Thursday, December 11, 2014

Khi rừng chưa thay lá / Dư Thị Diễm Buồn

Đã vào cuối mùa đông mà trời vẫn còn lạnh lắm. Gió có hôm trừ 40, 50 và thời tiết xuống trừ 9, 10 độ F. Mà 30 độ C thì nước đã thành nước đá rồi. Nên phải biết cái lạnh đến dường nào. Với chúng tôi thì không có gì lạ và thắc mắc, bởi đó là thời tiết hết sức bình thường vào mùa lạnh ở vùng thành phố Gió Chicago.

Gia đình chúng tôi thường hạn chế đi đó đi đây nhiều trong mùa đông giá buốt lạnh lùng, ngoài hai buổi đi làm, đi chợ và đưa rước các con đi học. Đồ ăn có thể giử lâu ngày bán ở các tiệm Tàu, hoặc tiệm Việt Nam thì chúng tôi đã mua trữ từ cuối mùa thu. Thí dụ như là: gạo, tôm khô, lạp xưởng, thịt chà bông, tương, chao, khô... Còn thịt thà tôm cá tươi hoặc đông lạnh mua ở tiệm Mỹ thì lúc nào cũng có tươi, ngon, đôi khi hạ giá còn rẻ hơn ở các tiệm của người Á Đông nhiều.


         Và cứ chiều thứ sáu thì tâm hồn những công nhân lao động như chúng tôi vui vẻ phơi phới. Đi làm về tấm ngân phiếu (check) còn ấm túi, ghé qua chợ mua sắm thịt thà, rau cải, trái cây về chất đầy tủ lạnh để chuẩn bị cho tuần tới. Và nhứt là tối thứ sáu cả gia đình từ lớn đến mấy đứa nhỏ tha hồ thức khuya xem phim, chơi ghem (game), nghe nhạc, đọc sách, báo... Bởi mai còn là ngày cuối tuần đó mà. 

          Trên bàn viết cái điện thoại vô duyên, vô hồn nằm đó lạnh lùng bỗng lanh lãnh reo vang từng hồi. Vì cả nhà đang mê mẫn tâm hồn xem phim "Anh Hùng Xạ Điêu" tới hồi hấp dẫn. Mai Xuân Phong (không thấy đường) đang ngồi trên lưng Quách Tỉnh đánh chưởng với mấy ông thầy chùa thúi và Hoàng Vương Khang (Thái Tử Nước Kim, nhưng lại con người nước Tàu) Vì bọn nầy đã đốt lửa ung khói ở ngoài miệng hang bay vào cố tính làm cho 2 người họ 9quách Tỉnh và Mai Xuân Phong) chết ngộp...
Phu quân tôi và mấy đứa nhỏ đang nín thở chăm chú nhìn lên màn ảnh. Chẳng ai chịu đến dở điện thoại để nghe. "Làm lớn phải làm láo" Tôi phóng nhanh đến chụp ống nghe. Liếc đồng hồ, tôi thấy đã 12 giờ khuya rồi. Thiệt bực mình, không biết có chuyện gì, ai mà lại gọi trễ như vậy?

- Hello, hello...
         Tiếng nói của đàn ông lạ bên kia đầu điện thoại:
         - Thưa, có phải nhà của chị DTDB không?
         -  Dạphải, tôi DB đây. Xin lỗi vị nào bên kia đầu dây vậy?
          Giọng vui vẻ của người đàn ông:
          - Tôi B H T ở Úc đây chị ơi. Xin lỗi chắc bên đó khuya rồi hả chị?

Thì ra đây là anh bạn đồng môn thường thư từ bằng E-mail, chớ chưa bao giờ gọi điện thoại viễn liên. Tôi vui vẻ:
            - Dạ chào anh Trạng. Không sao đâu, vì sự chênh lệch giờ giấc của 2 nước xa quá là xa mà anh. Gọi điện thoại viễn liên tốn kém lắm. Anh gác máy đi, có số điện thoại của anh đây. Tôi sẽ gọi lại cho anh liền.
           Giọng cười hề hề:
            - Nhằm nhò gì chị ơi, nói đi, ai gọi cũng vậy mà, chị đừng có gọi đi gọi lại mắc công lắm...
             Dân Nam Kỳ Lục Tỉnh của chúng tôi là thế đó! Hịch hạc, hề hà có sao nói vậy. Không trau chuốt, khách sáo, màu mè.
Tôi trả lời:
          - Thôi cũng được. Vậy hôm nay anh gọi cho tôi chắc có chuyện gì quan trọng hả anh Trạng?
           - Không hẳn đúng như vậy. Chủ yếu là gọi thăm anh chị cùng gia đình và hỏi lại anh chị có sẵn sàng lên đường qua đây chưa?
              Tôi cười khẳng định:
              - Thưa anh, chúng tôi đã chuẩn bị xong rồi, chờ đến ngày là đi ngay. Không có gì thay đổi cả anh ơi. Anh chị và các cháu khỏe chớ?
               - Khỏe, bả đang trông chị qua đó… 


                Tôi cảm thấy nôn nao trong lòng muốn gặp ngay vợ chồng người bạn hiếu khách, tốt bụng nầy mà chưa lần nào gặp mặt. Anh Trạng hỏi như vậy không phải là không có nguyên nhân. Bởi chiến sự của thế giới đang sụt sôi. Chiến tranh có thể xảy ra ở các nước bất cứ lúc nào. Mỹ đang đánh Iraq. Bịnh SARS đang hoành hành các nước, nhứt là ở Châu Á. Làm cho dân tình thế giới bàng hoàng sợ hãi.

Bạn bè và thân nhân thật lòng lo ngại cho chuyến đi xa nầy của chúng tôi. Các con tôi sợ cha mẹ tiếc tiền nên đề nghị:
        - Ba má bỏ giấy máy bay đi, chúng con sẽ trả liền lại cho. Tình hình các nơi không được tốt, rủi kẹt lại ở nước nào đó thì khổ lắm. Thôi ba má đừng đi nghen…
          Em gái tôi ở tiểu bang xa, cũng điện thoại khuyên: 

           - Tình hình chiến sự không biết sẽ đi về đâu? Anh chị nên hũy bỏ chuyến viễn du nầy đi. Có tiền thì lúc nào đi du lịch không được? Nghe nói chánh phủ Mỹ cũng khuyên, nếu không cần thiết thì không nên đi xa trong những ngày tháng nầy... Đang lúc hỗn độn, rối ren, anh chị đi như vậy thấy có mạo hiểm lắm không?
        Những người bạn thân biết chuyện cũng bảo:
        -  Nghe nói ông bà định đi xa hả, bộ hai người có học gồng sao? Nên gọi hãng máy bay dời lại dịp khác đi. Đang lúc nầy mà đi xa, thì ông bà có thấy là mạo hiểm lắm không?
           Lòng tôi cũng nao núng trước những lời khuyên lơn, nhắc nhở… Tôi bàn với phu quân tôi:
          - Sao ba sắp nhỏ, con cái, em út, bạn bè... thật lòng khuyên chúng ta không nên đi trong lúc nầy. Như vậy anh nghĩ thế nào? Có nên hũy bỏ chuyến đi không?
Phu Quân tôi trầm ngâm một hồi, bảo:
-  Em có sợ không? Đi thì đi chớ ngại gì? Con người đều có số cả, Ngọc Hoàng mà giũ sổ rồi thì ở đâu cũng không sao tránh khỏi!
Trong gia đình bé nhỏ của chúng tôi, thường thì tôi là xếp. Bởi các con tôi (trai cũng như gái) muốn mua sắm thứ gì, muốn xin cái gì cũng đều hỏi mẹ. Có hỏi ba chúng, thì ông cười hì hì bảo với đám nhỏ rằng:
          - Các con hỏi mẹ trước, mẹ là xếp của mình.
           Có lẽ ông nói vậy cho vợ mát lòng mát dạ. Chớ thật ra những chuyện lớn nhỏ trong gia đình, quyền quyết định tối hậu vẫn là của phu quân tôi.

           Vạn dặm đường xa! Tôi mơ màng nghĩ phải ở thời xưa thật là xưa, Tề Thiên Đại Thánh chỉ cần nhún mình một cái, từ Mỹ sang Úc chỉ trong chớp mắt thì tới ngay thôi. Nhưng ở thế gian, trên một nước hiện đại ngày nay, chúng tôi đi từ phi trường O'hare (Chicago) đến Phi trường Los Angeles hết 4 giờ 15 phút. Đến bến máy bay Quốc Tế ngồi chờ đợi mất 2 giờ. Máy bay cất cánh 11giờ 30 phút đêm, chở chúng tôi và hành khách chung chuyến bay trên dưới khoảng 500 người, một lèo bay đến Úc. Bay không ngừng nghỉ, không ghé bất cứ một nước thứ ba nơi nào mà cũng phải mất hết 15 giờ. Eo ơi! Thiệt là ê ẩm cả tứ chi cho bộ xương già của tôi!
            Đón chúng tôi tại phi trường Melbourne có vợ chồng anh Bùi Hữu Trạng, anh Huy, Anh Huỳnh Ngọc Minh (Dallas TX), Anh Dương Quốc Hồng (ba anh đồng môn, còn chị Bùi Hữu Trạng và anh Dương Quốc Hồng không phải đồng môn của tôi). Nhưng anh Hồng là bạn của chúng tôi từ mấy mươi năm trước.
             Sau khi nhận đồ gởi theo trong chuyến đi. Ra đến bãi đậu xe ở phi trường mới hơn 9 giờ sáng. Hàng quán chưa nơi nào mở cửa. Anh Hồng gọi điện thoại về nhà và đưa chúng tôi về thăm chị Hồng cùng các cháu.
             Anh chị Hồng đãi chúng tôi bữa ăn nhẹ điểm tâm. Sau đó chúng tôi từ giã anh chị Hồng về nhà anh Trạng để chuẩn bị cho buổi tiếp người phương xa do các anh chị đồng môn ở Melbourne đón tiếp anh Huỳnh Ngọc Minh và vợ chồng tôi ngay chiều tối hôm đó.
Anh Bùi Hữu Trạng trong ban tổ chức buổi tiếp tân đêm nay có nhã ý mời anh chị Hồng cùng các cháu đến tham dự. Vì anh Trạng biết anh chị Hồng là bạn lâu đời của chúng tôi.
            Khi bắt đầu khai mạc buổi tiếp tân thì anh Hồng điện thoại cho biết không đến được vì trời mưa và rất bận rộn thu xếp mọi thứ để sáng hôm sau sang du lịch ở Mỹ. Đã hơn ba mươi mấy năm gặp lại, anh Hồng chúng tôi chỉ gặp nhau khoảng 2 giờ đồng hồ thôi. Tôi cảm thấy buồn buồn vì không biết đến bao giờ chúng tôi mới gặp lại nữa? Và không ai có thể chắc chắn có còn gặp lại nữa không? Mọi sự việc trên thế gian nầy có thể thay đổi theo cái tích tắc của kim đồng hồ! Làm sao biết trước được chuyện của ngày mai! Vâng, không ai có thể ngờ và biết trước được!
           Đây là lần đầu tiên tôi gặp anh chị Bùi Hữu Trạng. Nhưng tôi cảm thấy quen quen nhứt là chị Trạng, như tôi đã gặp ở đâu tồi?
Tươi cười tôi hỏi chị Bùi Hữu Trạng:
          - Thấy chị Trạng quen mặt quá. Không biết chúng mình đã gặp ở đâu rồi phải không?
         Chị Trạng vui vẻ trả lời:
         - Mình tên là Ngọc Anh, mình thấy chị cũng quen lắm. Ngày xưa chị Diễm có học trường nữ Trung học Lê Ngọc Hân ở Mỹ Tho không vậy?
         Tôi cười vui:
          - Dạ không, tôi học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ...
Thế là trên đường đường đi, mấy ông thì nói chuyện với mấy ông, còn tôi và chị Ngọc Anh tía lia kể cho nhau nghe từ thời còn Trung học đến lập gia đình, rồi đi làm việc. Và cuộc sống hiện tại của hai gia đình chúng tôi ở hai xứ tạm dung…
Tôi nói tiếp:
- Mình học xong cấp 3 trường nữ Trung học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ. Rồi đi học y tá và khi ra trường về làm ở Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa Mỹ Tho. Còn chị thì sao chị Ngọc Anh?
Miệng chị Anh cười tươi tắn, để lộ hàm răng trắng đều, bảo:
            - Mình hả? Học Sư phạm Cần Thơ. Ra trường dạy học ở đó rồi có chồng, mọc gốc mọc rễ bên Cầ Thơ luôn. Làm việc ở Mỹ Tho, bồ ở đâu?
Chỉ chừng đó thôi, chúng tôi thấy như quen nhau từ lâu lắm rồi. Xưng hô với nhau loạn xạ lúc thì bồ, lúc thì mình, lúc bạn, lúc thì tui... Hai phương trời cách biệt nầy, nhưng có lẽ cùng hoàn cảnh, cùng tâm trạng, cùng nỗi buồn của người xa xứ. Chúng tôi lại cỡ tuổi nhau, học hành ngang nhau, cùng ở vùng Châu Thổ và nhứt là tấm chân tình của chị. Nên chúng tôi rất nhanh và dễ dàng hòa hợp ở mọi câu chuyện.
             Chị Ngọc Anh nước da ngâm ngâm, dáng dấp người mảnh mai, tóc dài, tánh tình hòa nhã, ăn nói nhỏ nhẹ, mềm mỏng, cười hi hí và hay nói tếu (tếu ngầm). Rất dễ thương. Còn tôi thì “mình hạc xương cối đạp” giọng nói rôn rổn, cười rang rảng… khi nào hợp ý thì tôi cười ha hả thả cửa, cười hết ga… Mà có lần ông thầy bói tướng mù ở góc phố, nghe tôi cười đã nói trước mặt ba má tôi rằng:
             - Giọng cười hào sảng nầy mà thanh niên nào có thì chắc chắn sẽ được quyền cao chức trọng hiển vinh một đời! Còn ở phụ nữ thì lỗi số! Cho nên phái nữ mà có giọng cười nầy thì không lết bằng mo, bò bằng mủng thì cũng nghèo xác nghèo sơ, nghèo không gạo nấu, nghèo không trấu mà ung...
Tôi tức lắm ứa gan,và nguýt xéo ông thầy bói. Ba tôi với ánh mắt nghiêm khắc nhìn con! Còn má tôi quét cặp mắt trách móc vì đã bao lần cảnh cáo cô con gái cưng của bà phải sửa lại tiếng nói, giọng cười cho mềm mỏng dễ thương… Nhưng tôi quên thì chẳng bao giờ nhớ, bởi "Cha mẹ sanh con, trời sanh tánh" tôi bèn bắt chước trổ giọng Trung mà than rằng: "Ui chao, tui phải làm răng bây chừ?" Nhưng tội nghiệp cho ông thầy bói nầy. Đã không tự bói cho mình, hôm nay chắc ông hết thời rồi, nên mới dám chê bổn cô nương thậm tệ như vậy!
Và từ đó về sau, ông thầy bói tướng mù ít khi đi qua con đường trước cửa nhà tôi. Bởi có một chiều đẹp nắng! Chị ba tôi và tôi lén ăn cắp cái mu rùa và manh đệm rách của ông ngồi coi bói, thảy xuống sông cho nước cuốn trôi đi!  Đã mấy mươi năm rồi, bây giờ chợt nhớ lại tôi bật cười thành tiếng, khiến chị Ngọc Anh ngạc nhiên nhìn tôi lấy làm lạ.
Tôi lờ đi, cười cởi mở trả lời chị:
            - Tôi ở chợ Thạnh Trị (chợ Lò Heo), đường Trần Quốc Tuấn. Còn Mỹ Tho chị ở đâu, đương nào vậy chị Ngọc Anh?
            Chị Ngọc anh mắt ngời sáng, tươi vui:
             - Mình ở trong cư xá nằm phía sau Ty Điền Địa. Chị có biết chỗ đó không? Ba mình là ông... làm trong Ty Điền Địa mấy chục năm lận.
             Tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng: gặp lại đồng hương, ở cùng phố:
              - A, vậy là mình biết ba của chị. Thỉnh thoảng bác có ghé qua khám bịnh. Thì ra mình là láng diềng với nhau. Nếu chị ở trong cư xá Ty Điền Địa đến chợ Thạnh Trị phải đi vòng ra cửa chánh thì đi bộ hơi xa. Nhưng nếu chị chun hàng rào đi tắt ra chợ thì rất gần. Nếu chun hang rào ra chợ thì bắt buộc chị phải đi ngang qua nhà mình vì chỉ có một con hẻm duy nhứt đó. Nhà mình cách cư xá chỉ có mấy căn nhà và cái hàng rào kẽm gai thôi.
            Chị Ngọc Anh vui vẻ, cười nói:
            - Đúng rồi, sáng sáng mình thường bưng rổ ra mua xôi mua bắp ở chợ cho mấy đứa em. Bữa nào trễ mình thường hay chun lổ chó rồi đi qua ngang nhà chị. Mình nhớ nhà ai trong xóm đó có nuôi mấy con chó hết sức dữ dằn. Mỗi lần đi qua nó chỉ sủa thôi mà mình vẫn sợ gần chết...
Về đến nhà chị Trạng, chúng tôi tắm rửa thay đồ cho tỉnh táo. Còn anh Trạng thì chạy đi chợ mua thịt thà để chị Ngọc Anh ra tay nấu nướng cho buổi cơm trưa khoản đãi cho anh Huỳnh Ngọc Minh và vợ chồng tôi.
             Thời gian xáo trộn, bên Úc đi trước Mỹ mười mấy giờ. Vùng tôi đang ở Chicago (Mỹ) chênh lệch giờ vùng anh chi Trạng ở Úc là 17 giờ. Mắt tôi thì mở thao láo nhưng trong óc cảm thấy cứng như cục đá, và lơ tơ mơ chẳng tỉnh táo chút nào cả.
Chị Ngọc Anh cười bảo chúng tôi:
           - Anh Minh, và anh chị Diễm hãy vào nằm nhắm mắt dưỡng thần đi. Đừng có ngại, chúng tôi biết đường sá xa xôi và giờ giấc chênh lệch quá. Quý vị rất mệt mõi, cứ nghỉ ngơi, chừng nào anh Trạng về, nấu nướng xong, chúng tôi sẽ gọi quý vị. Hãy tự nhiên, đừng ngại chi cả nghen.
           Chỉ chờ có thế, tôi chùi lên giường không biết trời trăng mây nước chi hết. Khi giật mình tôi nghe tiếng gáy khò khè của ông xã tôi. Rồi ông cũng trở mình thức giấc. Tôi chìm trong giấc ngủ say được hơn 2 giờ thôi, mà tỉnh táo chi "lọa!" Bởi giờ giấc không quen nên khó có được giấc ngủ dài.
          Ở nhà tắm bước ra, tôi thấy phu quân tôi áo quần tươm tất và ngồi trên ghế dựa ở phòng khách tự bao giờ. Ông nhìn tôi cười cười, và thuận tay chỉ:
           - Kìa, xem kìa, món ruột của em đó.
          Trên bàn một dĩa lớn đầy những miếng mảng cầu dai trắng ngần (mảng cầu dai ở đây trái to và dài như mảng cầu xiêm ở bên quê nhà) hột đen huyền chứng tỏ mảng cầu để già lắm hoặc chín cây mới hái. Chẳng e dè, tôi chộp ngay một miếng ăn liền. Ôi, mùi vị thơm tho ngọt ngào từ từ đi vào vị giác tôi. Rồi tôi lại ăn miếng thứ hai, miếng thứ ba, ăn không ngừng...
         Ông xã tôi khều nhẹ, nhắc nhỡ:
          - Còn phần anh Minh nữa đó.
         Tôi cười mỉm chi cọp chẳng nói gì. Anh Minh ở phòng bước ra, gọn ghẽ trong bộ đồ mới thay. Áo trắng tay ngắn, quần xanh dương sặm, chỉnh tề như thuở còn là nam sinh Phan Thanh Giản. Anh cười chào chúng tôi:
          - Chào anh chị Diễm, sao hai ông bà thức sớm vậy? Không ngủ thêm chút nữa?
        Ông xã tôi cười:
         - Chào anh Minh. Anh ngủ có ngon không? Chúng tôi chỉ thức sớm hơn anh một chút thôi.
          Tôi lớn tiếng mời:
         - Anh Minh ăn mảng cầu dai đi. Mảng cầu tươi và và ngọt lắm. Của chủ nhà đãi đó, chớ không phải của tui đâu nghen…
           Anh Minh vui vẻ:
       - Chị ăn đi. Ở đây trái cây ngon lắm, vì họ trồng trong nội địa. Năm nào tôi cũng qua Úc, vì dòng họ tôi sống rải rác một vài tiểu bang. Chị mà đến Sydney thì còn nhiều thứ trái cây ngon khác nữa.
            Tôi mở to mắt ngạc nhiên. Vì trong lòng tôi cứ tưởng các loại trái cây Á Châu từ Thái Lan, Tàu, hay các nước khác được nhập vào nước Úc. Tôi mở cờ trong bụng rồi nhoẻn miệng cười như hoa, mạnh miệng hỏi thêm lần nữa:
        - Anh Minh, bộ anh không ăn mảng cầu hả?
        Anh Minh cười:
        - Không, chị ăn đi…
         Tôi lật đật bưng dĩa mảng cầu lên, vừa cười vừa nói:
        - Vậy thì tui không khách sáo đâu đó nghen anh Minh.

          Ngoài hiên nhà tiếng chim kêu ríu rít. Lá xanh cành nặng hoa, nặng trái. Trên nền trời ngọc thạch rải rác từng cụm mây trắng mỏng thong dong từ tốn nhè nhẹ bay theo hướng gió. Vì Úc châu đã vào chánh mùa xuân.
Trong buổi ăn trưa của chúng tôi ngồi quanh bàn gồm có anh chị Trạng, hai cặp vợ chồng hai cô con gái cùng cậu con trai còn độc thân của anh chị, anh Minh và vợ chồng tôi. Trên bàn có nhiều món ăn do anh chị Bùi Hữu Trạng làm hỏa đầu quân.
Anh Trạng mời mọc:
       - Mời quý vị ăn thử món thịt con kangaroo. Đến Úc mà không ăn món nầy thì thật là thiếu xót, coi như chưa đến Úc. Hôm nay chúng tôi cố tình mua món nầy để đãi quý vị đó.
            Anh Minh cười khiêm nhường:
           - Cảm ơn chú thiếm Trạng nhiệt tình với chúng tôi quá. Mong có dịp được tiếp đón chú thiếm ở Mỹ. Nhất là ở Dallas vùng tôi đang cư ngụ.
            Ông xã tôi tiếp lời anh Minh:
           - Phải đó, anh chị sắp xếp Mỹ du một chuyến đi. Nếu đến vùng giá băng Chicago thì ở nhà chúng tôi. Để chúng tôi có dịp được tiếp đón anh chị.
            Chị Ngọc Anh và hai cô con gái để thịt kangaroo lên bếp điện nướng ngay trên bàn ăn. Thịt xèo xèo trên bếp nóng. Mùi thịt ướp gia vị tỏi, hành... bay lừng theo làn khói tỏa thơm phưng phức. Chị Trạng gắp miếng thịt vừa chín để vào dĩa tôi, mời:
            - Thử đi chị Diễm, xem vừa ăn không, nếu lạt thì có nước chấm đây.
Thịt bò, thịt heo, thịt dê, thịt thỏ... Nhiều thứ thịt đã được ăn qua, tôi chưa thấy thịt nào đậm đà, ngọt, mềm như thịt kangaroo. Cộng vào tài ướp thịt của chị Trạng nên món thịt nướng kangaroo quả thật là tuyệt quá đi! Tôi và chị Anh vừa ăn vừa nói về các món ăn khác với hai cô con gái và hai chàng rể trẻ của chị. Thỉnh thoảng chúng tôi nhắc về một vài địa danh ở quê nhà với bao niềm thân thương luyến nhớ…
          Còn mấy ông thì nhấp nháp đôi chai bia. Không ai uống thả ga vì còn phải để dành bụng chiều nay uống ở nhà hàng.
             Tôi đang ăn ngon trớn, không biết đã đến miếng thứ mấy thịt nướng của con kangaroo? Bỗng dưng tôi khựng lại, dội ngược bởi hình ảnh con kangaroo nhãy nhãy rồi dừng lại ngồi bên kia bờ suối. Trong túi trước bụng của nó có hai ba con nhỏ. Cả mẹ lẫn con mắt mở to ngơ ngác hiền lành nhìn tôi mà năm rồi tôi đã gặp trong lần viếng thăm vườn bách thú!

        Chiều hôm nay mưa rơi tầm tả! Ngồi trên xe nhìn mưa rơi qua làn kiếng trong, tôi nhớ đến năm Đệ nhị, nhớ con nhỏ bạn mắc toi Lê Thị Huỳnh Hương của tôi bị bồ lỡ hẹn vì trời mưa. Nhỏ chờ hoài mà chàng không đến, về khóc râm rức với tôi. Xúc cảnh sinh tình của bạn, tôi viết tặng nó bài thơ trong đó có mấy câu trên. Giờ đây, nơi phương trời xứ lạ, nơi tôi tạm cư và những nơi tôi đã được đi qua: Mỹ, Âu, Úc, Á... Tôi cố tình tìm kiếm người bạn đồng môn Đoàn Thị Điểm ngày xưa nhưng vẫn bóng chim tăm cá!

“...Chiều thứ bảy mưa rơi anh không đến,
Băng đá kia trơ trẻn đợi chờ ai?
Nơi công viên không buồn đó gót hài
Ai đưa về, ai vẫy tay lưu luyến?
………………………………..”

            Buổi tiếp đón đồng môn có mười bàn và mỗi bàn trên dưới khoảng mười người. Sau phần nói về ý nghĩa buổi họp mặt hôm nay là phần giới thiệu thầy cô, bạn đồng môn. Ở Mỹ qua. Đêm nay còn có anh chị Châu Minh Hoàng ở San Jose (miền Bác California ở Mỹ) anh Minh ở Texas và vợ chồng tôi, còn lại là thầy cô và các đồng môn ở địa phương.
Trong buổi dạ tiệc có phần văn nghệ bỏ túi. Tôi biết được ngoài công việc điều khiển chương trình khéo léo cho buổi tiếp tân đêm nay, anh Việt (em trai của anh Bùi Hữu Trạng) còn là người hát hay, đờn giỏi và nhứt là ngâm thơ tao đàn thật tuyệt!
        Phần văn nghệ vui nhộn và hấp dẫn vô cùng với những giọng hát hay không bằng hay hát của trai thanh gái tú của dâu, rể (già) cựu học sinh trường Trung học Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm ở miền Nam nước Việt năm xưa, đang lưu lạc tạm cư ở địa phương nầy.
        Dưới chân đồi nhìn lên, ngôi nhà ngói đỏ kiến trúc theo lối của người Á Đông.
Tôi hỏi chị Ngọc Anh:
        - Kiến trúc sư nước nào vẽ họa đồ cất ngôi nhà nầy vậy?
      - Mình không biết chính xác. Ngôi nhà nầy mình mua lại của một gia đình người Nhật.
         Tôi nói tiếp:
      - Mái nhà lợp bằng ngói âm dương màu đỏ. Cất theo triền đồi, cao, trung và thấp. Có sân trước, vườn sau... Ngôi nhà kiến trúc xinh xắn, đẹp, hợp với phong cảnh đồi cây xanh lá, suối nước róc rách. Ông bà thật khéo chọn vị trí khung cảnh ngôi nhà ở nơi rất thi vị nầy. Và chị Anh biết không? Sáng nay thức dậy vừa bước ra cửa, tôi bỗng nghe ai chào "hello! hello!...", tôi tưởng mấy người đi bộ ngang qua chào. Một hồi lại nghe nữa, thì ra hai con két của anh chị nuôi trong chuồng đặt bên hàng dậu gần cửa sổ.
        Sáng hôm đó, cháu Thiện, trưởng nam anh chị Trạng chở đến nhà anh chị Huy để rước hai ông bà cùng chuyến du ngoạn với anh chị Trạng, anh Minh và chúng tôi. Anh chị Trạng đã cụ bị những thức ăn, nước uống, những thứ cần thiết cho chuyến đi chơi này từ ngày hôm qua. Chị Huy cũng mang theo nào táo, cam, nho, bánh ngọt... Anh Trạng ngồi trước xem bản đồ để chỉ đường cho tài xế. Phu quân tôi và anh Minh thì ném mắt để đó như đang ngủ, nhưng chúng tôi nói chuyện gì hợp gu thì hai ông góp ý ngay.
         Anh Huy người cao lớn, ít nói, hay cười hì hì khi ai kể chuyện gì anh thích. Chị Điệp bà xã anh Huy người Bạc Liêu, xinh đẹp, vui vẻ, thật tình. Ba mụ đàn bà chúng tôi thì lúc nào cũng có chuyện để nói. Sau khi kể chuyện gia đình con cái học hành, thì đến những chuyện trên trời dưới đất hồi lúc còn đi học, rồi những chuyện mới xảy ra... Chúng tôi trào lòng theo từng câu chuyện vui buồn, tiếu lâm lẫn lộn.
Tôi bạo miệng hỏi:
       - Anh Huy à, anh ngày xưa ở Cần Thơ. Còn chị Điệp thì ở Bạc Liêu làm sao anh gặp mà cưới chị vậy?
         Nghe nhắc đến chuyện tình từ thuở đôi mươi của mình, anh Huy mừng quá tỉnh ngủ ngay:
        - Ngày xưa tôi đi lính ở Bạc Liêu.
        Chị Anh xen vào góp chuyện:
        - Như vậy chưa đủ, anh phải kể nguyên nhân nào và hoàn cảnh nào hai người quen nhau?
        Tôi cười phụ họa:
       - Đúng rồi đó, chị Điệp tài như vậy, đẹp như vậy, thì cớ làm sao? Tình tiết nào? Mà anh rù quến được người ta vậy "hè"?
          Chị Điệp là cô giáo dạy chữ Việt, người Tàu lai, chân thật, dễ thương. Chị cười ngất bảo:
         - Hai chị biết không? Ngày xưa tôi ghét ổng hết chỗ nói, ổng dê sao mà dê  đạo lộ, dê quá chời hà!
         Anh Minh (bạn học rất thân từ nhỏ với anh Huy) và ông xã tôi cười ngất, nói:
         - Chết mầy rồi Huy ơi, vậy mà thuở đó mầy giấu tao há...
        Anh Huy làm bộ không nghe, miệng cười chúm chím, mắt hướng ra cửa sổ xe nhìn trời hiu quạnh! Tôi và chị Anh cười ha hả, tấn công:
         - Sao chị Điệp, chị ghét cay ghét đắng ảnh mà sao lại ưng ảnh vậy?
         - Ờ, sao vậy chị Điệp?
         Chị Điệp cười vui:
         - Thì có gì đâu, ngày nào mình đi học ngang qua nhà ổng ở trọ thì ổng ra đứng ngó…
        Anh Huy lật đật xen vào:
          - Còn thiếu, đi theo sau lưng nữa! Mấy năm trời mới làm quen được với bả. Bả khó khăn vô cùng! Theo bả riết rồi bả chịu không nổi, bả bực mình bảo đừng theo bả nữa để bả theo tui để trả thù...
         Tôi và chị Anh cười muốn vỡ kiếng xe. Tôi chêm tiếp:
        - Nghe thiên hạ đồn rằng: Giờ ra ước ngoài, và dạo nầy anh Huy hay đi chùa lắm phải không?
        Anh Huy mở to mắt chưng hửng, hỏi:
         - Sao chị biết?
        - Nồi ơi, anh quên sao, ông xã tôi tên Biết, thì làm sao tôi không biết?
         Chị Ngọc Anh cười lớn rồi hỏi:
         - Anh vào chùa để tắm mát tâm linh phải không?
        Anh Huy nhướng nhướng mắt về phía vợ, cười mím chi cọp:
         - Tại bà Điệp nhà tôi hiền lành và tốt bụng quá, khi chết bả sẽ được lên sống ở đất Phật. Tôi bây giờ lo đi làm công quả cho chùa, tu tâm dưỡng tánh để sau nầy cũng được lên ở chung với bả.
         Ba mụ đàn bà chúng tôi ngồi băng trên, ba ông đàn ông ngồi băng dưới. Chị Điệp đưa tay quơ quơ xuống phía dưới, với đánh chống mình. Mắt chị trợn to và miệng chị vừa cười vừa nói lớn:
        - Không à! Không được à! Mấy chục năm nay đủ rồi, tôi không cho ông theo tôi nữa đâu nghe...
           Ai nấy cười no bụng. Chúng tôi quên mất thời gian đã đi bao lâu và bao xa rồi. Dọc theo đường chúng tôi đi rừng xanh thăm thẵm xe vẫn tiến đều trên con đường nhỏ đưa vào vùng quê thưa nhà, xa chợ… Càng đi xa, cảnh vật hai bên đường càng vắng vẻ, và cây cối càng sầm uất hơn.
Trong lòng áy náy lo sợ, tôi khều bà Anh kề tai nói nhỏ: "Sao đường vắng vẻ quá? Có đi lạc không?". Chị Anh mau miệng hỏi con:
        - Sao đi lâu quá rồi mà chưa tới vậy con? Bộ lạc rồi hả?
        Cháu Thiện trả lời:
         - Ba xem bảng đồ, ba bảo chạy đâu thì con chạy theo đó theo ý ba. Chỗ chúng ta đi thăm hôm nay, con chưa đến lần nào...
        Chị Anh lo ngại hỏi chồng:
       - Bộ lạc đường rồi sao mà đi hoài không tới vậy ông?
        Anh Trạng cười tồ tồ:
          - Lạc đâu mà lạc, phải nói là đi sai đường chớ đừng có nói đi lạc đường. "Đường nào cũng đến thành La Mã" sai đường thiệt, nhưng yên tâm đi, sắp tới rồi.
Chúng tôi dừng xe lại đi thăm mười hai ngọn núi mọc lên từ bãi biển, mà dân địa phương đặt tên là "Twelve Apostles" Người ta đồn rằng nơi đây rất linh thiêng, ai có lòng thành cầu gì sẽ được nấy...
          Chúng tôi được đưa đi thăm vài di tích lịch sữ khác. Khi về đến nhà anh chị Lâm Hữu Lộc đã hơn 9 giờ tối. Mâm bàn đã sẵn sàng chờ chúng tôi vào tiệc.
          Nơi đây tôi gặp anh chị Thể, anh chị Việt, anh Phúc... Đã rửa mặt mấy lần mà đầu óc tôi chìm trong giấc ngủ, trong khi hai con mắt vẫn mở trừng trừng. Ăn xong chén cháo bào ngư (nước Úc là nơi sản xuất bào ngư tươi ngon có tiếng), tôi như uống được thuốc khỏe. Cơn buồn ngủ biến mất, tươi tỉnh và bắt đầu góp chuyện với các chị chung bàn.
          Vừa ăn xong ở nhà anh chị Lộc thì chúng tôi sang nhà anh chị Đức gần 11 giờ khuya. Ôi, cơn ngủ lại quay quắc trở về với tôi. Ngồi nghe Karaoke trong giấc ngủ chập chờn. Anh Đức có giọng hát chẳng kém ca sĩ Duy Trác chút nào. Anh là người hát liên tục mấy bài trong đêm tiếp tân. Anh và các anh chị đồng môn khác cùng chúng tôi lên hát bản "Anh Đi Chiến Dịch" mà không ai thuộc lời ca. Đến gần 12 giờ hai vợ chồng Bác sĩ Dung đến thăm, sau khi phu quân BS Dung hát hai bài thì từ gĩa ra về vì bận việc nhà. Tôi giựt mình ngơ ngác khi tiếng vỗ tay rầm rộ và mọi người đang ôm bụng cười bò lăn sau khi chị Ngọc Anh đơn ca bản "Khi Rừng Chưa Thay Lá".
          Tôi khều chị Châu Minh Hoàng hỏi nhỏ:
           - Làm gì mà mấy anh chị cười vui quá vậy?
          Chị Châu Minh Hoàng hỏi lại:
          - Chị không nghe chị Ngọc Anh hát sao?
          - Không! Tôi ngủ nên có nghe gì đâu?!
          - Thế là chị mất dịp thưởng thức một bài hát hay.
           Trước khi rời nhà anh chị Đức, chúng tôi còn ăn mỗi người một tô cháo nấu với tôm mực tươi thật ấm lòng.
           Sáng hôm sau, anh Bùi Hữu Trạng chở chúng tôi đi thăm đại sư huynh Nguyễn Thành Các (sư huynh Thành Các là bào đệ của Nguyễn Thành Lễ, sơn mài Thành Lễ nổi tiêng của Việt Nam). Đại sư huynh Các lớn tuổi, nên tay chân hơi yếu nhưng mặt mày hồng hào, trí nhớ minh mẫn. Huynh nói với tôi: "Đặc san trường mình năm rồi ở Mỹ, Cảm ơn Diễm Buồn có nhã ý viết bài thơ tặng huynh".
          Ngoài việc gặp gở các đồng môn sống ở địa phương, chúng tôi đến thăm Nhạc sĩ Văn Giảng - Thông Đạt. Ông là tác giả những bài hùng ca được hát trong các quân trường miền Nam Việt Nam thời Cộng Hòa. Ông cũng là tác giả bản nhạc bất hủ "Ai Về Sông Tương" .Và tôi rất hân hạnh được ông phổ nhạc 24 bài thơ của mình.

         Chúng tôi đáp chuyến bay đêm đến Brisbane 11 giờ đêm. Tại phi trường có anh Thiệt và hai nàng Tiên là Thủy Tiên và Trúc Tiên (ái nữ anh Thiệt) ra đón đưa chúng tôi về nhà anh chị Hạnh (gia đình vợ chồng người em gái ruột của chị Ngọc Anh).
         Khoảng thời gian ở đây, chúng tôi được anh chị Hạnh tiếp đãi nồng hậu như người thân trong gia đình. Chị Hạnh đưa chúng tôi thăm vườn ổi, rẫy, vườn trồng rau cải và những loại trái cây khác. Trong dịp chị Hạnh đi mua hàng về bán. Bởi chị có mấy cửa hàng thực phẩm Việt Nam, bán cho đồng hương, Phi, Tàu, Đại Hàn...
         Chúng tôi đi chợ trái cây, thấy có chợ bán toàn là chuối già xanh vỏ. Mà dân địa phương nhất là những người da đen mua rất nhiều, chở cả xe như xe ba bánh. Tôi hơi lấy làm lạ? Chị Hạnh cho biết, có một số dân ngoài đảo ăn chuối như chúng ta ăn cơm.
        Lâu lắm rồi, từ rời quê hương đến nay, tôi chưa được ăn nhiều thứ rau, bánh, trái… chỉ ở quê nhà mới có. Bên vùng chúng tôi tạm cư Chicago thuộc tiểu bang Illinois (Mỹ) cũng chưa thấy bán, dù có cũng không được tươi ngon, mùi vị lại khác nhiều.
           Một hôm, tôi và chị Anh vào tiệm mua đồ. Mắt tôi sáng rỡ nhìn chầm chập dĩa bánh tráng ướt ngọt nhưn dừa đậu xanh có rắt muối mè bên ngoài. Tôi chợt cảm thấy lòng sủng buồn nhớ ngay đến bà ngoại đến má tôi. Vào những ngày cận Tết tráng bánh tráng, thế nào cũng có một thau dừa rám nạo và đậu xanh cà bỏ vỏ nấu chín để làm nhưn cho bánh tráng ngọt ướt. Trưa nắng mà ăn cái bánh ướt, uống nước trái dừa xiêm thì tuyệt vời, không mơ bánh Tây, bánh Mỹ, bánh Tàu… nào nữa cả!
          Chị Anh mua hai dĩa bánh tráng ướt. Bụng không đói nhưng tôi lại muốn mở ra ăn liền. Thuận tay, tôi chộp hai lon nước dừa sô-da trên kệ kế bên. Trả tiền xong tôi và chị Ngọc Anh tình tang ra xề ngồi nơi cột đèn vừa ăn, vừa nói cười vui vẻ mà quên thiên hạ sự! Chúng tôi chẳng buồn để ý chút nào đến cảnh vật chung quanh! Khi ăn xong, đứng dậy tôi mới phát hiện hai đứa đang ngồi giữa sân chợ. Bao quanh là hàng quán của người Việt… và người trong hàng quán đang đổ sô mắt nhìn về phía chúng tôi! Có lẽ họ vừa lấy làm lạ, vừa ngạc nhiên bởi hai mụ lạ mặt nầy tóc đã hoa râm mà ngồi dưới cột đèn ăn uống nói cười rổn rảng không ý tứ chi cả? Chúng tôi hơi ngượng, nhìn nhau cười cầu tài.
            Tôi nói:
            - Chị có thấy tụi mình kỳ quá không? Họ đang nhìn và cười đó.
           Chị Hạnh cũng cười:
             - Nhầm nhò gì, họ cười thì đưa mười cái răng.
           Tôi bật cười thành tiếng, cùng chị rời chỗ. Vừa đi tôi vừa bào chữa:
          - Mình không ở đây! Ngày mai chúng mình rời chốn nầy ai còn thấy bọn mình nữa đâu mà sợ đúng không! Chị có hai cô gái gả chồng rồi, mình có một đứa cũng gả xong, thì ngại chi ảnh hưởng của mẹ mà chúng ế chồng… chị Anh nhỉ?
          Chị Anh biểu đồng tình:
           - Chị hay lắm! Sự thật thì nó đúng như vậy!
         Hai đứa chúng tôi vui vẻ đi dưới nắng mai hồng, trong khung cảnh an bình tự do của bầu trời Úc Châu. Chúng tôi qua từng cửa hàng, từng chợ bán trái cây sầm uất của khu chợ đông người Á Đông nhứt là người Việ Nam.
          Chiều hôm đó, chúng tôi được chị Hạnh chở đến nhà bác Tám mua rau càng cua về trộn giấm để ăn với thịt bò. Mua bông điên điển, bông so đũa để mai nấu canh chua với cá duồng.
         Vợ chồng bác Tám vui vẻ tiếp đãi chúng tôi nơi bàn gỗ tạp ở hậu viện nhà, với ly sữa đậu nành ướp lạnh và dĩa khoai lang dương ngọc trồng ở vườn nhà. Bác gái là người đàn bà hoạt bát, lanh lợi.
Bác vui vẻ hỏi tôi:
           - Cô Diễm về Việt Nam mấy lần rồi?
         Tôi cười buồn trả lời:
         - Dạ thưa bác, cháu chưa về lần nào hết.
         Bác trố mắt nhìn tôi vừ ngạc nhiên sửng sốt! Tôi không thấy lạ cho lắm, vì cử chỉ nầy đây tôi đã gặp nhiều lần rồi. Đa số những người Việt trốn chạy khỏi nước để tị nạn Cộng Sản làm thân chùm gởi nơi xứ người bằng mọi hình thức... Nay họ trở về quê hương như một phong trào, như một cái "mốt thời đại". Họ lấy làm sung sướng, hãnh diện, tự hào và say sưa khi kể cho mọi người nghe khoản chi tiêu vung vít tiền bạc như bươm bướm bay của họ trong thời gian du lịch ở Việt Nam, như là đãi tiệc người thân, bạn bè, tặng quà, xây nhà, làm từ thiện, bao xe đi thăm thắng cảnh, đi phòng trà, vũ trường v.v.... Thậm chí có người còn mướn thâu phim đem về để có tiệc tùng trong nhà, hay khách đến thăm thì lấy ra chiếu lại cho mọi người cùng thưởng thức thời gian về thăm cố hương…
           Bác Tám qua giây phút vẫn còn ngạc nhiên, hỏi tôi:
           - Trời đất! Cô ở Mỹ bao lâu rồi mà chưa về lần nào hết vậy?
            - Dạ thưa bác, cháu ở Mỹ tròm trèm 24 năm.
           Vẫn với thái độ ngạc nhiên không ngờ, bác lại hỏi:
            - Tại sao cô không về? Việt Nam bây giờ họ làm cầu, cất nhà cửa, đẹp, và vui lắm cô ơi! Bộ cô không nhớ quê hương mình sao?
          Tôi hỏi lại bác:
          - Gia đình, dòng họ bác được bác giúp đỡ, cháu biết họ khá lắm phải không? Còn những người hàng xóm của bác, không có thân nhân ở nước ngoài thì thế nào, họ ra sao thưa bác?
        Bác chân thật trả lời, chẳng chút đắn đo:
         - Ờ, thì những gia đình nào có thân nhân là Việt kiều, được giúp đỡ thì sung sướng lắm rồi. Còn dân trong làng xã thì nghèo khổ lắm cô ơi! Tôi nghĩ ở Việt Nam mà không được Việt Kiều tiếp tay thì sẽ chết khô! Mấy thằng cha giặc đó nghen, chỉ giỏi tài ăn hối lộ và nói láo thôi cô à. Cô nên về một chuyến cho biết...
         Tôi cười lạt! Lòng thốn đau, vì trước ngày sang Úc, tôi được thư cô cháu gái có đoạn kể lại nỗi khốn khó tột cùng của những gia đình tôi được quen biết trong làng. Tôi cảm thấy ngậm ngùi nhớ về thuở ngày xưa, vùng quê Nam nổi tiếng nước ngọt cây lành, ruộng vườn, lúa thóc, cá tôm phong phú, dân sống an lành tươm tất. Đó cũng là nơi tôi chôn nhau cắt rún, và sống suốt thời tuổi thơ đề huề với gia đình vào hai thời Cộng Hòa… trước ngày giặc Cộng tràn vào cưỡng chiếm. Ngay sau khi miền Nam rơi vào tay giặc, chúng đã cày tan nát đất nước mến yêu cả rồi! Còn đâu thanh cảnh, an bình của ngày xưa nữa mà về? Có còn chăng chỉ trong hồi tưởng dấu yêu của người xa xứ mà thôi!           
Chúng tôi được chị Hạnh hướng dẫn đi tàu trên sông ngắm thành phố Brisbane. Chúng tôi đi dự tiệc nhà chị Thu gặp rất đông thầy cô và bạn bè từ các nơi trên nước Úc đổ về để dự đại hội đêm mai.
Chúng tôi đi thăm biển Queensland. Một vùng biển có khí hậu ôn hòa, thời tiết ấm mát quanh năm. Bờ biển Queensland của Úc Châu nổi tiếng đẹp nhất nhì thế giới. Nhìn ra biển nước trong, xanh biếc, sóng vỗ chập chùng từng đợt, từng đợt… nối tiếp nhau muôn đời không dứt... Tôi cảm thấy lòng mình nao nao và buồn da diết chợt đến đã đưa tôi về các vùng biển: Nha Trang, Vũng Tàu, biển Rạch Giá, Hà Tiên, Hòn Chông, Hòn Trẹm... của quê hương! Ôi, nhớ ơi là nhớ!
           Buổi đại hội cựu học sinh Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm Úc Châu năm 2003 được tổ chức trong nhà hàng khang trang thanh lịch. Có khoảng trên dưới 20 bàn. Ban tổ chức tháo vác nhiệt tình điều động buổi đại hội thành công mỹ mãn nhờ sự tiếp tay của con gái con rể và con trai con dâu của hai trường từ tiếp tân, ẩm thực đến văn nghệ.
            Nhứt là phần văn nghệ của đại hội năm nay đã tắm mát hồn tôi trong những bài ca quê hương qua những giọng ca trầm ấm của các anh các chị. Trong buổi đại hội nầy tôi quen được thêm các sư huynh, sư muội, sư đệ đồng môn nhỏ tuổi học trước và sau tôi. Quen được anh Phước, anh Trị, anh Quang, anh Huỳnh Anh, anh Quới, chị Châu, Sơn, Vân... Quen được các đại sư huynh Huỳnh Khương Lạc đã học xong và ra trường Phan Thanh Giản khi tôi chưa chào đời.
          Buổi tiệc tàn, chúng tôi bịn rịn chia tay như thuở nào trước sân trường Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm mà trong tôi còn bùi ngùi âm vang câu hát " Mỗi năm đến hè lòng mang mát buồn...90 ngày qua chứa chan tình thương..." Brisban đêm nay trăng không tròn, ánh trăng vẫn cao ngạo lộng lẫy trải dài trên cỏ cây hoa lá. Cơn gió đêm vùn vụt lồng lộng vào cửa sổ xe. Anh Trạng làm tài xế, phu quân tôi ngồi cạnh xem bản đồ để chỉ đường khi cần thiết. Nhưng ông xã tôi cứ chỉ lộn chiều hoài vì ở Úc cũng như nước Anh, Hồng Kông... tài xế lái xe bên đường trái. Anh Minh, chị Ngọc Anh và tôi yên lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ của mình.
           Bỗng chị Ngọc Anh hỏi tôi:
            - Bộ ngủ rồi hả bà Diễm?
           Tôi cười nhẹ trả lời chị và hát nho nhỏ vì lòng tôi hãy còn vương vướng nỗi buồn không tên:
         - Ngủ đâu mà ngủ! Chỉ nghe buồn vì ngày mai phải từ giã chốn nầy, giã từ các đồng môn và anh chị. "Mai anh đi rồi, làm sao tôi ngăn được, thà vui đi cho hết đêm nay...”
         Có lẽ vì sợ tôi buồn thêm, chị Ngọc Anh cười đánh trống lãng:
         - Mấy ông tổ chức hôm nay theo lẽ phải hỏi các phái đoàn ở xa tới có muốn trình diễn văn nghệ thì mời người ta lên. Như vậy mới vui, biết đâu những người nầy có những màn trình diễn vui tươi, trẻ trung để thay đổi bầu không khí? Chị thấy có đúng không?
             Tôi ngồi thẳng lưng lên, chồm tới trước, biểu đồng tình:
              - Ờ há, như vậy mới vui chớ. Rồi chị sẽ hát bài "Khi Rừng Chưa Thay Lá" cho cả hội trường cười no bụng chơi phải không? Mà chị Anh nè, bài đó hát sao? Tôi chưa được nghe. Tối hôm ở nhà anh chị Đức lúc chị hát thì tôi đang ngủ gục nên chẳng nghe gì ráo. Thức dậy là bị giật mình vì tiếng cười rộ và vổ tay của mọi người thôi.
              Chị Anh mau mắn, trả lời và cất giọng ngân nga trong trẻo hát theo điệu bài "Khi Rừng Chưa Thay Lá":
             - Vậy hả? Thì nghe đây: "Khi anh ra đi... rừng em chưa thay lá...Ngày anh về... rừng em lá sum sê... Và bây giờ... rừng em lá xác xơ..."
             Thật, khi tiếng hát chị vừa dứt thì một tay tôi bụm miệng, một tay tôi ôm bụng cười muốn nghẹt thở!
Bỗng anh Trạng cằn nhằn:
            - Thôi từ rày sắp tới bà đừng có hát bài nầy nữa đi. Bộ hết bài để bà hát rồi sao? Cứ đem bài đó ra hát hoài, nghe kỳ cục quá!
              Chị Ngọc Anh cười ngất tỉnh bơ, trả lời:
             - Xời ơi, tầm bậy không hà! Tại mấy ông mấy bà nghĩ sa đà rồi cười ầm ầm lên, chớ ai có hát gì bậy bạ đâu mà ông càm ràm. Chị thấy có phải không chị Diễm?
            Tôi gật gật đầu, cố đè nén cái miệng mình đừng phát ra tiếng cười, nhưng lòng vẫn còn sôi sụt!

            Thời gian như thoi đưa. Tôi trở về Mỹ với nếp sống thường nhật. "Mỗi ngày như mọi ngày" với ngần ấy sinh hoạt của kẻ tha phương. Nơi thừa vật chất, nhưng luôn có khoảng trống len lỏi nỗi ai oán nhớ thương héo hắt trong tâm hồn, từ ngày tôi đào thoát khỏi quê hương, đến sống trên mảnh đất tạm dung tự do nầy. Và từ đó mỗi lần bất chợt nhớ đến chuyến đi Châu Úc vừa qua. Mà những hình ảnh, những tình cảm ấm nồng thân thiết, chân thật đong đầy của thầy cô, của các bạn đồng môn... đã dành cho chúng tôi.
Tôi cũng không làm sao quên được bài "Khi Rừng Chưa Thay Lá" của chị Ngọc Anh (đổi lời) cất giọng hát vang vang, trong khoảng thơi gian chúng tôi viếng thăm nước Úc… Những lời hát đó, âm thanh đó, cảnh sắc đó… đã khiến tôi bậc cười thành tiếng khi nhớ đến dù trong lúc tâm tư tôi có muộn phiền.

Tệ xá Diễm Diễm Khánh An

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

No comments:

Post a Comment