"Chấm dứt chiến tranh VN, không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ cái giá phải trả, cho loại Hòa bình đó, là ngàn năm tăm tối, cho thế hệ sinh ra tại VN về sau." President Ronald Reagan
Sunday, April 12, 2015
Cuộc rút quân Vùng II ZH
VÙNG II DUYÊN-HẢI
Sau khi quân V.N.C.H. rút khỏi Đà-Nẵng và tình hình Qui-Nhơn trở nên nguy ngập, Tư-Lệnh Hải-Quân, Phó-Đô-Đốc Chung Tấn Cang, chỉ thị Tham-Mưu-Trưởng kiêm Tư-Lệnh-Phó Hải-Quân, Phó-Đề-Đốc Diệp Quang Thủy, ra Cam-Ranh giải quyết những ứ đọng tại đó để Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh, Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng II Duyên-Hải, lên HQ 3 ra Qui-Nhơn, trực tiếp điều binh tại chiến trường.
A- CUỘC RÚT QUÂN TẠI QUI-NHƠN
hq403
Trong thời gian tình hình Đà-Nẵng sôi động, HQ 400 – đã được tháo gỡ tất cả trang bị của một bệnh viện hạm – nhận lệnh chuyên chở đạn pháo binh từ Cam-Ranh ra tiếp tế Sư-Đoàn 22 phòng thủ Qui-Nhơn.
Ngày 20 tháng 3, HQ 400 ủi bãi Qui-Nhơn.
Tối 20 tháng 3, lúc 11 giờ, trong khi chờ phương tiện “bốc” số đạn pháo binh, HQ 400 bị 3 người nhái Việt-Cộng lặn đến, đặt mìn. Nhân viên canh phòng chiến hạm phát giác kịp thời, thảy lựu đạn, bắt sống được một tên – chỉ mới 16 tuổi – hai người kia lặn thoát.
Vào thời điểm này, Lực-Lượng Hải-Quân trong vịnh Qui-Nhơn có khoảng mười chiến hạm, gồm PC, PCE và WHEC với súng lớn, có tầm bắn xa, cùng với một số PGM.
Tình hình Qui-Nhơn sôi động hơn, vì tin tình báo cho hay 3 Sư-Đoàn Bắc-Việt, sau khi chiếm Đà-Nẵng, đang trên đường tiến vào Qui-Nhơn. Trên đường tiến quân, Bắc quân đã chiếm một quận nhỏ phía Bắc Qui-Nhơn.
Sau khi “đổ” quân bạn và đồng bào xuống Cam-Ranh, HQ 505 được lệnh từ Vùng II Duyên-Hải: Trở ra Sông-Cầu để yểm trợ Duyên-Đoàn 23 rút về Nha-Trang.
HQ 3 đưa Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh, Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng II Duyên-Hải, từ Cam-Ranh đến Qui-Nhơn. HQ 3 trở thành Soái-Hạm.
Tại Qui-Nhơn, Tướng Nguyễn Duy Hinh và Phó-Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại từ HQ 802 sang HQ 3; và hầu hết đơn vị trưởng Hải-Quân đều ở trên HQ 3. Riêng Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Đội III Tuần-Dương ở trên HQ 8.
Tư-Lệnh Hải-Quân, Phó-Đô-Đốc Chung Tấn Cang, chỉ thị cựu Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng I Duyên-Hải, Phó-Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, vào chức vụ Tư-Lệnh các Lực-Lượng Hải-Quân yểm trợ chiến trường Qui-Nhơn.
Ngày 31 tháng 3, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đích thân ra lệnh Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Đội III Tuần-Dương bắn kho xăng Shell và kho xăng Quân-Nhu trên núi, thuộc thành phố Qui-Nhơn. Đồng thời Tổng Thống Thiệu cũng chỉ thị Hải-Quân “bốc” Sư-Đoàn 22, thuộc quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Phan Đình Niệm, tại vịnh phía ngoài hải cảng Qui-Nhơn.
Vịnh này rất cạn. Một hải đạo sâu nhất vịnh được ghi trên bản đồ chỉ có độ sâu từ một thước rưỡi đến một thước tám! Điểm gần nhất chiến hạm có thể vào được cách bờ đến khoảng năm trăm thước – một khoảng cách không thể nào một người bình thường có thể bơi ra được!
Trong khi HQ 7 được lệnh vào sát Ghềnh-Ráng, bắn chung quanh Tòa Tỉnh – vì được báo cáo nơi đây đang bị Việt-Cộng tấn công – thì Hải-Quân Trung-Tá Lê Thuần Phong, Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Đội II Chuyển-Vận được chỉ định sang HQ 403 thực hiện cuộc đón quân của Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh.
Từ HQ 403, Trung-Tá Phong lấy ống dòm quan sát. Biển êm. Trên bờ quân lính ngồi ngay ngắn, rất có kỹ luật. HQ 403 từ từ tiến vào. Cả chiến hạm đều ngạc nhiên, tự hỏi: Tại sao thấy chiến hạm vào mà khối quân nhân trên bờ vẫn ngồi yên? Phải chăng đơn vị này đã bị Việt-Cộng chế ngự?
Tuy sợ mắc cạn và thấy tình thế bất lợi trên bờ, HQ 403 cũng vẫn chuẩn bị ủi bãi sau khi ban hành nhiệm sở tác chiến.
Trời tối dần. Biển lặng cho đến nỗi có thể nghe được tiếng mũi tàu chạm vào cát. Bỗng, ầm! Ầm! Ầm…Tiếng đạn B40 vang rền và nước bắn tung tóe trước mũi chiến hạm. Vì chỉ là một LSM, không được trang bị súng lớn, HQ 403 báo cáo ngay về HQ 3 rồi lui ra khỏi tầm đạn, chờ lệnh.
Trong khi HQ 403 chưa thể vào vịnh được thì Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh ra lệnh HQ 400 ủi bãi Trường Sư-Phạm Qui-Nhơn để đón vài đơn vị khác của Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh.
Từ trong bờ, Việt-Cộng bắn ra chiến hạm dữ dội khiến HQ 400 không thể nào ủi bãi được. Cuối cùng, những đơn vị của Sư-Đoàn 22 phải bơi ra tàu. Trong số những quân nhân bơi ra tàu có Thiếu Tướng Phan Đình Niệm, Tư-Lệnh Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh.
