Tháng Tám năm 1985. Thành phố Los Angeles với nhà cửa san sát và
xe cộ đông như kiến hiện rõ dần dưới ánh nắng chiều, tiếng cô tiếp viên hàng
không loan báo phi cơ chuẩn bị hạ cánh khiến tôi háo hức. Nhân đi công tác ở Palo Alto ở bắc
California, tôi bay xuống Los Angeles chơi cuối tuần với vợ chồng Canh; Canh là
bạn đồng nghiệp dạy ở Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Đức. Cuối tháng Sáu năm 1975, tôi đã gặp Canh trong
trại tỵ nạn Trại Pendleton, nhưng từ đó đến nay mặc dù thư từ và điện thoại thường
xuyên, chúng tôi chưa gặp lại nhau. Canh
mừng rỡ khoát tay lia lịa khi thấy tôi ở cuối jetway (hành lang dẫn từ
phi cơ vào phòng đợi phi trạm). Hai đứa
ôm chầm lấy nhau; tôi nhìn bạn từ đầu đến chân và cố dấu vẻ xúc động,
“Mày
không chịu bơ sữa đế quốc hay sao mà người ngợm tang thương thế kia?”
“Còn
mày trông như thằng cha thiếu thuốc, có khác gì tao? Chúng mình già rồi Ba Hoa ạ,” Canh đỡ
lấy chiếc cặp da trên tay tôi.
“Cô Lòng
Heo. . . à Long Huê có khỏe không?
Chiều nay cô ấy đi làm hả?”
Ngày còn là sinh viên ban Điện tử của Đại
học Khoa học Sài gòn, Canh bị bạn bè gọi đùa là “Tiết Canh.” Khi Canh cặp bồ với cô sinh viên lớp
Lý Hóa Nhiên (hay “chứng chỉ” SPCN) Long Huê người Việt gốc Hoa quê ở Rạch Giá, lũ bạn
bèn tức cảnh sinh tình phang ngay cho nàng cái tên “Lòng Heo” để đi đôi
với Tiết Canh cho . . . hợp duyên.
Canh mỉm cười trách nhẹ,
“Mày
chứng nào vẫn tật ấy! Hôm nay bà ấy nghỉ
làm ở nhà nấu nướng đãi mày.”
“Tụi
mày nhiễu sự, bày vẽ làm chi cho mất công.”
“Mười
năm mới có dịp đón tiếp gã nhà quê từ nơi đồng nội North Dakota đến thăm viếng
chốn thị thành ấy mà! Hôm nay có thằng
Tiễn và vài người bạn ở quanh đây.”
Dễ đến mười tám, mười chín năm nay tôi mới
gặp lại Tiễn. Ngày đó, lớp đệ nhất niên
ban kỹ sư của ba trường Công chánh, Công nghệ, và Điện học chung và học các môn
khoa học cơ bản; Tiễn thuộc ngành Công chánh và tôi là dân Điện. Mặt rỗ chằng rỗ chịt, người bé loắt choắt, giọng
nói oang oang, và tính ưa nghịch phá, Tiễn lân la làm quen rồi chơi thân với
tôi. Tôi nghe từ vườn sau Tiễn cười vang
kể chuyện xưa,
“Trong
giảng đường gần tám chục mạng mà chỉ có hai thằng đứng thẳng lưng là tao và thằng
Chích Chòe. Bọn cù lần kia
sợ thầy như đĩ thấy cha, tối ngày đứng khom lưng một điều ‘Thưa giáo sư,’ hai
điều ‘Dạ vâng, giáo sư.’”
“Còn
mày, phét lác cho lắm mà sao bị xoọc-ti lát thành dở ông dở thằng?” có tiếng hỏi vặn lại;
“xoọc-ti lát” là “sortie latérale” tiếng Pháp nghĩa là
ra trường ngang hay bị đuổi học.
“Hà hà, ‘anh mày’ là dân
chơi số dzách! Tình cờ thấy
ông Thế Trưởng ban Khoa học Cơ bản vào cầu tiêu sau giảng đường có ổ
khóa treo lủng lẳng bên ngoài, tao bèn tiện tay lật bản lề, móc khóa vào
bấm lại, và bỏ chạy một nước. Sau đó
ông ta biết tao là thủ phạm và ra tay trù tới nơi tới chốn. Làm sao
tao thọ sang năm thứ hai?”
