ĐÒN BÁNH TÉT NGÀY XUÂN
Tiếng pháo nổ rộn ràng từ ngoài bờ sông vang dội vô thành phố báo hiệu
một mùa Xuân nữa lại về trên quê hương, và cũng nhắc tôi nỗi buồn khi
tiếp tục đón thêm một cái Tết xa nhà. Hôm nay ngày nghỉ nên Câu Lạc Bộ
sĩ quan càng vắng vẻ hơn, mấy anh chàng độc thân chắc giờ nầy đang bay
bướm với mấy em gái sông Hàn rồi, chỉ có tôi nằm chèo queo hát bài “Nỗi buồn gác trọ."
Tôi cô độc có lẽ vì quá lu bu công việc, ít thời gian giao tiếp thế giới
lãng mạn bên ngoài để tìm một vài mối tình nóng bỏng cho cuộc sống bớt
hiu quạnh, lạnh lùng. Mà cũng có thể tại tánh tôi nghiêm nghị, ít cười
nói nên khó tìm được nàng nào đồng cảm để chia xẻ vui buồn?… Hồi nhỏ mãi
mê học hành thi cử, lớn lên mãi mê làm việc, lâu lâu nhìn lại thấy mình
giống... cụ non, suy nghĩ vẩn vơ một hồi coi bộ khó ngủ, tôi đến bàn
làm việc định ngồi xuống viết tiếp mấy trang luận án đang dở dang thì
chợt thấy bóng một người đàn ông đang men theo con đường nhỏ bên hông
tường, chầm chậm băng ngang sân, tiến về dãy phòng tôi.
Dáng anh gầy ốm, cái áo sơ mi bạc màu trở nên rộng thùng thình phất phơ.
Trông anh ta quen quen, tôi chưa kịp nhớ ra thì anh ta đã đến gần và
chào rất lễ phép:
“Dạ thưa bác sĩ, em theo xe hàng chuyến sớm nhất từ Huế vô Đà Nẵng,
hỏi thăm được mấy chị trong nhà thương chỉ đường nên em đến đây gặp bác
sĩ."
Vừa nói anh vừa mở túi vải trên vai xuống lấy ra một đòn bánh tét to bằng bắp tay
“Dạ đây là bánh nhà nấu, nhân dịp Tết, Mạ em nói đem vô biếu bác sĩ
dùng lấy thảo, gia đình em rất biết ơn bác sĩ đã cứu em thoát chết, vết
mổ bây giờ đã lành hẳn rồi ạ."
Cái giọng Huế rặt khiến tôi nhớ lại chuyện về anh chàng Trung Sĩ trẻ
tuổi nầy cách đây chừng một năm, vào một buổi trưa thứ sáu… Gần
đến giờ tan sở, mọi người chuẩn bị ra về thì anh tài xế của tôi chạy đến
thở hào hển báo cáo:
“Thưa bác sĩ, trực thăng vừa bỏ xuống nhà xác 13 người, 12 người kia đã chết hẳn, còn một người đang thoi thóp máu me lênh láng."
Tôi vội chạy xuống xem xét tình hình và gọi người khiêng bệnh nhân lên
phòng mổ gấp. Nhìn anh ta nằm im bất động như một xác chết, ai nấy đều
lắc đầu e ngại. Nhân viên phòng mổ được yêu cầu ở lại. Tôi đặt lẹ ống
thông khí quản và cho thở thêm bình dưỡng khí, xong giao lại cho y tá
trực gây mê, tiếp tục theo dõi để chuyền nước biển. Tôi lật đật qua ngân
hàng máu nằm bên kia đường với chủ định xin máu loại O, một loại máu
hiếm thường dùng cho bệnh nhân bị mất nhiều máu trong trường hợp khẩn
cấp chưa phân được loại máu. Bác sĩ trưởng phòng cho biết trong ngân
hàng chỉ còn hai bọc loại nầy, mỗi bọc chứa được 300 phân khối nhưng lại
nằm trong mức dự trữ tồn kho không thể cấp phát được. Sự trả lời rất
dứt khoát khiến tôi khựng lại bế tắc, không còn cách giải quyết nào
khác, tôi đành lấy quyền cấp trên yêu cầu anh cấp cho tôi số lượng máu
cần thiết, tôi ký sổ nhận trách nhiệm và cẩn thận ôm 2 bọc máu trở về
phòng chuyền thêm cho bệnh nhân.