Trong khi đó, từ thành phố Qui-Nhơn, Trung-Đoàn-Trưởng Trung-Đoàn 42 Bộ-Binh – thuộc Sư Đoàn 22 Bộ-Binh – Đại-Tá Nguyễn Hữu Thông, liên lạc trực tiếp với Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Đội III Tuần-Dương, Hải-Quân Trung-Tá Lê Thành Uyển và cho biết rằng trong thành phố Qui-Nhơn không có một tên Việt-Cộng nào cả. Trung-Tá Uyển hỏi về những tiếng súng thì Đại-Tá Thông trả lời, đó là của Nhân-Dân Tự-Vệ bắn vu vơ, để ông ấy cho dẹp. Vì muốn biết tình hình trên bờ, Trung-Tá Uyển yêu cầu Đại-Tá Thông ra tàu sớm để hỏi thăm. Đại-Tá Thông bảo Trung-Tá Uyển cho tàu đón lính của Ông trước đi.
Tối 31 tháng 3, sau khi được báo cáo là Thiếu Tướng Phan Đình Niệm đang ở trên HQ 400 và tinh thần của Ông hơi bất an, Tướng Phạm Văn Phú, Tư-Lệnh Quân-Đoàn II, chỉ định Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh, Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng II Duyên-Hải, thay thế Tướng Phan Đình Niệm ở chức vụ Tư-Lệnh chiến trường Bình-Định. Tướng Phan Đình Niệm rời vùng trách nhiệm, theo HQ 400 về Vũng-Tàu.
Sáng 1 tháng 4, Phó-Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại ra lệnh các chiến hạm bắn hải pháo vào phi trường Qui-Nhơn.
Lúc này, tại vịnh phía ngoài hải cảng Qui-Nhơn, không biết bao nhiêu quân nhân bơi lố nhố trên mặt biển. Vì độ sâu của biển không cho phép chiến hạm ủi bãi, cho nên, nhiều PCF được phái tới, vào sát bờ, cứu gần trọn vẹn một Trung-Đoàn; còn một Trung-Đoàn khác ở lại, không bơi ra tàu.
Lý do một Trung-Đoàn không bơi ra tàu là vì: Trong cuộc chạy loạn từ vùng hỏa tuyến vào, cựu Trung-Đoàn-Trưởng của một Trung-Đoàn thuộc Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh gặp lại đơn vị cũ của Ông. Đơn vị này cho Ông biết, họ không hiểu tại sao họ phải bỏ chạy trong khi họ đang thắng lớn tại đèo Phủ-Cũ, An-Khê. Vị Trung-Đoàn-Trưởng “nhận lại” đơn vị của Ông, rồi tất cả quay vào rừng!
Cuộc đón quân tại cầu tàu Qui-Nhơn được thực hiện tương đối không mấy khó khăn. Trung-Tá Uyển lại liên lạc với Đại-Tá Nguyễn-Hữu-Thông, hỏi tại sao chưa thấy Ông trên tàu? Đại-Tá Thông đáp: “Tôi không thể ra với anh được. Lính của tôi ra hết rồi. Cảm ơn anh. Tôi đi về!” Không ai biết vị anh hùng ấy đi về đâu! (1)
Tất cả Duyên-Đoàn thuộc Vùng II Duyên-Hải ở mạn Bắc Qui-Nhơn được lệnh rút về phía Nam.
Tại Sông-Cầu, trong khi yểm trợ Duyên-Đoàn 23, HQ 505 bị hai xe tăng Việt-Cộng bắn trực xạ. Là một LST với trọng tải chuyên chở một ngàn tấn, bài-thủy-lượng bốn ngàn tấn và chỉ được trang bị ba khẩu 40 ly đơn để phòng không chứ không có “moọc-chê”, Hạm-Trưởng cho chiến hạm quay mũi, chạy ra. Vừa lúc đó, Duyên-Đoàn 23 cũng ra khỏi cửa sông. Từ đây, HQ 505 hộ tống Duyên-Đoàn 23 và đoàn ghe cùng PCF của Vùng I Duyên-Hải về Nha-Trang.
Thời gian này, nhiều MSF và PC tuần tiễu vùng Sông-Cầu báo cáo về Trung-Tâm Hành-Quân Hải-Quân Saigon là xe tăng Việt-Cộng di chuyển khơi khơi trên quốc lộ và ban đêm từng đoàn Molotova chạy, rọi đèn sáng rực mà những chiến hạm này không thể ngăn chận; vì MSF và PC chỉ được trang bị súng 76 ly mà thôi!
Sau khi Trung-Tâm Hành-Quân Hải-Quân xin Không-Quân yểm trợ mà bị từ chối, Phó-Đô-Đốc Chung Tấn Cang chỉ thị những chiến hạm với trọng pháo có tầm bắn xa, bắn sập tất cả cầu trên quốc lộ I từ Qui-Nhơn đến Đèo Cả.
Hải-Quân Đại-Tá Đỗ Kiểm, Tham-Mưu-Phó hành quân, trình lên Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham-Mưu-Trưởng Liên-Quân: Hải-Quân có thể điều động 3 Duyên-Đoàn; mỗi Duyên-Đoàn có khoảng 150 đoàn viên, cộng với vài chiếc WHEC có đại bác và 4, 5 MSF. Lực lượng này cùng với tất cả đơn vị Bộ-Binh, Nghĩa-Quân, Biệt-Động-Quân, v. v…sẽ đặt tuyến vòng đai phòng thủ Qui-Nhơn. Nếu Bộ-Tổng-Tham-Mưu can thiệp để Không-Quân yểm trợ cho lực lượng này trong vòng một tuần lễ thì Hải-Quân sẽ tăng phái nhiều WHEC vận chuyển súng lớn đến. Và như thế, những đơn vị phía Nam Qui-Nhơn đủ thì giờ tổ chức, phối hợp, bố trí, chận ngang quốc lộ I.
Trung Tướng Đồng Văn Khuyên đồng ý giải pháp do Hải-Quân đề nghị và giao Hải-Quân trách nhiệm điều động và chỉ huy.
Phó-Đô-Đốc Chung Tấn Cang đề nghị Bộ-Tổng-Tham-Mưu: Nếu muốn giao nhiệm vụ đó cho Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh thì nên đặt Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh vào chức vụ Tổng-Trấn Qui-Nhơn để Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh có toàn quyền xử dụng lực lượng Bộ-Binh và những đơn vị hiện diện trong vùng.