Tiễn bắt tay tôi với nụ cười mở rộng đến
mang tai; tôi hỏi,
“Hai
mươi năm rồi mà sao bạn ta không lớn thêm được tí ti nào? Đã vợ con gì chưa hay vẫn phòng không chiếc
bóng?”
“Thứ
nửa người nửa ngợm nửa đười ươi như nó, con Chín dưới đò cũng chê,
đàn bà con gái ai mà thèm?” Canh cười khà khà khiêu chiến; “chín dưới đò” nói
lái thành “chó dưới đình.”
“Hôm
nay có thằng Chích Chòe phương xa lại, tao tạm tha cho thằng Tiết
Canh. Vả lại, cô Lòng Heo hứa
cho ăn ngon nên ‘anh nó’ nhường nhịn một tí cho phải đạo,” Tiễn vênh váo trả lời
và giới thiệu người bạn đứng bên cạnh với tôi, “Thằng Hoàn ở chung nhà với
tao. Xưa kia nó có vợ đình huỳnh,
nhưng khi dzọt khỏi Sài gòn, gặp ‘hên’ vợ ngủm củ lèo nên thành ra
độc thân vui tính như tao.”
Hoàn trông tương phản với Tiễn một trời
một vực: thân hình cao lớn, hùng tráng
khôi ngôi, nhưng vẻ mặt u sầu với đôi mắt buồn thăm thẳm. Hoàn bước lại gần tôi nói nhỏ nhẹ,
“Tôi
là dân trung học Võ Tánh Nha Trang, hồi đi thi tú tài đã nghe danh ‘ông.’ Trong lúc ‘ông’ làm bá chủ hội đồng Võ Tánh cả
hai năm, tôi chật vật lắm mới qua được cửa ải Tú tài I, nhưng năm sau trượt vỏ
chuối trong hai kỳ thi Tú tài II.”
“Sau
đó ‘ông’ làm gì?”
“Tôi
tình nguyện đi sĩ quan Không quân. Sau
thời gian thụ huấn tại trường Sĩ quan Không quân Nha Trang, tôi đi Mỹ học lái
phi cơ vận tải. Đầu năm 1975, tôi là đại
úy lái C-130 ở Không đoàn Chiến thuật XX trong căn cứ Tân Sơn Nhứt.”
C-130 Hercules (Dũng sĩ Hercules) là máy
bay vận tải có bốn động cơ tua-bin cánh quạt có thể cất cánh và hạ cánh
trên phi đạo ngắn không dự bị trước. Gần
cuối bữa tiệc thịnh soạn do Long Huê khổ công nấu nướng, và khi màn đấu láo của
đám bạn dịu lại, tôi gợi chuyện với Hoàn,
“Năm
1975, ‘ông’ ra đi bằng gì? Chắc hẳn
không phải là tàu Hải quân như tôi rồi.”
“Tôi
lái C-130 chở gia đình quân nhân Không quân trốn thoát qua căn cứ U-Tapao bên
Thái Lan.” Căn cứ Không quân U-Tapao được
Hoa kỳ dùng làm căn cứ cho phi cơ oanh tạc B-52 đi giội bom thời chiến tranh Việt
nam.
“’Bà’
ấy mất vào lúc nào?” tôi ái ngại hỏi.
“Quế
Hương cũng là dân Nha Trang; nàng ra đi trong chuyến bay định mệnh đó. Ở Sài gòn chỉ có hai đứa tôi, gia đình hai
bên ở hết và kẹt lại ngoài Nha Trang,” với giọng nói buồn tênh, Hoàn chậm rãi thuật
lại quãng đời đau thương mười năm trước.
* * *
Trong mấy tuần lễ cuối cùng của Việt nam Cộng hòa
(“VNCH”), quân nhân Không quân, nhất là các phi công như Hoàn, công khai thảo
luận và chuẩn bị di tản gia đình bằng máy bay của mình. Ba giờ rưỡi sáng ngày 29 tháng Tư, đợt pháo
kích đầu tiên của Việt Cộng vào căn cứ Tân Sơn Nhứt khiến Hoàn và Quế Hương thức
dậy và sửa soạn ra đi. Khoảng chín giờ,
Hoàn trông thấy ông Phó Kiền lên trực thăng bay theo hướng đông về phía Đệ thất
Hạm đội Hoa kỳ ngoài hải phận quốc tế.
