Thursday, November 16, 2017

Lại Sắp Đến Ngày Giỗ Trận Hoàng Sa 19.1.1974 - Nguyễn Gia Nam

BỐI CẢNH CHÍNH TRỊ và QUÂN SỰ
của Biến Cố HOÀNG SA
                biên khảo của  Nguyn gia Nam
Dựa trên sức mạnh của một nước khổng lồ, ngày 19 tháng 1 năm 1974 Trung Cọng (TC) đã cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa. Quốc gia Việt Nam bị mất đi một phần lãnh thổ sau bao nhiêu thế kỷ đã thực sự  minh chứng chủ quyền của mình trên nhóm quần đảo đó. Nhưng một điều oái oăm của lịch sử là biến cố nói trên chỉ đã xảy ra trên phân nửa nước Việt Nam mà thôi. Cái phân nửa Việt Nam liên hệ, nước Việt Nam Cọng Hòa (VNCH) đã tiếp nối lịch sử, từ thời quân chủ đến giai đọạn Pháp thuộc, cho đến khi được độc lập…để mà quản trị, bảo vệ bằng xương máu, bằng sự hy sinh vô bờ bến của Quân Lực VNCH nói chung và của Hải Quân VNCH nói riêng.
Cuộc chiến tranh ngắn ngủi lịch sử ở Biển Đông  xảy ra giữa hải quân Trung Cọng và hải quân VNCH trong một bối cảnh chánh trị  và quân sự thật là khó khăn cho phía Việt Nam Cọng Hòa, đang ở trong cái thế lưỡng đầu thọ địch, giặc trong thù ngoài. Lúc ấy VNCH đang có chiến tranh với chế độ miền Bắc, nước Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa (VNDCCH)
Trở lại với lịch sử cận đại để chúng ta có thể biết được rõ ràng biến cố Hoàng Sa đã xảy ra trong những điều kiện chánh trị và quân sự nào. Mời quí vị và chúng tôi lần  lượt khảo sát  tình hình Việt Nam, chủ nghĩa bá quyền Trung Cọng, chính sách và thái độ của  Mỹ.

Tình hình Việt Nam
Chỉ ba năm sau khi ký kết hiệp định Genève 1954 miền Bắc đã vi phạm hiệp định này bằng cách chuẩn bị cho một cuôc chiến tranh kế tiếp. Họ đã thiết lập các  đội võ trang ở đồng bằng sông Cửu Long và tại Tây Nguyên vào những năm 1957 và 1958. Một năm sau đó Cọng Sản Bắc Việt (CSBV)  lại tổ chức một đoàn công tác chuyển vận 559 để xâm nhập và tác chiến ở miền Nam. Đến giữa năm 1959 đảng Lao Động (tức CSBV) thành lập Toán 759 để nghiên cứu phương pháp gởi người và tiếp vận vào Nam bằng đường biển. Đến tháng 4 năm 1966 Hải quân VNCH đã khám phá được một hầm vũ khí tiếp vận bằng đường biển đến Vũng Rô gần Ninh Hòa. Các chiến trường Tây Nguyên, Phú Yên và miền  Nam  Trung bộ  đều được tiếp tế từ Vũng Rô.
Thế là cuộc chiến lại tiếp diễn trên mảnh đất thân yêu của chúng ta, nhưng lần này nó mang một hình thái khác. Không còn là một cuộc chiến tranh giải phóng khỏi ách thực dân mà đây là một xung đột giữa hai ý thức hệ : chủ nghĩa Cọng Sản đại diện bởi miền Bắc được cả khối CS quốc tế giúp đỡ và ý thức Dân chủ Tự do đại diện bởi miền Nam, được Hoa Kỳ và Đồng minh hổ trợ. Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này được kết thúc sau 19 năm xâu xé, bằng hiệp định Paris ký kết ngày 27 tháng 01 năm 1973. Dân tộc Việt Nam cả hai miền sau mấy chục năm chiến tranh cứ tưởng rằng lần này có thể sống lại trong cảnh thanh bình thực sự. Nhưng không, các người anh em CS ở miền Bắc vẫn quá say mê ý thức hệ tuyệt vời của họ - mà không biết rằng chưa đầy 20 năm sau, lý thuyết Mác-Lê phá sản và hệ thống Xã hội Chủ nghĩa sụp đổ - nên cương quyết áp đặt cái thể chế của họ lên đầu lên cổ nhân dân miền Nam. Chiến tranh lại tiếp tục.
