Tuesday, July 8, 2014

CHINH NHÂN VÀ NGƯỜI TÌNH





   LTG: Ai từng đọc thiên hồi ký “Thép Đen” thì không thể bỏ qua chuyện tình của người biệt kích sở Bắc, đồng cảnh ngộ với Điệp Viên Đặng Chí Bình…
   Darren Thăng
Tản bộ về nhà bố mẹ vợ sau nghi thức rước dâu người con gái ông bà về nhà chồng độ dăm bước đường.     Cầm nắm ổ khóa xoay chiều định mở cửa vào nhà, nhưng cửa đã khóa chặt.  Nhìn thoáng qua tấm mành   thưa đàng sau lớp kính của cánh cửa ra vào, thấy có khách hình như là người Việt Nam thì phải? 
 Quái lạ!  Bố mẹ vợ của mình vừa mới dọn về vùng này độ 2 năm nay thôi, có thân bằng quyến thuộc hay bạn bè gần gũi chi đâu mà lại đến vào dịp đám cưới con gái ông bà vậy?  Người mẹ vợ thấy bóng người thân đứng ngoài sân, bèn rời gót ghế sofa ra mở cửa cho vào. 
Bà lịch sự giới thiệu với tôi, đây là ông bà Lân và ông bà bạn ở chung nhà cũng vừa mới đến định cư ở Mỹ.  Vì quen biết sơ ở nhà thờ trong xóm nên mời đến nhà chơi, nhân thể tham dự lễ vu quy của con gái mình hôm ấy.  Đó là ngày thứ bảy, độ trung tuần tháng 7 năm 1994.  Lần đầu tiên tôi gặp gỡ họ.  Bốn ông bà người Bắc vui vẻ, cởi mở và bặt thiệp. Có lẽ vì ái ngại nên không ai chịu đi tham dự tiệc cưới tối hôm đó, dù được mời mọc.
Ông Lân tốt bụng tình nguyện trông chừng nhà cửa cho bố mẹ vợ tôi, sợ trộm cắp vào nhà. Thấy ông đã luống tuổi, nhưng còn gân nên tôi hỏi:
- Bác sẽ đối phó với đám trộm cắp như thế nào?
Ông từ tốn trả lời:
- Tao là dân biệt kích, có ngán chi ai!
Ám ảnh bởi câu nói đó, nên tôi có nhiều thắc mắc về ông Lân?  Người có một giai thoại liên hệ đến nhóm biệt kích sở Bắc vào đầu thập niên 60, mà sau này đọc qua hồi ký “Thép Đen” của Điệp Viên Đặng Chí Bình, tôi mới vỡ lẽ…
Ông Lân và 8 biệt kích quân toán Boone được máy bay C-123 của đoàn Nghiên Cứu Quan Sát thuộc cơ quan tình báo Hoa Kỳ (SOG), thả dù ra Bắc vào quá nửa đêm thứ ba rạng thứ tư ngày 29 tháng 7 năm 1964.  Mục tiêu nhẩy trên quốc lộ 7, hướng Tây-Bắc của huyện Con Cuông thuộc tỉnh Nghệ An. Nhiệm vụ của toán là thám sát và báo cáo mọi chuyển quân của Bắc Việt trên trục giao thông quốc lộ 7 qua biên giới Lào và xuống miền Nam.
Ngoài ra toán còn đảm nhận công tác phá hoại và xây dựng căn cứ biệt kích trong vùng. Xui thay, dù của người hiệu thính viên chính là Hồng Tôn Khải lại rớt trên cây rừng. Anh ta bị các nhánh cây đâm chết. Người hiệu thính viên phụ không biết xử dụng mật mã truyền tin của máy RC1, để có thể liên lạc với trung ương xin chỉ thị hay tiếp cứu. 
Một toán viên khác là Đoàn Ngọc Lễ 19 tuổi, bị lạc hướng gió nên dù rớt xa vùng.  Sau này biết tin anh ta bị cọp vồ.  Bảy người còn lại bị bắt vào 5 ngày sau khi đang tìm đường triệt xuất qua Lào vì cạn lương thực và nước uống.  Đêm mồng 2 tháng 8, toán lần mò xuống lấy nước ở một con suối thì bị rơi bẫy phục kích.  Bộ chỉ huy Sở Bắc ghi nhận toán Boone bị mất tích… 

Trong khi đó bà Lân ở Sàigòn, đang mang thai đứa con thứ tư được 3 tháng. Người vợ lính vừa tròn 30 tuổi, không hề hay biết gì về đời lính bí mật của chồng đã thay đổi từ hơn 1 năm nay. Mà biết để làm gì? Cứ mỗi tháng ông đưa tiền lương lính về nhà để chi tiêu cho đời sống gia đình là đủ. Chỉ mong có thế thôi!