Chín giờ 45 phút, ban Tình báo căn cứ loan báo đợt pháo kích sắp tới sẽ
gây thiệt hại rất nặng nề; đó là hiệu lệnh giờ G đã điểm. Giờ thì mạnh ai nấy bay.
Hoàn và Quế Hương chạy như bay và leo lên
chiếc C-130 chàng bay thường ngày, phi cơ đã đầy ắp người. Chàng vội kiếm chỗ cho Quế Hương ngồi rồi bước
ngay vào phòng lái mở máy cho phi cơ chạy từ từ ra phi đạo; nhiều người loi
nhoi chạy theo và cố nhảy lên cửa trước còn để mở. Ra tới phi đạo, chàng ra lệnh đóng cửa, gia
tăng tốc độ, và cất cánh bay về hướng tây giữa lằn đạn pháo kích. Đáp phi cơ xuống U-Tapao an toàn, chàng thở
phào một tiếng nhẹ nhõm và đợi hành khách xuống hết mới ra khỏi phi cơ. Trong khi mọi người được đưa tới khu tạm trú
trong các nhà để máy bay, ba-rắc lính, và lều vải nhà binh, chàng kinh
hoảng nhảy bổ đi tìm Quế Hương; không ai thấy nàng đâu cả. Cuối cùng, chàng gặp anh hạ sĩ quan cơ khí quen,
anh ta mếu máo,
“Đại
úy ơi, ở Tân Sơn Nhứt, khi cửa còn mở, bà đứng nghiêng mình ra ngoài giúp kéo những
người đất lên. Họ níu kéo chen lấn và đẩy
bà rớt xuống, bà bị máy bay cán lên người.”
Trời đất sụp đổ trước mắt Hoàn. Người vợ yêu quý chết tức tưởi. Đi ra ngoại quốc làm gì khi lẽ sống duy nhất trong
đời không còn nữa? Chàng phải trở về Việt
nam tìm xác nàng mai táng cho trọn tình trọn nghĩa. Dù chết cũng về, nhất định thế.
Căn cứ U-Tapao trở thành trại tiếp cư cho 3,900 người
di tản. Vị chỉ huy trưởng là Đại tá
Harold R. Dallas, một sĩ quan có ba mươi năm quân vụ, phải chạy đôn chạy đáo lo
ăn ở cho đám người này. Nhưng khẩn thiết
hơn là ông phải di chuyển họ ra khỏi Thái Lan ngay lập tức. Chính phủ Thái sợ Việt Cộng kiếm cớ gây hấn
và xâm chiếm, nhất định đòi trục xuất họ ra khỏi nước, và đe dọa sẽ tống giam
và hành hình nếu họ không tuân lệnh. Bộ
chỉ huy Không quân Hoa kỳ vùng Thái bình dương đóng tại Hạ Uy Di cấp tốc gửi 21
phi cơ vận tải hạng nặng C-141 sang để chở tất cả qua đảo Guam.
Khi những chiếc C-141 đầu tiên đáp xuống
U-Tapao, Đại
tá Dallas lại đương đầu với khó khăn mới:
Kể cả người phi công vừa mất vợ, có 65 quân nhân VNCH trẻ nói đã ra đi
lầm và muốn trở về Việt nam. Tất cả đều đi trên chiếc C-130 do Hoàn lái
sang và do một thiếu úy tên Lý cầm đầu; Lý cùng tuổi với Hoàn và phục vụ
ở phòng
Kỹ thuật Không quân. Đại tá Dallas cậy một
đại tá Không quân là vị sĩ quan VNCH cấp bậc cao nhất thuyết phục 65
người đó đi
sang Guam tỵ nạn; ông này vạch rõ ra rằng nếu họ trở về, Việt Cộng sẽ
không
dung tha và đem ra xử bắn như không. Rốt
cuộc, 52 người đồng ý đi Guam, nhưng 13 người còn lại (gồm
cả Hoàn) kiên quyết, “Về hay chết tại
đây!”
Mười ba người cực kỳ bướng bỉnh đó đặt Đại tá Dallas vào
một hoàn cảnh vô cùng khó xử, giao họ cho chính phủ Thái là điều sau chót một chiến
binh yêu thương đồng đội như ông muốn làm.