Trong khi đó đơn vị tải thương cũng vừa giao 13 tờ khai tử cho thân nhân
người chết, có cả tên anh Trung Sĩ đang thoi thóp nầy. Thấy gia đình
anh tuyệt vọng đau khổ nằn nì xin mang xác con về Huế để tẩm liệm, tôi
cố gắng giải thích an ủi họ hãy để cho tôi cứu chữa, khi nào không xong
thì tôi sẽ cho xe đưa về nguyên quán sau.
Anh Trung Sĩ nầy bị thương quá nặng, một viên đạn trung liên xuyên từ
đỉnh lồng ngực phải trên xương đòn gánh trổ xuống thành bụng gần rún
khiến xương sườn bị gảy, phổi, cơ hoành, gan ruột lũng nhiều chỗ, máu
chảy đầm đìa. Tôi cùng với hai nhân viên phụ tá phải mất hơn ba giờ đồng
hồ để mổ banh lồng ngực và bụng, cầm máu, khâu lại các vết thương bên
trong, đặt ống dẫn lưu trong xoang ngực bụng.
Mấy giờ sau bịnh nhân từ từ hồi tỉnh, áp huyết tuy vẫn còn thấp nhưng
mạch đã đập đều, hơi thở có phần ổn định, anh được đưa xuống phòng hồi
sức nghỉ ngơi tôi mới thở phào nhẹ nhỏm là mình đã làm được việc.
Khi công việc tạm xong, tôi trở qua Ngân Hàng Máu để xin lỗi anh bác sĩ
trưởng phòng về hành động kém tế nhị của mình hôm qua. Thú nhận là do
tôi quá nóng lòng trong việc cứu người, tôi yêu cầu anh lấy máu của tôi
để bổ sung vào lượng máu dự trữ bị thiếu vì tôi cũng thuộc nhóm ORh+,
Bác Sĩ Ch. tỏ vẽ thông cảm, không giận hờn gì hết nên thay vì lấy đủ hai
bọc đã cho mượn, anh chỉ lấy một bọc thôi, nói rằng anh sẽ tìm sau nầy
để bổ xung vào chỗ thiếu đó. Tôi cám ơn anh và nghĩ thầm rằng trong việc
cứu anh Trung Sĩ kia, phần công lao của anh Ch. cũng đáng kể tuy rằng
không trực tiếp.
Anh Trung Sĩ trẻ rất vững tinh thần, tuy nằm yên một chỗ nhưng lúc nào
gương mặt anh cũng bình thản với quyển kinh Phật nhỏ để trên ngực, mỗi
ngày tôi đều tự tay thay băng vết thương cho anh, khi làm việc đó tôi
đều cố ý che lại phần bụng để anh khỏi lo ngại khi nhìn phần thân thể
tan nát đầy vết thẹo của mình.
Sau đó, trong khi anh chưa xuất viện thì tôi bận đi công tác theo Dương
Vận Hạm 500 đưa một tiểu đoàn bộ binh vô Sàigòn, ba ngày sau trở về thấy
vết thương dưới be sườn của bệnh nhân không được sạch, hỏi ra mới biết
là anh em y tá không ai dám đụng đến vì sợ làm động chảy máu ở vết
thương gan. Thấy vậy tôi đích thân thay băng và cho anh ăn uống bồi
dưỡng, thuốc men đầy đủ để mau lại sức, anh nằm viện hơn sáu tháng cho
đến khi các vết thương thật lành lặn, sức khỏe bình phục mới được phép
xuất viện.