Một tuần trước khi ông Lân nhẩy ra Bắc có về thăm nhà và đưa cho vợ 50 ngàn đồng Việt Nam Cộng Hòa (tương đương với trị giá 12-13 lạng vàng vào đầu thập niên 60), nói để dành khi sanh nở.  Ông bảo đây là món tiền thưởng của chính phủ tặng cho các quân nhân đạt được thành tích tốt.  Ông cốt ý giấu sự thật mà bà cũng tin như sấm!
Thật ra đây là số tiền tử của cơ quan tình báo Hoa Kỳ (CIA), trả sòng phẳng cho thân nhân biệt kích nhẩy Bắc để họ ra đi được yên lòng.  Rồi thì bà Lân không hay biết ông đi đâu và làm gì? Đã hơn một tháng qua không thấy ông về nhà.  Cũng không một ai thông báo tin tức gì cho gia đình?  Mà chẳng riêng bà, tâm trạng gia đình của hai toán viên khác cùng xóm cũng bị hoang mang như vậy.
Đầu tháng 9 năm 1964, ông Thượng Sĩ Triết ghé nhà trao tiền lương hàng tháng là 17 ngàn đồng Việt Nam Cộng Hòa cho bà Lân. Bà vặn hỏi ông ta tin tức về chồng bà.  Lúc đầu ông nói là không biết gì cả?  Bà năn nỉ mãi thì Thượng Sĩ Triết cho biết, nghe tin đồn là ông Lân đã tử trận nhưng không biết ở đâu?  Bà Lân và vợ của 2 toán viên khác bèn rủ nhau kéo lên nhà ông Triết, hỏi địa chỉ của trung ương để biết rõ số phận của chồng họ.  Trung ương thông báo rằng, chồng các bà đã hy sinh khi đi thi hành nhiệm vụ đặc biệt.  Vắn tắt có thế thôi!  Ba bà đau khổ trở về nhà làm lễ phát tang và đành lấy ngày 29 tháng 7, để làm đám giỗ cho chồng hàng năm?
Nhưng đâu phải một mình bà Lân đau khổ về chồng? Đời lính đa tình nay đây mai đó của ông Lân cũng có biết bao nhân tình? Đầu năm 1961, khi còn là lính của Sư Đoàn 2 Bộ Binh trong ban xây dựng nông thôn đóng ở quận Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, ông có quen một thiếu nữ thuộc loại hoa khôi trong quận có tên là Kim Chi. Chả là ông làm chỉ huy trong ban tuyên dương công trạng với nhiệm vụ sắp xếp các cô gái xinh đẹp, đi gắn vòng hoa danh dự cho các chiến sĩ xuất sắc.
Rồi Kim Chi phải lòng người trai chinh chiến. Miệng dẻo tán gái còn hơn mía lùi làm em mê chết được. Một lần ngã lòng sao đó, nàng trao thân cho ông tưởng rằng chàng chưa có dzợ. Năm ấy, ông đã 33 tuổi và nàng mới có mười mí cái xuân xanh. Ôi, đời đẹp biết bao! Ẵm được người đẹp “chẻ chung” như thế là “chiếng” rồi, mấy ai được bằng! Hai người có với nhau một bé gái. Đặt tên là Lan, vần tựa giống tên ông cho dễ nhớ. Ông cho biết Lan sinh năm 1962, nhưng không nhớ rõ ngày tháng nào?