Giữa lúc đó, y sĩ của căn cứ đưa ra đề nghị: Truyền thống của quân đội Hoa kỳ là không bỏ
bạn lại (“no one left behind”), và nếu vì một lý do nào đó quân nhân bị
thương thà chết chứ không chịu rời chiến trường, quân luật Hoa kỳ cho phép toán
quân y dùng thuốc an thần để cưỡng bách tản thương. Trong khi chiếc C-141 cuối cùng để máy nổ nằm
chờ trên đường ra phi đạo, vị chỉ huy trưởng buộc lòng chấp thuận giải pháp này.
Người đầu tiên bị tiêm thuốc an thần là Lý, Lý vùng vẫy
kịch liệt khi bị khiêng vào trạm quân y.
Mười hai người kia ngập ngừng, nhưng không kháng cự. Theo đúng thủ tục, đại tá Dallas phái bốn
quân cảnh và một y tá đi theo hộ tống họ.
Đến Guam, 13 người phản đối dữ dội, biểu tình tố cáo lính Mỹ “dùng thuốc
mê để bắt cóc” họ, và khiếu nại với văn phòng đặc trách thỉnh nguyện hồi
hương của Hoa kỳ. Báo chí đăng tin và
làm lớn chuyện khiến Đại tá Dallas bị cách chức và bắt buộc phải giải ngũ.
Kể đến đây, Hoàn mím môi cố nén nỗi bực
tức,
“Phải
công nhận thằng Lý có tài xúi giục và huy động đám đông. Ở Guam, nó cầm
đầu những vụ biểu tình, cạo đầu, tuyệt thực, và có lần bạo động đốt
doanh trại và đánh
lính Mỹ bị thương.
Nhưng khi chính phủ Hoa kỳ đồng
ý cho đi về bằng tàu Việt nam Thương tín thì
trước ngày lên tàu nó xin ở lại.”
“Mẹ nó, đúng là
thằng Việt Cộng nằm vùng! Xong công tác
đó, nó ở lại Mỹ để tiếp tục đánh phá cộng đồng tỵ nạn,” tôi buột miệng la lớn.
“Ai cũng thấy vậy; tôi còn nghi nó
là thủ phạm gây ra cái chết của Quế Hương.
Tôi bèn đổi ý xin ở lại, đó là quyết định sáng suốt duy nhất của tôi
trong gần sáu tháng trời.”
Thấy tên “Lý” nghe quen quen, tôi hỏi,
“Bây giờ thằng Lý
đó ở đâu, ‘ông’ biết không?”
“Nó lấy vợ, và
hai vợ chồng sống ở San Francisco và kết nạp bọn thân Cộng, gây quỹ, và ra báo tuyên
truyền cho Cộng sản trên đất Mỹ tự do. ‘Ông’
biết trong giới người Việt tỵ nạn mình có một nhóm võ trang bí mật tên là Việt
nam Diệt Cộng Hưng quốc chứ? Khoảng ba
năm trước, họ gửi thư ngỏ cảnh cáo vợ chồng nó, nhưng cặp Cộng con không những
không ngưng hoạt động mà còn lên mặt thách đố.
Nhóm Hưng quốc ra tay, vợ chồng nó bị bắn chết trước nhà, và cảnh
sát địa phương và FBI (Văn phòng Điều tra Liên bang) điều tra mà không tìm ra
manh mối.”
“Đáng đời hai đứa
gian ác! Tôi có đọc vụ này trên cả hai tờ
Time và Newsweek,” tôi gật đầu; Time và Newsweek là hai tuần
san nổi tiếng phát hành tại Hoa kỳ và lưu hành khắp thế giới.
“Mười năm qua, tôi rất ân hận về việc
mình làm: Với tư cách một quân nhân đồng
minh, Đại tá Dallas đã áp dụng nguyên tắc ‘không bỏ bạn lại’ để cứu giúp
13 quân nhân Việt nam Cộng hòa. Vậy mà tôi
nghe theo lời kẻ gian và góp phần vào việc chấm đời binh nghiệp của một sĩ quan
đáng kính.”
Tôi thấy có đến hai người đáng kính: Một người là Đại tá Dallas – đã đành, người
kia chính là Hoàn. Dù trải qua bao nhiêu
khổ đau mất mát, chàng can đảm nhận lỗi lầm của mình. Tôi đâm ra phục người bạn mới quen.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 9 tháng Mười, 2019
No comments:
Post a Comment