Tối 1 tháng 4 lúc 11 giờ, Trung Tướng Đồng Văn Khuyên gọi Trung-Tâm Hành-Quân Hải-Quân và cho biết: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký nghị định chỉ định Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh làm Tổng-Trấn Qui-Nhơn trong nhiệm vụ phối trí các lực lượng, đổ quân vào tái chiếm Qui-Nhơn.
Khuya 2 tháng 4 lúc 2 giờ, Đại-Tá Đỗ Kiểm liên lạc và thông báo với Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh về quyết định của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Sáng 2 tháng 4, sau khi Lực-Lượng Hải-Quân tại Qui-Nhơn dồn hết vào gần bờ, Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng II Duyên-Hải, kiêm Tổng-Trấn Qui-Nhơn, kiêm Tư-Lệnh chiến trường Bình-Định, Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh, cùng vài đơn vị nhỏ của Bộ-Binh và một số sĩ quan Hải-Quân đổ bộ lên Qui-Nhơn thăm dò tình hình.
Tình hình thành phố Qui-Nhơn yên lặng, ngột ngạt, nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng tên Việt-Cộng nào cả. Tại phi trường Phù-Cát, mấy mươi chiếc phi cơ còn nằm đó, nguyên vẹn. Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh đích thân liên lạc vô tuyến với những đơn vị của Sư-Đoàn 22 chưa di tản; nhưng những đơn vị này đang tán loạn, không thể liên lạc được! Tiểu-Khu-Trưởng và các Chi-Khu-Trưởng đều vắng mặt. Vì lẽ đó, sự phối trí giữa Địa-Phương-Quân, Bộ-Binh và Biệt-Động-Quân tăng phái không thực hiện được.
Chiều 2 tháng 4, toán quân đổ bộ trở lại chiến hạm. Kế hoạch lập chiến tuyến ở Qui-Nhơn bị bức tử khi vừa mới tượng hình; vì những đơn vị trưởng trách nhiệm đã đào ngũ trước khi kẻ thù xuất hiện!
Kể từ sau khi rút quân khỏi Đà-Nẵng, một hiện tượng tương tự cứ xảy ra nơi những tỉnh dọc theo miền duyên hải: Nếu thấy chiến hạm – bất kể của Hải-Quân Việt-Nam hay Hải-Quân Hoa-Kỳ – lãng vãng ngoài khơi và cố vấn Mỹ chào tạm biệt Tiểu-Khu-Trưởng để ra đi thì, liền sau đó, Tiểu-Khu-Trưởng cũng đi theo, tạo nên tình trạng “rắn không đầu”! Binh sĩ tự động rời đơn vị về lo cho gia đình!
Trên hải trình trở về Bộ-Chỉ-Huy Hải-Quân Vùng II Duyên-Hải, Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh chỉ thị HQ 7 bắn yểm trợ vùng Phú-Yên. Cũng chính Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh trực tiếp điều động tất cả Lực-Lượng Hải-Quân trong vùng và liên lạc với những đơn vị bạn trên bờ để thực hiện các cuộc đón quân dọc theo miền duyên hải.
(1) Theo tài liệu của Lý Trung Tín trên website Trúc-Lâm Yên-Tử thì – sau khi tất cả quân nhân dưới quyền của Ông nhập hạm – Đại Tá Nguyễn Hữu Thông đã đi ngược về phía những Ngọn Đồi Vô Danh, tức cao điểm 82-174, phía Tây Nam quận Hoài-Nhơn, Bình-Định rồi tự sát để được chết cạnh những quân nhân thuộc quyền chỉ huy của Ông đã tử trận!
B- CUỘC RÚT QUÂN TẠI NHA-TRANG
hq504Khi HQ 504 đưa Lữ-Đoàn 3 Nhảy Dù – dưới sự chỉ huy của Đại-Tá Lê Văn Phát – từ Đà-Nẵng về Nha-Trang, “đổ” tại bãi trước Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Nha-Trang thì đồng bào tại Nha-Trang mừng rỡ vô cùng; vì họ nghĩ rằng đổ quân Dù về đây có nghĩa là V.N.C.H. sẽ cố thủ Nha-Trang.
Đoàn lính Mũ Đỏ vừa rời chiến hạm, không hiểu từ đâu, đồng bào ùa đến, reo hò vang dội. Nhiều người nhào đến ôm đại mấy anh lính Dù rồi vừa khóc vừa cười, phát âm những lời vô nghĩa nhưng âm hưởng nôn nao, xúc động lạ thường. Có những bà cụ hom hem biếu anh Nhảy-Dù củ khoai, lóng mía. Có những ông cụ trầm tĩnh, đốt điếu thuốc, bập bập vài cái rồi gắn điếu thuốc vào môi anh lính Dù. Những em bé đi chân trần, chạy lăng xăng, rót ly trà nóng từ cái ấm đất trao cho anh lính Dù, rồi đôi mắt chớp chớp nhìn anh, đầy ngưỡng phục. Mỗi lúc đồng bào kéo đến càng đông. Họ vui mừng vì sự hiện diện của đoàn quân mà, mỗi bước tiến của đoàn quân ấy là trăm bước lùi của địch.
Thế nhưng, ngày hôm sau, Bộ-Tổng-Tham-Mưu điều động Lữ-Đoàn Dù này lên M’Drak, Khánh-Dương; vì lúc này mặt trận Khánh-Dương đang nổ dữ dội!
Mặc dù với số lượng khoảng mười ba ngàn quân, dân di tản từ miền Trung vào và từ Cao-Nguyên xuống, đang sống chui rúc tại đèo Rù-Rì, tình hình Nha-Trang chưa đến nỗi rối loạn. Nhưng khi Tướng Phạm Văn Phú, Tư-Lệnh Quân-Đoàn II, rời Nha-Trang và tin Hải-Quân Trung-Tá Hà Ngọc Lương – thủ khoa khóa 9 sĩ quan Hải-Quân Nha-Trang – giết vợ và năm con rồi tự sát vì vợ không chịu di tản thì đồng bào trở nên xôn xao, hoảng hốt. Tiếp theo là nhà tù bị phá. Cảnh cướp bóc diễn ra. Đồng bào kéo nhau ra bãi biển hoặc xuống Cầu-Đá tìm phương tiện ra đi.