Nghe nói bà Lân biết chuyện hồi đó. Nhưng nếu làm ầm ỹ lên thì chỉ thêm bẽ mặt. Lỡ ông giận lẫy, rồi cuốn gói theo cô vợ bé và cúp viện trợ lương lậu luôn thì chỉ có kêu trời mà trách. Không lỡ cam phận ở vậy nuôi con một mình, nên đành bỏ qua cho nó xong chuyện. Vợ lính ngày xưa là thế đó! Ai cũng dựa vào đồng lương của chồng. Đa số các bà chỉ biết ở nhà sinh con đẻ cái, nuôi nấng và làm việc nội trợ trong gia đình. Thậm chí còn phải giáo dục con cái thay chồng đi chinh chiến. Nhiều người vợ thất học, ù ù cạc cạc ngay đến mẫu tự ABC cũng mù tịt…nên biết gì mà dạy con? Đành  thả lỏng cho con cái nó muốn làm gì thì làm.  Mặc bay lớn lên ra sao thì ra!
So sánh giữa hai người đàn bà, thì dầu sao bà Lân cũng là vợ chính thức. Có tên có tuổi trong sổ lương bổng quân đội của ông đường hoàng. Còn bà nhỏ kia được gì? Quyền lợi đâu? Lại phải mang tiếng là gái không chồng mà chửa hoang. Thật ra, ông Lân đâu phải là sĩ quan cấp lớn mà có nhiều bổng lộc? Riêng bé gái tên Lan lại không được mang họ của cha, có đáng buồn không chớ? Đầu năm 1963, Ông Lân rời miền Trung để đi học khóa huấn luyện biệt kích 12 tháng ở trại Quyết Thắng, Long Thành gần Biên Hòa. Từ đó, người vợ lẻ không còn thấy hình bóng của ông nữa…
Sau khi bị bắt, công an cộng sản giải toán Boone và toán Atilla (bị bắt cùng khu vực vào tháng 5 năm 1964) từ nhà tù ở Nghệ An về Hỏa Lò, Hà Nội. Toán Boone cũng như các toán biệt kích khác bị đưa ra tòa án nhân dân xét xử, được báo chí đăng tải rùm beng. Họ bị tuyên án tù nhiều năm về tội làm gián điệp, đã cấu kết với “xịa” để đánh phá miền Bắc. Riêng Nguyễn Gia Thoa, người hiệu thính viên phụ của toán Boone được thân nhân là cán bộ gộc và người vợ lớn còn ở lại miền Bắc, bảo lãnh ra khỏi tù. Ông ta trở về quê ở Hà Đông (ngoại ô Hà Nội) và không ai trong toán còn thấy mặt nữa (trang 148 @1). Người này cũng từng lập gia đình với một cô vợ kế quê quán ở Tuy Hòa, sau khi vào Nam năm 54. Cô ta là một trong ba bà, đã kéo nhau lên trung ương để đòi lại “chồng” bị ghi nhận là mất tích.
Sau phiên tòa cáo buộc, giám thị ép tù biệt kích hợp tác ghi âm trong một phòng kín với đầy đủ chi tiết như danh tánh, cấp bậc, đơn vị, số quân cũ và ngày nhảy ra bắc theo bài soạn của họ để đài Hà Nội phát thanh về miền Nam. Mục đích tuyên truyền tố cáo chính phủ Sàigòn và cơ quan tình báo Hoa Kỳ (CIA), đã huấn luyện và gởi biệt kích ra bắc để phá hoại đảng và nhà nước. Tình cờ có người thanh niên tên là Uy, sống trong xóm nhà bà Lân bắt được làn sóng phát tuyến và thông báo cho bác gái biết là có nghe được tiếng nói của bác trai trên đài phát thanh Hà Nội. Như vậy là bác Lân trai vẫn còn sống và hiện đang bị giam cầm ở ngoài bắc? Cả nhà vui mừng như thấy thân nhân của mình vừa chết đi, nay đã sống lại!
Tháng 1 năm 1965, bác Lân gái hạ sinh một cháu trai và đặt tên là Hùng. Anh này cùng với gia đình giúp trang trí nhà cửa cho tân hôn của Điệp Viên Đặng Chí Bình được tổ chức vào ngày 28 tháng 9 năm 1981, có nói qua trong chương 37 tập IV hồi ký Thép Đen. Lúc đó Hùng mới được 16 tuổi và chưa một lần thấy mặt cha ruột của mình bằng xương bằng thịt.
Có lẽ bác Lân gái phải bôn ba kiếm sống để có thể nuôi nấng và dạy dỗ 4 người con nên người, trải dài gần 18 năm xa chồng? Trong tù ngoài Bắc, bác Lân trai đã nhiều lần mường tượng cảnh chạy ngược chạy xuôi, buôn thúng bán bưng lo gạo hàng ngày của vợ mình? Con cái có ai dạy dỗ và học hành ra sao? Tuy nhiên, những gì ông suy nghĩ trong tù về thảm cảnh gia đình của mình cũng không đến nỗi bi đát như thế! Vợ ông kể lại sau khi ra tù và trở về miền Nam vào tháng 2 năm 1982, như sau:      
Cuộc sống tuy khó khăn về mặt tinh thần vì thiếu vắng chồng, nhưng chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã lo lắng chu đáo về mọi mặt như cấp dưỡng tiền lương lính hàng tháng tính theo thời giá cho đến tháng 4 năm 1975. Trung Ương Sở Bắc kiếm công ăn việc làm cho quả phụ của biệt kích. Con cái được đi học ở trường Quốc Gia Nghĩa Tử ở Quận Tân Bình, Sàigòn.
Gia đình được hưởng tất cả các quy chế của cô nhi quả phụ Việt Nam Cộng Hòa. Bà nói, thật ra thì chính quyền Sàigòn đã chu toàn trách nhiệm với thân nhân biệt kích nhảy Bắc. Vợ con của ông không phải cơ cực như ông nghĩ! Nghe vợ nói thế mà ông vui lây vì nghĩa cử của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, một đời ông phục vụ và tận tụy hy sinh.
Tính ra hơn 500 biệt kích sở Bắc và trên 50 toán bị bắt từ năm 1960 đến 1968. Họ bị chuyển qua nhiều trại tù ở miền Bắc. Hỏi về trại giam Cổng Trời (tên chính là Quyết Tiến), một nơi mà sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đi “cải tạo” sau năm 1975, đã viết nhiều bút ký về trại tù này. Ông Lân kể lại, khi tù biệt kích bị đưa đến trại giam Cổng Trời thuộc tỉnh Hà-Tuyên (Hà Giang & Tuyên Quang) gần biên giới Trung-Việt, giám thị hù tù biệt kích rằng:
- Các anh chỉ “nên” đây mà không có ngày đi “xuống.”
Nghe nói mà ớn lạnh vì ai bị đầy lên trại giam Cổng Trời thì kể như hết. Thời tiết ở trại này khắc nghiệt vì địa thế trên cao độ 2.500m, so với đồng bằng và luôn có sương mù bao phủ quanh năm. Mùa đông lạnh cắt da từ 0-10 Celsius (32-50 F), mà tù biệt kích chỉ được phát một bộ đồ tù sọc đỏ viền trắng mỏng manh. Độc địa hơn thẩy, hễ giám thị không ưa tù nhân nào hoặc phạt tội ai thì mang đi cùm chân vào ngục đá kiên giam từ 30 ngày hay vài tháng chơi cho bỏ ghét!  
Phần ăn chỉ có khoai mì mốc hay bo bo (tù bị cùm, phần ăn giảm xuống còn 9 kg/một tháng). Cơn đói triền miên và áo mặc không đủ ấm. Bệnh tật, không thuốc men và lao động khổ sai làm nhiều tù nhân kiệt sức rồi chết. Họ ngược đãi đồng loại mình còn tệ hơn súc vật, được nuôi ở nước ngoài!
Đến đầu năm 1972, thì tất cả tù biệt kích đều bị dồn về ba trại tù chính ở miền Bắc. Riêng ở trại giam số 1(còn gọi là Phố Lu) thuộc tỉnh Lào Cai (Hoàng Liên Sơn), tù biệt kích đã đạt được một thắng lợi nhỏ khi đồng lòng tuyệt thực 4 ngày để phản đối Cộng Sản Hà Nội không chịu trao trả tù binh chiếu theo hiệp định Paris vào trung tuần tháng 5 năm 1973(chương 20 @ 1). Vài tù nhân xách động cuộc tuyệt thực bị bắt cùm chân, đánh đập, bỏ đói và tống vào ngục đá kiên giam một cách dã man và tàn bạo.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, bác Lân gái liên lạc về quê chồng ở Thái Bình. Mẹ chồng cho biết là ông Lân vẫn còn sống và đang bị giam cầm ở trại Phố Lu. Vào năm 1976, vợ ông có dẫn theo người con gái thứ hai (lúc đó là thiếu nữ) lặn lội ra bắc để cùng với mẹ chồng đi thăm nuôi. Cả ba đáp xe lửa đi Ga Phố Lu. Từ trạm ga này phải đi bộ hơn 2 ½ tiếng đồng hồ, trên đường đá gập gềnh mới đến được trại giam Phố Lu.
Thân nhân được phép ở lại nhà tiếp qua đêm 24 giờ. Những năm đó, tù biệt kích được thả lỏng đôi chút vì không còn thế lực thù nghịch của chính quyền miền Nam. Ông Lân tháp tùng với gia đình đi bộ xuống ga xe lửa Phố Lu để tiễn chân. Bịn rịn và xúc động lúc chia tay làm ông nẩy ý định bỏ trốn theo vợ con. Nhưng rồi ông lại thay đổi ý định và lủi thủi trở lại trại giam Phố Lu.
Ngày 21 tháng 2 năm 1982, ông Lân được trả tự do và trở về miền Nam. Cùng ngày này 12 năm sau, hai ông bà sang Mỹ theo diện HO 21. Bà Lân mắc bệnh nan y và mất vào ngày 28 tháng 6 năm 1995. Thời gian bà sống ở Mỹ chỉ vỏn vẹn 1 năm 4 tháng. Một điều làm ông ray rức mãi là không có phương tiện, chở bà đi chạy hóa chất trị liệu ở nhà thương địa phương. Có lẽ bà cũng chẳng biết nước Mỹ rộng lớn ra sao nữa? Bà Lân được hỏa táng và thân nhân mang hài cốt về quê hương.
Cuối tài khóa năm 1999 (ngày chót 30 tháng 6), Tổng Thống Clinton phê chuẩn văn kiện bồi thường cho mỗi người biệt kích nhảy Bắc bị cầm tù trên 20 năm, một số tiền tối đa là $40 ngàn dollars. Sau khi trừ đi 10% để trả lệ phí cho tổ hợp luật sư John C. Mattes ởMiami bang Florida, thì phần còn lại của mỗi người cũng còn kha khá. Cuối năm đó, ông Lân về thăm quê hương lần đầu tiên sau 7 năm xa xứ. Ông cùng với 2 người con lớn ra tận huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi, để tìm lại người tình xưa là bà Kim Chi. Ngẫu nhiên người xưa và cô con gái vẫn còn sống trên mảnh đất tổ tiên đã bao năm qua, nên việc tìm kiếm ra họ không khó. Khi thấy Lan thì ông giới thiệu cô ta với hai người con của vợ lớn rằng:
- Đây là chị và anh của con!
Mọi người cảm động, ôm chầm lấy nhau òa lên khóc. Dầu sao họ cũng có sự liên hệ máu mủ ruột thịt!
Vậy tình cảnh gia đình bà Kim Chi ra sao hở bác?
Ông Lân kể vắn tắt:
Sau khi ông ra đi đột ngột thì trung đoàn 5 thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa cũng được lệnh rút. Liên Đoàn 11 Biệt Động Quân về tỉnh Quảng Ngãi thay thế? Nhờ có nhan sắc nên Kim Chi quen một anh chàng trung úy. Hai người lập gia đình với nhau và hạ sinh một cháu trai. Con gái tao cũng đổi sang họ của anh ta để được hưởng tiền phụ cấp. Người chồng Trung Úy Biệt Động Quân sau này đã hy sinh trong một trận chiến và cảnh mẹ góa con côi lại tiếp diễn…
Vậy bác trở lại huyện Sơn Tịnh để làm gì? Hay có ý chấp nối lại mối tình ngày xưa?
- Tao cũng định như vậy. Nhưng đâu ngờ…
Ngờ gì?
- Bà ta đã sang ngang với một thương binh bộ đội một thời “đi B” (vào Nam chiến đấu) độ vài năm, sau biến cố 75 rồi!  Giờ thì ông lại lỡ một chuyến đò thời gian.  Bà Kim Chi có biết bác đã có gia đình trước không?
- Ngày trước thì không, nhưng vì thấy 2 người con lớn đi chung thì bà ta đoán ra. Vậy bác giải thích như thế nào?
- Tao nói vì thời cuộc thay đổi chứ ai nào muốn thế!
Còn cô Lan thì bác tính làm sao?
- Tao mua cho vợ chồng nó và 3 con nhỏ một mảnh đất gần đó để cất nhà. Tôi thầm nghĩ như vậy cũng được, nhưng không nói ra!  
Từ dạo đó, không nghe ông nói trở lại Quảng Ngãi để thăm người con gái riêng và 3 đứa cháu ngoại nữa? Nhưng thấy ông thường liên lạc qua điện thoại với các con cháu người vợ lớn luôn!
Sau bao năm tháng ngục tù, biết rằng ông không muốn tiết lộ bí mật về chuyện biệt kích nhẩy Bắc. Quỹ thời gian không còn nhiều, còn chờ đến bao giờ? Thật ra, chuyện đời không hẳn tuyệt đối như thế!  Mấy người quen sát bên nhà ông nói rằng, họ nghe ông kể chuyện biệt kích nhiều lần khi ngồi nhậu chung.  Thậm chí, nhiều bạn trẻ chẳng biết ất giáp mô tê danh từ Biệt Kích Sở Bắc là gì nữa?  Có người bênh vực ông với lý do: bác ta hay “dù” về Việt Nam, sợ nhà nước làm khó dễ…anh muốn viết gì thì đọc sách Mỹ để phân tích hư thực!  Coi như vô thưởng vô phạt vậy!
Thời chinh chiến đã qua. Miền Nam thua nên người lính Cộng Hòa mang mặc cảm bại trận. Miền Bắc thắng, thì bộ đội cộng sản phải có trách nhiệm bảo vệ tổ quốc.  Riêng người mẹ, người vợ và người yêu của lính, thuộc hai miền Nam-Bắc là bất hạnh nhất.  Nước mắt lăn dài trên gò má người phụ nữ Việt Nam khổ đau, bao tháng năm dài trông ngóng người chinh nhân ra đi biền biệt.  Biết đến bao giờ anh trở về?  Ngày anh về sau bao năm gặp lại, ta nhìn nhau bỡ ngỡ…vì cuộc tình dĩ vãng thời lửa binh đã đi vào quên lãng!     
Tài liệu tham khảo:
1) Secret Army Secret War (Đội Quân Bí Mật Cuộc Chiến Bí Mật) của Sedgwick Tourison.
2) Biệt Kích Quân Bị Lãng Quên (SOG) của John L. Plaster.
3) Thép Đen của Điệp Viên Đặng Chí Bình.
4) Biệt Kích Sở Bắc Nha Kỹ Thuật/Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
5) OP34A - Đường Vào Địa Ngục của Biệt Kích Phan Tuấn Sơn.   
6) Biệt Kích Quân “Chuột Nhắt” Nguyễn Văn Tính viết theo lời kể của Nguyễn Khắp Nơi.
7) Chuyện Giăng Lưới bắt Biệt Kích Mỹ và Trò Chơi Điện Đài mạng Công An Nghệ An.
8) Trại giam Cổng Trời (Quyết Tiến) trên youtube.
9) Ghi lời kể sơ lược về chuyện tình của người biệt kích toán Boone(NHL).  





1 comment:

  1. Chau Darren,

    Cho toi duoc goi Darren bang chau, tuy khong biet tuoi tac va lai lich. (Tuoi toi cung gan 80 va con truong cua toi da hon 50).
    Rat cam on chau da cho biet danh tinh cua toan Boone. Nhu vay, chau cung da suu tam va doc rat nhieu tai lieu ve to chuc cung nhu hoat dong cua NKT/BTTM/QLVNCH va cac to chuc tien nhiem cua don vi nay. That dang mung vi con nhung nguoi Viet dan em hoac con chau tha thiet va quan tam den qua khu cua que huong, va lich su cua dan toc VN. Nhu chau da viet trong email, Pham Hoa la nguoi doc nhat cua don vi NKT/BTTM da bo nhieu cong suc va co gang suu tam tai lieu ve don vi va ghi lai tren Blogs de cac the he tuong lai co the hieu biet them ve lich su va nhung cong tac dac biet ve cuoc chien tranh tai VN trong thoi ky 1954-1975.
    Chuc chau thanh cong trong moi no luc va nhieu suc khoe.

    Lu-Trieu Khanh
    Winston Salem, NC.

    ReplyDelete