Cách
đây 43 năm vào ngày 26 tháng 5-1975 tại văn phòng thủ tục của Tent City
(thành phố lều) đảo Guam, một người đàn ông ngoài 40 tuổi, dáng dấp
khõe mạnh, bước đi chắc chắn, bước vào khai giấy tờ để đưa gia đình ông
ta vào tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Nhân viên văn phòng cơ quan thiện nguyện hỏi
gia đình ông có bao nhiêu người ?
– Gia đình tôi có bốn trăm lẻ tám
người. Ông đáp bằng giọng nghiêm trang không hề mỉa mai, không hề diễu
cợt. Và người đàn ông độc thân đó nói thêm : “ Tất cả đều là con cái của
tôi.”.
Thực vậy, đó là những đứa con còn lại Tiểu đoàn 9, Lữ đoàn 1 của Sư đoàn Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa !
Trên
trận tuyến Long khánh, Xuân Lộc, Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù cùng với Tiểu đoàn
1 và Tiểu đoàn 8 thuộc Lữ đoàn 1 của Trung tá Nguyễn Văn Đĩnh đã đóng
vai cản đường 4 Sư đoàn Việt Cộng tiến về Sài Gòn suốt tháng 4 năm 1975.
Trong những ngày cuối, Thiếu tá Nhỏ ,Tiểu đoàn trưởng, bị thương và
Thiếu tá Lê Mạnh Đường người Đại đội trưởng can trường của Đại đội 92,
sĩ quan Thủ Đức 13 năm lính đã được đôn lên nắm Tiểu đoàn.
Trong
số 12 Tiểu đoàn tác chiến của Sư đoàn Dù, Chín Dù không phải là đàn
anh, nhưng cũng không phải là em út. Chín Dù ra đời sau trận Đồng Xoài
của những năm 66. Tiểu đoàn chín nút của binh chủng Dù luôn luôn cố gắng
và đạt trên mức trung bình.
Cho đến khi vào Hạ Lào thì Chín Dù mới có dịp thi thố tột cùng khả năng của nó.
Nếu
không phải là Chín Dù thì thằng nào đã gỡ chốt Suối Máu ở nước Lào, nơi
đã làm tan tác cả Tiểu đoàn 1. Chính xứ Lào nắng đỏ mà Đại đội 92 của
Chín Dù đã đánh một trận để đời cuối cùng.
Bây giờ là đến lần Lê Mạnh Đường của 92 lên nắm Chín Dù ở vườn cam tướng Tỵ bên tuyến đầu Long Khánh .
Tháng
4 của bảy năm trước, cũng vào khoảng giờ này đây, tướng Lê Minh Đảo Tư
Lệnh Sư đoàn 18 lên máy ra lệnh tử thủ. Sư đoàn 18 lính cậu mà đột nhiên
chiến đấu sinh tử như vậy kể ra khá ngon lành. Nhưng mãnh hổ nan địch
quần hồ. Nghe ra có vẻ cải lương nhưng đó là sự thật. Cả tuyến đầu Long
Khánh vỡ. Chín Dù được lệnh cuốn chiếu. Từ Long Khánh giạt về Bà Rịa thì
Phước Tuy đã lọt vào tay địch .
Sau mấy tháng quần thảo với kẻ
thù, Chín Dù đã mệt nhoài, gặp lại tướng Hinh của Sư đoàn 3 đang tái tổ
chức đơn vị . Xếp Hinh giao cho 20 chiến xa để Chín Dù lấy lại Phước
Tuy. Với những đứa con lưng còng vì súng đạn Chín Dù lại một lần nữa
đứng lên dựa vào tường để đánh qua núi Đất . Đánh để lấy đường về Vũng
Tàu. Và từ Vũng Tàu sẽ theo cận duyên về Gò Công. Và từ Gò Công sẽ có
Quân Khu 4. Có đất có dân, Chín Dù sẽ cố gắng mà tồn tại . . . với Việt
Nam Cộng Hòa.
Nhưng không phải xong trận Núi Đất mà xong việc.
Trong sự hỗn loạn tột cùng của cả nước, con đường duy nhất dẫn ra biển
Vũng Tàu đã trở thành quốc lộ kinh hoàng. Trong cơn mê sảng của sự sụp
đổ toàn diện. Chín Dù vượt cầu Cỏ May và trấn thủ tại Cỏ May hai đêm
trong một tinh thần trật tự và kỷ luật phi thường.
Chắc chắn giờ
này hơn 400 lính Dù cũa Tiểu đoàn 9 ở khắp nơi trên nước Mỹ vẫn còn nhớ
những giờ phút cuối. Sau khi Chín Dù đánh sập cầu Cỏ May, địch vẫn còn
bám theo từng bước.....
Chỉ còn nhờ những chiến xa còn lại của
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Chính những đám lính mũ đen của binh chủng
Thiết Giáp đã giàn hàng tiến về phía địch làm rào cản để Chín Dù có thể
xuống thuyền. Kể từ năm 66 của trận Đồng Xoài, khi mà nhảy dù mũ đỏ tùng
thiết, mũ đen thiết giáp yên dạ. Nhảy Dù chưa có bao giờ bỏ Thiết Giáp
bơ vơ. Vào tháng 4 năm 75, lần đầu tiên và là lần cuối cùng, nhảy dù đã
phải bỏ thiết giáp. Những con “cua” anh hùng đã phơi mình chết trên cồn
cát trắng ở Vũng Tàu để cho bạn hữu của nó mở đường máu về Gò Công.
Nhưng rồi Gò Công cũng không phải là vùng đất hứa. Trong phiên họp lịch
sử, Lữ đoàn 1 Dù đã chia sẻ đau thương với cả nước. Những quyết định khó
khăn nhất đã phải thực hiện. Lữ Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Đĩnh ở lại. Lữ
đoàn phó Lê Hồng ra đi. Riêng Chín Dù của Lê Mạnh Đường ra đi gần trọn
gói .
Khi đến Tent City ở Guam, người Tiểu đoàn trưởng cuối cùng
của Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù đã đứng đó mà khai rằng gia đình ông ta có 402
đứa con !
Bây giờ thì chắc các anh đã hiểu là tại sao Hội Ái Hữu
của Nhảy Dù Việt Nam lại được gọi là Gia Đình Mũ Đỏ. Họ đã sống với nhau
như trong một gia đình và họ còn đang cố đùm bọc nhau theo cái cung
cách đó. Tướng Lê Quang Lưỡng, vị Tư Lệnh cuối cùng của Sư đoàn Dù
QLVNCH hiện cũng còn đang khắc khoải. Năm trước ông đã về Thái Lan rồi
lại trở lại Mỹ. Hoàn cảnh úp xuống đầu như cái cũi nhốt những con cọp
trong sở thú. Ở cái đất Mỹ mênh mông này coi vậy mà tù túng chật hẹp
lắm. Lữ đoàn phó Lê Hồng đã về rồi, như Hổ đã về rừng. Lê Mạnh Đường tạm
cư ở Cali. Tuy xác phàm nhưng vẫn mang hồn lính “Người ta có thể đưa
tôi ra khỏi quân đội, nhưng không ai có thể đưa quân đội ra khỏi tôi .”.
Thực vậy những người lính còn lại cuối cùng của Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù, không ai có thể đưa quân đội ra khỏi anh.....
No comments:
Post a Comment