Ngày 1 tháng 4, Tổng-Lãnh-Sự Mỹ tại Nha-Trang ra lệnh cho tất cả công dân Hoa-Kỳ rời Nha-Trang ngay tức khắc. Tình trạng Nha-Trang cũng giống hệt như tình trạng tại Đà-Nẵng mấy ngày trước.
Khi HQ 401 vừa cập vào Cầu-Đá, mọi người xô đẩy nhau, rớt xuống biển. Một số người tràn vào được chiến hạm, làm nghiêng tàu. Hạm-Trưởng phải ra lệnh cho chiến hạm lui ra. Vì lý do đó, khi những LST và một số PCF thuộc Hải-Đội III Tuần-Dương từ Đà-Nẵng vào, không được phép đổ quân, dân xuống Nha-Trang – như kế hoạch đã dự trù – đành hải hành thẳng vào Cam-Ranh. HQ 505 và HQ 403 xin vào Nha-Trang đón quân và đồng bào di tản, nhưng Tư-Lệnh Hạm-Đội không thuận.
Thấy không được Hải-Quân đón, một số lính nổi loạn, bắn bừa ra chiến hạm và bắn luôn cả trực thăng. Trực thăng chở nhiếp ảnh gia David Kennerly bay vòng vòng cho Ông chụp ảnh cũng bị bắn!
Thời gian này, HQ 406 đang thực hiện công tác chuyển quân và tiếp tế tại Vùng IV Duyên-Hải, được điều động về Nha-Trang đón Liên-Đoàn sinh viên Sĩ Quan Hải-Quân vào Saigon.
Ngày 2 tháng 4, HQ 406 đến Nha-Trang. Hải-Quân Thiếu-Tá Nguyễn Ngọc Cảnh, Liên-Đoàn-Trưởng Liên-Đoàn sinh viên sĩ quan Hải-Quân, điều động tất cả sinh viên – khoảng 400 sinh viên – chạy bộ từ Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân xuống Cầu-Đá. Nơi đây, phải vất vả lắm, HQ 406 mới hoàn tất được công tác đã được giao phó.
Sáng 3 tháng 4, khoảng 6 giờ, Chỉ-Huy-Trưởng Trung-Tâm Huấn-Luyện Nha-Trang, Phó-Đề-Đốc Nguyễn Thanh Châu, rời Nha-Trang bằng trực thăng.
Tại Nha-Trang, Hải-Quân có thể vớt được nhiều đồng bào và quân bạn hơn, vì phương tiện Hải-Quân đầy đủ và vì Việt-Cộng chưa xâm nhập thành phố. Nhưng cảnh hỗn loạn khiến Hải-Quân sợ chìm tàu, cho nên, Lực Lượng Hải-Quân Vùng II Duyên-Hải cùng với các lực lượng về từ Đà-Nẵng kéo vào Cam-Ranh.
C- BỎ NGÕ CAM-RANH
hq3Trong khi Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh thực hiện kế hoạch đổ bộ Qui-Nhơn thì, tại Cam-Ranh, một số Tướng lãnh từ Đà-Nẵng rút vào, xử dụng tư dinh của Phó-Đề-Đốc Minh làm nơi tạm trú.
Trong tình cảnh hỗn loạn và không có sự hiện diện của Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng II Duyên-Hải tại Bộ-Chỉ-Huy, nhiều quân nhân ngang nhiên vào kho khiêng đi những dụng cụ điện tử Mỹ còn để lại.
Về đến Cam-Ranh, chính Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh ra lệnh cho đám quân nhân vô kỹ luật này đem tất cả dụng cụ điện tử để lại chỗ cũ; nếu không, Ông sẽ bắn ngay tại chỗ. Sau đó, Tư-Lệnh Vùng II Duyên-Hải dùng trực thăng thị sát diễn tiến những cuộc “đổ” và “bốc” quân.
Tại vịnh Cam-Ranh, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, cựu Tư-Lệnh Quân-Đoàn II, dùng một chiến đỉnh ra HQ 404 thăm Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, cựu Tư-Lệnh Vùng I Chiến-Thuật.
Sau đó, HQ 404 được lệnh ủi bãi Tân-Cảng để tất cả Thủy-Quân Lục-Chiến xuống Cam-Ranh; chỉ đưa một mình Trung Tướng Ngô Quang Trưởng về Saigon.
Trong khi Thủy-Quân Lục-Chiến rời HQ 404, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng lặng lẽ rời chiến hạm, đi theo những người lính đã cùng chia xẻ những giờ phút cuối cùng trong đời binh nghiệp của Ông! Hạm-Trưởng HQ 404 trình: “Thưa Trung-Tướng, lệnh từ Saigon yêu cầu tôi đưa Trung Tướng về Saigon. Xin Trung Tướng ở lại tàu cho.” Trung Tướng Trưởng đáp: “Xin phép Saigon cho Thủy-Quân Lục-Chiến về Saigon dưỡng quân và chỉnh đốn hàng ngũ. Nếu bắt họ xuống Cam-Ranh thì tôi sẽ xuống luôn.”
Yêu cầu của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng được Bộ-Tổng-Tham-Mưu chấp thuận.
Riêng HQ 802, sau khi “đổ” tất cả binh sĩ của Sư-Đoàn II Bộ-Binh, Thủy-Quân Lục-Chiến và đồng bào xuống Cam-Ranh, được lệnh trở ra Qui-Nhơn. Nhưng vừa ra khỏi vịnh Cam-Ranh, Hạm-Trưởng HQ 802 nhận được phản lệnh: Hủy bỏ công tác Qui-Nhơn. Về Cam-Ranh trình diện Vùng II Duyên-Hải.
Trở lại Cam-Ranh, HQ 802 được lệnh chuyển vận toàn bộ thành phần còn lại của Sư-Đoàn Thủy-Quân Lục-Chiến về Vũng-Tàu.
Từ Qui-Nhơn vào Cam-Ranh, HQ 403 kéo theo nhiều LCU Quân-Vận, LCVP, LCM và vớt thêm rất nhiều người trên những ghe chạy ven biển. Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất, cựu Tư-Lệnh mặt trận Kontum, nhập hạm lúc nào, tại hải phận nào, không ai hay. Khi vào đến vịnh Cam-Ranh, biết có sự hiện diện của Tướng Phạm Duy Tất trên chiến hạm, Hạm-Trưởng HQ 403 cặp bên hông HQ 3, mời Tướng Phạm Duy Tất sang HQ 3.
