Lê Văn Duyệt (1763-1832) là danh tướng, đại công thần bậc nhất của vua
Gia Long nhà Nguyễn, đã có công rất lớn đối với việc mở mang bờ cõi
phương Nam. Ông đã hai lần làm Tổng trấn thành Gia Định trong khoảng 15
năm có gián đoạn. Tả quân là tước hiệu do vua Gia Long phong cho Lê Văn
Duyệt vài tháng trước khi giành được giang sơn từ tay nhà Tây Sơn.
Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu do
sử thần Cao Xuân Dục của nhà Nguyễn chép: "Tân Dậu (1801) tháng 7,
phong cho Nguyễn Văn Thành làm Khâm sai chưởng tiền quân, Bình Tây đại
tướng quân; cho Lê Văn Duyệt làm Thần sách quân chưởng Tả dinh đô thống
chế. Ngài (tức Gia Long) dụ rằng: "Ngươi với Duyệt nên ở cùng nhau cho
có đạo nghĩa, có thành thiệt, không nên lấy khí thế, tài danh làm cao
thấp, đồng tâm lo việc, để cho thành công; mới gọi là tôi của xã tắc,
báu của nước nhà; ngươi phải nghĩ cho kỹ."
Lăng Ông Bà Chiểu là
một địa danh nằm lòng của rất nhiều người Gia Định - Sài Gòn trong hơn
180 năm qua, kể từ khi Lê Văn Duyệt mất năm 1832 khi còn đang giữ chức
Tổng trấn Gia Định. Lăng là nơi chôn cất Tả quân Lê Văn Duyệt, vì nằm
gần khu chợ Bà Chiểu nên người ta đã ghép tên Lăng Ông (Lê Văn Duyệt)
với chợ Bà Chiểu để gọi. Vị trí Lăng Ông hiện nay thuộc quận Bình Thạnh,
trên đường Đinh Tiên Hoàng.
Tại Lăng Ông này vào năm 1835 vua
Minh Mạng đã sai Tổng đốc Gia Định đương thời tới san bằng huyệt mộ, cho
trói xiềng xích và khắc lên bia đá 8 chữ: "Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục
pháp xứ", tức "Nơi đây hoạn quan quyền thế Lê Văn Duyệt phải chịu tội",
sau khi con nuôi của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi bị ghép vào tội tạo
phản. Đến đầu năm Tự Đức 1848 mới có chiếu rửa tội oan cho Lê Văn Duyệt
và năm 1868, thì được truy phục lại danh hiệu công thần, cho thờ vào
miếu Công thần Trung hưng.
Trong cuốn Việt Nam Sử Lược, sử gia
Trần Trọng Kim thuật lại lý do khiến Minh Mạng cho san bằng lăng mộ của
của đệ nhất danh thần nhà Nguyễn như sau:
"Quan quân bình xong
giặc Lê Văn Khôi rồi vua Thánh Tổ (Minh Mạng) sai phá thành Phiên An đi,
xây lại chỗ khác và ngài xuống chiếu định truy tội Lê Văn Duyệt và tội
Lê Chất (Tổng trấn Bắc Thành, bạn thân của Lê Văn Duyệt). Cứ bình tĩnh
mà xét, thì chẳng qua là vua Thánh Tổ vốn có ý không ưa hai ông ấy, rồi
đình thần lại nhân đó mà bới việc ra để chiều ý ngài, cho nên thành ra
hai cái án thật là không đáng. Nay cứ theo trong sách "Đại Nam Chính
Biên Liệt Truyện" mà chép ra, để mọi người đều được lấy lẽ công bằng mà
phán đoán. Từ khi tên Khôi khởi loạn, vua Thánh Tổ thường ban trách Lê
Văn Duyệt che chở quân phỉ đảng, để gây nên hoạn loạn."
Đại Nam
Chính Biên Liệt Truyện mà Trần Trọng Kim nhắc ở đoạn trên là bộ sách
của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép chi tiết tiểu sử của các bà hậu
phi, hoàng tử, công chúa, bề tôi, danh tướng, nghịch thần của nhà
Nguyễn. Tiểu sử của Lê Văn Duyệt được chép khá dài, nhiều dữ kiện trong
hai mục thượng, hạ. Sách ấy ghi như sau:
"Lê văn Duyệt tổ tiên
là người huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, cha là Toại dời đến ở
tỉnh Định Tường, sinh được bốn con trai, Duyệt là con trưởng, sinh ra
vẫn không có dái (tinh hoàn), mình thể ngắn nhỏ, tinh hãn, có tài lực.
Năm 14, 15 tuổi thường than thở rằng sinh ở đời loạn, không hay dựng cờ
trống đại tướng, chép công danh vào sử sách không phải là trượng phu
vậy."
Lê Văn Duyệt có một người con nuôi tên Lê Văn Khôi, tên
thật là Nguyễn Hữu Khôi, vốn là thổ mục nổi loạn ở Cao Bằng, được Lê Văn
Duyệt cho quy phụ và giao chức phó úy. Khi Lê Văn Duyệt mất, vua Minh
Mạng vốn đã có hiềm khích với Lê Văn Duyệt từ rất lâu đã viện nhiều cớ
để ghép tội ông, nhân khi con nuôi của Lê Văn Duyệt khởi binh đánh thành
Phiên An (Gia Định) thì Minh Mạng đã xuống tay trừng trị cả người chết
lẫn người sống trong gia phả của Lê Văn Duyệt.
Đại Nam Liệt
Truyện chép tiếp: "Minh Mạng năm thứ 14 (1833), tháng 5 đêm 18, (Lê Văn)
Khôi ngầm dụ lính 27 người vào thành giết Bạch Xuân Nguyên, Tổng đốc
Nguyễn Văn Quế nghe biến vội vàng ra bắt giặc, lũ Khôi giết cả Quế. Khôi
tự biết tội to, bèn giữ thành làm phản, cháu Duyệt là Hán bị hiếp làm
quan chức của giặc. Tin ấy báo đến nơi, vua tức giận quá lập tức sai đại
đội quan quân đi bắt giặc.
Lúc bấy giờ các tỉnh thành Gia
Định đều bị giặc đánh, mà quân ở kinh tiến đi cũng bị giặc chống đánh,
lũ Khôi liều chết giữ trong thành Phiên An, quan quân đánh gần 3 năm
không hạ được thành ấy. Vua mỗi khi coi chầu quần thần bàn việc binh,
bèn truy trách tội Duyệt ấp ủ bọn giặc nuôi thành hoạ thai.
Năm thứ 16 (1835), thành Phiên An đã đánh lấy được...Vua (ra chỉ) dụ Nội các rằng:
Lê Văn Duyệt xuất thân là hoạn quan, vốn là gia nô, ngẫu nhiên gặp lúc
trung hưng, rồng mây gặp hội, đánh được Tây Sơn cùng dự công lao. Hoàng
khảo ta Thế Tổ Cao Hoàng đế (Gia Long) nghĩ nó lúc bé sai khiến trong
cung, tin làm lòng bụng, nhiều lần cho mang cờ tiết búa to, không ngờ lũ
này phần nhiều không phải là thiên loại, ngày càng kiêu rông, dần mang
lòng bất thần, tha hồ làm bậy ăn nói cuồng bội, chỉ vì lòng sợ thánh
minh dẫu có lòng gian, rồi cũng không dám phát, mà Hoàng khảo ta năm
cuối đã biết rõ.
Lại nghĩ đứa nô tỳ ấy dầu lòng mang sự trái
phép, nhưng thiên hạ đã cả định, thần dân ai theo thằng đã bị thiến ấy.
Tất nó không làm gì được, ngày càng xa mà ẩn nhẫn qua đi. Đến lúc trẫm
lên ngôi, cũng nghĩ tôi cũ còn chả được mấy người, lại hắn đã tuổi già,
tạm khéo đợi hắn ngầm tiêu thói xấu để bảo đảm toàn công danh cũng là
một việc tốt.
Không ngờ nó lòng độc như rắn rết, tính dữ như
sài lang, cuồng nộ ngày càng quá kiêu tư càng thêm, thường đối mọi người
nói cái sở đoản của triều đình khoe cái sở trường của nó, chê bai quá
lời, người không nỡ nghe. Những đứa tù phạm Thanh Nghệ (Thanh Hoá &
Nghệ An) năm trước hung hãn, đều chiêu ra thú, xin cho thuộc bọn liêu
hạ, cho làm nanh vuốt. Lê Văn Khôi là đô vệ lại tiến cử lên quan đến Phó
vệ úy, đi theo dưới cột cờ để làm lòng hung...
Sau vài ngày,
Nội các là Hà Văn Quyền, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Quỳnh cùng dâng sớ tâu
rằng: Duyệt ấp ủ loài giặc gây nên sự biến nó bao chứa mầm họa, không
phải là một ngày, nay tìm ra những điều từ trước bày vào chương sớ có
hình tích bội nghịch 6 điều...Đến lúc đình thần nghị án, dâng lên, chỉ
ra những lời nói việc làm bội nghịch đáng làm tội xử trảm 7 điều.
Duy sự biến ở Phiên An, Duyệt thực là đầu tội, xin chiếu theo luật mưu
phản kết án lăng trì, nhưng nó đã bị Diêm vương bắt đi rồi. Nay xin thu
bằng sắc bổ quan tài ra chém xác để tỏ gương răn. Những cáo sắc tổ tiên
ông bà cha mẹ được phong tặng đều thu lấy cả. Và xem mồ mả cha ông nó có
tiếm làm trái phép đều phá bỏ đi, còn các thê thiếp, các con cháu gọi
bằng chú bác đều phân biệt xử tội, tài sản tịch thu hết cả.
Án
dâng lên, những người nguyên nghị trảm quyết đều đổi làm trảm giam hậu,
những đứa dưới 15 tuổi tạm giam lại. Những trẻ bé không biết gì thì tha
không bắt. Phát nô 13 đứa đàn bà, đều tha cả. Việc chém xác cũng không
thi hành.
Vua dụ rẳng như thế đủ biết thiên lý không sai, công
đạo ở lòng người, thực không thể che được. Đứa quen gieo gây hoạ thiên
hạ cũng giận, các tội ác đều về đấy cả. Muôn người cùng một lời, đủ rõ
án này là án sát nghìn đời. Lê Văn Duyệt tội khó đếm tóc, nói đến đau
lòng, bổ quan tài ra mà chém xác, cũng chả quá đáng, nhưng nghĩ nó chết
đã quá lâu, trước bị Diêm la làm tội, lại đã cướp quan tước, còn cái
xương khô trong mả cũng không thèm gia hình.
Nay sai Gia Định
Tổng đốc đến chỗ mả đắp, san ra làm bằng đất, lại dựng bia đá lên trên,
viết khắc to 8 chữ "Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ" để tỏ tội danh
khi đã chết và rõ phép nước vào đời sau, cho những đứa quyền gian răn
sợ.”
Đắc Xuyên Gia Khang FB
No comments:
Post a Comment