Đầu
năm 1969 sau biến cố tết Mậu Thân, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung
và quân chủng Hải Quân nói riêng đã bắt đầu một chương trình phát triển
rộng lớn nhằm mục đích cung cấp nhân lực để đáp ứng lại sự đòi hỏi của
chiến trường cũng như là sự mỗi lúc một lớn mạnh của các quân binh
chủng. Theo đó, trong năm 1969 luật tổng động viên đã được ban hành, các
sinh viên đang theo học các trường Đại Học, các Thiếu Sinh quân cũng
như các học sinh vừa thi đậu Tú Tài II đã cùng mang chung một chí lớn,
để thực hiện mộng hải hồ, họ đã tình nguyện gia nhập Hải Quân, một quân
chủng ưu tú của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, và đã trở thành tài nguyên
của khóa 21, Sĩ Quan Hải Quân Việt Nam.
Khóa
21/SQHQ/NT Đệ Nhị Nhân Mã gồm 269 tân Sinh Viên Sĩ Quan đến từ bốn vùng
đất nước, từ miền địa đầu giới tuyến cho tới các tỉnh tận cùng miền
Nam. Trung Tâm Tạm Trú Bạch Đằng II là nơi gặp gỡ đầu tiên và là cái nơi
cho Khóa 21/Đệ Nhị Nhân Mã chào đời. Do vậy, lịch sử khóa 21 cũng gắn
liền với lịch sử thăng trầm của dân tộc trong cuộc hành trình 30 năm dai
dẳng đấu tranh cho tự do và dân chủ.
THỜI KỲ QUÂN TRƯỜNG (1969-1971)
TRUNG TÂM TẠM TRÚ BẠCH ĐẰNG II
Hầu
hết các tân SVSQ/K21 trình diện nhập ngủ tại Trung Tâm Tuyển Mộ HQ
Sàigòn, nằm trên đường Thi Sách, sau lưng Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Một số
khác đến từ các Trung Tâm Tuyển Mộ Đà Nẳng, Nha Trang, và Cần Thơ. Cuối
cùng thì những chàng trai đầy nhiệt huyết, với cùng mộng ước hải hồ đã
gặp nhau tại Trại Bạch Đằng II, bên cạnh Nha Quân Pháp của Bộ Quốc
Phòng.
Những
tân Sinh Viên Sĩ Quan Khóa21, chỉ sống tại trại Bạch Đằng II trong một
thời gian ngắn, khoảng 2 tháng, trước khi lên đường đi thụ huấn căn bản
quân sự tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, nhưng chúng tôi cũng có
những kỷ niệm khó quên ở đây. Công việc thường ngày bắt đầu lúc 8:00
sáng, tập họp điểm danh quân số, rồi di chuyển qua công viên phía trước
trại để tập cơ bản thao diễn. Đến 11 giờ chúng tôi trở lại trại để ăn
trưa, rồi sau đó là giờ tự do hay là giờ nghỉ trưa. Nhiều anh em chúng
tôi nghỉ ngơi tại trại để tránh cái nắng gay gắt như thiêu đốt buổi trưa
của Sài Gòn, nhưng một số khác thì thả bộ qua khu Hải Quân Công Xưởng,
vào Thảo Cầm Viên hoặc lang thang trước cửa trường Nữ Trung Học Trưng
Vương để hẹn hò hoặc để làm quen với mấy cô học trò đang nhìn các anh
lính biển bằng cặp mắt vừa thiện cảm và vừa bẽn lẽn ngại ngùng.
Giáng
Sinh 1969 tại Sài Gòn là mùa Giáng Sinh đầu tiên trong đời hải nghiệp
của chúng tôi. Một số các bạn có gia đình tại Sài Gòn đã tổ chức nào là
tiệc tùng, dạ vũ, tưng bừng như để hưởng trọn vẹn những ngày tháng dân
sự cuối cùng trước khi lên đường đi thụ huấn quân sự.