Ngày 1 tháng 4, tại Bộ-Chỉ-Huy Vùng II Duyên-Hải, Phó-Đề-Đốc Diệp Quang Thủy hội ý với Trung Tướng Lê Nguyên Khang, phụ tá hành quân Tổng-Tham-Mưu Quân-Lực V.N.C.H. và Thiếu Tướng Bùi Thế Lân, Tư-Lệnh Thủy-Quân Lục-Chiến. Phó-Đề-Đốc Thủy cho rằng với lực lượng cơ hữu và những đơn vị khác từ Đà-Nẵng và Qui-Nhơn rút vào, V.N.C.H. chỉ cần phá sập các cầu trên quốc lộ I thì có thể giữ được Cam-Ranh, chờ Saigon tăng phái để lập phòng tuyến Cam-Ranh. Tướng Khang và Tướng Lân đồng ý. Phó-Đề-Đốc Thủy liên lạc với Phó-Đô-Đốc Chung Tấn Cang, xin hai đại đội Người Nhái để thực hiện công tác phá cầu.
Sau khi nhận được yêu cầu của Phó-Đề-Đốc Thủy, vì tình hình tại Bộ-Tổng-Tham-Mưu rối loạn, Phó Đô-Đốc Cang phải liên lạc trực tiếp với Thủ-Tướng Trần Thiện Khiêm.
Chiều 1 tháng 4, Tư-Lệnh Hải-Quân, Phó-Đô-Đốc Chung Tấn Cang, thông báo cho Phó-Đề-Đốc Diệp Quang Thủy: Phải rút khỏi Cam-Ranh theo lệnh trên!
Vào thời điểm này, trong lúc lên Bộ-Chỉ-Huy Vùng II Duyên-Hải nhận chỉ thị, Hải-Quân Trung-Tá Dương Hồng Võ, Chỉ-Huy-Phó Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Cam-Ranh, gặp Trung Tướng Lâm Quang Thi. Tướng Thi hỏi:
- Anh còn bao nhiêu lính? Mình tử thủ.
- Thưa, tôi còn một ngàn sáu trăm lính; nhưng vũ khí chỉ là vũ khí để huấn luyện chứ không có súng lớn.
- Có đơn vị tiếp vận gần đây, anh ghé lấy.
- Dạ, đơn vị đó đi hết rồi.
- Nếu nó chạy thì nó chạy mình không chứ nó mang súng ống theo làm gì. Anh cứ tới phá kho. Mình tử thủ.
Trung-Tá Võ không biết phải đáp như thế nào, chỉ cười, rồi vào phòng hành quân nhận lệnh. Khi Trung-Tá Võ trở ra, trực thăng chở các vị Tướng đang lấy đà, nâng thân tàu lên!
Tối 1 tháng 4, HQ 403 được lệnh đón tân binh, quân nhân và gia đình tại cầu tàu Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Cam-Ranh.
Cầu tàu không đèn, nước lại ròng và gió từ trong bờ thổi ra rất mạnh. Ba lần HQ 403 cập vào, cả ba lần đều bị dạt ra. Hạm-Trưởng HQ 403 phải đổi lối cặp lùi. Hạm-Trưởng HQ 403 thường áp dụng lối cặp này mỗi khi về bến, hoặc mỗi khi phải trực cầu Tư-Lệnh mà bị nước xuôi dòng. Những lần đó Hạm-Trưởng HQ 403 thành công. Nhưng lần này, vì không đèn, vị sĩ quan đứng sau lái không cho dấu hiệu kịp thời, cho nên HQ 403 đụng vào cầu và bị thủng một lỗ lớn!
Trong khi Hạm-Trưởng và nhân viên HQ 403 tận dụng mọi khả năng để đưa chiến hạm vào cứu nhóm người trên cầu tàu thì, trong nhóm người ấy, một số quân nhân nổi loạn, cướp của, giết người, gây kinh khiếp một vùng. Một Trung-Đội Lôi-Hổ giúp Hải-Quân tước vũ khí đám loạn quân, tái tạo an ninh rồi mới đưa được mọi người lên HQ 403.
HQ 403, được lệnh xuôi Nam trong khi nhiều thương thuyền ngoại quốc và xà-lan đầy người vẫn còn neo trong vịnh.
Tình cảnh vịnh Cam-Ranh trong thời điểm này không khác chi Đà-Nẵng. Lính nổi loạn, bắn bừa ra chiến hạm. Người từ ghe hay tàu nhỏ hoặc xà-lan leo lên tàu lớn, hụt tay, rớt xuống biển. Trẻ em bị ném từ dưới ghe nhỏ hoặc xà-lan lên tàu lớn. Người trên tàu lớn chụp hụt, em bé rơi vào giữa hai thành tàu. Tiếng thét hãi hùng. Tiếng “bụp” khô khan. Vệt máu đỏ trên thành tàu. Một cơ thể tí ti chập chờn trên mặt nước đã loang màu hồng!
Bên Ba-Ngòi, từng suối người cuồn cuộn tuôn về Nam.
Ngày 2 tháng 4, Phó-Đề-Đốc Diệp Quang Thủy rời Cam-Ranh bằng HQ 7. Chính chiến hạm HQ 7 này, đầu thập niên 60, Phó-Đề-Đốc Diệp Quang Thủy đã từng là Hạm-Trưởng.
Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh, sau khi ra lệnh thiêu hủy kho dụng cụ điện tử do Mỹ để lại, lên HQ 3, vào phòng tuyến Phan-Rang.
2 giờ chiều cùng ngày, quân của Sư-Đoàn 10 Việt-Cộng tiến vào Cam-Ranh không gặp bất cứ một sự kháng cự nào cả!
D- TRÊN BIỂN PHAN-RANGhq2Sau khi HQ 501 chuyển Sư-Đoàn II Bộ-Binh đến Bình-Tuy, Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt được lệnh đưa Trung-Đoàn 6 vô Phan-Thiết, Trung-Đoàn 5 và Trung-Đoàn 4 ra Phan-Rang.
Tại tuyến Phan-Rang, Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt trực thuộc sự điều động của Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi. Lúc bấy giờ, Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi là phụ tá Tướng Nguyễn Văn Toàn, chỉ huy mặt trận tiền phương Phan-Rang.