Bữa nay gặp lại anh, tôi rất mừng khi thấy anh có cuộc sống bình thường
và sức khỏe cũng ổn định. Anh đã xuất ngũ trở về với gia đình, anh đã
làm tròn nghĩa vụ với quê hương trong trách nhiệm của người trai thời
loạn, cũng như tôi đã làm tròn bổn phận của người thầy thuốc khi cứu
sống một người thương binh đã có giấy khai tử như anh.
Thật tình cho tới bây giờ tôi vẫn còn suy nghĩ: Với vết thương quá trầm
trọng, vượt khỏi khả năng chuyên môn của tôi lúc ấy, làm sao anh có thể
sống được nếu không có đức tin mãnh liệt vào bàn tay cứu giúp của Thượng
Đế?
Xuân tha hương, được thưởng thức đòn bánh tét nghĩa tình của anh lặn lội
từ Huế đem vào, phải nói là ngon vô cùng! Ngồi ăn dầu có nghe đi nghe
lại bản nhạc Nếu con không về, chắc Mẹ buồn lắm văng vẳng lại từ
cái cassette của ai đó, tôi không thấy buồn như những cái tết cô đơn lần
trước. Thế mới biết tấm lòng biết ơn của anh đã đem lại cho tôi sự ấm
áp cần thiết trong cái Tết xa nhà.
DU NGOẠN NGŨ HÀNH SƠN
Ngũ Hành Sơn hay hòn Non Nước nằm cách thành phố Đà Nẳng 8km về hướng
Đông Nam, sát bờ biển Thái Bình Dương. Ngày xưa vua Gia Long đi ngang
qua đây, thấy cảnh trí nên thơ hùng vĩ của năm ngọn núi đá hoa mọc sừng
sửng bên cạnh biển nên đặt tên là Ngũ Hành Sơn theo phong thủy Kim Mộc
Thủy Hỏa Thổ, ngoài ra dân chúng địa phương thấy vị trí của núi có nơi
nhô ra đụng mặt biển nên gọi một tên khác là Hòn Non Nước. Đây là một
danh lam thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung nên được người khắp nơi về
chiêm ngưỡng. Nơi đây có những tượng đá cẩm thạch đủ màu sắc chạm trổ
rất công phu dành cho du khách dưới chân núi. Lần theo các nấc thang
rộng rải dựa bên vách đá sẽ đưa ta lên những hang động yên tỉnh có tượng
Phật ngồi tỉnh tọa uy nghi và những thạch nhủ óng ánh tuyệt đẹp buông
thòng lơ lững từ trên mái hang xuống.
Ngày giỗ Má tháng 11 âm lịch hàng năm, tôi đều lên viếng cảnh chùa cổ
kính trang nghiêm được xây cất từ hai thế kỷ trước trên tận chóp núi để
đốt nhang tưởng nhớ đến Má. Lúc còn sanh tiền Má tôi là người hiền lành
đạo đức nên khi chết đi theo tôi nghĩ chỉ có hưởng nhang khói trong
những cảnh thanh tịnh thoát tục như thế nầy mới làm Bà vãng sanh tịnh
độ. Nghĩ như vậy nên mỗi khi tìm đến nơi nầy để tạm lánh phố chợ ồn ào
tôi đều thắp hương cho Má.
Đời sống trong nhà thương không phải lúc nào cũng giống nhau, có khi vui
khi buồn, tiếp xúc với cái chết, cái đớn đau thường xuyên của người
bịnh binh đôi khi cũng làm mình nặng lòng sầu thảm theo họ, nên lúc rảnh
rổi anh em ngồi quây quần nói chuyện tiếu lâm, chuyện Trạng Quỳnh,
chuyện Ba Phi để cười đùa khuây khỏa, bù lại giây phút căng thẳng trong
phòng mổ thể xác mệt mỏi rã rời. Thỉnh thoảng tôi lái xe một mình qua
Non Nước, leo lên một triền núi vắng người, chui vào một góc hang nào đó
nằm trên phiến thạch mát lạnh để lắng nghe tiếng sóng đầu gành xa xa
hoà lẫn với tiếng gió rì rào nhỏ dần qua kẻ đá đưa vào giấc ngủ êm đềm
không mộng mị trần gian. Khi giật mình thức dậy, thấy trong người khỏe
khoắn hẳn, tôi thường đứng quay mặt ra biển cả mênh mông hít thở không
khí trong lành, ngắm cảnh chiều tà dưới chân núi hay nhìn ngút mắt bờ
cát trắng mịn chạy dài gần 5 km với nước biển lúc nào cũng trong xanh
tuyệt vời điểm tô bằng những cánh chim lượn lờ phía chân trời hun hút.
