Tuesday, March 15, 2022

NHÀ VĂN VĂN QUANG tức Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến Cục Tâm Lý Chiến, Đài Phát Thanh Quân Đội QLVNCH đã tạ thế.

  

TIN BUÒN 😔😓😪
            NHÀ VĂN VĂN QUANG ĐÃ TẠ THẾ
Nhận tin buồn, nhà văn Văn Quang - tác giả “ CHÂN TRỜI TÍM ”, đã tạ thế lúc 10 giờ 20 sáng, Thứ Ba 15 tháng 3 năm 2022, tại nhà riêng cư xá Nguyễn Thiện Thuật Quận 3 - Saigon. Hưởng thọ 90 tuổi.
Nhà văn Văn Quang tên thật là Nguyễn Quang Tuyến; sinh năm 1933 tại Thái Bình.
Hầu hết các tác phẩm của ông đều là những truyện dài đăng trên các nhật báo, tuần báo, nguyệt san xuất bản tại Sài Gòn vào những năm 1954-1975, khoảng trên dưới 50 cuốn, sau đó có 28 cuốn đã được xuất bản thành sách.

Từ năm 1969 đến năm 1975 ông phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến và Đài Phát Thanh Quân Đội.

Tác phẩm đầu tay của ông là truyện dài "Tiếng Tơ Lòng" đăng trên nhật báo Thân Dân Hà Nội vào những tháng cuối năm 1953 và đầu 1954.
Tập truyện ngắn "Thùy Dương Trang" của ông do Lạc Việt xuất bản vào năm 1957.
Văn Quang cộng tác thường xuyên với hầu hết các nhật báo và tuần báo tại Sài Gòn như Ngôn Luận, Chính Luận, Tiếng Chuông, Tin Sớm, Tiếng Vang và các tuần báo Kịch Ảnh, Truyện Phim, Điện Ảnh, Văn Nghệ Tiền Phong, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tiểu Thuyết Tuần San ...

Trong số những tiểu thuyết của Văn Quang, có bốn tác phẩm được thâu thành phim.
  - 1/ CHÂN TRỜI TÍM được Quốc Phong chủ hãng Liên Ảnh chọn quay. Nghệ sĩ Hùng Cường và Kim Vui thủ diễn hai vai chính trong phim với bản nhạc "Nửa hồn thương đau" của Phạm Đình Chương do Thái Thanh hát. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã lấy nguồn cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết này để sáng tác nhạc phẩm Chân Trời Tím cùng tên.
     - 2/ NGÀN NĂM MÂY BAY thì do Thái Lai phim thực hiện với Hoàng Anh Tuấn làm đạo diễn và sĩ quan quân đội Phạm Huấn thủ diễn.
   - 3/ Phim thứ ba là ĐỜI CHƯA TRANG ĐIỂM
     - 4/ Cuối cùng là phim TIẾNG HÁT HỌC TRÒ do Thái Thúc Nha của hãng Alpha thực hiện, Thanh Lan diễn vai chính.
Sau năm 1975 ông bị bắt giam hơn 12 năm tù "cải tạo" trước khi được thả. Tuy không cầm bút như trước năm 1975 ông tiếp tục sáng tác với loạt phóng sự "Lẩm cẩm Sài Gòn Thiên hạ Sự" và "Lên đời" được phát hành trên báo chí và radio tiếng Việt ở hải ngoại.
Năm 2009 ông được tạp chí Khởi Hành ở California trao tặng "Giải Văn chương Toàn Sự nghiệp Khởi Hành 2009"
(Cấp bậc sau cùng là Trung Tá QL/VNCH)
 

SÀI GÒN, NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ
* Bút Ký Văn Quang
* Tủ Sách Tiếng Quê Hương xuất bản (Virginia, Hoa Kỳ, 2020)

VĂN QUANG – VIẾT VÀ SỐNG
* Tủ Sách Tiếng Quê Hương

Tác phẩm Sài Gòn, Người Muôn Năm Cũ tập hợp một số bài trong hơn 500 bài mà tác giả đặt tựa chung là Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự viết từ năm 2000 đến năm 2016. Hết thẩy các bài này đều được báo chí Việt ngữ hải ngoại từ Canada, Úc, Hoa Kỳ… phổ biến, trong khi tác giả sống tại Việt Nam. Chính vì thế, tháng 6-2009, Văn Quang đã bị công an Sài Gòn đến nhà lục soát, cắt điện thoại, cắt internet, tịch thu computer… và trải nhiều ngày liên tục bị đòi đến trụ sở công an để thẩm vấn, chính xác là để tra khảo và đe dọa về việc chưa rời cây bút.

Tuy vậy, Văn Quang vẫn sống với cây bút, bất kể mọi tai họa có thể xảy ra như chính anh đã xác nhận khi trả lời cuộc phỏng vấn của trang Web Gió-O: “Tôi sống như vậy đấy. Chẳng có gì phải che giấu, chẳng có gì phải khiếp sợ. Còn gì nữa đâu mà khiếp sợ và tôi không làm điều gì xấu Cái gì có thật thì tôi viết Quyền phê phán là của người dân. Quyền bất bình cũng là của người dân về những điều có thật, đã và đang xảy ra

Trong bài trả lời phỏng vấn trên, Văn Quang còn nêu rõ các bài viết của mình chỉ là những đường nét giúp hình thành “một bức tranh toàn cảnh của xã hội tôi đang sống. Nó phản ảnh trung thực mọi vấn đề ở bề mặt đời sống người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội. Từ một anh nông dân “lừa được cả nước” đến một đại gia lương thiện và bất lương, từ lớp thanh niên bình dân đến các quan chức, từ cô gái tỉnh lẻ đến cô gái chân dài thành thị. Từ nỗi đau thương cơ cực của “những người bị bỏ quên” như anh em thương phế binh VNCH đến cảnh trác táng cùng cực, hoang phí vô cùng của lớp người ăn trên ngồi trước Cái khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, những điều phi lý bất công, những điều cần nói mà người dân không nói được

Tất nhiên Văn Quang đã rõ hơn ai hết về mức hạn chế nghiệt ngã trong hoàn cảnh của mình, nhưng khẳng định: “Tôi làm cái gì mà luật không cho phép cũng không cấm. Tôi làm với lương tâm một người cầm bút. Dù ở đây chẳng ai công nhận, tôi vẫn là người cầm bút. Người làm báo có thẻ làm báo, nhưng tôi chẳng có gì ngoài những tìm tòi của mình, tự mình lựa chọn thông tin. Còn những “rủi ro” bao giờ tới và tới lúc nào, đành chấp nhận như một số phận an bài.

Để giúp bạn nhìn rõ hơn về cảnh sống và cách viết của những người cầm bút cùng cảnh ngộ với Văn Quang, xin được trích dẫn một bài của Văn Quang trả lời 3 câu hỏi do một ký giả nêu trên tuần báo Khởi Hành ở Hoa Kỳ. Ba câu hỏi như sau:

Câu 1: Anh viết như thế nào? Anh là một trong những tác giả nổi tiếng viết feuilleton. Anh thấy cách viết ấy tiện hay không tiện cho anh?

Câu 2: Là nhà văn rất nhiều kinh nghiệm và viết rất nhiều, dường như không bao giờ ngưng nghỉ, anh nghĩ thế nào về nhà văn “dài hơi” và người viết “ngắn hơi?”  Bí quyết viết truyện dài của anh là gì?

Câu 3: Anh có bao giờ “bí” đề tài khi viết không?

Dưới đây là bài trả lời của Văn Quang đăng trên báo Văn Nghệ tại Úc ngày 8-5-2005.

Cảm ơn bạn đã cho rằng tôi là một trong những tác giả nổi tiếng về viết feuilleton. Tôi chỉ biết tôi là người viết rất nhiều feuilleton cho các tuần báo và nhật báo trước năm 1975 cũng như bây giờ.

Trước đây, có thời gian tôi đã viết trung bình một ngày ba truyện dài hoặc phóng sự tiểu thuyết cho các nhật báo và tuần báo xuất bản tại Sài Gòn. Cách viết đó thích hợp với lối sống và công việc của tôi vào thời gian đó. Vừa đi làm ở tòa báo quân đội, vừa viết cho các báo, vừa để thì giờ… đi chơi, đi đánh bài với bạn bè. Ðó cũng là sự thích thú của tôi và nó cũng mang lại nhiều cảm hứng, cho tôi nhiều nhận xét về con người và sự việc. Nó cũng có lợi cho những đoạn đối thoại của tiểu thuyết nhất là phóng sự sống động hơn, thật hơn, có tính thời đại hơn. Nếu không “đi giang hồ vặt” như thế chắc khó mà kiếm được những hình ảnh, những ngôn ngữ, những nhân vật trung thực của thời đại mình đang sống. Tôi nói thế không phải để “làm cái cớ đính chính” cho sự “giang hồ” của mình.

