Friday, May 23, 2014

Ý Nghĩa Ngày Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong


Những tấm bia có số quân
Nằm sít sao bên nhau
Như đang đồng diễn
Khí phách hào hùng
Thời chinh chiến
Lý lẽ bại vong chẳng phải vì hèn yếu
Mà vì cùng chung mệnh số quê hương

Gởi anh và những người có số quân
hình ảnh nghĩa trang Quân Đội Mang Cá
bị di dời lên núi, bia mộ bị ném bỏ lung tung 
Được người dân gom nhặt, cắm lại thẳng hàng và xây thành
đắp bia, hương khói tưởng niệm

Ý Nghĩa Ngày Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong
Tự cổ chí kim, từ đông sang tây, dường như chưa có một đân tộc nào lại sẵn sàng và tự nguyện để cho dân tộc khác cai trị mình, đè đầu cỡi cổ, bóc lột, áp bức người nước mình. Việc chấp nhận sự cai trị của người khác luôn luôn là bất đắc dĩ. Vì sức yếu, thế cô mà phải khuất phục, nghĩa là chịu nghe lời. Đây là khuất nhục chứ không phải là khuất phục. Người bị trị lúc nào cũng cố tìm cơ hội để vùng lên tranh đấu dành lại tự chủ. Đây cũng chỉ là tâm lý thông thường mà thôi: một dân tộc dù nhỏ bé đến đâu, cũng mang lòng tự cường, muốn tự cai trị dân tộc mình, điều khiển vận mệnh đất nước quê hương mình, chứ không ai muốn làm thân phận của kẻ bị trị. Thế nhưng, tự do và tự chủ trên thế giới này không phải là một món quà có sẵn, ai cũng có thể nhận lãnh. Có rất nhiều dân tộc luôn luôn muốn đè đầu cỡi cổ dân tộc khác, luôn luôn muốn chiếm đất nước của dân tộc khác làm của mình, để thỏa mãn tham vọng bá quyền, bá chủ. Do đó, tự do và tự chủ đòi hỏi sự chiến đấu để giữ gìn hay giành lại. Chính vì lẽ đó mà khi quê hương đất nước bị xâm phạm, quyền dân tộc tự quyết bị đe dọa, thì mọi người đều vì ý thức dân tộc, vì niềm đau xót giống nòi mà đứng lên chống cự lại.

Lịch sử thế giới đã cho thấy là xã hội loài người không lúc nào được hòa bình. Chiến tranh luôn luôn xảy ra giữa các dân tộc, giữa các lân bang... Muốn tồn tại thì phải tranh đấu. Mọi cuộc chiến tranh đều gây đau thương, chết chóc và tàn hại. May mắn là mỗi một quốc gia, dân tộc, đều có những đứa con dũng cảm kiên cường, mỗi giống nòi đều có máu kiêu hùng, bất khuất thúc giục người dân xông pha chấp nhận hi sinh để bảo vệ đất nước, bảo vệ những giá trị và lý tưởng thiêng liêng, chống lại bạo tàn và áp bức. Những con dân dũng cảm kiên cường bất khuất đã hợp thành những đoàn quân chiến đấu cho quê hương và nòi giống. Chiến đấu hết lòng, xem nhẹ cái chết. Sự tồn tại của một quốc gia thường do công ơn bao nhiêu thế hệ đã hy sinh, đã xả thân trên chiến trường... Quốc Tổ có công dựng nước, con dân có công giữ nước. Do đó, hầu hết các quốc gia dù nhỏ hay lớn, giàu hay nghèo, đại cường hay nhược tiểu... tất cả đều luôn ghi nhớ công ơn của những người đã đóng góp máu xương cho sự sống còn của đất nước, đặc biệt là những chiến sĩ nơi biên thùy, trận mạc, chốn sa trường đầu tên mũi đạn... vì tổ quốc nhân dân không nề sống chết.

Ngày Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận
Vong

Trong ý hướng ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ đã hy sinh vì quốc gia dân tộc và vì lý tưởng tự do của nhân loại, nhiều quốc gia đã dành một ngày để TƯỞNG NIỆM rất long trọng. Tại Hoa Kỳ, ngày tưởng niệm chiến sĩ trận vong đã trở thành quốc lễ, gọi là MEMORIAL DAY. MEMORIAL DAY cũng còn gọi là DECORATION DAY, tức là ngày truy tặng Huy chương cho những chiến sĩ đã hy sinh. Tên “Decoration Day” do Tướng John A. Logan chọn ngày 30 tháng Năm, 1868 làm một ngày đặc biệt để vinh danh những nghĩa trang của những chiến sĩ trong Liên Hiệp (Union). Logan đã phục vụ trong quân đội với tư cách Tư Lệnh tối cao của Đại Quân nước Cộng Hòa (the Grand Army of the Republic), một tổ chức của Cựu Chiến Binh của Liên Hiệp trong cuộc Nội Chiến (Civil War).

Về lai lịch của ngày MEMORIAL DAY thì có một số cộng đồng nhận rằng đã sáng lập ra ngày lễ đó. Nhưng vào năm 1966, chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng Waterloo, New York là những nơi đã đặt ra ngày lễ này. Người dân ở Waterloo lần đầu tiên cử hành Memorial Day vào ngày mồng 5 tháng Năm, năm 1866 để vinh danh những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc Nội Chiến Nam Bắc tại Mỹ. Vào ngày này, các công việc buôn bán, cơ sở kinh doanh đều đóng cửa và người ta đến trang hoàng các nghĩa trang, mồ mả của các tử sĩ và kéo cờ lên nửa cột để tưởng niệm. Ngày Memorial Day là một ngày lễ pháp định (legal holiday) trên tất cả các tiểu bang, trừ một số tiểu bang ở miền Nam. Ngày nay, Memorial Day là ngày biểu lộ lòng tôn kính và biết ơn của của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đối với các chiến sĩ đã hi sinh trong tất cả mọi cuộc chiến vì nước.

Nghi Thức Cử Hành Lễ Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong

Trong ngày Memorial Day, người ta cắm hoa và cờ trên khắp các nghĩa trang, trên từng ngôi mộ của tử sĩ. Nhiều tổ chức và đoàn thể, gồm cả các đoàn nam, nữ  Hướng đạo sinh,  các đoàn thể thân hữu đi diễn hành theo kiểu quân đội và tham gia nhiều chương trình tưởng niệm đặc biệt khác.

Các chương trình này thường gồm có phần tuyên đọc diễn văn của cố Tổng Thống Abraham Lincoln bài “Gettysburg Address”. Lễ tưởng niệm được cử hành khắp nơi có quân nhân Hoa Kỳ hy sinh, như tại các nghĩa trang ở hải ngoại, trên sông nước cho những người đã chết trên biển cả, lễ tại Đài Chiến Sĩ Vô Danh ở Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, tiểu bang Virginia. Bắt đầu từ năm 1971, ngày làm lễ Memorial Day được ấn định vào ngày thứ  HAI của tuần lễ cuối tháng Năm. Trong những năm vừa qua và hiện nay, ngoài nghi lễ của chính phủ và các tổ chức, các thân nhân và gia đình tử sĩ cũng tự mình trang hoàng mồ mả của những người thân yêu rất đẹp đẽ.

*****

Qua truyền thống Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong, chúng ta thấy rằng sự hình thành và phát triển của một quốc gia luôn luôn gồm quá khứ, hiện tại và tương lai. Người đã chết, người đang sống và thế hệ sẽ sinh ra đều có tương quan mật thiết với nhau.  Quá khứ dù đau thương, tủi nhục... vẫn là cội nguồn từ đó một cá nhân hay dân tộc vươn lên. Nếu có người muốn quên quá khứ vì không muốn hồi tưởng những kỷ niệm chung, riêng, quá bi đát, u buồn... cho bản thân và tập thể... thì thật là đáng tiếc cho tâm hồn. Một nhà văn Pháp đã ghi nhận rằng “Rien ne nous rend si grand qu' un grand malheur!” (không có gì có thể làm cho chúng ta trở nên cao cả bằng một nỗi bất hạnh lớn lao).  Văn chương Việt Nam có câu: “Những kẻ nên khôn đều có dại, Người đời có dại mới nên khôn!”

Thi sĩ Dryden cũng đã nhận ra sự cần thiết của khổ đau trên đường về hạnh phúc của nhân loại, khi ông viết:

“For all the happiness mankind can gain Is not in pleasure, but in rest from pain.”  (DRYDEN, The Indian Emperor, IV).

Vậy thì, tâm tư con người chỉ khác nhau ở chỗ biết vươn lên từ hèn kém khổ đau, biết trân trọng quá khứ để rút kinh nghiệm cần thiết cho tương lai. Trong cuộc chiến Việt Nam vừa qua, một số người Mỹ gồm cả giới chức cao cấp như Tướng McNamara, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam, vì tâm hồn già nua, lụn bại, nên đã có những nhận xét tiêu cực, và hồ đồ về cuộc chiến mà chính ông ta trực tiếp chỉ đạo “Cuộc chiến McNamara” mà ông đã từng tự hào. Trước đây, ông viết sách phản tỉnh tuyên bố rằng Mỹ vào chiến đấu giúp miền Nam Việt Nam chống lại sự bành trướng của cộng sản là một cuộc chiến “terribly wrong” (sai lầm một cách kinh khủng), giờ đây McNamara lại viết cuốn khác, nội dung cho rằng cuộc chiến Việt Nam thất bại là vì trong chính phủ Mỹ không có ai dành một trăm phần trăm (100%) thời gian để nghiên cứu chiến lược! Đây là những suy luận lẩm cẩm của một vị tướng già nua nhưng vẫn còn muốn cựa quậy để nổi lên... McNamara phải nói ra một cái gì không hợp tình hợp lý mới gây được sự chú ý của dư luận, thế thôi, chẳng có gì quan trọng. Điều đáng nói trong cộng đồng Việt Nam tị nạn là đã có những người vượt biển, ra đi vì phải trốn thoát chế độ cộng sản, có người đã phải trả giá rất đắt trên biển cả... (thân nhân chết oan khiên, bỏ mình trên biển Đông, vợ lọt vào tay hải tặc bạo tàn... v.v...), nhưng sau một thời gian ở hải ngoại, cuộc sống êm ấm, vững vàng, vội lên tiếng kêu gọi “quên đi cuộc chiến vừa qua, xem như tiền kiếp...”, có người thì hô hào “hãy quên đi quá khứ hận thù cộng sản”, có nghĩa là ngưng mọi cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản trên quê hương Việt Nam, để yên thân mà sống, vì theo họ không thể nào làm gì được trước sự đã rồi... Nếu xét về mặt tâm lý, thì một số người muốn trốn lánh quá khứ vì bản tính cầu an, bằng lòng với bất cứ nơi nào có cơm no, áo ấm, có bạc tiền, thì số người này không có gì đáng nói. Nhưng có một số ít người vì ý thức hệ chính trị mà hô hào quên đi quá khứ, ngưng chống đối cộng sản, để cộng sản có thể tiếp tục lừa bịp thế giới, lừa mị người dân, ngõ hầu tiếp tục cai trị dân với chính sách độc tài đảng trị đã bị thế giới văn minh bỏ lại đàng sau hàng thế kỷ... Loại người này không thể chấp nhận được trong cộng đồng tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại, vì chúng luôn luôn tìm cơ hội để làm lợi cho cộng sản Việt Nam. Hoa Kỳ và một số nước Âu Châu, Á Châu trong thế giới tự do... đã hỗ trợ và trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam trước 1975, vì đây là một cuộc chiến có chính nghĩa rạng ngời: đó là Bảo Vệ Tự Do cho nhân dân miền Nam Việt Nam và thiết lập tiền đồn ngăn sự lan tràn của làn sóng đỏ từ phương Bắc. Nước Mỹ đã từng bị chia rẽ vì sự gian trá của truyền thông phản chiến, đã làm lu mờ mục đích cao cả của cuộc chiến chống Cộng sản quốc tế trong cuộc Chiến Tranh Lạnh Toàn Cầu...

Nhưng mấy năm gần đây, ý nghĩa của cuộc chiến tranh Việt Nam đã từng bước được làm sáng tỏ... mà bằng chứng hùng hồn là TƯỢNG ĐÀI TƯỞNG NIỆM CỰU CHIẾN BINH CHIẾN TRANH VIỆT NAM, khắc tên tất cả mọi quân nhân Hoa Kỳ đã tham gia cuộc chiến tranh đáng căm ghét nhất của nước Mỹ, ngay tại Thủ Đô Washington, trong khu các tượng đài tưởng niệm George Washington, Thomas Jefferson và Abraham Lincoln, và trong tháng tư vừa qua, ngày 27-4-2003, tại Nam California, thành phố Westminster – Little Saigon, một Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ đã được khánh thành trọng thể để tưởng nhớ công ơn của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ chiến đấu vì lý tưởng tự do tại Nam Việt Nam trước năm 1975.

Nguyễn Châu

No comments:

Post a Comment