Kết thúc một ngày nghỉ ngơi thong thả, tôi trở về thành phố với những
bộn bề công việc đang chờ đợi, ít ra tôi cũng đã có thời gian thanh thản
của riêng mình. . Đôi khi thấy hàng loạt người chết do máy bay chở về
nhà xác đằng sau Tổng Y Viện, ngột ngạt trong mùi tử khí tanh nồng tôi
tự hỏi có phải mình đang ở chốn địa ngục trần gian? Thân phận con người
quá mong manh trong thời buổi nầy và tôi bổng thấy mình cũng bé nhỏ
trong kiếp sống hôm nay.
MỘT NGƯỜI SĨ QUAN XIN ĐƯỢC TRẢ ƠN
Buổi trưa thứ bảy tôi đang ngồi trong phòng làm việc, chợt thấy chiếc
xe Jeep chạy thẳng vô dãy nhà phía sau Câu Lạc Bộ Sĩ Quan, Anh Thiếu Úy
bộ binh xuống xe đi dọc theo hành lang hỏi tìm ai đó. Vừa gặp tôi ông
liền niềm nở:
“Bác sĩ còn nhớ em không? Bác sĩ đã mổ và cứu tử em đó."
Vừa nói ông vừa vạch áo cho tôi xem vết thương nằm ngay giữa bụng, thẳng
từ chớn thủy xuống phía dưới rún. Cái thẹo dài, lớn hơn bình thường,
nay đã lồi thịt, trông chắc chắn mạnh mẽ.
Theo nghề quần quật bấy lâu tôi đã giải phẩu không biết bao nhiêu thương
binh làm sao nhớ hết được, nhưng cũng có một vài trường hợp đặc biệt
khó quên như anh Trung Sĩ I người Huế với vết thương trầm trọng hôn mê
đã có giấy khai tử và ông Thiếu Úy bị trúng miểng lựu đạn lủng ruột
nhiều chỗ nầy.
Khuya hôm đó ông ta được khiêng lên phòng mổ trong tình trạng mất nhiều
máu và mê man, không có thân nhân kế bên để xác định danh tánh, nhưng
việc cứu người là quan trọng nếu không lo liệu khẩn cấp ông khó mà sống
qua đêm. Ông bị thương quá nặng, lủng ruột non nhiều chỗ, rải rác trên
một đoạn ruột dài, tôi vừa cắt vừa nối vừa vá đếm đúng 36 lổ… Chuyện xảy
ra cũng khá lâu rồi, bây giờ ông ngồi trước mặt tôi, dáng vẻ khoan thai
mạnh khỏe và giọng nói rất chân tình, thân mật khi kể về gia thế của
ông.
Trước khi vào trường SQTB Thủ Đức, ông là một Thầy Sáu nhưng thời loạn
phải đi nhập ngũ và ra trường với cấp bực Thiếu Úy đổi về Quảng Ngãi làm
việc đã mấy năm nay. Gia đình cũng thuộc hàng khá giả, có nhà ở ngang
bộ TTM Sàigòn gần phi trường Tân Sơn Nhứt và đặc biệt vừa qua ông mới
trúng số độc đắc. Nghĩ tới hoàn cảnh sống của tôi, ông tìm đến thăm có ý
muốn giúp đở, tuy lớn tuổi hơn nhưng trong cách xưng hô ông vẫn một mực
gọi tôi là anh và xưng em rất lễ phép. Rút trong túi áo ra một cuốn sổ
ngân hàng, ông viết ngay ngân phiếu 100.000 đồng (số tiền vào thời điểm
1964 lớn gấp mấy chục lần tiền lương Đại Úy Quân Y của tôi) và nói một
hơi dài như tính toán đâu sẳn trong bụng:
“Thấy anh làm việc đêm hôm vất vả, em thật lòng muốn giúp anh nên xin
được gởi anh ít tiền để chi dụng trước, nếu anh đồng ý thì em sẽ gởi
một chiếc xe hơi mới ra đây cho anh đi lại thuận tiện hơn trong công
việc, còn nếu anh có ý định đổi về làm việc ở Sàigòn thì em sẽ vận động
cho anh, đồng thời cất cho anh căn nhà trong đất của gia đình em trên xa
lộ gần cầu Phan Thanh Giản. Anh yên tâm là mọi việc em lo liệu được
trong khả năng của em."