Tại vịnh Phan-Rang, Lực-Lượng Hải-Quân gồm:
Duyên-Đoàn 27
HQ 2, HQ 3, HQ 403, HQ 228
Vài LCU
Nhiều PGM
Chiều 3 tháng 4, gần Duyên-Đoàn 27, Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh từ HQ 3 chuyển sang HQ 2.
Là một Destroyer, HQ 2 được trang bị: Một khẩu 76 ly 2, hai giàn 40 ly đôi, mười giàn 20 ly đôi.
Sau khi tham dự các cuộc rút quân từ miền Trung, HQ 2 được lệnh án ngữ vùng biển Phan-Rang.
Ngày 4 tháng 4, HQ 403 neo trong vịnh Phan-Rang. Khoảng xế trưa, một ghe nhỏ chở 5, 6 quân nhân xin nhập hạm. Một quân nhân chỉ một người ngồi trong ghe và nói với Hạm-Trưởng: “Đó là Đại-Tá Tiểu-Khu-Trưởng Tiểu-Khu Nhinh-Thuận (Phan-Rang). Xin Hạm-Trưởng cho lên tàu.” Hạm-Trưởng đáp: “Tôi được lệnh không đón ai hết.” Sau một lúc chần chừ, chiếc ghe chạy dọc theo bờ biển, về hướng Nam.
HQ 403 nhổ neo, chạy tới chạy lui vùng biển Phan-Rang. Tối đến, từ máy truyền tin PRC25 của chiến hạm vang lên những lời bực dọc: “Việt-Cộng chưa tới mà thằng cha Tỉnh Trưởng chạy đâu mất tiêu!” và nhiều câu tương tự.
Ngày 5 tháng 4, mấy phi cơ A37 của Không-Quân V.N.C.H. ra dội bom dọc triền núi Cam-Ranh. Phi cơ do Trung-Úy phi công Lý-Tống lái bị trúng đạn phòng không của Việt-Cộng, rớt tại cầu Trà-Long!
Thời điểm này, HQ 7, sau khi đưa Phó-Đề-Đốc Diệp Quang Thủy về Saigon, được chỉ thị ra vịnh Cà-Ná. Ban ngày, HQ 7 tuần tiễu từ đền Rạch-Trắng (Nha-Trang) đến Tuy-Hòa, mặc dù đã thuộc về Việt-Cộng. Ban đêm, HQ 7 về lại vịnh Phan-Rang, bắn vào những vị trí theo lệnh của Tư-Lệnh hành quân Lưu-Động-Biển, Phó-Đề-Đốc Nguyễn Hữu Chí.
Vài hôm sau, HQ 7 được lệnh vào sát bờ Cam-Ranh để bắn chận xe tăng Việt-Cộng; vì xe tăng Việt-Cộng chạy ngờ ngờ trên quốc lộ I.
Ngày 12 tháng 4, HQ 403 về Saigon. HQ 406 đưa hai đại đội Cánh-Sát Dã-Chiến từ Cát-Lỡ ra tăng cường cho mặt trận Phan-Rang.
Ngày 13 tháng 4, HQ 505 được lệnh sang Thành-Tuy-Hạ nhận 800 tấn đạn 105 ly và 155 ly, chuyển ra tiếp tế Phan-Rang.
HQ 17, sau thời gian tiểu kỳ, được lệnh ra Vùng II Duyên-Hải. HQ 503 cũng được lệnh ra Phan-Thiết, Phan-Rang và nhận lệnh chỉ huy của Hạm-Trưởng thâm niên tại vùng biển này – lúc bấy giờ là Hạm-Trưởng HQ 17.
Ngày 15 tháng 4, Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh cùng Hạm-Trưởng HQ 2, Hải-Quân Trung-Tá Đinh Mạnh Hùng – người trùng cả tên lẫn họ với Phó-Đề-Đốc Đinh Mạnh Hùng, phụ tá Tư-Lệnh Hải-Quân hành quân Lưu-Động-Sông – đáp trực thăng vào phi trường Phan-Rang hội.
Phiên họp gồm:
Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi
Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt
Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang – Sư-Đoàn-Trưởng Sư-Đoàn VI Không-Quân
Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh
Vài sĩ quan cấp tá
Buổi họp chưa bàn thảo được gì thì ngoài bãi đậu, nhiều phi công trực thăng lấy trực thăng bay đi, tạo nên cảnh hốt hoảng, rối loạn; vì họ nghe đồn Việt-Cộng đang vây phi trường Phan-Rang.
Các Tướng lãnh không liên lạc được với Quân-Đoàn III và cũng không điều động được ai cả, đành phân tán. Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh được một trực thăng đưa ra HQ 3. Tướng Trần Văn Nhựt cũng được một trực thăng “vớt”. Và, rút kinh nghiệm từ những cuộc di tản ngoài miền Trung, Tướng Nhựt ra lệnh phi công đưa Ông ra biển. Thấy HQ 3, Tướng Nhựt từ trực thăng nhảy xuống biển và được nhân viên HQ 3 vớt lên. Từ đài chỉ huy HQ 3, Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt, Tư-Lệnh Sư-Đoàn II Bộ-Binh, báo cáo trung ương: Phan-Rang thất thủ!
Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang không tìm được phương tiện rời phi trường.
Trong khi những sự việc nêu trên xảy ra, Hạm-Trưởng HQ 2 đi bộ – chứ không phải chạy bộ – từ phi trường Phan-Rang đến Duyên-Đoàn 27, đáp Yabuta ra HQ 2.
Ngày 16 tháng 4, HQ 406 đến hải phận Phan-Rang. Khi chiến hạm tiến vào bãi biển Phan-Rang thì được lệnh Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh không cho ủi bãi. Hạm-Trưởng báo cáo về Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân rồi lềnh bềnh cách bờ khoảng hai hải lý, chờ lệnh.
Tối 16 tháng 4, tình hình Phan-Rang sôi động. HQ 3 đổi vị trí. HQ 406 được lệnh lui ra xa.
Sáng 19 tháng 4, HQ 505 đến vịnh Phan-Rang.
Mặt trận Phan-Rang bùng nổ.
Sáng 20 tháng 4, HQ 505 và HQ 406 nhận lệnh phải lềnh bềnh cách bờ khoảng 2 hải lý, chờ lệnh.