Liền sau khi hiệp định Paris được ký kết các thống kê ước lượng cho biết đã có những sự dành dân lấn đất. Chánh quyền VNCH lúc bấy giờ chỉ còn kiểm soát được 75% lãnh thổ với 85% dân số miền Nam. Viên chỉ huy quân sự của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN), tướng Trần văn Trà đi ra Hà Nội vào đầu tháng 3 năm 1973 để họp bàn với các lãnh đạo chánh trị miền Bắc. Một phiên họp tham mưu cao cấp do Lê Duẩn chủ tọa đã nhận định rằng Hoa Kỳ sẽ không dùng pháo đài bay B-52 để dội bom trở lại miền Bắc, nên đã quyết định một mặt CSBV sẽ gởi thêm nhiều quân nhu quân dụng tiếp tế cho Việt Cọng ở miền Nam,  mặt khác thiết lập một hành lang để chuyển quân và vũ khí vào chiến trường Nam bộ. Song song với áp lực gia tăng từ phía CSBV thì cuối tháng 03/73 các binh sĩ Hoa Kỳ cuối cùng rời Việt Nam trong chiến dịch hồi hương, chấm dứt 10 năm can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Ở thời điểm này  Hoa Kỳ chỉ còn một Tùy viên Quân sự và vài binh sĩ Thủy quân Lục chiến ở lại canh gác Tòa Đại sứ Mỹ tại đại lộ Thống Nhất Sàigòn. Tình hình quân sự miền Nam Việt Nam đang rơi vào cảnh khó khăn. Nếu tính vào quân số không thôi thì trong khi các bạn đồng minh ra đi thì binh sĩ và cán bộ CS thù địch lại được nâng cao, khiến cho cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía CSBV, đẩy VNCH vào thế bất lợi.
Về mọi mặt, gần một năm sau hiệp định Paris tình hình chung ở miền Nam Việt Nam suy sụp một cách đáng quan ngại. Thế nhưng cũng trong thời khoảng chưa đầy một năm sau Hiệp định Paris, nếu chúng ta tính từng ngày, Việt Nam Cọng Hòa chưa rơi vào tay Cọng Sản miền Bắc, mà đã mất đi một phần lãnh thổ, lãnh hải là quần đảo Hoàng Sa vào tay Trung Hoa Cọng Sản. Chính trong giai đọan cuối cùng này giặc ngoại xâm đã lợi dụng sự yếu kém của miền Nam để tiến chiếm quần đảo Hoàng Sa. Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự suy yếu tổng quát của một quốc gia đang ở trong thời chiến, chứ không hẳn là sự yếu kém của một quân chủng Hải quân VNCH (đối với Hải quân Trung Cọng) trong giai đọan xảy ra biến cố Hoàng sa. Nhưng sự suy yếu của VNCH không phải là yếu tố quyết định duy nhất đưa đến việc Trung Cọng cuỡng chiếm Hoàng Sa. Hành động này  chỉ là một kết quả  trong những toan tính chiến lược  đã được sửa sọan từ lâu.