Thấy tôi ngồi im không nói gì, anh tiếp tục bằng giọng nghẹn ngào:
“Nếu trước kia không nhờ anh cứu sống thì bây giờ mạng em có còn đâu
mà hưởng được của, đâu có chuyện trúng số với số tiền lớn như thế nầy...
Do đó được chia xẻ cùng anh, em sẽ thấy mãn nguyện và sung sướng, xin
anh nhận cho tấm lòng chân thật biết ơn của em đối với anh."
Đợi ông nói xong tôi mới chậm rải trả lời:
“Hồi đó làm việc với vết thương của anh tôi chỉ làm bổn phận của
người thầy thuốc, tôi đâu có ra giá là bao nhiêu đâu mà bây giờ anh tính
chuyện trả ơn tôi. Tấm lòng của anh biết nghĩ về người khác là tấm lòng
rất đáng quí, tôi xin ghi nhận và vô cùng cám ơn nhưng anh để dành tiền
đó lo giúp đỡ kẻ nghèo khó hơn tôi. Tôi xin được phép không nhận bất
cứ đề nghị nào của anh vì tôi sống tuy không dư giả nhưng cũng đủ đầy
mọi thứ...”
Ông Thiếu Úy nghe nói như vậy thì ngồi ôm mặt khóc khiến tôi cảm
động vô cùng. Thấy cũng gần chiều, tôi mời ông ra bờ sông Hàn ăn cơm và
giục ông về sớm vì đường về Quảng Ngãi rất nguy hiểm, mất an ninh và
thường có nhiều đoạn bị phục kích hay bắn sẻ. Ông lại khóc bịn rịn khi
từ giả tôi. Con người chí tình như vậy rất hiếm trên cõi đời nầy, sau đó
ông có ghé thăm vài lần, mà lần nào khi chia tay ông đều ôm tôi rơm rớm
nước mắt… Đời lính thuyên chuyển chổ này chổ kia, tôi không còn dịp gặp
ông ta nữa. Ước mong ông còn sống đâu đó trên cỏi đời này và được bình
yên may mắn. Người biết ơn nghĩa không phải ta dễ dàng để được gặp.
MỐI BẤT HÒA GIỮA NHỮNG NGƯỜI CÓ THẾ LỰC
Cuộc đời quân ngũ đâu hẳn lúc nào cũng êm ả như dòng sông Cửu Long ở quê
tôi sáng nước lớn chiều nước ròng để tôi làm dề lục bình trôi tới trôi
lui. . Khi tôi đang giữ nhiệm vụ Y sĩ trưởng khu Ngoại khoa Tổng Y Viện
Duy Tân Đà Nẳng thì sau chuyến kinh lý miền Trung, ông Tổng Trưởng Y tế
kiêm Giám đốc Nha Quân Y là Đại tá Vương Quang Trường ký sự vụ lệnh bổ
nhiệm tôi làm Y sĩ trưởng Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương tại đồn Mang Cá
trong Thành Nội Huế. Đây là Quân Y Viện được thành lập từ lâu và có nề
nếp sẵn. Tôi chưa kịp khăn gói đi nhận nhiệm sở mới thì có một việc rắc
rối xảy ra làm xôn xao giới Quân Y.