Hai chiếc T54 nằm ngay bãi biển, nòng súng chỉa thẳng ra hai chiến hạm. HQ 406 được lệnh đem Cảnh-Sát Dã-Chiến về lại Cát Lỡ.
Từ bờ biển Phan-Rang, một rừng ghe ào ạt bơi ra. Điều đặc biệt là trên ghe không có đồng bào, chỉ có lính và lính. HQ 505 được lệnh không vớt ai cả.
Sau đó, HQ 505 được lệnh rời vịnh Phan-Rang. HQ 3 đưa Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh về Saigon. HQ 2 và những chiến hạm khác vẫn lềnh bềnh ngoài khơi. HQ 503 được lệnh tiếp nhận khoảng 200 quân và dân thuộc quận Tuy-Phong, phía Nam Phan-Rang. Nhóm quân, dân này rút ra biển bằng ghe.
E- BÊN B PHAN-THIẾT
hq503Trên đường lui binh về Nam, chiến hạm Hải-Quân, hoặc đã đầy người, hoặc đang chuyên chở vũ khí nặng, không thể giúp các đơn vị bạn tại Phan-Thiết nhiều, như đã giúp những đơn vị khác từ các tỉnh miền Trung.
Tại vịnh Cà-Ná, thuộc tỉnh Ninh-Thuận, HQ 503 đang tuần tiễu thì thấy một trực thăng bay quanh chiến hạm. Một mệnh lệnh vang lên từ máy truyền tin: “Mặt trời muốn nói chuyện”. Hạm-Trưởng HQ 503 tức tốc chụp ống liên hợp. Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi từ trực thăng đích thân ra lệnh cho Hạm-Trưởng HQ 503: “Anh vào bờ vớt mấy thằng con của tôi.” Chỉ một câu đó thôi, rồi trực thăng biến dạng vào bờ.
Sau khi lấy ống dòm, nhìn vào bờ và thấy mấy toán Nhảy-Dù đang dùng kính phản chiếu cấp cứu rọi ra chiến hạm, Hạm-Trưởng HQ 503 liên lạc với Hạm-Trưởng HQ 17, xin chỉ thị. Hạm-Trưởng HQ 17 chấp thuận.
Vùng Cà-Ná núi đá ra tận biển, cho nên việc đưa một LST vào sát bờ không thể thực hiện được. Hạm-Trưởng cho hạ hai LCVP xuống ủi bãi; nhưng hai LCVP cũng không vào được. Hạm-Trưởng mạo hiểm, đưa HQ 503 vào sát bờ hơn nữa. Nhưng khoảng cách từ chiến hạm đến bờ cũng khoảng hai, ba trăm thước, không thể nào mấy toán Nhảy-Dù có thể bơi ra được!
Thấy một số ghe tam bản đánh cá gần đó, Hạm-Trưởng HQ 503 cho gọi họ đến, thương lượng. Những ngư phủ này đồng ý đưa mấy toán Nhảy-Dù ra chiến hạm để đổi lấy hai “phuy” dầu cặn.
Để làm tin, Hạm-Trưởng cất tất cả thẻ kiểm tra của nhóm ngư phủ và mỗi ghe phải để lại một người trên chiến hạm.
Vì ghe tam bản không có khả năng đi xa, Hạm-Trưởng phải giữ chiến hạm càng gần bờ càng tốt. Trong vị thế như vậy, chỉ một sơ hở hay một cơn sóng bất thần hoặc một luồng gió mạnh cũng có thể đẩy chiến hạm lên bờ; mà mắc cạn trong lúc này là chết hết!
Để phòng ngừa mọi bất trắc, Hạm-Trưởng chia nhân viên thành hai nhóm. Nhóm chỉ huy chiến hạm do Hạm-Trưởng đảm trách; nhóm chỉ huy các ghe vào đón quân Dù do Hạm-Phó phụ trách.
Chiều 16 tháng 4, khoảng 5 giờ, công tác hoàn tất. HQ 503 vớt được 20 anh lính Dù.
Sau khi vận chuyển, quay mũi ra khơi, Hạm-Trưởng HQ 503 giao chiến hạm cho sĩ quan đương phiên. Vào phòng chưa được bao lâu, Hạm-Trưởng nghe tiếng gõ cửa gấp rút: “Hạm-Trưởng! Hạm-Trưởng! Việt-Cộng pháo ra tàu.” Hạm-Trưởng chụp ngay ống liên hợp, ra lệnh cho đài chỉ huy: “Nhiệm sở tác chiến! Tăng tốc độ tối đa. Lái zigzag ra khơi. Gọi tàu bạn tới cứu!”
Ra lệnh xong, Hạm-Trưởng chạy ngay lên đài chỉ huy. Hạm-Trưởng vừa lên ngang phòng ăn, một trái đạn rớt ngay phòng vô tuyến. Sĩ quan vô tuyến bị thương. Hạm-Trưởng ra lệnh cho hạ sĩ quan vô tuyến: “Gọi tàu bạn tới cứu!” rồi Hạm-Trưởng tiếp tục chạy lên đài chỉ huy.
Vì nghĩ rằng khi chiến hạm bị trúng trọng pháo, điện sẽ bị hỏng, hệ thống điện thoại sẽ bị gián đoạn, Hạm-Trưởng chạy vòng ra phía trước, bên ngoài đài-chỉ-huy, cầm ống hơi – không cần dòng điện – để chỉ huy, chứ Ông không vào đài chỉ huy, ngồi lên ghế Hạm-Trưởng, với đầy đủ hệ thống chỉ huy toàn chiến hạm.
Hạm-Trưởng vừa cầm ống hơi, bất ngờ một quả đại bác rớt ngay đài chỉ huy. Một sĩ quan và năm nhân viên trong đài chỉ huy tử thương! Hạm-Trưởng bị sức ép, ngã xuống. Chỉ vài tích tắc, Hạm-Trưởng HQ 503 bừng tỉnh và cảm thấy vật gì nhầy nhụa trong lòng bàn tay trái và máu từ trên đầu tuôn xối xả! Hạm-Trưởng tưởng rằng Ông đã chết và vật nhầy nhụa trong bàn tay là não của Ông! Nhưng không hiểu một mãnh lực nào đó trợ giúp, Hạm-Trưởng HQ 503 gượng đứng dậy, tiếp tục ra lệnh cho phòng lái (ngay dưới đài chỉ huy): “Tiếp tục lái ra khơi. Kêu tàu bạn tới cứu. Báo cáo Hạm-Trưởng có lẽ đã chết!”