Thật ra, sự ham muốn “trần tục” bao giờ cũng đến trước rồi sau đó mới thấy nó “nhảy vào” tác phẩm của mình. Nó nhảy vào như thế nào chính tôi cũng chẳng để ý, nhưng khi viết, tôi thấy tự tin hơn vì đã nhìn đúng sự việc. Nhờ đó, tôi viết rất nhanh mà đôi khi không cần đọc lại. Và cũng vì viết nhanh nên khi truyện đã in rồi mới thấy có những khiếm khuyết. Lúc đó chỉ còn cách “cứ để đó rồi khi nào xuất bản thì sửa sau”. Nhưng có khi ông chủ nhà xuất bản cứ đánh máy từ báo đã in rồi cho xuất bản. Ðó là cái lỗi “làm ẩu” của tôi, không thể đổ cho ai được. Hồi đó dường như tất cả những bạn viết feuilleton cũng đều viết như thế. Thanh Nam vừa rung đùi vừa viết feuilleton ngay tại nơi làm việc, tôi vừa giải quyết công việc của phòng báo chí quân đội vừa viết, đôi khi người của tòa báo ngồi chờ sẵn lấy bài mang về cho kịp giờ mang đi kiểm duyệt. Ngọc Linh, Sỹ Trung hay ngồi ở quán ăn có máy lạnh viết vào buổi trưa

Nói tóm lại, viết như thế rất tiện và mỗi ngày lại có thể có thêm được những ý mới hay hơn những gì mình đã suy nghĩ trước đó. Mỗi feuilleton để lại một đoạn để kỳ sau viết tiếp. Và như thế không thể “lộn” truyện này với truyện khác. Hơn thế mỗi feuilleton tôi đều nhắm vào một chủ đề, và đây cũng chính là lý do tại sao tôi có thể viết liên miên mà thường không “bí” đề tài

Sau này, tức là sau 1975, và sau hơn 12 năm nằm trong trại gọi là “trại cải tạo”, về đến Sài Gòn năm 1987, tôi lại không thể viết như thế được nữa. Có một thời đói rách, các nhà xuất bản gặp thời “mở cửa” được phép xuất bản những cuốn tiểu thuyết tình cảm. Ðây là nhu cầu của người dân sau hơn một thập kỷ đọc toàn những truyện “khô như ngói”, nhân vật cứ như “thép trên lò”, người ta ngán quá rồi nên tìm đọc những cuốn sách “tình cảm đúng nghĩa” không phải là sách tuyên truyền, không phải là những nhân vật anh hùng cứng nhắc.

Các nhà cho thuê truyện mọc lên như nấm.

Các nhà xuất bản theo trào lưu này đã đi tìm những cuốn tiểu thuyết giống như những cuốn của Sài Gòn trước năm 1975. Mỗi cuốn như thế đòi hỏi phải được kiểm duyệt toàn bộ gọi là biên tập và anh xuất bản tư nhân đi đặt hàng rồi “liên kết” với một nhà xuất bản của nhà nước để phát hành.

Họ đã tìm đến tôi và tôi chỉ viết sách tình cảm “vô thưởng vô phạt” giao cho nhà xuất bản muốn ký tên ai đó thì ký. Vì thế sách phải viết xong toàn bộ rồi mới xuất bản được. Không có cách gì sống thì phải viết, nhưng dù sao “giấy rách cũng phải giữ lấy lề” nên những cuốn sách đó đã xuất bản ở Sài Gòn vào những năm 1989-1993, khoảng mười cuốn, sau này tôi bán bản quyền cho một số nhật báo ở Mỹ in lại và ký tên mình như Soi Bóng Cuộc Tình, Suối Đam Mê, Tình Khúc Màu Tím, Sau Ánh Đèn Thành Phố

Riêng trường hợp cuốn Ngã Tư Hoàng Hôn thì tôi cho đó là một tác phẩm viết cho mình, cho những gì tôi đã sống hơn 10 năm qua, cho thời đại mà tôi đang sống 1990 nên cứ viết rồi để đó. Dĩ nhiên tôi không có hy vọng gì xuất bản ở Sài Gòn được. Mãi tới khi một người bạn ở Mỹ về chơi, đọc truyện đó rồi thu vào đĩa mềm mang đi hồi đó ở Việt Nam chưa có internet như bây giờ. Vài tháng sau, một nhật báo ở Mỹ đăng truyện này rồi Tủ Sách Tiếng Quê Hương cho xuất bản. Tức là hơn mười năm sau cuốn truyện đó mới được ra mắt ở Mỹ. Ðó là hai cách viết feuilleton của tôi, tùy theo tình hình” mà thay đổi. Tất nhiên một cuốn sách được viết xong rồi mới cho in bao giờ cũng cẩn thận hơn là viết từng ngày. Mạch văn trôi chảy và đồng nhất hơn. Nếu có thể có một ý kiến nào với các bạn viết feuilleton dù “đắt khách” đến đâu thì tôi cũng đề nghị nên viết xong rồi mới cho trình làng bất kể trên báo chí hay xuất bản.

Bây giờ tôi cố gắng viết theo lối đó.

Sau phóng sự tiểu thuyết Lên Ðời, tôi tính viết một truyện dài hoặc một phóng sự mới mà chỉ vì cần phải viết xong toàn bộ nên mấy tháng rồi cứ hẹn lần hẹn lữa với mình mà đến nay vẫn chưa viết được chữ nào. Ðó cũng là “cái dở” của việc phải hoàn thành xong rồi mới trình làng. Nếu cứ tiếp tục viết feuilleton hàng ngày hay hàng tuần thì đến ngày, đến giờ là buộc phải viết nên dù lười, dù bận cách mấy cũng phải ngồi vào bàn viết. Ðó cũng là một “ưu điểm” cho anh lười. Và theo tôi, anh nhà văn nào chẳng lười, viết nhiều quá thì phải ớn chứ. Chỉ khi “vào cuộc” rồi mới cắm đầu cắm cổ viết, chẳng biết đến chuyện gì khác.

Ðể trả lời câu hỏi thứ hai: Anh có ý kiến gì về việc người viết “dài hơi” và người viết “ngắn hơi” không?

Tôi nghĩ người viết dài hơi là người viết không bí đề tài, người viết ngắn hơi thường chỉ viết một hai cuốn rồi tắc, hoặc viết không hay nữa. Chắc bạn đã nhận thấy sự kiện đó trong những người viết văn? Như câu trên tôi đã trả lời, tôi không bao giờ bí đề tài, nhờ quan niệm viết của tôi ngay từ đầu.

Trước hết và trên hết là tôi chọn đề tài trong cuộc sống trước mặt. Cái gì là điều đáng nói nhất trong lúc này? Xã hội chúng ta đang sống có những vấn đề gì gai góc cho con người bất kể lớp tuổi nào?

Tôi chọn đề tài của tuổi trẻ. Tuổi trẻ cũng chia ra làm nhiều lớp, trí thức, quân nhân, người lao động kẻ chân thật, người lừa đảo kẻ giàu, người nghèo Không thể viết hết cùng một lúc và cũng không thể hiểu hết mọi con người cùng một lúc. Vì vậy, tôi chọn những người mà tôi gần gụi nhất, vấn đề của họ là gì?

Thời cuộc hay mưu sinh? Tâm tình hay lý tưởng?

Sự bế tắc và lối thoát? Bế tắc cái gì?

Lối thoát họ đi tìm có tới hay không?

Ðó là tất cả những thứ có thể viết được.

Ngay trong tập truyện ngắn đầu tay xuất bản vào năm 1957, qua truyện ngắn tiêu biểu là Thùy Dương Trang, tôi đã đặt vấn đề rất rõ ràng: Người thanh niên ở thành phố lúc đó sống dưới sự cai trị của quân đội Pháp. Anh ta từ hậu phương tức vùng Việt Minh chiếm đóng về, đứng giữa ngã ba đường, chẳng biết mình phải chọn lựa như thế nào. Ðành buông trôi cho “số phận”. Và quả nhiên số phận đã khiến anh ta thành người yêu nước hay người phản quốc chính anh ta cũng chẳng chọn lựa được.

Cho đến khi vào quân đội, tôi chọn đề tài người thanh niên và quân ngũ. Những năm 1956-1957 rất ít người viết về đời sống quân ngũ bởi quan niệm “người lính” thì thời nào cũng thế. Nhưng tôi đã nhìn nó theo cuộc sống thật của tôi.

Người lính không chỉ có thế và sau này người ta phong tặng cho là “chiến sĩ” hay “anh hùng” cũng chẳng phải chỉ có lý tưởng mà còn do con người của chính anh ta. Tình cảm và cuộc đời chiến đấu “sống chung hòa bình” như thế nào?

Ðến ngay sự hy sinh cao quý nhất là cái chết cũng khó lý giải “vì cái gì?”

Nói như người ta thường nói là “vì tổ quốc vì đồng bào” thì giản dị và dễ dàng quá.

Giải thích như thế, tôi cho là chưa đủ. Còn những thứ khác nữa, như tình đồng đội, cuộc sống đơn vị, danh dự gia đình và của cả những người yêu thương mình trong Chân Trời Tím.

Hoặc nói đến sự hy sinh của người lính thì không phải chỉ có ở chiến trường mà còn có nhiều thứ phải hy sinh nữa. Ngay khi họ đã rời khỏi quân ngũ, sự hy sinh đó vẫn còn. Trong Ðời Chưa Trang Điểm, người lính sau khi bị thương trở lại với cuộc sống đời thường, anh ta đã phải hy sinh cả người yêu của mình, vì không còn đủ năng lực mang lại hạnh phúc cho người yêu nữa Rồi cứ thế, đôi khi tôi thấy nói về người lính và cuộc đời quân ngũ vẫn cứ chưa đủ nên một đề tài có khi bám theo cả ở những cuốn truyện sau này. Ðiều đó làm cho người viết bứt rứt không yên.

Ðó là một loại đề tài về quân đội.

Còn những đề tài xã hội, đời sống của sinh viên học sinh với sự du nhập những lối sống mới, quan niệm giữa phương Ðông và phương Tây, những mâu thuẫn chồng chéo, học để làm gì, phục vụ cho ai, sự mâu thuẫn giữa quyền lợi cá nhân và cộng đồng

Cho đến thời đại bây giờ cuộc sống ở Việt Nam có những thay đổi gì? Lớp trưởng giả được sinh ra như thế nào? Con người thôn quê và thành thị chuyển biến ra sao? Có hàng trăm ngàn sự việc theo thời gian, theo dòng thời sự, theo cách sống “hiện đại”, nhất là những mâu thuẫn trong con người, nói và làm là một hay là hai thứ khác nhau. Sự phá sản trong tâm hồn và trong đời thường diễn ra dưới những hình thái nào?

Chọn đề tài như thế, chẳng bao giờ viết hết và lúc nào cũng sẵn sàng cho bạn viết. Vấn đề là viết như thế nào thôi. Viết cho đúng, cho thật, đừng bóp méo hay vo tròn nó. Viết để người đọc hiểu được mình muốn cái gì không phải là dễ.

Trong một truyện dài, dù là tiểu thuyết hay phóng sự tiểu thuyết, tôi không bao giờ muốn cho nhân vật của mình, dù là nhân vật chính được coi là “gương mẫu” trong một đề tài trở thành “một ông thánh”, cái gì cũng hay, cái gì cũng tốt. Như thế nó là robot mất. Tôi cho là con người thường có khiếm khuyết nên cứ nói toạc ra, đừng yêu nhân vật của mình quá mà biến con người thành gỗ đá.

Sau khi đã có đề tài thì lúc đó mới là lúc bố cục thế nào để có thể dễ diễn tả hết ý mình và một feuilleton thì đừng quên yếu tố hấp dẫn. Nghệ thuật viết chính là ở lúc viết, lúc diễn tả, chứ không hoàn toàn được quyết định bởi đề tài hay nội dung cốt truyện. Lúc ngòi bút chạy trên trang giấy bây giờ là trên computer mới chính là lúc cần tới sức sáng tạo nhiều hơn cả và lúc đó mới chính là lúc “cái gì là tinh túy” của bạn mới xuất hiện, có khi bạn viết không kịp.

Nói thế không có nghĩa là tôi không có lúc “bí”.

Ðiều dễ gặp nhất ở lúc diễn tả một sự việc, tìm câu tìm chữ nào cho đúng “phân lượng”. Cái đẹp thế nào là đúng với nhân vật mình diễn tả, nỗi buồn nào đúng với hoàn cảnh lúc đó

Ðiều bí thứ hai là làm thế nào cho mọi sự việc xảy ra hợp tình hợp lý, không “gượng ép”, không vô lý. Một thay đổi tâm lý phải dựa trên những nguyên nhân vững chắc. Một lời đối thoại phải hợp tình, hợp cảnh, làm cho người đọc thích thú không rơi vào sự tầm thường. Ðấy là nghệ thuật diễn tả và cũng là nét riêng của từng nhà văn, không ai giống ai cả. Còn điều cấm kỵ của tôi là không “làm dáng” trong văn chương, không khoe mẽ hiểu biết của mình, nói cả những gì không cần nói trong đoạn đó, nó thừa như cái khăn quàng bằng gấm trong khí hậu nóng bức của Sài Gòn vậy. Hãy để vào một dịp khác.

Còn người viết “ngắn hơi” thì tôi nghĩ họ đã tìm cách “kể một câu chuyện dài hay ngắn” chứ không dựa trên một đề tài nào cả. Dĩ nhiên không ai cấm nếu anh viết hay dù bất cứ là viết cái gì. Nhưng nếu không có đề tài thì dễ rơi vào tình trạng viết một vài truyện rồi chẳng biết viết cái gì nữa hoặc cố mà nghĩ ra để viết cho có thì không thể hay được và tự mình sẽ thấy chán, không viết được nữa.

Tôi vẫn cho rằng khi theo đuổi một số đề tài nó sẽ là chất liệu không bao giờ cạn cho niềm đam mê của mình. Theo đuổi một đề tài tức là đã có một lý tưởng để đi tới, một cái đích phải vượt qua. Từng cái đích một sẽ cho người viết phải viết hoài viết mãi. Ðây là cách suy nghĩ của tôi về người viết feuilleton, có thể có rất nhiều cách khác của những nhà văn khác không giống tôi.

Ðiều tiên quyết là sự thành thật với chính mình, sự truyền cảm với độc giả, có thể người viết chưa nhận ra ngay lúc viết, nhưng với kinh nghiệm của tôi thì chỉ sự thành thật mới có sức truyền cảm và đồng cảm mạnh mẽ nhất mà thôi.

Cuối cùng điều tôi muốn nói là bạn viết bất cứ cái gì cũng được, khi độc giả đọc xong truyện hoặc bài của bạn, một độc giả vui tính có thể gọi bạn bằng “thằng”, nhưng người ta sẽ tủm tỉm cười mà phán rằng: “Thằng cha này viết được lắm” hay ít ra thì cũng là “viết đúng lắm”. Ðừng để độc giả long trọng gọi bạn là “ông” nhưng lại phán rằng: “Ông này viết lách chẳng đâu vào đâu”.

Ði tìm một sự cảm thông giữa người viết và người đọc không dễ dàng chút nào, cho nên “viết và lách” cũng chẳng bao giờ là chuyện dễ dàng.

oOo

Qua những dòng tâm sự trên, Văn Quang đã biểu lộ ít nhất 2 đặc trưng nơi mọi tác phẩm hoặc bài viết. Đó là nguồn đề tài luôn gắn kết với các diễn hóa cuộc sống xã hội trước mắt người viết và sự tuyệt đối trung thực của người viết khi phản ảnh mọi diễn hóa đó.

Sài Gòn, Người Muôn Năm Cũ hầu hết là những trang ghi cảm xúc của tác giả vào giây phút nhận tin giã từ cuộc sống của những người từng một thời gắn bó, chia xẻ ngọt bùi, hay oan khiên cay đắng…

Giữa tâm cảnh đơn côi lạc lõng khi đối diện từng giờ với các nẻo đường quê hương từng gần gụi đang trở nên xa lạ lạnh lùng thì các tin trên chỉ dẫn đến nỗi u uất về thân phận lưu đày, cách biệt với khung cảnh thân yêu xưa cũ đã hoàn toàn vắng bóng.

Rõ ràng đó là nỗi lòng người viết, nhưng cũng rõ ràng không chỉ là nỗi lòng riêng của Văn Quang, bởi mọi người viết chẳng bao giờ chối bỏ nổi vị thế một phần tử nhỏ bé trong cái quần thể mang chung huyết mạch cùng chia xẻ mọi niềm vui nên cũng cùng phải gánh chung mọi khổ nạn gian truân, uất ức.

Nói cách khác, đây chính là nỗi lòng của mọi con dân Việt Nam trong giai đoạn lịch sử khởi đầu từ giữa thế kỷ 20 và còn đang tiếp nối hiện nay. Tất nhiên, nỗi lòng này cũng không chỉ gói tròn trong cảm xúc dấy lên trước tin về những hình bóng thân yêu từng gắn bó bao ngày đã vĩnh viễn lìa xa. Trên thực tế, đây chỉ là một khía cạnh bên nhiều khía cạnh khác mà Văn Quang đã gợi nhắc qua diễn tả mọi bài viết chỉ nhắm giúp “hình thành bức tranh toàn cảnh về xã hội tôi đang sống phản ảnh trung thực mọi mặt đời sống của người dân thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội Từ nỗi đau cơ cực của “những người bị bỏ quên” như anh em thương phế binh VNCH đến cảnh trác táng cùng cực, hoang phí vô cùng của lớp người ăn trên ngồi trước

Tiếp tay bảo trì và phổ biến các bức tranh đó đã trở thành phận sự hiển nhiên của hết thẩy nạn nhân trong giai đoạn lịch sử tàn khốc này. Vì đó chính là việc cần làm để chỉ rõ các mưu toan xảo trá đổi trắng thay đen do một bạo quyền đang tìm cách che đậy tội ác và lường gạt mọi người. Đó là một phận sự đè nặng trên vai mọi con dân Việt Nam hiện nay.

Hy vọng là chúng tôi sẽ tiếp tục được cùng các bạn góp phần phổ biến những bức tranh đó từ mọi người viết còn giữ vẹn lương tâm người cầm bút để chuyển lại mai sau các chứng tích vô cùng cần thiết phản ảnh chính xác giai đoạn lịch sử mà nhiều thế hệ đã và đang còn phải gánh chịu trong cảnh sống đẫm nước mắt và máu.

Tủ Sách Tiếng Quê Hương

SÀI GÒN, NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ

CHƯƠNG 1
LÊ XUYÊN, NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI

Gần 10 giờ đêm 2-3-2004, chị Lê Xuyên điện thoại cho tôi thông báo tin anh vừa mất lúc 9 giờ 20, tức là cách đó nửa giờ. Lời chị kèm theo rất chân tình:

– Tôi gọi cho anh trước khi gọi cho nhà đòn.

Tôi hiểu ý chị và phải nói hiểu từ lâu mới đúng. Gia đình anh chị trong hoàn cảnh sinh sống rất khó khăn chật vật, vì thế nên tôi đã dặn trước: nếu có chuyện gì cần chị cứ gọi cho tôi. Tôi không tin vào tôi mà tin vào tình yêu thương của bạn bè từ khắp nơi luôn sẵn sàng giúp đỡ Lê Xuyên nên hứa ngay: “Chị cứ lo mọi việc cho tang lễ của anh, còn chuyện khác để anh em chúng tôi lo”. Chị vui vẻ:

– Nếu thế tôi an tâm rồi.

 

Buông điện thoại, tôi hoàn toàn không ngạc nhiên trước cái tin buồn này. Từ hai năm nay, Lê Xuyên nằm một chỗ, có thể nói thẳng là nằm đó chờ ngày “về với ông bà”. Một năm trước đây thôi, anh phải vào bệnh viện, chị cũng gọi cho tôi rồi đến nhà mang theo cả giấy “nhập viện” và số tiền phải trả. Tôi cũng lại làm cái nhiệm vụ thông báo cho một số anh em ở nước ngoài để kiếm tiền trả bệnh viện. Không phải chỉ có riêng chúng tôi mà còn những người quen khác của anh, những người bạn đồng hương, những người học cùng trường cùng lớp, có cả những người không hề quen biết cũng xúm nhau vào chung lo. Hầu như ai cũng hiểu rằng ngày “ra đi” của anh không xa. Nhưng may mắn, anh vẫn còn qua được vài mùa xuân. Những lần sau này tôi đến thăm anh, anh nằm đó nhưng tỉnh táo, không nói chuyện được song hỏi nhiều điều, anh vẫn nhớ, vẫn hiểu. Khi anh gật đầu, thỉnh thoảng có được một nụ cười, đôi mắt ánh lên một niềm vui. Nhất là khi tôi cố gợi lại một vài câu chuyện vớ vẩn từ hồi xa xưa chúng tôi gặp nhau ở ngoài đường hoặc ở tòa soạn một vài tờ báo.

TÍNH CÁCH LÊ XUYÊN

Ðể cho anh được sống lại với những kỷ niệm cũ, tôi kể lại một buổi sáng sớm vào khoảng năm 1971-72, sau một đêm đánh chắn với vợ chồng ông chủ báo Kịch Ảnh đường Cống Quỳnh, tôi lái xe về nhà.

Qua đường Lê Lai, tôi thấy Lê Xuyên cúi đầu đi trên hè phố. Tôi đậu xe sát lại, Lê Xuyên vẫn chưa thèm nhận ra là xe của ai. Tôi bóp còi, lúc đó anh mới ngước lên nhìn và toét miệng cười. Ít khi ông Lê Xuyên cười lắm.

Tôi đẩy cửa xe, thò đầu ra hỏi:

– Ăn sáng chưa?

– Chưa… gì hết trọi, có tiền đâu mà ăn.

– Lên đây, tôi đưa ông đi ăn sáng.

– Leo lên xe, anh hỏi thẳng:

– Ðêm qua được hay thua?

– Ðược.

– Nhà không còn một xu, tui để tiền trong túi cũng hết luôn.

Tôi cười và hiểu sự “hết tiền trong túi” của anh dù mới lãnh lương. Móc trong cóp xe, tôi chia cho anh một nửa số tiền được bạc đêm hôm qua và dặn dò:

– Mang về tòa soạn cất vào ngăn kéo để tiêu dần đấy.

– Ừ, tốt. Ông ăn sáng chưa, cho tôi đi với. Lâu rồi không được ăn đồ Tây.

Tôi cười:

– Ra Givral hay Brodard, ông thích chỗ nào?

– Ðâu cũng được.

Chúng tôi ra Givral, sáng sớm tinh mơ chỉ có hai bàn khách. Tôi gọi mì jambon là món “đặc sản” ở đây, còn Lê Xuyên gọi omelette jambon ngồi nhai bỏm bẻm lấy làm thú vị lắm. Ăn xong tôi bảo ông có tiền rồi, lấy xe taxi về tòa soạn, tôi phải về nhà thay quần áo rồi còn vào phải vào sở chào cờ vì hôm nay là sáng Thứ Hai. Lê Xuyên cười hì hì:

– Cả đời tao chưa biết chào cờ là cái gì. Tao chỉ chào ông chủ báo khi lần đầu tiên đến làm. Ngô Quân cũng thế mà Hồ Anh cũng thế.

Thỉnh thoảng tôi đưa bài đến báo Thời Thế, đôi khi vào buổi trưa, tôi lại rủ Lê Xuyên đi ăn trưa, hôm có tiền thì chui vào Chợ Lớn ăn cơm Tàu Bát Ðạt. Có lần tôi rủ:

– Chúng tớ có cái phòng thuê ở trên lầu ba để thỉnh thoảng chơi phé, lấy tiền sâu gửi lại tay quản lý nên bất cứ lúc nào cần phòng là có ngay. Ông có muốn nằm lại đây một buổi không?

Bản tính anh hiền lành nên hỏi lại:

– Nằm làm gì, tôi phải về làm việc chứ.

– Ông ngây thơ thật hay ngây thợ cụ, ông cứ lên với tôi là biết ngay “nằm làm gì”. Ông muốn Tàu cũng có mà ta cũng có.

Dĩ nhiên đến nước này thì ông bạn tôi phải hiểu, nhưng ông lắc đầu quầy quậy như thằng con nít bị mẹ bắt lấy vợ sớm. Tôi đưa ông trở lại toà soạn và xác nhận với anh em rằng “Lê Xuyên nó đứng đắn thật các ông ạ”.

Một ông bạn tôi cãi: “Nó nhát chứ đứng đắn cái gì”.

Thôi thì nhát cũng được, đứng đắn cũng được nhưng nó không giống tụi mình. Và một điều ai cũng nhận thấy là chưa bao giờ thấy mặt Lê Xuyên ở bất cứ cái phòng trà tiệm nhảy nào, ngay cả chỗ đông người anh cũng tránh.

Tôi cứ lẩm cẩm ngồi nhắc lại từng chuyện khiến anh thú lắm, đó là lúc anh được sống thêm.

MỘT MẬT BÂY GIỜ MỚI TIẾT LỘ

Cũng vào khoảng thời gian đó, tờ báo Thời Thế có một loạt bài điều tra phóng sự về một vụ tham nhũng của một ông “tướng vùng”. Ông tướng nhờ một đại tá và một trung tá liên hệ với tôi để nhờ tôi can thiệp. Tôi chẳng biết trắng đen ra sao, nhưng đã có lời nhờ và giải thích thì tôi làm.

Tôi gọi cho Lê Xuyên giải thích những gì tôi được nghe và đề nghị “thông cảm” với phóng viên cho ngưng loạt bài đó kẻo làm mất uy tín của một người chỉ huy vùng chiến thuật. Lê Xuyên nói ngay:

– Ông nói thì tôi nghe, nhưng để tôi thu xếp với anh em cho có đầu có đuôi.

Sau đó tôi điện thoại cho ông chủ báo Hồ Anh, lúc đó tôi mới biết đã có một hai ông nghị sĩ dân biểu can thiệp, nhưng Lê Xuyên cứ tiếp tục cho đăng loạt bài này. Hồ Anh bảo tôi cứ nói chuyện với Lê Xuyên, nếu anh ấy chịu thì không có gì trở ngại.

Chỉ có thế thôi. Rất bất ngờ, hôm sau tôi đọc được hàng chữ trên trang nhất: “Vì có người bạn chúng tôi can thiệp nên chúng tôi thấy cần phải chấm dứt loạt phóng sự này”. Quả thật đó là điều khiến tôi hết sức cảm động và ngay lúc đó tôi trở nên áy náy vì biết đâu đó là một sự thật mà công sức của anh phóng viên trẻ đã bỏ ra bị tôi “kỳ đà cản mũi”. Tôi gọi lại cho Lê Xuyên, anh chỉ cười:

– Thông cảm với phóng viên rồi, nó bảo ngưng cũng được, viết thế đủ rồi.

Tôi rủ anh đi ăn trưa, anh nói:

– Tôi vừa ngưng phóng sự mà đi ăn với ông thì khác gì đi ăn hối lộ. Thôi hôm nào ông được bạc, mình lại đi ăn đồ Tây. Hôm nay tôi bận quá ông ạ.

Lê Xuyên cúp máy và tôi cứ ân hận, chẳng hiểu vì sao. Chuyện này có nhiều nhân chứng còn sống ở đâu đó, may ra họ còn nhớ. Tôi thì chẳng bao giờ quên.

BỎ ĐI TÁM!

Hơn mười năm sau, khi tôi ở trại cải tạo ra, Thanh Thương Hoàng dẫn tôi đến thăm Lê Xuyên. Anh ngồi bán thuốc lá lẻ ở một góc phố. Chiếc quầy thuốc bé tẹo nhưng cũng đủ che hết tấm thân gầy gò của anh. Chúng tôi nhìn nhau và cùng cảm thông sâu sắc thân phận mình lúc này. Anh chớp mau mắt nói như để an ủi hơn mười hai năm tù của tôi:

– Trông ông vẫn cứ phong độ như ngày nào.

Tôi thẳng thừng thương bạn:

– Còn ông, trông chán bỏ mẹ. Ð… khóc được chứ…

Hai bàn tay bạn tôi run lên, lật bật đút chiếc chìa khoá vào ngăn tủ kính để mấy gói 555 bán lẻ – hồi đó ba số năm quý lắm:

– Hút thuốc lá không?

– Không, tớ hút thuốc lào quen rồi, về đây hút thứ nặng hơn mới đủ đô.

Thanh Thương Hoàng rủ sang bên con hẻm phía trước ăn sáng. Ðó là con hẻm lối đi vào một ngôi chùa hay ngôi đình gì đó. Không có hủ tíu, Lê Xuyên phải chạy đi gọi ở một nơi nào quen bán chịu cho anh ở gần đó. Lê Xuyên trở lại với con người thật của anh. Vẫn hiền lành, cười tủm và chân quê. Phải nhìn thấy cái cười tủm của anh mới biết tại sao anh viết về những cuộc tình của những đôi trai gái đồng ruộng miền Nam hay đến thế, láu cá đến thế. Tôi nhủ thầm: Thằng cha này tâm ngẩm tầm ngầm mà ghê lắm đấy. Nó không nói mà chỉ viết nên nó viết được nhiều hơn mình. Chỉ có nó mới viết được những “dòng chảy ngầm” của trai gái thôn quê miền Nam thật đến thế và hấp dẫn đến thế.

Lê Xuyên khác với một số những cây bút hoàn toàn Nam Bộ như Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam ở chính cái “thật” của anh, không màu mè, không lý luận, không làm cái gì như nghiên cứu sưu tầm về phong tục tập quán dưới hình thức này hoặc dáng vẻ khác. Từng động tác, từng thái độ, từng lối ứng xử trong nhân vật của anh cứ như con người thật lồ lộ đang ở trước mặt ta vậy. Trước mặt tôi, ông già Lê Xuyên vẫn còn cái hóm hỉnh riêng, nhưng bây giờ thì như anh nói: “đếch viết nữa”. Tôi hỏi không viết được hay không thích? Câu trả lời của anh gọn lỏn: “Bỏ đi Tám”. Tôi không hiểu nổi ba chữ mà anh dùng. Có một nỗi chua chát nào đó trong tâm sự thật của anh? Thậm chí cái chứng minh nhân dân anh cũng không muốn làm nên không có hộ khẩu, cứ như ở lậu, công dân lậu. Thái độ đó có đồng nghĩa với sự “bỏ đi Tám” của anh không? Chỉ anh mới hiểu và bây giờ anh mang theo.

Cách đây vài năm, tôi có viết một bài về Lê Xuyên và may mắn nhận được sự giúp đỡ thiết thực của khá nhiều bạn bè. Trong đó có vài tờ báo muốn đăng lại các truyện dài của anh, tôi hỏi, anh chỉ lắc đầu: “chẳng còn cuốn nào”, và cả chị ấy cũng không kiếm được cuốn nào.

 

Ba năm sau cùng, anh không còn sức để bán thuốc lá lẻ nữa. Thỉnh thoảng tôi và Nguyễn Thuỵ Long kéo đến thăm, cố dìu anh ra quán cà phê cuối ngõ ngồi lai rai tâm sự vặt. Tôi vẫn cho rằng chỉ các lúc đó Lê Xuyên mới được sống thật. Hai năm sau này dù có cố lôi anh đi cũng không nổi nữa rồi. Anh như cái bóng trong góc tối của gian phòng chật chội vây quanh bởi hàng trăm thứ lỉnh kỉnh nào bàn ghế, chai lọ, giường tủ. Chỉ có cô gái út săn sóc cho anh, vợ và các con lớn của anh vất vả với công việc hàng ngày rất ít thì giờ trông nom cho bố. Cái chết đến từ từ theo từng ngày giờ buồn tênh, dường như anh chán cả sống và chết, không thèm chú ý đến nó nữa.

Khi tôi đến với anh lần cuối là lúc các con anh đang tắm rửa, thay quần áo cho anh trước khi nhập quan. Cái thân hình gầy gò trần trụi của anh phơi ra, tất cả chỉ còn có thế. Tôi chuyển ngay cho chị số tiền mà tôi mới gửi e-mail tối hôm qua thông tin về sự ra đi của anh, nhanh chóng được đáp ứng. Các bạn ở Virginia, San Jose, Santa Ana yêu cầu tôi chuyển ngay khoảng 1000 USD đến lo tang lễ cho anh. Một người bạn đưa ngay đến 2 triệu và mang đến vòng hoa đầu tiên của bạn bè Sài Gòn.

Hôm sau chị khoe với bà con đến phúng:

– Có bạn bè làm chỗ dựa nên tôi mạnh tay làm đủ thứ việc cho anh ấy. Mạnh vì gạo bạo vì tiền, có phải không, các bác? Không có bạn bè, tôi chẳng còn biết xoay dở ra sao.

Tôi nói với chị:

– Chắc sẽ còn nữa, có một số anh em chưa gửi kịp, xin chị an tâm đi tiếp con đường ai cũng phải đi.

Buổi chiều ngày 5-3, đúng hai giờ lễ động quan bắt đầu, giữa trời nắng chang chang, chúng tôi đưa anh đến Bình Hưng Hòa.

Có rất nhiều người bên hè phố lặng lẽ tiễn đưa anh, không ồn ào như những đám tang của những nhà nghệ sĩ mà ở đây người ta cho rằng đó là những “nhà nghệ sĩ lớn”, nhưng những con người thầm lặng ấy dõi theo anh với tất cả tấm lòng mình.

Họ không nói gì, không có kèn saxo như trong đám tang Trịnh Công Sơn, không có những giọt nước mắt dài ngắn thở than của những danh ca nghệ sĩ, không có cả những bài “điếu văn tưởng niệm” lâm ly bi đát, nhưng đầy ắp những tình yêu thương từ xa xưa đọng lại, từ bốn phương lãng đãng bay về phủ kín khung trời Sài Gòn.

Thế là đủ, nó vượt lên trên tất cả.

(Sài Gòn 8-3-2004)

 

 R.I.P NHÀ VĂN VĂN QUANG.

Nhà văn Văn Quang, Nguyễn Quang Tuyến, tác giả “ CHÂN TRỜI TÍM ” , đã tạ thế lúc 10giờ 20 sáng , Thứ Ba 15 tháng 3 năm 2022 , tại nhà riêng cư xá Nguyễn Thiện Thuật Quận 3/ Saigon. Hưởng thọ 89 tuổi.
theo Fb Dương Hoàng Mai

Trước năm 1975, nhà văn Văn Quang không phải là một cái tên xa lạ. Văn Quang tên thật là Nguyễn Quang Tuyến, sinh năm 1933 tại Thái Bình.
Năm 1953, động viên gia nhập Quân Đội Quốc Gia, phục vụ trong nhiều đơn vị tác chiến tại miền Bắc trước hiệp định Geneve năm 1954.
Từ năm 1957, chuyển sang ngành Tâm Lý Chiến với nhiệm vụ Trưởng Phòng Báo Chí Quân Đội thuộc Cục Tâm Lý Chiến, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH và là Trưởng Ban Biên Tập của các tờ báo Quân Đội VNCH thời đó.
Từ năm 1969 cho đến 30/4/1075, là Quản Đốc đài Phát Thanh Quân Đội, cấp bậc Trung Tá. Tác phẩm đầu tay của Văn Quang là “Tiếng Tơ Lòng” được đăng trên nhật báo Than Dân, Hà Nội cuối năm 1953 và tác phẩm thứ nhì là tập truyện ngắn Thùy Dương Trang do Lạc Việt xuất bản tại Sài Gòn năm 1957.
Từ đó cho đến 30/4/1975, Văn Quang cộng tác thường xuyên với nhiều nhật báo, tuần báo, tạp chí tại Sài Gòn như Ngôn Luận, Chính Luận, Tiếng Chuông, Tin Sớm, Tiếng Vang, Kịch Ảnh, Truyện Phim, Điện Ảnh, Văn Nghệ, Tiền Phong, Bách Khoa, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tiểu Thuyết Tuần San…
Trong khoảng thời gian này, Văn Quang hoàn thành hơn 50 tác phẩm in trên các báo và đã có 28 tác phẩm được xuất bản. Các tác phẩm của ông hầu hết là truyện dài, trong số có những tác phẩm từng gây sôi nổi một thời trong giới độc giả trẻ như “Nét Môi Cuồng Vọng”, “Nguyệt Áo Đỏ”, “Người yêu Của Lính”… và đặc biệt đã có 4 tác phẩm được chuyển thành phim từ 1962 đến 1972 là “Ngàn Năm Mây Bay”, “Chân Trời Tím”, “Đời Chưa Trang Điểm”, “Tiếng Hát Học Trò”.
Các tác phẩm của Văn Quang có thể phân thành 4 nhóm đề tài: mô tả cuộc sống tuổi trẻ, phản ảnh đời sống quân ngũ, phản ảnh thực đời sống thời chiến và những châm biếm những lề lói thời thượng lố lăng thuộc nhiều lãnh vực sinh hoạt, đặc biệt là các giới làm nghệ thuật.
Sau 30/4/1975, cũng như mọi sĩ quan quân lực VNCH khác, Văn Quang bị đưa qua nhiều trại tù từ miền Nam tới miền Bắc trong thời gian dài hơn 12 năm.
Tháng 9 năm 1987, được thả ra khỏi trại tù, Văn Quang trở về Sài Gòn và từ chối ra đi theo diện HO, quyết định tiếp tục ở lại Việt Nam.
Năm 1990, Văn Quang bắt đầu trở lại với việc sáng tác văn nghệ và “Ngã Tư Hoàng Hôn” là tác phẩm đầu tiên được hoàn thành sau nhiều năm bị “treo bút”. Tác phẩm này, đã được một số thân hữu của nhà văn Văn Quang tổ chức ra mắt tại Thung Lũng Hoa Vàng vào ngày 21/10/2001 vừa qua. (Trích phần giới thiệu về tác giả trong “Ngã Tư Hoàng Hôn”)
Từ năm 1992 tới nay Văn Quang là cộng tác viên thường xuyên của nhiều tờ báo Việt ngữ tại hải ngoại như báo Chiêu Dương tại Australia, báo Người Việt, Thời Luận của nhà văn Đỗ Tiến Đức tại Nam California và Tiếng Vang, tại Sacramento…
E.E - Emprunt Empreinte - Mượn Dấu Thời Gian
 
Vinh hạnh được tổ chức ra mắt phim Chân Trời Tím lần đầu tiên tại Canada năm 2017 theo phong cách điện ảnh, có triện của hội đồng thẩm định phim ảnh Canada, có box office, có họp báo với thảm đỏ, có sự xuất hiện (qua truyền hình) của nữ tài tử chính Kim Vui, có cơ hội được phỏng vấn tác giả của tiểu thuyết cùng tên... cho đến nay vẫn là kỷ niệm đẹp và giúp tôi trưởng thành hơn. Một trong những kỷ niệm khó quên ấy là những lần liên lạc với nhà văn quân đội Văn Quang còn ở Việt Nam. Nơi ông, có một sự chừng mực, nghiêm khắc của quân đội. Vì cách nhau cả một thế hệ, tôi đã luôn gọi "chú" và xưng "cháu" (tôi thích có được cảm giác thân mật như gia đình), nhưng đáp lại, ông vẫn chỉ gọi tôi là "anh" và xưng "tôi" rất chừng mực, cái chừng mực của những người đàn ông gặp nhau trên văn đàn và công việc của người xưa. Một người bạn đã nói với Hùng: "ông Văn Quang giữ chừng mực vậy để Hùng có cảm giác là một bạn văn với ông, chứ chú và cháu thì không đặc biệt nữa". Vừa được tin ông qua đời tại Sài Gòn, tôi bần thần như vừa đánh mất những gì trân quý trong đời. Nhà văn Văn Quang là di sản của văn học VNCH. Làm trai thời loạn, ông cũng như nhiều đồng đội cùng thời, đã trở nên khốn khổ, lao đao trong vận nước điêu linh. Xin thành kính dâng lên hương linh ông một nén hương lòng cùng ngàn lời niệm kinh tiễn biệt. Thế hệ của ông đã quá trọn trách nhiệm với đất nước trong giai đoạn ấy rồi, lịch sử rồi đây có chuyển biến ra xấu tốt ra sao, cần có sự đóng góp của nhiều thế hệ trong một giai đoạn dài hơn. Cầu mong ông an nhiên, thanh thảng về với tiên cảnh. 
 
VĂN QUANG KỂ VỀ CHÂN TRỜI TÍM
Bộ phim Chân Trời Tím, quay tại Việt Nam năm 1970 với sự hỗ trợ của Bộ Quốc Phòng và các binh chủng VNCH. Phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn quân đội Văn Quang, được 2 giải thưởng văn học nghệ thuật do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trao tặng. Sau gần 47 năm, bản phim gốc đã được gia đình hãng phim Mỹ Vân tìm được như một nhân duyên. Bộ phim nay đã được phục hồi màu sắc và âm thanh với kỹ thuật digital của Hollywood rất tốn kém. Phim có sự xuất hiện của Hùng Cường, Kim Vui, Mộng Tuyền, Bảo Ân, Hà Huyền Chi, Ngọc Phu, Ngọc Đức, Bà Năm Sa Đéc, Khả Năng…. Kịch bản Mai Thảo, âm nhạc Phạm Đình Chương, tiếng hát Thái Thanh.
Hãng Mỹ Vân Films và gia đình (tại USA) đã đồng ý cho phép Tôn Thất Hùng (hậu duệ đời thứ hai của VNCH) được chiếu ra mắt CHÂN TRỜI TÍM tại Toronto với 2 xuất 12:00PM và 3:00PM, ngày 11 tháng 6, 2017 tại rạp Hot Docs Ted Rogers Cinema (Bloor W & Bathurst). Đây cũng là một sinh hoạt của thế hệ thứ hai muốn tri ân những anh hùng và những tử sĩ VNCH đã vị quốc vong thân. Từ Việt Nam, nhà văn quân đội Văn Quang đã dành cho Tôn Thất Hùng một bài phỏng vấn:
 
 TTH: Kính thưa ông, vào ngày 11 tháng 6 sắp tới, bộ phim Chân Trời Tím sẽ được trình chiếu ra mắt lần đầu tiên tại Toronto (Canada) với 2 xuất trong một rạp hát sang trọng, không phải chỉ dành khán giả gốc Việt mà còn với cả khán giả nói tiếng Anh vì sẽ có phụ đề Anh Ngữ. Đây là một bộ phim nổi tiếng được dựng lại từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của ông. Cảm tưởng của ông thế nào?
VQ: Trước hết tôi xin gửi lời chào trân trọng đến bạn đọc và các vị đã đến dự buổi chiếu phim này ở Canada. Xin cảm ơn các bạn đã thực hiện buổi gặp mặt này. Tôi nhớ không lầm thì hãng phim Mỹ Vân ngày xưa ở Việt Nam cũng là một trong 7 nhà sản xuất phim Chân Trời Tím. Ngày nay hậu duệ của hãng Mỹ Vân đã được anh Phi Hà công phu làm mới lại để giới thiệu dưới danh hiệu Mỹ Vân Films 21, anh Phi Hà là cháu ngoại thừa kế của ông bà Mỹ Vân. Phim nhựa 35 ly xưa cũ trải qua trên 50 năm đã hư hỏng qua thời gian nhưng với kỹ thuật tân tiến của phim trường Hollywood đã được làm mới lại đến 90%. Phim Chân Trời Tím mới này được chiếu lần đầu tiên tại Mỹ, nơi chiếu là “hội trường quận” hạt Santa Clara. Khi được ông Giao Chỉ tức cựu Đại Tá Quân Lực VNCH báo tin tôi thật sự rất xúc động, không ngờ vẫn còn nhiều người nhớ đến những tác phẩm điện ảnh Việt Nam xưa. Thật ra điện ảnh VN thời xưa còn khá nhiều những tác phẩm nổi tiếng rất hay, vậy mà phim Chân Trời Tím đã được chú ý đến đầu tiên. Tôi tự hỏi tôi đã làm gì trong thời gian đó? Câu trả lời này gần như không có đáp số. Có lẽ cần phải hỏi những vị đã có công phu tìm tòi khám phá ra giá trị của cuốn phim này.
Hồi đó tôi chỉ là anh chủ bút và cũng là phóng viên của tờ báo Chiến Sĩ Cộng Hòa của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị QL VNCH. Tôi viết truyện này bằng tất cả những gì tôi đã sống, đã thấy, đã cùng những đồng đội trên các chiến trường xưa. Những điều tôi viết ra trong cuốn truyện dài đó gần như hầu hết toàn là sự thật, tất nhiên khi viết tôi cũng phải tiểu thuyết hóa đi vài phần cho đúng với lối viết truyện dài của tôi. Nó có thể phản ảnh trung thực đời sống của một người lính VNCH. Giản dị có thế thôi.
Không ngờ đến nay cuốn phim phóng tác theo truyện dài của tôi lại được quan tâm đến thế. Tất nhiên đó là một vinh dự cho bất cứ người viết văn nào. Tôi rất cảm động như đã nhận được một phần thưởng quá lớn trong cả cuộc đời mình.
TTH: Cuốn tiểu thuyết Chân Trời Tím của ông ra đời trong hoàn cảnh như thế nào? Nhân duyên như thế nào mà lại chuyển thành phim, ông còn nhớ một vài kỷ niệm ngày ấy hay không?
VQ: Trước hết, anh Quốc Phong thương lượng với tôi để làm thành một cuốn phim “đặc biệt”, thời đó kỹ thuật mới nhất của điện ảnh là cinemascope, màu technicolor… ở VN chưa hề có hãng phim nào thực hiện được. Vì tất cả các hãng phim thời đó đều chỉ là hãng phim tư nhân, không thể nào đủ tiền để thực hiện cuốn phim theo kỹ thuật như hãng phim nước ngoài. Thế nên ông Quốc Phong mời 7 hãng phim cùng hợp tác làm cuốn phim này lần đầu tại VN.
Chúng tôi nghĩ đến đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, người ôm ấp rất nhiều ý tưởng “làm mới” theo điện ảnh nước ngoài. Gặp Hoàng Vĩnh Lộc, người cũng rất hào hứng sau khi đọc Chân Trời Tím, anh loay hoay viết tạm kịch bản và tìm diễn viên. Anh muốn có một khuôn mặt mới cho điện ảnh VN nên tìm được một anh sinh viên cao ráo, bảnh trai, hoạt bát, đóng vai Phi, vai chính trong phim, rồi đến một dàn nữ diễn viên như Kiều Chinh, Thanh Lan… Nhưng 7 ông chủ của hãng phim Liên Ảnh lại có nhiều bất đồng. Sau đó anh Quốc Phong đề nghị đạo diễn Lê Hoàng Hoa và 2 diễn viên nam nữ chính là Hùng Cường và Kim Vui. Chẳng biết ông Quốc Phong thuyết phục ra sao, tất cả 7 ông chủ hãng phim đều nhiệt tình cộng tác. Có lẽ các ông chủ hãng phim là những người rất thành thạo trong việc tìm ra con đường đi đến thành công về tài chánh nên hăng hái cùng hợp sức sản xuất cuốn phim “cinemascope” màu “technicolor”.
Thời gian của tác phẩm là giai đoạn chuyển tiếp giữa đệ nhất và đệ nhị cộng hòa. Không gian và ngoại cảnh là Sài Gòn và miền duyên hải Việt Nam. Ngoài cốt chuyện sinh ly tử biệt của tình yêu, cuốn phim dựng lại không khí chiến tranh và thời cách mạng 1963.
TTH: Đã 47 năm trôi qua, những người tham gia trong bộ phim ngày ấy, nhiều người nay đã không còn nữa. Bây giờ nếu nói những câu nhận xét thật lòng để so sánh giữa tiểu thuyết và điện ảnh, ông thấy có sự khác biệt nào không và chỗ nào ông không hài lòng?
 
VQ: Tôi có nhiều kỷ niệm với những nhân vật đóng phim này bởi tôi đã đi cùng đoàn làm phim từ ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng. Cuốn phim đòi hỏi nhiều kiến thức quân sự và tâm tình người lính, nhất là cần phải có nhiều đơn vị tham gia yểm trợ mới thực hiện được nên hãng phim làm đơn xin Bộ Tổng Tham Mưu cho một sĩ quan đi theo đoàn làm “cố vấn” và họp với các đơn vị cần thiết để yểm trợ cho việc quay phim. Bộ Tổng Tham Mưu chị thị cho Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị đề cử một sĩ quan đi cùng đoàn làm phim. Sau khi Bộ Tham Mưu của Tổng Cục CTCT họp, các vị đó đã chỉ định tôi đi cùng đoàn làm phim vì tôi đã từng làm phóng viên chiến trường và đã từng tốt nghiệp khóa Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp tại Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị tại Đà Lạt năm trước. Tôi được sự vụ lệnh đi theo đoàn làm phim và được phép thay mặt Bộ Tổng Tham Mưu họp với các đơn vị yểm trợ cho cuốn phim. Thế là từ hôm ấy tôi đi theo đoàn làm phim.
Theo chỉ thị của Bộ Tổng Tham Mưu, một buổi họp tại Bộ Tư Lệnh Biệt Kích tại Nha Trang được tổ chức. Tham dự gồm có cái vị đại diện có thẩm quyền tại Bộ Tư Lệnh Biệt Kích, Bộ Tư Lệnh Không Quân tại Nha Trang, Trường Biệt Kích – Động Bà Thìn (Cam Ranh), Trường Hạ Sĩ quan Đồng Đế, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Đại diện Tiểu Khu Nha Trang… Ông Quốc Phong đại diện hãng phim và tôi là đại diện của Bộ TTM thuyết trình về cuốn phim và nhu cầu yểm trợ. Buổi họp được các vị tư lệnh các binh chủng có mặt thảo luận sôi nổi và rất tích cực giúp mọi phương tiện cho cuốn phim.
Trường BK có một tiểu đoàn đóng vai “địch tấn công đồn”. Một tiểu đoàn của Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế làm đơn vị đồn trú bị tấn công được không quân yểm trợ, sau đó là pháo binh, thiết giáp. Vũ khí địch được điều động từ Phòng 4 Bộ TTM ra.
Thật ra Kỷ niệm thì rất nhiều, như tôi với đạo diễn Lê Hoàng Hoa vẫn thường gặp nhau ở những phòng trà dancing và nhiều buổi chiều ngồi tán chuyện cùng nhau ở hàng hiên nhà hàng La Pagode cũ đường Catinat, thời đó buổi chiều khi tan việc những nghệ sĩ Sài Gòn thường gặp nhau ở đây, có các anh Mai Thảo, Hoàng Hải Thủy, Thanh Nam, Nguyên Sa,Thái Thủy và có cả “đàn anh” Đinh Hùng…
Còn chuyện vui thì rất nhiều, tôi chỉ kể sơ lược một truyện vui thôi: Hùng Cường đi mua “lon hạ sĩ”. Cũng trong ngày đầu quay phim, Hùng Cường chạy đến ghé tai tôi hỏi nhỏ : “Anh ơi cái lon hạ sĩ thế nào, em chưa có”. Chết thật, Hùng Cường đóng vai chính là hạ Sĩ tên Phi trong phim, vậy mà không ai ngờ anh chưa biết cái lon hạ sĩ ra sao, đeo ở đâu. Tôi bèn lôi ngay Hùng Cường ra xe, chở đến tiệm An Thành trước cửa chợ Bến Thành, mua một cặp “lon hạ sĩ” và đeo giùm lên tay áo. Trẻ con, người lớn, nhất là phụ nữ kéo đến xem nghệ sĩ Hùng Cường, cứ nháo nhác hỏi nhau “anh ấy vào lính khi nào vậy” rồi chỉ trỏ lung tung, chả ai thèm nhìn tôi cả. Cái “lon” ấy Hùng Cường đeo gần hết cuốn phim.
Năm 1996 Hùng Cường mất tại Mỹ, mãi đến sau này tôi mới biết tin nên không chia buồn cùng gia đình anh được. Đó là nỗi ân hận của tôi cho đến bây giờ.
Thật ra phim Chân Trời Tím còn có một số tài tử, danh ca khác cùng tham gia diễn xuất có nhiều kỷ niệm với tôi nhưng tôi không nhớ hết, xin tạm kể : Diễn viên trong phim gồm : Hùng Cường vai Phi, Kim Vui vai Liên, Ánh Nga và Mộng Tuyền trong vai hai cô con gái của trung tá Lạc, Bảo Ân vai Điền, Ngọc Đức vai Paul, Ngọc Phu vai đại úy Minh, Hà Huyền Chi, Khả Năng dù đóng phim lần đầu song cũng rất thành thạo trong vai quân nhân bảo vệ tiền đồn…
Những tài tử điện ảnh đóng phim ngày xưa phần lớn là không chuyên nghiệp, kể cả đạo diễn, thường cũng không tốt nghiệp ở một trường lớp đào tạo nào. Họ đóng phim theo bản năng tự nhiên hay còn gọi là tài năng thiên phú. Nhưng họ vẫn hoàn thành khá xuất sắc trong vai diễn của mình.
Còn so sánh giữa tiểu thuyết và phim ảnh ngày xưa thì thú thật tôi chỉ đọc qua loa vài cuốn tiểu thuyết của vài tác giả khá nổi danh thời nay thôi. Về phim ảnh Việt Nam bây giờ tôi cũng ít xem vì đôi khi thấy họ sáng tác và viết theo kiểu “đơn đặt hàng của nhà nước” nên buộc phải tuân theo “đường lối” các ông chủ muốn họ phải làm gì. Thế nên nhiều cuốn phim cứ như cái loa tuyên truyền, không còn là sáng tác nữa. Chính vì thế rất nhiều người dân VN cũng chán xem phim VN. Đó là điều đáng buồn nhất cho sự nghiệp văn học VN.
TTH: Những độc giả của nhà văn Văn Quang cách đây trên 50 năm vẫn còn nguyên vẹn, chỉ khác xưa là rất nhiều người họ không còn ở gần ông nữa mà di tản ra khắp bốn phương trời. Họ vẫn quan tâm đến ông cũng như những văn nghệ sĩ của VNCH ngày xưa. Xin ông cho độc giả năm châu được biết về sức khỏe của ông hiện nay như thế nào? Ông có hay gặp hay liên lạc với những văn nghệ sĩ cũ của ngày xưa không?
VQ: Tôi có nhiều loại bạn như bạn viết văn làm báo, bạn đồng đội xưa, bạn trong các trại gọi ngụy trang là “trại cải tạo”.
Cải tạo cái gì? Ai cải tạo ai? Hãy hỏi những người từ miền Bắc có dịp vào miền Nam sau năm 1954 thì biết miền Bắc hồi đó đói rách khổ sở như thế nào, vào đến miền Nam họ thấy đời sống vô cùng phong phú từ người dân đến văn hóa hoàn toàn tự do.
Tôi luôn nhớ đến tất cả các bạn của tôi. Đến nay người còn kẻ mất, tôi vẫn ngậm ngùi nhớ về những ngày xưa. Hầu hết các bạn tôi còn lại đều ở nước ngoài, tôi vẫn thường xuyên liên lạc với họ qua thư từ hoặc đôi khi bằng điện thoại. Tôi có cái may mắn là các bạn ở nước ngoài về VN vẫn chịu khó tìm đến căn nhà trên chung cư rách nát này thăm tôi. Những lúc như thế tôi mới có cảm tưởng mình được sống thật. Tôi hy vọng qua bài phỏng vấn này của anh, các bạn tôi chưa liên lạc được cũng sẽ nhớ đến tình bạn bè xưa.
TTH: Xin chân thành cảm tạ thời gian của nhà văn Văn Quang đã dành cho Tôn Thất Hùng, hậu duệ đời thứ hai của Cựu Quân Cán Chính VNCH. Xin chú nhận nơi cháu lòng ngưỡng mộ và sự tôn trọng tuyệt đối với những bậc tiền bối. Kính chúc chú luôn luôn có được sức khỏe tốt, vẫn hoài nghệ sĩ tính cùng lòng khí khái của một văn sĩ ngày xưa.
VQ: Sau cùng tôi cảm ơn các bạn đã hỏi thăm về sức khỏe của tôi. Hiện nay tôi đã 85 tuổi rồi, cuộc đời trải qua nhiều thăng trầm biến đổi, nhất là sau hơn 12 năm trong các trại tù “cải tạo” nên sức yếu dần, ngày qua ngày tôi chỉ nằm trong nhà thôi, nhìn cuộc đời qua khung cửa sổ và chỉ để biết trời nắng hay mưa, nhìn hàng cây trong chung cư dường như những tàu lá ủ rũ cũng buồn theo năm tháng trôi qua. Những chiếc lá chưa biết sẽ rơi rụng bất cứ lúc nào, cũng như cuộc sống của tôi chỉ tính bằng ngày chứ không phải bằng tháng.
Dù sao tôi cũng hài lòng vì tất cả những gì mình đã làm trong cuộc đời mình. Đến bây giờ tôi vẫn có cảm tưởng như mình vẫn còn đeo ba lô trên vai làm tiếp nhiệm vụ của một người lính VNCH.
Xin cảm ơn những độc giả đã đọc bài trả lời cuộc phỏng vấn này.
Tôn Thất Hùng
thực hiện cuối tháng
Bộ phim CHÂN TRỜI TÍM chưa một lần phát hành trong 46 năm qua, kể từ lần chiếu đầu tiên tại Sài Gòn. Phim sẽ được chiếu ra mắt tại Canada thật trang trọng trong rạp lớn.
Một trời kỷ niệm của Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông trở về. Quý vị sẽ bắt gặp trở lại những âm thanh, những hình ảnh, tình yêu đôi lứa, âm nhạc, chiến tranh, đảo chánh, tuổi trẻ và khát vọng, lính chiến xa nhà, tình đồng đội… Một xã hội, một bối cảnh lịch sử đã được gom lại trong ống kính cùng tài nghệ diễn xuất của các nghệ sĩ lừng danh của nền điện ảnh nước nhà.
Vé xem phim CHÂN TRỜI TÍM đã có tại các đại lý:


 

No comments:

Post a Comment