Y sĩ Đại úy TNT thuộc một đại đội lựa thương được Trung Tướng
Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Quân Đoàn I và Vùng I Chiến Thuật ưu ái gắn
lon Thiếu tá giả định và đơn phương bổ nhiệm làm Y sĩ trưởng Quân Y
Viện Nguyễn Tri Phương . Sự bổ nhiệm nầy hoàn toàn không đúng với
nguyên tắc của Nha Quân Y, các Tư Lệnh vùng chỉ có quyền đề nghị nhưng
bổ nhiệm thì thuộc về phạm vi chuyên môn của Nha Quân Y . Nhưng chuyện
đã lỡ, NQY đành chịu thua xuống nước. Anh em bàn nhau đây là hình
thức chơi xỏ của Tướng Thi với Đại tá Trường để rửa hận ngày xưa khi
Tướng Thi nằm điều trị trong Tổng Y Viện Cộng Hoà, vi phạm nội qui của
Tổng Y Viện, bị Đại tá Vương Quang Trường quở trách nên để bụng ghét.
Thời gian sau khi đảo chánh Tổng Thống Ngô đình Diệm, tham gia
chỉnh lý cấp bậc trong quân ngũ lên nhanh, Trung tá Thi trở
thành một vị Tướng vùng với quyền uy tột đỉnh, nhưng nay ỷ
thế xem thường quyết định của Nha Quân Y mà bổ nhiệm lung tung…
Nhưng dầu chuyện có nguyên do thế nào thì người bị dở khóc dở cười lại
là tôi khi sự vụ lệnh cứ thay đổi theo vui buồn của các xếp.
Khi Nha Quân Y cho ngưng thi hành việc bổ nhiệm tôi về Huế thì tôi nhận
được Sự vụ lệnh mới về Phan Thiết để thành lập Quân Y Viện Đoàn Mạnh
Hoạch với cấp số 400 giường, nằm trong vùng bất an thuộc chiến khu Lê
Hồng Phong với chức vụ Y sĩ trưởng. Đó là năm 1965.
Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch gồm 12 dãy nhà trệt, sườn bằng gỗ lợp tole
hai mái, vách cũng bằng tole xếp đứng, chừa một khoảng hở dưới nền tráng
xi măng, chung quanh sân cỏ dại mọc đầy, không có hàng rào hay cổng
trước cổng sau gì hết nên bò dê của đồng bào quanh đó thả rong vào trong
sân chạy nhảy lung tung trông rất phức tạp. Khu bệnh viện nằm trên ngọn
đồi có độ cao 40 m, quay lưng ra biển, phía Bắc cách một thung lũng
là sân bay Phan Thiết, trước kia là Trường huấn luyện thể dục, có con
đường lót đá nhỏ vừa đủ cho một xe vận tải chạy về tỉnh khoảng 3km . Xa
xa bên kia là một nghĩa địa lâu đời, rộng mênh mông. Quang cảnh nhìn
chung trông nghèo nàn buồn tẻ. Vào những đêm trời tốt không có sương mù,
thấy được ánh sáng quay vòng của ngọn hải đăng nằm về hướng Đông Nam
mũi Kê Gà, trên ngọn tháp xây bằng đá hoa cương cao 65 m so với mực nước
biển.
Khu vực nầy lúc đầu dự định làm Bộ chỉ huy hành quân của một tiểu đoàn
Nhảy dù thuộc Quân đội Hoa Kỳ trong vùng Tam giác sắt, nhưng sau đó thì
được thay đổi thành Quân Y Viện. Bước đầu thành lập QYV quả là thiếu
thốn trăm bề, nhân viên thì lèo tèo chỉ non một trung đội lính, tôi phải
báo về Nha Quân Y để xin bổ sung quân số. Phần tiếp liệu thì gặp khó
khăn vì Quân Y Viện Đoàn mạnh Hoạch trực thuộc Bộ chỉ Huy tiếp vận Quân
Đoàn 2 đóng tại Nha Trang, đường bộ gặp nguy hiểm vì Quân Y Viện nằm gần
chiến khu Lê Hồng Phong của Việt Cộng, mà đường bộ từ Sàigòn ra Phan
Thiết cũng không an toàn. . Chúng tôi nhờ phi cơ C130 của Không lực Hoa
Kỳ chở quân cụ và dược phẩm cho nhà thương, có một lần khi nhận hàng,
kiểm thấy còn thiếu 1 cây Carbine, tôi khiếu nại không chịu ký nhận biên
bản, ông phi công trưởng phải cho xem xét kỷ mới thấy sót lại trong
khoang máy bay. Cũng may không có chuyện gì đáng tiếc.