Nghe HQ 503 kêu cứu, HQ 17 phản pháo dữ dội.
Ra khỏi tầm đạn của Việt-Cộng, kiểm điểm lại, HQ 503 bị trúng 20 trái đại bác. Chiến hạm bị hư hại nặng, chỉ còn một máy. Hai mươi nhân viên chết và bị thương. Hạm-Trưởng thoát chết!
Trong khi những sự việc nêu trên xảy ra cho những người thừa hành lệnh của Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi thì, chính Trung Tướng Nghi, sau khi bay trở lại mặt trận Phan-Rang để tham dự cuộc họp hành quân tại phi trường, đã bị Việt-Cộng bắt tại một hầm chống pháo kích, cùng với Chuẩn Tướng Không-Quân Phạm Đình Sang và một nhân viên tình báo Hoa-Kỳ, Lew James!
Tối 16 tháng 4, khoảng 9 giờ, Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh chỉ thị HQ 503 trực chỉ Vũng-Tàu. Vì chiến hạm chỉ còn một máy, chạy chậm và cũng vì thiếu dụng cụ y-khoa cấp cứu, một số nhân viên bị thương nặng phải chết!
Thời điểm này HQ 7 đang tuần tiễu vùng Mũi Né, được điều động vào vịnh Cà-Ná, bắn hải pháo vào những điểm tình nghi có Việt-Cộng. Sau đó, HQ 7 lại được điều động khẩn cấp từ Cà-Ná về bắn hải pháo yểm trợ phi trường Phan-Thiết. HQ 403 từ Saigon được lệnh trở ra Phan-Thiết, lềnh bềnh ngoài khơi, chờ. HQ 11 được chỉ định thay thế HQ 7 tại vịnh Cà-Ná.
HQ 11 vừa đến Cà-Ná liền bị Việt-Cộng bắn 105 ly trực xạ. Đạn rơi quanh chiến hạm. Một trái trúng chiến hạm nhưng lại không nổ, gây tử thương cho một thượng sĩ trọng pháo. Sau đó HQ 11 được lệnh về Saigon sửa chữa, rồi tuần tiễu ở vịnh cù lao Thu, trong vịnh Phan-Thiết.
Đêm 17 tháng 4, lửa đạn mịt trời trong thành phố Phan-Thiết.
Trưa 18 tháng 4, HQ 505 nghe tiếng kêu cứu của Đại-Tá Tỉnh-Trưởng Phan-Thiết trong máy truyền tin PRC25, nhưng đành chịu!
Thời gian này, Hộ-Tống-Hạm Ngọc-Hồi HQ 12 đang yểm trợ giàn khoan dầu ngoài khơi Vũng-Tàu, được điều động về vùng biển Phan-Thiết. Tại Phan-Thiết, HQ 12 cùng với HQ 7 bắn hải pháo yểm trợ vùng Hàm-Tân.
Sau khi Hàm-Tân thất thủ, lính ùa ra biển và được HQ 403 vớt.
Đêm 19 tháng 4, trong khi đoàn xe tăng Việt-Cộng trên quốc lộ I nã trọng pháo ra HQ 17 và chiến hạm này đang đáp lại bằng hải pháo trực xạ thì HQ 17 được lệnh ra đảo Trường-Sa thay thế HQ 16.
Quần đảo Trường-Sa là một vị trí chiến lược, gồm rải rác nhiều đảo xa nhau. Trong những đảo đó, Trung-Hoa Quốc-Gia chiếm một, V.N.C.H. chiếm ba đảo nhỏ và đang tranh chiếm thêm nhiều đảo nữa, nhưng không được. Ngoài ra, Phi-Luật-Tân và Mã-Lai cũng công bố chủ quyền của họ trên vài đảo.
Hải-Quân Trung-Cộng hiện diện trong vùng Trường-Sa gồm một mẫu hạm và vài chiến đỉnh. Hải-Quân V.N.C.H. chỉ có HQ 14 và HQ 16.
Hải-Quân V.N.C.H. và Hải-Quân Trung-Cộng theo dõi nhau bằng radar, mắt thường chỉ thấy lờ mờ. Đôi bên gườm nhau nhưng có vẻ né tránh một cuộc hải chiến. Hễ Hải-Quân Việt-Nam tiến vào thì Hải-Quân Trung-Cộng dạt ra; nếu Hải-Quân Việt-Nam lui ra thì Hải-Quân Trung-Cộng tiến vào. Tình trạng căng thẳng liên miên như vậy khiến Hạm-Trưởng Việt-Nam phải thức suốt đêm đấu trí với Hạm-Trưởng Trung-Cộng.
HQ 17 đến thay thế HQ 16, tình trạng vẫn không thay đổi!
Sáng 26 tháng 4, Trung-Cộng cắm cờ trên một hòn đảo không người của ba hòn đảo thuộc chủ quyền của V.N.C.H. Nhưng vì tình hình nội địa rối ren, HQ 17 chưa nhận được chỉ thị gì cả.
Ngày 28 tháng 4, qua đài phát thanh, Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu yêu cầu người Mỹ rời khỏi Việt-Nam trong vòng 24 giờ. Hạm-Trưởng HQ 17 tiên đoán được phần nào những biến chuyển tại thủ đô. Sau nhiều giờ suy nghĩ, Hạm-Trưởng HQ 17 xin và được Hạm-Đội Hải-Quân V.N.C.H. chấp thuận cho rút quân.
HQ 17 đón Địa-Phương-Quân của Tiểu-Khu Phước-Tuy và Tiểu-Khu Bình-Tuy trên đảo Thị-Tứ và đảo Nam-Yết. Vì đảo Nam-Yết ở phía Nam và đảo Thị-Tứ ở mạn Bắc, cách nhau khoảng bảy hoặc tám giờ hải hành, cho nên đến 6 giờ chiều 29 tháng 4, HQ 17 mới khởi hành về Vũng-Tàu.
Xin xem thêm:
- Cuộc rút quân Vùng I Duyên-hải
- Cuộc rút quân Vùng III & IV & V Duyên-hải
Điệp-Mỹ-Linh www.diepmylinh.com
Tài liệu Hải Quân VNCH
|
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment