt.

Nhiều khi suy nghĩ lại tôi thấy mình không dị đoan mê tín chút nào khi cho rằng sự tồn tại của gia đình tôi qua những phong ba của đời là nhờ có sự che chở của người Mẹ thương yêu đã quá vãng nhưng hầu như lúc nào cũng ở bên cạnh để độ trì cho tôi trong những phút giây cùng cực nhất Quyển hồi ký nầy có nhắc đến những địa danh, những nhân vật một thời, những vui buồn thế sự, tất cả đều là sự thật mà tôi đã trãi qua. Tôi ao ước nó được in ra, gởi đến độc giả xa gần như một chút tâm tình của kẻ đi trước khi nói về một đời người."

Tác phẩm được viết nhiều thập niên sau cuộc nội chiến nhưng vẫn ghi được nhiều hình ảnh cảm động một thời. Và thực sự, đây là thiên hùng ca của người Y Sĩ Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.

Trong Lời Giới Thiệu, Y Sĩ Nhảy Dù Vĩnh Chánh đã viết về tác phẩm Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn, trích:

"Đọc tập hồi ký của bác sĩ Nguyễn Duy Cung, một trong những người anh cả của Y Sĩ Tiền Tuyến, vào những ngày đầu của cuộc chiến, chúng ta có thêm những tài liệu quí giá để chấp nối cho đầy đủ một chuỗi dài lịch sử Quân Y nói riêng và của Việt Nam Cộng Hòa nói chung."

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết trong phần Cảm Nhận Của Bạn Bè đã ghi nhận, trích:

"Tôi cảm phục và đồng cảm với Bác sĩ Cung. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc chiến, trong lúc các đồng nghiệp khác và cộng sự viên đều bỏ đi tìm đường di tản, anh Cung vẫn can đảm tiếp tục mổ xẻ, băng bó các vết thương của người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa. Xin nói đây quả là một việc làm hiếm hoi của một người bác sĩ 'thời hiện điạ' mà ở xã hội CS đầy ác nhân này, chúng ta hiếm thấy được tinh thần phục vụ đích thực của một người lương y!"

Sách dày 400 trang, giá 20 USD. Liên lạc: cungduynguyen@yahoo.com.

No comments:

Post a Comment