Tôi nhờ đến tàu Hải Quân để chở những vật liệu nặng kềng càng, may mắn
là gặp anh bạn học Nguyễn văn Hiếu, cùng khoá Hàng Hải trước kia, bây
giờ là Thiếu tá chỉ huy trưởng một Dương Vận Hạm, anh sẵn sàng giúp đỡ
tận tình, cho chuyển xuống hầm tàu tất cả những máy móc dụng cụ chuyên
khoa của các phòng ban trong bệnh viện như giường sắt, bình dưởng khí…
Mọi thứ được sắp xếp thứ tự gọn gàng đầy đủ khiến tôi yên bụng hết sức,
nhưng khi tàu về đến Phan Thiết thì vấn đề bốc hàng xuống bãi mới là
điều nan giải. Bờ biển chỉ có những đập đá lởm chởm, gie ra xa, không có
bến tàu lớn quy mô cho chiến hạm cặp vào, không có cần trục mạnh để bốc
hàng nặng từ hầm tàu lên bờ. Tàu phải đậu ngoài khơi, tận dụng sức
người để khiêng từng món xuống sà lan chuyển vô bờ, tùy thuộc mức thủy
triều lên xuống nên đôi lúc sà lan cứ mấp mé xa bờ khiến việc khiêng vác
càng khó khăn thêm, đem vô được lại phải chất lên xe nhà binh chở về
bệnh viện và chất xuống, công việc tốn khá nhiều thời gian và công sức
khiến mọi người phải vất vả làm ngày đêm cho xong. Tay tôi cũng bị
thương trầy nhiều chỗ vì phụ khiêng những dụng cụ nặng nề.
Kế hoạch xây dựng Quân Y Viện tiến hành đầy gian nan bước đầu, đã vậy
còn bị Việt Cộng núp sau những gò mả bên kia đường đêm đêm rình bắn vô
nhà thương, khiến tôi thêm lo lắng, phải nhờ Trung tá Tỉnh trưởng Đinh
văn Đệ cho gởi tạm những dụng cụ Y khoa đắc tiền vào nhà kho của Tiểu
khu để tránh hư hỏng do trúng đạn, chờ anh em binh lính trong đơn vị đào
hầm phòng thủ, kéo hàng rào kẻm gai, dựng cột cờ, gắn bảng tên Quân Y
Viện, tổ chức trực gác cẩn thận đợi tình hình ổn định mới đem dụng cụ
máy móc về ráp lại thành các phòng ban chuyên khoa.
Khi mọi việc có vẻ như tạm ổn thì một vấn đề khác cũng cần giải quyết
gấp, đó là việc thiếu nước của Quân Y Viện, các giếng nước trong tỉnh
hầu hết là nước phèn, dân chúng muốn dùng nước ngọt phải đến ấp Đức
Long, ở đó có duy nhất một giếng nước ngọt quanh năm . Quân Y Viện lại
nằm trên đồi cao đá cứng, thử đào tay và máy khoan nhưng không thành
công. Tôi ra Nha tiếp Vận Nha Trang trình bày với Thiếu tá Nguyễn Tử Đoá
xin cho chuyên viên vô PhanThiết nghiên cứu, đào giếng dưới chân đồi
gần ấp Đức Long, lập hệ thống chuyển nước lên bồn chứa lớn phía sau để
cung cấp đủ nước ngọt cho toàn bệnh viện. Công việc nầy cũng tốn nhiều
thời gian và công sức vất vả mới hoàn thành.