Chủ nghĩa bá quyền Trung Cọng
 Không có người Việt Nam nào, xuyên qua lịch sử dân tộc, lại không rõ cá tính đặc biệt của quốc gia láng giềng khồng lổ phương Bắc này, đó là cái ý đồ bá quyền muôn đời của Trung Hoa . «Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ ».Câu châm ngôn của Nho gia không bao giờ lỗi thời này là lý tưởng cho tất cả những nhà làm chính trị Trung quốc. Chữ « thiên hạ » không phải chỉ được hiểu thu gọn trong  phạm vi nước Tàu không thôi. Nhìn cho kỹ những nước xung quanh quốc gia này, từ Ấn Độ, qua Nhật Bản, đến Việt Nam…xứ nào cũng có những tranh chấp về biên giới , chủ quyền đất đai, lãnh hải với Trung quốc. Riêng về Việt Nam thì Trung Cọng với tư cách một nước CS đàn anh của CSBV có một vị trí ưu đãi. Chuyện thường tình trong đời là anh láng giềng cho dù tử tế đi mấy chăng nữa thì một ngày nào đó trở thành kẻ giựt nhà chiếm đất cũng không làm ai ngạc nhiên. Và đó là chuyện xảy ra thực sự giữa Trung Cọng và Việt Nam, ngày hôm qua với quần đảo Hoàng Sa và ngay hiện tại bây giờ với những sửa đổi lại biên giới và lãnh hải. Phải cần nói rõ lại. Lúc tiến chiếm quần đảo Hoàng Sa, đối tác của Trung Cọng lúc đó không phải là người anh em hàng xóm Bắc Việt, mà là VNCH, nhưng với thời gian  thì cái thực tế bang giao giữa hai người anh em xã hội chủ nghĩa đã được phơi bày một cách rất phũ phàng. Thế nhưng chúng ta cũng phải biết những dữ kiện và động lực nào cho phép và thúc đẩy Trung Cọng thực hiện giấc mộng bá quyền của họ bất chấp những công ước quốc tế về chủ quyền quốc gia.
Trung Quốc, với cái diện tích quá rộng lớn hơn 9 triệu cây số vuông, và một dân số kỷ lục trên một tỉ người, từ khi trở thành một cường quốc nguyên tử (từ năm 1964) dần dà trở nên một nước công ngiệp cao. Năm 2007 vừa qua Trung Cọng  đã tiến lên trở thành cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau  Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Càng lớn mạnh về kinh tế, càng bắt kịp và qua mặt các xứ Tây phương trên địa hạt thương mãi thì Trung Quốc lại càng có nhu cầu thiết yếu về nguyên liệu và nhiên liệu để duy trì và phát triển kinh tế quốc gia. Việc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Trung Cọng mà cũng vừa  thực hiện luôn cái âm mưu bành trướng của họ.
Quần đảo Hoàng Sa thời bấy giờ lại thuộc VNCH. Cái vị thế chiến lược hàng đầu  về quân sự lẫn kinh tế này coi vậy mà khó ăn, vì kẹt một cục xương : Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ ! Vậy một khi mà các chiến hạm của  Hạm Đội số 7 còn lui tới tuần hành ở Biển Đông thì chưa thể làm gì được. Đó là một chướng ngại vật quan trọng, cần được tháo gỡ. Phải ve vãn Hoa Kỳ, phải làm một cử chỉ âu yếm với …con cọp giấy, mà không, xin lỗi ! Hồi xưa đồng chí Mao Chủ Tịch quả thật là dại dột để thốt ra một lời bất cập như vậy, không đúng với sự thật chút nào. Một đường lối ngoại giao khéo léo và thực tiển với cường quốc thứ thiệt số một  Hoa Kỳ có thể tạo nên một cơ hội. Và cái cơ hội bằng vàng đã đến…
Ngày 15 tháng 7 năm 1971 Tổng thống Hoa Kỳ Nixon cho biết ông sẽ viếng thăm Bắc Kinh vào trước tháng 5 năm 1972. Cùng với tin trên, Nixon tuyên bố chấm dứt việc phong tỏa kinh tế đối với Trung Cọng đã kéo dài hơn 20 năm qua. Được biết một phái đoàn bóng bàn của Mỹ đã tới Bắc Kinh đấu vài trận giao hữu vào ngày 06 tháng 4 năm 1971. Trước khi lên đường các tuyển thủ Hoa Kỳ được dặn kỹ : « Nếu chúng ta gửi qua bên Trung Quốc một phái đoàn bóng rổ thì không lẽ bị thua, quá lộ liễu, nhưng nếu các anh qua bên đó mà không thắng được thì…không sao cả, vì bóng bàn là môn thể thao rất phổ quát bình dân ở xứ mấy chú Con Trời. » Chuyện dặn dò rỉ tai này quả là một chuyện tưởng tượng, nhưng nó không xa sự thật…

Chính sách và thái độ của Hoa Kỳ.
Để hiểu rõ chính sách và thái độ của Hoa Kỳ trong biến cố Hoàng Sa, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu những yếu tố sau đây : sự thay đổi chiến lược toàn cầu của Mỹ, chính trường Hoa Kỳ, và nhất là chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ đương thời : ông Nixon.
 
 
  Kể từ tháng 3 năm 1969 Liên Sô và Hoa Kỳ bắt đầu cuôc Thảo luận về Giới hạn Võ khí Chiến lược (Strategic Arms Limitation Talks, SALT). Chủ đích ban đầu của SALT là sự kiểm soát hổ tương kho vũ khí hạt nhân của mỗi bên. Sự kiện bắt buộc hiển nhiên này mới cho phép các cuộc thương thảo sau đó về sụ ngưng sản xuất, rồi sự hạn chế bằng cách phá hủy, để có thể tiến tới một sự cân bằng nào đó giữa hai cường quốc. Những cuộc thảo luận sẽ kéo dài trong những điều kiện đàm phán gay go. Thế nhưng chỉ sự hiện hữu của chương trình thảo luận cũng đã cho chúng ta thấy một thay đổi rõ nét trong chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ. Nếu hai cường quốc Liên Sô – Hoa Kỳ chịu cùng nhau hạn chế vũ khí hạt nhân, thế giới đã manh nha tiên đoán rằng sự kết thúc của chiến tranh lạnh đang trên đà trở nên hiện thực. Đã đỡ một mối lo về phía Liên Bang Sô Viết với những cuộc mở đầu của SALT, Hoa Kỳ chỉ còn một ưu tư trường kỳ đối với Trung Cọng, cũng là một cường quốc nguyên tử cho dù hiện tại chưa phải là một hăm dọa cấp bách, nhưng Trung Cọng lại là một xứ quá đông dân số, một tiềm lực rất đáng sợ không những cho an ninh của Hoa Kỳ, mà của cả thế giới mai sau. Vậy không thể để Trung Cọng bị cô lập trên chính trường thế giới được. Hoa Kỳ đã sử dụng vũ khí ngoại giao, lôi kéo Trung Cọng xích lại gần với mình bằng miếng  mồi kinh tế thương mãi. Sáng kiến « ngoại giao bóng bàn »  được khai sinh từ đó. Chỉ trên bình diện này thôi thì chúng ta có thể đưa ra một kết luận và một hệ luận. Kết luận là chủ thuyết domino đã cáo chung. Hoa Kỳ không còn xem Cọng Sản là mối đe dọa cho an ninh quốc gia mình nữa. Hệ luận là  vai trò « tiền đồn chống Cọng  » (anticommunist-outpost) được gán cho VNCH cũng không còn. Chúng ta nên nhớ rằng ngày 04/04/1959 Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower trong một bài diễn văn đọc tại đại học Gettysburg ở Pennsylvania đã kết luận rằng « quyền lợi của quốc gia Hoa Kỳ đòi hỏi phải ủng hộ Việt Nam Cọng Hòa  » . Hoa Kỳ vào lúc đó đã gắn liền quyền lợi của nước Mỹ với sự sinh tồn của miền Nam Việt Nam. Cái quan niệm chiến lược đó nay đã không cần thiết. Khi vừa bắt tay được với Liên Sô trên bàn hội nghị SALT, và đồng thời cũng đang ve vãn Trung Cọng hầu trung lập hóa một nước Cọng Sản khổng lồ thì nếu có những gì xảy ra ở Biển Đông quả là những chuyện không đáng quan tâm. Đào sâu thêm vấn đề để hiểu rõ thêm thái độ của Hoa Kỳ  trong giai đọan biến cố Hoàng Sa chúng ta không để lỡ cơ hội tìm hiểu thêm chính trường của Mỹ ở thời khoản đó.
  Trong chính giới Hoa Kỳ  nhiều người nhìn xa thấy rộng, nhưng có một số nhỏ chỉ có những ưu tư đoản kỳ, với sự hiểu biết các vấn đề quốc tế quá hạn hẹp. Hoàn cảnh chính trị Hoa Kỳ lúc đó là sự chống đối của những thành phần thiên tả và phản chiến. Trong số này có những người tên tuổi rất có thế lực trong ngành lập pháp như Thượng nghị sĩ Fulbright, Mac Govern và Church. Họ luôn chỉ trích chính phủ Hoa Kỳ và công kích hành pháp VNCH. Các giới truyền thông ở bên Mỹ cũng đóng góp không ít cho những phong trào phản chiến, chống đối chiến tranh Việt Nam. Vào đầu Xuân 1967 đã thấy có dấu hiệu là sự ủng hộ của dân chúng Hoa Kỳ đối với chiến tranh Việt Nam bắt đầu suy giảm. Gần nửa triệu binh sĩ Mỹ đã sang tham chiến nhưng chưa có ai quyết đoán là cuộc chiến sẽ được kết thúc bằng cách nào. Vì vậy một khi mà chưa có những thắng lợi quân sự cho thấy có « ánh sáng ở cuối đường hầm  » thì sự chống đối chiến tranh Việt Nam càng ngày càng gia tăng. Ở trong giai đọan này chính trường Hoa Kỳ hoàn toàn bị động, ảnh hưởng trực tiếp của dư luận trong xứ. Mà cái dư luận này là một biểu đồ gắn liền với sự có mặt của 500 000 quân sĩ Mỹ chiến đấu tại Việt Nam, chưa kể 100 000 quân đồn trú tại Thái Lan.
Vào giữa năm 1968 Hoa Kỳ bắt đầu cuộc vận động bầu cử tổng thống giữa hai ứng viên Hubert Humphrey thuộc đảng Dân Chủ và Richard Nixon của đảng Cọng Hòa. Bầu không khí trong mùa tranh cử này rất căng thẳng, nặng nề. Cử tri Hoa Kỳ đã chán nản về sự tham chiến của Mỹ tại Việt Nam từ hai nhiệm kỳ Tổng thống Kennedy và Johnson của đảng Dân Chủ, nên họ đã dồn phiếu cho ông Nixon vào tháng Mười 68.
Ngày 21 tháng 01 năm 1969 Richard Nixon tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 37 Hoa Kỳ. Nói về vấn đề Việt Nam ông tuyên bố « sau một thời gian đuơng đầu, nay chúng ta đi vào giai đọan thương thảo và thỏa hiệp »    
Trong nhiệm kỳ đầu của ông, Tổng thống Nixon đặc biệt hướng mọi nỗ lực của mình vào bang giao quốc tế. Được Henry Kissinger trợ lực với tư cách cố vấn cho chính sách ngoại giao, Tổng thống Nixon, theo lời tuyên bố trên, đã ấn định lại vai trò của Hoa Kỳ trên chính trường quốc tế bằng cách bước vào « giai đoạn thương thuyết và hòa giải ».  Người ta không phải chờ đợi lâu. Sau lời tuyên bố vào ngày 15 tháng 7 năm 1971 là ông sẽ đi sang thăm viếng Trung Quốc trước tháng 5 năm 1972, thì liền trong tháng 7/71 Tổng thống Nixon qua Bắc Kinh gặp Thủ tướng Chu Ân Lai. Ông trở lại lục địa Trung Hoa lần thứ nhì vào tháng Hai năm 1972. Cuộc gặp gỡ đôi bên lần này thành công với một thỏa hiệp thương mãi song phương. Vài tuần lễ sau ông đến Mạc Tư Khoa để mở màn cho một hiệp ước giới hạn võ khí chiến lược (SALT, những cuộc thảo luận sơ bộ này đã diễn ra từ tháng 3 năm 1969). Chính sách của Tổng thống Nixon đã khởi đầu cho « kỹ nguyên chung sống hòa bình ».
Năm 1972, Nixon quyết định tái tranh cử Tổng thống đối đầu với Thượng nghị sĩ Dân Chủ đang lên George Mac Govern. Ông Nixon lại tái đắc cử. Cho dù sau này Tổng thống Nixon bắt  buộc phải từ chức vì sự cố Watergate, nhưng trong biến cố Hoàng Sa ông Nixon vẫn còn là Tổng thống Hoa Kỳ.

Chúng ta biết rằng ngay sau khi Tổng thống Johnson còn tại chức Hoa Kỳ đã vạch một đường lối ra đi khỏi Việt Nam trong danh dự. Ngày 22 tháng Tư năm 1968 Bộ trưởng Quốc phòng Clifford tuyên bố « Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa có  đủ khả năng để tự đảm nhận an ninh cho chế độ ở miền Nam ». Đây là lời tuyên bố mở màn cho chính sách Việt Nam hóa chiến tranh  của Hoa Kỳ sau này.
Chính trong cái nhiệm kỳ hai của Tổng thống Nixon người ta thấy được càng ngày càng rõ về ý chí giải ước của Hoa Kỳ đối với VNCH. Sự giải ước đã được thai nghén dưới thời Tổng thống Johnson, và trưỏng thành dưới thời Nixon.
Chính sách của Hoa Kỳ trong giai đọan này đối với VNCH nói chung, và thái độ của họ đối với biến cố Hoàng Sa nói riêng  vừa là một mâu thuẩn với chính sách toàn cầu của Mỹ, vừa là hệ lụy tất yếu của chính sách đó. Mâu thuẩn bởi vì khi không còn muốn dính líu đến một cuộc chiến làm hao tổn xương máu và tiền bạc của nước Mỹ hơn 20 năm qua, Hoa Kỳ đã tự làm mất uy tín và vị thế chiến lược của mình ở Đông Nam Á. Và hệ lụy của chính sách nói trên là sự xích lại gần với Trung Cọng không còn cho phép Hoa Kỳ giúp đỡ VNCH, trong một cuộc xung đột được xem như giới hạn ở Biển Đông.
Trong lúc xảy ra trận hải chiến Hoàng Sa, không một chiến hạm nào của Hoa Kỳ có mặt tại khu vực. Không những họ đã ra lệnh cho Đệ Thất Hạm Đội rời khỏi Biển Đông, phong toả việc sử dụng ngư lôi đĩnh, mà còn nhất quyết từ chối mọi việc cấp cứu các chiến sĩ của ta trôi dạt trên biển sau cuộc hải chiến. Tại Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải, viên cố vấn Hoa Kỳ biết được những sửa soạn hành quân của Hải đoàn Đặc nhiệm Hoàng Sa, đã xin không dự chiến, ở lại Toà Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Đà-Nẵng  
Hoa Kỳ đã có thái độ trong biến cố Hoàng Sa. Thái độ đó là sự dửng dưng, một dửng dưng đã được sắp đặt một cách có hệ thống, và có dự mưu.
                                                                                Nguyễn Gia Nam - Ngoại ô Paris,

Tài liệu tham khảo :
- Bùi Diễm               > Gọng Kìm Lịch Sử
- Hội Đồng Hải Sử   > Hải Sử Tuyển Tập
- Vũ Hữu San & Trần Đỗ Cẩm > Tài Liệu Hải Chiến Hoàng Sa
- Nguyễn Đình Tuyến > Những Biến Cố Lớn Trong 30 Năm Chiến Tranh Tại VN 45-75
- Encarta Encyclopédie 1976
- Websites linh tinh (journal Le Monde, Wikipedia…)

No comments:

Post a Comment