GIAI ĐOẠN 9 TUẦN QUANG TRUNG
Đầu tháng giêng
năm 1970, chúng tôi rời trại Tạm Trú Bạch Đằng II để đi Quang Trung bắt
đầu 9 tuần huấn luyện căn bản quân sự. Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung
gồm 2 liên đoàn A và B. Khóa chúng tôi thuộc liên đoàn B, tiểu đoàn
Trương Tấn Bửu với 5 đại đội A, B, C, D, và E. Hầu hết tài nguyên khóa
chúng tôi được phân phối vào các đại đội 18C, 19D, và 20E của khóa 1/70
Thủ Đức.
Trưa
đến, có xe tiếp tế thực phẩm: cơm, canh cá mối (chiên). Khẩu phần thanh
đạm nhưng vì hoạt động nhiều, nên ai cũng cảm thấy thật ngon.
Chúng
tôi đón xuân 1970 tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Để góp phần
trong sinh hoạt mừng xuân của Trung Tâm, khóa 21 cũng đã trang trí một
khu tiếp tân và một gian hàng Tết mang sắc thái Hải Quân ngay trong Vườn
Tao Ngộ để chào đón thân nhân.
Chín tuần lễ trôi qua, từ giả Quang Trung, các sinh viên sĩ quan lên đường, tiếp tục thụ huấn khóa 21 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang.
TRƯỜNG SĨ QUAN HẢI QUÂN NHA TRANG
Đầu
tháng 3 năm 1970, chúng tôi 269 sinh viên sĩ quan K21 được dương vận
hạm HQ503 đưa ra Nha Trang để bắt đầu chương trình huấn luyện hải nghiệp
tại Trường Sĩ Quan Hải Quân thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha
Trang. Sau mấy ngày đêm trên biển, tàu cập bến tại Cầu Đá. Bắt đầu từ
nơi đây chúng tôi được các đàn anh khóa 20 tiếp đón rất là “nồng hậu”.
Phải nói đúng hơn là quá nồng hậu quá dư thừa để đánh dấu những ngày thử
thách cho một giai đoạn mới của một Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân Nha
Trang. Sau khi kiểm điểm quân số, chúng tôi được đưa về quân trường. Giờ
đây cánh cửa quân trường đã đóng lại, trước mặt là biển sau lưng là
núi, thao diễn trường rộng thênh thang, bên kia cây cột cờ cao ngất với
lá quốc kỳ bay phất phới và được nghe những lời quát tháo của đàn anh.
Khóa
21 Đệ Nhị Nhân Mã giờ đây đã chính thức nhập trường. Khóa 21 làm lễ
chào quân trường cách chạy vòng quanh quân trường với cái ba lô nặng
trĩu trên vai, sau đó là những màn hít đất, thăng thiên độn thổ, nhảy
xổm, bò lăn, quì và đi bằng đầu gối trên đường sỏi đá.
Những
tuần huấn nhục đang bắt đầu và những sinh viên sĩ quan K21 đang trải
qua giai đoạn thử thách trước khi được gắn Alpha. Phải kiêu hùng vượt
qua thử thách để trở thành cấp chỉ huy trong tương lai. Theo truyền
thống quân trường thì làm đàn em có thể ví von như là một trọng tội, lúc
nào cũng phải bị phạt, chịu hình phạt cho quen để rồi trưởng thành. Nên
lúc nào cũng sẵn sàng để nhận lệnh phạt. Không cần phải làm sai mới bị
phạt. Đàn anh là vua, luôn có đầy đủ sáng kiến để nghĩ ra lý do để phạt.
Trong suốt thời gian này, chỉ có hành xác, hình phạt. Nguyên ngày từ
sáng tới tối đều là giờ huấn nhục, không có mấy thì giờ để ăn và ngủ.
Sáng
sớm tiếng còi báo thức đánh giấc các chàng trai trẻ. Tất cả đều bật
dậy, thu xếp giường nệm, làm vệ sinh, tập họp trong một thời gian kỷ
lục. Những công việc nầy đều dùng đơn vị thời gian 30 giây. Và trong
thời gian nầy, tất cả mọi hoạt động và sinh hoạt của K21 đều được khóa
đàn anh theo dõi và kiểm soát. Mỗi buổi sáng, ngoài việc điểm danh thì
sau đó lúc nào cũng bị phạt, chạy vòng quanh con đường đá nằm giữa khu
các phòng đàn anh, câu lạc bộ và các khu giảng đường. Sau đó mới được
vào ăn điểm tâm, mặc dù món ăn chỉ có bánh mì với chuối hoặc đường, lại
bị phạt và chưởi rủa thêm một lần nữa rồi mới được ăn.
(Không
lâu sau từ ngày đầu vừa đặt chân vào quân trường và biết bao nhiêu lần
trong nhiều ngày sau nữa, cái âm thanh đe dọa kinh hoàng nầy đã được lập
lại bên tai:
“….
21 nghe đây!!! Trước mặt các anh là biển cả, sát bên các anh là bệnh xá
Hải quân, … Các anh tà lắm, tà lắm!!! ….Sau đây các anh thi hành lệnh
phạt…”
Sau 2 chử “sau đây” lúc nào cũng là một bản án như “50 cái thăng thiên độn thổ” hoặc “20 vòng sân”, …
Trong
thời gian nầy chúng tôi thích nhất tiếng kèn chậm buồn báo giờ ngủ lúc
10 giờ tối. Những đêm bình thường thì không gì hạnh phúc bằng khi nghe
tiếng kèn báo giờ ngủ. Hạnh phúc biết bao nhiêu sau khi trọn ngày thi
hành hết lệnh phạt nầy đến lệnh phạt khác. Vừa đặt lưng xuống, không đầy
phút sau đã đi vào giấc ngủ. Dĩ nhiên không phải đêm tối nào cũng được
yên bình như vậy. Có những đêm có những đàn anh có lẽ do mất ngủ hoặc
buồn bực chuyện gì đó, vẫn có thể tìm đàn em K21 để trút bầu tâm sự.
Những đêm như vậy thật là phiền..
Có
những đêm tối sau giờ đi ngủ nếu mà còn nghe thêm tiếng còi tập họp của
sinh viên cán bộ, thì đêm đó là những đêm khó quên trong thời gian huấn
nhục.
Chúng
tôi ghét nhất các tiếng còi tập họp “tè tíc tíc” và “tè tíc tè” không
biết lúc nào đã in sâu vào đầu của các sinh viên sĩ quan.
Chúng
tôi rất không ưa làm trưởng toán bị phạt (TTBP). Mỗi khi một nhóm bị
phạt, đàn anh thường chỉ định ra một TTBP. Người TTBP trực tiếp nhận
lệnh phạt và điều động cả nhóm thi hành. Nếu TTBP làm không vừa mắt đàn
anh thì chính mình mang họa trước. (Thường thì không bao giờ làm vừa
mắt). 4 chữ TTBP vẫn còn như một nổi ám ảnh, lưu truyền trong khóa cho
đến bây giờ.
Sau
đó rồi cũng quen đi, những hình phạt thường hàng ngày cũng không làm
cho khóa bị sa sút tinh thần, nhưng sau đó những trò chơi và hình phạt
mới lại được xuất hiện.
Đêm
lửa trại trình diện hệ thống đao phủ thủ cũng là một đêm đầy kinh
hoàng. Sau buổi ăn tối gồm có cơm với nước trà và nước mắm, K21 rời phạn
xá bắt đầu chạy nhịp đều theo thông lệ hàng ngày. Trước bãi cát của dãy
Xi, một đống củi lớn đã được đốt lên và sau đó là những hình phạt đã
được thi hành. Thêm vào đó, một bản tội trạng được bịa và đọc ra kèm
thêm những lời chưởi rủa và nạt nộ của sinh viên cán bộ. Rồi hệ thống
hung thần đao phủ thủ bắt đầu xuất hiện. Đệ Nhất Đao Phủ Thủ (Nguyễn Văn
Độ), Đệ Nhị Đao Phủ Thủ (Hoàng Thế Dân), Đệ Tam Đao Phủ Thủ (Phạm Văn
Cần), … . Chuyện kế tiếp là cả khóa bị phạt bị phạt lăn lóc tàn khốc cả
đêm. Chạy nhảy hành hạ thân xác, những hình phạt như kéo xe La Mã trên
đường đá, xi măng, cầu thang, sân cát và vỉ sắt, châm thuốc lá vào bụng
cũng đã làm cho cả khóa nao núng tinh thần.
Lúc đó thì:
“Ôi biển cả giờ đây ta mới biết
Mộng hải hồ giết chết cuộc đời ta!!! ….”
Đêm Tâm Giao cũng để lại trong lòng cũng như thể xác của khóa biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn.
Thời
gian qua mau. Rồi thời gian huấn nhục cũng gần chấm dứt, cả khóa làm lễ
uống sửa mẹ (nước biển), tắm suối dầu (dầu nhớt), suối tiên (hầm nước
rửa chén của phạn xá), và sau cùng là làm lễ bố con theo truyền thống
của trường Sĩ Quan Hải Quân để chính thức kết thúc những tuần lễ huấn
nhục. Lễ gắn Alpha được tổ chức tại thao diễn trường, cặp Alpha vàng đã
được gắn lên cầu vai của các sinh viên sĩ quan và sau đó các ông bố mới
K20 đã ân cần giúp đở các ông con K21 trong lần đi bờ lần đầu tiên.
Sau
đó thì chương trình học được bắt đầu. Ngày ngày ngoài việc đi học cả
khóa còn có nhiệm vụ canh gác trường và đảm nhiệm các công tác khác như:
trang trí, văn nghệ, thể thao, ẩm thực, bưu tín và tạp dịch. Trong thời
gian nầy tuy là đã chấm dứt thời gian huấn nhục nhưng cả khóa cũng vẫn
còn bị phạt dài dài. Rồi thời gian qua mau, K20 chuẩn bị ra trường, K21
sẽ trở thành khóa đàn anh, sau khi K20 hoàn tất kỳ thi mãn khóa thì một
truyền thống sau cùng để đưa tiễn khóa đàn anh ra trường đó Đại Kỳ. K21
thiết lập chương trình chuẩn bị đêm tối sẽ làm lễ đại kỳ cho các đao phủ
thủ, các hung thần và sinh viên cán bộ của K20. Tuy nhiên, ngoại trừ
một số nhỏ lâm nạn, phần lớn các vị đàn anh nầy đã còn ở trong doanh
trại nữa.
Ngày
K20 ra trường cũng là ngày K21 tiếp nhận quân quốc kỳ và sẽ lãnh trọng
trách đễ dìu dắt khóa đàn em. Cặp Alpha Chuẩn Úy đã được gắn lên vai và
giờ đây K21 đang đi qua một giai đoạn mới. Kỳ nghỉ phép đầu tiên về thăm
gia đình sau sáu tháng nhập trường thật là đầy ý nghĩa.
Sau
đó là lúc khóa 22 chuẩn bị nhập trường. Ban sinh viên cán bộ đã dành
nhiều tâm tư tình cảm để thiết lập một chương trình huấn nhục. Các sinh
viên cán bộ đàn em đã được chỉ định. Mọi chờ đón K22 đã sẵn sàng. Rồi sẽ
sớm thôi tới phiên ta … “…. 22 nghe
đây!!! Trước mặt các anh là biển cả, sát bên các anh là bệnh xá Hải
quân, … Các anh tà lắm, tà lắm!!! ….Sau đây các anh thi hành lệnh phạt…”
Tuy
nhiên do một nguyên nhân nào đó, chỉ sau vài ngày K22 vào trường,
chương trình huấn nhục cho K22 đã được bãi bỏ, K21 chỉ còn dìu dắt khóa
đàn em chút ít cho đến ngày K22 gắn Alpha, không còn tiếp nối những
truyền thống của trường Sĩ Quan Hải Quân.. Một trong những kết quả là
K21 lúc nhập quân trường thì có bố nhưng khi ra trường thì đã không có
con !!! Mất đi truyền thống, tình cảm đáng lẽ rất sâu đậm giữa 2 khóa
cũng giảm đi rất nhiều; có thể nói là không còn bao nhiêu !!!
Thời
gian làm đàn anh đáng lẽ còn rất nhiều điều thú vị hơn. Giờ đây khóa
đàn anh K21 không còn được phép huấn nhục đàn em, chỉ còn biết ngày ngày
đi học. Nhưng cũng còn may, vấn đề canh gác và tạp dịch lại được khóa
đàn em đảm trách. Có lẽ đây là khoảng thời gian thoải mái nhất sau khi
nhập ngũ, mặc dù có đôi lúc thất vọng do sự thay đổi của truyền thống
quân trường.
Rồi
chương trình học của khóa 21 cũng đã gần chấm dứt, thời gian tới là thi
mãn khóa. Trong lúc này cả khóa được đi thăm viếng các quân trường bạn
như Dục Mỹ, Đồng Đế, Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Tuần thi mãn khóa vừa xong
cả khóa nôn nao chờ kết quả ra trường. Tuy nhiên có những việc không thể
tránh được đã xảy ra, ngày ra trường đã thiếu vắng một số không ít bạn
bè cùng khóa.
Đệ Nhị Nhân Mã Ra Khơi – 20/3/1971
Ngày
ra trường thật là trang nghiêm và đầy cảm động. Các tân Sĩ Quan khóa 21
Đệ Nhị Nhân Mã đồng thanh tuyên thệ. Các tân Sĩ Quan với cặp lon chuẩn
úy mới toanh trên vai giờ đây từ giả quân trường thân yêu để tiếp nhận
những trọng trách mới trong các đơn vị hải quân. Trước khi được phân
phối cho các đơn vị, một số không nhỏ các tân sĩ quan sẽ được đi thực
tập trên Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ. Số còn lại sau khi nghỉ phép thăm
gia đình, sẽ trình diện tân đáo các đơn vị, từ Hạm Đội, Chuyển Vận,
Giang Đoàn, Duyên Đoàn, Căn Cứ Yểm Trợ, Hải Đội Duyên Phòng, Tiền Doanh
Yểm Trợ.
Khóa
21 Sĩ Quan Hải Quân – Đệ Nhị Nhân Mã nhập khóa tại Trung Tâm Huấn Luyện
Hải Quân Nha Trang ngày 4 tháng 3 năm 1970 với 269 sinh viên. Mãn khóa
ngày 20 tháng 3 năm 1971 và được thụ huấn một hệ thống chỉ huy gồm có:
- Chỉ Huy Trưởng: HQ/Đại Tá Khương Hữu Bá
- Chỉ Huy Phó: HQ/Trung Tá Nguyễn Trọng Hiệp
- Trung Đoàn Trưởng Khóa Sinh: HQ/Trung Tá Hà Ngọc Lương
- Tiểu Đoàn Trưởng:
HQ/Thiếu Tá Hoàng Minh Tâm - Sĩ Quan Cán Bộ:
HQ/Đại Úy Huỳnh Quang Sửu
HQ/Trung Úy CK Nguyễn Hữu Ích
HQ/Trung Úy Nguyễn Đức Nghĩa
HQ/Thiếu Úy Hồ Văn Diệp
Chuẩn Úy Đoàn Viên Đặng Thành Long
- Sĩ Quan Huấn Luyện gồm có:
HQ/Thiếu Tá Nguyễn Dinh
HQ/Thiếu Tá Nguyễn Đức Thu
HQ/Thiếu Tá Võ Quang Thủ
HQ/Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn
HQ/Thiếu Tá CK Mai Văn Hoa
HQ/Đại Úy Huỳnh Quang Sửu
HQ/Đại Úy Tôn Thất Nghĩa
HQ/Đại Úy CK Võ Thành Tâm
HQ/Đại Úy Hồ Đấu
HQ/Trung Úy Phạm Xuân Hòa
HQ/Trung Úy CK Phạm Huy Hy
Ngoài ra còn có các giảng viên, phụ giảng, và huấn luyện viên.
- Hệ thống sinh viên tự chỉ huy gồm có:
- Sinh Viên Tiểu Đoàn Trưởng: Nguyễn Văn Báu
- Sinh Viên Đại Đội Trưởng: CH – Lê Thành Nhân & CK – Đỗ Ngọc Nhẫn
- Ban 1: CH: Nguyễn Cường Việt CK: Nguyễn Văn Dân
- Ban Văn Nghệ: Nguyễn Kỷ Lăng
- Ban Thể Thao: Lê Tất Chánh – Lý Tỷ
- Ban Vủ Khí: CH: Kim Ngọc Thành – CK: Nguyễn Văn Mong
- Ban Trang Trí & Kỷ Thuật: Nguyễn Ngọc A – Lâm Quang Tiếng
- Ban Ẩm Thực: CK: Nguyễn Văn Lý – CH: Đặng Duy Bảo
- Ban Bưu Tín: CK: Nguyễn Văn Việt – CH: Lý Thuần Kỳ
- Ban Ấn Loát: CK: Phạm Đình Đức – CH: Trần Văn Hoàng
-Đại Đội Chỉ Huy
Trung Đội Trưởng:
TĐ1: Nguyễn Đức Lợi
TĐ2: Phạm Văn Tố
TĐ3: Bùi Văn Bửu
TĐ4: Nguyễn Minh Tâm
TĐ5: Đoàn Hữu Trí
TĐ6: Vũ Ngô Mỹ
-Đại Đội Cơ Khí
Trung Đội Trưởng:
TĐ1: Vĩnh Đại Nam
TĐ2: Võ Văn Tý
TĐ3: Đặng Mậu Sơn
TĐ4: Hoàng Xuân Thủy
TĐ5: Nguyễn Thiết Cường
TĐ6: Nguyễn Diệt
- Tốt Nghiệp Thủ Khoa Ngành Chỉ Huy: Phạm Đức Lai
- Tốt Nghiệp Thủ Khoa Ngành Cơ Khí: Lê Tất Chánh
Thay Lời Kết:
269 chàng trai rất trẻ và kiêu hùng năm đó …
Sau
ngày tốt nghiệp 20/3/1971, tất cả đã được gởi tới khắp mọi vùng sông
biển để nhận lãnh trách nhiệm chiến đấu bảo vệ tổ quốc thân yêu Miền Nam
tự do. Cũng từ đó số phận từng người theo thời gian đã biến đổi cùng
với vận mệnh đau thương của đất nước:
Một số đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến.
Một
số rất đông đã tham gia cuộc hành trình rời bỏ quê hương đến định cư
tại những đất nước tự do. Cuộc hành trình của hàng triệu người dân Việt
Nam này bắt đầu từ những ngày cuối tháng tư năm 1975 ngay khi đất nước
Miền Nam Việt Nam rơi vào tay kẻ thù, cộng quân gian manh phương bắc.
Hành trình bỏ nước ra đi nầy còn kéo dài tận tới hơn cả thập niên sau.
Một
số cũng rất đông khác đã lọt vào tay kẻ thù, bị vùi dập trong nhiều năm
tiếp theo, sau đó phải tiếp tục một cuộc đời âm thầm vất vưởng ngay
chính trên quê hương của mình. Trong số nầy, có người đã bỏ mình trong
các năm đầu tại các trại tập trung; hoặc sau nầy mất tích trên đường tìm
tự do.
….
Đã nhiều thật nhiều năm qua rồi, rất đông trong số 269 chàng trai chưa
bao giờ có được một lần về lại thăm ngôi trường cũ như hằng mơ ước. Cũng
như đã thật lâu rồi, chưa bao giờ còn có một dịp để họ có thể gặp lại
nhau đầy đủ như một thời gắn bó đầy kỷ niệm ở quân trường.
Tôn Thất Dũng
No comments:
Post a Comment