Ngoài ra Quân Y Viện cũng có nguồn điện riêng đủ dùng cho các nhu cầu
của phòng ban. Tôi cho làm sạch cỏ tranh chung quanh và tráng xi măng
sân trước để đậu xe, đi lại sạch sẽ khi mùa mưa. Cuối cùng thì việc
thành lập Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch cũng hoàn tất đi vào hoạt động ổn
định, dù bước đầu gặp nhiều khó khăn, gian khổ …Đó cũng là nhờ công lao
của toàn thể nhân viên đã làm việc hết lòng, tận tụy cho việc chung của
bệnh viện.
Song song với việc nầy, tôi lập thêm chương trình Dân sự vụ, tuyển thêm
nhân viên điều dưỡng đi thăm các xã ấp trong quận Châu thành, vùng ngoại
ô cũng như các xóm chài ven biển thuộc xã Phú Hài, Thanh Hải, hoặc quận
kém an ninh như Thiện Giao.
Phan Thiết là một tỉnh miền duyên hải có chiều dài 200km chạy dọc theo
bờ biển nổi tiếng với nắng vàng và những bãi cát trắng mịn. Thỉnh thoảng
tôi cũng nhân cơ hội ngày nghỉ đi thăm vài thắng cảnh địa phương. Lên
Lầu ông Hoàng chỉ còn trơ nền gạch loang lở của một vết tích xưa để nhắc
người ta nhớ đến nhà thơ Hàn Mặc Tử và mối tình lãng mạn với Mộng Cầm.
Ghé qua Tháp Chàm Poshanu trên đồi Bà Nại, bước lên đồi cát Mũi Né với
những bức ảnh nghệ thuật nổi tiếng của Nguyễn Cao Đàm, rồi lăn xuống bãi
biển hoang sơ với hàng phi lao rì rào trong gió, ngâm mình dưới làn
nước ấm để hưởng thú tuyệt vời của biển rộng mênh mông.
Sau nầy mượn được chiếc xe máy dầu Kawasaki Nhật Bản, tôi chạy đi xa hơn
đến tận Hòn Rơm, hay ra Phan Rí Chàm nơi còn tồn tại nền văn hoá lâu
đời của một dân tộc thiểu số với y phục, nhạc cụ và những điệu múa dân
ca rất đặc thù. Tôi cũng đến thăm nơi đồn trú của Sư đoàn Nùng lừng danh
do Đại tá Wòng A Sáng chỉ huy, nơi đây có món chim bồ câu quay ngon đặc
biệt. Tôi thăm cụ Trương Gia Kỳ Sanh, một nhân sĩ được nhiều người quí
trọng ở Phan Rí Cửa, hoặc ra Tuy Phong để ngắm những dãy núi đá đỏ Gành
Sơn, bãi Cà Ná, Chùa Hang, suối Vĩnh Hảo giáp tỉnh Ninh Thuận… Những
vùng nầy trước kia khi còn là sinh viên trong một dịp Hè, tôi đã từng đi
qua với các bạn thân trong lớp như Đào Tự Giác, Trương Hoàng San, Lê
Thanh Vĩnh. Chúng tôi lái xe nhà chạy một vòng từ Sàigòn lên Đàlạt, xong
đổ đèo xuống Phan Rang dọc theo bờ biển Phan Thiết để chiêm ngưỡng
những cảnh đẹp thiên nhiên rồi xuôi về Nam qua khỏi đồi dương Hòn Bà,
núi Takou. Ôi cái thời đi học sao mà thú vị đến thế, bây giờ lang thang ở
đây ngắm cảnh non nước hữu tình, tôi càng thấy quê hương mình đẹp biết
bao nhiêu. Phải chi đừng có chiến tranh thì đất nước mình biết đâu sẽ
làm giàu nhờ ngành du lịch.
"Chấm dứt chiến tranh VN, không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ cái giá phải trả, cho loại Hòa bình đó, là ngàn năm tăm tối, cho thế hệ sinh ra tại VN về sau." President Ronald Reagan
Tuesday, October 6, 2020
Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn (7) - Nguyễn Duy Cung -
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment